"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Bức Tranh Thêu Bản Đồ Nước Mỹ
(Phần 2)

Mỗi năm, gia đình tôi có thói quen sắp xếp thời gian lấy “vacation” để đi thăm một ai đó trong thân tộc, bạn bè ở một tiểu bang nào đó. Đa số người Việt mới định cư sau này, qua đây đều dốc chí tạo dựng sự nghiệp nên ít có chương trình “summer vacation” như người bản xứ, đó cũng là thói quen của một dân tộc chăm chỉ cần cù, sống ở đâu cũng chỉ muốn “an cư lạc nghiệp” trước đã rồi hãy nghĩ đến chuyện đi đó đây.

Chúng tôi quan niệm khác. Làm việc quanh năm đã quá dài và mệt mỏi, biết thế nào là đủ để nghỉ ngơi, chi bằng mình kết hợp giữa làm việc và sự nghỉ ngơi cho quân bằng đời sống, chả biết đời dài ngắn thế nào mà chờ đợi. Trời cho đang có sức khoẻ, du lịch quanh nước Mỹ bằng cách lái xe đỡ tốn kém mà lại biết nhiều, không gì bằng rong ruổi đường xa, chỗ nào hay đẹp mình cứ tấp vào xem qua, rồi lại lên xe chạy tiếp đến khi nào mệt thì … nghỉ.

Muốn tiết kiệm cho chuyến đi xa, tôi thường hay áp dụng kiểu “cơm nắm muối vừng” ở quê mình, khi mọi người đã ngán ngẩm những món “fast food” dọc đường nhiều chất béo, không thích hợp lắm với khẩu vị người Việt. Chất trong xe là thùng nước đá, chở theo vài món ăn làm sẵn, một keo đủ loại rau dưa ngâm dấm thật quá quý cho nồi cơm điện mình mang theo. Đến “motel” nào cũng có chỗ cắm điện, chỉ cần vo gạo nấu cơm một lát sau đã có nồi cơm chín tới nóng hổi, ăn xong cả nhà phè ra nghỉ ngơi đánh một giấc tới sáng, rồi từ giã cái nhà nghỉ ven đường là lên đường gió bụi.

Lần này thêm một ông anh nhà binh bay từ Cali sang, chúng tôi dự định đi Missouri thăm một anh cùng đơn vị với anh tôi ngày xưa, cũng là hàng xóm của gia đình tôi ngày trước. Nhất định phải đi không thể chần chờ được nữa, vì người chúng tôi đi thăm đã bị ung thư phổi thời kỳ cuối cùng, còn rất ít thời gian để nhìn thấy nhau trong cõi ta bà này.

Nhìn bức tranh thêu của bà Laura thì hai tiểu bang TexasMissouri chỉ cách nhau bởi một anh hàng xóm là tiểu bang Arkansas. Bà Laura khéo chọn màu chỉ thêu cho các tiểu bang, một đường chỉ màu xanh mỏng mảnh khiến người ta lầm tưởng chỉ cách nhau bằng cái giậu mùng tơi xanh rờn. Thực ra đường xa vạn dặm đó bạn ơi, xe chỉ nghỉ ngơi cầm chừng cho đỡ nóng máy, chúng tôi chọn đường tắt để đi sớm đến sớm, vậy mà khi tới được nhà anh kia cũng đã khoảng 9 giờ đêm.

Vì chuyến đi chỉ từ sáng đến tối chạy nhanh là có thể đến nơi, nên hôm ấy tôi không phải mang cơm theo. Bắt đầu từ đường 59, cũng đi theo con đường về Dallas nhưng không đi qua thành phố này, xuyên qua tiểu bang Arkansas với con đường xa có nhiều cánh rừng tiếp nối nhau. Những con đường thiên lý vắng bóng nhà cửa nhưng vẻ đẹp cuả thiên nhiên thật tuyệt vời, thỉnh thoảng chúng tôi gặp một thị trấn nhỏ, nhấp nhô những con dốc cao thấp ngoằn nghoèo mà đường xá lại rất phẳng phiu, chứng tỏ hệ thống giao thông của nước Mỹ rất quy mô, người dân dù sống ở nơi xa xôi vẫn được hưởng những phương tiện khá đầy đủ.

Ven đường khi rừng thông, lúc vườn táo, mùa này Apple Blosssom đang nở hoa, gọi là rừng cũng được vì ôi chao! những chùm hoa xinh xinh màu hồng phấn hay như màu hoa mận trắng, cánh nhỏ như hoa đào hay hoa mai đơn ở quê nhà xúm xít trên cành lá xanh biêng biếc. Apple Blossom là loại hoa đặc trưng của tiểu bang Arkansas, hằng năm người dân ở đây thường tổ chức “Apple Blossom Festival” để mừng mùa xuân nắng ấm, thay cho những tháng mùa đông lạnh giá. Táo cũng mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho tiểu bang Arkansas, cùng một nguồn lợi nhuận khác là gỗ. Đoạn đường rừng này tuy vắng vẻ nhưng đã cho du khách nhìn thấy nền kinh tế của tiểu bang, những chuyến xe chở gỗ dài thoòng liên tiếp trên những con dốc nhấp nhô, khiến tài xế những chiếc xe nhỏ chạy đường trường hồi hộp không ít, lỡ như những sợi dây cáp ràng gỗ kia bị đứt và gỗ lăn xuống đường …. Người đi xa luôn chỉ mong “ thượng lộ bình an” , đi đến nơi về đến chốn, du lịch luôn cho ta mở rộng tầm nhìn, nhưng cũng phải cộng, trừ, nhân, chia với số mệnh.

Mãi 9 giờ tối mới mò ra được nhà anh chị, anh trở bệnh đã vào nằm nhà thương mấy hôm nay, chị bảo con trông bố trong nhà thương rồi mau mau về nhà lo cơm đãi khách. Chị thật là một người phụ nữ xinh đẹp nhân hậu hiếm có, hồi quen anh chị mới 16 tuổi, nhà trường tổ chức Cây Mùa Xuân thăm chiến sĩ tiền đồn, anh hướng dẫn phái đoàn rồi cảm mến cô nữ sinh thuỳ mị xinh đẹp. Năm chị 18 tuổi thì anh rước chị về xây tổ uyên ương. Sau năm 75, anh đi tù chị ở nhà rau cháo nuôi con, tiếp tế thăm nuôi chồng đầy đủ, nay trời bắt anh mang bệnh ngặt nghèo, chị mang tấm thân cò lả yếu đuối chăm sóc trọn tình trọn nghĩa.

Sáng hôm sau mọi người kéo nhau vào nhà thương thăm anh, có đến hơn 30 năm mới gặp lại, anh xanh xao nằm trên giường bệnh phải thở bằng oxy. Gặp lại anh em tình chiến hữu năm xưa sống lại khiến anh cảm động rưng rưng nước mắt, anh thì thào nắm tay từng người:

“Gặp lại em anh mừng lắm, vẫn nhớ cô em hàng xóm có hai lúm đồng tiền. Chắc anh không sống bao lâu nữa …”

Anh nghẹn lời, mọi người cũng im lặng dằn xuống nỗi xúc cảm. Xum họp nào rồi cũng phải phân ly, anh chưa chết được ngay, để rồi lại li bì chìm trong những cơn mê vì đau đớn, chiếc áo cũ đầy mụn vá chắc rồi cũng sẽ rách toang ra để linh hồn bay về miền miên viễn. Buồn thật đó nhưng tôi cho rằng Chết cũng là một giải thoát:

“Lá ơi! Khi lá mới vừa trổ
Là biết hôm nào lá sẽ rơi.”
( thơ NN)

Ngày hôm sau, khách phương xa ở thêm một ngày nữa thăm dân cho biết sự tình. Missouri không có gì đặc biệt ngoài những hồ nước bao quanh bằng những cây Hawthorn tàn lớn nở hoa trắng, hoa cánh nhỏ kết từng chùm đính lên thân cây, nhà thoai thoải theo đường đồi nên cảnh khá nên thơ. Chị đưa khách đi chơi một vòng quanh phố, cho biết thêm về loại cây này, vào đầu thu hoa kết trái và đến cuối thu thì trái đã chín đỏ.

Hôm sau nữa mọi người giã biệt nhau để ra về. Nhìn lại lần nữa căn nhà nhỏ chênh vênh trên ngọn đồi thấp, trước sân nhà hoa Hawthorn vẫn nở, căn nhà tạo dựng bằng mồ hôi của hai vợ chồng từ khi vợ chồng dắt díu nhau sang Mỹ làm lại sự nghiệp. Mai đây một ngày nào đó anh sẽ “đi”, chị ở lại một mình, căn phòng nhỏ có bàn thờ Phật mà mới sáng tinh sương, đã nghe tiếng chuông tiếng mõ dội vào lòng người một sự bình an nhưng lại rất u uẩn. Thương chị quá, cô nữ sinh trẻ đẹp ngày nào nay sắp sửa thành goá phụ cô đơn ….

Chuyến về chúng tôi quyết định chọn đường xuyên bang xe cộ dập dìu, và cũng phải ghé vào Wichita thuộc tiểu bang Kansas thăm gia đình ông chú mới định cư ở Mỹ được ít lâu. Ông anh “nhà binh” đồng hành bây giờ cũng nhát gan sợ mấy chuyến xe thồ gỗ kềnh càng như con voi, nên rất hoan nghênh ý kiến đi tà tà rồi ghé qua Kansas cho biết thêm một tiểu bang nữa của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Kansas nằm về phía tay phải của đường xuyên bang từ Missouri về Texas, nên khoảng trưa là xe đã rẽ phải để vào Wichita, một thành phố lớn cuả tiểu bang Kansas. Trên cánh đồng hoa mặt trời đầu mùa đang trổ hoa, màu vàng rực chạy dài trên những cánh đồng cỏ, dẫn chúng tôi đến xứ sở tổ tiên của người da đỏ, đi theo những con đường rừng đã thấp thoáng thấy vài biểu tượng di sản cuả dân da đỏ hiện diện đó đây.

Sunny Flower là loại hoa tiêu biểu của tiểu bang Kansas, nhìn toàn diện Wichita như một bình nguyên rộng lớn, nằm về hướng Nam trung tâm Kansas, có dòng Arkansas River chảy qua . Nơi đây có bản doanh của hãng máy bay Boeing nên đã cung cấp nhiều công ăn việc làm cho dân địa phương.

Tìm mãi mới tới được nhà người bà con, đường xá vắng vẻ tĩnh mịch, thành phố nhằm ngày chủ nhật tất cả các tiệm đều đóng cửa, khiến phố xá nhiều chỗ buồn thiu buồn chảy. Mấy cô em con ông chú còn bé, vừa bỏ Sài Gòn nhộn nhịp đông vui, sang đây cứ than buồn như bọng. Nhưng thực sự vì nơi đây mang không khí tỉnh nhỏ êm đềm mà các em có thể học hành được, ít đua đòi ăn chơi hơn những nơi khác. Giờ rảnh, mẹ con xúm nhau lại trồng rau ở mảnh sân rộng sau nhà, những đọt bí rợ xanh rờn bò tràn lan khắp sân. Chiều hôm đó khách phương xa cũng chỉ ao ước được ăn bữa cơm có món đọt bí xào tỏi mùi vị quê hương, các cụ mình thì “thịt cá hương hoa, dưa cà căn bản”, nhưng muốn tìm được cái hương quê này cũng phải “trần thân khoai củ” nên rất quý hiếm, thịt cá chẳng làm sao sánh được.

Ăn cơm xong, cả nhà lái xe thăm thành phố và ra bờ sông hóng gió. Dòng sông chảy qua thành phố không rộng lắm, băng qua một nhịp cầu mà hai bên bờ có đường đi như trong công viên. Vắng,cảm tưởng của tôi thì đây là một thành phố buồn, ngoại ô có nhiều đài kỷ niệm dấu vết một thời của người da đỏ như cối đá, cung tên, cuộc sống du mục săn bắt cá và thú rừng, cánh đồng bắp, rừng hoang vu. Lâu ngày quá tôi không nhớ rõ, nhưng nếp sống ở đây thích hợp cho những người cao niên thích sự yên tịnh, còn lớp trẻ thì vẫn háo hức một ngày nào đó chuyển về những thành phố lớn để lập nghiệp.

Ngày hôm sau chúng tôi lại chia tay với người thân để về lại Houston, hứa hẹn sẽ có ngày tái ngộ, bà thím chu đáo lại bắt gói theo cơm gà để ăn đường. Đa số phụ nữ Việt Nam nào lớn tuổi một chút cũng tính toán chu đáo như vậy, bà con sống ở Mỹ lâu có cười thì hở mười cái răng, chúng tôi sinh ra đã quen với hạt cơm như hạt ngọc nên có hộp cơm dằn bụng vẫn thấy ấm lòng hơn “hamburger”.

Trước khi bước vào ranh giới của tiểu bang TX thì phải ghé qua tiểu bang Oklahoma một chút cho bõ công khăn gói đường xa. Điểm dừng chân của chúng tôi hôm ấy là Oklahoma Bombing Memorial, nơi tưởng niệm những người đã chết vì một quả bom phá xập cơ quan làm việc chính phủ ngày 19 tháng 4 năm 1995, giết chết 168 người trong đó có 19 trẻ em dưới 6 tuổi được cha mẹ gửi trong “Day Care” nằm trong tòa nhà này.

Tuy không phải là mùa đông, nhưng được biết Oklahoma có một loại hoa mang tên Mistletoe tiêu biểu cho tiểu bang, khi chưa nở hoa giống như những trái trân châu trắng nuốt như hạt ngọc suốt từ mùa thu sang đông. Dân địa phương dùng để trang hoàng cây Giáng Sinh vì vẻ đẹp kỳ diệu của hoa toả sáng trên cành lá xanh biếc, đem niềm hy vọng cho mỗi nhà khi mùa Đông cũng là mùa khắc nghiệt nhất của tiểu bang Oklahoma, những trận bão tuyết phủ một màn băng giá làm tê liệt hầu hết những sinh hoạt của đời sống người dân tại đây.

Những tiểu bang thuộc miền Trung nước Mỹ không có núi cao, nhiều ngọn đồi thấp nhấp nhô trên những cánh đồng cỏ mênh mông, người dân ở đây phát triển về chăn nuôi và trồng tỉa, đời sống bình lặng hơn những thành phố lớn như Dallas hay Houston. Nhưng ác nghiệt thay, đây cũng là những tiểu bang chông chênh giữa hai miền Nam Bắc, nên thời tiết cũng rất khắc nghiệt, mùa hè nóng nhưng đến mùa đông tuyết phủ trắng xoá, lại hay có bão tuyết, chưa kể những cơn lốc xoáy dữ dội tàn phá nhiều thành phố cũng như làng mạc.

Nhìn vào tấm tranh thêu bản đồ nước Mỹ của bà Laura, tuy chỉ vỏn vẹn bằng bàn tay xoè ra mà sao rộng lớn vô ngần. Tôi lại nghĩ đến một đoạn trong “Tây Du Ký”, Tôn Hành Gỉa ỷ tài giỏi hoá phép thần thông đi cùng khắp bốn phương trời, nhưng con khỉ dù nhảy nhót tới đâu cũng lại thấy mình bé tý teo nằm gọn trong bàn tay 5 ngón xoè ra của Đức Phật. Một câu chuyện hay để ngẫm nghĩ, đi khắp càn khôn nhưng cuối cùng một ngày ai cũng phải trở về tro bụi, nằm yên nghỉ dưới ba tấc đất phù du. Những có những không trên chặng đường tôi đã đi qua, kể cả con người thì cũng chỉ như trò biến ảo của tạo hóa:

“Một ngày. Sắc sắc không không
Nhìn quanh mới biết đời không có gì”
( thơ NN)

Nguyên Nhung

Kỳ tới, những tiểu bang miền Đông Bắc Hoa Kỳ