"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Ngôi Nhà Mới

Hai anh Mễ to khoẻ, lực lưỡng, mang tất cả đồ đạc vào nhà. Họ kê cho bộ bàn ghế, giường tủ, rồi lãnh tiền công và ra về. Còn lại một đống những thùng lớn, thùng nhỏ, hai vợ chồng phải mở ra sắp xếp lại suốt từ buổi trưa đến buổi chiều mới gọi là tạm xong, vì chị biết là sẽ còn nhiều món đồ đạc lạc chỗ, dần dần khi cuộc sống tại căn nhà mới này bắt đầu thì mọi đồ dùng mới đâu vào đó. Công việc moving vất vả quá, dù anh chị đã vứt bỏ khá nhiều đồ lặt vặt và thuê người làm hầu hết.
Tưởng sẽ được ngả lưng nằm lên giường một lúc cho đỡ mệt, thì đến lượt hai đứa con:
- Mẹ ơi, con đói!
- Mẹ ơi, con muốn uống sữa!
- Để cho mẹ nằm nghỉ một tí được không?
Tabi vùng vằng:
- Không! con muốn ăn ngay bây giờ…
- Con cũng muốn uống sữa ngay bây giờ. Betsy bắt chước chị, nhõng nhẽo và vùng vằng.
Bây giờ chị mới biết là mình cũng đang đói.Tủ lạnh không còn gì bên trong để dễ dàng moving. Buổi sáng, cả nhà chỉ ăn qua loa, định dọn nhà xong thì chiều đi nhà hàng ăn cho thảnh thơi, bây giờ vợ chồng chị mệt quá rồi, không còn hào hứng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Anh ý kiến:
- Em nấu mấy tô mì gói ăn đỡ đi.
- Nhưng em không biết hiện giờ thùng mì gói nằm nơi đâu? Để em order pizza cho nhanh.
Chị ngồi dậy, thì cùng lúc chuông cửa reo. Tabi mừng rỡ:
- Họ mang pizza đến hả mẹ?
- Mẹ đã gọi phone đâu mà có pizza!
Con bé Tabi cụt hứng, nhìn mẹ nó đầu bù tóc rối đang lê bước ra mở cửa. Chị ngạc nhiên khi thấy một bà Mỹ ăn mặc lịch sự, tay ôm bó hoa tươi thắm và miệng bà cũng cười tươi như hoa:
- Welcome gia đình chị đã đến đây. Tôi là Rita, hàng xóm của chị ở căn nhà đối diện bên kia đường. - Cám ơn bà!
Chị bối rối đỡ bó hoa, vì lần đầu tiên ra mắt hàng xóm trong tư thế không chuẩn bị, chắc chắn chị bơ phờ, nhếch nhác, tóc chưa kịp chải, áo quần chưa kịp chỉnh tề. Mà tại sao bà hàng xóm nhanh nhẩu đến thế chứ? Người ta mới dọn nhà đến buổi sáng, chiều đã welcome rồi. Ngày dài tháng rộng, chị vẫn còn đây, chứ có biến đi mất đâu mà phải vội vàng?
Bà Rita chưa chịu về cho, còn tiếp tục bày tỏ sự thân thiện khi nhìn thấy Tabi và Betsy đang đứng xớ rớ bên cạnh mẹ nó, bà tự giới thiệu:
- Gia đình tôi có 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con, chắc cùng lứa tuổi hai con chị. Hi vọng các cháu sẽ là bạn thân với nhau.
- Vâng, tôi cũng mong muốn thế. Chị đáp cho xong chuyện.
Bà Rita chào ra về, chị ôm bó hoa, ngẩn ngơ suy nghĩ cái bình cắm hoa đang thất lạc nơi đâu? Đang lúc bụng đói này, giá mà bà ấy mang đến ổ pizza thì hợp lý hơn.
Chị giải quyết mau lẹ, mang bó hoa vào trong bếp, để trong một chậu nước cho tươi rồi mai tính. Hoa tươi, hoa đẹp cũng chẳng làm chị vui khi đang mệt rã rời và bụng thì đói quay đói quắt.
Nhưng chị chưa kịp cầm phone để order pizza thì chuông cửa lại reo. Hay bà Rita lại dẫn cả chồng con sang giới thiệu cho đủ hộ khẩu nhà bà ?
Cánh cửa bất đắc dĩ mở ra, không phải bà Rita, mà là một bà Mỹ lạ hoắc khác, trên tay bà bưng một đĩa to đầy bánh cookie thơm phức, chắc là mới vừa làm xong:
- Chào chị! Tôi là Cindy, rất hân hạnh được là hàng xóm của gia đình chị. Chúng tôi ở căn nhà bên cạnh, phía bên trái.
Chị đỡ lấy món quà của bà hàng xóm thứ hai, và như một cái máy chị nói:
- Cám ơn bà đã cho bánh cookie.
- Ôi! Hai đứa bé gái của chị mới dễ thương làm sao! Chúng như hai thiên thần hiện ra trong mùa lễ Giáng Sinh.
Bà Cindy kiểu cách và ngọt ngào lấy lòng người hàng xóm mới.
- Cám ơn bà đã khen hai cháu. Cái máy trong người chị lại tự động phát ra, chứ chị chẳng còn tâm hồn nào mà nói những lời bay bướm cho tương xứng với bà Cindy.
- Nào, cháu tên là gì? Cháu mấy tuổi rồi? Bà Cindy cúi xuống dịu dàng hỏi Tabi.
- Cháu tên Tabi, cháu 5 tuổi. Con bé lí nhí trả lời với người lạ.
Bà hỏi chuyện từng đứa thì bao giờ mới xong? Chị sốt cả ruột, liền giới thiệu luôn:
- Con em nó là Betsy, 4 tuổi. Kia là chồng tôi, còn tôi tên là Bông. Nhà tôi có bốn người.
- Ôi! Gia đình chị đẹp như một bức tranh, thật sống động trong ngôi nhà này.
Chị nhìn bà hàng xóm với đầy vẻ nghi ngờ. Nhan sắc hai vợ chồng chị thuộc loại bình thường, hai đứa con cũng thế. Hơn nữa cả ngày hôm nay hai vợ chồng chị mệt muốn chết, quần áo, tóc tai chẳng ra hồn, hai đứa con cũng đang nhăn nhó vì đói bụng, vậy mà bà hàng xóm dám khen toàn bộ gia đình chị đẹp!
Chị vừa trả lời vừa mắc cở vì lời khen khách sáo ấy:
- Cám ơn bà!
Bà Cindy còn hỏi thăm thêm vài câu xã giao bóng bẩy nữa mới chịu ra về.
Anh hối hả giục chị:
- Em order pizza ngay đi, biết đâu bà hàng xóm thứ ba, phía bên phải, sắp sửa đến nhà mình? Thì đến đêm mình cũng chưa có gì để ăn.
- Sao hàng xóm ở đây họ tử tế thế? Làm em ngại quá!
- Khu lịch sự có khác, người ta lịch sự như những ngôi nhà xinh đẹp của họ vậy.
Món quà của bà hàng xóm thứ hai hữu ích hơn bà thứ nhất, đĩa bánh cookie vèo một cái đã hết nhẵn, làm cả nhà dịu cơn đói trong khi chờ đợi pizza đến.
Chị lại nằm ra giường, trong khi bên ngoài, anh vẫn loay hoay thu xếp đồ đạc.Thật sung sướng khi mệt mỏi rã rời được ngả lưng trên giường, máy lạnh mát dịu làm chị liu riu buồn ngủ, thì chuông cửa reo làm chị giật nẩy mình, hay là bà hàng xóm thứ ba đến welcome gia đình chị? Có bà hàng xóm đối diện, bà bên trái, thì còn bà bên phải nữa. Rút kinh nghiệm, chị vuốt lại mái tóc, mất vài phút thay áo quần, sửa soạn sẵn nụ cười, ít ra cũng có một bà hàng xóm nhìn thấy hình ảnh chị tươm tất, đàng hoàng.
Thì ra là anh giao pizza, làm uổng công chị, chị giận lây không thèm cười khi anh ta nói cám ơn và chào về.
Chị lấy bánh cho hai con ăn và dỗ dành:
- Nhịn uống sữa con nhé.Mai mẹ đi mua, hôm nay dọn nhà, mẹ mệt lắm rồi.

***

Ngôi nhà mới là giấc mơ của chị, to đẹp, nằm trong một khu lịch sự, đắt giá, bên cạnh một hồ nước thiên nhiên rộng và dài tít tắp. Bên này hồ là phía sân sau của những ngôi nhà, bên kia hồ là cánh rừng thưa. Khác hẳn với căn nhà cũ, nơi mà thuở hai vợ chồng chị mới lấy nhau, hai bàn tay trắng bắt đầu gây dựng cơ ngơi, chỉ mong có một căn nhà dù nhỏ, dù cũ kỹ là đủ vui rồi.
Căn nhà cũ nằm đối diện với một khu apartment, hai bên nhà là hai gia đình Mỹ đen. Cái địa thế mà nếu chỉ là người qua đường nhìn vào, chắc ai cũng “ớn”, cũng hình dung ra bao nhiêu chuyện tai ương, rắc rối.Vậy mà anh chị đã ở đó gần 10 năm trời, chị đã quen với những hình ảnh đám Mễ ở apartment bên kia đường, mỗi weekend mở nhạc ầm ĩ, những người đàn ông Mễ đội mũ, đi giày ủng cao, áo bỏ vào quần với dây thắt lưng to bản, trông họ như những anh chàng công tử rảnh việc, ngồi ngoài sân uống bia suông, hay đôi khi vừa uống vừa nướng thịt BBQ, mùi khói thơm bay ngào ngạt trong gió, bay sang cả nhà chị. Tiếng nói cười, tiếng nhạc Mễ tưng bừng làm hàng xóm vui lây.
Bên này chị cũng không thua kém, thỉnh thoảng mang nồi mang chảo ra sân chiên chả gìo, chiên cá, kho mắm…chắc chắn những mùi vị đặc sản của Việt Nam ấy cũng từng bay nhởn nhơ sang sân những nhà hàng xóm không cùng chủng tộc, màu da.
Chị cũng đã quen gia đình Mỹ đen ở bên cạnh, hai vợ chồng đều to con, to giọng, mỗi khi họ đứng ngoài sân nói chuyện, chị ở trong nhà, qua lớp cửa đóng kín, vẫn còn nghe, đến nỗi có lần chị tưởng họ đang cãi nhau, mở cửa ra xem mới biết là vợ chồng họ đang trò chuyện vui vẻ.
Biết đâu dưới mắt những người Mễ, người Mỹ đen kia, nhìn gia đình chị, một gia đình di dân đến từ Châu Á xa xôi nghèo nàn ở bên kia bờ Thái Bình Dương, sang Mỹ lập nghiệp, đang sống trong ngôi nhà cũ kỹ thật đáng thương. Mỗi cảnh đời đều có những vất vả lo toan, nhưng chắc chắn họ không hề biết rằng chị đang toan tính chuyện ra đi, một ngày nào đó, chị sẽ rời khỏi căn nhà cũ này, khu cư dân xập xệ này, đến một nơi sang đẹp hơn rất nhiều.
Ngôi nhà cũ vừa trả hết nợ, anh chị bán đi, lấy tiền “down” cho căn nhà mới và… nợ tiếp.

***

Hôm sau người hàng xóm thứ ba đến, đúng như điều anh chị đã nghĩ, cái người ở ngay bên cạnh nhà chị, phía bên phải, mang đĩa bánh cake làm quà và những lời hỏi thăm nồng nhiệt, y như hai bà trước, làm như gia đình chị là niềm ao ước của cư dân khu này, càng làm chị ngại ngùng áy náy.
Chị vốn nghi ngờ sự lịch sự của người Mỹ từ lâu, với những người xa lạ, lại là người khác chủng tộc, lịch sự, tử tế chỉ là xã giao, là hình thức bên ngoài, ít khi là chân thật tự đáy lòng. Gặp bất cứ người lạ nào ngoài đường phố, họ cũng mỉm cười chào hỏi, nhưng người được chào hỏi chưa kịp quay đi, đã thấy người Mỹ lịch sự tử tế ấy khép ngay nụ cười và mặt lạnh như tiền.
Người hàng xóm thứ ba đưa cho vợ chồng chị một tờ giấy có ghi đủ tên và số điện thoại của mọi gia đình trong khu vực, vừa cộng thêm gia đình chị, để nếu có gì cần thì liên lạc với nhau, đồng thời họ mời chị tối thứ Bảy tuần sau đến họp mặt ở nhà bà Cynthia, để thắt chặt thêm tình hàng xóm láng giềng giữa cánh đàn bà với nhau.
Gia đình chị ngập tràn niềm vui trong ngôi nhà mới. Cảnh hồ phía sau nên thơ như tranh vẽ. Chiều, chị mở cửa sổ bếp cho gió ngoài hồ thốc vào mang theo mùi hoa lá trong vườn, gió thổi bay bay tấm màn vải mỏng che cửa sổ căng lên trông như cánh buồm nhỏ. Chị đứng làm bếp mà có thể nghe tiếng chim kêu ríu rít lúc trời chiều khi chúng bay qua hồ về phía cánh rừng bên kia.
Chị thủ thỉ với anh giá mà em biết làm thơ, thì mỗi ngày cứ ra ngắm hồ nước, ngắm cánh rừng là đủ cảm hứng.
Anh dọn đến ngôi nhà mới này vì chị, anh thích sự bình yên tâm hồn hơn là bề ngoài, thích ở căn nhà cũ, không nợ nần đồng nào, nhưng vợ anh nay cằn nhằn, mai than thở muốn có một căn nhà mới, sang đẹp hơn, thì anh lại tìm niềm vui trong sự thanh thản khác, là nhìn thấy vợ vui và khỏi phải nghe những lời cằn nhằn nữa.
Thế là đã được một tuần ở nhà mới. Buổi tối, chị đến nhà bà Cynthia để họp mặt, bà Cynthia ân cần giới thiệu chị là hàng xóm mới với tất cả mọi người, toàn là quý bà trong khu, là hàng xóm với nhau.
Họ thắp nến, ăn bánh cookie và nói đủ thứ chuyện về gia đình, xã hội, kể cả những chuyện vặt, đùa vui, nghĩa là đủ thứ chuyện quanh ta.
Tiếng Anh của chị chỉ đủ dùng thông thường, lấy đâu mà hiểu hết những ý kiến sâu sắc hay hóm hỉnh của quý bà, nên chị ngồi im và lạc lỏng giữa đám phụ nữ sang cả này. Phải chi đó là bà Tư, bà Bảy, hay bác Tám nào đó, toàn là các bà người Việt Nam, thì chẳng đời nào chị chịu thua, chưa biết chừng chị còn làm đầu tàu dẫn dắt câu chuyện và tán dóc cho tới khuya, hào hứng không kém gì họ.
Thỉnh thoảng chị cúi đầu, che dấu cái ngáp vì chán nản đến buồn ngủ. Rồi buổi họp mặt cũng tàn, chị sung sướng như vừa được… phóng thích ra khỏi trại tù.
Ở nhà, anh cũng sốt ruột không kém, được ngày thứ Bảy mà phải trông hai con, lúc thì chúng chạy đuổi nhau rầm rầm quanh nhà, lúc thì dành nhau đồ chơi và cãi nhau, anh hết dỗ dành đứa này đến năn nỉ đứa kia. Xong chúng đòi ăn, đòi uống, và “hành hạ” anh không thương tiếc:
- Bố nướng pizza không ngon bằng mẹ. Bố phải nướng lại cho con…
- Mẹ cho con uống sữa bằng cái ly màu hồng mà? Bố phải đổi cái ly này thì con mới uống sữa cơ.
Anh bực mình gắt lên:
- Vậy thì đợi mẹ về mà đòi.
May quá, chị đã về tới, anh chưa kịp than nỗi vất vả của mình thì chị đã than trước:
- Ngồi mỏi cả lưng mà chẳng hiểu họ nói gì, cả đám bật cười ồ vì một câu nói đùa, trong khi em vẫn còn… ngơ ngác và suy đoán mãi không ra.
- Ai bảo em nhận lời, làm khổ lây cả anh, vì phải ở nhà hầu hai con ranh này.
- Chẳng qua em cả nể vì mấy món quà tặng của họ, họ lịch sự, mình cũng nên tỏ ra biết điều để hoà đồng với hàng xóm.
- Thì ra ở khu nhà giàu không thoải mái bằng khu bình dân, họ kiểu cách quá, cứ đáp lễ qua lại cũng đủ mệt.Thế bao giờ em mới làm chả giò để tặng lại các bà hàng xóm đã welcome nhà mình bằng hoa và bánh?
- Anh không nhắc thì em cũng không nhớ, để mai em làm vậy.
Chị ngao ngán nghĩ tới cái màn đứng cuốn mấy bịch chả giò, rồi đem ra ngoài sân chiên từ từ cho vàng đều. Ôi chao! Lại mất nửa buổi. Sáng Chủ Nhật, anh ra sân cắt cỏ, thấy mấy ông bà chạy bộ trên đường, họ mặc áo thun và quần short, chân đi giày, vớ, tất cả một màu trắng tinh, cứ như những vận động viên đang khởi động cho một cuộc đua quan trọng nào đó.
Người nào chạy qua sân nhà anh đều giơ tay chào hỏi, khiến anh cũng phải giơ một tay lên chào, còn tay kia kềm chặt tay vịn cho máy cắt cỏ vẫn nổ ròn rã. Nếu cả khu xóm đều rủ nhau chạy thể dục ngày hôm nay thì chắc chắn anh không thể nào hoàn tất việc cắt cỏ như ý muốn, vì cứ phải liên tục giơ tay chào và mỉm cười đáp lễ với hàng xóm láng giềng.
Mỗi buổi sáng lái xe ra khỏi nhà để đi làm cũng vậy, trước khi “thoát” ra khỏi khu cư dân lịch sự sang trọng này, anh phải giơ tay chào đến mấy lần với những người hàng xóm tử tế anh gặp trên đường.
Khi anh hòa vào dòng xe cộ tấp nập trên phố, giữa đám đông không phải là hàng xóm, anh thật sự thấy thoải mái, thảnh thơi.
Chiều đi làm về, những người hàng xóm tử tế lại “ám ảnh” anh, hễ cứ thò mặt ra cửa thì thể nào cũng có ai đó đi qua và dừng chân lại chào hỏi. Anh không dám ra ngoài thường xuyên, anh mất cái quyền tự do được đứng ngắm sân cỏ xanh mà anh đã có công cắt xén. Chỉ có buổi tối may ra anh mới thấy thoải mái đứng ngoài sân, giờ này, ai ở trong nhà nấy, con đường trước nhà anh vắng tanh, im lìm. Anh chợt rùng mình, nếu như anh chẳng may bị trúng gió, ngã lăn ra đường thì cũng chẳng có người hàng xóm tử tế nào hay biết.
Anh so sánh với bên quê nhà, nghèo mà vui, những người Việt Nam chân tình, thắm thiết với hàng xóm láng giềng, với cả người không quen biết. Giữa đường, giữa chợ, ai đó bị trúng gió, bị bệnh bất ngờ, là có ngay các bà xúm vào cạo gió, lo âu, xót xa như với người thân của mình, những chai dầu gió có sẵn từ bao giờ trong túi, trong giỏ xách của các bà.
Hay họ săn sóc, đỡ đần khi hàng xóm có ma chay, cưới hỏi… Sự thân mật tự nhiên và thoải mái biết bao.
Còn ở Mỹ, trong khu lịch sự này, họ ra đường chào hỏi tử tế thế, thân mật thế, nhưng không có cảnh nhà nọ thường xuyên chạy sang nhà kia mượn một món đồ.

***

Làm xong món chả giò đáp lễ cho các bà hàng xóm, chị thầm cầu xin các bà đừng vì lí do nào mà mang bánh, mang hoa đến tặng chị nữa.
Sang tuần thứ hai trong ngôi nhà mới, vợ chồng chị tổ chức nướng BBQ trong vườn sau, chị thích được hưởng không khí gia đình riêng tư như thế, hai đứa con tha hồ chạy đuổi nhau trong khu vườn xanh cỏ, trong khi anh ngồi uống bia, ăn thịt nướng và ngắm hồ, ngắm rừng cây… Mua căn nhà gần hồ, đắt tiền, mà không hưởng cảnh hồ cũng uổng!
Chiều xuống thấp, những đám mây trời màu xám như muốn xà xuống trên đỉnh những rặng cây bên kia hồ, mặt hồ xanh đậm hơn, bóng tối đang ẩn núp đâu đó từ trong khu rừng kia sẽ đổ ụp xuống mặt hồ bất cứ lúc nào.
Khu vườn bỗng xuất hiện những đám muỗi, muỗi từ những bụi cây, bụi cỏ bên bờ hồ đang đi tìm mồi khi bóng chiều buông. Chị đứng nướng thịt mà chốc lại đập muỗi, lại gãi tay, gãi chân, và có khi phải nhảy tưng tưng lên mà vẫn không xua được đám muỗi đói gan lì, anh đang ăn cũng phải đứng lên di động cho muỗi khỏi tấn công, còn hai đứa con thì đều kêu lên:
- Muỗi cắn đau quá! Mẹ ơi, cứu con.
- Mẹ ơi, gãi cho con…
Chị cụt hứng và cũng không thể chịu đựng nổi cơn ngứa tưng bừng, bèn dắt con vào nhà để mặc cho anh dọn dẹp. Muỗi gì mà độc địa thế! mẹ con chị bị đốt nhiều nốt sưng đỏ lên, càng gãi càng sưng và ngứa thêm. Khi mua ngôi nhà này, họ chỉ ca ngợi hồ nước trong xanh, rừng cây thơ mộng, không ai nói cho chị biết hồ nước và bụi cây là hang ổ của muỗi cả.
Anh dọn đồ vào nhà xong, phàn nàn:
- Làm sao mà dám tổ chức BBQ và mời bạn bè đến? Họ ăn được mấy miếng thịt nướng của mình thì muỗi đốt khắp người. Họ còn oán cho nữa chứ.
- Thuê người ta đến tiêu diệt muỗi được không anh? Chị lo âu hỏi.
- Muỗi ở dọc những lùm cây và khu rừng bên kia, dài cả mile theo chiều dài khu hồ. Em có đủ tiền thuê người không? diệt muỗi rừng cũng như diệt chim trời cá nước. Chỉ có cách là… tuyệt đối không được ra vườn vào buổi chiều.
Chị kêu lên, đau khổ:
- Thế thì còn gì là giá trị ngôi nhà sang trọng này nữa?
- Muốn ở nhà đẹp, khu sang, bạn bè, họ hàng nghe đến đều “kính nể” thì phải tập mà thích ứng với mọi chuyện xung quanh nó. Đó là những người hàng xóm “quý tộc” kiểu cách ấy và đám muỗi rừng này. Chính em là người lựa chọn và đòi mua ngôi nhà này mà.
Chị im lặng, vì anh nói đúng quá. Chị đã lựa khu sang trọng nhất trong thành phố, chấp nhận trả nợ góp ngôi nhà dài hạn, nhưng không ngờ rằng có những người hàng xóm quá kiểu cách, không hề thích hợp với gia đình chị, sự tử tế thân thiện của họ vẫn làm chị cảm thấy lạc lỏng, bây giờ lại phát giác ra khu vườn lắm muỗi càng làm chị ngao ngán. Không biết bao lâu nữa gia đình chị mới thích hợp được với những cảnh này?
Đêm hôm ấy chị ngủ mơ thấy căn nhà cũ, ở đối diện khu apartment ồn ào, rẻ tiền, hai bên là hai gia đình Mỹ đen. Chị nghe thấy tiếng nhạc Mễ ầm ĩ khi những anh chàng Mễ đang uống bia bên kia đường, và chị nghe thấy cả tiếng hai vợ chồng nhà Mỹ đen bên cạnh đang đứng nói chuyện ngoài sân, âm vang vọng vào trong giấc ngủ của chị.
Những người hàng xóm bình dân ấy chưa bao giờ mang sang nhà chị một bó hoa, một đĩa bánh, nếu gặp nhau ngoài đưòng chỉ mỉm cười hay chào hỏi thông thường.
Vậy mà những hình ảnh và âm thanh ấy bỗng là những kỷ niệm thân thương và gần gũi vô cùng.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(July-2007)