"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Đẹp Làm Đẹp Cái Đẹp

   Đẹp là một ý nghĩa dễ hiểu và mơ hồ. Một bông hoa đẹp, một thiếu nữ đẹp, dễ hiểu. Một ý tưởng đẹp, bắt đầu hơi khó hiểu. Một câu thơ đẹp, mơ hồ. Tôi thường hay suy nghĩ về ý nghĩa của đẹp và quan niệm về đẹp vì tôi biết, làm nghệ thuật là làm đẹp. Tôi chọn làm thơ để làm đẹp cuộc đời tôi và làm nhạc để làm sướng cuộc sống tôi.

   Đẹp dễ hiểu hay mơ hồ là tùy vào cái gì đẹp hoặc làm đẹp cái gì. Cái gì đó càng cụ thể càng dễ cảm nhận. Càng thực tế càng dễ hiểu. Càng cụ thể càng mang giá trị tương đối. Càng trừu tượng càng đòi hỏi giá trị cao cấp, tiến về tuyệt đối và chắc chắn sẽ không bao giờ có.

   Một thanh niên bị sắc đẹp quyến rũ, thu hút, sẽ rơi vào một trong ba trường hợp sau đây. Hoặc anh tán tỉnh, tìm đủ mọi cách để cô ấy trở thành tình nhân, cưới về làm vợ. Hoặc anh thua cuộc, về tương tư ít lâu, tìm người đẹp khác. Hoặc anh cưỡng hiếp, chiếm đoạt sắc đẹp kia. Người làm thơ cũng có kẻ đến chơi với thơ một thời rồi bỏ đi. Tìm vui một nơi khác. Có kẻ yêu đủ, chung thủy, suốt đời với thơ thì mới tận hưởng được sắc đẹp của thơ. Nói ra như làm khó nhau nhưng kẻ mới vào thơ chỉ hưởng sắc. Phải ở lâu, tận tụy, mê mùi thơ mới nắm được cái đẹp. Đã được đẹp thì không cần sắc. Có kẻ làm thơ như thi tặc. Mỗi khi có nhu cầu, tìm đến áp bức thơ. Đẻ ra những bài thơ như sâu. Làm rầu nồi canh.

   Cưỡng đoạt thì không thể hiểu được mối tình già, mối tình kết tinh từ khốn khó khoái lạc u uất bực bội thương xót ganh ghét khoan dung, đã được thời gian tác tạo và làm chứng. Thơ cũng như người. Thơ già theo thi sĩ. Đã già thì đẹp không thuộc về sắc mà thuộc về hương.

   Trong đời, tôi đã nhìn thấy nhiều cảnh đẹp, gặp nhiều người đẹp, đọc nhiều văn thơ đẹp. Có cái đẹp khiến lòng tham muốn. Có cái làm ta an lành. Có cái làm sung sướng. Có cái làm ta suy tư. Có cái khiến ta giác ngộ. Tôi yêu cái đẹp trước khi làm thơ làm nhạc. Tôi quả quyết rằng, chính sức đẹp này đã khiến tôi chọn thơ và nhạc để bày tỏ. Về sau tôi hiểu rằng không phải là bày tỏ mà là cách tự vệ trước những buồn khổ, phiền hà, hệ lụy của nợ đời. Một người sinh ra như dọn vào căn phòng riêng. Ở càng lâu càng khám phá ra nhiều hư hỏng. Nền vách tồi tệ dần. Không dọn đi đâu được. Đành phải làm đẹp căn phòng của mình để tháng ngày còn lại thoải mái cưu mang. Dù giá trị cuộc đời là phiền toái, mỗi ngày sống với cái đẹp cũng tạo ra những niềm vui riêng. Tôi làm thơ vì vậy.

   Đẹp mang đến cho tôi cảm giác lãng mạn, bóng dáng của ý nghĩa, cội nguồn không thật của lý do. Đẹp là cách sống hơn là mục đích và ý nghĩa sống. Đẹp là nghệ thuật của khoan khoái thở hơn chính là hơi thở mặc dù hết thở là chết. Đẹp vừa có giá trị tương đối vừa có giá trị tuyệt đối hão huyền đối với tôi.

   Năm ấy tôi học lớp Ba. Thành phố Qui Nhơn vào đầu thập niên 60 còn đồng không nhà trống. Từ nhà đến trường, những dẫy đất hoang tiếp tiếp Gai Lưỡi Long, cây Mủ và cây hoa vàng có trái giống trái đậu nành nhỏ. Một trưa, trên đường từ trường về, tôi để ý một chùm cây hoa vàng có gì khác lạ trên một bãi đất trống gần nhà. Đến gần, thấy những trái nhỏ dài bằng độ hai lóng tay ra đầy cây, nhiều hơn cả lá xanh. Trái màu xám xám nâu nâu. Cảm tưởng lúc đó như những mẩu thuốc cẩm lệ mà dì tôi dán xung quanh nhà khi hút dư. Sau khi ăn trưa, bỏ ngủ, đi học sớm, tôi ra lại cây hoa. Không hiểu động lực nào khiến tôi phải ra lại. Tôi không phải là người thích hoa. Trưa nắng và gió lặng. Tôi nhớ rất rõ. Đang đứng nhìn những trái cây và bâng quơ chờ giờ đi học, tôi thấy từ trong một trái có một vật bò ra. Nở ra một đóa hoa vàng hai cánh. Rồi một,, rồi hai, rồi trước sau trong thoáng chốc hoa vàng nở khắp cây. Tôi sững sờ nhìn những cánh hoa chập chờn. Vàng dần, lộ những chấm đen rõ rệt. Rồi từ từ một cánh hoa bay lên. nhiều cánh hoa bay lên. Đồng loạt hoa rời cành bay lên không trung. Loạng choạng, lừng khừng nhưng rồi uyển chuyển tỏa ra khắp bãi trống. Cây hoa bấy giờ chỉ còn lơ thơ vài lá xanh và những trái kén bể ruột lung lay. Được chứng kiến cảnh sâu bướm thành hoa này đã hơn 40 năm. Nhớ lại vẫn như trước mắt. Sau này đọc một câu thơ Hài Cú, "Cánh hoa rụng xuống, bướm bay lên..." của Basho hoặc của Issa, tôi quên mất nhưng tôi biết người xưa muốn nói gì. Chuyện ấy đẹp vô ngần.

   Càng nghĩ đến con bướm của lãng mạn, con bướm của Trang Tử, con bướm của triết lý, tôi càng thấy cái đẹp của hôm đó liên quan đến đời tôi. Nghệ thuật phải chăng là những cái tầm thường phải rụng xuống để bay lên, để sống thật sự với hồn riêng. Tác phẩm rời tác giả với linh hồn riêng của nó. Hồn ấy có thể giống hồn tác giả nhưng không phải là hồn tác giả. Những tác phẩm không hồn, không thể tự sống, tự bay theo thời gian. Trưa hôm ấy, tôi trốn học. Ở lại quanh quẩn bên cây hoa. Tìm những cái kén còn treo trên cành không nở hoa. Tôi đã xé kén bằng cái kéo thủ công và đầu bút chì nhọn. Con bướm con run rẩy chui ra và chết như những bài thơ tôi vứt vào thùng rác.

   Làm thơ là làm đẹp. Làm đẹp cho ai, cho cái gì hoặc cho chính cái đẹp, những điều này không quan trọng. Thi ngôn chí, người xưa thích làm đẹp lý tưởng. Lý tưởng lúc nào cũng là giấc mơ lớn của người. Thời nào, thế hệ nào cũng vậy. Có gì đáng chê thơ làm đẹp lý tưởng? Vị nhân sinh, Làm đẹp con người. Đây là cách thật nhất để làm con người càng ngày càng cách xa loài vật. Không phải trí khôn, không phải văn minh, không phải luận lý, không phải vật chất... mà chính cái đẹp của trí khôn, cái đẹp của văn minh, cái đẹp của luận lý, cái đẹp của vật chất... làm chúng ta càng lúc càng thiên thần. Vị nghệ thuật, làm đẹp cho cái đẹp được đẹp hơn là việc đứng đắn. Làm đẹp không thuộc về bản năng sinh tồn mà thuộc về bản năng phát triển. Một trong những bản năng chỉ có nơi con người.

   Có thể nói, một người sau khi ăn no mới nghĩ đến chuyện ăn ngon. Sau khi ăn ngon mới nghĩ đến cách ăn sao cho lịch lãm. Làm thơ là nghệ thuật bắt đầu từ ngon lên đến lịch lãm. Làm thơ là làm đẹp bằng ngôn ngữ. Như thế là đủ. Bởi vì không cần làm đẹp cho ai, cho cái gì, ngay cả cho chính cái đẹp cũng không, nên chữ làm đẹp có ý nghĩa rất mơ hồ. Không có gì cụ thể hay thực tế trong việc làm đẹp này.

   Tôi nghĩ, cái đẹp tuyệt đối chỉ là sản phẩm tưởng tượng của loài người. Nói văn vẻ hơn, chân thiện mỹ là những ước mơ không bao giờ có. Đẹp chỉ có tương đối. Vì trong mỗi cái đẹp đều có cái không đẹp và cái xấu. Nhưng phần đẹp nhiều hơn, lấn lướt nên ta thấy đẹp, cảm nhận đẹp mà lờ đi, quên đi cái xấu.

   Khi nói rằng làm thơ là LÀM ĐẸP, có nghĩa là làm xấu một phần nào. Trong thực tế, không thể tách rời đẹp và xấu. Khi làm đẹp một cách tương đối, có nghĩa là phần đẹp đánh dộng vào cảm xúc, vào giá trị nghệ thuật, vào không khí sự việc, vào tổng quan đời sống. Suy tư như vậy là lý thuyết, là đơn giản. Chuyện thật phức tạp và nhiêu khê hơn.

   Câu chuyện kễ lại của một thầy tu sau thành nhà thơ:

Tôi vào nhà tu dòng Sư Huynh từ năm lớp Nhất. Tiểu chủng viện nằm ở thành phố Nha Trang, ven biển. Khi đến các lớp lớn, mỗi mùa hè, chúng tôi chia nhau đi phục vụ ở các trại thiện nguyện, trại cùi, viện mồ côi.... Hè năm Đệ Tứ, tôi theo một sư huynh lên ngôi làng nhỏ gần Ban Mê Thuộc. Làng tân cải được phát rừng sơ sài làm tạm trại cùi cho người thượng, về sau có cả người kinh. Mọi phương tiện đều thiếu thốn. Những người ít bệnh hoặc mới phát bệnh ở phần ngoài. Càng vào sâu trong làng là những bệnh nhân trọng bệnh. Cuối làng là bãi tha ma, đầy cây thập giá chôn thẳng hàng. Có lẽ, đây là nơi ngăn nắp thứ tự nhất trong làng. Có ba giếng nước nằm ở đầu, giữa và cuối làng. Còn giếng nước thứ tư, tôi không được biết cho đến một đêm trăng.

   Đêm ấy, trăng khá già nhưng chưa khuyết lắm. Mây nhiều nên ánh sáng khi tỏ khi mờ. Đêm nào thấy đom đóm nhiều, tôi đi bắt nhốt vào chai làm đèn. Hôm sau cho các trẻ em, chúng khoái lắm. Tôi đi chơi và dạy các em học nhiều hơn là giúp các ma sơ, các linh mục săn sóc bệnh nhân.

   Tôi bắt đã đầy hai chai, đom đóm vẫn còn nhiều. Vào sâu trong rừng, bất chợt thấy có người đang tắm giếng. Cái giếng này tôi chưa đến bao giờ. Trăng mờ nhưng tôi rất xúc động khi biết người đang tắm là một cô gái.

   Ở nhà dòng, vào tuổi dậy thì, chúng tôi có học về sinh lý. Nhưng với sức lực tràn trề và phát động của tuổi đang lớn, những điều học lý thuyết kia càng tăng lòng tò mò. Thấy một người nữ tắm trần truồng dù không rõ, đối với tôi lúc ấy là một hiện tượng kinh hãi, sung sướng, hồi hộp, tội lỗi, tham muốn, .....Trong mỗi con người đều có một con ma. Trong thầy tu, có con quỉ. Tôi lết lại gần, núp sau lùm cây. Nhìn một cảnh tượng rạo rực, đẹp đẽ, mê mẩn. Không có ngôn ngữ nào để tả thân hình đang xuân xoay lượn, ẻo lả, xuống lên trong ánh trăng huyền hoặc. Không gian lồng lộng nhạc côn trùng. Tiếng nước xối xuống từ chiếc gàu chạm vào da nghe rần rật ù tai. Người con gái múa. Đôi tay luồn qua chậm chậm luồn lại chậm chậm khắp người từ ngực xuống chân. Tóc rớt xõa chợt hất tung lên. Cả người rung theo. Vũ điệu câm dìm tôi vào cơn sốt. Mãi mãi về sau này, tôi vẫn không gặp được cảnh tượng, cảnh giác nào đẹp sống như đêm ấy.

   Tôi đoán trăng ra khỏi lùm mây. Ánh sáng rực rỡ hơn. Tôi nhìn thấy thân thể thiếu nữ rõ ràng hơn. Từ bao tử ựa trào lên nước chua. Nước cay thốc ra miệng. Tôi lấy gân bụm lại. Nuốt xuống. Mắt vẫn không rời thân thể dễ sợ kia. Trên làn da những ung mụt lở lói, những vết nứt, những sần sùi lộ dần dưới ánh trăng.

   Đối với người từng trải, thấy thiếu nữ tắm trần không đến đỗi đẹp hừng hực như thầy tu. Người đã từng nằm ngủ chung với xác chết ung thối giữa trân địa, sẽ không mữa thốc khi thấy ung nhọt người cùi. Cái đẹp ảnh hưởng trên mỗi người mỗi khác. Do đó, cái đẹp tương đối ngoại trừ trong đẹp đã có xấu, còn tương đối ở chỗ mỗi người tiếp nhận, định giá và diễn đạt cái đẹp khác nhau. Quá trình từ đẹp để làm đẹp quả thật là nhiêu khê.

   Nếu tương đối đã có từ bản chất của đẹp thì phương tiện và hành động của đẹp cũng chỉ có tính tương đối. Nghệ thuật thơ là làm đẹp thơ ca. Nghệ thuật sống là làm đẹp đời sống, Nghệ thuật yêu là làm đẹp yêu đương..... Cùng một lúc là làm xấu thơ ca, làm xấu đời sống, làm xấu yêu đương...... Nếu người nữ kia không có những mụt ung cùi vỡ mủ, phải chăng nàng là một mỹ nhân? Nhưng dù với bệnh phong cùi, phải chăng nàng đã là mỹ nữ?

   Nghệ thuật là vừa làm đẹp lại vừa làm xấu. Làm đẹp nhiều làm xấu ít? Phải chăng nghệ thuật không phải là làm đẹp như thường được định nghĩa? Phải chăng nên bắt đầu tìm hiểu lại nghệ thuật? làm sướng? làm khoan khoái? làm thỏa mãn tham vọng hoặc ước mơ? Hoặc giả nghệ thuật là làm đẹp cái ta muốn và làm xấu cái ta không muốn, cái người khác muốn?

   Tôi tưởng mình đã theo cái đẹp 50 năm là hiểu được một ít về cái đẹp. Không ngờ đến tàn cuộc lại bỡ ngỡ như vậy. Tuy nhiên tôi vẫn có thể kết luận như thế này: Chính nghệ thuật đã dự phần lớn vào việc càng ngày càng đẩy tôi rụng xuống thất bại. Đừng nói chi hai chữ số mạng. Nghệ thuật khiến hồn nhạy cảm hơn khi chạm mặt cuộc sống. Nghệ thuật làm nhân sinh quan dửng dưng trước những thành công của xã hội. Nghệ thuật làm xử thế với lòng ưu ái hơn là phòng thủ, tính toán. Nhưng đời như con sói, bản chất đời phải chăng hơn cả lang sói?, hễ thụt lùi, nó tiến lên. Hễ hiền hòa, nó hung dữ. Hễ không chống cự, nó nuốt chửng. Nhưng dù sao tôi vẫn chọn sống với nghệ thuật hơn những cách sống khác. Trước sau, những kẻ sống nghệ thuật, làm nghệ thuật, cống hiến nghệ thuật cho nhân loại, thường là kẻ thất bại.

Ngu Yên