"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

 Thơ Bắt Đầu Bằng Cảm Khoái Và Chấm Dứt Bằng Thông Thái (*)

 

Trong này, sân khấu mở màn.

Thơ sắp hàng trình diễn.

Có thơ nhảy múa. Có thơ hát xiệc. Có thơ đơn ca. Có thơ làm hề. Có thơ kể lể. Có thơ đọc kinh.

Những bài thơ biểu diễn chờ tiếng vỗ tay, chờ người ủng hộ, chờ ân sủng.

Đèn màu tạm thời; son phấn tạm bợ; y phục cải trang; thế giới sân khấu ảo tưởng như mạng lưới ảo hình.

Trùm làng là bài thơ MC.

Bài thơ than thở tự 1945, vẫn tiếp tục thảm thiết, dù đời sống bình thường.

Bài thơ lãng mạn tự thuở 18, vẫn tiếp tục ngây thơ yêu tuổi 80.

Bài thơ chữ nghĩa lộng lẫy, vẫn tiếp tục lấp lánh, dù không ánh sáng.

Bài thơ MC tuyển bài thơ trình diện, tuyển thí sinh, tuyển nhân công vào xưởng chế thi ca. Lớp lớp người xin việc. Quen biết, cười tình, xã giao...sắp hàng đầu.

Bài thơ MC giới thiệu bài thơ được chiếu đèn màu, đã tự selfie, lên ngôi minh tinh, tài tử.

Thơ bước ra sân khấu như Kim Cương khóc rồi bước vô.

Thơ hát ngoài sân khấu như Tuấn Ngọc hát xong, thay đồ, đi ăn tối.

Khi màn đóng, đèn tắt, khán giả ra về, thơ mất tích. Không biết đi về đâu?

Nhưng

Ngoài kia, công viên vắng thiu, có bài thơ tìm kiếm, giang tay bới móc, tận trời cao đất rộng.

Ngoài kia, góc nhà lặng lẽ, có bài thơ nghiền ngẫm bản thân, càng sâu càng bao la.

Ngoài kia, bước chân lang thang, có bài thơ trầm uất, cứu vớt tâm tư bằng tưởng tượng.

Ngoài kia, thư viện mênh mông, có bài thơ thao thức, bốc từng mớ chữ trên kệ, vò lại, tròn như địa cầu.

Ngoài kia, không gian vô tận, có bài thơ bay,  không ai thấy, rồi đậu xuống ngày mai, một ngày mai không ai biết.

Trong này, khi đóng màn, tắt đèn, những bài thơ sắp hàng, mỗi bài thơ cầm mỗi ngọn nến, đi vào nghĩa địa.

Ngu Yên

Ghi: (*) Robert Frost.