"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Mùa Hoa Gạo

 

Năm 93, làm việc ở Đài Loan, vào thời điểm này, trên đường từ thủ đô Đài Bắc, xuống Đài Nam, nghe người bạn Đài nói nên ghé qua Đài Trung chơi và tôi đã được xem hoa gạo nở đỏ ở vùng này. Với người Việt, người ở Miền Bắc biết nhiều về Hoa Gạo, hoa này chỉ nở vào tháng 3, 4 sau Tết và cũng có nhiều cây mọc ở Tây Nguyên (người Ra Đê gọi cây này là Po-Lang). Cây hoa này rất ít thấy ở miền Trung và miền Nam thì không. Hoa gạo là họ cây Bombax Ceiba, mọc rất nhiều ở Ấn Độ. Người Tàu gọi là "Hồng Miên" (hoa đỏ, có trái giống như trái bông gòn dệt vải), nhưng người Đài Loan gọi là "Anh Hùng Thụ" vì có thân thẳng đứng như người anh hùng, nên họ thường trồng từng hàng, dọc đường, rất đẹp.

Làng quê tôi, nơi gần bìa rừng, có một Cây Hoa Gạo duy nhất. Không biết cây mọc từ khi nào, nhưng khi tôi chừng 7, 8 tuổi, thấy cây đã vươn cao, cho bóng mát lớn. Tôi thường cùng các bạn chăn bò đến dưới gốc cây tránh nắng hè. Người Việt có câu : "Thần cây Đa, Ma cây Gạo, Cú Cáo cây Đề". Ý nói nơi nào có cây Đa thì có Thần linh và nơi nào có cây Gạo thì có Ma. Người dân làng tôi vì sợ ma ám nên đem những lọ vôi, bình bể bỏ dưới gốc cây, cúng tế mỗi rằm tháng Bảy. Tuổi thơ tôi nhiềy kỷ niệm  với cây Hoa Gạo nơi bìa rừng này. Tuổi nhỏ không biết sợ ma (bây giờ lớn thì sợ Madam thôi) nên thường đến dưới bóng cây trưa hè chơi bi, đánh đáo cùng các bạn. Giữa cánh đồng trống chói chang nắng hè, chỉ có một bóng cây duy nhất, chúng tôi vào đó tránh nắng, chơi đùa trong khi những chú bò âm thầm gặm cỏ khô trên gò cao. Cây Gạo quê tôi đẹp nhất vào mùa này, mùa hoa gạo nở bung màu đỏ hồng đẹp thơ mộng.

Lớn lên, tôi rời quê xuống Qui Nhơn trọ học. Vùng đồi núi khi xưa tôi thường thả bò đã có sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn đến đóng quân. Cây gạo nằm trong vòng kẽm gai, tôi chẳng bao giờ được đến chơi và ngủ trưa ở đó nữa.

Cây gạo quê tôi còn nhiều kỷ niệm với tôi hơn những người bạn trẻ khác trong làng. Những ngày chiến tranh năm 53, lính Tây càn quyét tiêu diệt Việt Minh, nhà tôi bỏ làng lên núi lánh nạn. Nhà tản cư cho gia đình cất tạm gần cây Gạo. Nghe Mẹ tôi kể, tháng chín năm ấy, tôi sinh ra nơi bìa rừng, cách cây Gạo không xa. 

Năm 90, về thăm quê cũng vào thời điểm này, tôi nhớ đến mùa hoa Gạo nở, nhớ nơi mình đã sinh ra và nhớ những năm tháng tuổi thơ ngập tràn kỷ niệm, và tôi đã viết trong bài thơ Mùa Hoa Gạo:

 

...Mùa Hoa Gạo nở đỏ sầu tan tác

Mưa tản cư ướt dột mái chòi tranh

Con vừa sinh ra đã nghe tiếng súng

Súng máy bay thù bắn phá rừng xanh

 

Rừng lá xanh che mắt sài lang đói

Mẹ bồng con trốn dốc đá, bờ mương

Uống nước suối, ăn ngô khoai củ chuối

Sữa Mẹ thơm mùi trái chín lá non...

 

Xa quê đã gần 43 năm nhưng hình ảnh cây Gạo cô đơn đứng thẳng bên bìa rừng trống nơi quê nhà tôi vẫn còn nhớ như in. Bao nhiêu cây rừng đã bị đốn trụi nhưng cây Gạo quê tôi vẫn còn đó sừng sững, hiên ngang như thách thức, vì nghe nói cây linh thiêng, có ma, nên không ai dám đốn hạ. Chưa bao giờ tôi thấy ma nên không biết sợ ma. Tiếng gió thổi vi vu giữa trưa hè nghe như tiếng ma ru làm cho giấc ngủ tuổi thơ dưới gốc cây Gạo thật yên lành, không mộng mị.

Nhưng ma cây gạo bây giờ, nếu có, chắc không hù dọa được ai. Còn nhiều thứ ma ám, ma men, ma nhũng nhiễu mà dân làng tôi phải phải "sợ" mỗi ngày. Ma không ở dưới gốc cây Gạo mà ở trong nhà, nhà đẹp, nhà sang và nhà cướp được...

 

Nguyên Lương