"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Tường Hồng

                                   Viết cho Nữ trung học Đồng Khánh, Huế

                                                                                                                

        Sau cơn mưa giông tháng Sáu, bầu trời của Huế lại trong xanh và sáng lên dù đã quá xế chiều để chuyển dần sang màu trời của buổi hoàng hôn. Những vạt nắng chiếu qua hàng cây, bãi cỏ bên đường như những mảnh lụa láng mỏng manh chợt loé lên rồi chợt vụt tắt. Mặt nước sông Hương vẫn nhấp nháy những đợt sóng lăn tăn phản chiếu óng ánh vàng của ánh mặt trời gần biến mất sau dãy núi Ngự Bình xa xa. Người ta nói: Huế đẹp và thơ. Huế của một buổi chiều sau cơn mưa lại không nên thơ, không xinh đẹp vì hàng cây rũ rượi ướt nước, không thơm ngát hương hoa cam ở hai bên những con đường vì những bông hoa trắng rụng đầy lối đi. Nhưng Huế lại mát rượi trong một chiều mùa hè. Màu của không gian Huế bỗng chốc đổi sang màu trong veo như khối nước được lọc sạch. Trận mưa giông và luồng gió nhẹ thổi từ mặt sông đã cuốn trôi đi những hơi thở nóng của trời Huế và màu nắng chói trên những con đường rợp bóng im rân ran tiếng ve kêu. Mùa hè, hàng Phượng Vỹ màu đỏ thắm thiếu vắng màu áo trắng học trò như im ắng nhưng sau cơn mưa lại rung rinh cành lá đẫm nước theo gió sông. Những cánh hoa đỏ đã rơi trong mưa, trôi ngập ngừng theo giòng nước cùng đàn bong bóng vỡ tan thành bọt nước 

18Cvhprh1

       Tác giả Võ Hương Phố 

bên vệ đường. Giòng nước đầy xác hoa tươi như những giòng suối nhỏ uốn quanh chân con đường dẫn lối về một ngôi trường.

Tôi trở lại trường xưa trong buổi chiều mưa ấy. Bước chân tôi ướt sũng nước mưa, lòng tràn dâng 18Cvhprh2những nôn nao gặp gỡ hội ngộ. Núp dưới mái hiên nhỏ của văn phòng nhỏ trước cổng trường để đợi cơn giông đi qua và trời tạnh. Giòng thời gian đã qua nay trôi ngược trở về lại trong tôi để ký ức hiện về rõ nét. Nơi này, ngày xưa, vâng, thật đã xa xưa trong quá khứ cùng kỷ niệm. Một nơi mà ngày đó có đám đông học sinh nhỏ cùng phụ huynh chen lấn nhau lục tìm trong danh sách tên của các thí sinh tí hon được đề tên

trên trang giấy bằng mực in, được lồng trong khung gỗ bọc tấm lưới sắt mỏng có ô nhỏ hở như tổ ong. Những trang giấy mỏng ấy như tấm lụa vàng vua ban có tên những thí sinh trúng tuyển, kỳ trúng tuyển vào Đệ thất của Trường Đồng Khánh. Niềm vinh dự ấy tưởng như thủa xưa, các bậc sĩ phu được vua ban thưởng và cho khắc tên vào bia đá. Tôi đã đứng đó cùng bà chị cả của tôi. Tôi đã vui mừng đến khóc với tin vui thi đỗ theo những giọt nước mắt trẻ con tràn trên hai má ngây thơ trắng mịn. Bên cạnh tôi cùng bà chị, những sĩ tử nhỏ bé cùng thân nhân cũng đang khóc để cười như tôi. Nỗi hạnh phúc đầu đời của đời học sinh từ đó theo nhau quấn quýt đưa chân chúng tôi trong một đoạn đường dài cùng ngôi trường có những căn lớp học nho nhỏ xinh xinh. Và cho đến ngày chúng tôi ra khỏi ngôi trường có bức tường thành dài màu hồng bao quanh.

       Bức tường dài bằng gạch sơn vôi hồng của một ngôi trường nữ chạy dài theo một khoảng đường của con đường dài mang tên Lê Lợi. Con đường xinh đẹp nhất của Huế này với hai hàng cây hai bên đường giao nhau, nối đầu cành với nhau làm bóng mát cho đường xe qua lại và học trò đi, về. Con đường toàn là những hàng Phượng Vỹ , Bạch Đàn, Long Não...  to cao như những cây cổ thụ lâu năm rợp bóng và thơm ngát mùi hương của lá. Trên con đường này, trên khoảng đường có vỉa hè rộng lát gạch đỏ nâu với nhiều cội cây Phượng Vỹ cành đỏ thắm màu hoa khi hè đến, có một bức tường dài luôn luôn chỉ một màu vôi hồng với hai cánh cổng gỗ sơn màu đỏ như son luôn khép chặt. Đằng sau bức tường hồng và cánh cửa gỗ đỏ, nơi đã ấp ủ từng thế hệ con trẻ đi qua để dùi mài kinh sử, một ngôi trường nữ đã hiện diện và được mang tên: Đồng Khánh. Ngôi trường xinh đẹp nhất của thành phố này đã cho tôi những hồi chuông reo vào lớp để mở dần cho một tương lai hồng, từng hồi chuông ra chơi, và biết bao hồi chuông chờ đợi để tan lớp mà chúng tôi hớn hởreo vang đến vỡ oà những trái tim non.  

     Kỷ niệm lại oà về trong tôi như cơn mưa giông đổ xuống vội. Hình như tôi đã cảm thấy nỗi vui như chen lấn nhau trong tôi. Nỗi vui của ngày đó, khi đứa trẻ cấp tiểu học được gia nhập cái thế giới nữ sinh trung học. Và nỗi vui hôm nay, một kẻ tha hương xa xứ được trở lại mái nhà xưa sau những điêu linh, dâu biển cuả một đời người như tôi. Hình như tôi đã bị cảm xúc xâm lấn đến mức độ cảm thấy mình như đứa trẻ con yếu ớt, dễ khóc dễ cười. Tôi chợt nhận biết những giòng nước mắt đang làm ướt má mình, như ngày xưa tôi đã để lại những giọt nước mắt vinh hiễn bên bức tường hồng này.    

     Tôi đang bồi hồi đứng trước cánh cổng trường khép hờ, bỗng giật mình nhẹ vì có tiếng thanh trong của con gái Huế bên tai.

     - Thưa cô, hình như cô ở xa về thăm trường cũ?

     - Vâng, sao cháu biết?      

     -Thưa, cháu nhìn cô là biết ngay

    Cô gái trẻ hình như là học sinh của trường, và đang đến trường để đợi ai trước cổng trường. Tay cô ta đang lần mở cuốn sách cầm tay. Chiếc quần tây bó sát đôi chân, chiếc áo sơ mi màu xanh ngắn ngủn, đôi giày tennis ôm chân và mái tóc ngắn trên vai. Ôi! Tà áo dài trắng, màu áo trắng của nữ sinh còn đâu. Tôi thất vọng trong suy nghĩ riêng của mình. Chứ thời gian cũng đã trôi qua trên dưới hơn cả nửa thế kỷ thì làm sao Huế bây giờ mà có chiếc áo dài trắng ôm cặp sách đứng đợi...ai trước cổng trường hồng. May mà tôi còn nghe được âm thanh của Huế, lễ phép dạ thưa.

     Nhìn lại y phục mình, tôi bỗng bật cười vì nhận ra mình cũng quá khe khắt trong suy nghĩ khi đánh giá đứa học trò đối diện. Chiếc áo dài trắng, chiếc nón quai nhung, đôi guốc Đakao màu đen gót thấp thấp nho nhỏ đã biến mất trên thân thể tôi tự ngày nào. Nay, tôi chỉ là hình nhân khác thường của một cố nhân với ngôi trường con gái ngày xưa không còn trong bộ đồng phục của trường. Đứng cạnh cổng trường, cô bé nữ sinh ngày nào bỗng biến thành người lạ với chiếc jupe đỏ ngắn, áo thun đen ngắn tay, đôi giày cao gót, chiếc ví đầm đeo vai ... và tư tưởng chồng chất những nhạy cảm, cảm xúc hỗn độn của một cựu nữ sinh đến thăm trường Mẹ.

       Tôi bước nhanh qua cánh cổng trường màu đỏ sậm. Vội đưa mắt nhìn bao quát chung quanh ngôi trường. Những dãy lớp học vẫn phủ một lớp vôi sơn màu hồng con gái.  Xa xa, đám cỏ xanh mùa hè vẫn được cắt xén theo từng vuông cỏ của sân trường. Hàng phượng vẫn ra hoa đỏ thắm 18Cvhprh3nhưng không dày và san sát nhau như tấm thảm hoa trên cành như ngày nào. Nhưng gió vẫn thổi để những cánh hoa phượng già rơi tan tác trên những lối đi xưa. Những bước chân xưa phiêu bạt của tôi trở về nay lại ngại ngùng, khép nép của nữ sinh được in gót giày cao trên những lối đi của trường xưa. Hồn người trong tôi như ánh đom đóm heo hắt trở về trong mộ phần của ngôi trường mẹ đã bị thay đổi cái tên. Cái tên trường cũ đã mất như đã bị chôn đi những gì quý giá nhất trong lòng của các thế hệ học sinh đã qua. Tôi bồi hồi lắng nghe những âm thanh vọng về từ xa của một nỗi niềm hoài cổ trong tôi. Tiếng chuông reo vào lớp thanh thót trong ký ức tôi. Tiếng reo vang của học sinh trong giờ ra chơi như tiếng hát đồng ca trong tim tôi. Tiếng chuông tan lớp ngậm ngùi tiếc nhớ trong hoài niệm của tôi. Từng đàn thiên nga áo trắng xếp hàng trước từng cửa lớp đợi thầy cô để cho phép vào lớp, nay đã bay xa. Giọng đọc hay giảng bài của thầy cô như những tiếng dội lại từ những vách núi đá trí tuệ, từ những khu rừng kiến thức để đời của những kỷ nguyên đã đi lên trong thế giới khai sáng dân trí cho học sinh.  

      Một mình đứng giữa sân trường, tôi như rơi vào một lạc lỏng của kẻ lạ. Tôi đã đến đây và đã ra đi như một giòng sông nhỏ uốn khúc và có khúc quanh để quay mình đi ngược về nguồn. Lạ lẩm, ngại ngùng với cành cây xanh cổ thụ như một cánh chim lạc bầy khi được trở về tổ xưa. Những cánh cửa lớp học đã khép chặt trong mùa hè tan trường. Nơi đó tôi đã thường thả những giấc mộng nhỏ, mông lung mơ hồ của con nít để thoát ra khung cửa lớn của lớp khi những lần làm bài thi bị điểm thấp. Những lúc đó, trên đường tan học về nhà tôi chỉ đi hái trái dại bên đường và bắt bướm bên sông. Hiện thực của một đứa học trò trẻ con tuyệt đẹp như vậy thì cần gì tôi phải ươm mộng hay mơ nhỉ? Cấp hai đã qua. Lên cấp ba, mộng lớn hơn, tôi đã để giấc mộng bay xa ra khỏi khung cửa sổ của lớp học. Mộng trôi theo những buổi cúp cua cùng cô bạn thân ham chơi hơn học, lúc đó giấc mộng trong tôi đã hiện nguyên hình  - Phải thi đỗ Tú tài và lên đại học.-  Những giấc mơ nào cũng đẹp để mình ươm cho lớn lên hoặc để tự mình giết chết bằng những niềm thất vọng. Tôi đã có những giấc mơ mà mình cứ nghĩ là giấc mộng đẹp ngắn ngủi rồi tan nhanh, nhưng những điều đẹp và lạ lùng trong những giấc mơ ấy nay đã trở thành hiện thực trong đời tôi.

     Dạo quanh sân trường như tôi đang làm một chuyến tour ngắn, và tôi đang dạo chơi trong lục lọi của ngăn kéo ký ức. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trong một bài thơ cổ của một nữ sĩ ngày xưa, Bà Huyện Thanh Quan:

                                     “ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
                                         Nền cũ lâu đài bóng tịch dương”

     Toà nhà hai tầng cũ kỹ đầu tiên ở góc đầu sân trường cũng còn màu hồng của văn phòng hiệu trưởng, trông như mới hơn vì lớp vôi sơn hồng đậm. Nơi đây đã từng là một nơi kỳ bí của đám học sinh không học giỏi như tôi không dám đặt chân đến. Cây phượng đỏ vẫn nở hoa bên cạnh toà nhà. Từng vị chủ nhân của ngôi trường cũ đã ra đi khỏi Huế và để lại. Dãy lớp dưới lầu, nơi có đàn thiên nga áo trắng đầu đàn lớp 12A, B, C đùa vui trong giờ ra chơi trên dãy hành lang mát rượi với nền xi măng đen xanh láng bóng. Dãy lớp dưới lầu phía bên kia đối diện là thế giới của 11A, B, C.  Góc cuối sân trường, tôi vẫn nhớ là căn nhà nhỏ mái tôn của chị cai trường, khuất sau dãy lớp học ở cuối dãy hành lang dưới lầu của trường. Căn nhà dùng làm bếp, chật chội, học sinh chen chúc đụng vai nhau nhưng lại đủ sức chứa đến cả mấy trăm học sinh ra vào thưởng thức tô bánh bọc lọc luộc vội vàng cho học sinh trong giờ ra chơi để vào lớp lại cho kịp giờ. Mùi thơm của chén nước mắm trong veo và chút ớt tương cay như phảng phất đâu đây. Dãy lớp trên lầu, với chiếc cầu thang bằng gỗ nâu, rộng và láng bóng dẫn đến những lớp học thời đệ tam. Những cánh cửa sổ của lớp bên lầu này mở toang cùng những đôi mắt nháy nhó, những cánh tay múa máy nghịch ngợm của “Thứ ba học trò” vẫy chào người nam sinh láng giềng Quốc Học bên khung cửa sổ trên lầu bên kia, xuyên qua con đường “Áo trắng”. Con đường này như một giòng suối trắng nên thơ trong giờ tan trường đã là một con đường biên giới hiền hoà, không bảng cấm giữa hai thế giới tóc dài và tóc húi cua thời đó của chúng tôi. Dĩ nhiên là cũng đã có những mối tình đầu học trò thơ ngây đã trọn hay không trọn bên cạnh hai bức tường hồng.

        Nhìn quanh thật lâu thêm một vài lần, từng mảnh nắng vàng yếu dần đi những tia sáng lấp ló đầu cành phượng. Tôi cố đong thêm những xúc cảm cho tràn đầy trong tim mình. Cảm giác thân thuộc của một thứ tình hạnh ngộ đến thật gần với tôi khi tôi nhìn thấy những bức tường mới của những dãy lớp phủ lớp vôi màu hồng đậm và mới hơn xưa. Dù sao, màu hồng của toàn ngôi trường đã cho tôi lại những trọn vẹn của quá khứ, dù chỉ là lớp sơn màu bên ngoài. Tôi tự sơn cho mình một lớp sơn không màu bên trong đầy cảm xúc để sống lại trong tôi một vài khoảnh khắc thần tiên. Những khoảnh khắc của tuổi thanh xuân đang đến với tôi. Tại nơi này, một nơi từ khi tôi khoác lên thân hình một cô nữ sinh nho nhỏ vừa thoát bậc tiểu học, chiếc áo dài trắng lụng thụng của lớp đệ thất có bảng tên của chính mình trên ve áo. Đây là một thế giới riêng của tôi và của cả các bạn tôi mà tôi cho là đẹp nhất trong đời người.  Những giọt mưa giông trong suốt lóng lánh đầu cành phượng vẫn còn giọt nhỏ nhẹ trên vai tôi như ngày xưa tôi đã thích. Tôi nhớ đã nhiều lần tôi ở lại trường một mình sau khi tan lớp, tôi đã đi bộ dưới những tàng cây phượng rụng hết hoa trong sân trường sau cơn mưa chiều tháng tám... Khi ấy học sinh đã về hết, và một mình tôi đã tha hồ hứng những giọt mưa trên tay, trên tóc, trên vai...

     Cô gái trẻ chào tôi khi tôi chậm chậm bước ra khỏi cổng trường. Cô bé vẫn còn đợi ai và trên tay vẫn còn cuốn sách mở rộng.

     -Chào cô, cô về nhé.  À, mà thưa cô, cô về thăm trường có thấy khác hơn xưa không cô?

     - Có khác, nhưng đó là trường của cô thì xưa hay nay vẫn vậy, vẫn là những bức tường màu hồng trong cô.

    - Dạ, cháu chúc cô vui và khi về nhà nhớ mãi trường.

    - Cám ơn cháu.

     Chiều xuống dần. Bầu trời đã nhuộm một màu tím loang như mực. Nhìn xa qua bên kia sông, thành phố đã lên đèn. Những ánh đèn của phố phường Huế dọi sáng trên mặt nước sông Hương sẫm dần. Những ánh hoa đăng từ những chiếc đèn hoa sen của một dịp lễ lớn rạng rỡ trên mặt sông. Xa xa, chiếc cầu màu trắng huyền thoại ngày xưa, nay rực rỡ xiêm y màu sắc của chiếc cầu vồng trong đêm bắc qua con sông đen, sâu thăm thẳm. Huế của tôi đã chuyển màu tự lúc nào.

       Đêm lại về, hạnh phúc trong tôi lại thêm một lần ra đi như chiếc đò con bên sông thản nhiên rời bến. Tôi vẫy tay chào giã từ ngôi trường cũ – Mái nhà của những thế hệ - . Tôi cúi đầu chào 18Cvhprh4những bức tường thành cao màu hồng của trường - Thành trì của trí tuệ - . Tôi mỉm cười chào những lớp học có vách tường vôi màu hồng bao bọc – Cái nôi của văn hóa - . Tất cả đã được khoác lên những hành trang cho những thế hệ đàn con tiếp nối với những ngày tháng thanh xuân lộng kiếng màu hồng, với những ước mơ trong veo trải dài trong lớp học. Một mai, đời nữ sinh sẽ bỏ lại đàng sau những bức tường gạch sơn hồng một ngôi trường kỷ niệm và những giây phút thần tiên của một thuở học trò.

      Ngày tháng xuân thì đã đi qua, ước mơ dù thành hay không thành, thời gian cứ như mũi tên bay. Nhưng màu hồng của trường xưa vẫn còn đó, để cuộc đời học sinh chúng ta vẫn còn đi qua những bức tường hồng như những đám mây hồng trôi trên giòng đời.

     Nếu đời người chúng ta được đãi ngộ mãi trong một bầu trời xanh có khung cửa sổ của lớp học và một màu hồng của những bức tường hồng trong nắng nhỉ...!!!

     Phoenix, AZ

   10/2015

Võ Hương Phố

  

   18Cvhprh5

  

   

*** Người mẫu:

Tôn Nữ thị Chất. 12A1 ĐK, 1971. ĐHLK Huế và Kinh tế Tài Chánh SG, 1977 và Nguyễn thị Duyên Sanh. 12C1 ĐK, 1971. ĐHSP Huế, 1975.

*** Sông Hương Giang, Huế, đêm lễ Phật Đản 2014.