"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Kể Chuyện Đời Mình

    Tuổi cũng đã khá cao, thành ra hay lẩn thẩn, nghĩ ngợi chuyện mình chuyện đời. Nghĩ ngược xuôi hết cả chuyện Đông Tây mà chưa mệt. Lại thêm cái thói hay lo chuyện hão (họ bảo: lo bò trắng răng!), mà cứ như lão già lẩm cẩm, hay cà kê dê ngỗng chuyện dông dài.

    Hôm nay, xin kể cho bạn bè nghe mẩu chuyện nhỏ, chắc chẳng dính dáng gì đến ai, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ... hòa bình thế giới.

   Tôi vào đời khá sớm, mười tám tuổi. Va chạm ngay từ đầu với đủ dạng người: Khôn dại, nông trí, văn võ...Với mớ hành trang thời trung học, không nhiều nhưng khá chắt lọc. Vốn là một trường đạo, có một dàn thầy cô chọn lọc và một lối giáo dục nặng về nhân văn, trước văn hóa.

   Phương pháp học cũng rất thoáng, khơi gợi suy tư, dạy học sinh nhiều sáng tạo trong cách nghĩ, cách hành động. Hoàn cảnh đời bắt tôi phải vừa mưu sinh vừa học, cũng nhờ phương pháp học ở trường trước đây. Không ngờ đó là con đường tôi đi cả đời, mà cũng nhờ vậy mà hình thành một 'lão gàn' khác đời, khác người.

    Bây giờ, gần sáu mươi, nghĩ lại, không có gì ân hận, chỉ có sự không hài lòng đây đó, tất nhiên. Lập thân sớm có con cũng sớm, ắt là vất vả cũng sớm! Cứ cắm đầu cắm cổ lao vào công việc để kiếm cơm, tuy vậy vẫn có hoạt động văn nghệ, cả hoạt động xã hội nữa. Hồi đó lập hẳn một đội văn nghệ nhé! Tổ chức cả 'đại nhạc hội' (kiểu nói hồi đó) nữa, thuê cả ca sĩ từ thành phố về hát nữa. Vui và tự hào lắm. Nhưng chén cơm manh áo quả là phải 'trần ai khoai củ' mới nên thân. Làm đủ nghề: làm rẫy chán, quay ra đi thầu khai thác nông sản, nuôi ong mật, sau còn lao cả vào nghề xây dựng, leo từ anh thợ lên xếp. Nhiều khi không thở được nữa, chỉ nghĩ cho gia đình một cuộc sống ổn định. Cuối đời cũng chẳng được như ý, may còn một nhà đầm ấm, con cái nên người. Thế coi lại mà tốt hơn. Kinh tế thì có bao giờ đủ, con cháu có tài có nghề ắt có cái mà sống, đúng không? Cái cần nhất là cái nhân văn, cái đạo đức làm nền tảng cho cả đời mình, tôi cứ luôn nhắc mình, nhắc con cái như thế, Mà như thế thì đời họ cho mình là gàn rồi!

    Bạn hỏi tôi, như thế thì tôi kể chuyện gì cho bạn nghe đây? Thì đó, chuyện cái 'lão gàn' đấy! Cũng có nhiều kỷ niệm đẹp, lưu lại suốt đời mình được. Giúp đời giúp người cũng nhiều, thành công cũng nhiều, cả cay đắng thất bại cũng đầy. Khi mình ra tay 'nghĩa hiệp' là xuất phát từ cái tâm trong sáng, đâu kể gì lợi lộc hay danh giá. Cứ mong đạt tâm thỏa chí, cao cả thế?! Mà thỏa mà đạt thật, có vậy mới có nghị lực và sức mạnh mà sống ở đời chứ! Có khi gặp phản bội, bị xuyên tạc. Cay đắng nghĩ: bạn đểu, tình lừa, tôi tớ phản! Nhưng lúc nào đó, gặp dịp lại ra tay nghĩa hiệp' tiếp! Thế mới gàn!

    Nghĩ lại, ở đời con người ta vốn rất cần nhau, vì ngay cả những kẻ trốn đời cũng vẫn không thoát ra khỏi môi trường sống ( đầy người cả), hay những tương giao xã hội ( tức là quan hệ người với người ). Cái quan trọng là bây giờ người ta thực dụng quá, lãnh đạm với nhau quá. Mang tấm lòng nhân ái, mong cho cõi đời này tràn đầy tình thân ái, biết nghĩ cho nhau, biết vì nhau mà sống... Thấy cứ như mình đang hoang tưởng!

    Thời đại bây giờ, ai cũng lo cho thân mình, có khi trở nên ích kỷ, có khi dửng dưng đến tàn nhẫn nữa. Nghĩ lại có hai vấn đề: Giáo dục và tâm lý chung của xã hội. Giáo dục, có một thời chúng tôi được dạy cho biết tình người với nhau, ngay cả văn chương nghệ thuật cũng phải đặt vấn đề 'vị nhân sinh hay vị nghệ thuật'. Mà thường quan niệm vị nhân sinh vẫn chiếm ưu thế hơn, bởi vậy thế hệ chúng tôi hay nghĩ đếnchuyện đời, nói cho cường điệu là 'ưu thời mẫn thế'! Thời bây giờ, thí dụ như cháu tôi, 6 tuổi, vào lớp một. Trẻ vào trường thấy bạn mình cầm tờ bạc năm trăm ngàn ( 25 USD) đi học: Đã có phân biệt giàu nghèo! Từ đó nảy sinh đủ thứ chuyện: tiêu hoang, trịch thượng, thèm muốn, trấn lột...( Ngay tù đầu đời học sinh, ghê chưa?!) Lớn lên, trẻ được học biết: con người bởi khỉ mà ra. Dạy một giả thuyết khoa học là bình thường và cần thiết, nhưng dạy để làm gì, ( lại còn cố dạy như giáo điều!) khi trẻ biết rằng: con người cũng là một con thú, cha mẹ nó cũng vậy, chết là hết. Bởi vậy mới có chuyên 'bạo hành ngược': Vợ bạo hành chồng, con cái bạo hành cha mẹ... Đó: Hành hạ cha mẹ về tinh thần, đòi hỏi vật chất, liều thân lao vào bao hiểm họa... Cha mẹ có khi chết sững vì biết con mình sa vào tệ nạn. Không thì cũng 'chết dở' vì những đòi hỏi của các ông bà trời con. Có đạo lý nào ràng buộc chúng đâu! Con mắt thanh thiếu niên đã thấy cả vạn tấm gương xấu xa của xã hội, còn mọi điều kiện thuận lợi cho cái xấu, cái ác đâm chồi,nảy nở... Sợ quá! Cái tâm lý chung của xã hội cũng có khối vấn đề. Người giàu cứ thỏa sức xài sang, khoe của, rồi bằng mọi cách làm cho tiền đẻ ra tiền, chẳng cần đạo lý nào hết. Cứ sống đi cho sướng, chết là hết, không lo chi chuyện xa vời. Người nghèo cay đắng tủi nhục thân phận mình, tất yếu tìm cách thoát nghèo, bằng mọi giá. Nghèo giàu gì thì cũng không cần đạo lý, 'Người là thú dữ của người', danh ngôn đấy...

   Bây giờ thì tôi cũng thấy mình gàn thật, Lo chi cái chuyện đời?! Nhưngcũng không phải tất cả là màu đen. Như bạn, như tôi, như bao người tốt khắp nơi nơi... Biết vậy, vẫn lo âu. Gàn mà! Đọc báo nghe đài mà xót cả ruột, nhức cả óc. Có phải mình cả lo hay không, có yếm thế quákhông? Tin vào điều thiện, và cầu mong cho cái ác mất dần, chỉ thế thôi. Việc đời cao rộng lắm, chẳng đến phần cái lão gàn này lo, phải không?!

   Tôi vẫn nghĩ về CÁI THIỆN, cái căn cội của con người mà tin rằng có lúc loài người sẽ phản tỉnh, "vật cùng tắc biến, biến tắc thông" mà! Mong sao được thấy cái lúc điều thiện hiển thị trên khắp cuộc đời này, không biết đẹp đến thế nào nhỉ?! Có lẽ không khó đâu, tục ngữ Trung Hoa nói: "Ma cao một tấc, đạo cao một trượng" cơ mà! Tôi tin cái THIỆN sẽ cứu thế giới đấy, bạn ạ!

Kiền Đức