"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Lá Thư Gởi Người Cha Không Quen Biết

Thưa Cha,
Con không biết mở đầu thư như thế nào cho phải. Bởi vì lá thư này gởi đi, con không biết ai sẽ là người nhận, người đọc và người trả lời cho con. Nhưng trong thâm con, Cha vẫn chính là Cha cuả con, dù con chưa hề được quen mặt biết tên, dù con đang sống ngay trên mảnh đât quê hương cuả cha, hay nói cho rõ hơn là con đang sống trên quê Nội cuả mình.

Thưa Cha,
Con là 1 trong những giọt máu của Cha bỏ rơi trên quê hương đất Việt xa xôi, dù vô tình hay cố ý, dù muốn hay không muốn, dù có hay không có thương yêu Mẹ của con, dù vì bất cứ hoàn cảnh xã hội chính trị nào, thì con vẫn là người mang dòng máu của Cha, con cũng cần được yêu thương, săn sóc và che chở như bao nhiêu trẻ thơ khác. Nhưng chúng con, những đứa con LAI mang hai giòng máu VIỆT MỸ, là con của 1 công dân Mỹ, sinh ra và lớn lên trong 1 đất nước Văn minh nhất, giàu có nhất, tự do và nhân quyền bậc nhất và có tình nhân ái nhất, vậy mà chúng con đã có những gì trong suốt chuỗi ngày thơ ngày niên thiếu?

Con viết bức thư này không phải để trách cứ gì Cha, mà chỉ là nỗi lòng của những đứa con gởi đến đấng sinh thành vì tình máu mủ. Mẹ chúng con là những người đàn bà châu Á nói chung, và Việt Nam. nói riêng, dù vì sao và làm gì, vẫn là những người phụ nữ mang nặng truyền thống tốt đẹp đầy tình thương cuả 1 người Mẹ, đã sinh ra chúng con, tuy rằng có những người Mẹ đã không nuôi dưỡng được chúng con, phải lià xa chúng con, bỏ bê chúng con giao chúng con cho những người xa lạ, những cô nhi viện, hay những Bà Ngoại già nua ở quê nghèo xa lắc.

Chúng con đã lớn lên với bao nhiêu vất vả đau thương, miếng cơm manh áo mà chúng con chưa bao giờ được no lòng ấm bụng, lại là sự hy sinh nhường ăn, xẻ mặc của những Bà Ngoại già sống nghèo khổ thoi thóp ở quê nhà. Mớ sắn, củ khoai tất tả gánh gồng cũng không sao có cho cháu 1 chiếc áo mới lúc Xuân về, cũng chẳng có tiền mua bánh quà cho cháu mỗi buổi chợ tan, chỉ biết ôm cháu mà nước mắt lưng tròng. Những giọt lệ trên gò má nhăn nheo rơi xuống hòa với lệ của đứa cháu Lai ngơ ngác mong quà, có làm Cha xúc động hay không?

Chúng con thèm từ cây kẹo, miếng bánh, cây kem, thèm từ trái bóng màu xanh đỏ, thèm được cắp sách đến trường, thèm được xỏ chân vào đôi dép nhật có quai xanh đỏ xinh xinh, thèm từ miếng cá miếng thịt, luẩn quẩn bên gánh bún bò chờ xin những chén dư cuả khách, Cha có biết không? trong khi những đưa trẻ con trên đất Mỹ dư thừa, đổ đi không hết.

Suốt ngày chúng con, những đưá con LAI, mà lúc xưa người ta gọi là những đứa CON HOANG, 7-8 tuổi cũng chẳng biết đâu là trường lớp, mà lang thang đi hốt lá, mót củi, đổ nước, bán kem, tối về lăn ra, co ro trong quán chợ góc đình, mặc cho tấm thân tàn làm mồi cho bầy muỗi đói vo ve. Chúng con còn thất thểu bươi những đống rác mà chỉ đi qua cũng có người ói mửa, để lượm miếng bià rách, 1 chiêc bao nylong bẩn thỉu, mảnh chai bể đem ra bờ sông giặt rửa, mong mỏi đổi được chén cơm hẩm tạm đỡ lòng sau khi bán. Lớn lên thêm chút nữa, chúng con đi làm thuê, vác mướn, những việc nặng nề, không đủ sức cũng phải lăn thân vào. Chúng con chờ đợi nơi đâu? Trông ngóng nơi đâu trong cảnh đời tối tăm rách nát này?

Người nuôi chúng con rồi cũng về bên kia thế giới, bỏ lại đứa cháu không biết cha là ai, ở đâu? không biết Mẹ lang bạt nơi nào? Còn sống hay đã chết trên bước đường đời chông gai. Bạn của con có người còn Mẹ nhưng cũng đói rách thảm thương như thế. Thời gian này thì chúng con hầu như đều đã đến tuổi trưởng thành, biết suy nghĩ đến cha của mình bên kia bờ Đại dương và đau lòng khi biết mình chỉ là những đứa trẻ lạc loài không có cha, chưa bao giờ được ôm lấy cha, được Cha âu yếm vỗ về như những đứa trẻ gần nhà. Hy vọng được cha đoái thương tìm kiếm đem về Mỹ để được no cơm ấm áo như 1 lằn chớp lóe lên rồi vụt tắt, như hái sao trên trời, như mò kim đáy bể, và cuộc đời chúng con vẫn cứ u ám đau thương.

Sau 1975, chúng con bơ vơ, đói rách, lang thang xó chợ đầu đường, chẳng có nụ cười mà toàn là nước mắt.Vì miếng ăn, các bạn Lai khác nhiều người đã sa chân vào chốn bùn lầy trộm cắp, hút sách, tù tội, là thành phần bất hảo cho xã hội. Cha ơi, nếu có Cha, chúng con đâu lâm phải những cảnh đau lòng như vậy. Chúng con âm thầm chịu đựng những ánh mắt khinh khi, những sỉ nhục, và sự xa lánh cuả mọi người chung quanh, không ai giúp đỡ che chở chúng con. Đến 1 ngày kia, tương lai hé mở cho chúng con khi chương trình Con Lai được trở về Mỹ, bỏ lại nơi chôn rau cắt rún cuả mình, nơi đã nuôi mình sống sót, dù bằng cơm thừa canh cặn, bằng nỗi đớn đau không sao kể xiết. Đột nhiên chúng con trở thành quý giá, người ta đua nhau lôi chúng con về, hoặc mua về, cho ăn cho mặc, nhận là con nuôi rồi làm hồ sơ ra đi.Vì thế mà chúng con có mặt nơi đây hôm nay.

Chúng con hầu hết đã được sống trong sự cưu mang của chính phủ và những người Mỹ hảo tâm, có cơm áo, có tự do, có nhân quyền, đó là giấc mơ to lớn thần tiên của tất cả chúng con trong cuôc đời, và chúng con xin dâng lời tạ ơn đến tất cả.

Đầu tiên chúng con xin tạ ơn đất nước Việt Nam, đã sinh ra Mẹ chúng con, Bà ngoại chúng con, với tình thương vô bờ, những hy sinh to lớn, đã hẩm hút nuôi chúng con trong thiếu thốn, khó khăn và nhọc nhằn cho đến ngày rời Việt Nam trở lại quê Cha, người cha mà chúng con chỉ nghĩ đến trong mơ khi xưa mà thôi.

Sau nữa chúng con xin cảm tạ những ân nhân người Mỹ đã cưu mang, giúp đỡ chúng con biết đọc, biết viết, biết nói tiếng của Cha để hội nhập vào đời sống mới nơi quê Nội, thoát khỏi cảnh đời tối tăm lúc trước để sống trong thực tại như những giấc mơ, những ao ước khi xưa.

Chúng con cũng cám ơn những ân nhân người Việt Nam, đã tận tâm lên tiếng giúp đỡ cho chúng con trong chương trình Bảo lãnh Con Lai được ra đi, và cám ơn mọi người đang sống chung quanh chúng con.

Lời cuối cùng cuả chúng con vẫn là những lời tha thiết nhất, Đó là Cha có còn mảy may nào nhớ đến hình bóng kỷ niệm, tên tuổi, quê quán của Mẹ con? Có muốn gặp mặt đứa con mà Cha chưa hề bìết bao giờ? để chúng con được cảm tạ ơn Cha vì nhờ Cha chúng con mới có ngày hôm nay cho trọn đạo làm con, đó là truyền thống cao quý cuả đất nước nơi đã sinh ra Mẹ cuả con.

Thưa Cha, bạn của chúng con vẫn còn kẹt lại Việt Nam, 1 số người, vì thất lạc Mẹ quá sớm, vì trôi nổi về những vùng xa xôi hẻo lánh kiếm ăn nên giờ đây không có đủ chứng từ xác minh, các bạn con đang sống cuộc đời như chúng con ngày xưa, đang ao ước được trở về đất nước của Cha trong vô vọng.

Hình ảnh Cha mong manh như sương khói, thấp thoáng như gần như xa, biết bao giờ nhìn thấy. Cha có khi nào coi cuốn VIDEO NHỮNG M ẢNH ĐƠI RÁCH NÁT hay ch ưa? Chắc là chưa, xin Cha hãy tìm coi, đó là cuộc đời của những đứa con Lai còn sót lại.

Cuối thư con xin 1 lần nữa dâng lời cảm tạ đến Việt Nam, đến Mẹ, đến Ngoại, đến Chính Phủ và nhân dân Hoa kỳ, đến tất cả Ân nhân biết hoặc không biết tên đã cứu giúp chúng con trong những tháng ngày qua và những ngày sắp tới, đồng thời cầu nguyện cho các Bạn LAI còn lại sớm được ra đi., sớm trở về quê cha đất Tổ. Biết đâu 1 ngày không xa, chúng con có cơ duyên gặp lại người Cha chưa hề biết mặt, biết tên.

Ôi còn hạnh phúc nào hơn, có vui mừng nào hơn Phụ tử trùng phùng, vì các Bạn ơi, có lẽ Cha của chúng ta nay đã bạc tóc hết rồi, có kẻ mất, người còn, gần ta mà không biết, xa ta cũng không hay, có biết Cháu Nội, cháu Ngọai đang ở đâu đây mà như xa cách muôn trùng? Có xót xa không cha, có thương không các bạn?

Thưa Cha chúng con cầu mong Cha sống lâu trăm tuổi nếu Cha còn tại thế. Nếu Cha không còn nữa chúng con cũng mong Cha sớm về nơi nước Chúa bình an.

Nay kính.

ĐỨA CON CHƯA HỀ ĐƯỢC GẶP CHA.

Phx.Hoài Hương