"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

Phiếm Luận Chuyện Đi, Về

   Có một ngày, bỗng thấy mình chẳng hiểu là buồn hay vui. Thì vốn dĩ đời người cũng vẫn có những lúc như vậy chứ! Có điều, lại lẩn thẩn nghĩ vẩn vơ về hai chữ ĐI, VỀ, nghĩ riết mới viết bài ‘thơ thẩn’ mà chơi:

ĐI, VỀ

Đời là một cuộc ra đi
Trăm năm là cả trăm đi vào đời
Ra đi có thể một thời
Có khi một lúc đã rơi mất rồi
Ra đi có thể nổi trôi
Cũng đôi lúc lỡ, lại ngồi thở than
Ra đi có thể trái ngang
Có lần vui thú, cung đàn ngân vang
Có đi đau xót bàng hoàng
Có đi rồi chẳng có mang chi về

Đời luôn là bước quay về
Về mang kỷ niệm lê thê thêm đời
Về mà có lúc chơi vơi
Có khi ân hận lệ rơi vơi đầy
Đời về nhung nhớ mỏng dày
Về mang thương tích ngật ngầy bước chân
Có khi về bước tần ngần
Có khi vui bước đôi chân vội về

Đời anh đi, lại đi, về
Có đâu ngẫm nghĩ là về hay đi
Có đâu phân biệt làm chi
Cứ hoài bước, đã đến khi bạc đầu
Đi đến đâu, về đến đâu
Chắc chờ trăm tuổi người sau nghĩ dùm
Đi về, lão hủ ... tùm lum

(Thơ Kiền Đức)

   Giống ba anh chàng ‘hợp tác’ làm bài thơ ‘con cóc’, lại cứ lẩn thẩn nghĩ hoài cái chuyện đi – về, kể lại bạn nghe nhé! Chẳng có ai rảnh mà định nghĩa thế nào là đi, là về; Lại càng chẳng có ai thắc mắc đi làm chi, về làm gì…Mà cái chuyện đi về trong không gian vật lý này càng cực kỳ nhảm nhí. Có điều còn nhiều không gian khác: Không gian tâm linh, không gian văn hóa, không gian đạo lý… Rồi trong những không gian đó, thế nào là đi, thế nào là về; Hay đi đâu về đâu, lúc nào là đi về… Có khi đi đó mà về đó, hay về mà hóa ra đi, mình cảm nhận về nó thế nào thôi.
    Thế giới bây giờ thay đổi liên tục, thời thế tạo anh hùng, bao người trở về vinh quang. Bậc anh hùng vội củng cố uy quyền, tạo thanh thế, địa vị, nhanh chóng lao vào vòng xoáy quyền lực – lạc thú – tiền tài – rồi lại thêm quyền lực… Về mà là đi đó vậy. (Còn đi đâu, đi tới đâu nữa cơ!) Tôi cứ luôn thán phục hai con người của thời đại: Giáo hoàng John Paul II, và Mẹ Theresa Calcuta. Một ông cụ già yếu, bệnh tật đi khắp thế giới, vun đắp những cái chẳng để ăn, chẳng để xài, chẳng ai thấy cần… Là tự do, công lý, là nhân quyền, là sự tôn trọng những giá trị nhân linh, là phẩm giá của con người… Con người ấy nằm xuống mà chưa về, còn đi xa lắm, đi lâu lắm! Một bà cụ già đi hết một đời người, đi khắp thế giới chẳng hô hào chẳng tự phụ, chỉ coi mình là ‘cây bút chì trong tay Thiên Chúa’, đưa hàng triệu người vào một chuyến trở về bình an, ấm áp, xứng đáng với phẩm giá con người… Bà cũng vẫn còn đi, mà đi vào cả tâm trí, tình yêu của cả bao triệu người.

   Mình thì quá là nhỏ bé, trước bao bậc vĩ nhân (nên gọi là ‘tiểu nhân’ vậy!) chỉ nhìn thấy cái trước mắt, cái cụ thể, như cơm áo hay đại khái là như vậy. Mà cũng có cái để đi - về nữa cơ đấy! Này nhé, gia đình, con cháu, đời sống… Còn bao chuyện nữa, đều là những chuyến đi, là đích về, là cả cái chuyện đi mà về, về mà hóa ra đi nữa chứ! Mà ngẫm lại, là con người, ai chẳng có một ‘xứ sở’ để mà đến, một ‘quê hương’ để trở về? Mà nếu không có nơi chốn nào để đi, để về thì buồn biết bao. Đời còn gì là thú vị, là ý nghĩa nữa?! Người có tôn giáo thường chú tâm vào nơi về cuối cùng là Niết–bàn, là Thiên Đàng, là nơi trường sinh cực lạc…; Nhưng còn bao nơi chốn cụ thể cho mình đi về nữa: Một chiều ấm áp bên gia đình, một lúc vui bên bạn hữu, một buổi hoàng hôn cuộc đời, một thời lắng đọng tâm tư sau một thời phấn đấu cho đời mình, cho lý tưởng hay một mục đích nào đó, cho ai đó…Tôi đi rất nhiều, về cũng nhiều; lại có nhiều bằng hữu sống tha hương và cũng có nhiều bạn chung lối sống, chung mục đích cống hiến cho người đời nên có nhiều dịp chia sẻ, tâm tình với nhau mà cảm nhận được phần nào cái hạnh phúc này: Có nơi để đi, có chốn để về, dù là hữu hình hay tâm linh, tình cảm… thì thấy đời mình đáng sống lắm!

   Lại liên tưởng đến mấy nhà độc tài mới sụp đổ, thấy họ dường như đã đi như chỉ một thời mà về cả đời: danh vọng tuyệt đối, uy quyền tuyệt đối, tiền tài phú quý tuyệt đối… Có vẻ sung sướng nhất thế giới rồi. Mà dường như không phải! Vắt hết tâm sinh lực mới có ngày leo lên đầu cả thiên hạ, lại phải lao tâm khổ trí lo củng cố quyền hành, bảo vệ cái ngai vàng, kể cả phạm không trừ một tội ác nào, tàn sát hàng vạn, đầy ải hàng triệu người… Toàn là ĐI không thôi! Mà có khi là đi đến tận cùng của cái ác nữa! Rồi sụp đổ, lưu vong, chết, bị cả nhân loại nguyền rủa… Vẫn không có chỗ để về! Họ thật là những con người bất hạnh nhất, có phải thế không ạ?!

Kiền Đức