"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Phiếm Luận:

Ngôn Ngữ Và Giới Tính

 17Acn --- nnv

Do đưa đẩy thời cuộc và cơ hội, tôi phải học qua khá nhiều thứ tiếng. Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, vài câu tiếng Tàu (Quan thoại), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, và cả tiếng Nga. Do hoàn cảnh và cơ hội thôi, cũng như người Tàu bây giờ nhờ có phương tiện di chuyển rẻ hơn trước, và nhờ họ có tiền nhiều hơn trước, họ có đi du lịch rất đông, và khắp nơi, từ Việt Nam cho đến Paris, Luân Đôn, Hoa Thịnh Đốn. Nhưng đi nhiều nơi, gởi selfie trước tháp Eiffel, nhà thờ thánh Phao Lồ tại La Mã hay Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington, DC không có nghĩa là mình hiểu biết về văn hoá Pháp hơn một người ngồi nhà đọc Victor Hugo, hay hiểu về giáo hội công giáo hơn một giáo dân  Kontum tận trên cao nguyên, hay hiểu về nền dân chủ của Mỹ hơn một sinh viên tại Việt Nam viết blog về nhân quyền. Biết nhiều ngôn ngữ cũng vậy, chỉ là một cuộc du lịch đi qua các miền ngôn ngữ, những cách nhìn sự vật khác nhau, những nếp sống khác nhau. Từ những khác nhau đó, thấy mình không bằng ai mà cũng chẳng thua ai gì lắm.

Nhờ học nhiều thứ tiếng nên đôi lúc tôi nghĩ về tiếng Việt mình. Ngày xưa bị các cụ chê là "nôm na mách qué" và hiện nay bị thiên hạ sính tiếng Anh coi nhẹ, tiếng mẹ đẽ của chúng ta thật ra không thể nào thay thế được (đối với chúng ta), và nếu đi vào một số dây mơ rể má về phía văn hoá lịch sử, xem ra cũng có nhiều chuyện lý thú, đáng..."tự hào".

Tôi còn nhớ, đã từ lâu, nhiều người Việt tự khen tiếng mình phong phú, hơn tiếng Pháp tiếng Anh nhiều. Ví dụ chúng ta nói: nhân vật phim Hàn cõng cô bạn gái say rượu  về nhà , bà mẹ núi Vọng Phu bồng con chờ chồng, ông Tây kẹp nách ổ bánh mì ba-ghét, người mẹ mang thai", “ba cô đội gạo lên chùa" (ca dao), người nông dân gánh lúa ("gánh gánh gánh, gánh về, gánh về", nhạc Phạm Duy), con mèo tha chuột. Tiếng Mỹ chỉ có một chữ "to carry", thật quá... nghèo nàn. Đó là chưa kể chuyện chúng ta xưng hô ‘tôi, tao, ta, tớ, tui, ngã” trong lúc Mỹ chỉ có chữ "I" “Me” cụt ngủn, thật... tội nghiệp.

Hiện nay, người Việt chúng ta ở Mỹ đã được trên 40 năm. Chúng ta đã dạy được người Mỹ cầm đũa, trong lúc người Tàu qua đây cả mấy trăm năm mà vẫn không thuyết phục được người Mỹ. Không những thế, chúng ta còn dạy họ nhiều thứ khác , xin hiểu chữ dạy ở đây không có tính cách khoa trương, muốn làm "thầy cô" người ta, mà chỉ có nghĩa "to teach' thôi. Chúng ta dạy họ ăn phở, ăn giá, ăn tương chao, ăn tương ớt (nay tương ớt Huy Fong Sriracha làm tại Cali có mặt khắp tiệm ăn Mỹ và còn ăn khách hơn cả Tabasco), ăn bánh mì thịt (ngay tại sòng bài MGM mới mở ở Washington DC, xây trên 1 tỷ đô la, sang trọng, cũng có cửa hàng bán bánh mì thịt Việt Nam, với hình ảnh chiếc cyclo đạp). Cũng nên nhắc tới cô Michelle Phan đang dạy cho hàng triệu người Mỹ trang điểm trên youtube và giàu hàng chục triệu đô la Mỹ.

Tuy nhiên, chuyện làm tôi hứng khởi viết bài này hôm nay là chuyện tiếng Việt thắng tiếng Anh trong "mặt trận" ngôn ngữ ly kỳ nhất hiện nay của văn minh Mỹ đang chuyển mình.

Số là người Việt chúng ta rất khôn và rất bình đẳng trong vấn đề giới tính. Khỏi cần nhắc chuyện vua Lạc Long Quân và bà Âu Cơ ly dị một cách bình đẳng, mỗi người lãnh 50 người con, "fifty- fifty". Khỏi cần nhắc đến hai Bà Trưng, Bà Triệu cởi voi chống cả đạo quân phương Bắc quyền lực. Ngay cái áo dài khăn đóng quốc phục của chúng ta cho nam giới và nữ giới cũng gần như nhau; ngày xưa ông đồ mặc áo dài đen nhưng ngày nay các nam ca sĩ và MC mặc áo dài sặc sỡ đủ màu không khác gì các bà các cô. Phụ nữ tây phương không được mặc quần dài, và cho đến đầu thế kỷ thứ 20, quần dài dành cho nam giới. Một phụ nữ người Puerto Rico tên Luisa Capetillo năm 1919 bị vào tù vì "tội" (crime) mặc quần nơi công cọng. Bà Hillary Clinton về già thích mặc quần (đồ bộ pantsuit) và được các báo Mỹ khen nức nở là tiến bộ và đẹp. Trong lúc đó, thì gần hai trăm năm trước đây (1828), vua Minh Mạng của chúng ta bắt đàn bà phải mặc quần, đến đổi nhà nghèo chỉ có một cái quần thì phải đợi ông chồng về nhà bà vợ mới có quần đi ra đường được.

"Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?"

Đàn ông chúng ta ngày xưa phải da trắng, thanh tú như phụ nữ mới được cho là đẹp trai, chứ "vai u thịt bắp" như nhân vật Vọi trong  truyện Trống Mái của Khái Hưng và như Arnold Schwarzenegger thì không được cho là đẹp trai (và có lẽ ở Hàn quốc cũng vậy, trong phim Hàn đàn ông đẹp trai nét "bạch diện thư sinh" cũng như con gái).

Con trai con gái gì, lớn hay nhỏ chúng ta cũng gọi là "con", là "đứa": "Tui có năm đứa con, chị có mấy đứa?". Người Mỹ thường muốn cho chính xác: "I have 3 sons and 2 daughters". Nếu họ muốn chung chung hơn, thì họ lại rơi vào cái bẫy khác, con cái lớn nhỏ, trưởng thành  rồi vẫn phải gọi là "con nít": "I have 5 children" hay "kids".

Trước đây thì còn được, nhưng bây giờ xã hội Mỹ đang có phong trào  đòi bình đẳng giới (gender equality). Kể từ thời TT Obama, trong cuộc chiến dành ...phòng tắm, nếu một học sinh” transgender”, trời sinh ra là con trai nhưng lại "nghĩ", nhận thức mình là "nữ (gender identity)", học sinh đó có quyền xài phòng tắm dành cho các nữ sinh. Và ngược lại, cô gái nhận thức mình là con trai cũng có quyền dùng phòng tắm của các học sinh giống đực do định nghĩa sinh học (1). Tiểu bang North Carolina vì chỉ công nhận giới tính được giao cho lúc mới sanh (sex assigned at birth), không chịu theo luật này của liên bang Hoa Kỳ, sẽ thiệt hại trên 3 tỷ đô la trong 15 năm tới. Cũng vì phong trào  đòi bình đẳng giới mà tại một số trường học, kể cả đại học, người học sinh được quyền chọn cách mà người khác (bạn bè thầy giáo) gọi mình như thế nào. Ví dụ cậu học sinh muốn được gọi là "Cô" (Ms) thì ai cũng phải gọi anh ta là "Cô". Cho nên, ở Mỹ, người tiến bộ khi nói chung về loài người thì không nói là "mankind" là là "humankind", sinh viên năm thứ nhất trung học, đại học thì không được gọi là "freshman" nữa (kỵ chữ MAN=đàn ông) mà là "first year student"; không nói “he”, “she”, “he or she” (tiến bộ nhưng lôi thôi, dài dòng) mà thay bằng "they" (theo số ít!!). Sinh viên có thể dùng những đại từ vô giới tính như " ze, hir, hirs, or xe”.(2)

Hôm nay tôi bổng nhớ đến chuyện này lúc đọc tin về một sinh viên Đại học Berkeley, California, một người hoạt động đồng tính, thuộc phe cực tả và tranh đấu bảo vệ môi trường, từng yêu cầu mọi người không được gọi mình là "he" hay "she" mà phải gọi là "THEY" (họ, "chúng nó"). Theo chính sách của trường đại học nổi tiếng, giỏi bậc nhất của Mỹ này, mọi người đều phải gọi đương sự như vậy. Đương sự lên trang tin tức hôm nay vì tội giết một cô giáo gốc Pháp tháng 1, 2017. Báo đăng tin, dùng đại từ "he" và một cô bạn cùng trường đại học nổi tiếng này chỉ thắc mắc là tại sao báo dùng đại danh từ "he" (anh ta), nhắc nhà báo rằng nghi phạm  muốn được gọi là "they", do đó bài báo được sửa lại. Không biết ra toà, quan toà xưng hô như thế nào cho đúng luật. Nếu là người Việt, có lẽ khỏi lôi thôi, cứ gọi đương sự là "nó" là được, nhưng không lịch sự lắm, hay có thể dùng đại từ "y"; ví dụ "y đã bị bắt vì bị nghi là thủ phạm trong vụ án giết người".(3)

Chúng ta thử nghĩ, nếu người Mỹ nói tiếng Việt như chúng ta thì cuộc đời họ sẽ bình an như thế nào. Chúng ta nói với học trò: "Các trò , hay trò, không được làm ồn", con trai con gái cũng vậy!

Chúng ta nói "loài người", chẳng có chữ nào đem người đàn ông vào đó như "mankind". Trong tôn giáo, chúng ta chỉ nói đức Giê Su là con duy nhất của Đức Chúa Trời, không như tiếng Anh "Son of God", là "Con Trai" của Chúa...

Cho nên, suy nghĩ kỹ, rõ ràng là tiếng mẹ đẻ của chúng ta ưu việt và tiến bộ hơn tiếng Anh rất nhiều trong trận thế nam-nữ hiện nay. Một điều, có một số từ tiếng Việt hiện nay làm tác giả hơi lạ vì đi ngược trào lưu "unisex" đó. Điều làm tác giả buồn phiền nhất  hiện nay là các báo trong nước cũng như hải ngoại đều dùng từ " anh trai" và "chị gái" (có lẽ theo chiều hướng gọi "Giáo sư Tiến sĩ", trong khi muốn thành Giáo sư đại học ở VN bắt buộc phải có bằng tiến sĩ). Ví dụ tin về cô gái Việt liên luỵ đến vụ  ám sát người "anh trai" một cha khác mẹ của Chủ tịch Triều Tiên. Tại sao, “anh” tự nó đã là "trai", chị tự nó đã là "gái", lại còn phân chia giới tính thêm một lần nữa? Và , một ví dụ khác không công bằng với nữ giới, người trẻ kêu nhau bằng "cậu", như thế có thiên vị nam giới không? Tại sau không gọi nhau bằng "dì"?

Tham khảo:

    1. Xem “Bathroom Bill” trong Wikipedia.org
    2. Forget ‘He’ Or ‘She;’ U.S. Universities Asking Students To Use Gender-Inclusive Pronouns
    3. http://www.berkeleyside.com/2017/01/06/manhunt-berkeley-homicide-suspect-1-dead/

https://en.wikipedia.org/wiki/Bathroom_bill

http://sanfrancisco.cbslocal.com/2015/08/31/forgot-he-or-she-us-universities-asking-students-to-use-gender-inclusive-pronouns/

Cổ Nguyệt

Ngày 31  tháng 3 năm 2017