"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Hiểu và Cảm. Thấm và Thấu

Tại sao nghệ thuật khó hiểu?

Vì không thể thấy được cái thật của nghệ thuật. Nói một cách khác, không thể thấy chân lý của cái gì làm nên thẩm mỹ.

Một người đang diễn thuyết giữa đám đông, nơi công cộng. Anh ta nói về sự thật. Nhìn thấy một con ngỗng đang ngủ, đứng một chân, dưới tàn cây. Anh chỉ nó và nói: - Sự thật như con ngỗng đang đứng kia. Một nhóm người quay sang nhìn con ngỗng rồi vỗ tay. Con ngỗng giật mình thức dậy, bỏ chân xuống. Bấy giờ nhóm người còn lại mới quay nhìn. Anh lập lại: - Sự thật như con ngỗng đang đứng kia. Đám người còn lại cũng vỗ tay.

Một sự thật là con ngỗng đứng một chân. Còn sự thật kia là con ngỗng đứng hai chân. Anh ta nói sai sao? - Thưa không, anh ta nói đúng. Cả hai đều đúng. Sự thật ở nơi con ngỗng đứng. Nhìn thấy sự thật là do con người.

Nếu lấy Nghệ Thuật thay cho con ngỗng, sự thật ở nơi nghệ thuật. Nhìn thấy sự thật của nghệ thuật là do con người. Như vậy, sự thật của nghệ thuật có thể nhìn thấy có một chân, hai chân, trăm chân, ngàn chân.... Đã không thể giống nhau thì làm sao gọi là sự thật. Mà sự thật qua con người thì không giống nhau. Vì vậy nghệ thuật khó mà hiểu cho rõ.

Nhìn ở góc cạnh khác, con ngỗng là sản phẩm của tạo hóa, của tiến hóa...Còn nghệ thuật là sản phẩm của con người. Nếu sự thật ở nơi nghệ thuật mà nghệ thuật ở trong con người, thì con người nhìn thấy sự thật của nghệ thuật là nhìn thấy sự thật của chính mình. Con người cũng khó hiểu được mình vì sự thật đó có quá nhiều chân khác nhau.

Nếu đã kết luận, nghệ thuật khó hiểu, thì có cần phải tìm hiểu không? Có nơi nào hoặc ai đó để tìm câu trả lời.

Hoàng đế Goyozei học đạo Thiền với sư ông Gudo. Hoàng đế là người thâm cứu, có kiến thức sâu rộng về Thiền. Khi gặp sư Gudo, Hoàng đế hỏi rằng:

- Theo Thiền, tâm là Phật phải không?

Sư Gudo trả lời:

- Nếu bần tăng nói là đúng thì bệ hạ sẽ cho rằng mình đã hiểu nhưng thật ra bệ hạ không hiểu. Nếu bần tăng nói sai, thì bần tăng đang nói ngược lại điều mà nhiều người khác đã hiểu tường tận.

Hoàng đế lại hỏi:

- Người chết đi về đâu?

- Bần tăng không biết.

- Tại sao thiền sư lại không biết?

- Bần tăng chưa chết.

Rốt ráo, chân lý của nghệ thuật có nhưng không xác định được trong ý nghĩa chung, quan niệm chung mà chỉ được "nhìn thấy" một cách riêng tư theo mỗi người, mỗi thời. Không ai có thể trả lời cho bạn câu hỏi này một cách chính xác. Nếu chưa chết thì làm sao biết được về sự chết? Sự thật trong lòng của một người và sự thật chung, có khác nhau chăng? - Khác. Có giống nhau chăng? - Giống. Như Tâm với Phật vậy.

Nếu không có một sự thật chung về nghệ thuật thì mỗi nghệ sĩ sẽ phải hiểu nghệ thuật ra sao? Hiểu theo trường học? Hiểu theo sách vở? Hiểu theo nghiên cứu? Hiểu theo tự phát tự diễn? Chưa có người nghệ sĩ thành danh nào mà không có một quan niệm nghệ thuật thâm sâu, độc đáo và riêng tư.

Dĩ nhiên đã chọn con đường nghệ thuật thì phải tìm biết nghệ thuật. Trăng trên trời là thật. Trăng in trong nước là ảo. Nhưng nếu đứng vào góc độ của ảo thì trăng ở trong nước là thật. Ví nghệ thuật thật là mặt trăng. Nghệ sĩ nào cũng nhìn thấy nhưng không ai bắt xuống được. Nhưng nghệ thuật in xuống trong lòng của nghệ sĩ. Nghệ thuật này như là bóng trăng và bóng trăng là nghệ thuật thật trong lòng. Chuyện còn lại là mỗi người hứng bóng trăng như thế nào? Bằng thau, bằng giếng, bằng hồ, bằng sông hay bằng biển?

Có một sư cô gánh nước đêm trăng. Sư nghĩ đến câu chuyện ngón tay chỉ mặt trăng của Phật dạy mà nghiền ngẫm. Nhìn lên, trăng ở quá cao. Nhìn xuống, thấy trăng trong thùng nước đang gánh. Ngón tay chỉ phải chăng là thùng nước đựng mặt trăng? Sư miên man tìm hiểu. Vẫn chưa nghĩ ra, sư tiếp tục gánh hết gánh nước này đến gánh nước khác. Mang trăng từ sông về đổ ở chùa. Đến gần sáng, vẫn chưa tìm thấy chân lý của trăng trong thùng và trăng đầu ngón tay. Quá kiệt sức, sư cô vấp ngã. Nước đổ ra đất. Gánh gãy. Thùng bể. Nằm sát đất sư cô phát ngộ tính. Viết rằng:

Chẳng còn nước trong thùng

Chẳng còn trăng trong nước.

Nghệ thuật có thể nằm ở mặt trăng nhưng làm nghệ thuật là gánh nước. Gánh nước thì không cần phải có trăng chỉ cần ánh trăng sáng để soi đường đi và ánh sáng đẹp để tận hưởng trong lúc đang gánh nặng.

Quan điểm này có lẽ không còn thỏa đáng cho tâm sự con người trong thời hiện đại. Con người hôm nay, dấn thân hơn, chi tiết hơn, thực tế hơn và có nhiều phương tiện hơn. Vì sao phải dùng tay để chỉ mặt trăng? Phải chăng vì con người muốn xác định một phương hướng. Nhìn về phía mặt trăng là một cái thấy không chăm chú và là cái thấy của riêng mình. Lấy tay chỉ, là hội tụ cái thấy và hướng dẫn những người khác nhìn theo. Mặt trăng đã có từ lâu. Người thường, ngắm trăng lơ là. Nhà khoa học thì muốn lên tận mặt trăng và họ đã đến trong thế kỷ 20. Vì vậy ánh trăng đẹp có thể thỏa mãn cho người thường nhưng không thỏa mãn cho người nghệ sĩ.

*****

Đây cũng là một trong những lý do mà người nghệ sĩ luôn luôn cảm thấy cô đơn cho dù anh có thể có hết mọi thứ trên cõi đời này. Làm nghệ thuật là con đường đi tìm lại chính mình.

Một nhà tu đi tìm bản ngã, có lẽ sẽ dễ dàng hơn vì ông có được sức "cố vấn" của tôn giáo. Một nghệ sĩ đi tìm bản ngã, có lẽ bi kịch hơn vì ông biết được nghệ thuật không có phép lạ. Cái bản ngã trong tôn giáo là cái bản ngã có sắc hình của Thượng Đế hoặc của hư không. Còn cái bản ngã tìm thấy qua nghệ thuật là một bản ngã đã có sẵn. Như một kẻ đi tìm một tấm gương để soi lại một nhân vật giống y như mình mà mình chưa từng thấy trước đây.

Tấm gương này không phải dễ tìm thấy. Cuộc hành trình này đầy bóng tối. Tìm ra tấm gương cũng không có đủ ánh sáng để soi gương cho thấy rõ. Bi kịch của nghệ sĩ nằm trong màn kết thúc này. Trong khi màn cuối của các bậc chân tu là màn kịch có hậu.

Một nghệ sĩ không tìm thấy hình dạng của mình thì không thể có tác phẩm của mình mà chỉ có tác phẩm của người khác. Cũng gần giống như nếu một người không thật sự tìm thấy vợ của mình thì người đàn bà sống cạnh bên là vợ của người khác cho dù cô ta không ngoại tình. Rất nhiều người tưởng mình có vợ. Rất nhiều người tưởng mình có chồng. Rất nhiều nghệ sĩ tưởng mình có tác phẩm.

Sự tìm không rõ bản ngã là một dằn vặt từ vô thức đến tri thức. Dù biết hay không, cái cảm giác không ai hiểu, không ai giúp, không ai chia sẻ, mãi mãi đeo đuổi người nghệ sĩ. Nỗi cô đơn này không có lối thoát. Làm nghệ thuật là tìm cách thoát ra. Càng vùng vẫy, càng đối phó với nỗi cô đơn để tìm thấy mình chừng nào thì tác phẩm càng có giá trị chừng đó. Khổ đau chỉ làm cho tác phẩm có giá trị tình cảm. Chính cái dằn vặt của cô đơn mới làm tác phẩm có chiều sâu. Cái dằn vặt cô đơn của nghệ sĩ cũng chính là cái khổ công đi tìm bản ngã qua con đường thẩm mỹ.

Zenkai là một võ sĩ đạo, du hành đến Edo và được nhận làm hầu cận của một quan lớn. Anh ta tư tình với bà vợ quan và chuyện bị vỡ-lở. Vì tự vệ, anh ta hạ sát viên quan rồi tẩu thoát với nhân tình. Nhưng người đàn bà tham lam quá độ làm cho Zenkai ghê tởm. Cuối cùng, anh đành phải bõ rơi bà ta và trôi nổi đến một tỉnh xa Buzen, trở nên một tên hành khất lang thang.

Ðể chuộc tội trong quá khứ, Zenkai nguyện làm vài điều thiện trong đời. Biết có một con đường đi qua vực núi rất nguy hiểm đã làm nhiều người chết và bị thương, anh quyết tâm đục một đường hầm qua núi. Khất thực ban ngày. Zenkai đào hầm vào ban đêm. Sau ba mươi năm, đường hầm đã được đào khá dài.

Hai năm trước khi công việc hoàn tất, người con của viên quan bị giết, nay là tay kiếm cao thủ, tìm ra tông tích Zenkai và tìm đến để trả thù. - Ta sẽ nộp mạng cho ngươi, Zenkai bảo. Hãy để ta hoàn thành công việc này. Ðến ngày đó ngươi có thể giết ta.

Người con chờ đợi ngày đó. Vài tháng trôi qua và Zenkai tiếp tục đào. Người con chán ngồi không và góp tay đào giúp. Sau hơn một năm giúp đào, người con thán phục tư cách và ý chí của Zenkai. Cuối cùng, đường hầm đào xong và mọi người qua lại an toàn.

- Hãy lấy đầu ta, Việc đã hoàn tất.

- Sao ta lại có thể cắt đầu của thầy ta được? . Người thanh niên hỏi mà nước mắt đầm đìa. (trích truyện Nhật bản).

Điều tốt đẹp của người nghệ sĩ là làm cho nghệ thuật đương đại được đẹp hơn. Nhưng điều này to lớn quá. Điều có thể của người nghệ sĩ là làm cho nghệ thuật trong bản ngã mỗi ngày mỗi đẹp hơn. Và cái đẹp này mang đến cho giới thưởng ngoạn. Có rất nhiều nghệ sĩ như Zenkai đã dùng hết một đời để đào những con đường hầm cho kẻ thưởng ngoạn đi qua, đi nhanh mà không bị lạc lối. Không phải là đường hầm dài hay ngắn, lớn hay nhỏ mà là hành động đào đường hầm đã thuyết phục chính anh và người xung quanh.

*****

Tại sao nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng, không cần hiểu chỉ cần cảm?

Rất nhiều nhà trí thức am tường về nghệ thuật thường dùng quan niệm trên để giải thích cho những người cố gắng tìm hiểu nghệ thuật hoặc đọc phải một bài thơ "khó" không hiểu nổi.

Quan niệm này có đúng không?

Tôi làm việc chung với nhiều người Ấn Độ. Họ là những nhà toán học rất giỏi và những kỷ sư viết phần mềm rất tài tình. Tôi có nhiệm vụ phân tích data của thị trường rồi chuyển sang họ để thành hình những cấu trúc và hành xử của robot. Những robots tự động giao dịch tiền tệ quốc tế. Một trong những anh kỷ sư Ấn này là bạn khá thân với tôi. Chúng tôi có chung một sở thích là đọc thơ thế giới. Một hôm sau khi làm hết phần hành, chuyển sang anh. Trong khi anh đang cặm cụi đúc kết dữ liệu, tôi tò mò lấy cuốn thơ của thi sĩ Ấn lừng danh Sukanta Bhattacharya trên bàn của anh ra đọc. Bìa hình của Sukanta thật đẹp. Vài phút sau, tôi đành bỏ xuống vì không hiểu gì cả. Cũng không cảm được chút nào. Tôi không biết đọc tiếng Bengali (một loại ngôn ngữ Ấn).

Có thể xác định trên căn bản, nếu không hiểu thì không thể cảm. Như vậy lý luận này phải chuyển sang: Nếu hiểu đại khái nhưng với một sức nhạy cảm cao hoặc trực giác sắc bén thì có thể cảm được một bài thơ khó, một sản phẩm nghệ thuật cao kỳ. Bạn nghĩ sao?

Có một thời thịnh Thiền tại Nhật Bản, những sư đi tầm đạo thường tranh luận với nhau để quán giải hoặc mở ngộ tâm tánh. Một thiền sư danh tiếng có khả năng tranh cải bằng cử chỉ không bằng lời nói và đã thuyết phục nhiều nhà hùng biện và giải đáp những thắc mắc của các thiền sư khác. Ông có một sư đệ, tính tình nóng nảy lại bị chột một mắt nên ít khi ra thiền viện.

Một hôm có vị cao tăng đến từ phương xa xin được tranh luận nhưng vị sư tụ trì đang mắc bệnh phong hàn không tiếp khách được. Ủy thác cho sư đệ ra tiếp kiến. Chỉ một khoảng ngắn ngủi, vị sư khách đã chạy tới khấu kiến sư trụ trì mà nói rằng:

- Sư đệ của ngài quả thật cao thâm. Đã giải ngộ cho bần tăng, Bần tăng xin cảm tạ.

- Hãy kể cho ta nghe.

- Thế này, trước hết bần tăng đưa lên một ngón tay ngụ ý nói Đức Phật là duy nhất để giải ngộ. Sư đệ đưa lên hai ngón tay ám lời là Đức Phật và giáo pháp của ngài đều là giải ngộ. Bần tăng đưa lên ba ngón tay tượng trưng cho Phật, Pháp và Tăng. Sư đệ liền đưa ra cú đấm. Ám chỉ cả ba đều khởi phát từ nhất thế. Bần tăng khâm phục. Nói xong vị cao tăng từ giã ra về.

Kế tiếp, vị sư đệ chạy vào phòng hỏi sư trụ trì:

- Lão sư già đó đi đâu rồi?

- Ông ta đã xuống núi. Đệ đã thắng cuộc tranh luận như thế nào, hãy kể cho ta nghe.

- Thật là đáng chết. Mới ngồi xuống, lão ta đã đưa một ngón tay lên, ám chỉ đệ chỉ có một mắt. Đệ bực tức nhưng cố nhường nhịn đưa hai ngón tay, có ý chúc mừng lão còn hai mắt. Lão thật không biết điều, lại đưa ba ngón tay, ám chỉ cả hai người mà chỉ có ba con mắt. Đệ không nhịn nổi, đành đưa ra cú đấm để cảnh cáo. Cũng may lão lãnh hội nên vội vã rút lui.

Common sense is not so common, ông Voltaire đã nhận xét như vậy. Huống hồ chi là khả năng cảm thông trong nghệ thuật. Những tri thức thu thập do cảm thông từ một tác phẩm nghệ thuật của thưởng ngoạn không có gì bảo đảm là của tác giả. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta đã gặp thiếu gì chuyện hiểu lầm, cảm trật. Cùng là một câu nói có người khen, kẻ chê. Cùng một câu chuyện, có người diễn thế này, người diễn thế khác.Vậy thì tại sao lại có thể đặt niềm tin nơi cái cảm vào một đối tượng như nghệ thuật, vốn dĩ rất mơ hồ.

Như vậy nếu hiểu biết sâu rộng về nghệ thuật thì khả năng cảm thông có phần chính xác hơn phải không?- Thưa chỉ đúng với các chuyên viên khảo giá tác phẩm và gần đúng với các nhà phê bình nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng không giải đáp được cho người thưởng ngoạn bình thường. Lý do tại sao?

Có một người thầy bói nổi tiếng bói đúng. Ông có thể nói đúng gần một trăm phần trăm chuyện quá khứ của người đến xem bói. Từ đó ông biện giải những chuyện tương lai và người ta đồn rằng ông đúng là thánh sống.

Một thanh niên nghe tiếng nên lặn lội đường xa đến để xem bói. Đến phiên anh ta vào gặp ông thầy để xin một quẻ. Thầy nói:

- Nào, anh muốn xem về gì? Tình duyên, gia đạo hay công danh?

- Thưa thầy, không. Anh thanh niên thò tay vào túi quần, bốc ra một nắm. Anh mở ra cho thấy toàn là đậu đen. Xong, anh nắm tay lại và hỏi.

- Xin thầy xem giùm trong tay con có bao nhiêu hạt đậu?

Một bài thơ khó khi đến tay người đọc. Có những người đọc xong, hiểu một cách mơ hồ. Có những người đọc xong, hiểu theo ý riêng của họ. Dùng văn bản để tìm về ý tứ và tìm vào tinh thần của tác phẩm không phải là chuyện có thể tin một trăm phần. Như một nhà khảo cổ, tìm thấy một mớ xương người xưa, có thể đối chiếu và suy diễn ra một tương thuyết về một nhóm cổ nhân, một thời đại xa xưa. Nhưng cũng chỉ là một cách bói.

Kết luận, một tác phẩm quá khó, quá mù mịt, không thể hiểu thì không thể cảm. Nếu một tác phẩm có thể hiểu được thì sự cảm thông sẽ giúp cho thưởng ngoạn dễ chia sẻ với tác giả. Một tác phẩm quá dễ hiểu, ruột để ngoài da, thì thông thường không được coi trọng. Như vậy giá trị của một tác phẩm nằm giữa một đầu là quá dễ hiểu và đầu kia là không hiểu gì cả. Vậy thì nằm ở khúc nào sẽ có giá trị cao?

Tính tình bảo thủ thì sẽ chọn trung dung. Trung dung trong nghệ thuật thường hợp với thương mại hơn là giá trị sáng tác. Nhìn lại những tác phẩm giá trị theo lối thống kê, có thể nói, tác phẩm giá trị nằm trong đoạn từ trung dung đến khó hiểu. Càng đến gần khó hiểu càng có giá trị.

Khó hiểu ở đây có nghĩa là có nhiều cách hiểu, nhiều tầng lớp để hiểu, có rộng có sâu để hiểu. Không có nghĩa là làm khó khăn cái hiểu. Nhiều cách hiểu như công án Thiền. Nhiều tầng lớp để hiểu như truyện Kim Dung. Bề rộng để hiểu như Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoy. Bề sâu để hiểu như Lá Cỏ của Walt Whitman....

Và dĩ nhiên như chuyện thường tình là những tác giả cho rằng sự khó hiểu cần thiết cho tác phẩm nhưng lại lầm lẫn sự khó hiểu theo lối sáng tác biểu diễn.

Người ta kể lại một câu chuyện xảy ra ở thành Athènes dưới thời đại văn minh của Hy lạp. Có một lực sĩ từ thành Sparte tới Athènes và biểu diễn, có tài đứng trên một chân lâu hơn mọi người. Quả thật, anh ta đã bỏ nhiều thời giờ luyện tập. Tạo ra một sức khỏe tốt. Sức chịu đựng bền bĩ. Hơi thở điều hòa không mất thăng bằng. Anh có thể đứng trên một chân giờ này qua giờ kia mà vẫn đứng vững vàng. Người qua đường hết sức thán phục. Có người ca ngợi không tiếc lời. Một nhà hiền triết đi ngang qua thấy đám đông tụ tập, bèn ghé vào xem. Ông lớn tiếng nói rằng, thật uổng phí tài năng. Một con ngỗng không cần luyện tập vẫn đứng được trên một chân, còn giỏi hơn anh ta.

Nếu mục đích của thể dục thể thao không phải là biểu diễn thì làm nghệ thuật có cần phải biểu diễn không?

Biểu diễn? Biểu diễn như thế nào?

- Biểu diễn thật là trình diễn một điều gì phát xuất từ tài năng thật sự.

- Biểu diễn lòe là trình diễn một điều gì mà không có tài năng thật sự hoặc vì mục đích lợi ích khác.

- Biểu diễn cần phải đúng chỗ, đúng thời, đúng việc. Nghệ thuật không có chỗ cho biểu diễn lòe và biểu diễn thiếu khả năng.

- Biểu diễn cao độ, quá độ, cực đoan thường rơi vào cụm từ "lập dị". Lập dị chỉ cần thiết khi nó là con đường khai phá với tâm huyết, với tài năng, hoặc với một lý thuyết vững vàng. Lúc đó, lập dị không còn là lập dị mà là một con đường mới, một sáng tác mới, một học thuyết mới. Ví dụ như phái DaDa là lập dị mà phái Siêu Thực, từ DaDa, lại là học thuyết sáng tạo.

Lập dị để gây sự chú ý và không có tác phẩm giá trị để chứng thật thì lập dị này sẽ không có đời sống lâu dài. Tự trong thâm tâm của mỗi tác giả, sẽ biết mình có ý đồ gì nơi tác phẩm.

Sáng tạo và sáng tác lúc nào cũng có sai lầm, lúc nào cũng bị tương tranh với sân si nhưng nghệ thuật phát ra từ bản ngã của người nghệ sĩ chân chính sẽ loại trừ dần những sai lầm kia. Creativity is allowing yourself to make mistakes. Art is knowing which ones to keep. (Scott Adams).

Trước hết là tài năng và tài hoa có chỗ khác nhau. Có tài hoa mà thiếu tài năng thì nghệ thuật tuy bay bướm mà cạn sớm. Có tài năng mà thiếu tài hoa thì nghệ thuật chỉ có thể đạt đến mức cao mà không đạt được sự bay bổng. Tài năng không phải là kiến thức, cũng không phải là kinh nghiệm, mà là khả năng tiêu thụ, tái tạo kiến thức và kinh nghiệm. Nói một cách khác là khả năng học hỏi và khả năng sử dụng những học hỏi.

Nan-In, một thiền sư Nhật vào thời Minh - Trị (1868- 1912), tiếp một vị giáo sư đại học đến tham vấn về Thiền. Nan-In đãi trà. Ngài chế một cốc đầy và vẫn tiếp tục rót. Vị giáo sư nhìn cốc nước tràn cho đến khi không nhịn được, bèn lên tiếng: - Nó đã đầy tràn rồi, không thêm được nữa đâu!

- Thì cũng như chiếc cốc này. Nan-In thong thả nói, ông đã mang đầy tư kiến và thành kiến. Làm sao tôi có thể chỉ cho ông về Thiền nếu ông không cạn cốc của ông?

Tài hoa thường cất cánh tài năng để trở thành kỳ tài. Nếu không, thì công phu là một cách cho tài năng đạt đến nghệ thuật có giá trị. Cả hai đều đòi hỏi sự trung thực và trực giác sáng tạo của và về thẩm mỹ

Nếu ai đến thăm thiền viện Obaku ở Kyoto đều nhìn thấy một bảng gỗ khắc chữ đại tự "Nhất Ðế" trên cổng. Ðối với người biết thưởng thức lối viết chân phương ai cũng đều tấm tắc khen ngợi là một tuyệt tác. Nó được viết bởi thiền sư Kosen hai trăm năm trước.

Thực ra ngài viết trên giấy, rồi nghệ nhân mới dựa theo khắc trên gỗ thật lớn. Khi Kosen viết thảo thì một thiền sinh đã đứng bên cạnh mài cả hàng mấy hủ mực lớn tướng, và cũng bạo dạn không ngừng phê bình lối viết của sư phụ.

- Chưa được, thiền sinh thưa với Kosen sau bản thứ nhất.

- Cái này thì thế nào?

- Còn kém, tệ hơn bản trước nữa, đệ tử phê.

Kesen kiên nhẫn viết bản này qua bản khác cho đến khi đếm được tám mươi tư bản với chữ "Nhất Ðế" chồng chất mà đệ tử vẫn chê. Ðến một lúc thiền sinh trẻ kia bước ra ngoài trong chốc lát, Kosen nghĩ: "Bây giờ là lúc ta thoát ra khỏi cái dòm chừng của nó," và ngài phóng bút viết liền tay với tâm thơ thới chữ "Nhất Ðế." Quay vào, nguời đệ tử reo lên: - Tuyệt tác.

*****

Biểu diễn chữ nghĩa

Trong các loại sáng tác, nghệ thuật chữ nghĩa là nơi dễ bị sự biểu diễn xen vào, vô tình hay cố ý. hàng ngày, con người sử dụng chữ nghĩa để trao đổi ý tứ, chia sẻ tình cảm, tranh luận đề tài, thuyết phục người nghe......Ngôn ngữ, lời lẽ không thể không có lúc phô trương, biểu diễn hay gian lận. Ngược lại, có ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ ẩn ý, ngôn ngữ bác học, ngôn ngữ thật thà. ....v...v... ngôn ngữ duyên dáng và ngôn ngữ đẹp.

Văn thơ, nhất là thơ, chuộng ngôn ngữ đẹp. Có lẽ vì người xưa xem việc văn chương thi phú là việc cao hơn những chuyện bình thường hàng ngày. Họ dùng nét đẹp, tinh thần đẹp đưa vào chữ nghĩa để phân biệt với chữ nghĩa bình dân. Truyền thống trau chuốt chữ và câu trong văn thơ vẫn mãi còn đến ngày nay.

Trong những năm đầu tiên khi làm thơ, tôi có nhận được đôi dòng viết tay của nhà văn Võ Phiến, vốn là bạn nhỏ tuổi hơn ba tôi. Vài dòng ngắn trong mảnh giấy ngắn, nhắc tôi nên quan tâm đến nét đẹp trong thơ. Tôi hiểu được ý của bác ngay vì tôi có chủ trương dùng ngôn ngữ rất thường, những tiếng địa phương và đôi khi là những chữ thô và góc cạnh. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn không thay đổi ý định ban đầu. Tôi cho rằng thơ cũng giống mọi sinh hoạt khác, sản phẩm khác, dùng để sống, không dùng để chiêm ngưỡng. Cứ theo tự nhiên và bản gốc của mình. Tôi không thấy thơ có nhiệm vụ gì cao cả. Tôi vốn dở thể thao. Những trò chơi đều về chót. Cờ bạc hay thua. Không thích làm việc. Chẳng coi trọng học hành. Thường hay suy tư và lãng mạn nên thích hợp làm thơ. Chỉ vậy.

Câu và chữ được trau chuốt đẹp và lãng mạn hoặc bóng bẩy chỉ có giá trị thật sự khi cưu mang một ẩn tình, ẩn tứ, ẩn ý hoặc gợi lên một hình ảnh, sự tích, dụ ngôn nào đó. Hoặc bình thường là có ý nghĩa. Nếu không sẽ chỉ là những câu, những chữ mang tính làm duyên hay son phấn bên ngoài. Người ta thường biện luận rằng thơ không cần phải có ý nghĩa. Sao lại không cần? Có chữ là có ý. Có câu là có chuyện. Nếu một câu thơ không mang ý tứ gì hoặc ý tứ hời hợt thì chắc sẽ bị lãng quên rất nhanh. Cứ thử nghĩ có bao nhiêu câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du mà ta có thể nhớ và đó là những câu nào.

Thơ Việt hiện tại lại có nhiều từ ngữ biểu diễn những tứ thơ có tâm tình kích động quá độ mà tâm tình đó đọc lên không cảm thấy có thật. Những tứ thơ nổi loạn, gào thét, đập phá hoặc trình bày những hình ảnh, mẩu chuyện kỳ dị như một bộc lộ để thoát ra những qui chế hoặc dòng thơ đương thời nhưng đọc lên không nhìn thấy tác giả. Chỉ thấy lao động ý tứ.

Một trong những khía cạnh biểu diễn là sự cường điệu. La to mà trống. Chữ lớn mà rỗng.Lăn lộn mà không đau. Khóc lóc mà không khổ. Nói chung là không cảm được sự trung thực. Không nhận ra được nhu cầu nào đã thôi thúc cho bài thơ thành hình.

Làm thơ phải bắt đầu từ một nhu cầu nào đó để thúc đẩy lời lẽ xuất hiện. Thường là xuất hiện hàng loạt. Đôi khi xuất hiện một hai câu để bài thơ bắt đầu từ đó. Bài thơ không có sắp đặt trước nhưng khi chấm dứt, chỉ có tác giả mới biết được anh ta đã giải tỏa nhu cầu ban đầu hay chưa. Bài thơ không đến từ một nhu cầu muốn thốt ra hoặc cần phải trải ra bằng chữ nghĩa, thì bài thơ này không có căn bản của thơ. Thơ không thể phát xuất từ nhu cầu biểu diễn hoặc nhu cầu danh tiếng hoặc nhu cầu thương mại. Nhu cầu để diễn đạt nghệ thuật là nhu cầu giải thoát những nỗi niềm cô đơn, như đã nói trên và nhu cầu trả lời cho những thao thức đi tìm bản ngã qua thẩm mỹ. Đọc xong, có thể có cảm tưởng, người làm thơ phải chờ đợi một nhu cầu trầm trọng. Thưa không, nhu cầu tình cảm và nhu cầu tri thức vốn đã sẵn có trong mỗi người. Có khi thôi thúc, có khi im lặng. Sự thôi thúc đến bất ngờ mặc dù có thể nó đã giằng co trong một chuỗi suy tư. Sự thôi thúc này, có khi rất nhỏ nhoi như cảm giác đói bụng, cần một miếng ăn. Hoặc khát nước mà muốn uống bia lạnh thay vì ly nước lã.

Để có thể chia sẻ nhiều hơn, hãy chọn nhu cầu tình yêu, vốn là động lực lớn nhất của thi ca và nghệ thuật. Nhu cầu cần có tình yêu là nhu cầu luôn luôn chiếm ngự trong tâm trí của mỗi người. Nhưng người không dùng nghệ thuật để diễn đạt nhu cầu này. Nhu cầu này sẽ bị thôi thúc bởi ông X, cô Y. Tạo ra một nhu cầu tình cảm đặc thù có nội dung và đối tượng là ông X hoặc cô Y. Những thôi thúc này là động cơ của sáng tác.

Một sáng tác nghệ thuật là một kết quả của một nhu cầu đặc thù bị thôi thúc. Sự thôi thúc mạnh hay yếu sẽ tạo ra sức sinh động của tác phẩm. Nhu cầu lớn hay nhỏ tạo ra tầm vóc của tác phẩm. Diễn đạt được nhu cầu này như thế nào là giá trị của nghệ thuật sáng tạo. Những yếu tính này kết hợp với nhau tạo ra giá trị cho một tác phẩm. Cho dù là một bài thơ chỉ có vài câu, cũng có yếu tính như vậy. Xét một tác phẩm nghệ thuật, xét một bài thơ cũng căn cứ vào nhu cầu, sức thôi thúc và cách diễn đạt.

Không nghe được người thưởng ngoạn, đừng tưởng họ câm. Không thấy được người thưởng ngoạn, đừng tưởng họ mù. Nhưng giữa trùng trùng bao la, họ đọc những lời thơ và nghe ra tâm địa của tác giả.

Sau khi sư ông Bankei qua đời. Không một ai trong các thiền sinh hiểu rõ sư phụ. Nhưng một người mù thường sống cạnh thiền viện kể với bạn rằng: - Bởi tôi mù nên không thể nào nhìn thấy rõ mặt ai, vì thế tôi đoán được tâm tánh của mỗi người qua tiếng nói. Thông thường khi tôi nghe ai khen ngợi kẻ khác hạnh phúc hay thành công, tôi còn nghe được cái giọng thầm kín của ganh tị. Khi nghe lời chia buồn kẻ khác gặp điều bất hạnh, tôi nghe có giọng khoái trá thỏa mãn, rõ là kẻ nói lời chia buồn mà lòng thì sung sướng vì có những món kẻ kia bỏ lại để cho mình chiếm đoạt.

- Chỉ riêng giọng nói của Thiền sư Bankei là luôn luôn thành thực. Khi ngài nói lời vui vẻ, tôi chỉ nghe độc có giọng vui vẻ. Khi ngài tỏ lòng buồn rầu, tôi chỉ nghe độc một giọng buôn rầu.

Nói về sáng tác, đã nắm rõ yếu tính và tinh thần thẩm mỹ thì những kết quả nghệ thuật hoặc thơ văn vì những lý do không thuộc về thẩm mỹ thì làm sao có được tính đẹp trong tác phẩm và đức đẹp trong bản ngã.

*****

Thơ hay là thơ ra sao?

Tôi đã nhiều lần phân biệt thơ hay và thơ giá trị. Không cần phải lập lại. Thôi thì lấy chữ "hay" theo nghĩa chung. Và dĩ nhiên đây chỉ là quan niệm riêng.

Nếu bạn nặn chanh chua vào một ly trà, những giọt chanh mau chóng tan biến vào nước trà. Nhưng nếu bạn bỏ đường vào ly trà, bạn phải khuấy lên, đường mới tan ra. Cả hai hợp lại thành ly trà chanh. Thơ cũng vậy, có lời lẽ, câu cú chui vào lòng và tan theo rung cảm. Có lời lẽ, câu cú phải suy tư, nghiền ngẫm mới tan ra. Một bài thơ gồm có cả chanh lẫn đường thì ly trà thơ này dễ uống. Nhất là chanh phải chua, đường phải ngọt thì sẽ làm khẩu vị tuôn trào nước miếng.

Bản tính Thấm và Thấu của chữ và câu là căn bản của bài thơ hay.

Có những chữ và câu thuộc về Thấm. Trước hết những chữ và câu này phải được đọc cẩn trọng hoặc trang trọng ngay từ đầu. Kiến thức, kinh nghiệm và khả năng hấp thụ thơ của người đọc là điều kiện để đón nhận và thời gian, từ từ những ý tứ của chữ và câu xâm nhập vào tâm tư thưởng ngoạn.

Về diện sáng tác, những chữ và câu có bản chất và nội dung Thấm là những chữ và câu có nhiều lớp bề sâu. Càng nhiều lớp chồng lên nhau càng thấm xuống lâu hơn.

Có những chữ và câu thuộc về Thấu. Từ chữ nghĩa câu cú đi thẳng vào lòng người đọc. Thấu không cần phải là dễ hiểu nhưng là hiểu liền, cảm liền.

Về diện sáng tác, những chữ và câu có bản chất và nội dung Thấu là những chữ và câu thường đến bằng trực giác sáng tạo. Chúng lóe lên và mang theo một tình ý có khả năng tuôn qua những rào cản để đâm thẳng vào tim.

Có những chữ và câu thuộc về Thường. Dùng để kể, để đệm, để nối, để dẫn.......Bất cứ bài thơ hay nào cũng có những chữ và câu thuộc loại này. Và thơ không hay là thơ có quá nhiều hoặc toàn là những chữ và câu thuộc loại thường. Nếu như cả bài thơ toàn là Thấm thì thuộc về bài thơ quá khó: Ví dụ,

Truyện bồ câu

Nước rửa lông mày

anh tưới tâm cây

Vùng lửa hạn

mắt lá ngày răm mát

Mãng cầu

chim huyền thoại

truyện bồ câu

Hoặc

Vải Thanh Hà

Tàu ú còi tu hú kêu vườn đỏ
Tuổi vào ga mùa ủ lửa má vừa

(Thơ. Lê Đạt)

Một bài thơ hay có ít Thường và nhiều ThấmThấu. Thấu thì quan trọng hơn Thấm. Thấu là tinh hoa nội lực của mỗi thi sĩ. Nhưng phải có thấm thì thấu mới sung sức trở lại mỗi khi đọc lại bài thơ và thấu có khi sâu đậm hơn khi đã thấm qua nhiều lớp.

Đọc: Poet's epitaph của Octavio Paz.

He tried to sing, singing                                               Hắn đan tâm hát, hát lên /

not to remember                                               để không còn nhớ

his true life of lies                                              nỗi niềm nhân sinh / sống đời thật để dối mình /

and to remember                                              để rồi nhớ mãi

his lying life of truths                                                   tâm tình băn khoăn /đối đầu sự thật dối gian /

(Selected Poems. Trang 2. Octavio Paz. Edited by Eliot Weinberger.1984. New Directions Publishing Corporation. 80 Eight Avenue, New York 10011)

He tried to sing, singing      (Câu thường: khai)

not to remember      (Câu thường: dẫn)

his true life of lies     (Câu thấm)

and to remember     (Câu thường: nối)

his lying life of truths          (Câu thấu)

Chữ viết của người Việt khởi nguyên từ tiếng Hán. Về sau chuyển sang Hán Việt và biến dạng tiếng Nôm. Sau cùng chuyển thành chữ quốc ngữ dạng chữ La Tinh. Cấu trúc và luận lý trong chữ Hán và chữ La Tinh rất khác nhau. Chữ Việt thừa hưởng cả hai.

Chữ Hán là chữ bắt đầu bằng tượng hình sau đó mới diễn nghĩa. Ví dụ chữ Nhàn do chữ Nguyệt nằm trong chữ Môn. Nguyệt lai môn hạ nhàn. Đa số những chữ Hán căn bản bắt đầu từ vẽ lại một hình, vật, thú trong đời sống rồi dần dà biến báo theo thẩm mỹ. Bản chất là tượng trưng rồi diễn ý.

Chữ Việt viết theo chữ La Tinh là ráp vần a, b, c....cấu trúc theo thứ tự và luận lý để tạo ra ý nghĩa ví dụ: tu (đi tu), thêm dấu huyền là tù (ở tù), thêm vần n và g là tùng (cây tùng).... Ý nghĩa của chữ thay đổi theo vần và dấu ráp thêm.

Ngôn ngữ Việt có thể diễn Hán, diễn Nôm, diễn La Tinh. Từ tinh thần cấu tạo và cách diễn, dễ nhận ra bản chất và ý tứ của chữ, trong cấu trúc lớn hơn là cụm từ rồi thành câu. Chữ và câu trong thơ Việt có thể hoặc tượng hình rồi diễn ý hoặc diễn ý diễn tình theo luận lý mở ra (unfold).

Ví dụ như dùng chữ Âm. " Chiều âm ....."

Hình tượng và ý nghĩa khi đọc chữ này là phân vân giữa Âm nghĩa trừ, Âm nghĩa tiếng, Âm nghĩa trái với dương. Âm là chữ tượng hình rồi mới diễn ý. Chiếu âm là câu tượng hình.

Chữ Âm thêm dấu sẽ mang đến Chiều ấm.....Chiều ẩm....

Chữ âm thêm chữ sẽ Chiều âm thầm...Chiều âm vang.....Chiều âm ỉ.....

vậy thì:

Chiều âm

Tiếng rơi

Em không tới

Khói nhang

cháy ngún lòng tôi

..................

Đoạn thơ này có những chữ và câu làm người đọc băn khoăn. Bên dưới những chữ và câu này là gì? Những hình tượng đọc thấy ban đầu như Chiều âm... mở dần ra với Tiếng rơi....Em không tới......bổng đổi màu, thay ý khi nối vào Khói nhang cháy ngún lòng tôi...

Khói nhang cháy ngún lòng tôi.....Câu Thấu.

Chiều âm.....Tiếng rơi.....Em không tới....Câu Thấm.Âm nào? Tiếng gì rơi? Vì em không tới, phải chăng là chiều âm thầm, cô đơn hay chiều âm phủ? Phải chăng là tiếng lệ rơi hay tiếng lòng thảm thiết? Ý tứ gì đây? Em hẹn mà không đến hay em đã chết không thể trở về?

Đây chỉ là một ví dụ. Dĩ nhiên khi đọc, sẽ đọc một lượt nhưng cứ mỗi dòng thơ hoặc mỗi cụm từ tiếp theo sẽ mở dần những ngõ ngách, con đường đi vào cõi thơ. Bài thơ hay là bài thơ mở ra nhiều con đường khác nhau, kể cả đường hầm để người đọc tha hồ chọn lựa, đi lui đi tới, đi ngang đi dọc.....Mỗi đường, mỗi nẻo, mỗi thú vị, mỗi rung cảm tâm tư.

Bạn thử đọc bài thơ " hết hạ lại thu" của thi sĩ Quang Phạm. Bạn có cảm được nồng độ của nhu cầu sáng tác? mức độ trung thực? và bản ngã của thi sĩ?

nhà tôi trên đồi

chạy quanh con suối cạn mùa khô

hôm em ghé chơi thẫn thờ bên gốc hạnh già

rồi bất chợt cất giọng bi ca, thảng thốt

tôi nghe như bắt đầu từ đó

nao nao, tiếng nước gieo chân đồi

rồi nắng hạ thấp, gió mùa dâng cao

từng cụm trắng đen mây rủ nhau tới

đổ bóng thiên thu trên thềm cửa vắng này

cây đàn bầu em bỏ đó hết hạ lại vào thu

một hôm rầu rầu mây trời bay ngang khung cửa nhỏ

khung cửa sổ như mắt, đăm đăm dõi nhìn

cung thương cung vũ bỗng dưng mình ên giật

chuyện như chẳng có gì

tự nhiên muốn bật khóc lòng đau

thoai thoải dốc đồi kia

bên dòng buồn buồn chảy

bóng hạnh là một vệt dài trên nền cỏ úa

ô kìa em chỉ còn một chiếc lá đỏ thôi

dáng, hình như tan vỡ đong đưa

rơi vèo vào chiều thu tịch mịch nhức nhối

chuyện tình buồn nhiều hơn vui

chẳng nói làm gì

chuyện như chẳng có gì

nhưng mỗi khi nghĩ tới lệ lại ít nhiều rơi

Rồi bạn thử tìm xem, chỗ nào Thấm, chỗ nào Thấu, chỗ nào Thường và bạn cảm ra sao?

Rồi mời các bạn thử đọc bài "Phẩm Giá Thơ" của thi sĩ Đoàn Minh Đạo. Đọc bài thơ này sẽ cần nhiều thời giờ để tìm hiểu rồi thấm mới có thể cảm. Bài thơ này như một chứng minh: Thơ khó không vì khó hiểu hoặc cố tình tạo nên khó hiểu mà vì có nhiều lớp để thấm qua. Bài thơ này có rất nhiều chữ và nhiều câu và nhiều đoạn thuộc về thấm. Có vài câu thấu, đọc nghe rất mủi lòng. Tiếng hát lương tri vượt ngục..... Nhà thơ người gieo hạt / Câu hỏi thơ đặt ngược với chúng ta.... Đất nước cần nhà thơ trong thời khốn khó.....

PHẨM GIÁ THƠ

Ông đã ra đi mùa hoa tháng Năm

Trời tháng Sáu tím sắc oải hương nở bên đồi

Điều mọi người yêu nói về mùa hạ

Nhưng thơ ông chỉ có

Màu tím hoa găng

Vừng trăng như mẹt kê vàng *

Trong giấc mơ kẻ khó

Những câu âm ma sát cùng sinh tử

Chữ nghĩa đọa đày

Đói nghèo lao ngục

Canh cánh bên lòng

Dong riềng khoai sắn

Xác pháo tân hôn tàn vỏ khoai tím rịm

Miếng ăn bạc trắng mồ hôi vắt tận trong xương

Đường đời gieo neo

Quị gối vin tay còn lênh đênh chao đảo

Nẻo sương chiều khổ lụy

Chút thơ mộng chắt chiu

Từng mụn trăng vá lụa áo tù

Cuộc lữ qua đời mệt mỏi

Khổ đau nuôi thành con chữ

Bát nước vối chát lòng tự sự

Cơn khát thơ dải yếm lụa còn vương

Quai tay búa ngỡ nảy tay thơ

Nhớ thủa cân mười trang con ngựa phủ chúa

Nhờ ơn cao rộng

Đong mười hai năm sống sót trở về

Bèo nhèo thân phận

Bó gối gục đầu

Lòng mãi giữ ngay thước thợ

Mở mắt xem đêm

Tình quê vươn từ ngọn rau cái kiến

Ánh nhìn tươi rói trẻ thơ

Bầu trời sơ nguyên chung thủy.

Ông đã ra đi mùa hoa tháng Năm

Trời nơi đây rưng rưng tử đinh hương

Cũng tím hoa cà thủy chung thân phận

Ôi miền đất ngục tù nhà thơ đục vào ký ức

Bài thơ ngậm lời ứ tựa ca dao

Khi giấy mực chỉ thét gào cùng quyền lực

Cái ác hoành hành

Người thơ thụ nạn khổ hình

Chối từ thỏa hiệp

Níu đau thương trọn kiếp làm người

Chỉ ra kẻ đâm người dấu mặt

Vu cáo gây thù

Khi bạo quyền đều muốn dẫn độ nhà thơ

Thi nhân thu sẵn hành trang rõ nơi phải đến

Chẳng hận thù

Vẫn nhân ái với kẻ gây tội

Cảm thông người thống hối lỡ lầm

Ước gì ta dõi bước theo ông

Trong dẫn lối lương tri

Hummingbird say mật tường vi

Cánh mong manh tinh âm thanh tân

Lập lòe đom đóm khuya soi bóng lộc vừng

Người ngưỡng mộ ông

Mỗi hình ảnh là quê hương sự sống

Mỗi ý nghĩ thiện tâm chắt gạn trong lao nhục

Mỗi hành động nhân hậu vực trỗi dậy

Trong hoang hoại của cảnh giác nghi ngờ

Tàn khốc thời văn hóa hư vô

Đời trại giam không ngày tháng

Thời nát bụi tro

Những tiếng tung hô cài lên cửa miệng

Thủa điện đài đã thành phế tích

Gió gào sử lịch mù sương

Cơn mưa cuồng đáy vực

Tiếng hát lương tri vượt ngục

Sóng biển xô nhịp đập hoá sinh.

Ông đã ra đi mùa hoa tháng Năm

Hoang vu tràn lũng linh lan

Bóng chuông nhỏ vang trời huyết lệ

Từ vừng trán ráng chiều đôn hậu

Cửa tử sinh nhân thế

Nhẹ tựa mây

Đất nước vướng dây oan nghiệt

Cái đói nghèo còn buộc chưa tha

Nhà thơ người gieo hạt

Câu hỏi thơ đặt ngược với chúng ta

Đeo đuổi người tím ruột cơ hàn

Đan kết hoang vu thương tích

Ất Dậu tháng Ba tưởng đâu dịch xóa lâu rồi

Cũng cái đạp vào mặt phẩm giá con người

Những em bé ơi thanh xuân đất nước

Vươn rừng bạt ngàn sức sống hồi sinh

Chúng ta chẳng cần sử thi thần thọai

Khi mãng xà đưa đẩy giọng cừu non

Ta bắt đầu bài thơ nén vần sâu lắng

Cánh thiên nga trắng ngần

Đùa gió hồ Xuân say cơn nắng Hạ

Minh triết vút đỉnh xa ngưỡng vọng cõi bờ

Đất nước cần nhà thơ trong thời khốn khó

Sự sống hiển linh len từng dẽ lúa

Câu thơ lời lá cỏ ven rừng

Đêm ca dao của vầng trăng muôn thủa

Vỗ về hơi thở sơ sinh

Nhà thơ bạc tóc rạp đầu lạy hạt gạo thiêng

Lả nhánh hương tưởng niệm chiều tà

Ôi mãi vắng thơ mùa hoa tháng Năm.

                                                   * Chữ thẳng vay trong thơ Phùng Cung.

                                                     Trích: http://www.gio-o.com

Hai nhà thơ là hai phong cách sáng tác. Hai cá tính khác xa nhau.

Có thể đọc ra nhu cầu thôi thúc của bài "Hết Hạ Lại Thu" từ một vết thương của một chuyện tình đã qua. Vết thương không lành, không chảy máu xối xả mà âm rỉ khi kỷ niệm đeo đuổi rồi nhắc nhớ. Chữ nghĩa của nhà thơ Phạm Quang thì bình thường nhưng cấu kết vào câu lại không bình thường, khiến cho câu thơ đọc lên thấy trăn trở: cây đàn bầu em bỏ đó hết hạ lại vào thu.....Hoặc nhiều câu mở ra khiến cho ta cảm thấy sự xót đau trung thực của tác giả. Chuyện như chẳng có gì / nhưng mỗi khi nghĩ tới lệ lại ít nhiều rơi....Không có nhiều câu thấm. Nhưng chỉ câu này, cũng cho ta sự cảm khái: bóng hạnh là một vệt dài trên nền cỏ úa. Bóng hạnh, bóng của cây hạnh già hay là bóng hạnh phúc có lần đã "thẫn thờ" nơi đây nay đã ngã trên cỏ úa. Không có câu thấu của trí tuệ nhưng câu thấu của tâm sự làm bùi ngùi cho kẻ đồng cảm: chuyện tình buồn nhiều hơn vui (dẫn) / chẳng nói làm gì (thấu).... Nhà thơ Phạm Quang không chứng tỏ một phương pháp sáng tạo rõ ràng. Cách diễn đạt của ông bình dị như lời tâm sự thường thường mà gây cảm động. Không ào ạt sướt mướt mà nhẹ nhàng như chiếc lá đỏ rơi.

Bài "Phẩm Giá Thơ" thì khác hẳn. Nhu cầu thôi thúc để bài thơ này ra đời là sự dằn vặt của suy tư về giá trị của làm người. Nhân vật "ông" vừa là nhà thơ Phùng Cung, vừa là bất cứ một người nghệ sĩ nào còn sĩ khí sống trong một xã hội bị phủ quyết nhân quyền, vừa là tâm sự của tác giả. Xuyên qua cái biểu dụ Phùng Cung, "Ông đã ra đi.." và những gì ông để lại, chính là những điều ta nghiền ngẫm về sự bi thảm của hào khí. Nỗi bi thảm này không phải chỉ của Phùng Cung mà của bất cứ ai có tâm hồn hào sĩ. Thế thái nhân tình, thành bại nhân sinh cũng làm cho hào sĩ hôm nay ngán ngẩm. Ông đó, người đây có phẩm chất làm người. Nhưng liệu rằng nhân phẩm của nhà thơ có làm nên phẩm chất thơ? Bài thơ tạo ra nghi vấn cho người đọc băn khoăn. Đó là đề tài thấm.

Phương pháp sáng tác của ông trước hết là vay mượn ít lời của nhà thơ Phùng Cung, những lời thấm thấu và khéo léo ráp vào câu trở thành lời lẽ của tâm sự... Miếng ăn bạc trắng mồ hôi vắt tận trong xương.... Từng mụn trăng vá lụa áo tù..... Mở mắt xem đêm.... Chỉ ra kẻ đâm người dấu mặt... Nhà thơ bạc tóc rạp đầu lạy hạt gạo thiêng.....v..v.... Chữ nghĩa của ông dùng thận trọng và chải chuốt. Câu cú ông xử thuộc về "khó" vì ông tạo ra những khoảng trống không giữa các ý tưởng. Sự liên tục của câu và ý bị gián đoạn để người đọc sụp vào khoảng suy tư. Những câu chuyện đời thật và truyện viết bởi Phùng Cung Nhớ thủa cân mười trang con ngựa phủ chúa ... được cài chung vào tâm cảnh và tâm ý của ông ... Quị gối vin tay còn lênh đênh chao đảo.... Chút thơ mộng chắt chiu.... Thi nhân thu sẵn hành trang rõ nơi phải đến..... Khổ đau nuôi thành con chữ.....v...v......Phương pháp sáng tác của ông có thể nhìn thấy đó là sự chọn lựa chữ và cụm chữ phức tạp. Câu cú chải chuốt cài nhiều ẩn ý. Ông phân biệt ranh giới giữa lời thơ và lời thường.

Một bài thơ dài là vị tự nó sinh trưởng hay vì tác giả cố nuôi cho nó lớn? Một bài thơ ngắn, chỉ có vài câu là vì tác giả hụt hơi hay vì tự bài thơ đã đủ? Không ai có thể thoát ra qui luật tự nhiên. Có nhu cầu lớn, có thôi thúc mạnh, sẽ có nhiều thơ. Có nhu cầu sâu sắc, có thôi thúc bất chợt, thường sinh thơ cô đọng. Căn bản của nghệ thuật làm thơ nằm trong bốn chữ: Tự nhiên và xuất thần.

Ở bất cứ thời đại nào, hoàn cảnh nào, chuyện làm người vẫn mãi mãi là chuyện ấm ức cần bộc lộ từ những tâm hồn chống đối rồi bị bầm dập bởi số mạng. Và cũng từ đó...Ta bắt đầu bài thơ nén vần sâu lắng.....

Ngu Yên

======================================================

(Xin đọc tiếp bài lý thuyết: " Bài thơ Thường Bài Thơ Thấu Bài Thơ Thấm")