Thế Nào Là Một Bài Thơ Hay

Trước hết người viết rất tâm đắc với những nhận xét của 3 tác giả Mai Phạm, Nguyễn Thị Thanh Dương và Bút Xuân Trần Đình Ngọc nhân khi bàn về đề tài “Làm Thế Nào là Một bài Thơ Hay”.
Nhân dịp này, người viết xin đóng góp một vài ý kiến thô thiển về vấn đề này. Mặc dù một bài thơ hay đôi khi một phần do hoàn cảnh khách quan cũng như chủ quan, do cảm tính, trực giác của người nhận.
Tuy nhiên thiết tưởng một bài thơ gọi là hay khi nó hội đủ những yếu tố cần thiết. Một bài thơ hay vì nó đạt tiêu chuẩn về ý cũng như về lời. Phải đẹp ý và đẹp lời.
Ý đẹp là ý phải phản ánh đúng tâm trạng của người đọc. Đánh động được tâm tư tình cảm của người thưởng ngoạn. Lời hay là lời phải diễn đạt được ý.
Ý hay là vì đã thể hiện trung thực những cảm xúc đời thường.
Ý hay là vì lạ, và phù hợp với tâm sinh lý của người đọc. Có sự đồng điệu và đồng mẫu số chung về nội tâm giữa tác giả và người cảm nhận.
Có thể xử dụng nhiều loại bút pháp hay ngôn ngữ thích hợp để diễn tả ý.
Cách tốt nhất là dung hoà trong việc sử dụng những ngôn từ để diễn đạt được hết ý nghĩ sâu kín của mình.
Lời hay là lời phải dễ tiếp nhận. Không quá cầu kỳ. Tuy nhiên cũng đừng quá giản dị cũng như cũng không nên sáo quá.
Lời phải tượng thanh, tượng hình. Ta nghe tiếng nói của mùa thu khi đọc bài thơ “Tiếng Thu” của Lưu Trong Lư: “Em nghe chăng mùa thu. Dưới trăng mờ thổn thức. Em không nghe rạo rực, hình ảnh người chinh phu trong lòng người cô phụ
Lời phải tạo được những xúc động mạnh cũng như gây nhiều ấn tượng sâu sắc. Đừng quá gò bó hay khuôn sáo trong khi diễn đạt. Không cần phải xử dụng nhiều ngôn từ khó hiểu, chỉ có thể tiếp thu bằng cảm nhận mặc dù trong một chừng mực nào đó cũng cũng có những giá trị nhất định.
Một bài thơ hay nói chung phải thể hiện được cái “hồn” của nó.
Mỗi bài thơ đều có một số phận riêng. Đồng thời nó cũng cần qua một quá trình gạn lọc cũng như sự thử thách của thời gian. Hồ Dzếnh khi sáng tác bài thơ “Chiều” và Lưu Trọng Lư khi viết bài thơ “Tiếng Thu” chắc cũng không nghĩ rằng thơ mình sẽ hay và sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt như vậy?
Ngoài ra, nhìn từ góc độ của người đã có nhiều dịp nghiên cứu phê bình thơ của nhiều thi sĩ, người viết nhận ra thêm một điều là thơ sẽ hay hơn, thâm trầm, sâu lắng hơn cũng như sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi được những “bàn tay phù thủy âm nhạc” tô nét. Dương Thiệu Tước với bài thơ “Chiều“ của Hồ Dzếnh; Trần Trịnh với bài thơ “Lệ Đá” của Hà Huyền Chi; Phạm Đình Chương với “Đêm Màu Hồng” của Thanh Tâm Tuyền; và “Người Đi Qua Đời Tôi" của Trần Dạ Từ. Song Ngọc với “Tiễn Đưa”; Ngô Thụy Miên với “Áo Lụa Hà Đông”; Cung Tiến với “Lệ Đá Xanh” của Nguyên Sa. Phạm Duy với “Ngậm Ngùi” của Huy Cận, “Tiễn Em” của Cung Trầm Tưởng hay “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư. Võ Đức Thu với ca khúc phổ từ bài thơ “Tống Biệt” của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Từ Công Phụng với bài thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” của Du Tử Lê…
Lại nữa, một bài thơ sẽ đậm hương vị, sắc màu hơn khi nó được chuyển tải bằng những giọng ngâm nổi tiếng như Hồ Điệp, Hồng Vân. Hoàng Oanh, Hoạn Thư, Hoàng Yên Linh, Bảo Cường… …
Một bài thơ hay còn được đón nhận khi nó được xem như một bức phá của một phong trào thơ mới. Từ một "Cảm Thu - Tiễn Thu” của Tản Đà ( 1920). Rồi đến phong trào thơ ca thuộc trường phái lãng mạn, tiến chiến... như thơ của TTKH; Hoàng Cầm, Quang Dũng… Hay như một làn gió mới, đánh dấu một bước phát triển trong phong trào thơ tự do trong văn học Việt Nam vào hạ bán thế kỷ 19 với “Paris Có Gì lạ Không Em”; “Tháng Sáu Trời Mưa” của Nguyên Sa; “Bài Ngợi Ca Tình Yêu “; “Bài Thơ Tháng Giêng” của Thanh Tâm Tuyền…

Trên đây chỉ là những đóng góp với khả năng hạn hẹp. Rất mong được đón nhận nhiều góp ý súc tích và có giá trị hơn của các bậc thức giả để hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những áng văn thơ hay làm phong phú kho tàng thi ca Việt Nam nói chung cũng như ở hải ngoại nói riêng. Mong lắm thay!

Uyên Nguyên
San Diego Vào Hạ 2013