"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Y Phục Phụ Nữ Việt Nam

Hồi còn bé tí, Sao Khuê sống ở trong làng, quê mùa xấu xí, chỉ có quần đen áo trắng. Rồi một hôm, có cô em họ cùng tuổi từ Hà Nội về chơi, cô ấy được mặc áo đầm, lại còn được phi-dê (uốn tóc) nữa, đẹp ơi là đẹp, cứ như là con búp bê vậy đó, khiến Sao Khuê ao ước được mặc áo đầm. Khi sấp xỉ 10 tuổi, lúc ra Hải Phòng để đợi di cư vào Nam Sao Khuê thỏ thẻ với mẹ xin chiếc áo đầm thì bị bà thím phán một câu:
- Cẳng như cái cẳng gà thì mặc đầm sao được!
Cái mộng mặc áo đầm phải chờ đến lúc xuất giá mới được mặc, rồi chừng sang đất Đầm rồi thì tha hồ mà mặc, mặc kệ cẳng gà hay đùi heo, ta cứ hết mặc váy dài lại sang váy ngắn. Nhưng mà này! Này! Quí vị có biết là cái váy đâu phải là chỉ của đầm mới có. Cái váy ấy à nó được các bà, các cô A-na-mít mặc từ lâu lẩu lầu lâu rồi nhé, căn cứ vào mấy câu thơ:

Cái thúng mà thủng hai đầu
Bên ta thì có bên Tàu thì không

SaoKhue YP 1

Như vậy không phải chỉ từ ngày Pháp đô hộ chúng ta mới có người mặc váy mà váy là y phục của phụ nữ Việt Nam từ ngàn xưa.
Thuở xa xưa đó cái váy như thế nào? Căn cứ vào những câu thơ thì váy gồm có tới 4 mảnh vì ngày xưa vải chỉ dệt được bằng tay nên khổ vải hẹp, do đó phải cần đến 4 mảnh vải may dính lại với nhau mới được chiếc váy:

Ăn chơi cho thỏa thòa thoa,
Còn bốn bức váy sẻ tòa làm năm.

SaoKhue YP 2

Ghép 4 mảnh vải lại là rõ ràng chúng ta có cái thúng thủng cả hai đầu để tròng vào người từ chân đến bụng. Làm sao để giữ cho nó khỏi tuột đây? Dễ lắm! Lấy dải lụa mà buộc quanh ngang đáy lưng ong thành cái dây lưng mà giữ. Ngoài cái dây lưng, các cô nhà giàu còn được cha mẹ sắm cho bộ xà tích bằng bạc buộc kèm với chiếc dây lưng có dắt theo đồ têm trầu và ống vôi bằng bạc, còn giới bình dân thì chỉ có cái ruột tượng đựng tiền có dắt cái khăn trầu trong gói vài miếng trầu. Ruột tượng dài như dây lưng nhưng may thành hình cái túi dài trong có thể đựng tiền được, to bằng bàn tay nên gọi là ruột Voi (tượng là voi).

Nếu váy của đồng bào Thượng có nhiều mầu rực rỡ thì váy dân tộc Kinh thuờng bằng vải bông, bằng sồi hay bằng đũi. Người giàu cũng có váy luạ nhưng thường chỉ có màu đen nên gọi là váy thâm, đôi khi có mầu nâu do nhuộm bằng củ nâu.

Còn đâu cái váy luạ sồi,
cái dây lưng đũi cuả hồi sang xuân...

SaoKhue YP 3

 

SaoKhue YP 4

 

Váy thường thì chỉ dài lưng lửng giữa đầu gối và bàn chân để đi lại được dễ dàng, khi đi chơi thì váy được may dài tới tận gót chân cho tha thướt.
Đố quí vị biết chứ các cô ngày xưa có dám mặc váy ngắn không?
Có chứ:

Cô kia cắt cỏ bên sông
Cái váy thì ngắn, cái... thì dài

Cái gì dài ấy à ?
Cái váy thì ngắn, cái "mông" thì dài chứ còn gì nữa ạ, chứng tỏ ngày xưa các cô cũng sexy ghê lắm. Nói vậy chứ không phải vậy đâu. Thật ra thì váy không ngắn, nhưng khi làm việc, đi cấy, đi cầy, mò cua, bắt ốc... phụ nữ phải sắn váy cho ngắn lên để dễ bề làm việc - đàn bà thì sắn váy quai cồng, đàn ông thì sắn quần móng lợn cho nó gọn ấy mà.
Đã vậy lại còn có một cái váy mang tên là váy đụp. Quí vị nên biết ngày xưa vải dệt từ bông, sợi hay tơ tằm rất công phu do đó đắt đỏ nên vải dệt xong phải ngâm nhiều lần với bùn non cho dầy và cứng để cho lâu rách hoặc ở những chỗ hay bị rách người ta phải độn thêm vải hay vá chằng vá đụp sau khi bị rách bởi vậy có tên cái váy đụp.
Váy, may dễ, mặc vào thoải mái, lại tiện dụng như khi ra ao công cộng để tắm, tắm xong, choàng cái váy lên tận cổ là có thể đứng tại chỗ để thay áo mà không ai nhìn thấy ngực trần khi thay áo xong rồi từ từ trụt váy xuống là vẫn kín như bưng!

SaoKhue YP 5

Váy, lúc cần lại có thể đựng được đồ đạc, hứng được trái cây như bức tranh "hứng dừa", vẽ cô thiếu nữ tốc cả váy lên mà hứng quả dừa do người trên cao thả xuống!

Nguồn gốc xa xưa nhất của chiếc váy là cái nơm úp cá. Ở các nước Ả Rập, nó được gọi là Djoubba, có nghĩa là linh thiêng. Người Trung Hoa dùng chiết tự gọi là xuẩn chừ, gồm hai bộ phận ghép lại với nhau: chữ Y “rách” ghép với chữ “quân”. Từ “quân” chỉ bậc nam nhi với nghĩa tôn vinh. Thời Đông Sơn, người Lạc Việt dùng váy bằng lá cây hay lông vũ xòe ra. Sau đó dùng váy mở ngắn (một mảnh vải quấn vào thân) rồi đến váy kín gồm hai mép díu lại với nhau thành hình cái nơm.

Một thời gian dài, người ta dùng váy lưỡi trai bảy bức bằng lĩnh hoặc sồi dài chấm gót, cạp váy thường rộng bản, khoảng 8 - 10cm với nhiều màu. Tô điểm thêm cho chiếc váy là cái thắt lưng màu mỡ gà, hồng đào hay hoa lý... thắt so le buộc múi, buông rủ dịu dàng. Khi lao động người ta mặc váy ngắn trên đầu gối bằng vải thô kệch mà bền gọi là cái “sống”. Các phụ nữ trong cung đình mặc váy rộng, có nhiều nếp với chất lượng vải lụa hạng sang và quý nên gọi là xiêm. Ngày xưa, những chiếc váy đẹp nhất, thướt tha nhất là những chiếc váy của chị em ở đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là vùng Đình Bảng, Hà Bắc.

Những năm 1954 - 1959, có váy kiểu dài quá đầu gối, may phồng và hơi khum ở phần dưới (váy chuông). Đến năm 1960, váy được may thẳng, xẻ nhỏ ở giữa thân sau, xếp ly hoặc may bó. Năm 1968, váy mini ra đời, ngắn đến đầu gối. Năm 1980, xuất hiện váy dài đến chân có cài khuy bấm... Theo thời gian, chiếc váy ngày càng được cải thiện và đi vào nhịp sống hiện đại của người Việt. (internet)

SaoKhue YP 6

Đố quý vị biết, vậy chứ bên trong và bên trên cái váy có gì?
Bên trong ấy à ? Để coi! Không có gì hết!
Còn bên trên váy là... cái yếm.

SaoKhue YP 7

Yếm mặc để che ngực là một mảnh vải vuông, một góc may cổ xẻ, cổ thià, cổ xây, có dải buộc treo lên cổ, hai bên cạnh có dải buộc vòng ra sau lưng. Cái yếm có màu hoa mơ, hoa lý, hoa đào nhưng thường các cô thích màu đỏ cho nổi nên có tên là yếm đào, yếm thắm:

Hỡi cô yếm thắm loà loà
Sao cô không bảo mẹ già nhuộm thâm
Ước gì anh được ở gần
Để anh nhuộm hộ thấm nhuần công anh.

Có một bức họa vẽ một cô thiếu nữ ngủ ngày, váy thì cuốn lên, yếm lại trễ xuống khiến cho anh học trò đi qua nhìn đã đời muốn rớt con mắt rồi mà khi đi khỏi vẫn còn cứ ngoái đầu lại mà nhìn, đi không nổi. Bức tranh này lấy ý từ bài thơ "Thiếu Nữ Ngủ Ngày" của Hồ Xuân Hương :

Chiều hè hây hẩy gíó nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong!

Nhưng mà chả nhẽ lúc nào các cô ấy cũng ăn mặc như thế này thì hấp dẫn quá hả quí vị?
Thật ra đó chỉ là y phục mặc ở trong nhà, chứ khi ra ngoài đường họ phải có cái áo khoác ngoài chứ. Nếu chỉ đi gần gần thì có cái áo ngắn gọi là áo cộc, cộc tức là cụt, tiếng miền Bắc ấy mà. Áo cộc này ngắn, tay rộng, hai vạt trước không cài khuy hay chỉ cài lưa thưa để khoe cái yếm mầu. Khi đi chợ, đi thăm ai hay hội hè thì phải mặc áo dài. Áo dài, nếu là 4 mảnh ghép lại thì gọi là áo tứ thân; cũng do khổ vải hẹp nên hai vạt sau may dính liền, chỗ dính gọi là sống áo, hai vạt trước quàng chéo nhau trước bụng rồi buông rủ xuống đầu gối, thêm chiếc dây lưng dài màu tươi rói, cột chéo bên ngoài rồi cũng được buông thõng xuống cùng với vạt áo, đẹp ơi là đẹp...

SaoKhue YP 8

SaoKhue YP 9

Ngày xưa các bà các cô đi ra ngoài đều mặc áo dài, dù là đi chơi, đi bán hàng rong, đi chợ. Áo dài thường bao giờ cũng mặc ngoài cái áo ngắn nhưng có chị thuyền chài, thấy vậy không tiện nên mặc áo ngắn ra ngoài, bởi thế mới có câu:

Cũn cỡn như con thuyền chài
Áo ngắn mặc ngoài, áo dài mặc trong

Kiểu mặc này sau lại được các bà các cô ở tỉnh thành bắt chước. Họ mặc ra ngoài áo dài cái áo len, áo nhung, áo da thành một kiểu áo khoác ngoài... nhưng đó là lúc cái váy đã được thay thế bằng cái quần.

SaoKhue YP 10

SaoKhue YP 11

Quí vị biết không, số phận của cái váy cũng gian truân lắm nhé.
Khi nước Việt ta bị nhà Minh đô hộ, Hoàng Phúc cấm con trai và con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái không được mặc váy mà phải mặc áo ngắn cài một bên, quần dài như người Tàu, nên cái áo ngắn dù cài một bên hay chính giữa còn có tên là áo "khách" do dân miền Bắc vẫn gọi người Tàu là khách trú.
Khi lấy lại được độc lập, nhà Lê, vua Lê huyền Tông cấm đàn bà mặc quần có ống chân tức là trở lại mặc váy như xưa. Tuy vậy đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, để làm ra khác với đằng ngoài tức miền Bắc, chúa Võ Vương ra lệnh bỏ váy mặc quần. Đến đời vua Minh Mạng, năm 1828, nhà vua ra chiếu bắt dân xứ Bắc phải ăn mặc theo dân đằng trong nghĩa là mặc quần có chân:

Tháng chín có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì lột lấy quần chồng sao đang
Có quần ra quán bán hàng
Không quần lấp ló đầu làng trông quan.

SaoKhue YP 12

Phép vua thường thua lệ làng nên nếu ở chốn tỉnh thành, các bà các cô đã tuân chỉ mà tròng vào người chiếc quần vải hay quần nái thâm - nái tức là một loại luạ dày - thâm là màu đen - quần, bây giờ tiến bộ đã có giải rút luồn trong cạp, buộc nút đàng trước. Người khá giả thì có quần lĩnh, quần luạ... áo hoa. Chiếc áo khách ngắn gần đầu gối được kéo di ra thành chiếc áo dài cài ở một bên bằng khuy vải tết lại thay cho áo tứ thân:

SaoKhue YP 13

Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Em cùng thầy me dậy
Em vấn đầu soi gương
Khăn nhỏ đuôi gà cao
Em đeo giải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Em cầm nón quai thao...

SaoKhue YP 14

 

 

SaoKhue YP 15

SaoKhue YP 16

SaoKhue YP 17

SaoKhue YP 18

SaoKhue YP 19

SaoKhue YP 20

Nếu ở miền Trung, đàn bà vẫn giữ được tục mặc áo dài khi ra đường dù là đi chèo đò hay đi bán hàng rong thì ở miền Bắc và miền Nam, nhiều bà đã giản dị hoá, đi ra ngoài chỉ có áo ngắn với quần dài, miền Nam gọi chiếc áo ngắn này là áo bà ba.

SaoKhue YP 21

Dù là áo ngắn hay áo dài thì áo của ba miền vẫn có chút đỉnh khác nhau. Khi may áo thì cũng có phân biệt tà Bắc (nối nẹp ngoài) với tà Nam (nẹp gấp vào từ tà áo), tà Nam thường rộng hơn tà Bắc mà ngực áo lại ôm hơn.

Tuy mặc áo dài nhưng các bà thường lại đi chân đất! Sau này mới có guốc mộc (đẽo bằng gỗ) hay guốc vông (gỗ cây vông), tuy vậy trên đầu lại có khăn! Nhà giàu mới có hài thêu, mũi hài cong lên. Miền Bắc quấn khăn vành dây, khăn nhung hoặc vấn tóc trần hay búi tóc lửng. Khăn vành dây may bằng vải, tóc được chải qua một bên, bao lại bằng khăn theo chiều dài, dùng kim gút giữ cho khỏi tuột, sau đó quấn quanh đầu. Khăn nhung bằng nhung màu đen cũng quấn như thế nhưng cần độn thêm tóc cho tròn đẹp. Nhà quê nhà mùa thì có khăn mỏ quạ: Lấy một miếng vải vuông thường là màu đen, xếp chéo lại làm hai không bằng nhau, quàng lên đầu, hai chéo khăn buộc lại với nhau ở trước cằm, khi buộc như vậy trước trán nhọn lại thêm màu đen giống như mỏ con quạ vì vậy có tên là khăn mỏ quạ.

SaoKhue YP 22

SaoKhue YP 23

SaoKhue YP 24

 

Các cô thiếu nữ còn trẻ thì thả tóc thề, kẹp tóc sau lưng bằng cái kẹp có ba lá làm bằng nhôm nên gọi là kẹp ba lá:

Thuở đó em vừa thôi kẹp tóc...
Yêu anh... yêu anh em làm thơ...

SaoKhue YP 25

Vậy là khi thôi kẹp tóc, phải vấn khăn hay búi tóc là hết tuổi ngây thơ...
Ở miền Trung, các cô thường thả tóc thề và các bà vấn khăn hay đội khăn hoàng hậu. Sao Khuê không biết "khăn hoàng hậu" xuất phát từ lúc nào nhưng thấy tranh vẽ hình Hai Bà Trưng sau này đều có đội khăn này chứ trước kia thì họa sĩ quấn khăn vàng dây cho hai Bà. Về sau các cô dâu hay đôi khi cả phù dâu cũng đội luôn có lẽ là cô nào cũng là ái hậu của chú rể phải không quí vị. Khăn hoàng hậu bây giờ có đủ mầu xanh, đỏ, vàng v..v.. nhưng thời còn Vua thì màu Vàng dành cho hoàng tộc; quan lại và thường dân không được quấn khăn màu vàng vì vậy khăn thường có màu xanh dương cho quan hay màu đen cho dân.

SaoKhue YP 26

Trong Nam, các bà thường bới tóc rồi bao lại bằng cái lưới hay vắt cái khăn rằn. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều có thể xử dụng khăn rằn.
Khăn rằn thường là vải ca rô, có khi được vắt qua vai, có khi quấn lên đầu che nắng. Khi đi đường nắng, muốn cho mát thì nhúng ướt khăn rồi đội lên đầu hay vắt lên vai. Ở miền quê, đường đi không những đo bằng cây số mà còn đo bằng cái Zắt Zai (vắt vai):
- Từ đây ra chợ bao xa ?
- Ba cái zắt zai!
Ba cái vắt vai có nghiã là nhúng ướt cái khăn rằn rồi đi đến lúc khăn khô, nhúng như vậy 3 lần (thời gian đi bằng ba lần khăn được nhúng ướt rồi đi bộ cho đến lúc khăn khô).

SaoKhue YP 27

SaoKhue YP 28

Thiếu nữ miền Nam điển hình khoảng 1940 là cô Ba, hình được in trên hộp đựng xà bông cô Ba sản xuất tại Nam kỳ đeo xâu chuỗi chín vòng vàng, áo dài cổ thấp, tóc bới.

SaoKhue YP 29

Để che mưa nắng khi ra ngoài có nón lá, nón dứa lam bằng lá dứa). Miền Bắc còn có một loại nón rộng vành gọi là nón quai thao. Nón rách mất cả vành gọi là nón mê. Nón cho lính nhà vua gọi là nón dấu, nhỏ và dày, cứng hơn nón thường. Nón lá miền Trung có gài bên trong giữa hai lớp lá một hai câu thơ nên được gọi là nón bài thơ:

Mát mặt anh hùng khi nắng hạ
Che đầu thục nữ lúc mưa xuân

SaoKhue YP 30

SaoKhue YP 31

Thời xưa chưa có áo mưa, những khi thi trời mưa to thì có áo tơi. Áo tơi do những tàu lá tơi, giống như lá dừa để lợp nhà, kết lại mặc choàng bên ngoài cho đỡ ướt và đỡ lạnh...

SaoKhue YP 32

SaoKhue YP 33

SaoKhue YP 34

Trở lại với áo dài. Vào những năm 1935-1940, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường, ký tên là Lemur phụ trách phần trang trí cho các tờ Phong Hóa và Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Doàn. Ông còn là chủ nhân một cửa hàng thời trang nên đã đưa ra phong trào cải cách y phục phụ nữ. Ông vẽ những kiểu áo quần tân thời vừa đẹp vừa gọn với những đường eo, chỗ thắt làm nổi bật nét đẹp cuả thân hình phụ nữ thay cho những chiếc áo cổ truyền thùng thình, lượt thượt. Tất cả các kiểu áo dài đều không còn sống áo tức chỗ nối ở hai vạt áo; tà áo rộng vừa đủ, thân hẹp sát người, tay áo nối liền với vai, cổ kín, cổ cao, cổ bẻ, cổ hở được gọi chung là áo Lemur được các thiếu nữ Hà Nội hưởng ứng trước tiên. Đặc biệt là khuy cài trước kia làm bằng vải tết lại như nút Tàu nay được thay bằng khuy bấm nhập cảng từ Pháp:

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo dài khuy bấm, em làm khổ anh...

Lẫn lộn giữa các kiểu áo tân thời này vẫn còn những kiểu áo cũ:

Còn đâu cái váy luạ sồi
Cái dây lưng đũi của hồi sang xuân
Còn đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen.
Nói ra sợ mất lòng em
Xin em, em hãy giữ nguyên quê mùa…

Nhưng sau đó thì áo tứ thân, khăn mỏ quạ dường như biến mất nhường chỗ cho quần chùng áo dài.

Khăn nhung vấn tóc cho vừa
Đi giày mõm nhái, đeo hoa cánh bèo.
Quần thâm lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang.

Khi bắt đầu mặc quần, các bà các cô thường chỉ mặc quần đen, hay đôi khi nâu chứ không ai dám mặc quần trắng, ai mặc quần trắng thì bị gọi là me Tây vì chỉ có những người đi lại với Tây mới mặc quần trắng. Về sau thì... quen mắt các cô thích mặc quần trắng cho thanh lịch, quần đen lại chỉ mặc khi... bị kẹt.

Chiếc yếm cũng bị đào thải, thay bằng chiếc áo lót, may sát nách còn gọi là áo lá, rồi vì quần trắng cũng cần cái quần lót cho kín đáo mà bây giờ nhỏ lại thành cái sì líp cũng như cái sú chiêng (soutien) thay cho cái áo lót; áo lót chỉ dành cho trẻ gái còn nhỏ chưa đủ lớn để mặc sú chiêng.

SaoKhue YP 35

Khoảng năm 1955-56 cổ áo dài vẫn là cổ cao, che kín cổ, càng ngày càng cao nhưng đến khoảng 1957, bà cố vấn Ngô đình Nhu trình diện dân chúng với chiếc áo dài hở cổ và hở một chút bờ vai như hình chiếc thuyền do ông Nguyễn Được, giám đốc trung tâm tiểu công nghệ và ông Lê văn Đệ, giám đốc trường Cao đẳng mỹ thuật Sàigòn vẽ kiểu, về sau được nhiều ngươì hưởng ứng và gọi là "áo cổ bà Nhu".
Sau đó ít lâu, vào khoảng 1968 cách ráp tay áo cũng được thay đổi, tay áo được ráp thẳng vào cổ áo gọi là tay raglan, cổ áo cũng dần dần hạ thấp xuống... rồi để cho cân xứng, tà áo cũng ngắn dần lên chứ không còn dài đến tận gót chân như trước…

SaoKhue YP 36

Sau biến cố 1975, người di tản ít có cơ hội mặc áo dài, nếu có thường là áo mang theo khi di tản còn người trong nước thì cũng không còn áo dài mà mặc, nhà nước bán cho mỗi năm vài thước vải chỉ đủ để may áo ngắn khiến tà áo dài cũng biến mất trên đường phố hơn một chục năm mới trở lại.
Tại hải ngoại, các bà đã an cư lạc nghiệp nên hội hè thường xuyên hơn. Người ta thấy áo dài tái xuất, lộng lẫy và đẹp hơn trước bội phần, áo thêu chỉ màu rồi thêu kim tuyến óng a óng ánh, áo nhung, áo luạ, áo ghép vải màu nọ màu kia, thôi là rực rỡ muôn màu. Khởi đầu vẫn là áo dài tay raglan, cổ thấp, tà ngắn, dần dần cổ áo lại cao lên và tà lại cũng dài ra... đến năm 2005 thì đã dài gần tới gót chân như thời 1960... Cổ áo thì tùy ý thích, thấp có, cao có, hở ít, hở nhiều, cổ vuông, cổ hình trái tim... đã vậy những nhà sản xuất băng ca nhạc lại lăng xê nhiều kiểu, tà xẻ, tà đôi, hở vai, hở tay, thôi là... tùm lum, ai muốn mặc ra sao thì mặc, mỗi người một vẻ chả ai giống ai cả...
Con gái, ai cũng chờ: một ngày khép nép từ biệt mẹ cha, phận con là gái như hạt mưa sa, một ngày e lệ bước lên xe hoa.... với chiếc áo cưới. Nhìn vào những hình đám cưới nhà quê ngày xưa, chúng ta thấy cô dâu mặc áo tứ thân nhưng nhiều mầu sặc sỡ, chân có đôi hài thêu mũi cong lên, đầu có nón quai thao rộng vành…
Khoảng thập niên 40 trở đi, các cô dâu tỉnh thành mặc áo dài nhung, giày cao gót, thập niên 60 các cô lại mặc áo kép, hai áo hay một áo nhưng may bằng hai lượt vải kẹp vào nhau, thường là vải ren ở bên ngoài; sau này từ thập niên 90 trở đi thì có cô vẫn mặc áo ren ngoài áo dài thêu hay áo gấm, có cô lại may áo mệnh phụ ba tà bằng gấm để mặc bên ngoài chiếc áo dài...

SaoKhue YP 37

Nếu phương Tây có câu "chiếc áo chùng không làm nên thày tu" thì Tàu có câu: “Y phục xứng kỳ đức ”. Người mặc áo thày tu chưa hẳn là người tu hành tử tế nhưng khi ăn mặc thì quý cô quý bà cũng phải liệu mà ăn mặc cho xứng với địa vị của mình: Làm lớn đừng có cẩu thả áo quần nhăn nheo mất cả oai, đứng đường mà diện vá đẹp hay xách ví Louis Vutton thì ai mà cho tiền cơ chứ, thấy người ta hở bụng cũng vội khoe cái bụng đầy mỡ ra thì chả đẹp tí nào phải không quí vị...
Người ta cũng bảo thời trang là sự lộn lại nhưng đổi đi một tí, những người vẽ kiểu áo ngày nay đưa ra nhiều kiểu nhưng kiểu nào thì kiểu, phải có thân hình đẹp thì mặc mới xinh:

Sen xinh sen nở trong ao
Em xinh em mặc kiểu nào cũng xinh!

Tuy vậy những người không có ba vòng kiểu mẫu tức là vòng số 1 (vòng ngực), vòng số 2 (vòng eo), vòng số 3 (vòng hông) bằng nhau hay oái oăm hơn nưã lại là… 1 nhỏ, 2 lớn, 3 teo… nhưng khéo lựa kiểu áo Ả Rập che tuốt luốt nhiều khi trông cũng đặng hơn là người đẹp mà không biết diện hay không có… tiền diện… Điều đó có nghĩa là cái “gu” cũng quan trọng không kém nhưng có gu mà tiên khồng không tiền… cũng huề phải không quí vị.
Thực ra thì chuyện áo quần còn nhiều lắm lắm, Sao Khuê chỉ sơ lược chút đỉnh cho quí vị xem thôi, khi nào hưỡn hưỡn mình nói tiếp vì thời trang: Thiệt là rắc rối!

Sao Khuê

Phụ đề: tài liệu và hình ảnh được lấy ra từ tranh cổ truyền Việt Nam và internet.