hvh --- lafontaine --- 1

Jean de la Fontaine (1621-1695)

và chuyện ngụ ngôn gia tài người cha.

 

Jean de la Fontaine, thi sĩ thời cổ điển Pháp vào thế kỷ thứ 17, được người Việt biết đến qua những bài thơ ngụ ngôn, từng được các nhà văn như Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), Trương Minh Ký (học trò Petrus Ký, 1855-1900) dịch ra tiếng Việt hồi đầu thế kỷ thứ 20, lúc nền văn chương quốc ngữ mới nẩy sinh đang cố gắng du nhập những yếu tố mới mẻ từ văn học Tây phương, nhất là Pháp.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở tỉnh Champagne , nhưng không thuộc giới quý tộc. Sau một thời gian học ở chủng viện, ông bỏ tu đi học luật, và hình như hành nghề luật sư. Ông lấy một cô vợ giàu 16 tuổi, không được đảm đang lắm và mê tiểu thuyết. Ông chồng vắng mặt thường xuyên, không trung thành lắm, quản lý vụng tài sản gia đình, và hai người rốt cuộc ly thân sau khi có được một người con trai, để lại cho mẹ nuôi nấng.

Dần dần, La Fontaine dành phần lớn thời gian ở thủ đô Paris, để bà vợ ở lại tỉnh nhà. Ông chỉ thực sự viết văn thơ sau tuổi 30. Người ta cho rằng đọc Francois de Malherbe gây cảm hứng cho ông đi vào văn chương. Lúc phải chia tài sản với vợ và thất bại trong công việc quản lý làm mất hết sản nghiệp, ông được Công tước Fouquet, bộ trường tài chánh bảo trợ và mỗi quý, làm một số thơ thì lại được nhận tiền trợ cấp. Ông làm thơ đề tặng cho vua quan lớn nhỏ trong triều, và được chu cấp đầy đủ.

Năm 1664, lúc 43 tuổi, tập đầu tiên của Les Contes (Chuyện kể) được ra mắt và là tác phẩm đáng kể đầu tiên của ông. Ông cùng Molière, Jean Racine cùng đến chia sẻ một căn hộ của Boileau trên đường Rue du Vieux Colombier (Đường Chuồng Bồ Câu Cũ) để đọc tác phẩm của họ, và trong văn học sử được nhắc đến như là Bộ tứ của đường Chuồng Bổ Câu Cũ ( Rue du Vieux Colombier quartette).

Suốt đời, cho đến lúc ông mất ở tuổi 74, ông luôn luôn được nhiều người thế lực chu cấp để sáng tác. Khác với các nhân vật đầy khôn ngoan và tính toán trong những bài học ngụ ngôn của ông, La Fontaine nổi tiếng như là một nhân vật đãng trí vô phương cứu chữa, cẩu thả và khờ khạo về vấn đề tiền bạc và đời sống, một kẻ ngây thơ cùng cực, vô trách nhiệm với gia đình, thậm chí "một thằng khờ đầy cảm hứng" (inspired idiot). Tuy nhiên ông vẫn được ca tụng như là một người bạn trung thành, tốt bụng và là một thi sĩ dám nói lên tiếng nói của lương tâm mình. Ông "dễ thương" (“le bonhomme”) đến mức, bà y tá săn sóc cho ông lúc giờ cuối cũng thốt lên: "Chúa sẽ không bao giờ có đủ can đảm để trị tội anh chàng này".

Tác phẩm của La Fontaine có thể chia ra làm ba phần: Các bài thơ ngụ ngôn (Les Fables) mà cả thế giới ngưỡng mộ, phỏng theo các tác giả chuyện ngụ ngôn Hy lạp và La tinh, nhất là Esope, xuất bản 3 tập từ 1668-1694; các “Chuyện Kể” (Les Contes) nổi tiếng phần lớn giới hạn trong văn học Pháp, gồm những câu chuyện mĩa mai, châm chọc theo kiểu "tiếu lâm" Pháp (“contes licencieux”); và những tác phẩm còn lại, phần lớn bị quên lãng.

Reference:1) Julian Hawthorne: The Masterpieces and the History of Literature. Analysis, Criticism, Character and Incident. New York. The Halmilton Book Company. 1906.

2) http://www.nndb.com/people/419/000105104/

hvh --- lafontain 2

 

Le laboureur et ses enfants

Travaillez, prenez de la peine :

C’est le fonds qui manque le moins.

Un riche Laboureur, sentant sa mort prochaine,

Fit venir ses enfants, leur parla sans témoins.

Gardez-vous, leur dit-il, de vendre l’héritage

Que nous ont laissé nos parents.

Un trésor est caché dedans.

Je ne sais pas l’endroit; mais un peu de courage

Vous le fera trouver, vous en viendrez à bout.

Remuez votre champ dès qu’on aura fait l’Oût.

Creusez, fouiller, bêchez ; ne laissez nulle place

Où la main ne passe et repasse.

Le père mort, les fils vous retournent le champ

Deçà, delà, partout ; si bien qu’au bout de l’an

Il en rapporta davantage.

D’argent, point de caché. Mais le père fut sage

De leur montrer avant sa mort

Que le travail est un trésor.

Jean de la Fontaine’s “Le Laboureur et ses Enfants” (1668)

Phú nông và con trai.

Làm việc đi, chịu cực đi,

Thiếu công, thiếu sức, lo chi thiếu tiền.

Phú nông biết sắp lìa đời,

Gọi con đến dặn, không người chứng cho:

"Gia tài sản nghiệp phải lo,

Kho tàng không được bán cho người ngoài.

Vàng chôn chẳng rõ nơi nào,

Có gan tìm kiếm, sẽ đào thành công.

Tháng tám lúc mới gặt xong,

Ra tay lục lọi bền lòng mọi nơi.

Cày bừa, xới, xúc tơi bời,

Tìm khắp mọi chốn, người người góp tay."

Cha mất, con đào xới ngay,

Góc này, chỗ nọ, bới cày khắp nơi,

Chỉ qua được một năm thôi,

Thu hoạch vượt quá năm rồi thật xa.

Kho vàng chẳng thấy, chẳng ra,

Mới thấy bài học ông già khôn ngoan,

Trước khi từ giã thế gian,

Dạy con làm việc bạc vàng tạo nên.

Hồ văn Hiền dịch

Một ngày xuân tuyết..

Tháng 3 ngày 25, 2014

English translation:

The farmers and his children

Work hard, sweat all you can:

Riches is what counts the least.

A rich farmer, sensing his impending death,

Called for his children, and spoke to them without witnesses.

Do not sell the inheritance left by our parents, he said,

As a treasure is hidden in it.

I do not know where, but with a bit of courage

You will find it, you will figure it out.

Go search the field when summer ends.

Dig, scratch, plow, do not leave no earth unturned

Anywhere your hands can reach.

After the father’s death, the sons worked the field

Everywhere, over and over again, so that within a year

It produced more than ever before.

There was no money to be found, but the father had been wise

To show them before his death

That work is a treasure.

(This English translation is from Christophe Pelletier’s website “The Food Futurist)

http://hfgfoodfuturist.com/2011/04/21/wisdom-in-poetry/)

PS. Lời bàn thêm ngoài đề, về nguyên nhân tôi nghĩ đến La Fontaine và giới thiệu lại bài thơ ngụ ngôn đã xưa này.

Tôi viết bài này giới thiệu lại La Fontaine sau khi đọc thư của một người “sinh viên Nhật” từng ở 4 năm trên đất nước "rừng vàng bể bạc" chúng ta. Thư được đăng lại trong một bài báo của Vietnamnet nói về dư luận xôn xao do bức thư gây ra, mặc dù không biết bức thư này có đúng là do một sinh viên Nhật viết ra, hay do một người Việt mượn lời người ngoài để đem " một ly cà phê ngon, tuy đắng" dạy dỗ người mình hay không.

“Nói Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống, giàu văn hóa…Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự giàu có ấy.

Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Nhưng thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. ...Nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi?”

Có lẽ đã đến lúc chúng ta thôi than khóc với Trịnh Công Sơn về "Gia tài của mẹ",

“Một ngàn năm nô lệ giặc tầu

một trăm năm đô hộ giặc tây

hai mươi năm nội chiến từng ngày

gia tài của mẹ, ruộng đồng khô khan

gia tài của mẹ, nhà cháy từng hàng “...

Và theo gương người Cha trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine:

"Gia tài sản nghiệp phải lo,

Kho tàng không được bán cho người ngoài.

Vàng chôn chẳng rõ nơi nào,

Có gan tìm kiếm, sẽ đào thành công.”

(Re: Vietnamnet: Tranh cãi bức thư nói trúng tật xấu của người Việt http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/167133/tranh-cai-buc-thu-noi-trung-tat-xau-cua-nguoi-viet.html)

Hồ văn Hiền

3/26/2014