"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Lớp Vẽ Khỏa Thân

Phải rời bỏ chiếc giường và chăn nệm êm ấm vào lúc 8 giờ sáng vào một ngày thứ bảy như thế này không phải là dễ dàng gì, nhưng vì đã lỡ hẹn nên khi nghe tiếng còi xe của người bạn họa sĩ người Nhật đang hú lên ở ngoài đường thì tôi phải vội vã chạy ra để theo anh ta đến lớp vẽ khỏa thân đặc biệt đó ở North Park Recreation Center.  Lớp vẽ này đặc biệt nghe đâu vì có người mẫu rất đẹp.  Tôi cũng háo hức muốn xem người mẫu đẹp như thế nào

Khi chúng tôi đến nơi thì mọi người đã bắt đầu làm việc.  Cô người mẫu đã ngồi trên bục và khoãng 10 họa sĩ (chắc vậy, vì nếu không phải họa sĩ, trừ tôi ra, thì đến đây làm gì) đã soạn sẵn giá và các đồ nghề trên bàn và đang ngồi vẽ.  Những họa sĩ này, trừ người gốc Á Châu mà tôi tháp tùng, đều là dân da trắng, da đỏ.  (Vì không thể phân biệt được gốc gác của họ nên tôi xin liệt kê như vậy cho gọn.)  Người điều hành lớp học, một thanh niên Mỹ khoảng 30 tuổi, người thanh cảnh, nước da đo đỏ (không biết có phải người da đỏ không) đến chào chúng tôi và mời chúng tôi ghi tên vào sổ ghi danh.  Hình như anh bạn của tôi quá quen thuộc với lớp vẽ này nên rất tự nhiên, tìm chỗ ngồi cho tôi xong rồi tự mình tìm một chiếc bàn với góc độ ưa thích để bày giá, cọ, các đồ nghề rồi bắt đầu vẽ một cách yên lặng.

Người mẫu là một cô gái Mỹ trắng rất đẹp tuổi chừng 20, có mớ tóc dài màu bạch kim được thắt lên cao kiểu đuôi ngựa.  Đôi mắt cô màu xanh lơ, mũi nhìn nghiêng cao che luôn cả gò má.  Cô đang ngồi với tư thế rất mỹ thuật; lưng dựa vào một bục gỗ có phủ vãi màu nâu, một tay xuôi xuống theo thân người, tay kia gác lên bục gỗ để cho ánh đèn rọi vào đôi gò bồng đảo của cô thêm trắng thêm hồng và những đường cong trên thân thể cô càng kiều diễm hơn.  “Cô này chắc chắn còn là con gái vì đôi núm vú của cô rất nhỏ và đỏ hồng”, tôi nghĩ thế.  Phần dưới thân hình cô hơi chếch về phía trước, đôi chân thon thon, một chân duỗi thẵng, một chân co lên để che đi chỗ kín đáo.  Thật tình mà nói, cũng đã có nhiều họa sĩ vẽ những bức tranh khỏa thân phơi bày toàn bộ, và bây giờ, nếu cô người mẫu có phơi bày ra hết, thì cũng chẳng họa sĩ nào bị xúc động tình dục, vì trong lúc họ làm việc, họ đều rất chuyên nghiệp, không để bị ý tưởng gì vẫn đục.  Thậm chí, nếu có một người mẫu phái nam tơ tưởng tới người yêu mà hứng tình ngay trước mắt họ thì họ chỉ coi như dịp may bắt gặp được một hình ảnh đáng giá để vẽ.  Ngay cả tôi, tự nhiên tôi cũng bị ảnh hưởng lây với tư cách chuyên nghiệp của họ, nên dù nhìn thì nhìn, ngắm thì ngắm, nhưng không hề nghĩ bậy bạ, chỉ thấy người mẫu như là một đối tượng đẹp đẽ mà mình muốn dùng tài nghệ để tả lại thôi.  Cô người mẫu này quả thật đẹp tuyệt, đẹp từ đầu xuống chân.   Trong lúc các người khác chăm chú dùng cây cọ hoặc bút chì hoặc cục phấn của họ để họa hình ảnh cô lên giấy thì tôi chỉ đứng ngắm.  Ai bảo đàn bà không thích ngắm người đẹp khác là sai, vì tôi thấy rất thích thú ngắm nhìn cô, và ngoài sự ái ngại cho cô bị lạnh khi phải trần truồng giữa cái lạnh buổi sớm mai mà tôi đã mang từ ngoài vào khi mở cửa phòng vẽ, tôi cảm thấy cô rất may mắn được cha mẹ sinh ra với một hình hài mỹ miều như vậy.  Tôi nghĩ nếu cô đi học đóng phim để làm movie star chắc sẽ rất nổi tiếng.  Tôi cũng từng đi dự những lớp vẽ khỏa thân khác, với những người mẫu trai, gái, đàn ông, đàn bà đủ cả nhưng chẳng có ai cân đối và dễ nhìn như cô.  Những người mẫu kia, người thì gầy dơ xương sườn xương sống, người thì mập phô mỡ bụng mỡ đùi, có người còn đầy sẹo lớn sẹo nhỏ nữa.  Người ta không thuê con nít vì con nít ngồi không yên, không khỏa thân được (theo luật), người ta không thuê người lớn tuổi vì họ không thể ngồi lâu, ngoài ra ai cũng có thể là đối tượng cho các bức tranh khỏa thân.  Nhưng dĩ nhiên tâm lý con người ai mà không thích có người mẫu càng đẹp càng tốt?  Tôi nghe nói thuê một người mẫu phải trả khoảng $20/giờ.   Nếu có tiền mình còn có thể mời về nhà làm mẫu cho mình vẽ riêng.  Điều đáng nói là giới họa sĩ phần nhiều là nghèo, mà vẽ người mẫu thì không phải chỉ cần 2 hay 3 giờ là đủ.  Thế nên những người có thiện chí yêu nghề họa đã lập “nhóm”, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ theo chương trình phát triển văn hóa mỹ thuật để họ có chỗ tổ chức những lớp vẽ như thế này, trước hết cho các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ trao đổi, sau nữa cho các họa sĩ nghèo bớt được chi phí.  Người đại diện cho Nhóm lo việc điều hành chương trình mở các lớp vẽ, sắp xếp nơi chốn, và thuê người mẫu.  Họ có một quỹ hoạt động riêng do những học viên các lớp vẽ đóng góp khi tham dự.  Lớp vẽ này lâu 3 giờ, chỉ có 11 người, mỗi học viên trả $5, họ thâu được $55, trong lúc tiền thuê người mẫu đã mất $60.  Dù không phải tốn tiền phòng, tiền điện nước, thì Nhóm rõ ràng cũng đã lỗ mất $5, không kể tiền cà phê free cho lớp, tiền cho người điều hành mua xăng chạy và dĩ nhiên là không thiếu những chi phí khác mà mình không biết.  Tôi hy vọng những lớp khác của Nhóm có nhiều người tham dự hơn để Nhóm có thể sống còn mà phục vụ vô vị lợi những sinh hoạt nghệ thuật này.

Làm họa sĩ ở cái xứ Mỹ này rất là tốn kém; giấy, giá, cọ, phấn, bút, dầu, sơn, cho đến khung hình, giấy viền khung (mat), lót khung (backing), đinh đóng, giây treo…, chẳng có thứ gì rẽ cả.  Vẽ đã công phu, đồ nghề lại đắt, nên chỉ có những kẻ thật yêu thích hội họa mới có thể theo đuổi đến cùng.  Những họa sĩ, nếu không chỉ vì ham thích nghệ thuật mà chỉ vì muốn làm giàu hay muốn nổi danh thì phải là ưu tú lắm, xuất sắc lắm mới thành công.  Đại khái tôi thấy những người trong phòng này đang dùng những thỏi phấn màu hiệu Rembrandt, hoặc sơn dầu hiệu Winton…  Có vị lại dùng màu nước hiệu Da Vince.  (Ta cứ  tưởng rằng những gì  mang tên Da Vince thì chắc phải đắt giá lắm vì ông là tác giả của nhiều bức danh họa, trong đó có bức The Last Supper hay Bữa Tiệc Ly mà trong mấy năm gần đây càng nổi danh hơn với quyển truyện The Da Vince Code của Dan Brown, nhưng sự thực thì giá chúng lại rẽ hơn nhiều loại khác.)  Trong những tiệm bán dụng cụ mỹ thuật, tôi đã từng thấy có ống màu 12 ounces với giá bán $200, chỉ 4 ounces với giá $30+, một cây cọ nhỏ có giá hơn $20, một khung tranh bằng gỗ chạm 18x24 có đề giá $500.

Con người có bản chất nghệ sĩ, khi nhìn thấy cái gì hay, đẹp đều muốn diễn đạt ra bên ngoài.  Người ta muốn diễn tả bằng lời, bằng nhạc, và cả bằng khắc, bằng họa.  Diễn đạt những cảm xúc, tâm trạng của mình hình như là một thôi thúc không cưỡng chế nổi, nên với bất cứ giá nào người ta cũng tìm cách thực hiện cho bằng được.  Thời xa xưa, khoảng 500,000 hay 300,000 năm trước Tây lịch, khi mà nhân loại còn ăn lông ở lổ, chui rúc trong những hang động thiên nhiên, người ta đã từng tìm cách để tạo nên những hình tượng thần thánh trông giống thần Vệ Nữ.  Dần dà người ta đã viết, vẽ, khắc lên đá, lên tre, lên vỏ cây, tường nhà hoặc trên trần,  Nói đến danh họa, không ai không nhớ đến Michelangelo với tác phẩm của ông trên trần Thánh Ðường Sispine vào thế  kỷ  XV ở Ý. Từ thời cổ đại, dù phương tiện thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ, nhưng khuynh hướng yêu thích Chân,Thiện, Mỹ vẫn đã được thể hiện đến tối đa qua những bức tượng và hình vẽ, cùng những tác phẩm điêu khắc các vị thần nam nữ.  Và tôi nghĩ loài người chúng ta không ai không tự cho mình thuộc vào giống loại kỳ diệu nhất trên thế gian này, nhất là hình tượng của người nữ, làm ta liên tưởng đến Mother Earth, cũng gợi lên hình ảnh một vị từ mẫu tuyệt mỹ đầy tình yêu thương bao la ví như non cao biển rộng.  Có lẻ cũng từ hình ảnh đầy tính chất chân, thiện, mỹ này mà ý niệm về môn Vẽ Khoả Thân đã được hình thành.

Tôi chưa hề dám tự nhận mình là họa sĩ mà chỉ là một kẻ “vẽ chơi”, tôi chỉ vẽ những tranh tỉnh vật, sinh vật, cảnh vật, phong cảnh bằng water colors, nghĩa là thấy gì thích thì cứ vẽ rồi pha sơn nước tô màu lên, nhưng muốn vẽ người đẹp như thế này thì còn lâu mới đạt được.  Figure drawing (Vẽ Hình Người) hay Life drawing (Vẽ Sống Động), nghĩa là Vẽ Khỏa Thân có ngưòi ngồi làm mẫu với những dáng vẻ và góc độ khác nhau, là môn học căn bản trong ngành hội họa và có lẻ là môn khó nhất mà chỉ những họa sĩ lâu năm kinh nghiệm mới đạt được.  Loại mỹ thuật này có thể áp dụng trong nhiều lãnh vực như truyền thần, hoạt họa và làm sách truyện tiếu lâm, cũng như tạc tượng, làm đồ hình y học..vv.. Vẽ người có thể đơn giản như chỉ phác họa bộ điệu nào đó, hoặc phức tạp hơn khi vẽ toàn thân của đối tượng.  Dụng cụ tùy theo nhu cầu mà thay đổi; khi thì đơn giản với than hay bút chì, khi thì phải dùng nhiều vật liệu hội họa khác nữa như đủ thứ cọ, màu nước, sơn dầu.v.v. Hoạ sĩ lâu năm vẫn còn phải luôn mang theo một sợi giây để đo chiều dài, chiều ngang, các góc độ của đối tượng nữa.

Họa sĩ có thể vẽ Khỏa Thân hoặc bằng cách nhìn người mẫu, hình chụp, hình nộm, hoặc bằng tưởng tượng và ký ức, nhưng phương pháp nhìn người mẫu để vẽ có thể nói là lý tưởng nhất vì được cho là linh động và trung thực nhất.  Khi nhìn hình để vẽ, họa sĩ không khỏi cảm thấy đối tượng vẽ quá phẳng phiu và lặng lẻ, nhiều lúc bị ảnh hưỡng màu sắc không thực của hình chụp.  Khi tưởng tượng để vẽ, nếu họa sĩ thiếu kinh nghiệm hay ký ức đối với đối tượng vẽ không đầy đủ thì chắc chắn tác phẩm sẽ không được chính xác.

Khi bắt đầu học tôi đã không dè vẽ vời cũng lắm điều rắc rối như thế!  Có hoạ sĩ chỉ căn cứ vào những hình dáng do ánh sáng và những khoảng tối tạo ra trên thân thể của người mẫu để hình thành thân người, nhưng nhiều hoạ sĩ lại dùng kiến thức về cơ thể học với kết cấu của nội tạng, xương và bắp thịt khi đối tượng ở trong một tư thế nào đó, để từ đó định vị các hình dạng họ vẽ ra rồi cuối cùng vẽ lên lớp da hay vải vóc gì đó để che bên ngoài.  Có người lại theo cách thức hình học để hình thành đối tượng vẽ của họ, chẳng hạn như trước tiên khoanh một vòng tròn để chỉ cái đầu, thứ đến tạo một cái ống tròn để làm cái thân, rồi sau đó thêm vào 2 đường thẳng ngắn ở trên cái ống làm 2 tay, 2 đường dài hơn ở dưới ống làm 2 chân, cho thêm hình 2 quả lê làm bộ ngực.  Sau hết, uyển chuyển dung hoà những hình dạng này sao cho giống hình người là được.  Tôi xin thưa có thể tôi là hoạ sĩ rất giỏi về cách vẽ này.

Tôi cũng muốn vẽ theo lối vẽ hình học kể trên nhưng đáng tiếc khi đi thì còn ngái ngủ quên mang theo đồ nghề, nên bấy giờ đành phải đi loanh quanh làm giám thị không ai mời.

Trước tiên tôi quan sát người mẫu.  Lạ thay!  Khi thấy cô ta ngồi yên như một bức tượng, tự nhiên tôi muốn trợn mắt há mồm, vung tay vung chân, thiếu điều muốn nhảy múa quanh phòng để đền bù cho cô ta.  Chắc cô ta đang cảm thấy tứ chi tê dại vì phải ngồi lâu không nhúc nhích theo một tư thế cố định như thế!  Cũng may là cứ mỗi 20 phút cô lại được nghỉ 10 phút.  Trong giờ giải lao này, nói chuyện với cô tôi mới biết cô là một sinh viên ở SDSU, đã làm nghề mẫu từ hai năm nay để kiếm thêm tiền trong lúc đi học.  Cô đã được chỉ dẫn những kiểu làm mẫu từ cách đứng thẳng, đứng nghiêng cũng như các dáng ngồi sao cho mỹ thuật cho các họa sĩ vẽ, đồng thời cũng được giải thích về những luật lệ và quyền lợi căn bản được áp dụng trong các lớp học mỹ thuật của các đại học chuyên nghiệp dành cho những người mẫu như cô.  Đừng tưởng người mẫu trần truồng như vậy mà sàm sỡ được!  Ai mà động tới cô là sẽ bị lên án sách nhiễu tình dục ngay đó nhé!  Lúc đầu khi cô chưa quen với nghề, quả thật rất khổ sở; ngoài cảm giác mắc cỡ ngượng ngùng, nhiều lúc cô cảm thấy ngứa ngáy cứ muốn nhè những chỗ kín để gãi, và nhiều lúc điều hành viên của lớp đã phải nhắc nhở cô phải ngồi thế nào, thậm chí còn phải dùng tapes để làm dấu cô phải để tay để chân chỗ nào, hoặc dùng đèn để cho biết mặt phải quay về đâu.  Dù xấu đẹp gì cũng có thể làm người mẫu, nhưng tôi phải thú thực là có lẻ chẳng bao giờ tôi có can đảm để mình trần như nhộng ngồi trước ánh đèn 200 watts, trước bao nhiêu cặp mắt của người khác phái như thế.  Ngay cả đối với chồng, tôi cũng đã luôn áp dụng chính sách “Tối lữa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh.”

Khi người mẫu đã trở lại chỗ  ngồi, tôi tiếp tục công việc giám thị bất đắc dĩ của mình, từ  trái qua phải.  Bắt đầu với một nữ họa sĩ người phục phịch tuổi độ 50.  Nhìn ngoại hình không thấy một nét nào là nghệ sĩ, nhưng tài nghệ lại tuyệt luân; bà ta dùng cây bút sơn dầu quơ qua quẹt lại trên giấy chỉ một thoáng là xong bức tranh giống hệt người mẫu.  Tôi háo hức đi xem người kế tiếp thì lại thấy trên khung vãi một bức tranh bán thân, hình một mỹ nhân có tóc đen dài như mây (đêm).  Tôi nhìn lên người mẫu, rồi lại nhìn bức tranh.  Người mẫu có mớ tóc bạch kim được buộc lên cao thành hình đuôi ngựa, mắt xanh, mũi cao, khuôn mặt thon nhỏ, nước da trắng hồng, dù đứng vào góc độ nào cũng phải thấy cô ta hoàn toàn khỏa thân, còn người trong tranh thì mái tóc đen phủ dài đến tận cùng của khung tranh, tai to mặt lớn, nước da như người da đỏ, mặc áo che đến tận cổ, miệng lại còn cười cười nữa.  Ông này theo phái “Contrast” chắc?  Nghĩa là làm ngược lại những gì nhìn thấy?  Có ai từng nghe nói đến trường phái “Liên Tưởng” trong hội họa không?  Tôi chưa hề nghe bao giờ, nhưng liên tưởng kiểu này thì quả thật là kinh khủng!  Lại nữa, theo những tiêu chuẩn tính bằng đầu để các hoạ sinh vẽ từng loại người, thì người trung bình cao khoảng 7 cái đầu 1/2, người quý phái 8 cái, thần thánh hay đại anh hùng cao đến 8 đầu ½ .  Mỹ nhân trong tranh này lại chắc là vừa đại anh hùng vừa đại mỹ nhân; chỉ bán thân đã cao đến 4 cái đầu 1/2 !  Họa sĩ này đã làm tôi sững sốt, cứ mãi đứng trước bức tranh với suy tư mà giờ giải lao lại đến lúc nào không hay…

Người mẫu khoác chiếc áo kiểu kimono vào xong lại xuống nhập bọn với tôi để đi loanh quanh, trong lúc các họa sĩ vẫn còn miệt mài với những tác phẩm còn dở dang của họ.  Khi tôi được ai đó chụp hình, tôi chỉ mong thấy ngay hình tôi có đẹp không.  Cô người mẫu này chắc chẳng khác gì tôi; muốn thấy ngay các họa sĩ đưa cô vào tranh như thế nào.  Dĩ nhiên là cô muốn cô ở trong tranh phải đẹp, ít nhất là đẹp như chính cô ở bên ngoài.  Các họa sĩ ai mà không muốn vẽ cho đẹp?  Cô vẫn biết tác phẩm tùy thuộc vào nhiều yếu tố; trình độ về kỹ thuật, khả năng cảm nhận và kinh nghiệm cũng như thời gian thực tập của tác giả nữa.    Dù sao, lúc này đây, cô chính là đối tượng, là tinh thần, là nàng thơ của những gì được gọi là “tác phẩm mỹ thuật” đang được các bàn tay tài hoa của các họa sĩ uốn nắn diễn đạt lại trong tranh.  Cô muốn xem những bức tranh này như những tấm gương soi từ đó phản chiếu lại chính hình dáng và tinh thần thực của chính cô trong từng góc độ khác nhau tùy theo vị trí mỗi họa sĩ ngồi hay đứng trong ½ vòng tròn xung quanh cô.  Cũng như bất cứ ai, cô chỉ có thể thấy mình phía trước khi nhìn vào gương, và luôn thắc mắc không biết mình ở những góc độ  khác trông thực sự ra sao.   Chẳng ai bỏ công, dùng nguyên lý khúc xạ ánh sáng ghép kiếng để tự mình soi đủ mọi phía toàn bộ thân hình mình cả, nên chi đây là cơ hội cho cô hưỡng được may mắn đó…

Cô ngạc nhiên biết bao!  Một mình cô đã trở thành hết 8 kẻ xa lạ trong những bức tranh quanh cô.  Những kẻ trong tranh, hoặc giống mặt không giống người hoặc ngược lại, có người như có bầu 3, 4 tháng, có người mắt lé, có người bị thọt chân.  Tệ hơn nữa, một nữ họa sĩ trẻ như đang vẽ tranh mẹ cô ta thì phải.  Một bức tranh khác lại bắt cô gái trong tranh đứng lên để phô bày đồi vệ nữ với thảm cỏ xanh um.  Tôi nhớ là cô người mẫu này suốt buổi chưa hề đứng lên làm mẫu bao giờ.  Chẳng lẽ chỉ một thoáng khi cô đứng lên chưa kịp mặc áo mà họa sĩ này đã chụp được hình ảnh này để vẽ ra hay sao?  Nếu vậy thì ông ta đáng phục thật!  Không nghe điều hành viên của lớp nói gì, cô người mẫu cũng không phàn nàn gì, nên tôi không rõ là lớp vẽ này có phải bị hạn chế trong kiểu người mẫu ngồi thôi hay ai muốn vẽ sao cũng được.

Dù sao, Lớp Vẽ Khỏa Thân đó cũng có kết quả tốt đẹp không ngờ; người mẫu cuối cùng đã tìm thấy lại mình trong tranh của người nữ họa sĩ phục phịch mà  tôi đã quan sát đầu tiên, và nhất là đã thấy rõ mình từng đường từng nét rất xinh đẹp và khiêu gợi trong bức tranh của người họa sĩ mà tôi đã tháp tùng hôm nay.  Nhìn thấy bức tranh của anh, cô ta đã phải kêu lên:  “Ôi, đẹp quá!”  Cô càng vui khi nghe anh bảo:  “Không phải tranh đẹp mà vì nhờ cô đẹp nên tranh mới đẹp!”  Phần tôi, vẫn áy náy nãy giờ vì sợ cô buồn khi thấy những bức tranh quái gỡ kia, nay thấy cô phấn khởi thì lòng tôi tự nhiên cũng thấy vui lây.

Ái Hoa