Kỷ-Cương 

   Huyến về dậy trường này từ đầu năm. Anh còn trẻ và là cháu của thầy hiệu-trưởng. Người ta bảo rằng sớm muộn anh cũng trở thành giám-học, một chức-vụ còn trống từ nhiều tháng nay.

   Huyến bực mình vì các nữ sinh lớn ít khi thuộc bài tới nơi, tới chốn. Anh nghĩ Thiêm, thầy phụ trách lớp, làm học sinh lười biếng thêm vì Thiêm hay dậy thêm cho những học sinh không thù-lao. Anh đã mang việc này than với thầy hiệu-trưởng. 

   Hôm nay, Huyến khảo bài. Đứa nữ sinh thứ nhất ấp a ấp úng… Đứa thứ hai vấp-váp, không trôi chẩy … Đứa thứ ba tạm được …Đứa thứ tư lúng-túng câu được, câu không.

Hai nữ sinh trước đều trả lời là đã cố-gắng hết sức trong khả-năng mình, rồi đứa thứ tư nói y như vậy làm chàng nổi nóng:

   - Thời buổi loạn-lạc mà không chịu học! Các em muốn làm điếm hay sao? Đó là thành-phần cặn-bã của xã-hội các em có biết không? 

   Nhiều tiếng lao-xao phản-đối. Một nữ sinh thốt lên:

   - Thưa thầy, có những người phải làm điếm vì cha mẹ già yếu, vì phải nuôi các em ăn học.

   Huyến tức giận đập tay xuống bàn.

   - Không được cãi.
   Người nữ sinh trưởng lớp đứng dậy.
  - Tại sao thầy nỡ nói quá nặng với chúng em?  Mong thầy rút lại lời nói.

   Huyến la lớn:

   - Im ngay! Có muốn bị đuổi không? 

   Người nừ sinh trưởng lớp thản-nhiên:

   - Trong trường-hợp này, em không muốn học thầy.

   Các nữ sinh khác đồng-loạt đứng dậy:

   - Em cũng nghỉ

   - Em cũng vậy

   - Em theo chị

   ...

   Cả lớp bước ra ngoài… Họ xếp hàng trước lớp.

   Huyến thấy mình hơi quá trớn nhưng vẫn lớn tiếng:

   - Các em vào lớp ngay.

   Không ai nghe lời Huyến. Thầy giám-thị từ xa đi tới. Huyến nóI:

   - Mấy đứa này vô kỷ-luật quá.

   Thầy giám-thị ôn-tồn:

   - Các em vào lớp.

   Trưởng lớp nói:

   - Chúng con kính-trọng thầy nhưng chúng con không thể vào lớp được. Thầy cho chúng con gặp thầy hiệu-trưởng.

   Thầy giám-thị trả lời:

   - Thầy hiệu-trưởng đi vắng, không biết bao giờ mới về.

   - Thế thầy vui lòng cho chúng con gặp thầy phụ-trách.

   Thầy giám-thị kiếm thầy Thiêm là người phụ-trách lớp này.

   Thiêm tới. Anh nhẹ-nhàng bảo:

   - Thôi, các em vào lớp.

   Hàng chuyển-động. Huyến định bước vào cùng với Thiêm nhưng thầy giám-thị cản lại:

   - Thầy vui lòng để thầy Thiêm giải-quyết.

   Đợi các nữ sinh ngồi vào chỗ hết, Thiêm nghiêm-nghị nóI:

   - Các em hãy bình-tĩnh và từ-tốn. Không nóng. Trưởng lớp hãy tóm-tắt cho thầy nghe bằng một vài câu thôi.

   - Chuyện khởi-đầu không có gì, chỉ vì chúng em không thuộc bài. Nhiều người chúng em nghèo lắm. Sau buổi học phải đầu tắt mặt tối giúp cha mẹ nên không có đủ giờ học. Thầy Huyến nổi giận nên nói quá nặng với chúng em.

   Vài người giơ tay xin tiếp lời nhưng Thiêm lắc đầu:

   - Đủ rồi! Không phải thầy không muốn nghe nhưng không thể nghe nữa. Vai-trò của thầy không cho phép nghe các em phê-bình đồng-nghiệp của thầy.

   Thiêm nhìn về phía trước mà hình như không thấy gì. Thật lâu sau, anh thở dài:

   - Các em có thể quên chuyện xẩy ra không?

   Những nữ sinh hàng ngày hiền-hòa bây giờ trở nên cứng rắn và cương-quyết:

   - Thưa thầy, không. Không thể được:

   Thiêm nói trong ngậm-ngùi:

   - Trong xã-hội mất kỷ-cương, các em cần giữ kỷ-cương, không chống-đối thầy cô. Các em giữ kỷ-cương không để có lợi cho riêng mình mà cho trường này, cho làng xóm này, cho đất nước này. Hãy làm đúng phần của các em rồi mọi chuyện có thể sẽ ổn-thỏa.

   Ngừng một chút rồi anh tiếp-tục:

   - Có một cụ già đã về hưu, cụ Trọng Nghĩa. Cụ lấy tiền hưu-bổng hàng tháng để đăng bốn chữ “lễ, nghĩa, liêm, sỉ” trên báo Sóng Thần. Có ai nghe cụ không? Thầy không rõ nhưng thầy biết cụ vẫn tiếp-tục làm việc của minh. 

   Trong trường có dư-luận là Thiêm và thầy hiệu-trưởng có mối bất-đồng. Thêm vào đó Huyến lại hay than-phiền. Thầy hiệu-trưởng nhiều khi khó-khăn với Thiêm nên anh xin đổi đi.

   Người trưởng lớp chợt lóe lên một ý-nghĩ. Em hỏi:

   - Nếu chúng em đồng-ý, thầy có hứa ở lại với chúng em không? Chúng em bằng lòng, vì thầy là tất cả yêu-thương, là những gì đẹp-đẽ nhất mà chúng em có tại trường này.

   Thiêm xúc-đông:

   - Thầy cám ơn các em. Nhiều điều chúng ta muốn nhưng không có nghĩa luôn luôn đạt được đâu. 

   Có tiếng gõ cửa. Thầy hiệu-trưởng đứng ngoài từ lúc nào. Thiêm mời thầy vào lớp. Anh định đi ra nhưng thầy hiệu-trưởng ngăn lại.

   Thầy dịu-dàng nói với lớp:

   - Cám ơn các con đã lắng nghe lời giáo-sư phụ-trách. Thầy mong các con cố-gắng giữ kỷ-cương cho trường!

   Quay sang Thiêm, thầy tha-thiết:

   - Tôi mong thầy vui lòng ở lại với các em. Họ là những học-sinh thân yêu của thầy. Tôi thành-thật yêu-cầu thầy.

 

 

 Nguyễn Xuân Thiên Tường