"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

Bánh Tráng Nghệ Thuật

Bình Định có bánh tráng. Bánh tráng ở quê tôi dày và to. Khi đói, nhúng nước, cuốn lại, ăn không ba bốn cuốn, uống một gáo nước lạnh, một lát sau, no như bữa cơm chiều. Xưa lính của vua Quang Trung nhờ mang bánh tráng nhẹ, ăn bánh tráng no mà chạy nhanh về bắc, đánh giặc Tàu như sấm bưng tai.

Sau này đi lưu lạc nhiều nơi. Bánh tráng các miền khác thường mỏng và nhỏ. Trông thanh cảnh nhưng ăn kém no. Cuốn hay rách. Mới đầu tôi thích ăn cái đẹp của mỏng và nhỏ. Về sau mới nhận ra chất dày và lớn khuôn là chất của máu tôi.

Một người làm thơ đã ăn uống ngôn ngữ của dân tộc, lại thấm nhuần cái hay dở của ngôn từ địa phương mà cố bắt chước cách xử dụng ngôn năng của địa phương khác thì giống như đa số người da đen. Họ thường dẫn đầu khi chơi thể thao hoặc ca nhạc nhưng bước vào ngạch công chức hạng A, B thì dở trăm bề.

Một bài thơ tương tự như cái bánh tráng ở quê tôi. Nhìn từ ngoài thấy lớn, dày và cứng cáp. Nhúng nước lại dẻo dai. Gói biết bao là gia vị hương sắc đời sống bên trong mà không rách. Ăn no bền. Làm bằng bột gạo nguyên chất. Như cơm.

Có những nhà văn nhà thơ người miền trong lại giả giọng bắc khi sáng tác vì họ nghĩ văn chương "chính thống" tràn từ bắc vào nam. Đọc họ. Tôi cảm thấy có giả lợn cợn như người bắc hát cải lương, như người nam hát chèo. Tôi càng già càng thích nhai trứu bánh tráng Bình Định. Có chất ồ chấy, chất thàng và củ mì.

Người Bình Định thường nói: "Dẫy na". Câu ấy có thể là câu tóm gọn của nguyên văn: Phải như vậy không ạ? (Thật như vậy không). Dùng như câu hỏi hoặc dùng như câu đệm khi lòng đã thuận nhưng tỏ một chút ngờ.

- Nghe nẫu nói: Tiền ở Mỹ đẹp hơn thơ.

- Dẫy na?

- Mời bạn đi uống cà phê nhưng bạn phải trả tiền.

- Dẫy na. Chơi dẫy ai chơi.

Dẫy na là một thí dụ điển hình về sự đặc thù của ngôn ngữ địa phương. Vùng nào cũng có tiếng riêng của vùng ấy. Thơ không cần phải dùng những chữ đặc thù này, ngoại trừ cố ý. Nhưng cá tính của ngôn ngữ từng vùng từng miền tức là một phần cá tính của tác giả đã sinh trưởng hoặc lớn lên ở đó. Không thể hiện được tinh thần ngôn ngữ địa phương nhau rốn, máu thịt tức là thơ chưa chín cá tính.

Khi thơ trọng về ngôn ngữ thường ngả về diện xúc tích như thơ của Lê Đạt trong Bóng Chữ. Thơ quá xúc tích trở thành bài toán mà tình cảm bình thường ít muốn dây dưa.

Ngôn ngữ thơ xúc tích hay không là tùy cá tính và thói quen của tác giả trong giai đoạn sáng tác ấy. Có người suốt đời thích chơi chữ xúc tích. Càng khó càng khoái. Có người thay đổi theo từng giai đoạn. Có người lại tùy vào loại thơ mà dụng ngôn ngữ.

Loại thơ thường tùy thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm, hồn thơ và cảm hứng lúc sáng tác bài thơ của từng tác giả.

Chữ thơ đến tự nhiên. Có những bài thơ viết một mạch từ đầu đến cuối. Như đang đói bụng, bưng tô cháo lên, húp cái rụp. Ngon đáo để. Húp hết vẫn thòm thèm. Muốn viết thêm vài chữ mà đã cạn đáy. Chữ nhảy ra nghiêng ngả ra sao thường dễ như vậy. Sửa đổi vài chữ là nhiều.

Có những bài, khi bắt đầu, ý niệm và ngôn ngữ trào ra. Lúc dồn dập lúc yếu ớt. Đê mê nhất là khi ý tứ và ngôn từ lần lượt tuôn ra hết câu này đến câu khác. Một lát sau, khi cảm hứng tan dần, ý tứ bắt đầu cà khựng, phải nghĩ đi nghĩ lại mới tìm ra chữ hoặc tứ. Đột nhiên có cảm giác lắng dịu. Đọc lại thấy cũng khá. Chưa vừa ý chỗ này, đẽo một miếng. Chưa vừa ý chỗ kia, đắp một mảnh. Biết đã đến lúc chấm hết. Tự dưng câu thơ kết xuất hiện. Đôi khi lảo đảo một chút nhưng thường sẽ rớt vào đúng chỗ. Một cảm giác khoan khoái tràn ngập. Đọc đi đọc lại thấy sung sướng. Có khi để y như vậy. Có khi sửa lui sửa tới. Sửa nhiều quá là dấu hiệu nên vất bỏ bài thơ. Những bài thơ ngắn thuộc về cảm tính thường được sinh sản một trong hai cách trên. Thông thường, tôi để những bài thơ bị nghi ngờ đẻ non, bị tàn tật, bị nhiễm trùng qua một bên. Vài hôm sau đọc lại, hoặc bỏ hoặc giữ hoặc tiếp tục nghi ngờ. Tháng sau đọc lại. Năm sau đọc lại. Trước khi in sách, đọc lại. Nhiều con, bỏ bớt có khi dễ nuôi.

Thơ dài, thơ trường ca hoặc thơ ngả về diện động não xuất hiện khác hơn. Chậm hơn nhưng kết tụ những nhận xét hoặc ý suy tư lâu ngày. Có bài làm rất lâu. Có khi cả năm hoặc hơn. Điều quan trọng ở thể thơ này là cảm xúc. Phải kéo tiếp nhau như đợt sóng. Khi lớn khi nhỏ, đưa vào ý tứ mới, xáo động mới, nhiệt lực mới, say sưa mới. Giống như một người tự xây nhà cho mình. Xây xong phóng khách. Xây tiếp phòng ăn. Phòng này cửa lớn. Phòng kia hai cửa tròn. Ngừng lại suy tư. Lấy thêm chất liệu. Xây sang phòng ngủ. Lúc nào cũng tận tâm tận lực làm cho hoàn hảo. Say sưa làm ngày làm đêm nhưng không làm ẩu. Đặc biệt là bắt đầu xây theo một đồ án đã kế hoạch xanh sẵn nhưng thường chấm dứt bằng một ngôi nhà khác hơn. Có khi khác hẳn. Nghệ thuật vốn là sự kết hợp của tự nhiên và ngẫu nhiên phát ra từ một tài năng được chuẩn luyện lâu ngày.

Làm được một bài thơ dài ưng ý là một duyên ngộ, một lần may mắn. Cảm xúc èo uột hoặc tiệt nửa đường là bỏ. Nghỉ một thời gian, đọc lại, cảm xúc vẫn mạnh đủ để bật sáng tác thành lửa đốt tiếp, đòi hỏi tác giả phải yêu thích và say sưa với những điều còn muốn nói. Tìm giá trị của bài thơ dài là tìm sức lôi kéo của sáng tạo qua từng ngã quanh. Tưởng đã tàn vậy mà bừng bừng lôi cuốn như con sóng vừa rút đi đã đập tới con sóng khác. Tôi tập làm thơ dài để tập sự nhạy cảm. Tôi yêu cảm giác lúc tình ý hỗn loạn chạy xuống những ngón tay nhẩy lọc cọc trên bàn chữ điện toán. Vừa đánh cho kịp vừa thoáng hối hận đã không chịu học đánh máy đàng hoàng. Có khi tổ trác, cắm cuối nhìn ngón tay sợ gõ trật, ngẩng lên xem màn ảnh chẳng hiểu đã viết gì. Số và chữ lẫn lộn vào nhau.

Thơ có giá trị không cứ ở thời gian sáng tác, không tùy thuộc chiều dài của bài thơ, không ăn thua đến loại thơ gì. Làm thơ là làm thơ. Các thứ khác, mặc kệ. Nhất là qui tắc và luật thơ.

Người Bình Định cố tật ồ chấy, nói nhiều làm ít. Tính này ăn khớp với thơ. Nhưng hay cứng cổ cãi vã về qui tắc. Trọng truyền thống, lễ nghi như người đội đá. Nhà văn Cao Hành Kiện, nhà văn Trung Hoa vừa lãnh giải Nobel văn chương năm 2000, có viết, truyền thống là những viên đá, chỉ nên dùng để lát đường đi, không nên mang trên vai.

Truyền thống bắt nguồn từ sáng tạo nhưng lại kềm hãm và giết chết sáng tạo. Không có truyền thống, không có hôm nay. Chỉ có truyền thống, không có ngày mai.

Cũng như bánh tráng. Xưa nhúng nước, chấm nước mắm nhĩ ăn không. Sau biết quấn bún, bánh xèo, nem chả. Bây giờ bánh tráng qua đến Mỹ, thiếu gì thứ để quấn. Chưa thử làm sao biết không ngon?

Ngu Yên