"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Chuyện Trong Hẻm

Chúng ta có nhiều tác phẩm văn chương để đời, trải qua bao thời đại mà khi đọc lại vẫn còn hay và xúc động. Tiếng Việt phong phú và tượng hình, tượng thanh rất là tài tình. Những câu chuyện bên lề cuộc đời, trong góc phố xa xưa bây giờ có muốn tìm lại để thấy tận mắt thì không thể nào có được.

Saigòn thời tôi còn bé tí có rất nhiều ngõ hẻm. Thành ra ở quận ba có khu bàn cờ vì nhà chằng chịt như cái bàn đánh cờ tướng hay sao đó! Nói chung chung thì những con đường lớn đều có một dải nhà luôn nằm ngoài mặt tiền, sau lưng dãy nhà là con xóm. Muốn đi vào con xóm này thì phải có nhiều con đường nho nhỏ chạy vào, nối liền ra con lộ chính.

Ngoài những con đường nho nhỏ còn hơi lớn lớn, còn có nhiều con đường hẹp bé xíu mà ta thường gọi là con hẻm bình dân. Nhiều con hẻm chi chít có bề ngang chỉ đủ cho một người đi bộ hay một chiếc xe đạp chạy vào mà thôi.

Nhà tôi may mắn ở ngoài mặt tiền đường Trần Quốc Toản, chắc chắn tôi biết nhiều con hẻm bên trong cái xóm ở ngã tư Trần Quốc Toản và Nguyễn Văn Thoại. Nếu có dịp để kể về chuyện trong hẻm thì chắc chắc, tôi có thể kể ra cả trăm chuyện mà chưa hết.

Ngày xưa là con bé lanh chanh, có nhiều ngày trốn ngủ trưa, tôi lò mò chạy ra hẻm chơi trò bắn thun, tạt lon, tạt hình… với các bạn hàng xóm.

Trong con hẻm có một trường tư thục Lạc Hồng. Trường có diện tích nhỏ khoảng hai ba căn nhà cộng chung, chia ra làm hai lớp học mà thôi. Ông hiệu trưởng là người di cư từ bắc vào. Ông lúc nào cũng mặc quần áo rất chỉnh tề, cho mọi người thấy ông đích thực là hiệu trưởng bảnh bao ngon lành. Ông mời thêm một thầy về dạy lớp nhỏ; Từ lớp hai, ba, tư, năm...cho nhóc con ở loanh quanh khu xóm này. Ông thầy này thì cao hơn ông hiệu trưởng, dáng dong dỏng, cũng ăn vận tươm tất ra dáng vẻ, mình là ông thầy trí thức lắm. Ông chạy chiếc xe gắn máy hai bánh. Ông tên gì tôi quên mất tiêu rồi nhưng tôi biết chắc, ông cũng là người di cư vào nam. Có một điều tôi nhớ mãi về ông thầy này là ông có hàm răng hô quá trời là hô quí vị ạ.

Ngày xưa, lúc tôi chỉ có năm sáu tuổi, chữ nghĩa đâu có biết là bao nhiêu, chỉ lơ mơ mấy chữ ê a thôi. Mẹ tôi thì muốn tôi học làm toán cộng trừ, nhân, chia cho rành hơn. Vậy mà vào ba tháng hè, mẹ tôi cũng bắt tôi ghi tên theo học ông thầy này với hy vọng tôi giỏi toán hơn khi nhập vào trường Tiểu Học Nguyễn Tri Phương.

Cũng nhờ tôi đến lớp hè này nên tôi nhìn mặt thầy hoài mỗi ngày. Mỗi lần đứa nào làm toán sai, ông ưa hậm hực, la rầy, gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu khó chịu muốn chết. Tôi và bạn nhóc đặt tên cho thầy là… ông thầy Mần Nạo vì hàm răng hô. Chao ơi, y chang cái bàn sắt nạo dừa của mẹ tôi ở nhà.

Đối diện với trường Lạc Hồng là dãy nhà trung bình. Lúc đó tôi còn nhỏ chỉ năm, sáu tuổi, tôi thấy một chị đó lớn khoảng chừng hai mươi tuổi, đẹp gái lắm trong tầm nhìn thơ ngây của tôi. Chị này có tên là Quen, vì đang ở lứa tuổi xuân thì nên chị lúc nào cũng điệu điệu, dáng đi hơi quẹo qua quẹo lại, ý chừng bắt mắt mấy anh chàng xấp xỉ…đang kiếm đào hay sao đó.

Tôi mãi nhớ, có một hôm, chị đi vào lớp của tôi để xin cho đứa cháu gái của chị - nhỏ này bằng tuổi tôi được nghỉ học vì cảm cúm. Nhà nhỏ này cũng ở ngoài mặt tiền đường sát với nhà tôi nên tôi nhớ tên là Nga.

Lớp học đang im lìm vì ông thầy lúc nào cũng nghiêm nghị khó tánh, ăn hiếp học trò bé bỏng như tôi thôi. Bỗng dưng, chị Quen bước vào, tướng đi nhẹ bồng như sợi tơ hồng, ẻo qua ẻo lại như con giun bò, tiến tới bàn của thầy. Chị tủm tỉm cười duyên, trên tay cầm tờ báo phất phơ như làm dáng ngẩn ngơ.

Tôi không nghe hai người thù thì nói gì, tôi chỉ thấy hiện rõ nét vui vẻ, hứng khởi như mùa xuân vừa tới muộn. Ông thầy nhoẻn miệng cười tươi hơn tràng pháo tết đang gật gật với chị Quen.

Ái dà da, thế là tôi mới hiểu:

· Ông thầy khó tánh gần chết vậy mà gặp cô gái ẻo lả thì cũng mềm nhũng, xiêu lòng cười tươi như hoa huệ héo...!

· Cái mần nạo lâu nay bỗng dưng có duyên dễ sợ...!!!

Kỷ niệm trường Lạc Hồng trong xóm nhỏ của tôi, tự nhiên ký ức khơi lại mà tôi cứ ngỡ là chuyện trong hẻm này ngủ vùi sau gần sáu mươi năm. Bây giờ không biết ông hiệu trưởng, thầy Mần Nạo hiện lưu lạc nơi đâu. Nhưng tôi biết chắc chắn, chị Quen đã vượt biển chỉ hai tháng sau ngày đổi đời bằng thuyền sắt tới Australia, trong năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Và chiếc tàu của chị là chuyến ghe bỏ xứ đầu tiên lưu linh mấy tháng lênh đênh trên biển, mới tới bờ Úc Châu khi mà làn sóng vượt biển chưa ồ ạt ra khơi.

Gia đình chồng của chị là nhà xuất bản sách báo Nam Cường ở đường Nguyễn Thái Học, Sàigòn; Ngay phía trước là bến xe cam nhông.

Chuyện trong hẻm bao mùa mưa nắng
Đã xa rồi, im vắng phố xưa
Còn trong ký ức lưa thưa
Vài ba kỷ niệm vẫn chưa phai mờ

Là con bé ngây thơ khờ dại
Tuổi măng non không ngại rụt rè
Nên chưa làm dáng e dè
Quen nhiều cô cậu, bạn bè loanh quanh

Chuyện hàng xóm rành rành thủ thỉ
Cứ chuyền tai rò rỉ... rồi cười
Xuề xòa chẳng biết hại người
Vì là con nít nên hời hợt quên

Bạch Liên
Mar 8th, 2017