"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Ý Thức Ký Hiệu Học

5- Áp Dụng Ký Hiệu Học Vào Văn Chương
Vào cuối thế kỷ 20, Ký Hiệu Học tuy đi xa nguồn gốc và có nhiều thay đổi, kể cả thay đổi đối nghịch, nhưng tầm ảnh hưởng đã xâm nhập vào hầu hết những lãnh vực nhân văn và xã hội. Tuy thất bại trong bộ môn khoa học thực nghiệm nhưng đã mang hiệu quả lan tràn vào truyền thông, quảng cáo, chính trị, xã hội, tâm lý quần chúng, ngoại giao, ..v..v.. Thi sĩ Wislawa Szymborska, giải Nobel 1996, nói về ký hiệu trong ngoại giao "buôn bán" thế giới:

Một khi biết rõ thế giới trước sau:
- Nó thật nhỏ, vừa vặn trong tay bắt,
diễn xuất dễ dàng qua nụ cười,
đơn giản như nguyện cầu vọng chân lý cũ.

Lịch sử không hoan hô những phô trương khải hoàn:
- chỉ tung cát bẩn vào mù mắt.
Đường trước mặt dẫn về nơi vô định,
nước giếng nhiễm trùng, bánh ăn mốc meo.

Lợi phẩm chiến tranh trở thành kiến thức thế giới:
- Rất lớn vậy mà bị kẹp giữa bắt tay,
rất khó vậy mà được  nụ cười diễn xuất,
lạ lùng như nguyện cầu vọng chân lý xưa.
(Świat umieliśmy kiedyś… Szymborska.(11))

Những cái bắt tay, những nụ cười, những vỗ bàn, những hoan hô trong phòng họp ngoại giao đều là ký hiệu chính trị đưa ra những tín hiệu có thể giải mã để hiểu tâm lý và kỹ thuật ngoại giao, (Chính trị học). Nhưng trở về lãnh vực đầu tiên mà Ký Hiệu Học sinh sôi nẩy nở, đó là văn bản văn chương.

Ký Hiệu Học Phân Tích Văn Bản
Trong tác phẩm Textwissenschaft und Textanalyse (Văn Bản Khoa Học và Văn Bản Phân Tích, 1975) của giáo sư Heinrich Plett.
Ông cho rằng, như một ký hiệu ngôn ngữ, văn bản với bản tính tùy tiện độc đoán dựa trên các thỏa thuận của xã hội. Phù hợp với tam điểm của Ký Hiệu Học. Đó là: 'Cái biểu hiện' (chữ); 'cái được biểu hiện' (ý nghĩa của chữ) và 'cái ám chỉ' (điều muốn nói tới). Cái ám chỉ có thể trừu tượng, biểu tượng, hiện tại, lịch sử hoặc tưởng tượng.

Văn bản văn học, nhất là văn bản thi ca, thật sự là một "Siêu ký hiệu", bao gồm những động lực của tâm lý và xã hội, ẩn núp bên dưới những giao tiếp, thông tin cụ thể. Mã hiệu của văn bản văn chương thay đổi theo từng thời đại và theo mỗi tác giả.

Sự nối kết các từ ngữ trong văn bản được bảo đảm và trình bày bởi cú pháp. Trong thơ, thường xuyên sẽ bị đứt đoạn và một số chữ dường như bị mất tích, khiến cho thơ có tính bí ẩn và mơ hồ. Ví dụ như bài thơ ngắn của Ezra Pound:

The apparition of these faces in the crowd;
Petals on a wet black bough.
( Những khuôn mặt hiện ra giữa đám đông,
những cánh hoa trên cành tối đen đẫm ướt.)

Giữa hai câu thơ còn có nhiều chữ không thấy trong văn bản, vai trò của người đọc là thêm vào ý nghĩa, nối lại hai câu thơ, hoàn tất ý thơ. Nói một cách khác, hai câu thơ là 'cái biểu hiện'. 'Cái được biểu hiện' là ý nghĩa của hai câu thơ. 'Cái ám chỉ' không được hoàn toàn, thiếu một số ý tứ mà người đọc phải tìm kiếm để bổ túc cho toàn vẹn bài thơ. Và có nhiều cách để bổ túc khác nhau, tùy vào mỗi người đọc. Nhưng cuối cùng những người đọc cũng đi về một hướng ý nghĩa gần kề ý chung, cho dù đi khác đường.

Vi dụ: Những khuôn mặt (đổ mồ hôi) hiện ra giữa đám đông (trầm uất), (trông giống như) hoặc (tưởng tượng như) những cánh hoa trên cành đen đẫm ướt.

Ngày nay, Những lý thuyết gia ký hiệu đương đại khai triển lý thuyết phân tích ký hiệu căn bản thành một học thuật có kỹ thuật và hệ thống.

Họ áp dụng hệ thống Mẫu hình (Paradigmatic) và Diễn pháp (syntagmatic) vào hầu hết các phân tích nghệ thuật, từ phim ảnh, hội họa quảng cáo cho đến kịch nghệ, ca vũ. Riêng về mặt văn bản, hệ thống này dùng để khám phá chức năng của mã hiệu (code) và Phó mã hiệu (sub-code).

Phân Tích Theo Syntagmatic (Diễn Pháp).
Trong văn bản, Syntagmatic có thể coi như là ngữ pháp. Sự kết hợp hàng ngang của những ký hiệu, tức là từ ngữ/cụm từ, tuân theo một số qui luật văn phạm thành văn hoặc bất thành văn, như thường thấy trong thi ca. Sự xuất hiện của một chữ phía trước sẽ cho phép sự chọn lựa chữ tiếp theo, trong một số tập hợp Mẫu. Ví dụ:

Em yêu ..... (chữ tiếp theo sẽ được chọn trong các tập hợp.)

Tập hợp 1, Mẫu "Người": anh, chàng, mẹ, cha, hàng xóm......
Tập hợp 2, Mẫu "thú vật": mèo, chó, ngựa, chim, bướm.......
Tập Hợp 3, Mẫu "Sinh hoạt": đi chơi, học bài, dạo phố, tắm biển......

Và sự chọn lựa chữ này sẽ loại bỏ những chữ khác trong vị trí đó. Saussure giám định từng đơn vị từ ngữ trước khi tổng kết ý nghĩa từ ngữ liên kết với nhau theo văn phạm. Các học thuật về sau, chú trọng toàn bài, tổng thể vì toàn bài chính là giới hạn ý nghĩa của từ ngữ, nhất là nghĩa ám chỉ, có thể giải thích đến vô tận, ví dụ: Tác phẩm Βίος και Πολιτεία του Αλέξη Ζορμπά, 1946 ( Cuộc Đời và Thời Vận của Alexis Zorba) của Nikos Kazantzakis được Peter Bien dịch ra Anh ngữ: Zorba the Greek. Dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu dịch: Alexis Zorba, Con Người Chịu Chơi. Dịch giả Dương Tường dịch: Alexis Zorba, Con Người Hoan Lạc. Cả hai dịch giả Việt, có lẽ, sử dụng bản Anh ngữ hoặc Pháp ngữ để dịch ra tiếng Việt.

Dùng văn bản tiếng Anh: Zorba the Greek. The Greek có hai nghĩa: người Hy lạp và kẻ bịp bợm. Đưa sang tiếng Việt: Zorba, Người Hy Lạp hoặc Zorba, kẻ bịp bợm. Tựa trước, đúng nhưng 'câm' đối với toàn truyện. Tựa sau, gần đúng vì 'nói quá trớn'. Chữ: "chịu chơi" và "hoan lạc" hay hơn, đều nằm trong cùng một Mẫu: "phong cách, thái độ sống", đều đúng với lối sống bất cần đời, đam mê thú vui, nhất là lạc thú với đàn bà  của Zorba.  Nhưng ám chỉ của truyện này là sự tương phản/kết hợp giữa "Thánh và Quĩ", giữa "Thượng Đế và người". Sự vùng vẫy đấu tranh của con người đi tìm linh hồn và mục đích của đời sống. Zorba tự nhủ: "Hãy sống như không có sự chết, và sống với sự chết trong tâm trí từng phút giây..."   "Tôi luôn luôn nhìn ngắm sự chết nhưng không sợ hãi; Tôi không bao giờ nói tôi thích nó. Không, tôi không thích nó một chút nào. Tôi không hoàn toàn tự do, đúng không? Tôi từ chối giao dịch (với nó)..." Như vậy, từ The Greek, Người Chịu Chơi, Người Hoan Lạc đều không biểu lộ toàn vẹn ý nghĩa của Alexis Zorba. Đây chỉ là một ví dụ phân tích từ ngữ trong ý tứ toàn truyện. Về mặt dịch thuật, dịch giả có quyền thẩm mỹ hóa tựa đề, miễn là không vượt quá nội dung.

Mô Hình Diễn Pháp ( Ngữ Pháp)
Trong Mô Hình Diễn Pháp, 'cái biểu hiện' (ký hiệu, từ ngữ, văn bản) được trình bày, diễn tả trong hai phương cách liên hệ: 1- Liên hệ tiếp diễn và 2- Liên hệ cách khoảng.

KyHieuHoc Phan5 Anh1 NguYen

Văn thơ tường thuật, kể truyện, thường sử dụng  những sự kiện tiếp diễn dây chuyền, liên kết và liên hệ với nhau, ví dụ, "Tưởng ta nhớ chú lắm sao/ Này cây bông giấy bên rào năm xưa/ Chẳng qua trời đổ cơn mưa/ thì thương cành mọn đong đưa một mình."  (Bông Giấy, Cao Tần.)

Trong khi liên hệ cách khoảng trên một bề mặt như bích chương quảng cáo, hình chụp; trong một không gian như kiến trúc, điêu khắc, hoặc pop art. Ví dụ,


KyHieuHoc Phan5 Anh2 NguYen


Nếu văn bản hoặc tác phẩm nào sử dụng cả hai, sẽ có một trong hai liên hệ nổi bật hơn.


KyHieuHoc Phan5 Anh3 NguYen

Trong khi 'cái được biểu hiện' trình bày, diễn tả dựa trên sự nhận thức hoặc một quan niệm, tuân theo một cấu trúc hữu lý.  Ví dụ: Không thể nào có một văn bản "hữu lý" từ chính quyền Hoa Kỳ như bên dưới.

KyHieuHoc Phan5 Anh4 NguYen

Ví dụ,  Phân Tích: Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.

Môn phái của nhà nhân chủng học Lévi-Strauss (1908- 2009), đưa ra phương pháp do Victor Larrucia phân tích chuyện: Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, Le petit Chaperon Rouge, là một câu chuyện cổ tích, hầu như mọi người đều đã nghe qua.

Theo phương pháp của ông, chuyện kể được tóm gọn vào bốn cột, mỗi cột tương xứng, phù hợp  chức năng hoặc chủ đề. Ông dùng bản chuyện đầu tiên, chưa biến đổi, của Charles Perrault.


KyHieuHoc Phan5 Anh5 NguYen

Số thứ tự đánh dấu mốc từng giai đoạn xảy ra trong chuyện. Đọc theo hàng ngang. Còn hàng dọc:

Cột thứ nhất: Hai dàn dựng khai triển câu chuyện. Dàn dựng 1: Bắt đầu vì bà nội bị bệnh, cố bé phải mang thức ăn, băng qua khu rừng, đến nhà nội.

Dàn dựng 2: Sự có mặt của người tiều phu khiến cho sói không dám ăn thịt cô bé. Nếu không có tiều phu, câu chuyện chấm dứt ở đây.

Cột thứ tư: Hai dàn dựng đồng hoạt cảnh, sói ăn thịt bà nội và bé gái. Kết mạnh mẽ, để lại ấn tượng cho những kẻ ngây thơ, cả tin, không biết phân biệt ai tốt ai xấu...

Cột thứ 3, thứ 4: dàn dựng hành động chính của cô bé. Diễn tiến khai triển của câu chuyện.

Phân Tích Theo Paradigmatic.

Phân tích về mẫu hình liên quan đến việc so sánh và đối chiếu từng 'cái biểu hiện', tức là từ ngữ, hiện diện trong văn bản với 'cái biểu hiện' vắng mặt, mà có thể chọn lựa thay thế. Việc chọn lựa 'cái biểu hiện' này thay vì những 'cái biểu hiện' khác dựa trên các yếu tố kỹ thuật, mã hiệu, qui ước, phong cách, ý nghĩa, mục đích....

Ví dụ, từ ngữ "Tự sướng".

Tự sướng là 'cái biểu hiện'.

Đối tượng là tự làm bản thân hoan lạc.

Ám chỉ 'hình tự chụp bằng điện thoại hoặc máy vi tính rồi phân phát trên những phương tiện truyền thông như mạng lưới, facebook.....

Từ ngữ này được cấu tạo không có liên hệ dễ hiểu giữa đối tượng và ám chỉ. "Tự thân hoan lạc" trở thành tấm hình tự chụp, tự phát tán là một khoảng cách xa hụt hẫng.

Theo phân tích Paradigmatic, từ "sướng" có thể thay thế bằng những chữ "khoái", "vui", "hài lòng"..thuộc về nhóm mẫu: Cảm giác tích cực, vẫn không có từ nào liên hệ tới ám chỉ. Chỉ có thể kết luận, "tự sướng" ám chỉ hình tự chụp là từ ngữ được đa số người trong xã hội Việt Nam đương thời chấp nhận. Không có giá trị tương đương với ký hiệu toàn cầu. Điều này ám chỉ chuyện gì trong ký hiệu ngôn ngữ?

Ám chỉ tâm lý: Từ "tự sướng" này biểu lộ tâm lý 'cái tôi là trung tâm vũ trụ'. Cảm thấy thích mình quá, tự chụp hình. Cảm thấy vui vẻ quá, tự chụp hình. Cảm thấy mình đẹp quá, hay quá, tự chụp hình. Muốn gần ai, cạnh cảnh vật nào, tự chụp hình. Nếu nhờ người khác chụp, nhờ hoài, ai chịu nổi. Do đó, tự chụp mình cũng như tự gãi, đúng chỗ ngứa: hoan lạc, sướng khoái. Phải chăng đó là "tự sướng"?

Ám chỉ dâm tính: Từ "tự sướng" vừa phát âm xong, người nghe hiểu liền. Nói và nghe đều khoái cảm. Biểu lộ sự ám ảnh tình dục từ người đặt ra, đến người sử dụng.

Một hôm, cần chuyển ngữ qua tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc bất cứ ngoại ngữ nào, liệu phải dịch sao đây?

Kiểm Tra Giao Hoán (Commutation Test).

Những nhà tư tưởng khác như Roland Barthes, học phái Prague, thường dụng phương pháp Kiểm Tra Giao Hoán để phân tích Paradigmatics. Họ giám định sự thay đổi 'cái biểu hiện' sẽ ảnh hưởng đến 'cái được biểu hiện' như thế nào. Họ dùng phương pháp này để phân chia văn bản ra thành những đơn vị thật nhỏ, quan trọng cần chú ý, trước khi tập hợp lại, đưa vào Paradigmatics. Nói một cách khác, họ lựa chọn một số văn bản chủ yếu để phân tích trước khi phân tích mẫu hình.

Kiểm Tra Giao Hoán bao gồm bốn thay đổi căn bản: (12)
·    Thay đổi về mẫu hình (Paradigmatic Transformations)
1.    Thay thế.
2.    Chuyển vị.
·    Thay đổi về Diễn Pháp (Syntagmatic Transformations)
1.    Thêm vào.
2.    Xóa bỏ.

Ví dụ,
Tôi ( anh, ta ) yêu em ( cô, mình).

Thay đổi chữ tôi bằng chữ anh hoặc ta, thay đổi chữ em bằng chữ hoặc mình, sẽ thấy ý nghĩa của ám chỉ thay đổi. Sự thay đổi này sẽ làm cho ký hiệu hoặc văn bản tối nghĩa dễ hiểu hơn.

Anh đứng đây là đâu
Em cười như lá mỏng
Khép cửa vào chiêm bao
Anh đứng đây là đâu
Em nói như gió nghẹn
Chiều nghiêng mây Thị Mầu

Anh đứng đây là đâu
Em nhìn như mưa trắng
Năm năm bay ngang đầu

Anh đứng đây là Em.
( Chuyện Trăm năm, Hoàng Cầm.)


Cứ thay đổi chữ "anh" và chữ "em" bằng những từ tương đương và hoán vị chữ "anh" thành chữ "em" rồi chữ "em" thành chữ "anh", sẽ có những kết quả thú vị.

"Anh đứng đây là Em
Em đứng đây là Anh "

Rồi thay đổi mẫu đối nghịch hoặc tương phản, để thấy mặt bên kia của văn bản. Đôi khi, đó mới là ý nghĩa chính. Các ký hiệu gia từ lúc ban đầu cho đến hiện tại đều quan tâm đến ký hiệu đối nghịch và ý nghĩa ám chỉ của nó. Ví dụ người nghèo hoặc trung lưu nhưng mặc cảm nghèo thường nói chuyện giàu sang, làm tiền. Người giàu có thường hành động xa hoa, phung phí, chứng tỏ sự "có" dư thừa vì cái "không có" bên trong.

Ví dụ, "tự sướng", thay bằng: Tự khổ, tự buồn, tự thất vọng, tự lo âu, ....những từ ngữ trong Mẫu: Cảm giác tiêu cực, không chừng sẽ có một hoặc vài từ ngữ diễn đúng tâm sự người tự hoan lạc chụp hình bản thân.

Ngoài ra, còn nhiều góc nhìn phân tích khác như Phân tích nguyên văn (Textual Analysis), Phân tích tu từ (Rhetorical Analysis), Phân tích luận văn (Discourse Analysis), Phân tích nội dung (Content Analysis), ... sẽ được trình bày chi tiết hơn trong những thực nghiệm về thơ và văn xuôi.

Ký Hiệu Học Trong Thi Ca

Michael Riffaterre (1924-2006) cho rằng thơ không diễn đạt nghĩa như văn xuôi. Chữ trong thơ liên quan đến sự việc, sự vật, con người; trong khi văn xuôi được đánh giá so với thực tại. (Riffaterre, 1983, 26.) Theo ông, một bài thơ xây dựng trên một hệ thống ý nghĩa do tích lũy kinh nghiệm và cách diễn đạt. Từ ngữ trong thơ khác với văn xuôi vì thường mang ý nghĩa mới, ý nghĩa sâu rộng hơn ý nghĩa đã có. Những từ ngữ trong thơ, đa phần, dùng để ám chỉ hơn là giải thích. Văn xuôi viết cho người đọc hiểu. Thơ viết cho người đọc tưởng tượng.
Khi câu thơ viết theo hàng ngang, có bốn loại cấu trúc của diễn đạt:

- Ngôn ngữ (Linguistic)
- Văn phong (Stylistic)
- Chủ đề (Thematic)
- Từ vựng (Lexical)

Phép từ vựng dành riêng cho thơ. Nó liên quan đến hình thức đồng dạng hoặc tương đồng và vị trí giữa các từ ngữ khác. Sự đồng dạng hoặc tương đồng của chữ giúp cho sự hợp lý và giải thích về ý nghĩa. Do đó, thơ không tuân theo văn phạm bình thường. Nó có cách thể hiện riêng trong cú pháp và qui tắc diễn tả. Tuy nhiên, nó phải có mấu chốt đồng dạng hoặc tương đồng với những cú pháp và văn phạm đã được thừa nhận, để có thể nhận diện và nhận thức.

Mỗi chữ, ngoài trừ nghĩa chính thức, đều cưu mang một số ý nghĩa tối thiểu nào đó trong phạm vi của chữ này. Ví dụ, chữ "mỹ nhân", ngoài trừ nghĩa người đẹp, còn mang theo một số chữ khác như: hấp dẫn, khiêu gợi, ẻo lả, hoa hậu, mặt trăng, bông hoa, v..v.. Điều nhấn mạnh ở đây là có những chữ trong phạm vi này, thơ thường sử dụng.

Và người đọc, không chỉ đọc ý nghĩa của từ ngữ mà nhà thơ sử dụng, người đọc sẽ liên đới với tác giả để chia xẻ những từ ngữ khác trong phạm vi của chữ đại diện; hoặc ngược lại, ví dụ: Đọc một số chữ, hoa hồng, hoa huệ, hoa lan....người đọc có thể liên nghĩ đến vườn hoa, nhóm phụ nữ, nghệ thuật .....tựu trung có thể là cái đẹp. Đọc một bài thơ, cần phải có thời giờ để tích lũy những chọn lựa ý nghĩa từ những chữ hoặc cụm từ được viết hay phải hiểu ngầm. Do đó, đọc một bài thơ tầm vóc không phải dễ dàng. Dĩ nhiên, viết một bài thơ tầm vóc với những ký hiệu có ý nghĩa mở rộng hoặc có ám chỉ cao kỳ, tất nhiên còn khó hơn.

Lên mù sương, xuống mù sương - ( Biểu tượng - Câu Thấm.)
Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu - ( Biểu tượng - Câu Thấm. )
Tuổi thơ em có buồn nhiều - ( Câu Thường.)
Thì xin cứ để bóng chiều đi qua - (Biểu tượng - Câu Thấm.)
Biển dâu sực tỉnh giang hà ( Hoán dụ - Câu Thấm.)
Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ( Biểu tượng - Câu Thấu.)
( Áo Xanh. Bùi Giáng.)

Việc trước tiên là giải mã những từ hoặc cụm từ mang tính ám chỉ.
Tiếp theo, giải mã hệ thống:
Những biểu tượng và thể loại câu thơ, dùng giải mã hàng ngang.
Hàng dọc:
·    Cột 1, Liên hệ 'cái biểu hiện' cách khoảng, khai triển và diễn tiến: mù sương, bờ cỏ, tuổi thơ, biển dâu, nguyên mộng.
·    Cột 2, Liên hệ 'cái được biểu hiện': mù sương, đường thương yêu, bóng chiều.
·    Cột 3, Liên hệ 'cái ám chỉ': tà áo xanh, giang hà, buồn nhiều. (đọc ngược từ dưới lên).

Nếu người đọc nào đã chịu khó đọc đến đây, thử tự làm một giải nghiệm, xem thử, đến cuối cùng ý nghĩa ra sao?

Ông Plett cũng cho rằng giải mã và xác định văn bản văn chương sẽ gặp nhiều khó khăn hơn bình thường vì ngôn ngữ văn chương thường có nhiều liên quan đến biểu tượng, tượng trưng, siêu thực...tức là cái ám chỉ được sử dụng thường xuyên. Càng nhiều ám chỉ càng tạo nhiều trở ngại.

Ông thừa nhận sự phân tích thẫm mỹ trên văn bản qua Ký Hiệu Học còn đang phát triển, chưa có hệ thống dứt khoát. Giải pháp tạm thời là tạo ra những bước đầu thẫm mỹ với ý thức sự sai lệch của nó.

Ngu Yên
(Còn Tiếp)
======================================
GHI
(11) Świat umieliśmy kiedyś…

 Świat umieliśmy kiedyś na wyrywki:
- był tak mały, że się mieścił w uścisku dwu rąk,
tak łatwy, że się dawał opisać uśmiechem,
tak zwykły, jak w modlitwie echo starych prawd
 
Nie witała historia zwycięską fanfarą:
- sypnęła w oczy brudny piach.
Przed nami były drogi dalekie i ślepe,
zatrute studnie, gorzki chleb.
 
Nasz łup wojenny to wiedza o świecie:
- jest tak wielki, że się mieści w uścisku dwu rąk,
tak trudny, że się daje opisać uśmiechem,
tak dziwny, jak w modlitwie echo starych prawd.

(12) Allport, Gordon W. & Leo J. Postman, 1945: The Basic Psychology of Rummour, Transactions of the New York Academy of SScience, Series II 8: 61-81.