"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Thơ Trình Diễn

Thơ Trình Diễn là loại thơ dùng trình bày trước công chúng, trên sân khấu hoặc trong những buổi họp bạn. Diễn viên là nghệ sĩ chuyên nghiệp như ca sĩ hoặc kịch sĩ. Nhưng cũng như các bộ môn nghệ thuật trình diễn khác, thơ Trình Diễn thường được trình bày bởi các người có máu văn nghệ, các tài năng không chuyên nhưng nghệ hứng và chính tác giả.

Thơ Trình Diễn có thể độc diễn như đơn ca. Song diễn, tứ diễn, hợp diễn như nhạc kịch. Tuồng tích theo lối cổ điển, kịch ngắn hoặc kịch ngày nay, kịch dân gian hoặc mảnh rời như phương pháp quảng cáo. Kỹ thuật xử dụng từ những cách thức căn bản nhất như đọc thơ, động tác trong kịch câm cho đến những diễn xuất học thuật, chuyên luyện, tâm lý phức tạp, tổng hợp như điện ảnh. Nghệ thuật trình diễn không có giới hạn, theo cá tính và sáng tạo của mỗi diễn viên và theo phong cách dàn dựng của mỗi đạo diễn.

Đặc biệt, trình diễn thơ Trình Diễn là đồng tạo diễn giữa tác giả và diễn viên. Nhà thơ sáng tạo ra thơ và một tổng cảnh ý với sự chuẩn nhận cho diễn viên tự do sáng tạo theo tâm ý và cảm riêng của họ và riêng từng hoàn cảnh. Từ bản chất ấy, thơ Trình Diễn mỗi người diễn, mỗi lần diễn đều có sự khác biệt. Nghệ thuật chính yếu phải chăng là sáng tạo? Sáng tạo phải chăng là một sự lập lại mà không giống? Sự lập lại theo nghệ thuật riêng của mỗi người?

         Nếu thưởng thức thơ Trình Diễn bằng cách đọc trên sách báo thì không thể nào trọn vẹn. Như lấy một bản nhạc ra xem, nếu là người sành nhạc, có thể nghe nhạc lên xuống trong trong tâm não, có thể xướng âm, cất lên tiếng hát nhưng đối với đa số người bình thường, những hàng gạch chi chít dấu đen trắng, dấu lặn dấu liên, trông đẹp mắt mà rối trí. Đọc lời một bài nhạc, chưa đủ để thẩm định toàn thể bài nhạc. Thơ Trình Diễn cũng thế, phải thấy người, động, đèn, diễn, cảnh và nghe lời, nhạc, âm thanh cùng một lúc, mới có thể chia sẻ bài thơ. Nói một cách khác, đọc một kịch bản và xem diễn kịch là hai chuyện khác nhau, có khi rất xa dù từ một văn bản, một tác giả.

         Đã qua rồi thời các thi sĩ là những vì vua trong cung điện ngôn ngữ. Người thưởng ngoạn tìm đến sắp hàng nhận lãnh ân huệ: Điều mà họ cho rằng thơ là món ăn tinh thần cao quí.

         Đã qua rồi ngày những bài thơ được trang trọng chép tay và thi sĩ bỏ tay vào túi quần đi lên đi xuống không màng độc giả. Thơ và thi sĩ chết dần theo thời gian vì lòng kiêu hãnh và tự ảo. Một quân vương không cung son, không quân tướng, không cung tần mỹ nữ, có khi không cả hoàng hậu. Nhìn quanh độc giả mỗi ngày mỗi ít. Thi sĩ thật mỗi ngày mỗi bị diệt chủng. Hễ cỏ lùng mọc cao thì cỏ tốt héo dần. Cỏ lùng xanh lâu khiến thiên hạ quên màu xanh của cỏ thật. Biết đâu giống gà ngày xưa biết ăn bươm bướm chuồn chuồn bây giờ chỉ biết ăn trùng ăn giun?

         Thơ Trình Diễn mong ước: Chúng tôi sẽ khôi phục lại thơ. Bắt đầu bằng cách chia sẻ cùng thưởng ngoạn qua những nghệ thuật sân khấu, ca, nhạc, kịch....cho đến phim ảnh. Chúng tôi có thể vượt hơn thế nữa vì chúng tôi đến với quí vị bằng trực giác. Chúng tôi có lai láng tình cảm đủ và hơn tất cả những bộ phim từ Cuốn Theo Chiều Gió cho đến Đường Đời Muôn Vạn Nẻo. Chúng tôi có sâu rộng trí tuệ hơn những điều Zarathustra đã nói. Thành thật hơn Tạng Thư Sống Chết. Thực tế hơn Water Gate. Công bằng hơn O.J.Simpson. Và trời đất hơn nhóm người Sao Chổi ( Heaven Gate). Xin hẹn nhau thế kỷ 21.

         Cường điệu là một sức lực mà tâm lý cần có để mơ mộng. Điều hy vọng ở thơ Trình Diễn mong ước sẽ bao che phần nào lòng thất vọng của vị thế thi ca ngày nay. Có ai đã nói rằng: Hãy nhắm mặt trăng mà bắn. Nếu trật sẽ trúng ngọn cây. Nhắm bắn ngọn cây, khi trật sẽ trúng ngọn cỏ.

         Một trong những điều phải có của Thơ Trình Diễn là sự cộng hưởng của khán thính giả. Một bài thơ, thuộc về tác giả ở phần đầu tiên: sáng tác. Khi trình diễn, bài thơ thuộc về diễn viên diễn đạt tâm ý tác giả qua tâm ý của họ. Phần sáng tạo của diễn viên cũng cần thiết và quan trọng như sáng tạo đầu tiên của tác giả. Khi thưởng thức, khán giả thâu nhận hai tâm ý kết hợp trên vào tâm ý của riêng mình. Một lần nữa sự thưởng ngoạn lại sáng tạo bài thơ. Cùng một bài thơ, người thưởng ngoạn cảm nhận khác nhau. Không hoàn toàn khác nhau mà khác nhau ở ý nghĩa: Đồng dạng dưới nhiều khía cạnh nghệ thuật đặc thù của mỗi người.

       Tôi bắt gặp thơ Trình Diễn trong vài trường hợp có thể gọi là hữu duyên thiên lý.

       Đến thành phố New Orleans trong một ngày non mùa đông. Cảnh phố xá tàn sáng Chủ Nhật lơ mơ mùi tiêu điều. Thức sớm. Cà phê đặc sản Pháp lai du khách. Uống cà phê nóng trong buổi sáng lạnh, thích thú không phải ngồi một chỗ nhâm nhi mà đi bộ phất phơ, húp từng ngụm nhỏ. Tôi đi vào công viên French Square. Từ xa đã nghe tiếng đọc thơ sang sảng. Một anh da đen đi qua đi lại trên những bậc cấp cao ở giữa công viên. Mặc chiếc măng tô đen, phai xám vì cũ. Anh đọc thơ như người lên đồng. Cả thân người động đậy theo lời thơ. Tay chân nhịp nhàng theo ý thơ. Đứng lên. Ngồi xuống. Vặn vẹo. Tự nhiên như đã tập luyện lâu ngày. Tôi bị tiếng đọc và sự trình diễn của anh thu hút. Dừng chân dưới thang cấp, say sưa theo dõi. Nghe vài phút sau, tôi chợt hiểu ra, anh đang đọc Thánh Kinh. Đoạn Chúa Giê Su thương khó trong vườn cây Dầu. Đêm trước ngày chịu nạn thánh giá. Là người tu xuất nên tôi bắt được ngay lời kể trong kinh thánh. Tôi đã nghe đọc đoạn kinh này rất nhiều lần bởi nhiều cha, nhiều thầy, nhiều bổn đạo khác nhau. Chưa ai đọc hay và thần thái như anh. Trong nhà dòng, tôi còn học về thần học. Chiêm nghiệm từng lời từng trang trong kinh thánh. Vậy mà khi xem bộ điệu theo ngôn ngữ diễn xuất của anh da đen, tôi cảm giác được nỗi sợ hãi của Chúa Giê Su khác với những gì tôi đã học đã tin. Chúa sợ sẽ đau đớn, sợ phải chết hay sợ những đau đớn và sự chết của mình sẽ là nguyên nhân của nhiều đau đớn, nhiều sự chết sau này?

         Một hôm được tin ông Dario Fo, kịch tác gia kiêm kịch sĩ người Ý, vừa đoạt giải Nobel văn chương năm 1997. Nhận lời nhà văn chủ bút báo Văn Học, ông Nguyễn Mộng Giác, nhờ viết bài giới thiệu ông Dario Fo. Tôi có dịp đọc kỹ những tác phẩm của ông Fo trong thư viện và những bài viết về ông trong các báo văn chương ngoại quốc. Tôi rất chú ý và say sưa về những vở kịch ngắn một màn do ông sáng tác. Nhất là những phương cách và quan niệm trình diễn độc đáo. Ông Fo trình diễn kịch như một sơn đông mãi võ. Ông trình diễn bất cứ một nơi nào, trên đường phố, trong công viên, trong hội trường, trong hàng quán. Và đặc biệt, ông không câu nệ phải diễn giống nhau. Có những vở kịch, ông viết hai hoặc nhiều màn kết khàc. Người xem thưởng thức được sự bất ngờ.

         Không biết vì lý do gì, tổng thống Clinton gọi tháng tư là tháng thi ca. Có lẽ, nhận thấy tình trạng khốn khó của thơ, cần có sự hỗ trợ. Tôi theo dõi chương trình thơ trên đài truyền hình. Nhiều thi sĩ tham dự đã đọc thơ của mình hoặc những người có khoa nói, đọc thơ của các thi sĩ nổi tiếng. Đêm ấy thứ Tư. Thức khuya. Chờ thơ. Xem một thi sĩ trẻ, nhắm dưới 30, đứng giữa sân khấu rộng, đọc thơ với cây đàn đại hồ cầm. Anh đọc rất thường. Không xuất sắc lắm. Nhưng người búng dây đại hồ cầm đã làm cho bài thơ sống động, hấp lực một cách thú vị. Lời thơ đọc xuyên qua xuyên lại tiếng đàn bừng bưng bứng bừng. Tuyệt thủ.

         Tôi thường nghĩ đến thơ. Thói quen như nghĩ đến công việc hàng ngày. Tôi thấy thơ thoi thóp. Hấp hối với cơn bệnh không độc giả. Thơ càng đi vào bế tắc càng sinh ra nhiều người làm thơ không thực tài. Càng lũ lượt kẻ vô tài, thơ càng bế tắc. Giống như câu chuyện thầy dạy học. Khởi đầu xã hội chú trọng đến học vấn, có nhiều thầy dạy giỏi. Thầy dạy giỏi đào tạo học trò giỏi. Vì giỏi nên học trò đi làm nghề khác, nhiều lợi tức hơn. Lương bổng của thầy càng ngày càng kém. Vì sinh kế thầy giỏi đi làm việc khác. Ít ai có khả năng lại muốn theo nghề dạy học. Không có thầy giỏi. Học trò dở lần. Học vấn dậm chân hoặc kém xuất sắc. Tình trạng làm thơ còn tệ hơn dạy học. Nhất là làm thơ Việt, không có lợi tức, không có người đọc. Nhiều người không biết làm gì thì làm thơ. Khiến cho thơ tạo ra một tầng lớp thi sĩ bị xem thường. Làm sao thơ có thể có một vị trí tử tế hơn? Làm sao cho thơ đến được giới thưởng ngoạn? Làm sao cho số đông người ủng hộ thơ?

         Lấy hội họa và âm nhạc làm mốc suy nghĩ. Hội họa có lợi điểm hơn thơ vì xử dụng ‘ngôn ngữ’ quốc tế. Ngôn ngữ thơ bị giới hạn bởi dân tộc. Hội họa có thể dùng trang hoàng. Danh họa còn là một bảo tàng. Có bài thơ thời danh nào bán được một ngàn? Âm nhạc (ca khúc) giống thơ về lời nhạc nhưng giống hội họa về phần nhạc. Nhạc là ngôn ngữ quốc tế. Nhạc được phổ biến rộng rãi nhờ có ca sĩ trình diễn.

Ngu Yên