Nhân đọc bài báo về Bill Gates:

Vấn đề đa văn hóa

 

da van hoa 1 

  

Bill Gates, một trong những người giàu nhất, nổi tiếng nhất và có thể là rộng lượng nhất thế giới, đến gặp nữ tổng thống Korea vào tháng tư năm nay (2013). Nhà tỷ phú 57 tuổi được bà nữ tổng thống 61 tuổi tiếp đón tay bắt mặt mừng . Nhưng lúc bắt tay, Bill Gates lại đưa ra tay phải, tay trái còn trong túi, áo veste thì để hở không gài nút . Một số dư luận Nam Hàn cho rằng như thế, không biết vô tình hay cố ý, ông nhà giàu người Mỹ đã thất lễ với nguyên thủ quốc gia của họ.
 

Ngày ở Việt Nam, có thể chúng ta có lẽ cũng từng để ý những hoàn cảnh tương tự:người giáo sư Mỹ ngồi nói chuyện để chân trên bàn, lính Mỹ đi ồn ào ngoài đường phố, báo chí Mỹ gọi trổng các nhà lãnh đạo Việt nam bằng tên cúng cơm như "Diệm","Thiệu", "Kỳ", nếu dùng trong ngữ cảnh tiếng Việt thì rất "hổn", mặc dù người Mỹ theo lối nói thông thường trong báo chí của họ , vd nói trổng "Nixon, Kennedy, Bush"...((nhưng đây là họ của các nhân vật này, không phải "tên cúng cơm")

 

da van hoa 2

 

 

Ngược lại, con cháu chúng ta lớn lên ở Mỹ được Mỹ hoá có thể cũng bực mình về một số thái độ của chúng ta: nói năng ấp úng, ăn nhai không ngậm miệng, gọi nhau ơi ới, ồn ào nơi tiệm ăn, dùng tăm xỉa răng, xả rác nơi công cọng..
 

Tuy nhiên, tuy bản thân chúng ta cần cố gắng hội nhập lúc cần thiết, câu chuyện Bill Gates sơ sót trên đây cũng nhắc chúng ta bổn phận phải dạy dỗ con cái Mỹ của chúng ta cách sống với thế giới "phẳng" hiện nay, và tôn trọng tập tục, lễ nghi của những nền văn hoá khác, trong đó có nền văn hoá Việt của cha mẹ chúng.

 

da van hoa 3

 

 

 

Nhân dịp này tôi xin đăng lại một bài bàn về đề tài song văn hoá, tuy viết trên mười năm trước đây nhưng theo tôi nghĩ, đây vẫn còn là những vấn đề chúng ta cần suy gẩm. 
 

BS Hồ Văn Hiền 

Ngày 24 tháng 4 năm 2013 

 

Về vấn đề song văn hóa (biculturalism)

 

Những người cha mẹ Việt nam ở Mỹ lắm khi đứng trước một vấn đề nan giải: nên dạy dỗ khuyến khích cho con cái biết tiếng Việt cùng những phong tục tập quán của Việt nam hay để cho chúng hoàn toàn dùng tiếng Mỹ trong và ngoài gia đình và hoàn toàn sống theo lối Mỹ.
 

Trong mấy năm gần đây báo chí Việt ngữ tại hải ngoại cũng bàn cải nhiều về sự chọn lựa này , nhất là về khía cạnh văn hóa, qua những đề tài định nghĩa thế nào là văn hóa Việt, thế nào là "Việt tính", thế nào là về nguồn, .... Cuộc đối thoại sôi nổi, lắm khi gay gắt. Màu sắc chính trị của vấn đề càng làm cho người cha mẹ đang đi tìm một đường hướng thích hợp cho con cái mình cảm thấy mệt mõi, lạc hướng, đôi khi còn có thể cảm thấy chán nản, muốn buông xuôi, thà để con cái mình "nó thành Mỹ luôn, đỡ nhức đầu, mai mốt lớn lên tự nó sẽ tính".
 

Tuy nhiên dù muốn trốn tránh chúng ta cũng không thể trì hoãn vấn đề được, ít lắm là trong lãnh vực thực tiển của đời sống hàng ngày trong gia đình và trong nhu cầu giáo dục của các em. 

 

Chúng ta nên dùng tiếng Mỹ hay tiếng Việt để nói chuyện trong gia đình?

Ða số chúng ta chưa đủ khả năng dùng tiếng Mỹ trong mọi lãnh vực của đời sống gia đình, dù chúng ta có thể có vững kiến thức tiếng Mỹ trong đời sống nghề nghiệp. Do đó dùng tiếng Mỹ trong liên hệ cha con, mẹ con sẽ làm nghèo nàn, biến dạng một cách ngoài ý muốn những mối liên hệ đó. Có thể thế hệ kế tiếp sẽ dùng được tiếng Mỹ để giáo dục con cái chúng, nhưng đối với phần đông chúng ta thì không.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn để lại cho con một di sản tinh thần nào đó. Tuy nhiên theo thiển ý, văn hóa Việt nam chưa đến lúc có thể được truyền đạt một cách trung thực và thỏa đáng bằng tiếng Mỹ. Có thể phải mất chừng vài chục năm nữa mới có những hệ thống danh từ, những tự điển, sách vở tiếng Mỹ đi sâu vào văn hóa Việt nam, ngoài phạm vi khảo cứu trong các trường đại học nhưng cao hơn trình độ các sách hướng dẫn về du lịch. Ví dụ, ta có thể không cần biết tiếng Pháp mà vẫn hiểu được văn hóa Pháp nhờ số lượng lớn học giả người Mỹ và Anh và sách vở tiếng Mỹ (tiếng Anh) bàn về nước Pháp. Hoặc ta có thể tìm hiểu văn hoá Trung quốc bằng cách chỉ đọc sách tiếng Việt vì biết bao học giả Việt nam đã viết và dịch về Trung quốc. Nói một cách khác, người Mỹ chỉ mới để ý nhiều hơn đến văn hóa Việt nam gần đây thôi sau khi chiến cuộc chấm dứt và họ được tiếp xúc nhiều hơn với người Việt ngoài khuôn khổ của cuộc chiến. Có lẽ cho đến nay, một phần do quan trọng giới hạn của Việt nam trên thế giới hiện nay về ảnh hưởng kinh tế và văn hóa, họ cũng chưa hiểu văn hóa chúng ta mấy, so với kiến thức của người Pháp đã xây dựng về Việt nam trên cả trăm năm.

Cho nên, nếu ta chỉ trông cậy vào sách vở tiếng Mỹ (tiếng Anh), ta có thể làm con cái hiểu lệch lạc về văn hoá của chính chúng ta, có thể đưa đến những phê phán không công bằng đối với chính tổ tiên, nguồn gốc của chúng ta. Chính một số nhân vật quan trọng của Mỹ trong chiến tranh Việt nam nhìn lại cũng công nhận họ thất bại vì họ đã không hiểu người Việt nam và lịch sử Việt nam thì chúng ta phải nên cẩn thận. Do đó, đứa trẻ cần biết tiếng Việt để tham gia trực tiếp vào đời sống tinh thần, trí thức cũng như tâm linh, của gia đình, để thực sự sống một phần nào những giá trị tinh thần truyền thống của chúng ta. Ðể rồi, hy vọng lúc trưởng thành chúng có thể một cách chân thành và công bằng đối với chúng ta, xây dựng những giá trị tinh thần của riêng thế hệ chúng. Những giá trị này cần phù hợp với những điều kiện sống của xã hội mới của chúng, xã hội tương lai mà dù sáng suốt đến đâu chúng ta hiện nay cũng không thể tiên liệu được trong thế giới đang thay đổi và đang toàn cầu hóa (globalization) rất nhanh .

 

Chúng ta dùng tiếng Mỹ để con cái hộI nhập thẳng vào ‘’culture’’ Mỹ , có giản dị hơn không?

Dù chúng ta có muốn con chúng ta hoàn toàn nhập vào cái gọi là nếp sống Mỹ, chúng ta vẫn chưa thoát được vấn đề. Vì trả lời câu hỏi "Thế nào là văn hoá Việt, thế nào là ''về nguồn ''" đã rất khó thì trả lời câu hỏi: "Thế nào là ''nếp sống Mỹ'', ''văn hoá Mỹ'' " lại càng khó hơn.

Nước Mỹ là một xã hộI đa dạng, do nhiều văn hoá khác nhau tạo nên. Những gì bề ngoài có vẻ tiêu biểu cho xã hội này, dễ cảm nhận, có vẻ thu hút mạnh đốI vớI người mớI đến chưa chắc đã là những mặt tốt nhất, đáng thu nhận nhất của nến văn hóa xứ này.

Vậy đối với ngườI mớI di cư, dạy con theo lối Mỹ có thể chỉ là thả cho nó chơi với bạn hàng xóm mà không biết chúng làm gì lúc mình vắng mặt, và nên nhớ, trên dưới nửa thanh thiếu niên Mỹ trung bình đã xài qua một thứ ''drug'' nào đó (chin mươi phần trăm học sinh lớp 12 đã từng uống rượu và trên 50% đã từng hút cần sa). Hoặc cho chúng ăn fast food, chips, pizza, hamburger suốt ngày khỏi nấu nướng chi cho hôi nhà, và mất thì giờ. Hoặc cho chúng gọi cha mẹ bằng first name cho thân mật, khỏi nhức đàu về phân biệt chú bác, cô cậu rất lôi thôi. Khỏi phải dạ, vâng , cứ "ừ hứ" là thích hợp mọi hoàn cảnh. Hoặc đợi chúng đủ 18 tuổi thì đi ra khỏi nhà, muốn làm gì thì làm.

Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, chính người Mỹ nhiều khi lại chẳng muốn loại con cái như vậy và càng ngày họ càng ý thức nhu cầu phải đảo ngược lại thái độ buông thả của nền giáo dục hiện nay. Dạy con theo lối Mỹ cũng có thể là dành thì giờ quí giá để dạy dỗ con cái và tạo mối liên hệ vô giá giữa cha con mẹ con thay vì chỉ đi kiếm tiền mang về nhà ăn xài, tạo một không khí thoải mái, ''dân chủ'' trong gia đình, không có kiểu chồng chúa vợ tôi, trọng nam khinh nữ. Dạy theo lốI Mỹ cũng có thể là giúp cho chúng có một ý thức lành mạnh về giá trị của mỗI con ngườI và mỗI nhóm ngườI, là hãnh diện về cộI ngừôn của mỗI dân tộc đồng thờI kính trọng nguồn gốc và không kỳ thị các dân tộc khác, là có cái nhìn “tứ hảI giai huynh đệ”, không bị gò bó trong cái ‘’ao nhà’’ hạn hẹp của mình, là sống thoảI mái và trách nhiệm trong thế giớI đạI đồng của thờI đạI toàn cầu hoá.

Trong một bài trong báo Mỹ bàn về lễ phép của trẻ em, đến 80% cha mẹ Mỹ hiện nay than phiền là trẻ Mỹ thiếu giáo dục về phép tắc, lịch sự (manners, etiquette) và họ thấy cần phục hồi lại những khía cạnh giáo dục này. Số đông cha mẹ muốn con mình bỏ thói nói tục, chửi thề, biết thưa gởi (biết gọi người ngang hàng với cha mẹ là"Mr" hay "Mrs", nếu không muốn dùng " Sir" hoặc "Ma'am" hơi xưa), biết nói"làm ơn", "cảm ơn" ("Please" hay "thank you"), những chữ mà đứa trẻ Mỹ trung bình ngày nay không muốn dùng vì ít ai dạy.

Trong một bài báo mơi đây đăng trong báo Washington Post, một số người "executive" triệu phú trẻ tuổi Mỹ đã thành công sớm nhờ làm ăn trong lãnh vực điện toán (dotcom millionaires) đã phải ghi tên đi học những lớp dạy về xã giao (etiquette) vì nay họ đã có địa vị quan trọng rồi, không được "cà chớn, lóc chóc" như trước nữa. Vậy thì con cái chúng ta, ngoài nhu cầu nắm vững phép lịch sự của xã hội Mỹ, suốt đời chúng, chúng còn phải giao thiệp vơi người đồng chủng, đồng bào, chúng có thể nào hiểu được phép lịch sự, nghi lễ của người Việt nam mà không cần biết đến văn hoá hay tiếng nói của cha mẹ chúng không?

Chiếc xe Lexus và cây olive: luỹ tre xanh trong thời đại toàn cầu hóa.

Một cuốn sách bán rất chạy gần đây của Thomas L. Friedman tựa đề: "The Lexus and the Olive Tree" một phần nào liên hệ tới hoàn cảnh song văn hóa của chúng ta ngày nay. Chiếc xe Lexus là chiếc xe được Nhật sản xuất bằng những kỹ thuật hiện đại nhất (người máy hoàn thành quá trình sản xuất cực nhanh, không sơ hở, xe bán khắp thế giới) là biểu tượng cho khoa học kỹ thuật mũi nhọn, cho kinh tế toàn cầu hóa, vượt mọi biên giới quốc gia, mọi phân ranh văn hóa. Trên thực tế, tuy do một công ty Nhật sản xuất, chiếc Lexus là hiện thân cho hiện tượng toàn cầu hoá (globalization), là nếp sống Mỹ hoá được toàn thế giới mơ uớc, mà cũng bị nhiều nơi kết án. Ðối nghịch với chiếc Lexus là cây olive đơn sơ, như cây tre đầu làng, như lũy tre xanh, như mái đình rêu phong của chúng ta. Tuy cây olive và miếng đất cằn cổi chẳng có giá trị kinh tế gì mấy so với chiếc xe Lexus, hàng triệu người trên thế giới vẫn muốn đổ máu để dành nhau, để bảo vệ từng tất đất dưới gốc cây đó. Cây olive là biểu tượng của những dây vô hình trói buộc hoặc kêu gọi con người về những gì mà ta thường cho là thiêng liêng để mình có thể hy sinh mạng sống, tiếc thay gây bao cuộc đổ máu nhưng cũng đem cho bao người một lý do để tự hào, để phấn đấu và để sống.

Cho nên đói với thế hệ con cái chúng ta, chúng chắc chắn sẽ sống với xã hội khoa học kỹ thuật và tòan cầu hóa của chiếc Lexus, của nếp sống Mỹ; câu hỏi của chúng ta là có nên cố gắng đem cái cây olive ( cái lũy tre xanh, mái đình cong của Việt nam) vào cuộc đời của chúng hay không?

Vậy chúng ta có muốn con cái chúng ta thành những ngườI Mỹ vô hình, "vô thưởng vô phạt" trong cái biển người đa chủng của thế giới toàn cầu hóa và đồng điệu trong thế kỷ 21 này không? Hoặc chúng ta cần phải đợi xem các học giả quyết định xem thế nào là văn hóa thực sự Việt nam, thế nào là "Việt tính" rồi mới cho con cái chúng ta hiểu ít nhiều về cội nguồn văn hoá của mình? Trong một cuốn phim Mỹ gần đây, để gạt qua một bên nguồn gốc chủng tộc của mình và đề cao vai trò của cha mẹ nuôi da trắng nuôi nấng mình từ nhỏ, một người con nuôi gốc Á châu nói: “Sinh học không có nghĩa gì cả, nuôi nấng mới là tất cả”; ý nói kẻ sinh thành ra mình không bắt buộc sẽ xứng đáng được gọi là cha mẹ thật sự, trái lại kẻ nuôi , dưỡng dục cho mình khôn lớn mới là cha mẹ đúng nghĩa của nó. Có lẽ đốI vớI thế hệ phụ huynh chúng ta, vai trò của chúng ta phảI vừa sinh vừa dưỡng. Chân lý của vấn đề có lẽ nằm ở một thái độ dung hòa: những "hậu duệ" (progeny) của chúng ta do máu huyết (sinh học) phải đồng thời là những hậu duệ chúng ta ---không ít thì nhiều- do giáo dục, do truyền thống văn hóa phong tục và lịch sử. Như vậy mớI xứng công chúng ta vượt gian nguy ngàn dặm đến đất nước này để xây dựng một cuộc sống văn minh và tự do theo ý nguyện của chúng ta.

 

BS Hồ Văn Hiền
ngày 8 tháng 2 năm 2001