"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Nghệ Thuật Tạo Hình Bằng Bản Thân

Levi Van Veluw NTTH NguYen 1 Sinh năm 1985.
Tại Hoevelaken.
Hà Lan.
Tốt nghiệp đại học Artez Art, Arnhem.  Hiện đang sinh sống và làm việc ở đây.
Đã triển lảm tác phẩm nhiều nơi trên thế giới, New York, Chicago, Los Angeles, USA; Toru, Polen; Brussels, Hasselt, Belgium; Linz, Autria; Beijing, China; Taragona, Spain; Volta Basel, Berlin, Germany; Trieste, Italy; Aberdeen, Scottland; France; London, UK; Stockholm, Sweden....

1. Dẫn.

Thông thường, tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm, là kết quả của sáng tác..là tài sản trí tuệ và vật chất của nghệ sĩ.

Đi vào phương pháp sáng tạo của Levi Van Veluw, người nghệ sĩ trở thành chủ đề, trở thành đối tượng và khác thường hơn, ông chính là sản phẩm của ông.

Francis Bacon nói rằng: "The job of the artist is always to deepen the mystery" (công việc của người nghệ sĩ là luôn luôn đào sâu vào cõi bí ẩn). Van Veluw là nghệ sĩ đa tài, ông chụp hình, vẽ, tạo hình, tạo diễn. Tác phẩm của ông có khi là tấm ảnh, có khi là đồ vật, có khi là bức tranh, có khi là tượng, có khi là video, đa số tập trung vào ông, nhất là cái đầu của ông. Và những tác phẩm của ông lần lược chứng minh, ông đang đào sâu vào sự phức tạp của con người và sự liên hệ với đời sống chung quanh. Sự bí ẩn được thể hiện bằng những chất liệu tầm thường như đời sống tầm thường đã che dấu con người thật.

Có thể nói rằng, cái đầu của ông là đối tượng của ống kính, là sân chơi tạo hình, là phương tiện diễn đạt, là một thứ thông tin nghệ thuật đến người thưởng ngoạn. Ngoài ra, thân thể của ông, cử chỉ của ông cũng trở thành trung gian phát đi những uẩn ức tâm lý, sinh lý và những suy tư về đời sống.

Mặc dù là khuôn mặt, đầu cổ nhưng không phải là chụp hoặc vẽ chân dung. Với sự phối hợp hoặc dàn dựng của các vật liệu khác nhau, cùng một đối tượng, cái đầu, ông cho người xem cảm nhận cái mặt thật bị đời tha hóa từ những vị trí nhìn của mỗi người, của mỗi thời gian hoặc của mỗi không gian.

Chúng ta không chỉ thưởng ngoạn nghệ thuật mà thưởng ngoạn nghệ thuật với bối cảnh và không gian thời gian đi chung với nó. Người sáng tác không chỉ sáng tác nghệ thuật mà sáng tác nghệ thuật trong nhiều lớp vỏ, trong nhiều hợp cảnh, và trong nhiều lăng kính của tâm sinh lý.

Nghệ thuật là con đường cảm nhận bản chất thật mà thường khi không thể giải thích bằng luận lý. Kể cả những vùng mà triết lý không thể chạm tới. Mỗi người lãnh hội được hay không là do người đó có sống với nghệ thuật hay không? Ngoài ra, là duyên số. Rốt ráo, nghệ thuật là để sống với, sống cùng; Không phải để sống nhờ, sống mượn. Giá trị sau cùng của người nghệ sĩ không phải là tác phẩm mà là nỗi hạnh phúc với nghệ thuật. "The only time I feel alive is when I'm painting". Vincent Van Gogh. (Tôi chỉ có thể cảm thấy mình đang sống khi tôi đang vẽ).

Cũng như những tác phẩm nghệ thuật trừu tượng , ấn tượng hoặc siêu hình, tác phẩm của Van Veluw phải mất nhiều thời giờ chiêm ngưỡng, quan sát và động não thì mới cảm nhận được ý tứ của ông. Đa số là biểu trưng cho những vùng đậm đặc của tâm lý và tâm linh. Như Lucian Freud đã ghi nhận: "The longer you look at an object, the more abstract it becomes, and, ironically, the more real" (Càng nhìn một đối tượng lâu chừng nào, càng thấy được vẻ trừu tượng của nó nhiều chừng đó. Trớ trêu thay, càng nhìn ra mặt thật của nó). Levin Van Veluw giải thích về một khía cạnh của phương pháp sáng tạo: "I sit in front of a mirror with several odjects and ideas. That day, the process takes shape, and slowly I create a new object I find interesting". (Tôi ngồi trước gương soi với vài đồ vật và những ý nghĩ. Ngày hôm đó, tác phẩm bắt đầu thành hình rồi từ từ tôi làm ra một đối tượng khác mà tôi thích thú).

Thấy một cảnh rừng núi, đồng bằng thu nhỏ theo kiểu bonsai, xây dựng trên một cái đầu người sống. Bạn có cảm nhận được sự liên hệ tinh vi giữa người và thế giới chung quanh? Bạn có tự hỏi đời sống làm chủ con người hay con người làm chủ đời sống? Ai tạo ra đời sống? Phải chăng là trí tuệ con người? Không cần phải tưởng tượng, bạn sẽ thấy tác phẩm này trên thân thể của Levi Van Veluw.

2. Bày.

Trên website của Levi Van Veluw, ông trình bày những tác phẩm của ông chia thành nhiều thể loại:
- Drawing Untittled. Những hoạ phẩm không đề.
- Automata. Vật thể xoay tự động.
- Origin Of The Beginning. Nguồn gốc của sự bắt đầu.
- Installation Images. Xây dựng hình ảnh.
- Veneer. Vỏ bên ngoài.
- Veneer IV Odject.
- Veneer III Object.
- Natural Transfers. Di tiếp tự nhiên.
- Monere. The word comes from the Latin "monere," which means 'to remind' or 'to warn.'. Gợi Nhớ
- Light. Ánh sáng.
- Landscapes. Cảnh trí.
- Material Transfers. Di tiếp chất liệu.
- Ballpoints. Chấm và vẽ.
- Older works. Tác phẩm xưa.
Tôi sẽ chọn một số loại tác phẩm đại biểu cho nghệ thuật cùa Levi Van Veluw, để giới thiệu với độc giả người Việt. Phần còn lại, xin lên website http://www.levivanveluw.nl/ tham khảo thêm.

NTTH NguYen 2

Bức vẽ này là một phần của tác phẩm Origin of the Begining (xem tiếp theo, phía dưới). Ông vẽ lại căn phòng của ông sống thời niên thiếu bằng diễn đạt trừu tượng. Một khoảng trống lớn trôi nổi nhiều hình khối hai mươi mặt. Căn phòng này vốn là nỗi ám ảnh của ông.

Mặc dù những khối hình học nhỏ lớn trông rất đối xứng nhưng chúng di chuyển qua khoảng không gian một cách hổn độn. Diễn đạt quan niệm đối kháng hàng ngày với sự hổn loạn đang xảy ra trong hiện thực.

Tạo Hình: Origin Of Begining

Tác phẩm này được triển lảm trong ba căn phòng. Mỗi căn vào độ 4m x2.5m x 2.5m. Vật liệu tạo hình là 30.000 ngàn miếng gỗ vuông nhỏ, cây gỗ, hình chụp và video. Bàn, đèn và tủ sách....

NTTH NguYen 3

Trong mỗi phòng triển lảm, ông đã tự tay dán những miếng gỗ nhỏ kín mít từ trần nhà xuống tận sàn nền. Những đồ vật chưng bày cũng bằng một màu gỗ. Căn phòng màu đà đậm tạo ra một thế giới đầy tâm sự âm u. Làm tăng cảnh lẻ loi của hình nhân ngồi trầm tư trên ghế. Hình nhân là người sống. Được dán kín những miếng gỗ con từ đầu đến chân. Góc bàn có dấu vết cháy, nói lên sự ám ảnh về lửa.

Có thể nói tác phẩm này biểu hiện tiến trình của Van Veluw trên đường tìm kiếm chính mình. Những chọn lựa vật liệu, cách xây dựng mô hình và cách sắp đặt cảnh trí chứng tỏ một cá tính độc đáo và căn cơ thẩm mỹ. Người xem có thể cảm nhận được không khí rùng mình khi nhìn thấy tác phẩm mang đầy vẽ huyền hoặc và ngây dại.

NTTH NguYen 4

Khi ánh đèn mờ xuống, bóng tối bao phủ trên màu sắc lờ mờ, tạo ra cảm giác cô đơn rờn rợn. Những chi tiết được hoàn thành tỉ mỉ và phối ráp rất nghệ thuật. Trong những video, có thể thấy hình nhân cử động và làm những hành vi diễn đạt những ám ảnh đã đeo đuổi đời ông. Như mỗi chúng ta đều có những ám ảnh riêng tư từ thuở trẻ.

Ông cho biết, những căn phòng này là những góc nhìn khác nhau của căn phòng mà ông đã sống đơn độc trong chuỗi ngày niên thiếu, từ 8 đến 14 tuổi.

Jackson Pollock: "Every good painter paints what he is" (Mỗi người họa sĩ giỏi sẽ vẽ những gì là họ). Điều then chốt này sẽ phân biệt được những điểm lớn của những nghệ sĩ lớn. Đây là lý do vì sao những người nghệ sĩ thật không bao giờ sáng tác giống nhau. Điều lầm lẫn lớn nhất của người sáng tác là cho ra tác phẩm của nghệ sĩ khác mà không phải là của chính mình.

NTTH NguYen 5

NTTH NguYen 6

Những tác phẩm như Veneers, Veneer III Object, Veneer IV Object, Lights, Natural Trans fers, Material transfers, Ballpoints và những tác phẩm xưa của Levi Van Veluw đều chủ yếu xoay quanh những "mặt nạ" hoặc vẽ bằng màu sắc hoặc bao bọc bằng nhiều chất liệu khác nhau. . Van Veluw không "đi săn" đề tài và đối tượng cho nhiếp ảnh cũng như tạo hình. Ông "săn" ông.

Ông nói về tác phẩm Veneers.

NTTH NguYen 7

Ông đã dùng những chất liệu, màu sắc, kiểu vẽ, hình thể và phối hợp chúng một cách tự nhiên lên khuôn đầu của ông. Đầu và mặt của ông là nhân tố không thay đổi. Mỗi yếu tố được chọn lựa theo từng hiệu ứng trước khi sáng tác. Trong hành trình chọn lựa qua lại với chất liệu khác nhau và không theo một ý định nào đã có trước, ông đã tạo ra hình ảnh. Đây là một phối cảnh của đời sống, thu nhỏ lại.

Người xem có thể cảm nhận được sự diễn tả khá dễ dàng vì mặt và đầu làm nền rất quen thuộc và dễ hiểu đối với mọi người. Hơn nữa, hình ảnh này không sử dụng hiệu quả của điện tử, của vi tính, đây là sản phẩm cụ thể. Khi cùng là cái đầu được thay đổi bởi những vật liệu diễn đạt khác nhau thì giá trị của nghệ thuật cũng thay đổi theo. Sự thay đổi này trở thành chủ đề của tác phẩm thay vì chủ đề trên từng đối tượng, tức là từng cái đầu dị biệt.

Ông sáng tạo ra những hình tượng thẩm mỹ khác nhau vì ông cho rằng nghệ thuật được sáng tác do đặc tính của sự bất mãn và do sự không toàn hảo của con người.

Một trong những mục tiêu sáng tác của ông là đi tìm giá trị của những sự vật chung quanh con người và những liên hệ đã tạo nên đời sống. Mặc dù những lý do tàng ẩn không thể hiện liền qua tác phẩm nhưng người xem cũng bị tác động bởi những thắc mắc chưa được thỏa mãn.

Natural Transfers

NTTH NguYen 8 NTTH NguYen 9NTTH NguYen 10 

Material Transfers

Những vật liệu quen thuộc tầm thường như thảm nhà, đá nhỏ và vỏ gỗ được sử dụng để bao bọc khuôn đầu Van Veluw tạo ra một sự đối kháng giữa hai giá trị cũ quen và mới lạ. Khó mà tránh né được cảm giác vừa thú vị vừa lạ lẫm khi thấy miếng thảm nhà như cái đẹp dùng chân đi nay trở thành cái đẹp trên đầu người. Cái chân dung của người có thể nhìn thấy, cảm nhận dưới những "mặt nạ" khác nhau. Vở lẽ, con người hàng ngày không phải như đã thấy.

A one man process, người ta gọi những tác phẩm của ông như vậy. Bởi ông chỉ loay hoay tạo ra sản phẩm đẹp từ chính thân thể của ông để diễn đạt những trầm tư và mơ ước của nghệ thuật.

Coco Chanel, người mang mùi thơm Chanel No. 5 đến cho thế giới, nói rằng: "In order to be irreplaceable one must always be different" (Để không bao giờ bị thay thế, người này phải luôn luôn khác biệt). Bạn có nhận thấy sự khác biệt của nghệ sĩ Levi Van Veluw?

NTTH NguYen 11

Lights

NTTH NguYen 12

Một trong những dãy tác phẩm mới của Van Veluw là ông sử dụng những vật liệu phản quang. Dùng đèn xanh để chụp hình những chân dung thể hiện khác nhau những kiểu phản ánh sáng. Trở thành những đối tượng độc lập, tự diễn. Qua bóng đen, ánh sáng tạo nên hình thể và tạo ra chân dung khác với chân dung cội nguồn. Một cách nhìn như thấy chân dung của một người vô hình đi ngang qua ánh sánh xanh. Phải chăng đây cũng là "mặt mũi" thật/giả của nhân sinh?

 Landscapes

NTTH NguYen 14

 When I say laugh, I don’t mean I want to poke fun, but because there’s a such a sense of humour about these pieces, and discovering that he creates the whole thing himself makes me laugh in amazement. On the other hand van Veluw challenges himself – when you look at his eyes there’s something so captivating about the stillness of each piece. ( Inggrid. Tuesday March 1st, 2011).

(Khi nói rằng tôi bật cười, không có nghĩa là tôi đùa giỡn nhưng quả thật những tác phẩm này mang tính chất khôi hài và khi khám phá ra chính ông ta đã tự tạo ra những dàn dựng này, khiến cho tôi bật cười kinh ngạc. Ở một nhận xét khác, Van Veluw đang tự thách đố mình. Khi chúng ta nhìn vào ánh mắt của ông, sẽ cảm thấy một điều gì thật quyến rũ về sự tỉnh mịch của mỗi tác phẩm).

Tác phẩm Landscapes xuất hiện năm 2008 với 4 tấm ảnh hai chiều và một video 3 chiều.

Những cảnh trí sống, thâu gọn, trông rất lãng mạn được bày biểu trên khuôn dung đầu mặt tạo ra một cảm nhận vừa lạ vừa quen.

Cảnh trí bốn bể năm châu đều đã có sẵn nhưng nếu không có con người thì cảnh trí ra sao? Một cảnh đẹp hoặc xấu là do người hay do cảnh mà ra? Là người mù, họ có biết cảnh trí ra sao không? Làm sao họ biết cảnh thế nào là đẹp?

3. Kết

Bước vào thế giới Bonsai của Đông Phương, vì sao người nghệ sĩ lại nén cây cỏ thành những sự sống bé nhỏ? Vì sao trăm năm lại nhốt cây cổ thụ vào hình thể con con? Nếu một đẹp lớn có thể thu nhỏ lại thì một đẹp nhỏ có thể khuếch đại ra. Một nghệ thuật nhỏ có thể có một đồng dạng ở nghệ thuật lớn. Người nghệ sĩ thật sự là kẻ nhìn thấy nghệ thuật trong những văn vẽ khác mà những người đồng thời chưa thấy. "Art is about presenting the possibility of a different way of thinking" Josephine Le Grice. (Nghệ thuật là diễn đạt những đường hướng khác nhau, có thể tìm thấy, về sự suy tư).

Levi Van Veluw đã được thế giới thưởng ngoạn đón nhận rất sớm. Ông còn cả một hành trình dài để khám phá thêm về chính mình và sự liên hệ giữa chủ thể, chủ đề và đối tượng. Người ta tiên đoán ông sẽ rời bỏ những chất liệu và phương tiện đang dùng để chọn lựa những chất liệu và phương tiện khác. Giới thưởng ngoạn nghệ thuật mới đang chờ đợi sự ngạc nhiên khác từ ông.

Ngu Yên
Houston, 15 tháng 6 năm 2012.