Muốn Con Cái Học Y Khoa?

17Bhvhien --- mcc1

 

Mùa này các tân sinh viên nhận được thư từ các trường đại học cho biết mình có được một chỗ trong danh sách được chấp nhận hay không. Sau đó họ sẽ chọn ngành mà họ thích, có lẽ không ít thì nhiều tuỳ thuộc vào ý kiến và khả năng đài thọ của cha mẹ.

Chúng ta đang sống trong một xã hội đa chủng tộc và đối với các vị trí lãnh đạo hay điều hành trong hầu hết mọi lãnh vực như giáo dục, chính trị, tài chánh, chúng ta không gặp nhiều người Việt, nói theo tiếng Anh là "underrepresented", chúng ta có mặt ít hơn là tính theo tỷ phần người Việt trong dân số. Có thể nói y tế là một ngoại lệ quan trọng, dược sĩ, bác sĩ gốc Việt khá đông trong lãnh vực này. Ví dụ để so sánh, người Da Đen chiếm 12-14% dân số , trong lúc chỉ có 4% bác sĩ Mỹ là người da đen. Theo số liệu năm 2008, có 10.000 tân bác sĩ MD da trắng, 3000 bác sĩ MD gốc Á Châu và 1192 bs da đen, 919 châu Mỹ la tinh tốt nghiệp tại các trường Mỹ, trong lúc tỷ số da trắng trong dân số là 72% , da đen 12,6%, dân Á Châu chỉ chiếm 4,75% dân số. Với cơ hội hành nghề tương đối độc lập, y khoa là một trong những lãnh vực mà một người Á Châu trẻ có tham vọng và khả năng có thể thăng tiến khá xa mà ít bị chặn lại vì nguồn gốc chủng tộc của mình, một hiện tượng đôi khi được gọi là "cái trần nhà bằng tre" (the bamboo ceiling). Cho nên, nói chung chúng ta nên khuyến khích con cái theo học và hành nghề y khoa, vì đây là một điểm thuận lợi của cộng đồng chúng ta. Trong một bài trước, chúng ta đã bàn về làm thế nào để chuẩn bị cho con vào y khoa.  Trong bài sau đây , chúng ta sẽ bàn về những khó khăn hay trở ngại trên thực tế.

Khá nhiều cha mẹ muốn con mình học y khoa, vì nhiều lý do khác nhau. Có thể là một giấc mơ cũ của bản thân chưa thực hiện được, có thể vì muốn con mình có cuộc sống ổn định (bác sĩ ở xứ này khó thất nghiệp). Có người ép con mình học y khoa nhưng sau khi lấy bằng MD cho bố mẹ vui lòng, người con lại đi kinh doanh hay làm một nghề khác vì họ thấy không chịu được suy nghĩ, lối sống "theo lối mòn" (“thinking inside the box”), “ba cọc năm đồng” của người thầy thuốc, trong lúc họ có có thể làm tiền nhanh chóng hơn ở Wall Street, hay nổi tiếng, năng động trong  chính trường.

Nếu vào Internet và thử tìm hiểu xem các bác sĩ Mỹ có muốn con mình vào nghề y khoa hay không, đại đa số các khảo sát sẽ cho biết, đại đa số bác sĩ ở Mỹ không muốn con cái họ theo cái "nghiệp' này. Điển hình là một bài đăng trong "Journal of Medicine", phỏng vấn 350 bác sĩ nhiều chuyên khoa ở Mỹ. Câu hỏi: “Bạn có khuyến khích cho con bạn hoặc các người trẻ khác đi vào nghề y hay không?”  55% trả lời không.

(Would you recommend medicine as a career to your children or other young people?

32% (112 physicians) - Yes

55% (193 physicians) - No

13% (45 physicians) - Not sure -)

Kết quả này phản ảnh sự bất bình của các bác sĩ Mỹ về hướng đi của ngành y tế ở Mỹ, mà điểm chính là sự kiểm soát càng ngày càng thắt chặt của các thế lực hành chánh, như công ty bảo hiểm, hay Medicaid, Medicare trả tiền cho bs, và nhất là Obamacare mà 63% bs được hỏi cho rằng làm giảm phẩm chất của săn sóc y tế Mỹ và làm cho nó đắt đỏ hơn, tuy chính quyền hiện nay của Tổng Thống Trump chưa tìm được giải pháp nào hay hơn, có sức thuyết phục hơn để thay thế luật của TT Obama.

Đứng về phương diện tinh thần, cuộc sống của người bác sĩ ở Mỹ không hẳn giống như là cuộc sống của người bác sĩ ở Việt Nam trước đây hay là trong tâm tư của những người của thế hệ cuối thế kỷ thứ 20. Tương quan giữa bệnh nhân và bác sĩ hiện nay không còn là mối tương quan “lương y như từ mẫu” được biểu dương trước đây. Nền y tế của Mỹ đòi hỏi bác sĩ càng ngày càng phải bỏ thì giờ vào việc làm giấy tờ, hay trong computer. Theo Moneywatch (1), một bác sĩ nội thương làm việc 54 giờ/tuần và hết một phần tư là ngồi trước máy tính hay lo thủ tục giấy tờ. Cho nên, hình ảnh bác sĩ suốt ngày ra tay "cứu nhân độ thế", không cần nghĩ đến thực tế bên ngoài không còn áp dụng nữa từ ngày chính phủ (Medicare, Medicaid) cũng như các thư lại kỹ nghệ bảo hiểm sức khoẻ nắm quyền điều khiển.

Bác sĩ phục vụ bệnh nhân như là một khách hàng, và nếu sơ hở ít có sự thông cảm như trước. Ngược lại nếu theo lương tâm và ý chí riêng của mình, có những lúc bác sĩ  không theo đúng những tiêu chuẩn được áp dụng trong cộng đồng (community standards of care) hay nơi làm việc, do đó quyền quyết định của mình có thể bị giới hạn lại. Ví dụ nếu bác sĩ dành thì giờ nhiều quá cho một bệnh nhân thì sẽ không đủ thì giờ để giải quyết công việc kịp thời. Ví dụ khác là những trường hợp như phá thai, kiểm soát sinh sản, săn sóc cho người ở đoạn cuối đời, cứu các trẻ sơ sinh thiếu tháng thật nhỏ với nhiều rủi ro bị dư chứng sau này. Những hoàn cảnh như vậy có thể tạo nên xung đột giữa lương tâm người chữa bịnh và thực tế xã hội. Nói một cách khác, một số tâm hồn nhạy cảm sẽ không phù hợp với nghề làm bác sĩ. Nghề bác sĩ không chỉ đơn thuần là một chuyên môn vì nó đụng chạm đến những nơi sâu thẳm nhất, riêng tư của người khác và do đó ảnh hưởng đến cả nhân sinh quan cũng như tinh thần của người chữa bịnh.  Cứ mỗi ngày qua đi là có một bác sĩ ở Mỹ tự sát, nghĩa là 300-400 người chết mỗi năm. Nghịch lý là người bác sĩ định bịnh trầm cảm cho người khác một cách dễ dàng nhưng lại tránh né loại định bịnh này cho chính mình, vì không muốn cho người khác thấy là mình không đủ năng lực tinh thần để hoàn thành công việc, không muốn các cơ quan thẩm quyền xét hồ sơ hành nghề như bộ y tế, bịnh viện dòm ngó, khó dễ, lại một phần bác sĩ là những người cầu toàn khá khắc khe đối với chính bản thân mình. Đến lúc họ không chịu đựng được thì quá muộn.

Nói như vậy không có nghĩa là tác giả khuyên người khác đừng cho con học y khoa, trong lúc gởi con cái mình đi học ngành này. Ngược lại, tác giả vẫn khuyến khích người trẻ đi vào ngành không cao quý thì cũng thú vị này. Trên đây là thực tế để cha mẹ cảnh giác, tuy nhiên, ý kiến người bác sĩ từng lăn lộn và có thể đã mệt mõi trong  nghề là một chuyện, mà lý tưởng của người trẻ đang vào đời là một chuyện khác. Người trẻ mới vào nghề còn hăng hái và lý tưởng hơn thế hệ trước rất nhiều, và cũng như luôn luôn có một làn sóng người trẻ tình nguyện ra chiến trường đáng giặc, không thiếu gì người trẻ chen chúc nhau xin vào các trường y khoa. Một khảo cứu gần đây (AMA) cho thấy đại đa số (90%) các sinh viên y khoa , nội trú, thường trú Mỹ, bác sĩ mới ra trường đều bằng lòng với lực chọn vào y khoa của mình. Ba phần tư (3/4) kể ý muốn giúp đỡ người khác là động cơ quan trọng nhất thúc đẩy họ học ngành y, 63% kể đến động cơ khác là sự kích thích trí thức mà y khoa mang đến. Đại đa số cũng nghĩ rằng họ sẽ hành nghề y suốt đời (95% likely to practice as physician for the remainder of career).(2)

 Đối với tôi, thực tế của nền y tế của Mỹ như trên chỉ là một lý do thêm vào khiến tôi sẽ không muốn ép, “bắt buộc” ai đi học y khoa cả nếu họ không muốn và không thích như vậy. Ngoài chuyện tôn trọng tự do của mỗi con người trong xứ này, có lý do nữa là, dù sao ngành y cũng vẫn là một ngành rất khó vào. Trừ trường hợp những người xuất chúng có thể thành công dễ dàng trong bất cứ lãnh vực nào, đối với  người sinh viên khá hay trung bình, nếu không có sự tự nguyện, hăng say, cố gắng, tự giác, không dễ gì một người trẻ 17-18 tuổi đi hết còn đường dài từ 11 năm đến 16 năm, không ngừng nghỉ, thức đêm thức hôm, bị áp lực kỷ luật không khác gì quân ngũ. Trong lúc đó các bạn mình ra ngoài đời sớm hơn, sống thoải mái hơn, lương tiền của họ lúc ban  đầu có thể ít hơn nhưng qua năm tháng cũng không kém gì một bác sĩ mới bắt đầu hành nghề.

Đó là chưa nói đến số tiền lớn để đài thọ cho quá trình bốn năm học y khoa mà mỗi năm  không dưới 50,000 đô la Mỹ, và những kỳ thi cũng tốn kém rất nhiều đòi hỏi phải di chuyển tốn tiền khách sạn và máy bay. Tôi đã chứng kiến những trường hợp người con cảm thấy phải nối nghiệp  cha mẹ mình hay thực hiện giấc mơ của cha mẹ mình, cố gắng học y khoa nhưng ngoài ý muốn, họ học giỏi, họ có khả năng, họ học hết 4 năm trường y, nhưng sau đó họ bỏ nghề , đi làm "business", mà lại rất thành công. Tên họ nay có MD theo sau, nhưng lại rất nhiều tiền do họ làm luật sư, CEO, vv. Đó là chưa kể những người bỏ cuộc, mất nhiều năm tuổi thanh xuân và chỉ nhận được sự thất vọng của cha mẹ.

Người cha mẹ, một khi con mình đã vào ngành y khoa, nên nhớ rằng họ đang vào một hành trình khá gian nan và dài dẳng, nên dành hết thì giờ, tình thương, phương tiện trong khả năng của mình để nâng đỡ con cái, đừng nghĩ rằng vì con mình đã là sinh viên y khoa, bác sĩ thì không còn cần đến sự hổ trợ tinh thần và vật chất từ gia đình nữa.

Nói tóm  lại, cho con đi học y khoa cũng như gởi con vào quân đội làm lính thuỷ quân lục chiến (Marine), nhưng không phải chiến đấu với người khác mà chiến đấu với bịnh tật. Nếu có lý tưởng phục vụ, có sức phấn đấu bền bĩ chịu đựng, có lẽ y khoa sẽ là một trong những lựa chọn có ý nghĩa nhất cho một người mới lớn. Những hy sinh của họ sẽ được đền bù bằng những phần thưởng (tối thiểu là tinh thần) đích đáng. Tôi thường nhắc đến nhân vật Bill Gates, một người giàu có và quyền lực như vậy, hiện nay cũng muốn dồn hết tài năng của mình vào việc "cứu người" ("save lives"), đổ dồn hết thì giờ và tiền của của mình vào Bill & Melinda Gates Foundation, với mục đích chính là giúp mọi người có được cuộc sống lành mạnh và phong phú. Mục đích này cũng là kim chỉ nam của người hành nghề y khoa, tuy ở tầm mức nhỏ hơn, săn sóc từng người, từng người một, chứ không phải làm vị cứu tinh cho nhân loại. Tuy nhiên, quá trình đi học và được huấn luyện trở nên một bác sĩ y khoa hành nghề tại Mỹ rất lâu dài và khá cam go, về tâm trí cũng như thể lực (ví dụ thức đêm thức khuya, kỷ luật bịnh viện tôn ti trật tự, theo lối quân đội). Nếu người thanh niên yếu quá, sẽ thất bại. Nếu giỏi mà không thích y khoa, nên để họ theo "tiếng gọi con tim", không thiếu gì lãnh vực có thể đem địa vị, tiền bạc dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn cho người có khả năng học hỏi và phục vụ.

(1)$1 Million Dollars Mistake: Becoming a Doctor

http://www.cbsnews.com/news/1-million-mistake-becoming-a-doctor/

(2)Physicians join medicine to heal, and that commitment is lasting

https://wire.ama-assn.org/life-career/physicians-join-medicine-heal-and-commitment-lasting

(3) The Damaging Culture of Medicine and Physician Suicide

http://www.physicianspractice.com/worklife-balance/damaging-culture-medicine-and-physician-suicide/page/0/1?GUID=762FE83A-C78B-46ED-ABAC-28CB102CEC6C&rememberme=1&ts=02052017

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 2  tháng 5 năm 2017