Tuổi Về Hưu, Tuổi Thọ và Hội Chứng Khiếm Dụng

Tóm tắt: Chúng ta có thể mong đợi thời nghỉ hưu là một thời gian nghỉ ngơi sau một cuộc đời làm việc với nhiều stress, và về hưu sớm sẽ giúp sống lâu hơn.Tuy nhiên một số khảo cứu đáng kể chứng minh đối với những người về hưu sớm (khoảng 55 tuổi), tuổi thọ họ ngắn hơn tuổi thọ của những người về hưu lúc 60 tuổi hoặc trể hơn. Hội chứng khiếm dụng (disuse syndrome) có thể là một yếu tố giải thích kết quả bất ngờ này. Đây có thể là tác dụng của sự giảm sút hoạt động về thể chất cũng như tinh thần của người hưu trí sớm, góp phần làm tuổi thọ của họ ngắn hơn.

Cách đây bảy năm (2007), cơn trận động đất ngoài khơi Chuetsu cuốn đi cơ nghiệp nhiều người ở Nhật. Trong số này có những cụ già trên 80 tuổi. Trước đó họ vẫn ra biển đánh cá, nhưng nay mất thuyền, mất nhà, họ được trợ cấp ở trong khu nhà tạm thời hay trong những khách sạn, có người đem cơm đến tận phòng. Đa số họ lẫn quẩn trong nhà, không làm việc gì cả. Tuy nhiên, người ta nhận thấy sức khoẻ các cụ già này càng ngày càng suy giảm nhanh chóng. Nói chung, họ “khờ” đi và thể lực cũng kém đi nhiều. Con đường trước nhà giốc ngày trước, một cụ già 80 đi lên đi xuống thoải mái thì nay cụ không còn leo lên được nữa. Bác sĩ Yayoi Okawa giải thích đây là những triệu chứng của "hội chứng khiếm dụng" (disuse syndrome) và giúp thiết lập những chương trình giúp cho những bịnh nhân này phục hồi hiệu quả: khuyến khích họ tự làm lấy mọi việc như dọn phòng mình ở; tự đi lãnh thức ăn ở sảnh đường khách sạn vì không có người đem cơm đến tận phòng như trước; dùng gậy chống để đi lại nếu cần, không dùng đến xe lăn; đồng thời tìm lại một số hoạt động ý nghĩa hơn đi câu bằng lưới cổ truyển, trồng rong biển; hay tham gia những hoạt động giải trí như âm nhạc, múa.

Một số nghiên cứu về liên quan giữa tuổi về hưu và tuổi thọ cũng đi đến những kết luận thú vị tương tự.

Nguyễn Công Trứ có câu thơ:

"Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,

Trầm cư bách kế bất như nhàn!"

Đâu gì thú bằng hưởng nhàn, chẳng phải làm gì cả sau một cuộc sống tranh đấu với đời, nhiều stress và nhiều ưu tư làm cho đầu bạc hoặc điểm "tuyết sương".

Vậy mà các khảo cứu gần đây lại cho thấy những người về hưu sớm có tuổi thọ ngắn hơn so với người về hưu trể hơn. Đành rằng một trong những lý do khiến người về hưu sớm có thể là họ nghĩ sức khoẻ họ yếu kém. Sức khoẻ kém cũng là nguyên nhân chung cho việc về hưu sớm cũng như việc đời họ ngắn hơn. Tuy nhiên, các nhà khảo cứu đã ý thức về cái "bias" (thiên vị) này giữa hai nhóm và đã tìm cách loại nó khỏi các tính toán lúc so sánh.

Gần đây nhất là một khảo cứu đăng trong báo British Medical Journal về các nhân viên của hãng xăng Shell Oil Company. Những người về hưu ở tuổi 55 (mà sống đến quá tuổi 65 ) trung bình chết sớm hơn những người về hưu lúc 65 tuổi. Những người về hưu 55 lúc tuổi có khả năng chết trong 10 năm sau khi nghĩ hưu 89% cao hơn người về hưu lúc 65 tuổi. Các khác biệt không thể giải thích bởi các khác biệt về giai tầng xã hội, giới tính nam hay nữ, hay là năm lúc sự việc xảy ra; mặc dù một ảnh hưởng nhỏ có thể có từ việc sức khoẻ người về hưu sớm đôi lúc có thể kém hơn nhóm kia.(1,2)

Năm 2013, một khảo cứu ở Pháp trên gần 430.000 người hành nghề độc lập ("self-employed") đã về hưu tính đến năm 2010, trong đó 2.65% mắc bịnh lẫn (dementia). Nghiên cứu do Tiến sĩ Carole Dufouil của trung tâm nghiên cứu INSERM ở Bordeaux dẫn đầu cho thấy người càng về hưu sớm, tỷ lệ bị dementia càng tăng. Hoãn về hưu mỗi năm làm giảm tỷ số mắc bịnh lẫn 3.2%, và so với người về hưu lúc 60 tuổi, người về hưu lúc 65 tuổi tỷ số bị lẫn 14,6% thấp hơn. Lại thêm một khảo cứu nữa cho thấy hoạt động tri thức (cognitive activity) - mà hoạt động nghề nghiệp là một thành phần quan trọng - ảnh hưởng đến mức dự trử về khả năng tri thức của não bộ (cognitive reserve, do tính "dẽo dai" não bộ hay “brain plasticity”), và từ đó giảm tác dụng gây thương tật trên khả năng tri thức của gánh nặng bịnh tật (cognitive impairment from disease burden).

Trường hợp này nhắc nhở chúng ta đến một tình trạng chung của xã hội phồn thịnh, cơ giới hoá và tự động hoá cao độ trong đó chúng ta đang sống. Dù là ở lứa tuổi nào, sự sống còn của mỗi người không còn tuỳ thuộc nhiều vào cố gắng thể lực của phần lớn trong giới trung lưu chúng ta, nghĩa là so với các thế hệ trước chúng ta thật rất nhàn rỗi.

Người già lúc về hưu, so với thời còn hoạt động nghể nghiệp, lại càng dễ đi vào một nếp sinh hoạt rất ít khi phải dùng đến thể lực, đó là chưa kể trường hợp phải quanh quẩn một nơi tù túng vì giới hạn đi đứng một mình. Họ ít có nhu cầu vận động trí óc hơn trước do không cần phải "bon chen" nghề nghiệp, và cũng giảm hẳn những động cơ thúc dục mình thức dậy buổi sáng để bắt đầu một ngày mới.

Walter M. Bortz II là một bác sĩ phần lớn cuộc đời làm việc Palo Alto Clinic và có nhiều công bố tiên phong về lão khoa. Ông nhấn mạnh đến ba yếu tố khác quyết định tình hình sức khoẻ của người lớn tuổi: tác dụng của tuổi tác (aging), tác dụng của bịnh tật (diseases) và yếu tố khiếm dụng (disuse). Hai yếu tố đầu tiên từng được khảo cứ nhiều bởi cha ông và những người thầy trước, riêng W.M. Bortz nêu ra tầm quan trọng của yếu tố thứ ba. Ông cho rằng đa số những hiện tượng mà chúng ta quan sát hiện nay đều phát xuất từ cuộc sống ít hoạt động của đời sống hiện đại. Những điểm chánh của bài viết "The Disuse Syndrome" của ông được tóm tắt trong phần sau đây của bài viết này.

"Hội chứng khiếm dụng" tạm dịch từ tiếng Anh "disuse syndrome", trong đó chúng ta không bàn đến disuse theo nghĩ lạm dụng, dùng sái cách, ví dụ như trong từ "substance misuse" để chỉ việc lạm dụng thuốc. “Disuse” nói đến tình huống mà chúng ta không dùng đến một bộ phận, hoặc dùng quá ít vì chúng ta không cần đến nó (ví dụ do đã có máy móc thay thế), hoặc không muốn dùng đến, cho nên chúng ta hãy tạm dịch là "khiếm dụng".

                                                                       

                                                                       

                                                                        Hình 1: Bên trái cơ vai hoạt động thường
15ahvhien --- tuoi ve huu1xuyên nên giữ thể tích bình thường hay lớn hơn;

bên phải: cơ teo, nhỏ lại vì ít dùng.

 

 

 

 

 

 

 

 

Như người Mỹ thường nói, "Use it or lose it", "không xài thì mất", có những cơ năng, bộ phận của thân thể chúng ta , nếu không xài đến , cơ năng sẽ kém đi , hay sẽ mất như sau:

  1. Cơ bắp: Sau một thời gian không xài đến cơ bắp teo lại. Dễ thấy nhất là các cơ ở tay , chân bị bó bột để bất động sau vài tuần. Người nằm nghỉ suốt ngày trên giường đi tiểu ra các chất nitrogen nhiều hơn, và mất 8 gram đạm mỗi ngày.
  2. Xương: calci và matrix (khung sườn) của xương cũng mất đi ở người không hoạt động. Nằm nghỉ một tuần làm mất 1,54 g calci. Nằm nghỉ 36 tuần làm cho xương gót chân (os calcis) bị mất 1/3 khối của nó. Các phi hành gia trên trạm không gian mất calcium trong cơ thể ở mức đáng kể, đến đổi những chuyến bay vũ trụ kéo dài quá 9 tháng khó mà thực hiện được.
  3. Tim mạch: Lượng máu tim bơm ra/ phút (cardiac output), lượng máu bơm mỗi lần tim bóp (stroke volume), cơ năng bắp cơ tim giảm qua thời gian khiếm dụng, trong lúc đó sức cản của các mạch máu chu thân (peripheral vascular resistance) gia tăng và áp huyết lên cao. Các phi hành gia, sống ở nơi không có trọng lượng nên cơ thể của họ không cần làm việc nhiều, dễ bị chóng mặt do áp huyết không lên đủ trên đầu lúc đứng dậy, cũng như do hệ tiền đình tai trong của họ quá nhạy cảm (vestibular hypersensitivity; hệ tiền đình cho óc chúng ta biết vị trí đầu trong 3 chiều).
  4. Lượng nước trong cơ thể giảm đi ở người không hoạt động. Ở người nằm nghỉ trên giường lâu, lượng huyết thanh có thể giảm từ 10-15%.
  5. Máu:Thể tích hồng cầu giảm, khuynh hướng máu đóng cục (huyết khối, thrombus) và huỷ fibrin (fibrinolysis, để làm tan các cục máu đông gây trở ngại máu lưu thông) cũng tăng.
  6. Phổi: nếu các phế quản nghẽn (bronchi) và tràn khí màng phổi (pneumothorax), không khí không vào được các phế nang (alveoli) và các phế nang xẹp lại (atelectasis) và biến loạn cơ năng phổi.
  7. Hệ tiêu hoá: nghiên cứu về hiện tượng thiếu ăn cho thấy những thay đổi trong cấu trúc cũng như cơ năng của mọi thành phần của hệ tiêu hoá cũng như những bộ phận phụ thuộc. Trong những đoạn ruột bị cô lập, không có thức ăn đi qua, các tuyến cũng như niêm mạc bị teo lại. Gan teo lại nếu thiếu ăn kéo dài, cũng như đem đến bịnh bón và viêm các túi cùng (diverticulitis).
  8. Hệ sinh dục và tiết niệu: Bàng quang (bladder) và thận teo lại (atrophy) nếu không dùng để lọc máu.
  9. Hệ sinh sản: Không sinh hoạt thể chất làm cho hormone nam thấp xuống và sản xuất tinh dịch (sperm) cũng giảm đi. Phụ nữ có sinh hoạt tính dục đều đặn có chu kỳ kinh nguyệt đều hơn là các phụ nữ ít hoạt động tính dục hơn. Masters và Johnson và Kinsey từng viết nhiều về liên hệ giữa cơ năng tính dục làm việc tốt và sự hoạt động thường xuyên trong lãnh vực đó.
  10. Nội tiết: Sau một thời gian thiếu calorie do thực phẩm cung cấp, xảy ra hiện tượng "tiểu đường vì đói" (starvation diabetes). Các men (enzymes) giúp phân giải các chất đường bị giảm đi về số lượng cũng như về hoạt tính nếu các chất đường (carbohydrates, ví dụ tinh bột) không được cung cấp cho cơ thể. Tập thể thao, vận động cơ thể làm các cơ bắp tăng các địa điểm cho insulin gắn vào (increased insulin binding sites), do đó các cơ bắp dùng insulin để tiêu thụ đường tạo nên năng lượng hữu hiệu hơn. Các tuyến như tuyến giáp, thượng thận (adrenal glands), dịch hoàn (hòn dái) cần những kích thích thường xuyên từ não bộ, nếu không chúng sẽ suy thoái.
  11. Trong các chuyến bay không gian, các phi hành gia thiếu được kích thích giác quan (như không có tiếng động, không có màu sắc), lần lần dễ bị mất phương hướng. Những người nằm nghỉ tại giường lâu cũng bị giảm khả năng nhìn, nghe và nếm.
  12. Hệ thần kinh: ít hoạt động thể chất làm hệ thần kinh giao cảm hoạt động ít hơn, chất catecholamine ít được sản xuất hơn.
  13. Các con thú nuôi ở nơi ít có kích thích (ví dụ nhốt trong chuồng thay vì chạy nhảy trong môi trường phong phú) có khả năng giải quyết tình huống chậm hơn (như tìm lối ra trong một lối nhiều ngỏ ngác), óc của chúng nhỏ hơn và các tế bào thần kinh neuron ít đâm nhánh hơn để kết nối với các neuron khác.(3)

Những kiến thức nêu trên có thể ứng dụng cho hoàn cảnh xã hội chúng ta hiện nay.

Trước hết là bịnh mập phì thật phổ biến hiện nay. Bình thường, có một liên hệ giữa mức hoạt động và lượng thực phẩm ăn vào (làm nhiều thì cần ăn nhiều), trừ trường hợp người ít hoạt động (Bortz II). Bỉnh thường, con thú chỉ ăn đủ sống mà thôi, và trong thiên nhiên ít khi bịnh mập phì xảy ra.

Thứ hai là bịnh trầm cảm (depression). Mức hoạt động thấp làm lượng các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters) loại catecholamine giảm xuống, gây trầm cảm; trong lúc hoạt động làm chúng tăng lên, làm tinh thần hưng phấn hơn. Đó là lý do những người chạy bộ thích môn thể thao này, làm cho họ thấy cái khoái cảm gọi là "runner's high".

Một hoàn cảnh khác là hiện tượng già (ageing). Hiện tượng khiếm dụng có những điểm tương đồng với hiện tượng già. Goodrick ghi nhận rằng các thú vật nuôi trong phòng thí nghiệm sống lâu hơn 11-15% nếu chúng được cơ hội tự do hoạt động trong môi trường của chúng.

Khiếm dụng cũng gây ra hiện tượng trì trệ, "ứ đọng"(stagnation) trong các bộ phận, các xoang (cavities) trong cơ thể như đàm nghẽn các phế quản, mật đọng lại trong gan hay túi mật, nước tiểu trong phần dưới hệ tiết niệu (bọng đái), thức ăn trong khúc ruột thừa , trong các túi cùng ruột , đều là nguyên nhân làm nhiễm trùng xảy ra.

Mập chỉ có lợi cho sư sống còn lúc trời thật lạnh và lúc đói kém. Nhưng giá phải trả là ảnh hưởng xấu trên sức khoẻ; các xương khớp dễ bị hư hại, thoái hoá; áp huyết lên cao; và dễ bị bịnh tiểu đường.

Tập thể những biến đổi luôn luôn đi kèm theo tình trạng "ăn không ngồi rồi", càng ngày càng phổ biến trong xã hội trù phú về vật chất hiện nay làm cho y giới gom chúng lại trong cái gọi là "hội chứng khiếm dụng", thường gặp nhất lúc tuổi trung niên với những nét chính sau đây:

1)Tim mạch dễ bị tổn thương (cardiovascular vulnerability)

2) Mập, béo phì (obesity)

3) Xương và cơ bắp yếu, dễ bịnh (musculoskeletal fragility)

4) Trầm cảm (depression)

5) Già trước tuổi (premature ageing).

Trong xã hội đầu thế kỷ thứ 20, năm 1936, Hans Selye (1907-1982) mô tả "hội chứng thích ứng chung" (general adaptation syndrome), mô tả hiện tượng xảy ra lúc cơ thể phải đối phó với stress tác dụng trên toàn cơ thể, gồm 3 giai đoạn:

a) phản ứng báo động (alarm reaction),"đánh hoặc tránh" ("fight or flight”)

b) giai đoạn kháng cự (ví dụ, người bị stress không ăn được thì đồng thời giảm hoạt động để bớt tốn năng lượng)
15ahvhien --- tvh2

c) giai đoạn kiệt sức (stage of exhaustion), cơ thể và hệ miễn nhiễm bị stress kéo dài quá lâu, "hết chịu nổi", mất sức đề kháng, và suy sụp vì đau tim (heart attack) hay vì nhiễm trùng.

Thời đó là lúc hầu hết xã hội loài người còn đang thiếu thốn thực phẩm, "tay làm hàm nhai" cũng chưa đủ ăn. Sau thế chiến thứ hai, các xã hội tây phương chuyển dần qua "xã hội giàu có" (“The Affluent Society”, John K. Galbraith), trong đó cái ăn, cái mặc không phải do nhu cầu thật sự, vì ai cũng ăn no, mặc đủ rồi, mà do quảng cáo tạo nên sự ham muốn và đòi hỏi từ người tiêu thụ, làm cho họ phải ăn phải mặc nhiều hơn. Và lúc đó, bắt đầu hiện tượng ngược lại của thời Hans Seyle, từ quá cực, quá mệt, ăn quá ít làm quá nhiều, chuyển qua "quá khoẻ", quá nhàn rổi, ăn quá nhiều, làm việc tay chân quá ít. Và đó là điểm xuất hiện của "hội chứng khiếm dụng" kể trên.

Vào các thập niên cuối thế kỷ thứ 20, sau khi chịu stress vì chiến tranh, cải tạo, kinh tế bao cấp, vượt biên và trại tỵ nạn, cũng như stress của việc thích ứng với cuộc sống mới và xa lạ, người Việt hải ngoại lại đi trước trong hội chứng này vì định cư ở các nước phương tây. Các con rồng Đông Nam Á như Đài loan, Singapore, rồi Trung quốc, và sau đó Việt Nam sau thời mở cửa lẻo đẻo theo sau với sự gia tăng của xe hơi, xe máy, máy lạnh, thang máy đi kèm với các thực phẩm kỹ nghệ như đồ ăn liền, ăn nhanh, tivi và máy tính chiếm hết thì giờ nhàn rỗi.

15ahvhien ---tvh3

Hình 4: Theo tài liệu này, người Việt có BMI (tỷ số trọng lượng cơ thể) trên 25 (quá cân hoặc mập) là 14.5%, thấp hơn các xứ lân cận; 3,29 triệu người VN bị bịnh tiểu đường; và chừng 15.3% không hoạt động thể lực, chỉ nhiều hơn Cambodia. Ít hoạt dộng nhất là Malaysia (61.4%). (Source: South East Asia Globe)

Hiện nay, với thời kỳ toàn cầu hoá, hiện tượng khiếm dụng lan rộng khắp thế giới, với 1/3 dân số toàn cầu mập phì. Điều thú vị là ở các nước giàu và mập lâu như Mỹ, giai tầng kinh tế xã hội càng cao thì càng ít bị mập, trong lúc đó, ở các xứ mới nổi Đông Á, Châu Phi, dân càng giàu thì càng mập, càng mang hội chứng khiếm dụng chúng ta bàn hôm nay. Hy vọng, nếu ý thức nhiều hơn về những nguy hiểm của xã hội giàu có, chúng ta, những kẻ mới được tham gia vào bàn tiệc thịnh soạn và êm ái, sẽ cảnh giác vận dụng các bắp thịt và xương khớp đều đặn để giữ chúng trong tình trạng tốt. Vì như người Mỹ thường nói " Use it or lose it!" (Không dùng thì mất, ráng chịu!). Đối với người lớn tuổi, lúc vể hưu có lẽ không nên sớm quá và cần được thay thế bằng một cuộc sống giảm năng động nhưng nhiều ý nghĩa.

References:

(1) http://mindyourdecisions.com/blog/2011/09/21/no-retiring-early-wont-kill-you-understanding-studies-of-retirement-and-longevity/#.VMFbPEfF-So

(2) Shan P. Tsai Age at retirement and long term survival of an industrial population: prospective cohort study

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1273451/

(3) Ross Stolzenberg. Retirement and Death in Office of US Supreme Court Justices.

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3000028/

(3) Bortz WMII:The disuse syndrome [Commentary]. West J Med 1984 Nov; 141:691-694

(4) Achenbaum WA, Albert DA,:1995, Profiles in Gerontology. p.47 Connecticut, Greenwood Press.

(5) Keep working to keep dementia at bay?

http://www.medscape.com/viewarticle/807890

Bác sĩ Hồ văn Hiền

(Hien V. Ho, MD, FAAP)

 

Ngày 5 tháng 12, năm 2014

Ngày 18 tháng 3, năm 2014