"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Tiếng Việt, Trường Xưa, Thầy Cũ

 17Dhvhientvt1

Tôi xin viết vài hàng để ghi lại công ơn một người thầy đã dạy tiếng Việt cho tôi cách đây cả nửa thế kỷ. Hồi đó (1957), sau khi học xong chương trình Việt ở trường tiểu học Thanh Long ở Huế, gia đình gởi tôi vào học nội trú tại Trường Trung Học Pháp, Đà Nẵng. Tên tiếng Pháp là Collège francais de Tourane, sau này đổi tên là Lycée Blaise Pascal (theo tên nhà toán học và triết gia Pháp thế kỷ thứ 17), nằm trong khuôn viên Thành cổ Điện Hải và hiện nay không còn nữa, là địa điểm của ngôi nhà cao mấy chục tầng làm trụ sở hành chánh của thành phố.

Ngoài chương trình hoàn toàn dạy bằng tiếng Pháp, chúng tôi mỗi tuần chỉ được học hai ba giờ tiếng Việt, đựơc gọi là giờ “Vietnamien’. Tên nghe cũng lạ tai, vì chúng ta là người Việt, đang ở trên đất Việt Nam mà lại học “Vietnamien” như là “langue étrangère” (ngoại ngữ). Trong thời gian mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi đó, thầy Hồ Huyến đã cố gắng dạy cho chúng tôi những hiểu biết căn bản về cổ văn (như bài văn tế nghĩa sĩ trận vong của Nguyễn Văn Thành, Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ với câu “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” mà tôi vẫn nhớ, tuy sau này tôi mới biết câu này của tướng Tàu Văn Thiên Tường); kim văn (Tản Đà với câu cuối của bài Tống biệt  :”Cửa động, đầu non, đường lối cũ, Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi”); sử ký; và nhất là danh từ khoa học, giúp cho chúng tôi diễn tả được bằng tiếng Việt những ý niệm khoa học mà chúng tôi chỉ hiểu và nói ra được bằng tiếng Pháp. Những bài học đó là những di sản quí giá nhất của thầy mà sau năm mươi năm và sau khi sống ở xứ người tôi còn giữ được với tất cả lòng biết ơn chân thành nhất của tôi.

Sau khi rời trường Blaise Pascal, lúc thi vào trường Y khoa Sài Gòn, thí sinh được viết bài bằng tiếng Việt hay 17Dhvhientvt2tiếng Pháp nên người học chương trình Pháp không bị trở ngại ngôn ngữ. Tuy nhiên, lúc vào năm dự bị y khoa (APM) tại trường ĐH Khoa học, tất cả các môn sinh học, vật lý, hoá học đều đã chuyển ngữ qua tiếng Việt. Lúc này là lúc mà qua  những lớp danh từ khoa học, thầy Huyến  được chứng tỏ là "ưu thời mẫn thế" đối với tương lai học tập của học trò mình thư thế nào. Năm 1966, lúc chúng tôi bắt đầu vào năm thứ nhất của 6 năm y khoa, tại trường mới xây do tiền của Mỹ viện trợ, đa số các môn vẫn dạy bằng tiếng Pháp. Cho đến những năm cuối cùng y khoa, khi  phong trào sinh viên tranh đấu đòi dùng tiếng Việt cũng như áp lực của nhóm ban giảng huấn được huấn luyện từ Mỹ về và do ảnh hưởng của phe thân Mỹ, tiếng Việt, pha trộn với thuật ngữ tiếng Anh, dần dần thay thế tiếng Pháp tại trường Y khoa Sài Gòn, cùng với sự ra đi khỏi các vị trí lãnh đạo của các nhân vật "huyền thoại" như giáo sư Nguyễn Hữu, Phạm Biểu Tâm, gắn bó với học thuật Pháp và chưa tin tưởng vào khả năng của thuật ngữ tiếng Việt. Một số luận án tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại trường Y khoa Sài Gòn bắt đầu được viết bằng tiếng Việt (điều mà trường Y Khoa Huế đã áp dụng từ nhiều năm trước).

Sau khi tốt nghiệp và nhập ngũ với cấp bực Y sĩ Trung Uý (Y sĩ theo nghĩa “bác sĩ”, không phải nghĩa "y sĩ" là chuyên viên trung cấp như tại Việt Nam hiện nay), hệ thống dân y  cũng như quân y đều dùng tiếng Việt hoàn toàn, vốn liếng về tiếng Việt lúc ban đầu trở nên thật quí giá cho một người dù xuất phát từ chương trình Pháp nhưng sống trong xã hội Việt và vẫn là người Việt.

Sau ngày định cư ở Mỹ, vốn liếng về tiếng Việt này, bất ngờ thay, lại càng quan trọng hơn nữa. Quan trọng trong việc dạy dỗ các con tôi hiểu về nguồn gốc văn hóa của mình ở một xứ mà nền văn hoá luồng chính hoàn toàn khác. Quan trọng trong việc giao tiếp, dạy dỗ các phụ huynh các bịnh nhân tí hon của tôi. Tiếng Việt tối cần thiết trong sinh hoạt của họ, nhất là lúc cần được săn sóc về y tế, ngoài ra họ cần một thời gian để thích ứng và tìm hiểu về nền y tế Mỹ. Quan trọng trong những buổi nói chuyện, những bài báo tôi thấy cần phải viết để phổ biến những kiến thức mới về y khoa, về giáo dục trẻ em cho cộng đồng Việt hải ngoại.

Và quan trọng hơn hết, những giờ học với thầy đã cho tôi những căn bản về văn hóa Việt, góp phần không nhỏ giúp tôi và các thế hệ sau của tôí ý thức về cội nguồn và luôn luôn nhớ rằng mình là người Việt Nam.

.

Ngày 10 tháng 2, năm 2004

Ngày 14 tháng 11, năm 2017

Falls Church, Virginia, Hoa kỳ.

BS Hồ Văn Hiền