"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Nhạc Và Lời

 

      18Byhnvl                                  

Trước hết, tôi phải xin khẳng định rằng kiến-thức âm-nhạc của tôi gần kề với con số “không”. Vợ tôi ra trường Quốc-Gia Âm-Nhạc hạng thủ khoa, lúc mười ba tuổi và đã đi chơi nhạc chuyên-nghiệp từ lúc mười tám tuổi. Còn tôi chỉ là lúc còn trẻ, đi du học, buồn quá phải mua cái đàn ghi-ta, học lóm vài ắc-co, gảy phừng phừng để tự đệm cho mình hát cho đời đỡ buồn tẻ. Sau này, duyên nợ đưa tôi đến gặp nàng, hai vợ chồng mới cùng nhau đi hát cho vui, phận-sự tôi chỉ là khiêng vác dụng-cụ và hát đỡ cho nàng.

Tôi không biết nhạc, chỉ mê nhạc, đủ loại nhạc, mà lại thích tìm hiểu nên dần dà, tôi cũng có vài điều để nói, để chia xẻ. Múa rìu qua mắt thợ, chắc hẳn tôi sẽ có viết sai lệch, cầu mong các bạn đọc ca-nhạc sĩ châm chước cho nhé.

Âm nhạc là hơi thở của cuộc sống, là tiếng vọng của cảm xúc và mãi mãi là một ngôn ngữ chung của toàn nhân loại. 
Trong đại-dương âm nhạc, một số nhà nhạc-học đã phân biệt ba nhánh của âm-nhạc là : nhạc cổ-điển (nhạc giao-hưởng, opera), nhạc truyền-thống dân tộc (dân ca, nhạc folk) và nhạc đại-chúng (nhạc phổ-thông). 
Chúng ta cũng có thể phân-loại theo chức-năng (nhạc tôn giáo, nhạc quân sự, nhạc nhi đồng, nhạc khiêu vũ,…), theo nhạc cụ chủ-đạo (nhạc hoà tấu, thanh nhạc, nhạc điện-tử,…), hay theo mỗi khu vực, quốc gia, …
Trong bài này, chúng ta sẽ chú tâm vào thanh nhạc.

1. Nhạc và lời
Thanh nhạc là bộ môn nghệ thuật phối hợp giữa ngôn ngữ và âm nhạc. Ca hát gồm hai yếu-tố chính là Nhạc và Lời.

Nhạc là một chuỗi âm thanh trầm bổng uốn lượn thành một giai-điệu, theo một nhịp điệu, tạo nên bởi một số nhạc cụ.
Lời là một bài thơ, một câu chuyện được chia xẻ qua một giọng hát.
Như vậy, một bài hát là một câu chuyện được kể lên trong một dòng nhạc.

Có người cho rằng : "Nhạc không lời vẫn là nhạc nhưng lời không nhạc chỉ là thơ". Nói như vậy, phải chăng là nhạc quan-trọng hơn lời? 

Tôi không đủ thẩm-quyền để phán xét nhưng hình như khi nghe một bài hát, chúng ta thường cảm-nhận giai-điệu bài nhạc trước khi đi sâu vào ý-nghĩa lời bài hát, cho nên nhạc đại-chúng mà chúng ta (dễ) nghe hàng ngày được phổ-thông hơn cái gọi là nhạc nghệ-thuật (hay nhạc thính phòng).

Tôi nhớ trong những thập niên 60-70, thế-hệ choai-choai của tôi nghe nhạc Pop của Anh, nhạc Rock của Mỹ hay nhạc Yéyé của Pháp. Tôi mê (bây giờ vẫn còn mê) Christophe, Adamo, Françoise Hardy,… nhưng rồi, trưởng thành hơn, chín chắn hơn, tôi mới thấy loại nhạc đó chỉ là kỷ-niệm của tuổi ấu thơ đã in sâu vào thâm tâm mình, chứ nhạc thì chỉ thế thôi mà lời thì lắm khi nhạt như nước ốc. Rồi tôi quay sang cái gọi là “chanson à texte” (nhạc có giá trị văn-chương) cùng thời với nhạc đại-chúng Yéyé, để thưởng-thức Georges Brassens, Léo Ferré, Charles Dumont, Jacques Brel, … và nhất là Charles Aznavour.


Đối với Charles Aznavour, đặc-tính một bài hát là do lời bài hát tạo ra, nhiều hơn là do nhịp điệu bài nhạc vì theo ông thì " chúng ta không sáng tạo ra nhịp điệu... sức mạnh của chúng ta là dùng tất cả những nhịp điệu sẵn có để lồng những giai-điệu của mình vào..."

Ông vẫn quan-niệm rằng " những nốt nhạc không quan-trọng bằng những lời hát..."

Nhưng ông cũng nói thêm: "... Mỗi chữ tối quan-trọng, với bề sâu, với chân-lý của nó... nhưng đôi khi âm-thanh còn quan-trọng hơn chân-lý của nó..."


(Xin mời đọc thêm Thi sĩ Charles Aznavour (Nguyên bản)

https://phu-tran.blogspot.com/2018/06/thi-si-charles-aznavour-nguyen-ban.html

Charles Aznavour le poète (Version complète 

https://phu-tran.blogspot.com/2018/06/charles-aznavour-le-poete-version.html  ).

Tiếng hát nhằm đánh động tâm hồn người nghe, qua mặt hình thức (thanh-điệu của ngôn-ngữ) cũng như mặt nội-dung (ý-nghĩa của ngôn-ngữ). Tiếng hát thực sự là tiếng nói của tâm hồn. Đó là sức mạnh của ngôn-ngữ.
Nghe một ca khúc mà không hiểu hay không để ý đến lời thì thật uổng phí.

Nhạc quan-trọng hơn hay lời quan-trọng hơn? Hỏi như vậy chẳng khác gì so sánh đàn ông và đàn bà. Thôi thì cứ xem như ex-aequo, nhạc và lời đề huề, vui vẻ cả làng.

Nhạc và lời không thể như một đôi đũa lệch. Nhạc và lời phải xứng đôi vừa lứa như một cặp vợ chồng, phải đi đôi với nhau như hình với bóng.

Lời buồn thì nhạc phải buồn (chuyện buồn, nhạc có vui đâu bao giờ?), lời vui thì nhạc phải vui. Tình ca thường buồn (Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở mà) hoặc thủ thỉ, nũng nịu nên nhạc phải nhẹ nhàng, tha thiết. Vì vậy, những nhạc-sĩ viết nhạc thính phòng thường dùng hai thể-điệu Slow và Boston là hai điệu chậm và cũng để thính-giả có thể chú-tâm vào lời bài hát.

Nhạc và lời còn phải tương xứng với thể-loại và ý-nghĩa bài hát: 

Hùng ca hay hành khúc thì nhạc phải hùng hồn, lời phải mang nặng nam tính ; 

Dân ca thì lời phải mộc mạc, chứa chan dân-tộc tính, nhạc phải bình dị, nhạc cụ chỉ thô sơ để làm nền và giữ nhịp cho tiếng hát ; 

Thánh ca thì nhạc phải trang-nghiêm, lời phải tôn-vinh đấng tối cao; 

Nhạc khiêu vũ thì nhạc phải sống động, lời ít quan-trọng hơn; …

2. Những bên hữu-quan

Một bài hát là nhạc và lời, nhưng không phải chỉ có thế.
Một bài hát phải có người sáng tác (nhạc và lời), phải có người hoà âm, phải có người đàn, phải có người hát, phải có người nghe, không kể người lo hệ-thống âm-thanh, …


Tác giả bài hát

Có hai trường-hợp:
- Nhạc sĩ tự viết nhạc (composer/compositeur) và lời (lyrics writer/parolier); có khi viết nhạc trước rồi viết lời sau, có khi viết lời trước rồi nhạc sau, có khi viết nhạc và lời cùng lúc, tuỳ theo cảm hứng.
- Nhạc sĩ chọn một bài thơ của một thi-sĩ nào để phổ nhạc thành bài hát hoặc nhờ một người khác viết lời cho mình.
Nhạc và lời phải đi đôi với nhau nên người nhạc-sĩ thường chọn một thi-sĩ hay một bài thơ mình cảm-nhận được. Chẳng hạn như nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên đã có phổ nhạc nhiều bài thơ của Nguyên Sa, tuy rằng anh tự viết lời cho đa số nhạc của anh.

(Xin mời đọc thêm "Thi-sĩ Ngô Thuỵ Miên"  http://phu-tran.blogspot.com/2012/12/thi-si-ngo-thuy-mien-nguyen-ban.html )

Du Tử Lê cho biết thơ của anh đã được phổ nhạc gần 300 bài bởi Anh Bằng, Song Ngọc, Từ Công Phụng,…

Một điểm khác biệt giữa Tây-phương và Việt-Nam:
- Bên Âu Mỹ, phần lớn mỗi ban nhạc tự viết nhạc của mình và mỗi ca-sĩ cũng tự viết hoặc thuê một nhạc-sĩ viết bài cho mình hát, cho nên mỗi bài hát thường được gắn bó với một ban nhạc (nhạc The Beatles, The Eagles,…) hoặc một ca-sĩ (Frank Sinatra với "My way" do Paul Anka viết lời tiếng Anh từ bài "Comme d'abitude" của Claude François và Jacques Revaux, Syvie Vartan với "La plus belle pour aller danser" do Charles Aznavour và Georges Garvarentz viết, ...). 

Ngoài ra cũng có nhiều trường-hợp những bài Top Hit được rất nhiều người hát lại (covered) như "Summertime", "Yesterday", "Imagine", "My way", chưa kể những bài đã được dịch ra nhiều ngôn-ngữ phổ-biến khắp hoàn-cầu.

- Trường-hợp Việt-Nam thì khác. Nói chung, một nhạc-sĩ viết một bài hát rồi ca-sĩ nào hát thì hát. Có những bài được gắn liền với một ca-sĩ như "Đêm đông" và Bạch Yến, "Riêng một góc trời" và Tuấn Ngọc, nhạc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, … còn thì phần lớn ca-sĩ nào cũng hát đa số những bài được thính-giả ưa chuộng nhất (thị hiếu). 
(Hay là tại xứ ta, nhạc-sĩ thì ít mà ca-sĩ thì nhiều ?)

Ban nhạc
Trên bản nhạc, thông thường nhạc sĩ chỉ viết nhạc và lời một cách cơ-bản. 
Trước khi diễn-tấu, ban nhạc phải viết hoà-âm hoặc mượn một hoà-âm đã có sẵn : nhạc mở đầu, nhạc dạo trong lúc ca-sĩ nghỉ và nhạc kết-thúc, hợp-âm (chords/accords) tuỳ theo cung hát (tune/ton) của ca-sĩ, chọn điệu nhạc, nhịp độ, …
Và dĩ nhiên, các nhạc-công (danh từ dùng để tránh lầm lẫn với nhạc-sĩ là người viết nhạc) phải tập dợt với nhau cho thật đều, bằng không thì một "one man band" khá đôi khi chơi còn hay hơn.
Nhiệm vụ của ban nhạc là đệm (accompany) cho ca-sĩ hát, có nghĩa là ban nhạc phải lấy tiếng hát làm chuẩn mà đánh theo chứ không phải muốn "phăng" (fantaisie) sao thì "phăng. Ban nhạc phải theo ca sĩ chứ không phải ngược lại.

Ca sĩ

Chức-năng của người trình-diễn là chia xẻ cùng khán-thính giả tâm-sự của tác-giả bài hát qua cảm-xúc của chính mình.


Nếu như vậy, người hát phải thấu hiểu ý-nghĩa bài hát và diễn tả lên với tâm-hồn của mình. Hát không những sai lời mà còn ngược nghĩa nữa thì phiền lắm. Bài “Chiều nay không có em” của Ngô Thuỵ Miên có câu “Không có em, đời mình sao vắng vui” mà một nam danh ca hát thành “Không có em, đời mình sao vẫn vui” thì không có em là chuyện đương nhiên. (Nhưng nghĩ cho cùng,  có mấy ai để ý đến ?)


Mặt khác, hát một ca khúc lời ngoại-quốc mà mình không hiểu thì hát làm sao cho truyền-cảm được nhỉ ? Chưa kể phần phát âm cho chuẩn và giữ trọn cá-tính của ngôn-ngữ.


Có những ca sĩ rất quan-tâm vào lời bài hát và thích-nghi kỹ-thuật hát để "xử lý ngôn-ngữ" cho đúng. Thí-dụ :

- Khi ngắt chữ, không để lạc nghĩa: "yêu cho biết sao đêm dài" không thể hát "yêu cho biết... sao đêm dài" ("đêm" dài hay "sao" dài?)

Đăc-biệt là không tách rời những từ kép (đã gọi là từ kép/ghép thì làm sao tách ra được?) : "linh hồn anh vội vã vẽ chân-dung" không thể hát "linh hồn anh vội vã vẽ chân... dung" (vẽ chân hay vẽ chân dung?) hay "yêu cho thấy bao lâu đài" không thể hát "yêu cho thấy bao lâu... đài".

- Khi nốt nhạc không đúng theo thanh-điệu của chữ thì "láy" thêm cho chuẩn chữ. 

Thí dụ: "bày vội vã vào trong hồn mở cửa" hát đúng theo nốt thì sẽ thành "bày vôi  vào trong hồn mờ cừa" nên ca sĩ hát "bày vôi-ội vá-ã  vào trong hồn mờ-ở cừa-ửa". 

(Dĩ nhiên đây chỉ là một thí dụ để làm rõ ý, ca sĩ không bắt buộc phải hát rõ ràng từng chữ như vậy.)

Như đã nói, giọng hát là trung-tâm buổi trình-diễn (nhất là nhạc thính phòng) nên vai trò người ca sĩ thât là khó. Giọng hát, kỹ-thuật thanh-nhạc, phong-cách, tâm-hồn (và chút "ngoại-hình") sẽ là vũ-khí để chinh-phục khán-thính giả.

Mỗi ca sĩ có điểm đặc-trưng của mình, cái gọi là phong-cách (style) để phân-biệt mình với những nghệ-sĩ khác. Mỗi người một sở thích nên tôi không dám chê ai, chỉ dám nói tôi thích ai hay không thích ai thôi. 

Khán-thính giả
Người hát mà không có người nghe thì như lân không có pháo, như hủ tíu thiếu nườc lèo, buồn lắm, cho nên hát chơi ở nhà cũng cần phải rủ bạn bè đến karaoké với nhau hay đi những quán "hát cho nhau nghe" để có người nghe và vỗ tay thì hát mới hứng thú được. 

Có hai loại khán-thính giả :
- Khán-thính giả yêu chuộng âm-nhạc đến một buổi trình-diễn để nghe loại nhạc mình thích, để thưởng-thức giọng ca những ca-sĩ mình ái mộ. Những người này đến vì nghệ-thuật.
- Khán-thính giả mua vui, lấy một buổi trình-diễn làm cơ-hội để tụ-họp bạn bè, ăn uống, đùa giỡn trong một khung cảnh lịch-sự và nghệ-thuật. Những người này đến để “quậy”.


Buổi trình-diễn thành công hay không cũng còn tuỳ nhiều nơi khán-thính giả lắm. Kinh-nghiệm này, ban nhạc nào, ca sĩ nào cũng đã từng trải qua.


3. Bối-cảnh trình-diễn
Nhạc thính phòng là nhạc để nghe (= thính). 

Điển-hình là nhạc cổ-điển trình-diễn bởi cả một dàn nhạc giao-hưởng hoặc nhỏ hơn, đôi khi có tiếng hát (opera, lied, thánh ca,…). Không-gian thường là một nhà hát lớn hay một nhà thờ, với một cấu-trúc âm-thanh thật tốt. Khán-thính giả thường là giới trí-thức có hiểu-biết về nhạc cổ-điển, ăn mặc chỉnh-tề, tuyệt-đối giữ im lặng trong suốt buổi trình-diễn và chỉ vỗ tay khi bài nhạc (thường gồm nhiều phần) hoàn toàn chấm dứt.

Các loại nhạc khác thì dĩ nhiên không đòi hỏi khán-thính giả phải “trịnh trọng” như vậy nhưng điểm chính vẫn là đến để thưởng-thức nhạc và ủng-hộ ca sĩ.

Với loại nhạc này, tiếng hát thường là chủ-yếu nên nhạc thường đứng sau, ít và nhẹ, đôi khi để ca sĩ hát ad lib, ngân nga tuỳ hứng.

Điều đáng buồn là ở hải-ngoại, người Việt-Nam là thiểu-số (trừ những nơi đông Việt-Nam như California hay Texas) nên có lẽ không đủ số khán-thính giả để một quán nhạc thính-phòng có thể tồn-tại (?). Muốn đi thưởng-thức nhạc Việt-Nam ở xứ ngoài thật không phải là chuyện dễ, đi nghe nhạc dân ca lại càng là giấc mơ.

Nhạc khiêu-vũ

Ở đây, khách không phải là người nghe mà là người nhảy. Tiếng đàn, giọng hát ra sao để cho “chân tự-động nhảy” mới là thành công. Ca sĩ không bắt buộc phải hát thật hay nhưng phải biết cách trình-diễn, biết gây náo nhiệt, biết tạo không-khí một vũ-trường để cho sàn nhảy chật ních thì đã làm tròn bổn-phận. 
Cũng ở hải-ngoại, các ông bầu show có muốn tổ-chức buổi nhạc gì đi nữa cũng bắt buộc phải dành nửa buổi cho phần “nhảy đầm” nếu muốn thu hút khách đến cho đủ huề vốn.
Nói chung, nhạc sân-khấu thường bao gồm một phần để nghe và một phần để nhảy.

4. Âm-Dương hoà hợp

Âm-Dương là một triết-lý, một lối suy nghĩ phát động từ những cặp "đối-lập" Nữ-Nam, Đất-Trời, Trắng-Đen, ... mà chúng ta sẽ bàn đến trong một bài viết khác nhưng nơi đây, tôi xin được tạm mượn một vài ý chính để bàn về cặp Nhạc-Lời.

Không có gì hoàn toàn Âm hoặc hoàn toàn Dương

Nơi đây, nếu là nhạc thính phòng, Lời là chủ động và sẽ xem như là Dương, Nhạc đệm cho lời hát sẽ là Âm. Ngược lại, trong khuôn-khổ nhạc khiêu vũ thì có lẽ Nhạc sẽ là Dương và Lời hát sẽ là Âm. 

Trường-hợp nữ ca sĩ hát tình ca có lẽ sẽ nặng nữ tính hơn và sẽ là Âm trong khi Nhạc bao bọc và chăm sóc cho tiếng hát với tính-cách Dương. 
Khái-niệm Âm-Dương chỉ tương đối, tuỳ theo đối-tượng và bối cảnh.

Trong Âm có Dương, trong Dương có Âm

Ngôn-ngữ Việt đa thanh cho nên nói nghe như hát và ngâm thơ là nhạc không cần nhạc.  Lời hát tự nó có nhạc điệu, nghĩa là Nhạc đã ở sẵn trong Lời hát. 

(Chúng ta cũng cần nhớ là tiếng hát cũng là một nhạc cụ.)

Ngược lại, nhạc hoà-tấu không cần lời, chỉ cần dựa trên độ cao, độ dài, độ mạnh, âm sắc, ... cũng như trên các nhạc cụ để "nói" lên ý nghĩa của bài nhạc. Một tác-phẩm như "Bốn mùa" của Antonio Vivaldi gợi lên được không khí đặc biệt của mỗi mùa. Nghe kèn đám ma thì ta hiểu được ngay ý nghĩa của nhạc. Lời có sẵn ở trong Nhạc.

Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau

Nhạc và lời quyện vào nhau như một cặp vũ công, uyển chuyển cùng nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong những đoạn lên cao, dồn dập hay chậm nhẹ, tha thiết.

Nhạc dạo mở đầu cho ca sĩ hát, hát xong một khúc, nhạc lại đệm "solo", hát trở lại đến cuối sẽ có nhạc kết thúc. 

Có khi nhạc chậm nhẹ lại để tiếng hát tự do bay bổng, có khi im hẳn để tiếng hát độc diễn.

Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm

(Điều này khiến ta liên-tưởng đến thuyết "chu kỳ" nhà Phật : Có sinh phải có tử, tử rồi lại có sinh; có thịnh phải có suy, suy rồi lại có thịnh.)

Như đã thấy, so sánh Lời với Nhạc như cặp Âm-Dương không cho phép chúng ta nói Lời (hay Nhạc) là Âm hay là Dương.

Nhạc và lời trong một ca khúc, tiếng đàn và giọng hát, ban nhạc và ca sĩ, ca-nhạc sĩ và khán-thính giả, tất cả những yếu-tố đó đều như những cặp Âm-Dương mà sự hài-hoà, cân đối sẽ là yếu tố quyết-định điểm tuyệt với của bài hát.


Xét cho cùng, chơi hay nghe một bài hát cũng lắm công-phu. Nếu chỉ chú trọng vào nhạc hay lời thì thật đã phí mất nửa bài hát rồi.

Chúc các bạn thưởng-thức cả nhạc lẫn lời.

 

Yên Hà,
tháng 6, 2018