"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Cây Hồng Của Tôi

Hiện tôi đang ngồi ở bàn ăn nhìn ngắm cây Hồng (Persimmon) với những quả tròn be bé xinh xinh ở vườn. Tôi xin kể tiểu sử của cây Hồng này nhé!

Hai năm trước, khi dọn đến căn nhà mới này ở Perris, tôi định phải trồng một cây Hồng trước tiên, nhưng rồi cứ mãi mê với cây cảnh, trồng lung tung thứ ở quanh nhà cho đẹp nên quên mất nổi ưa thích cây Hồng này của mình. Ðến khi lo cây cảnh đã xong, nhìn lại mới thấy sao vườn nhà mình quá chật hẹp! Ðất đai vườn tược ở phía sau giới hạn quá nên tôi nghĩ phải liệt kê theo thứ tự ưu tiên, chọn lựa rất kỹ những thứ cây mà tôi ưa thích nhất mới được. Hồng là một trong những thứ quả tôi ưa ăn thích hái nhất. Tôi phải đi tìm mua cho nhanh mới được. Tìm mải mà đến hai tháng sau mới tìm thấy một cây ở Home Depot. Tôi mua Nó với giá $49.95

Thời gian hai tháng lang thang chưa tìm thấy Nó, tôi đã theo bạn Mỹ đi nhiều nơi, đã nổi bốc đồng mua cây Lê Tàu và cây Anh Đào trồng thêm ở sau vườn, làm vườn chật thêm. Nhìn lui nhìn tới chẳng còn chỗ nào nữa nên tôi trồng đại Nó ngay cạnh lối đi trét xi măng, đối diện với vòi tưới rất lớn. Trồng ở đây mai mốt cây sẽ cho bóng mát trên lối đi thì cũng hay chứ. Tôi lý luận. Cây nằm ngay trước vòi tưới nước thì chắc cây sẽ tốt và sẽ mau lớn lắm đó. Tôi nghĩ. Cây có lá to xanh láng thật đẹp, nhìn thấy thật mát mắt! Hơn nữa hàng ngày mỗi bữa ăn được ngắm Nó thì còn gì vui hơn!

Nhưng hết mùa hạ qua đến mùa thu, bao nhiêu lá xanh trên cây đều rụng sạch, chỉ còn lại những cành khô như bộ xương cách trí. Khổ nổi vị trí của cây là nơi mà ngồi từ bàn ăn nhìn ra là thấy, nên tôi cứ phải ngao ngán, lo âu, dở khóc dở cười mỗi ngày ba, bốn bận. Nó trông giống như sắp chết rồi trời ạ!

Tôi quyết tâm tìm cách cứu vớt Hồng. Cây cũng như người đều có sinh mạng. Nếu cứu một nhân mạng còn hơn xây bảy tháp phù đồ thì cứu một mạng cây ít ra cũng hơn xây được vài cái tháp. Nếu cây cần ăn uống như người, khi cây bệnh cũng cần phải chữa trị như người. Tôi nghĩ. Tôi cho Nó ăn phân bón thật tốt, cho uống nước mỗi ngày mấy bận, thế mà Nó cũng cứ “trơ xương” là sao? Tức thật! Ðến thư viện, chẳng có sách vở nào nói về chữa bệnh cho Hồng, hỏi thì chẳng ai biết nên tôi đành lên “nét” vậy. May mắn thay nét đã cho tôi biết rằng hồng cũng như nhiều cây khác rụng lá cuối thu để rồi lại nẩy lộc khi mùa xuân đến. Thế ra, dù trơ xương, cây cành gầy gò khô khốc, cây Hồng thân yêu của tôi chưa hề chết! Tôi vui ơi là vui! Nhân đây tôi cũng xin chia xẻ với quý bạn đọc về những gì tôi đã tìm biết thêm về Hồng. Người ta bảo loại cây này là loại cây vô giới tính (unsexed) nhưng lại kèm thêm là “có đến 90% là cây cái, chỉ có 10% là cây đực”. (Thì ra cây cũng bị trai thiếu gái thừa như người!) Người ta đề nghị nên mua một lúc 10 cây để bảo đảm cây sinh trái. Trồng một cây đã khó, nói gì đến 10 cây. Phương chi, họ không cho hay làm sao để phân biệt Cái khác với Ðực ở chỗ nào nên người mua chỉ còn cách nhắm mắt đưa chân úm ba la. Nhưng cũng may là mình có đến 90% mua được cây sinh trái. Theo họ nói, cây hồng Mỹ khi “trưởng thành” có thể cao từ 30 đến 50 bộ, xoè rộng từ 20 đến 35 bộ. Trong mùa thu lá sẽ trở thành màu vàng tươi, làm cho cảnh vườn đẹp hơn, trước khi rụng xuống. Cây có trái sau 6 năm và trái chỉ chín sau khi băng lạnh. Phải trồng trong khoảng trống rộng rãi, trên đất sét có cát. Vùng tôi ở thuộc zone 8, mà từ zone 4 đến zone 9 thì nên trồng vào mùa xuân. Cũng may cây tôi trồng không thuộc về thiểu số đực này và đã trồng vào mùa xuân! Tôi cũng không còn âu sầu khi thấy cây trơ lá trong mùa thu tới vì biết nó sẽ tái sinh. Tôi biết chu vi của cây sẽ là rắc rối cho tôi về sau nhưng đành tới đâu hay tới đó, chỉ mong nó còn sống và mạnh khoẻ là tốt rồi…Cũng theo bài viết đó, trái hồng thuộc loại ăn được, là thức ăn cho chim chóc và sâu bọ; lá cây thì làm thực phẩm cho hươu nai, chồn, sóc, chuột lúi, gà tây rừng, chó sói. Nói chung, nó là thực phẩm của nhiều thú rừng. Tôi nhớ trước đây mỗi lần tôi mời ăn trái hồng thì chồng tôi đều từ chối, ông ấy bảo rằng hồng chỉ để cho ngựa ăn, mấy trường đua ngựa ở Mỹ vẫn cho ngựa của họ ăn thứ quả này nên ngựa đua mới mạnh mẽ và dai sức hơn trong những màn đua. (Thế ra lâu naytôi đã dành ăn với những loài thú hoang và ngựa!)

Tôi cũng xin mách nước cho những người mê Hồng như tôi biết ở Escondido có Fentiman Farms chuyên môn trồng và bán quả hồng. Những vườn Hồng này có 2 loại tên là Fuyu và Hachiya. Fuyus ăn dòn mà ngay cả khi chưa chín cũng không chua hay chát, không giống như loại kia. Trong quả hồng có những chất như Hồng Diệp Tố, Vitamin A, C, và chất sợi (dietary fiber). Quả hồng không mở, không dầu, không muối, “không tiêu” (vì nếu ăn nhiều quá thì sinh mụn nhọt và táo bón.) Các vườn cây này sẵn sàng đóng thùng gửi Hồng đến người mua trong mùa hồng từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12 hằng năm. Quý vị nào muốn mua thì hãy gọi thử số sau đây:1-800-368-9331 hoặc (760) 746-1420. Xin nhớ rằng tôi chẳng quảng cáo cho ai cả mà chỉ có lòng giúp cho những người mê Hồng như tôi có phương tiện tìm Hồng. Ðể tỏ rõ thiện chí hơn tôi xin hứa rằng mai kia, khi mà cây hồng của tôi lớn lên và có nhiều trái thì tôi sẽ vui lòng chia xẻ với quý vị nhé!

Ở trong Take2Tango, một mạng liên kết của người Việt Nam thì lại có một bài của bác sĩ Hương Tú do tôi rút gọn như sau:

Quả hồng chữa bệnh
Tai quả hồng (thị đế) khô được dân gian dùng làm thuốc chữa ho, nấc, đi tiểu đêm. Trong quả hồng xanh có chất tanin làm cho quả có vị rất chát. Khi hồng chín, vị chát đó hầu như mất đi. Thịt và tai quả hồng đều được dùng làm thuốc. Theo Đông y, tai hồng (thị đế) vị đắng, tính ôn, có tác dụng chữa đầy bụng, nấc……….
Thịt quả hồng dùng làm thuốc ở hai dạng sau: -Thị sương: Là chất đường trong quả hồng. Khi làm mứt hồng, chất đường tiết ra được thu thập lấy, gọi là thị sương. Cho vào nồi đun nhỏ lửa, khi thành đường thì đổ vào khuôn, phơi cho se rồi dùng dao cắt thành miếng, đem phơi khô hẳn. Dân gian thường dùng thị sương chữa đau họng, ho. Và - Thị tất: Là nước ép quả hồng khi còn xanh, phơi hay sấy khô, thường dùng làm thuốc chữa tăng huyết áp. BS Hương Tú, Sức Khỏe & Đời Sống

Chẳng biết có đúng không, nhưng căn cứ vào những gì vị đông y sĩ (?) này viết thì sau bao nhiêu năm ăn Hồng có lẽ tôi đã được Nó trị lành cho bao nhiêu thứ bệnh rồi mà không hay! Còn nữa, nếu ngựa ăn mà khỏe mạnh, dai sức để chạy đua thì người ăn cũng sẽ khoẻ mạnh và dai sức khi cần... Mà theo tôi nghĩ, thịt quả hồng chín ăn ngon thì cứ ăn, chẳng cần phải dùng trái xanh hay tai hồng làm chi cho mệt. Khi nào bị những bệnh như bác sĩ HT kể ở trên hẳn hay. Tôi chúa sợ sắc thuốc nên thuốc Bắc nào cần phải sắc nấu sẽ không có tôi. Tuy vậy, tôi cũng nhớ là có một lần vì ham ăn quá nhiều Hồng mà mặt tôi đã bị nổi mụn tùm lum dù tôi đã già khú đế, tuổi dậy thì đã đi vào quá khứ từ lâu.

Mê ăn trái thì ít mà thích tự tay mình hái trái từ trên cây hơn. Mỗi năm vào mùa Hồng, tháng 10-12, tôi thường cùng vợ chồng em gái đi sâu vào vùng có nhiều vườn cây có trồng Hồng ở Escondido. Họ cũng thích ăn quả hồng và thích hái trái như tôi. Nhiều lúc chúng tôi đã trả tiền cho chủ trại để họ cho hái bất cứ thứ trái cây gì họ có. Cam, quýt, ổi, gì cũng được. Có một lần trong khi tôi cùng họ đi hái Hồng, con trai tôi không may bị tai nạn suýt chết và vợ chồng tôi suýt nữa bỏ nhau…Con trai tôi lúc đó đã hơn 18 tuổi. Cháu thường lái xe rất nhanh, bị phạt không biết mấy lần rồi. Trước đó chắc cũng đã lãnh thêm một giấy phạt mà cháu chằng cho ai hay. Hôm thứ bảy đó cháu phải đi traffic school mà không hề cho tôi biết. Mê ngủ thức dậy trễ phải vội vàng, cháu còn ngái ngủ mà lái xe. Xe đâm mạnh vào cột nước (hydrant) trên lề đường. Ðầu xe bẹp dúm còn cháu thì bị đưa vào cấp cứu. Bố cháu đổ lỗi cho tôi, bảo rằng tại tôi ham đi hái Hồng, không chịu chăm sóc cho con nên con mới bị tai nạn như thế. Nhờ trời, thằng nhỏ chỉ ở Phòng Cấp Cứu độ hai tiếng, đã được BS cho về sau khi kiểm tra toàn bộ thân thể thấy cháu không sao (?). Thực tình mà nói, dù ông ấy không mắng mỏ, tự tôi cũng cảm thấy ân hận tại sao mình không tìm hiểu để hôm đó đánh thức con dậy và nhắc nhở con lái xe cẩn thận hơn! Mãi đến bây giờ tôi vẫn ngày đêm lo ngại rằng sau này con tôi sẽ bị hậu quả do tai nạn đó khi lớn tuổi hơn. Khi còn trẻ, nhờ có nhiều sức khoẻ, thương tích gì cũng mau lành, bệnh hoạn gì cũng dễ vượt qua nhưng khi về già, sức khỏe đã yếu, những bộ phận/cơ quan đã bị tổn thương ngày trước chắc sẽ đau trở lại, và yếu hơn bình thường. Cũng vì ân hận nên từ đó tôi không còn đi hái Hồng nữa. (Thật ra thì dù có muốn đi nữa cũng chẳng còn Hồng đâu mà hái vì lẽ chủ các vườn Hồng thấy bán đất lợi gấp trăm ngàn lần bán Hồng. Họ cũng khỏi phải đau lòng nhìn thấy những khách hàng thiếu lương tâm vào ra vườn họ hái Hồng ăn cho đã, chỉ mua vài ba ký Hồng rồi bỏ đi, để lại những quả Hồng ăn giở với cành nhánh bừa bãi ngổn ngang.)

Trở lại với cây Hồng của tôi nhé! Phải thú thực là tôi thương Nó vô cùng ngay từ lần đầu thấy Nó thân gầy, đứng lẻ loi một mình trong một xó xỉnh của Home Depot. Nhìn nó tôi thấy có cái gì đó rất giống tôi…Sau khi trồng Nó ở chỗ có thể nhìn thấy từ bàn ăn nhà bếp, hằng ngày tôi chăm bón, tưới nước đều đặn sáng chiều trước khi đi làm và ngay khi đi làm về. Mỗi bữa ăn tôi vừa ăn vừa ngắm, chỉ mong sao nó lớn nhanh mỗi ngày. Vẫn biết cây cũng như người, theo luật tự nhiên phải từ từ mà lớn, nhưng tôi mong, với tình thương yêu, sự tận tâm chăm sóc của mình cây sẽ chóng lớn và cành lá luôn xanh tươi. Tôi thường nghĩ, biết đâu cây cũng có cảm giác buồn vui, cũng biết sướng khổ như các sinh vật khác. Người ta bảo con người biết sướng khổ buồn vui nhờ có bộ não và thần kinh hệ. Nếu cây cối cũng có một cơ năng nào đó để có cảm giác mà người ta chưa biết được thì sao? Và biết đâu cây cũng như người đều nằm trong vòng luân hồi nhân quả để thể hiện một định luật nào đó mà Thượng Ðế đã đặt để cho mọi vật. Ðối với Hóa Công, chẳng có gì là không thể cả. Biết đâu kiếp trước chúng tôi đã từng là thân nhân cùng huyết thống, hay là tình nhân dở dang trước khi ly biệt đã thề nguyền hẹn nhau một kiếp sau… Tôi không nghĩ là người và cây có đồng cảm với nhau, nhưng vẫn tin rằng giữa tôi và cây Hồng này có duyên với nhau. Nếu không thế thì tại sao chúng tôi đã gặp nhau để rồi lại được chung nhà? Chỉ mong đây chỉ là duyên lành chứ không là ác nghiệp, chẳng có oán thù gì với nhau từ kiếp trước. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác xao xuyến, cảm thương của mình khi vừa thấy Nó, và mua nó không kể đắt rẻ, mạnh khỏe hay gầy gò. Sau đó, cả một năm sau khi đã qua hai mùa mưa nắng xuân thu nhị kỳ, dù biết rằng nó chỉ là Hồng dẻo không phải Hồng dòn là loại tôi thích, tôi vẫn cưng quý và chăm sóc Nó với vô vàn yêu thương.

Tôi vui biết bao nhiêu khi một buổi sáng mùa Xuân chợt nhìn thấy những đọt xanh nhú lên trên những cành cây màu xám èo uột khô khốc. Rồi những đọt xanh trổ thành lá non mơn mỡn những ngày kế tiếp, rất nhanh và rất nhanh. Rồi thì những cái tai nho nhỏ nhan nhản đầy cành. Giống như là phép lạ vậy. Vì trong đời chưa lần nào có cây hồng nên tôi cứ sáng trưa chiều tối mong cho mấy cái tai nhỏ ấy chóng lớn xem là cái gì. Tôi nghi rằng chúng không phải là trái, vì làm gì có nhiều trái đến vậy, nhất là cây này mới chỉ trồng chưa được một năm!!!

Mãi đến gần hai tháng sau tôi mới thấy được những quả bé tí nhô ra từ những cái tai ấy. Tôi gọi bạn bè, bà con đến chơi, chỉ để hý hửng khoe với họ về cây Hồng sai quả vô địch này. Nếu bạn đến giữa trưa hè nắng gắt, tôi lấy mũ đội cho bạn và cầm quạt quạt cho bạn, nếu bạn đến vào lúc tối trời, tôi thắp đèn thật tỏ, dắt tay bạn đi ra vườn sau và mời mọc: -Hãy ra xem cây hồng của tôi nè! Trái nhiều ơi là nhiều! Nhiều người chắc đã cho tôi là điên hoặc quá con nít, vì cái cây ấy trông chẳng ra cái gì. Cây chỉ cao 7, 8 bộ gì đó, cành thì gầy gò ốm yếu, quả chi chít nhưng lại bé tí teo nằm chen giữa những lá xanh lưa thưa.
Ðể giúp cho cây được mạnh hơn và trái được lớn hơn, tôi cho thêm phân bón và tưới nước nhiều hơn. Bắt đầu thấy lá lay xanh hơn, tôi tiếc sao tôi đã không làm vậy từ trước. Nhưng, một buổi sáng, tôi bỗng tái mặt khi rất nhiều quả đang lăn lóc dưới gốc cây. Lòng đau như cắt, tôi vội gọi em gái tôi để báo tin buồn. Em tôi hỏi: -Có phải chị đã tưới cây nhiều quá hay không? Khi tôi đáp “phải”, em tôi mới nói: -Thế em chưa kể cho chị nghe về cây hồng của em hay sao? Suốt hai năm, lúc đầu nó có nhiều quả lắm, sau cứ rụng dần hết không còn quả nào để ăn nữa. Tại vì anh ấy tưới nước ngập cả gốc luôn. Em tôi đã kể cho tôi nghe đủ chuyện lớn nhỏ xa gần, mà có bao giờ kể cho tôi nghe về cây Hồng đó đâu! Chẳng lẽ tôi trách cô ta không nói sớm cho tôi hay. Ở trên cây khi mua tôi thấy có treo lũng lẳng một giấy nhỏ có ghi tên giống cây, chỉ dẫn cách trồng, những điều nên biết để chăm sóc cho cây, nhưng lúc đó tôi chỉ đọc cho biết cách trồng nó xuống, không thèm đọc gì thêm. Tôi chỉ còn biết tự trách thôi.
May ra cũng còn một số quả trên cây! Ðã có kinh nghiệm về hậu quả của việc tưới nước quá tải nên lần này tôi lấy một cái thùng nhựa, cắt bên hông và một lỗ ở đáy thùng, úp vào gốc cây để cản nước từ cái vòi nước đối diện. Tôi đếm đi đếm lại, chỉ còn 13 quả đã lớn như quả trứng gà. Cũng không đến nỗi! Ít ngày sau, lại một quả khác bỏ cành mà đi. Tôi tự an ủi rằng số 13 là số xui, bớt đi một quả còn lại 12 cũng là điều tốt. (Như 12 tông đồ của Chúa Giêsu đó mà.) Tôi rất mừng là vẫn còn đủ 12 quả trên cây khi mỗi ngày đếm đi đếm lại. Sau cả tháng trời khi trời đã bắt đầu trở lạnh và trái đã ửng màu vàng, tôi chợt để ý, thấy sao chúng chẳng lớn thêm chút nào. Còn da chúng quả thì nhăn quả thì nám giống như người đàn bà dùng thuốc Estrogen sau khi mãn kinh bị nám da vậy. Nếu chẳng phải vì cái thùng nhựa che quá kỹ, bị khô nước, bị đói khát lâu ngày thì còn lý do nào khác nữa đây? Tội nghiệp cho Hồng quá Hồng ơi!

Ở Perris này không có chợ Việt Nam nên càng hiếm thấy được trái Hồng. Tôi thích Hồng là thế mà suốt hai năm nay không được ăn quả nào. Nhớ đến những quả hồng dòn vàng tươi, khi nhai dòn dòn ngọt đậm, những quả hồng mềm màu đỏ xinh xinh khi chín để vào mồm thơm, ngọt như mật ong, thèm ơi là thèm! Nghe nói ở Đà Lạt nhiều nhà trồng Hồng để kiếm tiền vì Hồng khá đắt so với các loại cây khác, nhưng tôi chẳng hề lên Đà Lạt nên không thể phân biệt được quả ở Việt Nam ngon hơn hay ở Mỹ ngon hơn. Tôi chỉ biết Hồng đối với người Việt Nam ta là thứ trái cây đắt tiền và hiếm có, chỉ dùng vào những dịp lễ, Tết, hoặc cúng quảy.

Theo Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, trong bài Cốm của ông, thì dân mình ngày xưa vẫn có tục lệ ghép chung Hồng và Cốm, lấy màu đỏ thắm như ngọc lựu già của Hồng và màu xanh tươi như ngọc thạch của Cốm tượng trưng cho sự vương vít của dây tơ hồng, làm món quà quý giá trong những đám hỏi đám cưới. Như vậy đủ thấy Hồng có địa vị cao quý thế nào đối với quan niệm về hạnh phúc của người Việt chúng ta. Tôi bỗng nhớ đến một câu ca dao mà dân mình vẫn thường vừa hát vừa cười: "Hai tay cầm hai quả hồng, quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai!" Gái mê trai thường cho trai những gì ngon nhất, đẹp nhất. Vậy nên Hồng phải là thứ trái cây đẹp nhất, quý nhất, và ngon nhất phải không quý vị? Tôi có một cây Hồng đang có trái đó quý vị à! Vẫn còn chưa biết cho ai đây. Ha Ha!

Ái Hoa