"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Ngó…

Sao Khuê có người cháu, cậu ta là thảo chương viên (programeur) cho chương trình điện toán xử dụng trong nhà thuốc. Vì phải viết chương trình nên đôi lúc cháu phải đến nhà thuốc để xem dược sĩ làm ăn ra sao, cần những cái gì mà đưa vào chương trình điện toán. Chẳng biết cháu tôi… xâm nhập thực tế (dường như là trong nước họ nói như vậy) được mấy lần mà sau này khi gặp Sao Khuê, dược sĩ đang hành nghề, cháu tôi tuyên bố:
- Làm dược sĩ như mợ sướng thật, chỉ cần cầm chai thuốc lên ngó một cái là xong!
Trời đất! Sao Khuê ngó sững cháu nhưng bản tính ít... nói, ít thích giải thích lăng nhăng vì Trời không cho Sao Khuê khiếu ăn nói, chẳng những vậy Trời còn tặng Sao Khuê cái khả năng càng nói càng làm cho người ta… hiểu lầm (vì thế mới lấy tên là Sao Khuê, ai hiểu nhầm, hiểu lộn, hiểu sai, hiểu không đúng, hiểu… gì gì thì cứ hiểu chứ lòng em thì cứ sáng như Sao Khuê), nhưng rồi Ông Trời nghĩ tội nghiệp sao đó, mới bù cho Sao Khuê khả năng… biết viết. Mỗi khi không giải thích bằng lời nói được thì Sao Khuê giải thích bằng tay… gõ máy bằng… tay… để… viết ra cũng đặng chứ gì…
Nào xin mời quí vị vào nhà thuốc để cùng… ngó với Sao Khuê.
Này ngó coi, bà khách này đang tiến đến... Khách quen. Cười xã giao một tí chứ. Bà này hên thiệt, đến lúc rảnh rang không đông khách. Bà từ từ móc ví lấy ra toa thuốc…
Ngó cái thứ hai: một dọc thuốc như vậy hẳn là thuốc uống thường xuyên
Ngó cái thứ ba ngay mặt khách: Xin bà cho số điện thoại . Bà có dị ứng với thuốc không?
Khách quen mà vẫn phải hỏi đủ hai câu thần chú hộ mệnh này vì số điện thọai giúp Sao Khuê tìm ra hồ sơ bệnh nhân nhanh chóng, còn dị ứng thì nhiều khi trong hồ sơ cũ chưa ghi phải hỏi để ghi vào nếu chẳng may ngày nào đó đưa thuốc gây dị ứng thì phiền lắm.
Quí vị biết không, nhiều vị khách chuyển nhà, đổi số điện thọai mà cừ lờ tịt đi không báo cho nhà thuốc biết khiến cho dược sĩ... lỡ có làm sai điều chi thì kiếm không ra mà sửa sai… lúc đó mới ô hô ai tai thì cũng đã muộn. Sao Khuê có một người bạn ôm mối lo cỡ… một năm do đưa nhầm thuốc: hai chai thuốc methyldopa (màu vàng) và metronidazol (màu trắng) để kế nhau, phụ tá lấy lộn và chị sơ ý cho qua… đến khi khách hàng vừa ra khỏi tiệm thì chị chợt nhớ ra là đưa lộn thuốc màu trắng thay vì mầu vàng, chị vội kêu điện thọai đến nhà và ngay cả sau đó tìm đến tận nhà cũng không gặp vì người này đã dọn nhà từ lâu… Mãi tận một năm sau chị tình cờ gặp người khách cũ trở lại… còn sống nhăn chị mới hết lo (sau đó vị khách cho biết là thuốc đó không công hiệu - nhầm thì làm sao công hiệu được cơ chứ - nên bác sĩ đã đổi thuốc khác rồi). Lại cũng có chị bạn khác được khách gọi giao thuốc, toàn thuốc quan trọng mà không giao nổi vì nhà và số điện thoại trong máy chưa được up-date…
Bây giờ thì ngó toa thuốc mới quí vị nhé…
Tên bệnh nhân trên toa thì hiếm khi đọc ra được nhưng với hồ sơ đã mở ra bằng số điện thoại thì có thể đoán ra: thấy… từa tưạ tên là… đúng rồi. Không được đâu quí vị ơi. Cần ngó sơ một cái xem hồ sơ và người đứng trước mặt có… giống nhau không. Bằng cách nào ấy hả… thì nhìn vào chỗ ghi tuổi họ để đoán ra là họ mua cho chính họ hay cho con hay cho người dưng khác họ (cái người không những ở cùng nhà của họ mà còn chung chăn chung chiếu chung giường chung mâm với họ tức là vị conjoint ấy mà)… Nếu bạn... ngửi thấy bất thường thì phải xác nhận lại toa thuốc là của ai bằng cách xác nhận ngày sinh. Sao Khuê đố quí vị biết là bác sĩ có… nhầm người nọ sang người kia không… Có chứ, đã vài lần Sao Khuê phải điện thoại để xác nhận… Và quí vị tưởng tượng nổi không, ngày mới hành nghề, Sao Khuê đã có lần cho cụ bà ngoài 80 uống thuốc ngừa thai: ông khách đến lấy thuốc hàng tháng cho mẹ và đưa luôn cái toa mới, ngó sơ... toa thấy cùng tên nên Sao Khuê bình tĩnh vào toa đưa thuốc ngừa thai để rồi nửa giờ sau đó điện thọai reo và:
- Này! sao bà lại cho mẹ tôi uống thuốc ngừa thai vậy, thuốc của con gái tôi mà.
- Cái gì? tên bệnh nhân trên toa là xyz… Trời đất, chết thật! 80 tuổi! vậy con gái ông sinh ngày nào?
Sao Khuê vội vã tìm trong máy thì… hai bà cháu cùng tên!
- Sao kỳ vậy hả ông, hai bà cháu cùng tên?
- Ngươì Ý chúng tôi khi thương mẹ thì lấy tên mẹ đặt cho con gái.
- Xin lỗi ông nhé, tôi sẽ sửa liền trong máy, khi nào rảnh ông đi ngang lấy nhãn (label=étiquette ) và recu nhé. Cám ơn ông nhiều nghe.
Hồi xưa bên xứ lá phong (Canada) đàn bà còn mang họ chồng nên họ của bà nội và cháu gái giống nhau, nếu tên gọi first name mà giống nữa thì chỉ còn mỗi ngày sinh là khác thôi vì bà cháu ở cùng nhà nên điện thọai và số nhà giống nhau…
Tuy được bài học như thế nhưng không phải lúc nào Sao Khuê cũng nhớ kiểm tuổi đâu, cũng đôi lúc râu ông nọ cắm cằm bà kia đấy nên trước khi ra về bao giờ cũng ngó để kiểm lại lần nữa thì mới an giấc đêm thâu được.
Sao Khuê sợ nhất khi thấy bà mẹ mang vào 3, 4, 5 cái toa cho cả gia đình, một nhà này mẹ này cha, toa này bà nội, toa này con thơ… Nhiều người như thế dễ nhầm toa nọ sang người kia lắm nên việc đầu tiên là phải lựa và để riêng toa và thẻ của từng người sau đó để toa và thẻ của mỗi người vào trong một cái ‘rổ’ riêng biệt. Thuốc của lũ trẻ thường giống nhau (vì chung nhà nên lây bệnh) , chỉ liều lượng là khác nhau mà thôi: đứa thì 15 kg, đứa thì 25kg, đứa thì 42kg. Bác sĩ bây giờ làm biếng tối đa: 30mg par kg par jour, tid… cho mình tính mờ mắt luôn!
Trở lại cái toa thuốc với cái ngó thứ tư là ngó vào toa thuốc rồi từ đó ngó đến tên, tuổi, điạ chỉ, dị ứng hay không trong máy để cho đúng người, đúng hồ sơ.
Ngó thứ năm, trở lại toa thuốc…
Ôi tưởng là bổn cũ soạn lại mà không phải thế.
Norvasc đang dùng là 7,5mg die tức 1 viên rưỡi của 5mg sao bây giờ chỉ còn có 2,5 mg thế này. Nhiều phần trăm là bác sĩ ghi lộn.
-Bà T… ơi, bà cho biết là có thay đổi gì trong thuốc lần này không? không à, thế thì tôi phải gọi bác sĩ để xác nhận, bà cảm phiền ngồi chờ nhé… Sao Khuê tiếp tục kiểm những món thuốc còn lại, ít thì 2, 3 món còn nhiều thì 10 món thuốc trở lên… May mắn, độ mạnh (force= strengh) và liều lượng (dosage) như cũ. Đưa cho cô phụ tá (hay tự mình) vào máy computer, ra nhãn, đếm thuốc...
Bây giờ mơí đến cái ngó mà cháu tôi nói:
Ngó trên nhãn: tên ngườì, tên thuốc, độ mạnh - force của thuốc, cách dùng, tên bác sĩ, số lần lấy thuốc (renouvellement) kế đó ngó viên thuốc xem có đúng là nó không.
Ngó trên nhãn: tên thuốc tên người
Liều lượng (force), dùng thuốc(dosage), tên ngườì cho toa (bác sĩ)
Tiện thể cũng phải ngó qua.
Bao nhiêu lần lấy (renew) cùng là hóa đơn …
Cũng phải ngó qua hóa đơn để xem tiền nong khai báo có được chấp nhận, nếu có trục trặc thì phải giải quyết kẻo bị khách càu nhàu.
Ngó tổng quát từng chai thuốc so với hoá đơn, quẹt 1 cái ở mỗi món thuốc, nếu thuốc trong hộp hay trong chai thì ngó thêm cái nữa xem ngày nào hết hạn (date expiration: nhiều hãng chơi trò thử thách, in mờ mờ hay dấu chỗ kín phải lật tơí lật lui nghiêng bên nọ, bên kia mơí ngó ra )…
Mắt ngó mà tay vẫn cầm điện thọai, tai vẫn đợi bác sĩ trả lời:
- Bà ơi, bác sĩ đến tuần sau mới trở lại, tạm thời bà ra máy đo, đo huyết áp…Bà vẫn uống 1 viên rưỡi norvasc mỗi ngày đấy chứ…Trong toa mới này bác sĩ giảm đi còn có nửa viên thôi nên tôi phải kiểm lại với bác sĩ… Vâng, đúng rồi chắc là bác sĩ vội quá ghi nhầm… Huyết áp ok vậy trong khi chờ đợi xác nhận của bác sĩ, bà uống như cũ tức 1 viên rưỡi lúc ăn sáng rồi hàng ngày phải đo huyết áp nhưng bất cứ lúc nào bà thấy mệt, chóng mặt hay có gì khác lạ thì đo huyết áp rồi gọi ra nhà thuốc hay gọi 911 nhé. Khi nào liên lạc được với bác sĩ tôi sẽ báo cho bà biết, những thứ thuốc khác thì vẫn xử dụng như cũ… đây là thuốc… cho thyroid ngày một viên 30 phút trước lúc ăn sáng, sau đó aspirine ngày 1 viên, thuốc G… tiểu đường, uống sáng chiều, thuốc L… cho cholesterol uống khi đi ngủ, không được ăn hay uống nước trái bưởi nhé, hộp này 1 tuần uống 1 viên ngày thứ hai khi mới thức dậy với 1 ly nước đầy và không được vào giường nằm lại nhé, viên calcium uống lúc ăn trưa và ăn tối, bây giờ tôi phải fax cho bác sĩ đã.
Cám ơn cái sự hiện đại của máy fax và may mắn là có số fax của bác sĩ. Fax xong lại còn phải ghi vào computer để lưu lại nữa và để toa vào chỗ riêng “Để giải quyết”, tuần sau còn gọi lại bác sĩ. Nhân đây cũng xin thưa vớí quí vị y sĩ là khi nào có thay đổi xin quí vị dùng dấu mũi tên lên xuống để chúng em biết mà khỏi làm phiền quí vị nhé.
Ào ào khách đến khách đi… bây giờ vắng khách làm gì ai ơi…
Thì còn làm gì nữa ngoài cái chuyện… ngó. Ngó cái chi ấy à… Trời ơi cả chồng dispill đã được các cô phụ tá để đó cho dược sĩ kiểm bằng cách… ngó xem có đúng không. Vì các cụ càng ngày càng thọ nên số khách lớn tuổi ngày càng nhiều, mà lớn tuổi thì hay quên. Quên ăn thì đói, quên uống nước vào mùa hè nóng cao thì… úm ba la… ra nhà quàn… nhưng thường thì các cụ quên uống thuốc hay uống rồi mà tưởng là chưa, uống thêm lần nữa khiến bệnh đổ ra, phải vào cấp cứu, phải nằm nhà thương rất tốn tiền cho chính phủ nên chính phủ quyết định nhờ dược sĩ tận tình phục vụ các cụ bằng cách làm cho các cụ những hộp thuốc xử dụng trong 1 tuần. Hộp plastic xài lại được gọi là dosett, plastic dùng 1 lần rồi bỏ gọi là dispill là 2 loại thông dụng nhất hiện nay. Hộp có 4 ô dọc (cho sáng, trưa, tối và lúc đi ngủ )... cùng 7 ô ngang từ chủ nhật đến thứ bẩy. Vì các cụ ngày càng đông nên dispill ngày càng nhiều, cần được sửa soạn trước để giao tận nhà hay để các cụ khi đến lấy thuốc không phải chờ lâu.
Để sửa sọan 1 dispill hay dosett, việc trước hết là in ra danh sách gồm tên bệnh nhân, điạ chỉ, số điện thọai, thuốc dùng (tên thuốc ) và cách dùng (mấy viên, uống lúc nào trong ngày) ngày bắt đầu xử dụng thuốc trong dispill đó… sau đó bỏ thuốc vào những ô của hộp… Những việc này là do các cô phụ tá làm, nhiệm vụ của dược sĩ chỉ là… ngó.
1.Để ngó dispill cho đúng thì trước hết bạn phải so sánh danh sách đã in ra với danh sách thuốc trong máy computer, nhớ đừng quên ngó những toa thuốc chưa xử dụng (mise en attente= hold) sau đó mới kiểm đến thuốc trong dispill.
Tại sao rắc rối vậy ư. Nhiều lý do lắm:
- phụ tá in sai, in sót vì khi in chỉ ngó sơ và máy thì chỉ in theo yêu cầu mà người đã chọn lựa
- Có thể có sự thay đổi mà phụ tá do thiếu kinh nghiệm không nắm vững được
Từ lâu, do số dispill tăng lên nên ở nhà thuốc mà Sao Khuê làm đã lập riêng 1 cuốn sổ để theo dõi. Mỗi bệnh nhân có 1 hồ sơ với:
*1 danh sách thuốc và cách xử dụng, ngày làm dispill, ngày bệnh nhân đến lấy (hay giao tận nhà).
* 1 tờ giấy trắng ghi rõ ngày nào làm dispill, ngày bắt đầu xử dụng dsipill, người nào soạn dispill (phụ tá dược phòng ), người nào kiểm và ngày kiểm.
* nếu bệnh nhân nào dùng coumadin hay insuline thì thêm 1 tờ giấy nữa có ghi rõ cách dùng (lịch uống coumadin)
Rất nhiều trường hợp danh sách này thay đổi luôn do bác sĩ điều chỉnh theo tình trạng sức khỏe người bệnh nhưng thường do bệnh nhân đi nằm nhà thương trở về nhà với toa thuốc mới mà bác sĩ đã thay đổi thuốc hay phân lượng hay cách dùng… Ngày nào sắp đóng cửa mà thấy một cái toa dài thoòng từ nhà thương ra thì đúng là trúng…số. Trong mọi trường hợp dược sĩ phải… hít một cái thật sâu để có đủ dưỡng khí, đủ tỉnh táo mà… lãnh số trúng.
Sẵn sàng ra trận để NGÓ rồi chứ.
Nào, ngó... tên, ngó… tuổi, ngó... địa chỉ, ngó… số điện thọai (hỏi lại cho đúng để nhỡ mệt quá làm sai còn réo bệnh nhân mà sửa kịp. Làm một nghề không có quyền sai mà lại rất dễ bị sai nên… hừ… stress full ).
Tất cả đều ok rồi thì mới ngó đến toa thuốc, từ từ mà cuống nhé , bình tĩnh mà run nhé, nếu không thì hít thêm cái nữa… Nào bắt đầu đọc…
*Trước hết phải loại bỏ những món thuốc mà bác sĩ đã ghi là ngưng (cesser), cứ thoải mái mà gạch bỏ để khỏi nhầm.
* Kế đó nhìn vào chỗ bác sĩ ghi ‘thay đổi’ (changer), đánh dấu chỗ này để dò trong máy computer.
* Bây giờ bắt đầu dò toa, đi từ trên xuống dưới, so với những thuốc đã dùng dù bác sĩ không ghi ‘thay đổi’ vì có thể…vẫn có thay đổi. Nếu bạn khám phá ra tuy cùng tên thuốc nhưng lượng thuốc, cách dùng thay đổi thì nhớ làm dấu để nhớ làm cho đúng khi vào toa cũng như nhắc nhở bệnh nhân sau đó…
Đóng dấu cho số (numéro de prescription ) từng món thuốc nếu bạn không dùng số tự động (số tự động có cái bất lợi là nếu toa làm chưa xong ngay vì khách chỉ cần lấy ngay 1,2... món còn những món khác để lần sau mà vì khách chờ đông, không có giờ cho vào máy ngay… hay hai ngươì cùng vào hai máy một lượt thì số trên toa nhảy loạn cào cào… không liên tục khiến sau này nếu cần kiểm lại… thì hơi mệt vì toa sẽ được xếp không biết theo số nào, ở chỗ nào, nhiều khi cách nhau hàng mấy chục toa, kiếm lại không ra…)
Nếu là thuốc cũ đã dùng rồi thì khi vào toa mới chỉ cần régénérer toa cũ, máy sẽ hỏi bạn có ngừng (desactiver ) toa cũ không, ngừng chớ… cho sau này đỡ rối mắt, lý do là ‘có toa mơí’ = nouvelle rx… Nếu gặp thuốc cũ nhưng cách dùng hay phân lượng thay đổi thì… cũng ‘geler’ với lý do ‘đổi phân lượng’ = changement de force hay ‘đổi cách dùng’= changement de posologie, nếu thuốc cũ mà bác sĩ bảo thôi thì cũng geler luôn vơí lý do bác sĩ bảo ngừng= cesser par médecin
Bạn vào xong hết cỡ 5,10,15… ngay cả đến 20 nếu chẳng may cái... sớ táo quân (cái toa thuốc dài như cái lá sớ táo quân hay toa tầu hỏa) đó quá dài… thì đến giai đoạn ngó hai cái một lúc, ngó cái máy và cái toa so sánh hai bên để kiểm xem mình có làm đúng không… nếu phụ tá giỏi thì người ta sẽ làm dùm cho bạn, nhưng chớ có ỷ y nhé, khi đó vẫn phải ngó để dò lại toa và nhãn có giống nhau không về: tên bệnh nhân, tên thuốc, lượng thuốc, cách dùng, số lần được lấy (renouvellement) nhưng dò bằng máy theo Sao Khuê thì nhanh và chính xác hơn, tuy vậy mỗi người có thói quen riêng… Sao Khuê thích tự mình vào toa mới vì còn kiểm đươc interaction giữa những món thuốc và liếc sơ được trước đó bệnh nhân dùng những thuốc chi cũng như kiểm được allergie nếu có vì phụ tá thường hay bỏ qua những báo động của máy nhiều khi rất quan trọng.
Mỗi nhà thương lại có một cách ghi toa khác nhau khiến cho khi dược sĩ đang bình tĩnh mà... run sẽ làm sai. Ví dụ : HCTZ, hàng trên nhỏ xíu có ghi 25mg par comprimé, hàng dươí ghi 12.5mg = 1I2 co die thì nếu không ngó lên trên dược sĩ có thể cho lộn là 1 nửa viên của 12.5 mg thay vì 1 nửa của 25mg!
Nếu bệnh nhân không xử dụng dsipill thì đỡ vất vả, bạn chỉ cần cùng phụ tá đếm thuốc, ngó kỹ là đúng thuốc (đúng tên, đùng lượng), muốn chắc ăn thì nhớ nguyên tắc 2 d (din, date mà din là hàng số numéro d’idenfication của mỗi món thuốc, chỉ cần liếc à quên, ngó 3 số chót vì nhiều chai hay hộp thuốc giống nhau dù khác force… nên cần ngó sơ sơ 3 số chót của din là 99% không bị nhầm… còn date là date expiration tức ngày hết hạn dùng).
Nếu bệnh nhân xử dụng dispill thì... hốc hác vì trong thời gian ngắn phải làm thì dễ sai sót lắm… ngay cả chỉ sửa lại dispill đã được làm (remplir) sẵn trước đó rồi. Bạn bảo dễ ẹc ư, bạn quên là trong lúc đó khách vẫn vào và vẫn phải phục vụ, vẫn phải ngó toa mới thuốc mớí, vẫn phải trả lời điện thọai, vẫn phải cho information người vào hỏi thuốc. Làm một lúc nhiều việc dễ sai lắm cơ…
2. Trở lại dispill nhé; nếu chỉ thay đổi 1, 2 món thuốc ở toa mớí thì có thể xử dụng lại dispill cũ, sửa hay thêm hay bớt tuỳ trường hợp, nếu thay đổi nhiều thì nên làm ngay cái mới cho đỡ nhầm.
Việc đầu tiên là làm nhãn dispill, ngó xem ngày tháng đúng không, ngó tên những thuốc phải uống cùng lượng thuốc (force), thờì gian uống… Sau đó cho thuốc vào từng ô (sáng trưa chiều tối), từng ngày. Thường thì phụ tá sẽ làm việc này và dược sĩ chỉ cần ngó để kiểm.
Muốn ngó không bị lé (mắt lé), bị đui ( nhìn không thấy đường), bị cataract (nhìn mờ mờ thuốc nọ tưởng thuốc kia… thì mang theo cái kính loupe nhìn cho rõ. Sao Khuê không đùa đâu, trong ngăn kéo để sẵn 1 cái kính… chiếu yêu. Có nhiều yêu tinh lắm nhé. Nào mời các bạn hãy cùng ngó với Sao Khuê cái dispill này coi có bao nhiêu yêu tinh (yêu tinh ở đây có nghĩa là phụ tá lấy nhầm thuốc thuốc nọ sang thuốc kia ấy mà).
Sáng: 2 viên procyclid 5mg, 1 viên synthroid 0.05mg, 1 viên glyburide 2-5mg , 1viên prednisone 1mg, 1 viên bisoprolol 5mg, 1 viên asphen 80mg. Sao các bạn dược sĩ xanh mặt chưa, trừ bisoprolol tất cả các viên thuốc trên đều trắng, đều tròn, đều nho nhỏ xinh xinh làm Sao Khuê nhớ tới cái bánh trôi của bà Hồ Xuân Hương (thân em vừa trắng lại vưà tròn, nhỏ nhỏ xinh xinh lại dòn dòn, uống vào bớt bệnh tăng tuổi thọ, (nhưng) dược sĩ sợ sai luống héo hon); thật đấy quí vị ơi, có người đã… từ trần vì phụ tá đếm nhầm từ prednisone 5 mg (deltasone ) sang glyburide 2.5mg (diabeta) do hai chai này lỡ ở gần nhau do cùng vần ‘d’ mà khiến dược sĩ khi ngó thì cứ thấy trắng tròn là cấp passport cho đi đâu ngờ là phụ tá lấy nhầm chai thuốc… Tưởng tưọng đi, uống glyburide theo lịch của prednisone: 10 viên ngày 1 lần cho 3 ngày… rồi giảm dần 9,8,7,6,5,4,3,2,… ngày 1 lần cho mỗi 3 ngày... thì chỉ cần 3 ngày đầu là đủ vô nhà thương do đường xuống quá thấp sau đó coma mà bác sĩ chưa biết tại sao. Bệnh nhân… đâu có bịnh tiểu đường trước đó để mà nghi ngờ cơ chứ, mãi sau này xét nghiệm lại mới hay là nhà thuốc đưa nhầm… từ đó mỗi lần cho hai món thuốc này là Sao Khuê phải kiểm đi kiểm lại mấy lần…
Trưa: đỡ vất vả, chỉ có carbocal và lorazépam 1mg
Chiều: 2 procyclidine 5mg, 1 citalopram 20mg
Tối: 1 viên catapress 0.1mg, 1 viên glycazide 80mg, 1 viên ézetrol 10mg, 1 lipitor 10mg, 1 lorazépam 1mg
Hốc hác nhé… 2 viên đều tròn trắng bằng nhau! còn ézétrol thì lại giống giống vớí lorazépam, trắng dài... không hiểu phụ tá có lơ đãng hay quá bận việc khác mà bỏ nhầm không, thế là lại úm ba la… dơ kính chiếu yêu ra mà ngó từng viên một, lorazépam không bỏ mà bỏ ézetrol thì ngất ngư… Thường thì Sao Khuê
Ngó từng hàng ngang: sáng trưa chiều tối cho từng món thuốc, ngó xem đúng thuốc không
Ngó theo hàng dọc: đếm số viên thuốc trong danh sách và trong dispill xem có thiếu viên nào không.
Phụ tá nhiều khi đang làm dispill phải ngưng lại trả lời điện thoại hay làm việc khác khiến đôi khi sót thuốc hay nhầm thuốc…

Tôi sẽ đi nhà thuốc khác. Tháng trước tôi trả 8 đồng sao tháng này bắt tôi trả 45 đồng? Trả lại thuốc, tôi đi chỗ khác lấy.
Cái gì thế…
Cô phụ tá phân trần nào là tiền đầu tháng, nào là… nhưng ông khách nhất định không chiụ.
Cô để đó tôi giải quyết. Làm dùm mấy cái toa khác đi.
Ông khách này hôm nay chỉ lấy có 1 món thuốc thôi nhưng là thuốc đắt tiền. Hàng chục năm nay tiểu bang mà Sao Khuê cư ngụ có lối tính tiền thuốc làm điên đầu cả dược sĩ lẫn ngươì mua thuốc, đó là tiền đầu; Tiền đầu tức franchise (tức deductible) được qui định tối đa là 18 đ mỗi tháng và sẽ phải trả với món thuốc lấy đầu tiên trong tháng dù là vào những ngày cuối tháng. Một nguời ít dùng thuốc nếu đến mua thuốc vào bất cứ lúc nào trong tháng sẽ phải trả tiền đầu tỷ lệ tùy theo giá thuốc (chả hiểu họ tính như thế nào) mà tiền đầu này thay đổi từ 7, 8 đ đến 18 đ. Sau tiền đầu thì đến tiền thuốc, người mua phải trả 33% tiền thuốc đến khi trả đủ số tiền tối đa thì không phải trả nữa. Tiền tối đa tùy theo lợi tức cá nhân: người nghèo hay người ăn xã hội tối đa trả 16đ (cũng có người quá nghèo thì có thể xin miễn phí), sau đó là 49.97đ rồi… tối đa là 80.25đ…
Cách tính tiền như thế gây phiền phức rất nhiều cho dược sĩ, giải thích đến khô cổ mỏi miệng mà vẫn bị mắng, bị làm phiền thêm nữa rất mất thì giờ là cái hiếm hoi ở nhà thuốc.
Trong lúc Sao Khuê đang giải thích cho khách thì phụ tá đã đếm hàng chục món cho 2,3 người đến lấy thuốc cũ và làm xong toa mới cho một người khách khác:
Avelox 400mg die x 10 ngày
Bà này có dị ứng thuốc không, không à, để xem lại trong máy… ý không được, bà ấy tiểu đường nặng mà cho avelox thì rắc rối, lượng đường trong máu sẽ lên xuống thất thường…chờ chút nhé, tôi cần gọi bác sĩ xin đổi thuốc… (sau khi… ngó những chai thuốc đã đếm và dán nhãn để cho khách về bớt, khách nhiều mà điệu bộ bồn chồn thế kia có thể khiến mình chóng mặt theo mà làm sai, kiểm sai).
Trời đất thánh thần ơi, hôm nay gặp ngày gì (ngày cuối tuần chứ ngày gì) mà bác sĩ biến đâu mất tiêu:
Bác sĩ về rồi à, cô (thư ký) không có cách nào liên lạc được với bác sĩ hay sao?
Tuần sau bác sĩ mới trở lại. Tôi nhắn máy (paget ) cho bà nhưng không biết ông ấy có gọi lại hay không…
Trời ơi, tôi sắp đóng cửa đây… thôi cho tôi xin số fax để tôi gửi đến… Cám ơn cô nhé.
Bà khách ơi , tôi không liên lạc được với bác sĩ, nhà bà có máy đo đường không, có à, tốt quá. Thuốc này là trụ sinh trị nhiễm trùng, bà uống ngày một viên, hôm nay bà uống 7 giờ tối thì ngày sau cũng giờ này mà uống… tuy vậy có vấn đề là thuốc này có thể làm tăng hay giảm đường bất thình lình nên sau khi uống chừng vài giờ bà đo lượng đường hay bấy cứ lúc nào bà cảm thấy khác lạ trong người thì đo đường và nếu cao quá hay giảm quá phải ngưng thuốc trụ sinh ngay rồi đi bác sĩ xin đổi thuốc.
Nếu đường cao hay thấp thì làm sao?
Nếu thấp dưới 3 thì phải ăn kẹo, uống nước cam rồi đo lại. Nếu đường cao thì… thì… uống thêm 1 chút thuốc tiể… nhưng mà khoan, trước hết phải gọi ra nhà thuốc hỏi dược sĩ hay gọi 911 rồi mới tính… À mà bà có uống thuốc ngừa thai không, nếu có thì trong 10 ngày phài dùng condom, lại đừng quên ăn yagourt mỗi ngày nhé, tại sao à (dặn sao thì nghe vậy, còn vặn vẹo tại sao trong lúc mình bận mờ người)… tại vì trụ sinh có thể giảm tác dụng thuốc ngừa thai và tiêu diệt cả flores trong ruột và âm đạo…
Khi bà khách ra về Sao Khuê phải ghi chú vào máy và vào toa: dùng condom, rx ảnh hưởng đến lượng đường, không liên lạc được bác sĩ, đã dặn dò…và sau đó gửi fax cho bác sĩ và để vào chỗ... để theo dõi (suivi).
Quí bạn biết không, đầu tuần sau bà khách trở lại với toa thuốc mới vì đường lên đến 22!
Viết đến đây thì mắt Sao Khuê mờ đi vì ngó nhiều quá…
Úi trời ơi, toa mới, cái gì đây mà ngó không ra…Sao Khuê khều khều cô phụ tá, cô ta cũng cũng chịu thua, ới ông khách ơi, thuốc này ông uống để làm gì vậy… vẫn đoán không ra mà sao giống… cũng không chắc, thôi phải gọi bác sĩ vậy:
Cô (thư ký) ơi, làm ơn cho tôi nói chuyện với bác sĩ về bệnh nhân mang tên là… số thẻ Ramq là… Vâng tôi chờ …
Xin lỗi làm phiền bác sĩ nhưng tên thuốc tôi không đọc được, bác sĩ vui lòng cho biết tên là gì... dùng như thế nào.
Tên x… Dạ, bác sĩ cho tôi 1 phút... vâng, thuốc mới, tôi tìm thấy rồi , tôi sẽ cho order, ngày mai có thuốc… cám ơn bác sĩ rất nhiều.
...Cũng nhiều khi thuốc cũ xì mà Sao Khuê vẫn… mờ mắt do mệt mỏi, do khách đông… Có một lần (vạch áo cho quí vị xem cái dốt) Sao Khuê nhận được cái toa… cyclokapron… cái này quen quá mà sao kiếm hoài không ra , vào máy cũng không được hay là discontinue… Bác sĩ ơi, có cách nào đổi thuốc khác không, thuốc này discontinue rồi… Đâu có tôi mới cho toa tuần trước mà… Lạ nhỉ để tôi xem lại… trơì ơi cyklokapron mà bác sĩ lại viết là cyclo… cho đi xe cyclo khiến Sao Khuê kiếm hoài không ra… Xin lỗi bác sĩ nhé, tôi tìm ra rồi…
Dơ tay mà ngắt cọng ngò
Thương thì muốn chết, giả đò ngó lơ...
Đó là chuyện ngày xưa khi ta yêu nhau còn bây giờ không biết các bạn nghĩ sao chứ Sao Khuê thì:
Dơ tay mà nhận cái toa
Bụng lo muốn chết giả đò tỉnh queo
Hồi đó không đi làm thì không có tiền trả nợ, bây giờ ở nhà không đi làm thì buồn và chí choé vơí khỉ già nên dù lo vẫn không thể quẳng gánh lo đi mà vui sống, nhưng thật ra đi làm cũng vui vì thấy mình còn có ích, còn tía lia với khách hàng…

Sao Khuê