"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

Tôn Ngộ Không

 TonNgoKhong 1 SK

   Tôn Ngô Không là một “hầu nhân vật” rất quen thuộc trong dân gian.
   Dù xuất hiện từ bên Trung Quốc qua bộ tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa n, nhưng dân Việt Nam, dù có đọc qua Tây Du Ký hay không, hầu như ai cũng biết đến Tôn Ngộ Không với cái mặt đặc biệt rất KHỈ. Mặt Khỉ thấy đã tức cười vì khỉ thường hay nhăn nhó như khỉ ăn gừng hay khỉ ăn mắm tôm, thế mà cứ thấy khỉ là trẻ con hay người lớn đều thích chọc ghẹo nó. Không chọc nó thì nó cũng chọc mình vì tính hay bắt chước của nó. Mình nhìn nó là nó háy, nó hí, nó hất mặt, nó le lưỡi… ôi thôi nó làm đủ trò khiến cho mình, khi thì buồn cười, khi lại bực mình. Hồi Sao Khuê đi Bali, Indonesia, lúc lên thăm một ngôi chùa nằm trên ngọn đồi cao thờ Phật, Sao Khuê thấy cả một rừng khỉ vì chung quanh chùa là rừng, lãnh địa của khỉ. Ôi chao! toàn khỉ là khỉ, chưa bao giờ Sao Khuê thấy nhiều khỉ như vậy. Chúng phá vô cùng nên người hướng dẫn bắt bỏ hết đồ cá nhân trên xe và dặn đi dặn lại phải giữ cho chặt máy ảnh, xách tay và nhất là mắt kiếng vì mấy con khỉ này chúng sớt lẹ vô cùng, thọc cả tay vào sắc mà lục đồ… Coi kìa, nó đã chớp được cặp kính cận của bà du khách, giữ chặt trong tay không chịu trả, thế có chết không cơ chứ! Nó đang nhăn nhở trên bờ tường chờ tiền chuộc.
 - Cho nó cái gì ăn đi, nó sẽ trả.
   Có ai mách như vậy. Bà du khách ấy vội lấy cái kẹo liệng cho con khỉ. Nó không chịu, đá cái kẹo xuống đất.
   Có người thẩy cho nó tờ giấy, nó khọt khẹt mắng lại. May quá, có người thẩy cho nó bịch chíp nhỏ. Khoái chí, nó buông cặp kính cho rơi xuống đất để chụp lấy bịch chíp và mất hút trong rừng.
   Lên cao hơn một tí… Có tiếng la thất thanh. Trời! con khỉ tinh quái giật mất cái điện thoại cầm tay của một cô gái, leo thoắt lên tường cao, mặt nghênh nghênh đòi tiền chuộc. Con này đáo để lắm. Những đồ vật không giá trị nó đá văng trả lại, cái nào ăn được nó gạt phía sau tường cho đồng bọn mang đi hoặc để dành đó, lúc khác lượm lại… Sau cùng thì nó bỏ đi với cái điện thoại làm con tin vì nó biết đây là vật có giá trị mà bấy nhiêu tiền chuộc chưa xứng đáng. Mọi người vội khư khư ôm chặt túi của mình, ai cũng sợ bị chúng giật. Láo thế đấy! đồ khỉ!
   Con khỉ họ Tôn của Ngô Thừa n trong Tây Du Ký còn ranh mãnh, thông minh và… đẹp trai hơn mọi con khỉ nên sau khi được bầy khỉ tôn làm vua, ngài tự lấy tên là Mỹ Hầu Vương.
   Trái với tất cả các động vật khác phải qua thai sinh, noãn sinh… thì con khỉ đẹp Mỹ Hầu Vương được sinh ra từ trứng đá, kết tụ từ tinh khí trời đất:
   Khởi đầu từ tấm đá Tiên cao ba trượng (3) sáu thước (6) năm tấc (5)tương đương với 365 ngày hay 365 độ tức vòng tròn”. Sao Khuê thấy lẽ ra là 360 mới đúng vì 360 độ chỉ góc tròn và là số ngày âm lịch trong năm nhưng chẳng lẽ tác giả lại mô tả 0 tấc thì kỳ quá nên phải để 5 tấc chứ hổng lẽ ngày đó mà Ngô Thừa n đã tiên tri được là sau này mọi người xử dụng lịch với 365 ngày?
   Tấm đá có chu vi hai trượng (2) bốn thước (4); lại cũng chẳng lẽ ngày xưa Ngô Thừa n đã biết sau này người ta chia ngày ra 24 giờ chứ không dùng 12 giờ cho một ngày gồm tí, sửu, dần, mão, thìn, tỵ ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi nữa sao. Lạ thật quí vị ạ, chẳng lẽ tác giả có tài tiên tri?
   Trên tấm đá có 9 khiếu, 8 lỗtức chín cung bát quẻ”.
   Như vậy trong tấm đá có cái thai Tiên, khi nứt ra thành quả trứng, gặp gió, trứng nở thành con khỉ với hai mắt sáng rực hào quang. Hai con mắt của con KHỈ khiến Ngọc Hoàng kinh động. Đây chính là con mắt phân biệt chính hay tà, yêu ma hay thần tiên mà khi cần đến thì con KHỈ (Tôn Ngộ Không) chỉ leo lên mây, nheo mắt (nhãn giới) là nhìn ra sự thật. Đó chính là đôi mắt của Trí Tuệ Bát Nhã, soi sáng cho Tôn Ngộ Không quyết chí tìm đường đi tu thoát khỏi sinh lão bệnh tử, sau khi đã thành lập xong vương quốc khỉ thanh bình no ấm
        Thấu lẽ bồ đề, vào chính quả
     Dứt căn ma quỷ, rõ nguyên nhân”
   Lên đường tầm đạo Mỹ Hầu Vương thọ giáo với ngài Tôn Giả Tu Bồ Đề, được ngài đặt tên họ là Tôn Ngộ Không. Theo chiết tự chữ Hán thì chữ Tôn khi xoá bộ “khuyển” thành chữ tử và chữ hệ có nghĩa là con trai còn nhỏ và Ngộ Không là ngộ ra cái Không, chân lý của nhà Phật.
   Bẩy năm sau, Tôn Ngộ Không với nguyện vọng thoát ly sinh tử, học xong phép xua tan tà dục (xa rời tham ái), giác ngộ được Không Tánh.
   Quí vị có nhớ trong Tâm Kinh Bát Nhã có câu “Xá Lợi Tử, tánh KHÔNG của các pháp không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt”…ý nói không có 5 uẩn (sắc thọ tưởng hành thức), chẳng có 6 căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), chẳng có 6 trần (sắc thanh hương vị xúc pháp). Sao Khuê thấy rõ ràng chúng sờ sờ ra đó mà Phật cứ cả quyết là không nên sau 70 năm, gấp 10 lần thời gian Tôn Ngộ Không học đạo, Sao Khuê mới thấy hí hí là chúng không thường hằng, không vĩnh cửu mà thôi.
   Thêm ba năm công phu Thiền, Tôn Ngộ Không học được 72 phép thần thông biến hoá và phép cân đẩu vân thì bị sư phụ bắt xuống núi và cấm tiết lộ tên người dạy vì không ai rõ trò bằng thầy, trò này chỉ chuyên đi chọc trời khuấy nước.
   Tôn Ngộ Không trở vể động Thuỷ Liêm, nói với bầy khỉ:
   “Ta từ sau khi đắc đạo, có công luyện tập bảy mươi hai phép địa sát và biến hóa, có được phép thần thông cân đẩu vân không gì sánh bằng; ẩn mình, tránh mình, cất mình lên, thu hình lại, lên trời cũng có đường, xuống đất cũng có lối, bước vào mặt trời mặt trăng không có bóng, đi vào vàng đá không vướng mắc, nước không thể làm chìm, lửa không thể đốt cháy, chỗ nào mà chẳng đi được”.
   Nhờ chỗ nào cũng đi được, Tôn Ngộ Không xuống Long Cung tìm ra khí giới là gậy Như Ý cùng áo giáp sau khi xưng vương. Tôn Ngộ Không cũng cứ tưởng làm vua một cõi là sung sướng rồi ai ngờ vẫn chưa thoát vòng sinh tử. Tôn Ngộ Không bị Diêm Vương điệu xuống Cõi U Minh. Tại đây, Tôn Ngộ Không làm loạn, xoá tên loài khỉ ra khỏi sổ sinh tử. Mô Phật, Sao Khuê cũng họ Khỉ mà sao cũng già, cũng …sẽ chết và bầy khỉ trong rừng vẫn chết chỉ vì sau đó Thượng Đế cho sửa lại sổ sinh tử nếu không thì trái đất chỉ toàn khỉ là khỉ!...
   Do làm loạn cõi U Minh, Tôn Ngộ Không bị Thượng Đế vời lên trời, tại đây Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, được Thượng Đế chấp nhận là Tề Thiên Đại Thánh, sau đó Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên, uống trộm hết kim đan, bị Thượng Đế sai chư thần, chư thánh hàng phục, bị vòng kim cang trói, điệu về thiên cung nhưng không gì có thể giết được Tôn Ngộ Không, ngay cả khi bị nung trong lò bát quái (là 8 hướng càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài).
   Vụ thiêu không cháy này thì chúng ta ai cũng có kinh nghiệm; khi ông chồng bị vợ cằn nhằn, ai biết ổng đang rủa thầm bả trong đầu, chính vì thế mới nói là Tôn Ngộ Không tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ chúng ta là vô biên đi đâu cũng được: máy bay trên trời, tàu lặn dưới nước… và làm sao có thể diệt được trí tuệ khi nó núp trong đầu người ta cơ chứ?
   Nhờ núp vào cung Tốn (là gió) Tôn Ngộ Không thoát chạy ra ngoài, đại náo thiên cung lần thứ hai, ý muốn cướp ngôi của Thượng Đế khiến Thượng Đế phải cầu cứu đến Phật Tổ. Phật Tổ nói với Tôn Ngộ Không:
* Thượng Đế tu đến 1550 kiếp, ngươi tu được bao lăm mà dám giành ngôi của Thượng Đế…
* Đi tu nhiều rồi làm vua lâu sao được. Thiên Địa tuần hoàn thì ngôi báu cũng phải thay đổi, mau bảo Thượng Đế nhường ngôi, kẻo ta phá nát cả thiên cung. Như Lai bảo Ngọc Hoàng nhường ngôi cho lão Tôn thì loạn đại náo sẽ yên”.
   Đúng quá, đâu phải con vua thì lại làm vua, chuyện này xưa rồi….
   Sau đó Tôn Ngộ Không đánh cá với Phật Tổ và quí vị biết rồi Tôn Ngộ Không thua, không thoát khỏi tay Phật Tổ. Tại sao?
   Tôn Ngộ Không là biểu tượng của trí tuệ Vô ngã- cái ta này không có thật- không phải của ta, trí tuệ vô ngã thuộc thế giới của thực tướng tức vô tướng: tướng thực thì không có tướng, nên các ngã tướng như lửa, nước, gió, đất, không gian, đều không hại được. Vì thế, đao chém không dứt (đứt đầu rồi lại liền), lò bát quái (lò hữu vi) đốt không cháy. Nhưng khi đối diện với Ba La Mật toàn giác của Ðức Phật thì trí tuệ của Tôn Ngộ Không trở thành trí tuệ cỏn con bị thu phục. Tại đây, Ðức Phật dạy cho Tôn Ngộ Không rõ trí tuệ của Tôn Ngộ Không chưa hoàn toàn thoát ly sự trói buộc của Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) qua sự kiện Tôn Ngộ Không không nhảy ra khỏi bàn tay Như Lai, và qua sự kiện bị Ngũ Hành sơn chụp phủ 500 năm, vì Tôn Ngộ Không còn vướng mắc vào tánh háo động của tâm, tuệ, vướng mắc vào ngã mạn, tự kiêu, hiếu thắng và vô minh (tức là bị vướng mắc mà tự mình không biết - theo tỳ kheo Thích Chơn Thiện)
   Thua cuộc, Tôn Ngộ Không bị Phật Tổ dùng năm ngón tay hoá ra núi ngũ hành (tượng trưng ngũ uẩn) kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ, nhốt vào lại còn dán thêm lá bùa có sáu chữ Úm Ma Ni Bát Ma Hồng khiến Tôn Ngộ Không không còn cách chi ra được.
   OM MANI PADME HUNG là Lục Tự Đại Minh Chú của Quán Thế Âm Bồ Tát, có nghĩa là “ngọc quý trong hoa sen, xin chư Phật phù hộ”.
   Khi ta tụng thần chú OM MANI PADME HUM thì
sáu phiền não là Tham, Sân (giận), Si (vô minh), Mạn (kiêu căng), Kiến (tà kiến), Nghi, được thanh tịnh, không phải tái sinh vào sáu cõi;
năm uẩn được thanh tịnh;
* tâm được giác ngộ qua sáu ba la mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ…
nên hàng ngày quí Phật Tử nên thêm vào Kinh nhật tụng câu “Om Mani padme hum”.
   …Trải qua năm trăm năm, một hôm Như Lai muốn truyền bộ kinh Tam Tạng (Pháp, Luận và Kinh tạng) sang Đông Độ để khuyến hoá chúng sinh. Thực ra Phật sự thỉnh kinh này do Ðức Phật bày ra và là con đường “công phu” (theo nhà Phật công phu có nghĩa là một việc, một Phật sự) giải thoát để đạt đến trí tuệ Ba La Mật cho Tôn Ngộ Không. Qua công phu thỉnh kinh, Phật Tổ sẽ giáo dục, dẫn dắt Tôn Ngộ Không vượt qua ba tai nạn khốc liệt (sét đánh, âm hỏa và bi phong) mà Tôn giả Tu Bồ Ðề đã báo trước.
   Bồ Tát Quán Thế Âm là vị Bồ Tát đã đắc trí tuệ Ba La Mật và có ước nguyện cứu độ chúng sinh, được Ðức Phật Như Lai giao phó sứ mệnh đi tìm người và theo dõi phái đoàn thỉnh kinh.
   Đức Quán Thế Âm lãnh nhiệm vụ tìm người và dò đường. Ngài thâu phục được Sa Ngộ Tịnh (ngộ được chữ tịnh có nghĩa là định Tâm) và Trư Ngộ Năng (con heo đầy dục vọng ngộ ra được bản năng và hướng về giải thoát), Ngài đến núi Ngũ Hành gặp Tôn Ngộ Không (ngộ được chữ Không). Ngài dặn dò tất cả hãy chờ người thỉnh kinh đến mà phò tá đi lấy kinh sẽ đạt được giải thoát khỏi sanh tử.
   Đức Quán Thế Âm sau đó đến Tràng An, chọn được người đi thỉnh kinh là Trần Huyền Trang.Trần Huyền Trang được vua ban tên Đường Tam Tạng (người nhà Đường đi thỉnh Tam Tạng Kinh) còn gọi là Đường Tăng. Đường Tăng nguyên là Kim Thuyền Tử, đồ đệ thứ hai của Phật Như Lai xuống trần đầu thai…
   Đường Tăng, với ý nguyện giải thoát chúng sinh, tượng trưng cho trái tim và linh hồn (vốn yếu đuối) nên là người dẫn đầu đoàn thỉnh kinh nhưng chưa đủ khả năng phân biệt chánh tà, hư thực, dễ mắc vào cạm bẫy của ác ma nên phải cần đến Trí Tuệ của Tôn Ngộ Không hướng dẫn. Con người, ngoài tim, óc, còn có bản năng tức dục vọng (Trư Bát Giới) cần được chế ngự, hướng về giải thoát, cũng vì vậy mà luôn luôn có hục hặc giữa lý trí và dục vọng tức giữa Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Tâm (Đường Tam Tạng) và Trí (Tôn Ngộ Không) luôn vọng động (tâm viên ý mã) nên có Ngộ Tịnh (định) trầm lặng chuyên chú cần mẫn suốt hành trình nhắc nhở.
* Trở lại với Tôn Ngộ Không và Tây Du ký, Đường Tam Tạng đi đến núi Ngũ Hành, lột được bùa, cứu thoát Tôn Ngộ Không, cho pháp danh là Tôn Hành Giả (hành giả là người thực hiện, người hành động) nhưng Tôn Ngộ Không vô cùng lý lắc, chưa thật tâm thật ý đi tu, chỉ vì thọ ơn cứu khỏi núi ngũ hành mà phải theo Đường Tam Tạng nên Đường Tam Tạng phải lừa Tôn Ngộ Không, cho đeo vòng Kim Cô của Đức Quan Thế m để dễ bề điều khiển vì Trí Tuệ chưa chế ngự thì vẫn bị ngũ uẩn khống chế. Người trần mắt thịt chúng ta không có vòng kim cô, không có 81 lần gặp ác ma nhưng cũng có khối tai nạn và quí vị biết không, mỗi lần vượt qua được tai nạn là chúng ta cũng tiến gần đến …Niết Bàn vì ai đó có nói “Hạnh phúc chỉ thật sự đến với những người đã kinh qua đau khổ”.
* Hai thầy trò lên đường, gặp sáu tên cướp là Mắt nhìn Mừng, Tai nghe Giận, Mũi ngửi Thích, Lưỡi nếm Nghĩ, Ý thấy Muốn, Thân muốn Lo (tức Nhãn, Nhĩ, Tỷ Thiệt, Ý, Thân) mà Tôn Ngộ Không chỉ quơ một gậy là tiêu giệt xong lũ lục tặc này. Giệt xong lục tặc này là loại được 18 loại giặc quấy nhiễu tâm thức con người (gồm lục căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, ý, thân; lục căn khi phát triển tiếp xúc với lục trần là sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp tạo thành 18 thức) thế mới là “Vượn già theo chính, Sáu giặc mất tăm”.
   Giệt được sáu giặc nhưng Tôn Ngộ Không bị Đường Tam Tạng cằn nhằn la mắng, Tôn Ngộ Không đã thưa: “Thưa sư phụ, đệ tử không đánh chết nó thì nó đánh chết sư phụ mất” rồi tức giận bỏ ra đi ra biển chơi, sau nhờ Long Vương khuyên nhủ mới trở về hộ tống Đường Tam Tạng và bị Đường Tam Tạng lừa cho áo mũ mà quàng thêm cái vòng “kim cô” của Quan Thế m vào đầu.
   Khi qua Viện Quan Âm, tính khoe chưa dứt, Tôn Ngộ Không đem cà sa của Đường Tam Tạng ra khoe, sư trụ trì mắc bệnh si mê áo cà sa, thấy áo thì dứt không ra, mưu mô chiếm đoạt khiến thầy trò ngộ nạn phải cầu tới Quan Thế m Bồ Tát…
   Khi Bồ Tát Quan Thế m biến hoá ra yêu tinh Lăng Hư, bạn của Ma Gấu thì Tôn Ngộ Không liền nói: “ Đẹp quá! Đẹp quá! Thế Bồ Tát là yêu tinh hay yêu tinh là Bồ Tát?”
   BỒ TÁT dạy: Ngộ Không! Bồ Tát, yêu tinh đều là ý niệm, nếu bàn cho đến gốc đều là không có.”
   Vì sao ư? Vì tướng thật của Bồ Tát là Vô Ngã; tướng thật của yêu tinh cũng là Vô Ngã. Với tâm thức giác ngộ thật tướng (thật tướng là vô tướng = không có tướng) thì yêu tinh và Bồ Tát không khác biệt, đều đồng thể Vô Ngã (Bồ Tát = yêu tinh = Vô ngã = vô tướng) nhưng nếu tâm thức còn vướng mắc chấp ngã, thì tướng Bồ Tát khác với tướng yêu tinh.
   Hai thấy trò tiếp tục lên đường và Đường Tam Tạng thâu phục được Tôn Ngộ Năng tức Trư Bát Giới, gặp được Thuyền sư cho Đa Tâm Kinh tức Bát Nhã Tâm Kinh. Khi chúng ta thường xuyên đọc, nghiền ngẫm Tâm Kinh Bát Nhã ắt có ngày giác ngộ tất cả là Không thì không còn gì lo sợ, hãi sợ tức là đã Định
        Có một ngày chợt thấy đời là mộng
     Ngẫm cho cùng, đời, mộng cũng là không (SK)
   Qua núi Hoàng Phong, Tôn Ngộ Không bị gió vàng Tam Muội Thần Phong quẹt trúng mắt (nhãn giới bị che lấp) phải nhờ Hộ Pháp Già Lam chữa trị và thỉnh Linh Cát Bồ Tát đến trị yêu ma với Định Phong Đơn và Phi Long Trượng.
   Đến sông Lưu Sa, phái đoàn gặp yêu ma, Quan Thế m Bồ Tát sai Mộc Xoa thu phục, chính là Sa Ngộ Tịnh. Sa Ngộ Tịnh đưa phái đoàn qua sông, gặp trang viện có bốn vị bồ tát hoá thân thành những người đẹp thử thách các chàng trai độc thân chưa vợ. Thưa quí vị, người ta bảo lấy lửa thử vàng, lấy vàng thử đàn bà và lấy đàn bà thử đàn ông; bởi vậy Hồ Tôn Hiến đem vàng hối lộ cho Thuý Kiều (trong truyện Kiều), và Việt Vương Câu Tiễn đem Tây Thi dâng cho Ngô Phù Sai, thế là tiêu đời trai thành ra quí liền ông phải luôn luôn tâm niệm lời mẹ Hân Tố Tố dậy con là Trương Vô Kỵ: đàn bà càng đẹp càng nguy hiểm …

TonNgoKhong 2 SK

   Ba người trong đoàn đã dứt ái dục thoát được lưới tình còn anh Trư Bát Giới thua thẳng cẳng phải chịu tội với Bồ Tát.
   Thầy trò Tôn Ngộ Không tiếp tục đến Vạn Thọ Sơn. Tôn Ngộ Không ăn trộm quả nhân sâm, đập phá vườn sâm, bị bắt đền, lại phải đi thỉnh đức Quán Thế Âm.
   Tôn Ngộ Không đánh bật rễ nhân sâm có từ tạo thiên lập địa được ví như đánh bật những pháp hữu vi (pháp hữu vi là thấy được bằng mắt nghe được bằng tai, có sanh có diệt), phải dùng tới trí tuệ vô ngã của nước Cam Lồ trong tịnh bình của Bồ Tát Quán Thế Âm mới làm cây nhân sâm hồi sinh, bất sinh, bất diệt.
   Tôn Ngộ Không khi qua núi Bạch Hổ Lĩnh đập chết một con yêu tinh ba lần giả dạng thành người để mê hoặc Đường Tam Tạng nên bị Đường Tam Tạng cho là độc ác, đọc chú khẩn kim cô cho đau đầu rồi đuổi về Hoa Quả Sơn lần nữa.
   Từ đầu tới đây chúng ta thấy chỉ có con mắt vàng tức trí tuệ vô ngã của Tôn Ngộ Không mới phân biệt thật-giả nhưng vẫn bị tâm mê của Đường Tam Tạng và dục vọng của Trư Bát Giới phê phán và chịu thua, nên thôi chia tay từ đây...
   “Trí tuệ” Tôn Ngộ Không trở về núi Hoa Quả, thiếu từ tâm nên một hơi giết chết bao nhiêu là người đi săn (Trí mà thiếu từ tâm thành ác độc - Science sans conscience n’est que ruine de l’âme) còn phái đoàn thỉnh kinh thiếu Tôn Ngộ Không tức là vắng trí tuệ, mơ mơ hồ hồ, thật giả không phân biệt được, gặp nạn Hoàng Bào chẳng biết xử trí ra sao lại phải réo Tôn Ngộ Không.
   Vậy thì Khỉ Tôn Ngộ Không tượng trưng cho trí tuệ, không thể thiếu trong hành trình đi tìm giải thoát nhưng trí tuệ cũng phải trui rèn tu tập để đạt được trí tuệ vô ngã, rồi định, rồi huệ... mà Khỉ chưa hết tính khỉ nên Quan Thế m cho giả dạng yêu tinh dùng phép đè Tôn Ngộ Không dưới núi Tu Di Nga Mi và Thái Sơn rồi mới cho người đến cứu.
   Ở hồi từ 27 đến 31, Tôn Ngộ Không do thiếu tế nhị đã tạo ra sự chia rẽ làm tan rã hàng ngũ phái đoàn thỉnh kinh. Từ đây, Tôn Ngộ Không đã thức tỉnh, không quá ỷ lại vào sức mạnh trí tuệ Vô ngã của mình mà khéo vận dụng tâm lý Ðường Tăng và Trư Ngộ Năng tạo nên sức mạnh hợp quần.
   Thầy trò tiếp tục đi và… lại gặp yêu ma là chú sư tử lông xanh bị thiến của Văn Thù Bồ Tát hoá thành Đường Tam Tạng thứ hai. Trí tuệ Tôn Ngộ Không tuy nhận ra chân giả vẫn bị làm khó dễ vì cả hai Đường Tam Tạng đều nhảy lung tung khó mà quơ trúng. Tôn Ngộ Không phải nhờ tới mưu kế của Trư Bát Giới (dục vọng) và Sa Ngộ Tịnh (thiền định) là chịu đau cho Đường Tam Tạng thật đọc chú khẩn kim cô mới dứt điểm Đường Tam Tạng giả được.
   Tôn Ngộ Không tiếp tục đi, gặp Hồng Hài Nhi là con trai bà La Sát có vòng xe lửa (tượng trưng cho tham, sân) Tôn Ngộ Không bị lửa sân đốt, lại phải thỉnh ngài Quan m cứu nạn (cho nên ngài mang tên là Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát). Tôn Ngộ Không còn bị nạn quạt Ba Tiêu. Quạt Ba Tiêu là quạt thần khi quạt một cái thì lửa tắt, hai cái thì sinh gió, ba cái thì mưa xuống. Khi quạt trúng người thì thành gió mạnh thổi bay xa tới tám mươi bốn ngàn dặm; quạt cũng có thể biến thành to hay thu nhỏ lại được. Quạt tượng trưng cho bát phong là Khen- Chê- Mừng- Giận- Lợi- Danh- Được- Mất. Tôn Ngộ Không bị quạt Ba Tiêu thổi bay xa mười vạn dậm (nạn bi phong) phải nhờ Định Phong Đơn của Văn Thù Bồ tát mới thoát nạn nghĩa là khi tâm định đã vững, thì hành giả mới thoát được nạn quạt Ba Tiêu.

TonNgoKhong 3 SK

   Sau đó là những trận chiến chân-giả. Tôn Ngộ Không biến thành Ngưu Ma Vương gạt bà La sát lại bị Ngưu Ma Vương thật biến ra Ngộ Năng gạt lại. Ma vương còn biến hoá ra vua Ô kê giả, Đường Tam Tạng giả ... Thế mới biết giả giả chân chân, chân và giả lồng vào nhau khiến Tôn Ngộ Không cũng khó mà phân biệt được phải nhờ hoàng hậu nhận ra vua và hợp cùng Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tịnh mới gạt được vua Ô Kê giả, Đường Tam Tạng giả ra một bên.
   Cũng vậy, hành giả trên đường giải thoát cần phải dẹp giặc trong và đánh giặc ngoài. Khi hàng phục được giặc “Lục tặc” và “Bát phong” ở ngoài thì hành giả tập trung vào trong để diệt giặc ở trong. Ðấy là công việc chế phục, loại trừ dục ái, hữu ái và vô hữu ái. Về dục ái, thì có thể dùng định tâm để nhiếp, nhưng còn hữu ái và vô hữu ái, thì phải dùng trí tuệ để trừ.
   Hồi thứ 72 xẩy ra ở động Bà Ty. Tại đây Ðường Tăng một mình tự dấn thân vào sào huyệt của bảy tiên cô nhền nhện tuyệt đẹp, những tiên nương thường tắm gội ở suối trời Trạc Cấu (suối rửa sạch các cấu bẩn của dục ái). Các tiên nương này không nghĩ gì đến chuyện mây mưa mà chỉ muốn ăn thịt Ðường Tăng. Bảy yêu nhền nhện cũng là biểu tượng của thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), là biểu tượng cái tinh tế của ái, đó là vô hữu ái. Vì thế, chúng chiến thắng được “dục vọng” Tôn Ngộ Năng, nhưng bị tiêu diệt bởi “trí tuệ vô ngã” Tôn Ngộ Không…
   ...Phái đoàn đi thỉnh kinh, ròng rã mất mười bốn năm trời mà trong truyện chia làm môt trăm hồi, gặp 81 lần tai hoạ, sỡ dĩ vượt qua được là nhờ Đường Tam Tạng bền chí, Tôn Ngộ Không nhiều phép trị yêu, khi nào Tôn Ngộ Không trị yêu tinh không nổi thì đi cầu Bồ Tát, thường là Quan Thế m Bồ Tát hay Thượng Đế...
   Tới hồi thứ 98 thầy trò tới được đất Phật, đến bến Lăng Vân gặp cây cầu nhỏ mà trơn, ai nấy đều e ngại thì cũng chỉ có Tôn Ngộ Không là dám băng băng vượt qua, may thay có con đò không đáy trờ tới đón, chở phái đoàn thỉnh kinh qua sông, nơi đây Đường tăng thoát xác phàm, được gặp Phật nơi chùa Lôi m, núi Linh Sơn và được ban cho ba tạng kinh, tạng Pháp bàn việc Trời, tạng Luận bàn việc Đất, tạng Kinh để siêu độ người chết nhưng bị A Nan, Ca Diếp trao cho Kinh Vô Tự. Kinh Vô Tự mới thực là chân kinh nhưng người phàm không đọc nổi nên phái đoàn phải quay lại xin Kinh hữu tự. Kinh vốn không thể cho không -nothing free- nên Đường Tam Tạng phải lấy bát tộ vàng tía mà vua Đường đã ban, trao cho A Nan đổi lấy kinh có chữ mang về (đây là lý duyên khởi, có cho thì có nhận).
Tới đây thầy trò đã chịu qua 80 tai nạn, nên còn phải chịu nạn cuối cùng là bị Rùa Trắng hất cả xuống sông khiến kinh sách ướt hết. Phái đoàn phải phơi kinh cho khô. Khi đem phơi thì bản Hạnh Kinh bị dính nên rách mất vài tờ. Khỉ Tôn Ngộ Không, nay đã đạt lý trời đất, an ủi Đường Tăng : “Trời đất còn chẳng trọn vẹn nữa là. Bộ kinh này vốn trước trọn vẹn nay bị dính rách, đó là việc huyền diệu, sức người giữ thế nào được.”
   Có câu Thiên Địa đố kỳ toàn - trời đất còn đố kỵ sự toàn vẹn nên chẳng có gì là toàn vẹn cả. Con người ngày nay khám phá không biết bao nhiêu điều nhưng trời vẫn giữ riêng nhiều điều bí mật như ông thầy dậy võ, giữ lại vài miếng miếng võ để thủ thân phòng khi trò trở mặt.
   Sau khi giao kinh cho vua Đường, phái đoàn được đưa trở lại xứ Phật. Đường Tam Tạng và Tôn Ngộ Không thành Phật, Trư Bát Giới làm Tịnh Đàn Sứ Giả, Sa Ngộ Tịnh làm La Hán Mình Vàng và Ngựa   Bạch thành Bát Bộ Thiên Long.
   Tôn Ngộ Không nói với Đường Tam Tạng:
   “Sư phụ ạ, bây giờ con đã thành Phật, cũng được như thầy mà cứ phải đội mãi cái kim cô à? Thầy có còn phải đọc chú khẩn cô nhi để thắt buộc con nữa đâu” Xin thầy đọc bài chú mở đai, bỏ nó xuống, đập cho tan tành, không cho Bồ Tát mang nó đi hại kẻ khác!
   Đường Tăng nói :
  “Chỉ vì lúc trước con là người khó bảo nên phải lấy kim cô kiềm chế con, nay con thành Phật, tự nhiên đai cũng mất thôi! Con thử sờ lên đầu mà xem.”
   Tôn Hành Giả sờ đầu, quả nhiên không còn đai kim cô nữa: Trí tuệ đã viên mãn, hoàn toàn thoát khỏi mọi trói buộc. Xem ra, thật chẳng có kim cô mà lại có kim cô, giống như lấy dây tự buộc mình khi chưa giác ngộ...
   Còn Trư bát Giới sao không thành Phật? Trư Bát Giới quả là hiện thân của dục vọng, của sự buông thả của thân nghiệp, và khẩu nghiệp. Trư Bát Giới tham ăn, tham ngủ, nghĩ và nói năng bậy bạ như là chất dơ còn lại để trên con người xuất thế, chất dơ này cần được tẩy rửa khỏi Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát nên Tôn Ngộ Năng không được thành Phật mà tiếp tục hưởng hương hoa cúng kiến với vai trò Tịnh Đàn Sứ Giả tha hồ ăn ngon
   Đoàn đi thỉnh kinh nếu chỉ có một người, hoặc một lòng một dạ và có quyết tâm như Tôn Ngộ Không, hoặc là bất nhất, dễ bỏ cuộc như Trư Bát Giới, hoặc là tình cảm mềm lòng như Ðường Tăng, hoặc trung thành và có quyết tâm nhưng thiếu dũng lược như Sa Ngộ Tịnh, đều không đến được Lôi m Tự nên năm người này thực ra chỉ là một con người tập hợp của Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức uẩn.
   Sắc uẩn là phần vật chất, thọ, tưởng, hành, và thức thuộc tâm linh.
   Sắc uẩn gồm có nội sắc tức tấm thân vật chất của chính mình và ngoại sắc tức thân tha nhân và thế giới vật chất chung quanh.
   Thọ uẩn gồm có nội thọ tức là những cảm nhận hỷ, lạc trong thiền định và ngoại thọ tức là các cảm nhận hỷ, lạc qua các giác quan bên ngoài.
   Tưởng uẩn gồm có tưởng về sắc, thanh, hương, vị, xúc và về pháp (pháp là tất cả các việc thế gian).
   Hành uẩn gồm có tư duy hay tác ý về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
   Thức uẩn gồm có nhãn thức, nhĩ thức và tỉ, thiệt, thân, ý thức.
   Các hành giả phải hành Giới, Ðịnh, Tuệ với Tâm đại bi mới có thể nhận được thực tướng. Ðây là “công phu” đánh thức dậy tính vốn có trong mỗi hành giả như sấm sét đánh thức mình ra khỏi cơn mê của 81 cảnh giới tâm.
     Một lớp chân như lạc xuống trần
     Hoà hợp bốn tướng lại tu thân
     Năm hành bản sắc không rồi hết
     Trăm quái không danh hiệu chẳng còn...
   Phái đoàn, tóm lại chỉ là một con người có tim (nguyện giải thoát chúng sinh của Đường Tam Tạng), có óc (trí tuệ vô ngã của Tôn Ngộ Không), có dục vọng (của Tôn Ngộ Năng hay Trư Bát Giới), có định tâm nhắc nhở (của Sa Ngộ Tịnh) lên đường tìm Giải Thoát tức là tu tập Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn.
   Tuệ (Huệ) đứng đầu với chánh kiến chánh tư duy, là hai con mắt trí tuệ soi cho hành giả đi đúng bát chánh đạo. Trí tuệ Bát-Nhã là trí tuệ thấu suốt sự thật về thân, tâm và sự vật đúng như lẽ thật của nó là duyên hợp giả tạm, không có chủ thể, thật đồng huyễn hoá. Bát-Nhã cũng là chánh tri, chánh kiến tối cao nhất mà chư Phật ra đời để giúp chúng ta phá đi nhận thức sai lầm về “Ngã”, tức là nhận thức ra được Vô Ngã.
   Giới với chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc về đạo đức, giữ thân tâm thanh tịnh không bị tội ác cám dỗ.
   Định gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định là ba ngành của Thiền học nhằm thanh tịnh hoá tâm. Tâm thanh tịnh mới được giải thoát khỏi phiền não trói buộc chúng sanh trong vòng đau khổ của luân hồi sanh tử.
  Tại sao 81 nạn?
  Theo Phật giáo, có mười cảnh giới hiện hữu, đó là Phật, Bồ Tát, Duyên giác, Thinh văn, Trời, Người, A-tu-la, Ðịa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Muốn đến cảnh giới Phật, hành giả phải đi qua chín cảnh giới còn lại. Mỗi cảnh giới có đủ chín cảnh giới tâm còn lại ấy, thành thử có tất cả 81 cảnh giới tâm sai biệt còn lại (9x9 =81). Mỗi cảnh giới tâm này đều che mờ Phật trí - như con suối nước đổ xuống bao che khuất động Thủy Liêm ở Hoa Quả sơn - mà hành giả cần vượt qua. Công việc tẩy rửa 81 cảnh giới tâm ấy chính là nỗ lực của phái đoàn Tây du vượt qua 81 ách nạn vậy.
   Vượt qua 81 nạn là đã tu tập xong 81 cảnh giới của Tâm sai biệt nên năm hành (ngũ hành) là Sắc, là Không rồi Hết. Trăm Quái nhưng thật ra chẳng có quái nào hết, chỉ là tâm tưởng ra …
   Kinh vô tự
   Tôn giả Ðại Ca Diếp và Tôn giả A Nan thoạt đầu đã trao cho Ðường Tăng các bản Kinh vô tự, bởi vì vô tự mới thực là Chân Kinh. Nhưng khó khăn thay, trần gian không đọc được Kinh vô tự: Như Lai đã phải dạy trao Kinh hữu tự, do vậy không nói lên được thực tướng (tức vô tướng).
   VÔ TỰ KINH theo nghĩa đen là kinh không có chữ, theo nghĩa bóng có nghĩa là lời nói và văn tự quá nghèo nàn, qua phương tiện này không đủ để diễn đạt được ý nghĩa chân lý của Chư Phật muốn nói ra hay là phần Bất khả thuyết, bất khả tư nghì trong kinh Phật, và không thể diễn tả hay nói đến vì là trong cảnh giới tuyệt đối Niết bàn.
   Bồ tát Long Thọ nói "Phật căn cứ vào nhị đế mà giảng pháp cho chúng sanh, thứ nhất nói thế tục đế, thứ hai chân đế. Nếu người nào không thể nhận thức, phân biệt hai thứ đế lý này. thời với Phật pháp thậm thâm, không chứng ngộ được Phật pháp. Nếu không căn cứ vào tục đế thời không thể nào biết được chân đế"
   Mục đích chỉ dẫn cho chúng sanh dựa vào tục đế đạt đến cảnh giới Chân đế, Giác Ngộ là cảnh giới vô ngôn.
   Tựa đề Vô tự kinh còn có thêm một ý nghĩa nữa là kinh điển chỉ là phần lý thuyết và phần rất quan trọng là phần thực hành. Vì vậy khi hiểu Lý Thuyết rồi cần phải thực hành đúng sẽ dẫn ta đến thân chứng, giác ngộ. Phật căn cứ vào nhị đế, sự thật tương đối có thể nói viết để chỉ cho chúng sanh thực hành đạt đến sự thật tuyệt đối, là Bất sanh, Bất diệt, Bất cấu, Bất tịnh, Vô ngôn.
   Phật vì tất cả chúng sanh mà nói pháp. Trước hết dựa vào tục đế hướng dẫn chúng sanh vào Chân đế vì đây là cành giới bất khả thuyết (Vô ngôn) bất khả tư nghì. Điều nầy thể hiện qua hình thức các bàn thờ Phật ở trong các chùa. Một bên là Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (tượng trưng cho Knowledge). Môt nên là hạnh Phổ Hiền Bồ tát (tượng trưng cho Practice). Có knowledge có practice thì sẽ có Buddha. Vì vậy Vô tự kinh là kinh nói về chân đế, về chân lý tuyệt đối, nơi ngôn ngữ, văn tự, âm thanh không thể đạt đến.
   Phật, Thế Tôn.
   Sự thật mà Ðức Phật đã chứng ngộ có thể được tóm tắt như sau:
     - “Do cái này có mặt nên cái kia có;
     - Do cái này sinh, nên cái kia sinh.
     - Do cái này không có mặt, nên cái kia không có,
     - Do cái này diệt, nên cái kia diệt”
   Do vô minh mà có hành, do hành mà có thức, do thức mà có danh sắc, do danh sắc mà có lục nhập, do lục nhập mà có xúc, do xúc mà có thọ, do thọ mà có ái, do ái mà có thủ, do thủ mà có hữu, do hữu mà có sinh, do sinh mà có lão tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ðây là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn (Tương Ưng II, bản dịch của HT Thích Minh Châu, 1982, tr. 4)
   Vô minh là phần đầu của 12 nhân duyên, nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên; nó cũng do duyên mà sinh. Vô minh đã được Ðức Phật định nghĩa:
   “Và này các Tỳ kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ kheo, không biết rõ về khổ, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ kheo đây gọi là vô minh”.
   Từ định nghĩa trên, vô minh có thể được hiểu là do không hiểu Tứ đế, không hiểu duyên khởi, hay do chấp thủ các ngã tướng.
   Ma chướng đó là tà niệm, vọng niệm.
   Ðối với vọng niệm, lòng khát vọng giải thoát không có đôi mắt để nhìn thấy và cũng không có khả năng để trừ.
   Trí tuệ: Nếu thiếu trí tuệ thì hành giả không thể tu tập giải thoát qua hai “công phu” chính yếu sau đây:
 - Nhận ra đâu là chánh niệm để duy trì và phát triển; chánh niệm nào chưa sinh thì khiến sinh khởi, chánh niệm nào đã sinh thì duy trì và phát triển.
 - Nhận ra đâu là tà niệm; tà niệm đã sinh thì cần được tìm cách đoạn diệt, tà niệm chưa sinh thì không để nó sinh khởi.
   Ma nạn “hang cọp” là nạn cảnh giác Ðường Tăng phải tu tập có chánh kiến và chánh tư duy (hay trí tuệ) trước, rồi vận dụng trí tuệ này dẫn đầu các công phu tu tập khác. Ðây mới là chánh đạo.
   Bát Nhã Tâm Kinh
   Dọc cuộc hành trình Tây du, Ðường Tăng thường tụng niệm bản Bát Nhã Tâm Kinh - và thường được trí tuệ (Tôn Ngộ Không) nhắc nhở để thắng vượt các sợ hãi, âu lo. Suốt đường thỉnh kinh, phái đoàn Tây du luôn luôn được Bồ Tát Quán Thế m theo sát cứu độ. Quán Thế m là tên của vị Bồ Tát mở đầu Bát Nhã Tâm Kinh (tức Quán Tự Tại Bồ Tát), vị Bồ Tát thấy rõ Năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức = con người và vũ trụ) là không có tự ngã nên vượt qua được hết thảy khổ ách, đi vào sinh tử tự tại để cứu độ chúng sinh.
 * Cuối đường Tây du, Ðường Tăng được hóa thân Phật dùng chiếc thuyền Bát Nhã (không đáy) chở qua sông Mê đến bờ bên kia của Phật cảnh. Bước vào thuyền, Ðường Tăng liền thoát xác: được pháp thân thanh tịnh vô tướng, và để lại chiếc sắc thân, như một xác chết, nổi bềnh bồng giữa dòng sinh tử.
   Trị ác ma.
   Dọc cuộc hành trình Tây du, Tôn Hành Giả phải đương đầu với nhiều loại ác ma, đương đầu với nhiều loại vũ khí tàn độc, Tôn Hành Giả vận dụng đủ 72 phép thần thông dựa vào bốn kế chính:
- Kế khắc chế: Dùng khắc chế để đối trị như dùng nước để dập tắt lửa, dùng gà để diệt rết.
- Vào tận hang cọp để bắt cọp con: Tôn Hành Giả thường chui ngay vào bụng ác ma để quấy phá.
- Tận diệt ác ma để trừ hậu hoạn.
- Khi sử dụng thần thông thất bại thì cầu viện Như Lai, Bồ Tát.
(tức là vận dụng trí tuệ Bát Nhã thâm sâu).
   Bốn kế trên cũng là bốn phương pháp mà người tu sử dụng để loại trừ các vọng niệm. (tk Thích Chơn Thiện)

Sao Khuê

Ghi chú của tác giả: Sao Khuê viết lại theo tài liệu trên internet nhất là từ bài nhận định “Bàn về Tây Du ký” của Tỳ kheo Thích Chơn Thiện.
Tháng 1 năm 2016