Nghịch Lý Ðại Pháp

   Nhớ lại vào tối Chủ Nhật ngày 17 tháng 11 năm 1991, chương trình “60 Minutes” của đài truyền hình CBS đã nêu ra một sự kiện làm xôn xao y giới cũng như công chúng khắp nơi. Ðó là sự liên hệ giữa ẩm thực của con dân nước Pháp với bệnh tim mạch.
    Họ ăn nhiều chất béo động vật như pate, bơ, kem, fromage, uống rượu vang như uống nước lã, hút thuốc Gaulois liên miên và ngọa triều tĩnh tại cũng lắm. Toàn những thứ mà mọi người kết tội là thủ phạm có thể gây rủi ro cho tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ, suy tim.Vậy mà họ ít bị những cơn heart attack nhất trên thế giới.
    Ðây là điều có vẻ như không hợp logic nhưng lại đúng và khó bác bỏ. Và dân chúng đặt tên cho hiện tượng đó là The French Paradox- Nghịch Lý Ðại Pháp. Chỉ mấy tuần lễ sau thảo luận thì số rượu vang bên Mỹ bán ra tăng tới 40%. Và các nhà y khoa học trên hoàn vũ đều ngạc nhiên về sự kiện tưởng như tréo cẳng ngỗng nhưng chứng cớ rành rành cũng như họ đang hăng say nghiên cứu, tìm hiểu nguyên do và có thể bắt chước.

   Thực ra tác dụng của rượu trên sức khỏe đã được công chúng biết tới từ thuở xa xưa, khi rượu được gọi là “spirits”, một thứ làm linh hồn lâng lâng, yêu đời.
    Vào thế kỷ thứ 8, hóa học gia Ả Rập Geberius gọi rượu là Nước Sinh Lực- Aqua Vitae. Và qua dòng lịch sử của nhân loại, rượu có vai trò đáng kể trong các nghi thức tôn giáo, giao tế, vui mừng, hoặc trong y học, thay nhiên liệu, dùng làm thuốc nổ.
    Rượu là dược phẩm được tìm ra sớm nhất trên trái đất và đã được dùng trị bệnh ở Tây phương cho tới thế kỷ thứ 18, khi con người đặt ra các luật lệ để giới hạn sự lạm dụng rượu cho mục đích lạc thú cá nhân.
    Sử gia kiêm triết gia Plutarch Hy Lạp (46-120 AD) đã viết rằng Rượu Vang là môn thuốc trị bệnh dễ chịu nhất.
    Lang y Nicander (200 BC) khuyên dùng Rượu Vang pha loãng với nước để chữa phản ứng với cây Ðộc Cần (Hemlock). Y Sĩ Hy Lạp Dioscorides (40-90 AD) dùng Rượu Vang làm thuốc tê để mổ xẻ bệnh nhân. Phẫu thuật gia Hy Lạp Paul of Aegina (629-690) dùng Rượu Vang trị nhiều bệnh nặng nhẹ khác nhau.Thầy Cả Paul khuyên Timothy uống Rượu Vang để giảm cơn đau bụng và vài khó khăn khác của cơ thể.
    Ngay từ thế kỷ 13, Y Sĩ Ý Ðại Lợi Arnold of Villanova đã trình bầy vai trò của Rượu Vang trong dinh dưỡng và y thuật. Và thủy tổ y học Tây phương Hippocrates đã dùng rượu để chữa nóng sốt, khử trùng, băng rửa vết thương hoặc làm thuốc lợi tiểu.
    Bên Á Ðông, rượu được coi như một dược phẩm đứng đầu các thuốc (Tửu vi bách dược chi trưởng).
Cụ Hải Thượng Lãn Ông từng khuyên “Bán dạ tam bôi tửu, Lương y bất đáo gia”.
    Danh y Lý Thời Trân của Trung Hoa khi xưa nhận định rằng uống một ít rượu làm khí huyết lưu thông, uống nhiều làm hại tinh thần, tổn thương tinh dịch bao tử, kích thích hỏa tà.
    Các tôn giáo lại có quan điểm khác nhau đối với rượu.
    Trong Tân Ước, Chúa Jesus nói với các môn đồ hãy uống rượu vang để nhớ tới máu của Người đã đổ ra để cứu rỗi nhân loại. Do đó rượu vang là một nghi thức không thể thiếu trong thánh lễ.
    Phật giáo thì nghiêm khắc hơn, coi “Rượu là thứ làm cho người uống phạm vô lượng tội ác, tâm tánh mê loạn”.
    Kinh Coran ghi rượu là sản phẩm của Satan nên nhà Tiên Tri Muhammad nói với các tín đồ rằng nếu đang say thì đừng cầu nguyện.
    Thế nhân nhìn rượu dưới nhãn quan hơi trần tục nhưng dễ thương.
    Theo Plato “ Không có gì tuyệt vời hoặc giá trị hơn là rượu vang mà Thượng Ðế đã ban cho loài người”.
    Bác học Louis Pasteur của Pháp cho rằng “Rượu vang là món giải khát lành mạnh và vệ sinh nhất”.
    Khi bị vợ trách nhẹ là ông có vẻ thích rượu rồi đó, thì Thủ Tướng Anh Churchill bèn trả lời:“ Bà nó ơi, tôi đã lấy từ rượu ra nhiều cái hay hơn là rượu rút ra từ tôi”
    Còn thi sĩ Tú Xương ta than phiền:
    “Một chè một rượu một đàn bà,
    Ba cái lăng nhăng nó quấy ta

   Bợm nhậu thì tự an ủi:
    “Chúa Chổm uống rượu tì tì
    Thác xuống âm phủ khác gì vua Ngô”.

   Và Trần Huyền Trân tâm tình với tóc bạc Tản Ðà:
    “Nguồn đau cứ rót cho nhau,
    Lời say sưa, mới là câu chân tình”.

   Coi vậy thì rượu cũng có nhiều điểm dường như tốt đối với cơ thể đấy, phải không thưa quý thân hữu. Và cũng vì tốt nên mới nẩy ra “Nghịch Lý Ðại Pháp” để y khoa học nghiên cứu, tìm hiểu. Cũng như mới có Hội Nghị Quốc Tế về Wine & Health lần 3 ở Silverado Resort, California vào tháng 5, 2005.
    Trong New England Journal of Medicine ngày 9 tháng Giêng năm 2003, bác sĩ Kenneth J. Mukamal và Ira Goldber của Ðại Học Harvard công bố kết quả nghiên cứu của họ về liên hệ giữa rượu và bệnh tim. Họ theo dõi 38.000 người đàn ông trong 12 năm và thấy những ai uống la de, wine hoặc rượu mạnh đều đặn và vừa phải mỗi ngày có thể giảm nguy cơ heart attack tới 37%. Nghiên cứu được National Institute of Health tài trợ.”
Vào năm 2001, trên Tạp San của Hội Y Khoa Hoa Kỳ, các bác sĩ Jerome L Abramson và Harlan M Krumholz của Ðại Học Atlanta cho hay “ Uống nhiều rượu sẽ đưa tới Suy Tim nhưng nếu uống vừa phải thì người cao tuổi sẽ giảm được nguy cơ của bệnh này”.
    Bác sĩ Arthur Klasky, chuyên về bệnhTim ở Oakland, California, là một trong những người đầu tiên để ý tới tác dụng tốt của rượu với tim. Cách đây gần 30 năm, khi so sánh hồ sơ bệnh lý của trên 100.000 bệnh nhân, ông ta thấy những người không uống rượu đều bị nhồi máu cơ tim nhiều hơn những người uống vừa phải.
Khi theo dõi 85.000 nữ điều dưỡng tuổi từ 34 đến 59 trong thời gian 12 năm, các nhà khoa học của Ðại Học Harvard cũng đi đến kết luận tương tự. Tiến sĩ Eric Rimm của đại học này đã quan sát 44.000 nam nhân viên y tế trong vòng 2 năm và thấy là những ai uống hai drinks mỗi ngày thì có tới 30% ít bị nguy cơ đau tim hơn người uống nửa drink.
    Các dữ kiện do viện Ung Thư Hoa Kỳ quan sát trên một triệu người Mỹ tại 25 tiểu bang cho thấy uống một drink mỗi ngày thì nguy cơ bị cơn suy tim ít hơn người không uống tới 25%.
British Medical Journal số ngày 22-2-22005 có đăng kết quả nghiên cứu bên Thụy Ðiển theo đó phụ nữ uống rượu vang vừa phải thì nhịp tim đập sẽ tốt hơn. Giáo sư Emanuel Rubin và các nhà nghiên cứu của đại Học Y khoa Thomas Jefferson, Philadelphia, cho hay uống vang đỏ giúp giảm thiểu các chất gây viêm ở động mạch, nhờ đó tránh được bệnh tim và tai biến não.
    Ðể giải thích tại sao có ích lợi này thì các khoa học gia tại bệnh viện Queen Mary, Luân Ðôn cho hay vang đỏ chứa mấy chất có thể ngăn ngừa chứng thoái hóa động mạch vì mỡ béo đọng lại.
    Trong tạp san của Hôi Y Học Hoa Kỳ số tháng 10 năm 1995, Tiến sĩ Robert M. Hackman, Ðại học Davis ở California cho rằng rượu vang đỏ có chất flavonoids. Ðây là một loại chống oxy hóa rất mạnh có thể ngăn ngừa tác dụng xấu của các gốc tự do vào các bệnh thoái hóa, vài loại ung thư, sự lão hóa. Chất Chống Oxy hóa là những chất có thể bảo vệ tế bào trước phản ứng oxy hóa của các phần tử gốc tự do free radicals. Flavonoids giảm sự dính với nhau của tiểu cầu, máu lưu thông dễ dàng do đó giảm thiểu nguy cơ cơn Suy Tim và Tai Biến Mạch Máu Não.
    Bác sĩ Bagrachi của Ðại học Creighton Omaha Nevada cho hay flavonoids mạnh hơn các chất chống oxy hóa khác như sinh tố C, E và beta caroten tới bẩy lần.
    Kết quả nghiên cứu tại hai Ðại Học Y Khoa London và Queen Mary bên Anh cho hay là trong vỏ nho, trà có các chất Flavonoid, Polyphenol, Reservatrol, Quercetin. Tạp San Sinh Hoạc Hoa Kỳ số cuối năm 2004 cho hay reservatrol giúp các cơ thịt của tim hoạt động hữu hiệu hơn, nhất là khi cơ thể có căng thẳng.
    Theo một số nghiên cứu, rượu vang đỏ mới có các chất này vì vỏ nho được giữ lại khi làm rượu, còn khi làm vang trắng thì người ta bỏ vỏ nho đi.Vì thế các nghiên cứu gia của viện thí nghiệm Aviram bên Do Thái đã công bố phương thức để tăng cường tính chống oxy hóa của vang trắng tương đương với vang đỏ. Nhưng cũng có ý kiến lại cho là, người uống rượu vang thường ở giai cấp khá giả, ít hút thuốc và ăn uống chừng mực, đầy đủ dinh dưỡng hơn, nên ít bệnh tim mạch..
    Trước những kết quả nghiên cứu được công bố khắp nơi, Bộ Y tế Hoa Kỳ và Tim Mạch Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận là uống một chút rượu vang có thể có tác dụng tốt cho trái tim.
    Còn quan điểm của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ là các chất mà nghiên cứu nói có trong rượu thì cũng có trong thực phẩm như nho và nước nho. Vì thế hội này không khuyến khích người chưa uống vang bao giờ lại bắt đầu uống để hy vọng có ích lợi cho sức khỏe. Theo hội, nếu đã uống rồi thì nên điều độ với 350cc la de, 50 cc rượu vang, 5 cc rượu 80° mỗi ngày hai lần cho người nam, một lần cho người nữ.
    Dè dặt về số lượng này thì trong Tân Ước đã nhắc nhở: “Nếu con uống rượu điều độ thì rượu sẽ làm con sống vui tươi hơn; trái lại nếu uống quá độ thì tâm hồn trở nên cay đắng, thân xác hung hãn”.
    Cũng như trên mỗi chai rượu đều có ghi “Consumption of alcoholic beverages impairs your ability to drive a car or operate machinery, and may cause health problems”. Uống Rượu g làm suy yếu khả năng lái xe và đưa tới nhiều vấn đề xấu cho sức khỏe”.
    Và Cụ Lãn Ông thường ân cần khuyên nhủ “nhất dạ tam bôi tửu” thôi, bà con nhé. Bôi của các cụ nhỏ xíu à.

Kết luận

   Ðề tài “The French Paradox” vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng và cần nhiều nghiên cứu nữa để xác định vai trò của “một bôi rượu” với trái tim. Có phải tác dụng tốt là do thành phần hóa chất của rượu, số lượng tiêu thụ hoặc cách tiêu thụ.
    Trong khi chờ đợi thì ta cứ từ từ cẩn tắc vô ưu, cân nhắc phúc họa của rượu. Vì rượu được biết tới từ nhiều chục ngàn năm. Người uống cũng nhiều mà người không cũng chẳng ít. Hậu quả tốt cũng có, mà xấu đếm cũng chẳng xuể.
    Hơn nữa, rượu không phải là thần dược cho mọi bệnh và không phải thích hợp với mọi người.
Vậy thì cũng chẳng nên uống khi đang có rối loạn tâm can tỳ phế, hoang tưởng tâm thần; chẳng uống khi có thai, nuôi con sữa mẹ; chẳng tập tành tiêu thụ khi chưa hề uống bao giờ.
    Ðành rằng một suất vang mỗi ngày giúp giảm thiểu nguy cơ bệnh tim và tai biến não nhưng quá nhiều thì tim lại dễ suy, huyết áp lên cao, ung thư xuất hiện, nội tiết bất thường.
    Cho nên nếu biết lấy lẽ vừa phải, lấy điều độ làm kim chỉ nam, thì chắc rượu sẽ mang lại phúc nhiều hơn họa và cuộc sống chắc sẽ nhiều vui ít buồn. Ðể rồi cùng nhau theo chân Tam Nguyên Nguyễn Khuyến mà:
    “Lúc hứng đánh thêm ba chén rượu,
    Khi buồn ngâm láo một câu thơ” .
Cho đời thêm thi vị.

Bác Sĩ Nguyễn Ý-Ðức
www.bsnguyenyduc.com
http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/video