"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Buông Thả Hoặc Cẩn Trọng?

Bài Thơ Cảm Động Không Sướt Mướt

          Mẹ ơi,

          Tại sao dòng sông cười?

 

Sao hả, vì mặt trời thọc lét dòng sông.

 

          Mẹ ơi,

 

          Tại sao dòng sông hát?

Vì chim Chiền Chiện khen ngợi tiếng sông.

 

          Mẹ ơi,

 

          Tại sao dòng sông lạnh?

Vì sông nhớ có lần yêu tuyết rơi.

 

          Mẹ ơi,

 

          Sông mấy tuổi?

Sông bằng tuổi mùa xuân mãi mãi không già.

 

          Mẹ ơi,

          Tại sao sông không bao giờ dừng lại?

 

Ừ, con biết không bởi vì mẹ biển cả

đang chờ dòng sông con trở về nhà.

Xem phim tình cảm Đại Hàn, vai chính vai phụ khóc sướt mướt, nhiều khi lòng cảm thấy khôi hài. Xem phim Mỹ, đầy cảnh ngộ mà ít nước mắt. Đôi khi màn ảnh khô ráo mà cảm động khiến vợ tôi rơi lệ. Thơ cũng không khác gì phim. Nghệ thuật tuy nhiều khía cạnh nhưng lòng người chỉ có cảm động. Cảm động vì ngoại cảnh. Cảm động từ nội tâm. Giá trị thơ là cảm xúc nội tâm. Không ở nơi ngoại cảnh hời hợt. Người làm thơ chủ dùng ý tứ chữ nghĩa ngoại cảnh để "kích động" lòng người là việc lầm lẫn. Như nghệ thuật sân khấu cải lương, Thanh Nga Thành Được khóc sướt mướt chỉ làm rơi lệ khán giả đa cảm. Trong vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan, khi nhân vật Sơn Ca tự móc mắt mình, gây biết bao là rúng động cho người xem. Không phải vì cảnh móc mắt mà vì giá trị của sự móc mắt.

Những ngoại cảnh xây dựng trong thơ dùng để dẫn cảm xúc lên cao độ hoặc vào tâm điểm, chỉ cần diễn tả đủ không nên kéo dài như phim bộ: Xen vào quá nhiều những cảnh, những pha không cần thiết để trám thời giờ. Gây nhàm chán cho người xem. Rồi vào phút cuối, gấp quá, cho chết hết. Những ngoại cảnh này có thật hay không, không quan trọng. Vai trò của ngoại cảnh này để đào sâu, tô đậm, giải thích không lời hoặc tượng trưng những sinh hoạt trong bài thơ.

Đa số thơ Việt từ thời ảnh hưởng phong trào Lãng Mạn của Pháp trở thành đa cảm. Lấy rung động làm lực sáng tác và dùng cảm xúc thúc đẩy chữ nghĩa vào bài thơ. Mãi cho đến hôm nay, ngày 31 tháng 12 năm 2013, ngày cuối năm, dòng thơ đa cảm vẫn tồn tại và vẫn được hoan nghinh khắp báo chí, trang mạng và người đọc. Phải chăng vì người Việt đa sầu đa cảm hoặc vì sáng tác và thưởng ngoạn không chấp nhận những thứ gì ra khỏi phạm vi của cảm xúc lãng mạn? Dĩ nhiên, chúng ta đang nhìn về đa số.

Vì cảm xúc lấn áp tâm tư và "chọn" chữ nghĩa ý tứ sáng tác thơ nên thơ thường hời hợt. Người đang buồn than khóc thì khó suy tư điều gì thâm trầm, khó nhận lấy ý tưởng nào khác hơn là vật vã với niềm đau. Sáng tác chăm chú theo cảm xúc khi cuồn cuộn khi phiêu bồng, trong cơn miên mang như vậy, làm gì có cơ hội đào sâu ý tứ thơ.

Vì cảm xúc bị giới hạn bởi những tâm sự thông thường, những tình cảm lập lại, những tình huống xã hội ... nên khi cảm xúc chủ động sáng tác thường bị nhai lại, tự mình bắt chước mình hoặc bắt chước người khác. Do đó, thơ thường giống nhau, khác chăng là chi tiết phong cảnh, tâm tư, tên gọi...và tên tác giả.

Cảm xúc rất cần cho sáng tác nghệ thuật nhưng không phải là động lực duy nhất và mạnh nhất của sáng tạo.

Tanikawa dựng ngoại cảnh với nhiều chi tiết nhỏ nhặt trong bài thơ Hình Ảnh Gia Đình, cho người đọc "nhìn" ra được màu sắc, ánh sáng, tâm trạng và không khí của các biểu tượng, hình ảnh sinh hoạt với nhau.

Đựng đầy nước

Chiếc bình sành

Thức ăn cháo để trước

Muỗng gỗ

Rượu trái Quất

Tất cả sắp trên

Chiếc bàn lớn,

 

Người đàn ông

Mặc áo vải thô

Tư thế ngồi

Đôi tay rắn chắc

Râu quai tua tủa

Mắt nhìn đăm đăm

Hướng về

Phía mãi âm u.

 

Người đàn bà

Ngực đầy đặn

Quấn tóc

Đặt tay trìu mến

Trên vai người đàn ông.

 

Cậu bé

Lông mi cong

dính bụi bẩn

Như thể bất ngờ

quay nhìn lại.

 

Người lớn

Trong hình treo tường

Bên cạnh tấm lịch

Chờ đợi dịu dàng

Con chó như gấu

Ngáp bên ngưỡng cửa.

 

Trên bàn thờ đơn sơ

Một ngọn đèn mờ tỏ

Đêm dài lắng yên

Bình minh khởi sáng.

Thơ của Tanikawa: Chữ đơn giản. Ý phức tạp, ngâm dài chiều sâu. Tứ bình thường được tuyển chọn kỹ từ những tầm thường chung quanh đời sống. Sinh hoạt của các yếu tố này, mới là ưu điểm của Tanikawa. Đa số những sinh hoạt trong thơ ông dường như thấy sao nói vậy nhưng không phải. Ông rất khéo léo bình thường hóa sinh hoạt giữa hình ảnh, ý tứ để gửi gấm những suy tư về đời sống và nội tâm. Mới đọc thoáng qua dễ có cảm giác như ông tả cảnh nhưng đọc lại đôi lần sẽ thấy tác dụng những cảnh trí trong dạng tượng trưng hoặc trừu tượng. Những điều tác giả muốn chia xẻ, không ở trong bài thơ. Đúng truyền thống của thơ Nhật, chữ và tứ chỉ là những chiếc cầu để băng qua, tiến vào một nơi khác. Nơi thơ thật sự đang chờ đợi.

Đúng đắn hơn, thơ khác văn ở chỗ không cưu mang nội dung "dài" trong bài thơ. Nội dung của bài thơ chỉ là những gì cần thiết, một khung nét đại cương hoặc một sinh hoạt tượng trưng hoặc một đề "toán" tâm tư hoặc là những thứ gì bằng chữ, bằng ảnh, bằng tứ, bằng ý mà qua đó trình bày một nội dung sâu sắc hơn đồ sộ hơn, trí tuệ hơn, tâm tình hơn. Thi sĩ Octavio Paz đã từng bàn luận về chuyện lột củ hành. Lột củ hành để tìm hiểu cái gì ở trong lõi, sẽ chẳng thấy gì. Nhưng chăc chắn bị cay mắt, chảy nước mắt, xổ mũi. Người đọc bị cay mắt xổ mũi không phải vì hời hợt cảm nhận những lời thơ hời hợt mà vì lột nhiều lớp võ của bài thơ. Càng lột càng thấm thía, càng mắt cay, càng ách-xì.

Nỗi Buồn

Nỗi buồn

Nửa trái táo lột võ

Không phải ẩn dụ

Không phải thơ

Chỉ đơn thuần, có đó

Nửa trái táo lột võ

Nỗi buồn

Đơn thuần, có đó

Nhật báo chiều hôm qua

Đơn thuần có đó

Đơn thuần có đó

Vú nàng ấm nồng

Đơn thuần có đó

Đêm xuống

Nỗi buồn

Xa rời chữ nghĩa

Xa rời con tim

Đơn thuần có đó

Những chuyện hôm nay

Hãy bước lên trang mạng: http://www.poetryinternationalweb.net/pi/site/poet/item/21377/Shuntaro-Tanikawa

đọc những bài thơ của ShuntaroTanikawa.

Hãy quên đi huyền thoại: "...Có khốn khó thì thơ mới hay..." Điều này đã khiến biết bao nhiêu người làm thơ tự tạo cho mình những đau đớn không cần thiết, những máu chảy đỏ bằng phẩm, những nỗi buồn gượng gạo hoặc bắt chước chung chung. Không có nỗi buồn nào giống nỗi buồn nào, cho dù cùng một người. Người thường, thấy buồn giống nhau. Thi sĩ, thấy buồn khác nhau.Mỗi nỗi buồn có tên riêng, có tuổi riêng, chân dung hình hài riêng. Người xưa nói về thi ca, của trời trăng gió kho vô tận. Đúng là như vậy nhưng khi lấy vào tay mình, nhất định phải là của riêng.

Nhiều khốn khó, tệ hơn khốn khó, chưa chắc thơ đã hay, huấn chi là giả khốn khó.

Tanikawa gửi đến người đọc một bài thơ của một người không có khốn khó, đang có vừa đủ, có hơn một chút và không có gì để viết. Vậy mà có biết bao nhiêu điều kéo theo cái không viết, từ Toba 1 đến Toba 7...

Toba 1

Tôi không có gì để viết

Hình hài tôi vừa đủ dưới mặt trời

Vợ tôi rất đẹp

Con tôi mạnh khỏe

 

Nói thật với bạn

Tôi không phải thi sĩ

Chỉ giả dạng làm thơ

 

Tôi được sinh ra rồi bỏ đó

Hãy xem, mặt trời đổ nắng xuống đá cuội

khiến đại dương nhìn thấy đậm hơn

 

Ngoài sự tĩnh lặng lúc trưa trong ngày

Tôi không có gì để nói

cho dù bạn đang đổ máu vì quê hương

A, hào quang này mới là vĩnh cửu!

Toba 2

Tôi không muốn biến lúc này nên bất tử

Được như bây giờ cũng tốt thôi

Cho dù biết cách bắt giữ thời gian thoáng chốc

Mặt trời vẫn tiếp tục về tây

 

Chữ nghĩa đơn thuần

viết trên cát

không bằng ngón tay

bằng trái tim hân hoan nhanh chóng đổi thành ảm đạm

 

Những đứa con giống tôi

Những đứa con không giống tôi

đều làm tôi vui sướng

 

Lẫn lộn theo võ ốc, đá cuội và mẻ chai

Tim tôi rơi lại hành tinh bên bờ biển

vừa cứng rắn lại vừa dễ tổn thương

 

Toba 3

Bà cụ tìm kiếm trên bãi cát lượm những cây khô

Từ cửa sồ khách sạn nhìn ra cảnh chân trời

Hỡi những ai đang sống đói khổ

Cứ thẳng tay nguyền rủa tôi

 

Tôi luôn luôn sống ấm no

Ngay cả bây giờ tôi thừa mứa

Tối thiểu tôi muốn được các người căm hờn

 

Bà cụ, lời vừa nói giúp được gì cho bà?

Tôi không muốn đền bù thêm gì nữa

Điều làm tôi khó chịu là những gì bà có trong tay

cảnh chân trời bà không chịu ngắm

 

Tôi nghe tiếng nhạc So-na của Clementi (1) nhè nhẹ

Không ai chuyện trò

Thật thoải mái quá

GHI:

(1) Muzio Clementi (24-1-1752 đến 10-3-1832). Nhạc sư người Ý. Từng thi nhạc với danh sư Mozart cùng thời tại Holy Roman Emperor Joseph 2 vào ngày 24 tháng 12 năm 1781. Được hoàng đế chấm ngang nhau.

Toba 6

Biển -

dù chỉ một chữ thôi cũng chứa đựng giả dối

Nhưng tôi nhất định nói chữ này

đối diện với sóng dâng cao trước khi bão tố

 

Biển!

Rồi tôi lặng tiếng

Chìm vào bóng đêm, vợ tôi,

duỗi cánh tay rám nắng

Hình hài em không cần ẩn dụ

 

môi khoá chặt môi

mồ hôi trơn trợt

Rồi chúng tôi rên rỉ

 

Lúc này tiếng rên ấm ức ngọt ngào

bên tai kích thích, thân thiện hơn biển

Toba 7

Với miệng tôi bực bội ngậm lại

lần nữa bất công với lời nói

Trong khi tự ngược đãi

Tôi nghe thủy triều lên trong đêm

 

Tôi viết:

tất cả thi ca là chữ trống không

rồi tôi tiếp tục viết

 

Bất ngờ con gái thức dậy nửa đêm

Khóc thút thít một hồi

Tôi muốn được nói thật

 

Dù người lính hấp hối cũng không thành thật

Tàn thuốc lá rớt trên bắp vế

Tôi không còn mộng mơ

tuy nhiên rất buồn ngủ

Đọc những bài thơ Toba của Tanikawa, nhận ra được sự kềm chế cảm xúc của ông trong chữ nghĩa. Có cảm giác như một võ sĩ Samurai đang ghìm thanh gươm, cẩn trọng trước khi xuất chiêu. Và mỗi thế đánh đều chuẩn định. Vừa đủ chết. Không cạn quá để đối thủ còn sức phản công. Không sâu quá kẻo gươm bị dính vào xác thù, vướng vít.

Những điều rất nhỏ nhặt tầm thường được lồng vào một khung nhân bản lớn. Những quen thuộc thường hằn được dàn dựng để phản ảnh ba chiều, bốn chiều của sự việc mâu thuẫn trong đời sống. Không có điều gì to tát trong thơ Tanikawa nhưng đều đều những lưu lượng dòng thơ chảy qua cảm nhận cho cảm tưởng thú vị và đồng ý.

Cảm xúc là điều cần thiết trong thơ nhưng lợi dụng chữ nghĩa để cảm động người đọc, thuyết phục người đọc đa cảm là chuyện sai lầm. Giá trị của thơ không phải là tạo ra phản ứng vui buồn, cho dù phản ứng vui buồn là kết quả của đọc thơ. Giá trị của thơ là tạo ra cái "hơn" của giá trị đã có trong lòng độc giả, cao hơn nữa là tạo ra cái "hơn" của giá trị đang có, đang được nhìn nhận trong thời đại. Chữ hơn dùng ở đây có nghĩa đẹp hơn, hay hơn, giá trị hơn...

Thơ Việt trước thời thơ Lãng Mạn, đa số là những bài thơ cẩn trọng với cảm xúc. Thơ Đường, Thơ Hài Cú, cẩn trọng với cảm xúc và đa số thơ thế giới hôm nay, cẩn trọng với cảm xúc...

Thi sĩ Shuntaro Tanikawa đến hôm nay đã là thi sĩ đương đại của Nhật bản. Ông được thế giới tìm đọc và thơ ông vẫn như một võ sĩ samurai cầm viết.

______________________________________________________________________________

Shuntaro Tanikawa

Sinh 1931 tại Tokyo, Nhật.

Thi sĩ và dịch giả. Giải American Book năm 1989. Gồm có hơn 60 tác phẩm về thi ca.

______________________________________________________________________________

River

Mother,

          Why is the river laughing?

 

Why, because the sun is tickling the river.

 

          Mother,

          Why is the river singing?

 

Because the skylark praised the river's voice.

 

          Mother,

          Why is the river cold?

 

It remembers being once loved by the snow.

 

          Mother,

          How old is the river?

 

It's the same age as the forever young springtime.

 

          Mother,

          Why does the river never rest?

 

Well, you see it's because the mother sea

is waiting for the river to come home.

 

( River. Thơ của Shuntaro Tanikawa. Nhật Bản. Dịch bởi Harold Wright. Trích trong The Vintage Book Of Contemporary World Poetry. Edited bởi J.D. McClatchy. Vintage Book, New York.)

Family Portrait

Filled with water

There's a jar

Eating of gruel begins

Wooden spoons

Berry wine

All is supported

By a heavy table,

 

There's a man

Wearing coarse cloth

Sitting

Strong arms

Fierce beard

Eyes fixed

In a gaze

At a filed still dark.

 

There's a woman

Large breasts

Coiled-up-hair

Hot hands

On the man's shoulders.

 

There's a child

His curved brow

Smeared with dirt

As if surprised

He turns around.

 

The old people

In the picture on the wall

Beside a calendar

Are gently waiting

A dog like a bear

Yawns by the door.

 

At a simple altar

A flame is glowing

The night is quietly

Beginning to dawn.

 

(Trích cùng sách. Dịch bởi Harold Wright.)

 

Sadness

Sadness

A half-peeled apple

Not a metaphor

Not a poem

Merely there

A half-peeled apple

Sadness

Merrely there

Yesterday's evening paper

merely there

Merely there

A warm breast

Merely there

Nightfall

Sadness

Apart from words

Apart from heart

Merely there

The things of today

( Trích cùng sách. Dịch bởi Harold Wright )

Toba 1

I have nothing to write about
My flesh is bared to the sun
My wife is beautiful
My children are healthy

Let me tell you the truth
I am not a poet
I just pretend to be one

I was created, and left here
Look, the sun cascades among the boulders
making the sea look darker

Other than this quiet at the height of the day
I have nothing I want to tell you about
even if you are bleeding in your country
Ah, this everlasting radiance!

Toba 2

I don’t want to make this moment eternal
It is fine to own this moment just as it is
Even I have a way to seize a transient moment
The sun is already moving on

These words are merely
written on the sand
not with my fingers
but with my cheerful heart that shifts quickly to gloom

My children look like me
My children don’t look like me
Either way it pleases me

Along with sea shells, pebbles and pieces of broken bottles
my heart is left at the water’s edge of a planet
just as hard and vulnerable

Toba 3

The old woman is looking at the sand as she gathers brushwood
I am looking at the horizon from my hotel window
You, who have lived through hunger,
please go ahead and torture me

I have always lived with my belly full
Even now I am belching
The least I can wish is to deserve your hatred

Old woman, what could my words do for you?
I do not wish to atone for anything any more
What strangles me is what you have in your hand
the horizon you will not look at

I hear Clementi’s sonatina faintly
No one speaks to me
What deep comfort

Toba 6

Sea –
even this single word contains deceit
But I insist on saying it
facing the waves rising before a storm

Sea! . . .
then I am left speechless
Into this darkness, my wife,
stretch out your suntanned arms

Your body needs no metaphors
a mouth sealing a mouth
scentless sweat sliding

But we groan
The groan is now a sweet murmur
to my heated ear, closer than the sea

Toba 7

With my sulky mouth shut
again I am unjust to words
As my punishment
I hear the ocean tide through the night

I write:
all poetry is empty words
and I continue writing

My child wakes up suddenly in the middle of the night
she sobs quite a while
I want to be honest

Even a dying soldier is not honest
My cigarette ashes fall on my lap
I will not dream now
though I am so sleepy

© 1968, Shuntaro Tanikawa
From: Tabi (Journey)
Publisher: Kyuryudo, Tokyo, 1968

© Translation: 2011, Takako Lento
From: The Art of Being Alone: Poems 1952–2009
Publisher: Cornell Univ. East Asia Program, 2011, 978-1933947570