"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Đẹp Làm Xấu Cái Đẹp Để Đẹp

   Nghệ thuật là làm đẹp, cùng một lúc là làm xấu cái đẹp một phần nào. Điều này đã hẳn nhiên. Lắm lúc nghệ thuật là làm xấu hoàn toàn cái đang đẹp. Phủ nhận cái đẹp hiện hành. Làm đẹp để đẹp hơn và làm đẹp để đẹp một cách khác là hai chuyện khác nhau, thường khi nghịch nhau. So sánh một thiếu nữ son phấn, cắt mắt hai mí, gò đường thẳng, nắn đường cong và một thiếu nữ giải phẫu để trở thành đàn ông. Mỗi người đeo đuổi mỗi quan niệm đẹp, mỗi cách biểu hiện đẹp, mỗi cách sống đẹp.

   Con chó nhà tôi, giống chó lai. Lai dòng gì không ai biết. Tập mấy, nó cũng ngu. Đi bậy trong nhà. Mỗi ngày đều hốt quăng vào bực bội. Nhưng phân nó lạ lắm, tròn như viên bi hơi méo. Đen thui và bóng. Phân dĩ nhiên hôi. Nhà hôi. Lòng hôi theo. Một hôm, thức dậy sớm. Ngồi ngụm hớp cà phê đầu ngày. Thơm quá dữ. Ánh nắng vừa lên chạy băng băng từ ngoài rào, rần rật vào nhà. Nhảy cao qua cửa sổ. Rớt xuống thảm. Chạy bay đến một đám phân đen bóng. Chợt lóng lánh như mắt ve chai xá xị. Năm cục bày hàng, xếp hình hoa nở, đóa hoa Mai đen. Vừa đẹp vừa hôi.

   Nhưng sự hiện hữu của con người dù vô tình hay cố ý đều tiến tới chỗ làm đẹp chung. Dù mạnh ai nấy làm đẹp theo cách riêng, sẽ có lúc đẹp bị đòi hỏi có đa số điểm đồng để được số đông chấp nhận. Nếu đã không có cái đẹp tuyệt đối, cái xấu tuyệt đối thì phải công nhận cái đẹp, cái xấu được chấp nhận. Nhưng đặc điểm của sự tiến bộ là chống đối. Khi cái đẹp xấu vừa được đa số đồng ý và tiêu chuẩn hóa, lập tức, ở đâu đó, một người nào đó, phản đối. Sự phản đối có khi thành công, có khi thất bại. Nếu thành công, cái đẹp xấu theo tiêu chuẩn mới được thành lập. Và khi được đa số đồng ý, phản đối lại bắt đầu. Vòng tròn xoáy trôn ốc sẽ mãi tiếp tục để mang nhân loại di động với những hệ lụy hay dở vui buồn của tiến bộ.

   Phản đối vì không đồng ý với quan niệm đương thời. Nghĩ rằng chưa hoàn toàn đúng hẳn, có thể làm đúng hơn. Phản đối vì cho rằng quan niệm đương thời đã lỗi thời hoặc sai lạc, cần sửa đổi toàn bộ. Thái độ trước đưa tới canh tân. Thái độ sau đưa đến cách mạng. Hành động canh tân hoặc cách mạng đều làm xấu cái đẹp hiện đại để xây dựng cái đẹp tương lai. Sự cách mạng nghệ thuật ở Âu Châu thời Phục Hưng. Sự cách mạng Thơ Mới ở Việt Nam. Sự canh tân của thơ Hậu Chiến. Sự canh tân của Siêu Thực tiếp nối cuộc cách mạng của Da Da.

   Bất cứ một nghệ sĩ chân chính tài hoa nào cũng liên tục làm xấu cái đẹp chung để tư duy và sáng tạo cái đẹp riêng theo đường lối canh tân hoặc cách mạng. Biết cách làm đẹp chỉ là một nghệ sĩ trung bình. Biết cách làm xấu là nghệ sĩ phản kháng. Biết phải phá cái đẹp để tìm cái đẹp là đức can đảm cộng lòng đam mê trên một niềm tin sáng tạo đương dụng đã chết.

   Trong khi nghệ thuật là làm đẹp thì sáng tạo hình như là làm xấu. Trong cái đẹp tiêu chuẩn đương thời đã có những mặt xấu tự tại của nó. Sáng tác bình thường là khai thác những tiêu chuẩn đẹp đã được công nhận, đã được xử dụng, Kết quả dễ được người chung chấp nhận. Những sáng tác này có vẻ đẹp giống nhau và giống một tác phẩm lớn, một tác giả lớn nào đó đã thành tượng. Sáng tạo là khai phá những mặt xấu đang ẩn trong cái đẹp đương dụng. Chứng minh nét xấu ấy không xấu như nhiều người nghĩ. Và truyền bá cái xấu ấy là cái đẹp trong tương lai. Việc làm này khiến cái đẹp bị lấm lem, khiến những người đang yêu cái đẹp bị xúc phạm. Trước khi cái xấu trở thành đẹp, cái đẹp hiện dụng bị làm xấu. Không phải lúc nào sáng tạo cũng thành công. Nhưng bản chất của sáng tạo là đổi thay. Hành trình sáng tạo là phản đối cái đẹp đã định. Công việc sáng tạo mãi mãi là làm xấu. Hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác, họ liên tục đi tìm cái đẹp. Họ có thể tìm ra ánh sáng riêng nhưng chẳng bao giờ tìm thấy cái đẹp chung, cái đẹp tuyệt đối cho nhân loại. Nghệ sĩ chân chính, phải chăng là những kẻ chuyên làm xấu?

   Khi nhìn thấy và yêu cái xấu tự tại trong cái đẹp, người nghệ sĩ đã bắt đầu cuộc hành trình canh tân hoặc cách mạng. Canh tân thường ôn hòa. Cách mạng thường đổ máu. Làm xấu cái đẹp không phải chỉ vì ý thích mà cần phải ý thức rõ rệt việc làm. Mang câu hỏi Decartes, cầm cái búa Nietzches, vừa hỏi vừa đập, vừa nghi ngờ vừa thao thức vừa suy tư tìm kiếm những giá trị sai lầm hoặc lỗi thời hoặc giả tạo. Nghi ngờ thì như kẻ không biết, không tiền kiến. Đứa bé hỏi mẹ nó: Cái gì vậy. Mẹ la: Đừng hỏi bậy. Lớn lên, nó thích cái ấy. Đập phá thì như thiền sư. Hỏi: Lạnh quá. Con tìm đã khắp nơi. Chỉ có tuyết, không thấy củi. Trả lời: Tượng bằng gỗ. Đốt đi.

   Nếu nghệ thuật là làm đẹp, sáng tạo là làm xấu, nghệ sĩ là kẻ làm xấu trong khi tìm đẹp, thì thơ và làm thơ nên nhìn lại theo thứ tự Thế nào là thơ dở? trước khi trả lời thế nào là thơ hay.

Ngu Yên