"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

Sipho Sepamla:
Kỹ Thuật Nhấn Trong Thơ Đấu Tranh

Kỹ thuật có thể thiếu nghệ thuật nhưng nghệ thuật không thể thiếu kỹ thuật. Vì vậy kỹ thuật là một phần quan trọng căn bản của sáng tác và sáng tác là một tiến trình chờ đợi sáng tạo. Sáng tạo là tất cả những gì gọi là nghệ thuật.
Kỹ thuật là kết quả của chọn lọc từ kinh nghiệm của khả năng làm tốt đẹp, hay hơn, đúng hơn từ những sự vật bình thường hoặc những sự vật, sản phẩm không có tiêu chuẩn. Kỹ thuật có tính cách "máy móc", qui tắc, phương thức. Trong khi nghệ thuật từ gò bó, qui định vượt lên để đưa cái tốt đẹp bình thường trở nên khác thường. Nói một cách khác, kỹ thuật làm cho sự kiện chưa đẹp chưa tốt trở nên tốt đẹp và từ đó nghệ thuật làm cho tốt đẹp này khác hơn, mới hơn, giá trị hơn. Kỹ thuật sáng tác thơ cũng không ngoại lệ.
Người ta thường nói đến kỹ thuật của con kiến, con ong xây tổ hoặc tổ chức đời sống. Nói cho cùng, đó không phải là kỹ thuật chỉ là bản năng. Tạo hóa sinh ra, ong và kiến đã như vậy. Không thêm, không bớt, nếu có chăng là xoay quanh địa hình địa thế để sinh tồn. Kỹ thuật tự thân là biến hóa, thay đổi theo đời sống. Là sản phẩm của trí tuệ. Và là sản phẩm của con người.
Con chim hót hay khác với con người hát hay. Con người càng ngày càng có kỹ thuật để hát hay hơn, hát thích hợp với nhiều thể điệu, nhiều loại âm nhạc. Chim chỉ hót như vậy, từ tiền sử đến nay. Con két kêu ú ớ được tập thành nói oang oang, chẳng phải vì con két có kỹ thuật mà vì con người có kỹ thuật tập cho két nói. Kỹ thuật sáng tác thơ cũng không ngoại lệ.
Có người cho rằng làm thơ không cần kỹ thuật. Như vậy là muốn nói đến sinh nhi chi tri, sinh ra với tài năng thiên phú để làm thơ. Không có bao người, ngoài ra nếu không có học tập, kỹ thuật nghệ thuật nuôi dưỡng về sau, tài năng thường sẽ bị thui chột, đứt gánh...

Mỗi bài thơ là một phần ý tưởng, một phần kinh nghiệm, một phần tâm tình, một mảnh đời con của thi sĩ. Để người đọc có thể chia xẻ được bài thơ, người làm thơ phải biết rõ mình viết cái gì. Thậm chí, nếu bài thơ viết về không có gì để viết, người đọc cũng có thể cảm nhận được ý tác giả. Nhất là những loại thơ có tính cách thuyết phục hoặc xách gợi tâm tình và lý trí mà không diễn đạt được, thông thường là bài thơ thất bại. Trong quan niệm nghệ thuật hóa, bài thơ vẫn có những mấu chốt, những kỹ thuật để chia xẻ mà không bị rơi vào hạng bình dân.

viên đạn
      thật ra, chẳng bao giờ là đồ vật tốt
viên đạn
      được sinh ra để hăm dọa      để gây thương tích      để giết chết
viên đạn
      do nhân loại làm nên      trở thành vô nhân
viên đạn
      là kẻ thuyết phục hèn nhát      đối nghịch với bàn tay
viên đạn
      hóa người sử dụng trở nên hung ác      sát nhân qua định nghĩa đạo đức
viên đạn
      banh xương thịt ra      để trái tim nằm lại
viên đạn
      xuyên qua lưng trẻ con      giết và giết và giết

(Bullets)

Ông Sepamla viết bài thơ Viên Đạn với một ý định rất rỏ ràng:

  • Vũ khí được tạo ra từ lý do bảo vệ con người nhưng đã trở thành giết người.
  • Con người sử dụng vũ khí vô nhân đạo sau bình phong nhân bản.

Và ông đã khéo léo dùng hình ảnh viên đạn là vũ khí nhỏ nhất nhưng căn bản nhất và trực tiếp nhất để giết người. - Đó là kỹ thuật biểu tượng-tượng trưng.
Bài thơ không viết hoa. Không có bắt đầu, không có chấm dứt, chỉ có xuống hàng và những khoảng trống. Hãy tự hỏi, tại sao lại để những khoảng trống? - Đó là kỹ thuật thuộc về trình bày (layout): Liên tục và ngập ngừng.
Bài thơ bắt đầu từ cảm nghĩ nhìn ngắm viên đạn và kết bằng hành động cao độ nhất của viên đạn: giết và giết và giết. - Đó là kỹ thuật dẫn cảm xúc leo thang.
Sẽ có người cho rằng sử dụng nhiều kỹ thuật sẽ làm bài thơ giả tạo, mất tự nhiên. Bất cứ làm thơ kiểu nào, dù là viết đại xuống, tự thân vẫn có kỹ thuật của nó. Chỉ là kỹ thuật hay hoặc kỹ thuật dở; kỹ thuật non nớt hoặc kỹ thuật già dặn; kỹ thuật kém hoặc kỹ thuật có giá trị....
Dòng họ Hậu là dòng họ giỏi về cung tên. Chàng thanh niên họ Hậu không thỏa mãn bí quyết gia truyền lên đường tìm thầy học thêm nghề bắn: Bách bộ xuyên dương. Gặp nhà sư chủ trì Tiển Đạo. Sư ông nói: " Cách một trăm bước, con có thể bắn trúng con bồ câu không?." Chàng thanh niên trả lời: "Mười lân như chục, con bắn không sai." Sư ông dạy rằng: " Mỗi ngày con ra ngoài rừng, nhìn chiếc lá dương cách một trăm bước, cho tới khi nào con thấy chiếc lá lớn bằng con bồ câu, tự dưng con sẽ bắn trúng. Mười lần như chục." Nhà sư nói về nghệ thuật bắn cung. Chàng thanh niên nhìn chiếc lá ròng rã một năm, vẫn không sao thấy chiếc lá lớn bằng con bồ câu.
Một hôm, một người khách đến viếng chùa, thấy chàng thanh niên học Tiển Đạo mãi không thành. Sau khi thăm hỏi, liền bày một cách khác. Ông nói: " Anh hãy đứng trước chiếc lá dương một bước thôi rồi bắn cho trúng. Khi đã bách phát bách trúng thì lùi lại một bước, tức là đứng trước lá dương hai bước, tập bắn cho trúng. Cứ như thế cho đến khi anh có thể bắn được chiếc lá dương từ một trăm bước." Ông này nói về kỹ thuật. Vài năm sau, chàng thanh niên đã bắn được lá dương. Về sau bắn rụng cả mặt trời. Chàng tên là Hậu Nghệ.

tôi tưởng đến thiên đàng
      lần đầu ăn trái sung
tôi nghĩ người da trắng
      lần đầu thấy hình Chúa
tôi nghĩ người da đen
      lần đầu gặp quỷ trên trần gian
thành thật mà nói
      không phải chỉ do giáo dục bộ lạc
      tất cả do những gì họ gọi: văn minh tây phương.

Bài thơ này có tựa đề là Văn Minh A Ha Ha. Cười nhạo báng hay cười chua chát? Thi sĩ Sepamla dùng hai loại cụm từ trong bài thơ ngắn này: Loại cụm từ đầu là "thiêng đàng", "người da trắng" "Chúa" và loại cụm từ tương phản là "quỷ", "người da đen" và "trần gian" (mặt đất). Để dẫn câu kết luận sự phân biệt, chia rẻ nhân loại do văn minh mà ra. Nói đúng hơn là do văn minh chưa được thấu đáo mà sinh cớ sự nô lệ, lòng kỳ thị. Con người vốn ở trên mặt đất, cư ngụ ở trần gian. Văn minh đã cho phép con người nhân danh một thượng đế chưa ai gặp. Văn minh hứa hẹn một thiên đàng chỉ có chết mới biết. Văn minh thúc đẩy con người xây dựng rồi leo lên tháp Babel. Từ đó, chia lìa muôn vạn nẻo.
Bài thơ này có thể viết thành những câu dài. Ví dụ:

tôi tưởng đến thiên đàng, lần đầu ăn trái sung
tôi nghĩ người da trắng, lần đầu thấy hình chúa
tôi nghĩ người da đen, lần đầu gặp quỷ trên trần gian
.............................................

Nhưng ông Sepamla đã không trình bày như vậy. Sự "xuống hàng thụt vào" tạo cách biệt không cần dấu phẩy mà vẫn liền thành câu. Sự xuống hàng thụt vào, tạo chữ " lần đầu" lập lại ở đầu câu để nhấn mạnh ý nghĩa của các cụm từ chính: "thiên đàng và ăn sung" / "người da trắng và hình chúa" / " Người da đen và quỷ" . Nếu viết liền câu bài thơ sẽ không có tác dụng như trên.
Tưởng cũng trình bày qua cách sử dụng từ ngữ của ông. Hầu hết thơ của ông do chính ông sáng tác bằng Anh ngữ. Ông rất quan tâm về thuật dụng ngữ và tạo từ mới. Dọc theo dòng thơ của ông, người đọc bắt gặp rất nhiều chữ ghép hoàn toàn không có trong tự điển bình thường và không sử dụng hàng ngày ngoài công chúng. Sepamla chủ trương không viết hoa cho dù là địa danh hoặc tên riêng, kể cả tên Thượng Đế. Không chấm, không phết. Ít khi chia đoạn. Đọc thơ ông nếu không có xuống hàng sẽ thấy liền liền chữ như lối viết truyện tân tiểu thuyết, được yêu chuộng một thời trong văn chương Pháp và Âu Châu. Chữ đồng nghĩa với ý. Có nghĩa là ý nghĩ trôi đi liên tục, miên mang không phân biệt, khiến cho người đọc đôi lúc phải tự dừng lại để chận đứng sự hối thúc của con chữ nườm nượp trên giấy trắng.

Để nhấn mạnh những nổi bật trong bài thơ, phải có sự chọn lựa. Bài thơ dù dài cách mấy, cũng không phải là bài văn. Câu thơ dài nhất giới hạn trong một chiều dài của hơi thở bình thường. Đó cũng là lý do tại sao câu thơ từ 7 chữ đến 10 chữ là câu thơ thông dụng. Một đoạn thơ thường là 4 câu hoặc 8 câu. Một bài thơ trung bình có chiều dài " khoảng" một trang. Nói cách nào đi nữa, tựu trung bài thơ có giới hạn của nó. Vì sự giới hạn này, hai chữ cô đọng trở thành quan trọng. Cô đọng ở đây thường đặt vào cách chọn lựa ngôn ngữ. Bên trên ngôn ngữ, chính là sinh hoạt của hình ảnh. Khi quan sát một diễn tiến của sự việc, hoặc ngoài thực tế hoặc trong hồi tưởng hoặc trong tưởng tượng, có rất nhiều hình ảnh, màu sắc, âm thanh sinh hoạt với nhau. Người làm thơ phải chọn lựa những hình ảnh, yếu tố nào để diễn đạt ngắn gọn nhất, ý nghĩa nhất và thuyết phục nhất. Không phải chiều dài của bài thơ làm người đọc ngán ngẩm mà chính là những thừa thãi, rườm rà, gây lẫn lộn trong một bài thơ làm người đọc mất sự thích thú.
Nói một cách khác, một tứ thơ bao gồm sự sinh hoạt của hình ảnh, màu sắc, âm thanh, hoạt động...Sự tuyển chọn tứ thơ xuất sắc, độc đáo, thú vị là tài năng nhạy cảm của thi sĩ và là kỹ thuật "edit".
Ông Sepamla nói về sự kỳ thị và thời điểm của da đen vùng dậy. Sự thắng lợi sau cùng của kỳ thị ngả vào lòng can đảm chống đối. Ông chọn hình ảnh " Bà bán hàng da trắng" trong gian hàng bán mỹ phẩm cao cấp và hình ảnh "Cậu trẻ da đen" tò mò giữa buôn bán giàu sang. Người đàn bà da trắng là hạng được tôn trọng bậc nhất ở tây phương. Cậu trẻ trai da đen là thành phần đại diện cá tính ngỗ nghịch phá phách của dân da màu. Hai hình ảnh này không cần lời nói nào cũng đã kỳ thị sôi nổi. Sinh hoạt mâu thuẫn giữa hai người lôi kéo sự miệt thị, trịch thượng, uy quyền của cảnh sát. Cuối cùng sự phản kháng của cậu trẻ da đen đã làm bà bán hàng bật khóc. Đó cũng là hình ảnh chiến thắng của Nam Phi giành lại độc lập. Không có thắng lợi nào mà không bắt đầu từ lòng phản kháng và can đảm thực hành qua đấu tranh cụ thể.

Người phụ nữ chỉ một chỗ cách xa
           cậu nhỏ, đứng lùi vào kia
                tôi không biết
               cậu ngửi cái gì

Bà làm tôi nghĩ đến
           nắng mặt trời
           xà-phòng mùi dầu dừa - ô liu (1)
Trí nhớ quay nhanh về thời hậu chiến
                đến núi cao và
                phao cứu đắm thuyền
Tôi thấy hình ảnh người đưa tay lên lòi nách
                                để vệ binh khám xét
                                                          và
                                    người đó câm lặng
Vì vẻ trịch thượng của bà tôi trả lời
                                tôi muốn thử nước hoa
                                và mỹ phẩm helena rubinstein (2)
Bà múa ngón tay chỉ tôi và cao giọng
                              đừng rắc rối
                                    cậu nhỏ
                                  tôi sẽ gọi
                                   cảnh sát
Tôi nói bà trợn mắt tóe lửa
                          gọi đi
                          bà đã hết thời rồi
Người phụ nữ bật khóc

                      (Shop Assistant. Bà Bán Hàng)

Nhất là trong thơ tranh đấu, hình ảnh và sinh hoạt giữa các hình ảnh, phải được tuyển chọn sắc xảo, gây hiệu quả, gây áp lực và có tính cách nhân bản đại đồng. Có như vậy mới thuyết phục được người đọc trên cả thế giới.

để diễn thuyết đã có tôn giáo
để mang súng đã có hàng xe tang
để treo cờ nửa cột đã có khăn tay ướt đẫm nước mắt

Chúng ta vẫn gân cổ cất tiếng cao la
vì họ chèn ép khiển trách mắng mỏ
một lũ người rướm máu dưới nắng chói chang (3)

Trong bài thơ Đất Nước Này, This Land, ông đã vượt lên những tình tự thường hằng của quê hương để nói lên từ góc nhìn "triết học" thâm thúy: quê hương là tôi và tôi là quê hương. Lưu vong luôn luôn là một loại thi ca được thế giới chú ý. Người lưu vong, nghĩ tới quê nhà, thương nhớ quê nhà là chuyện đương nhiên. Không có thơ lưu vong nào thiếu tiết mục này. Và những bài thơ thương nhớ này chỉ chuyên mục cảm động, nhất là thuyết phục dễ dàng cho người đọc đồng hương.
Xuyên qua những tình cảm nồng nàn, xung động này, còn có những ưu tư khác của người lưu vong địa lý hoặc lưu vong trên chính quê hương. Đó là: Quê hương là gì? là người? là cảnh? là bản đồ? là địa danh? là tên gọi? Quê hương chứa đựng cái gì? Chúng ta than khóc cho ai, thương nhớ cái gì? Con người chết đi trên con đường lưu vong, quê hương vẫn tồn tại nhưng khi một người nào chết đi, liệu quê hương trong tim họ còn tồn tại? Nói một cách triết lý hơn, quê hương của mỗi người có phải là do mỗi người tạo ra với những hệ lụy riêng với nó. Quê hương của tập đoàn là quê hương do tập đoàn đó tạo ra với những hệ lụy riêng của nó. Quê hương trong tự điển là do ý tưởng tạo ra, định nghĩa và không thật sự có sự sống đính kèm. Mỗi người đọc sẽ rất bở ngỡ nếu chúng ta so sánh mỗi quê hương riêng trong lòng mỗi người. Sepamla cũng có quê hương riêng trong một quê hương chung Nam Phi.

có người đàn ông tự bông đùa
khi làm điều dại dột ngây ngô
cố gắng muốn trở thành có thật
giỡn mặt với tôi

tôi sinh ra từ cú đấm của chiến tranh
tôi sinh ra từ hủy hoại của bệnh tật
hậu quả dịch hạch hoành hành
tôi biết mùi hôi của đất nước

tôi chưa bao giờ phải xác nhận
đất nước này của tôi
vì đất nước này luôn luôn là tôi
được đặt tên theo tôi

đất nước mang hình hài do tôi sinh dựng
mồ hôi và máu do tôi pha mặn
cơ bắp liên hành do tôi rèn luyện
cho đất nước này được trở mình

tôi là đất nước của tôi
chưa bao giờ xin được chia phần
chưa bao giờ cần phải như vậy
tôi là toàn thể đất nước này

(This Land)

Điểm nhấn ở đây là chiều sâu của thơ. Chung chung những thi sĩ được thế giới ngưỡng mộ không phải chỉ riêng về những cảm xúc, những rung động mà phần lớn là những cảm nghiệm do trí tuệ phối hợp với kinh nghiệm sống mà thành. Chiều sâu của thơ thể hiện trong bài, trong câu, trong tứ , thậm chí là trong chữ làm người đọc choáng váng, tâm phục.

Tiến trình của thơ tranh đấu bắt đầu bằng quan sát, theo dõi, ghi nhận, cảm tưởng; rồi xúc động thành hình, nung náu, trăn trở, ám ảnh; rồi một lúc bất chợt bật lên ngôn ngữ. Có hai yếu tố quan tâm ở đây:
1. Phát xuất từ cảnh thật, chuyện thật. Cho dù thi sĩ có cắt xén, biến hóa, thêm bớt, căn nguyên vẫn là cảnh hoặc chuyện đã xảy ra. Nhờ quan sát và trăn trở nên những chi tiết "sống" ám ảnh sâu đậm hoặc những hình ảnh độc đáo tồn tại trong sâu thẩm, sẽ trở thành những sinh hoạt đại biểu trong bài thơ. Tưởng tượng nhiều trong loại thơ này, nhất là hoang tưởng, dễ sinh cảm nhận giả tạo.
2. Vì "Kể lại" những sự thật đau lòng hoặc sự thật xung động, chữ nghĩa lúc kể lại sẽ đến tự nhiên mang theo lửa. "Anh bạn dãi dầu không bước nữa / gục lên súng mũ bỏ quên đời…/ Tây Tiến đoàn quân không mọc tóc..." (Tây Tiến. Quang Dũng.). Những câu thơ này làm cho lòng người cảm khái vì sự thật được cưu mang và kể lại. Quang Dũng biến cảnh quân lính đi rừng phải cạo tóc vì chống chí rận thành một hình ảnh kiêu hùng và xách động. Ngược lại, những hô hào cực đoan, những lý giải cố gắng, những chứng minh lý thuyết thường làm bài thơ tranh đấu trở thành một bản tuyên truyền.

Tôi Nhớ Sharpeville là một bài thơ ghi nhận lại một biến cố tàn sát người dân tại vùng này. Dỉ nhiên, Sharpeville không phải là cái cớ mà chính là sự thật của bạo quyền vượt qua lương tâm nhân đạo. Điều ông muốn nói ở đây, chẳng những là cái chết thảm khốc của những người da đen mà chính là cái chết của lương tâm da trắng và cái chết của linh hồn tôn giáo.

Ngày 21 tháng Ba năm 1960
buổi sáng
giận dữ-phá hoại-sụp đổ-lục soát
biển đen dâng trào
vũ lực đi trước
trí tuệ theo sau
thế kỷ thất vọng chính sách bạo quyền cũ kỹ...
hút vào cốt lõi
người lớn và trẻ em
vây trong khu nhà kín
của dầu thô đen
rồi một tia lóe
từ con mắt nhìn
súng nổ...
người chạy trốn người ngã dài
đầu chúng ta cúi xuống
lòng nhục nhã cháy cao
niềm tin rúng động
chúng ta chôn họ vì những gì họ làm
những anh hùng ngã gục theo lịch sử

Những cảnh ngộ thiếu nhân quyền xảy ra hàng ngày. Những ý tứ về bạo quyền, bạo hành dàn trải khắp nơi. Thơ đấu tranh thành công ngoại trừ vì biết chọn lựa những tứ thơ, hình ảnh độc đáo, để gây xúc động cho chính mình và cho người đọc, thơ đấu tranh còn biết chọn sự xúc động cho mình và cho người. Nếu chính thi sĩ không có xúc động thì làm sao có thể truyền sức rung cảm này đến người thưởng ngoạn? Những xúc động này thường tìm thấy dễ dàng nơi những cảnh ngộ, những chuyện thật xảy ra. Họa sĩ Paul Cézanne viết: Rien n'est beau que le vrai, le vrai seul est aimable. (Cái đẹp chỉ ở trong sự thật, chỉ có sự thật là đáng yêu.)
Những cuộc binh biến tranh giành quyền lực tại Châu Phi thường kéo theo những tàn sát tập thể, cưỡng hiếp phụ nữ và sát hại trẻ em. Trong Tôi Nhớ Sharpeville, ông đã ghi nhận vụ án ngày 21 tháng 3 năm 1960. Trong bài The Outrage, ông ghi lại chuyện cưỡng hiếp với cái nhìn của một người bảo vệ nhân quyền, không chỉ hời hợt kêu gào che chở phụ nữ, mà nhìn vào căn nguyên của sự trả thù, thấu hiểu cái thú tánh của thiếu giáo dục và hậu quả của nó. Nhân vật người anh em (brother) bị tù tội, trừng phạt vì bản chất đàn ông bị dồn nén: "...bị bạo hình vì thủ dâm. Không một ai nói chuyện bẩm sinh súc vật truyền giống..." để khi ra tù với vô thức hận thù đã la lên: "...hãy bứt con cu ra...rồi tống nghẹt vào tử cung phụ nữ..." Anh ta thỏa mãn thú tánh như một cách cân bằng lòng oán hận đã bị cuộc đời bạc đãi. Nhưng rồi sao? Anh ta bị trừng phạt. Thiếu nữ bị khổ đau. Câu chuyện chỉ có vậy thôi? Điều mà ông quan tâm, chính là hậu quả: "...but the seeds have germinated..." (nhưng những tinh trùng đã thụ thai).

Cưỡng Hiếp

khi người anh em bị bạo hình                   Panga NguYen                           
trong khu tập trung trừng phạt thô bạo
vì thủ dâm
không một ai nói chuyện bẩm sinh súc vật truyền giống

lúc nơi ai oán dâng cao căm hận
anh được thuê bằng nửa ổ bánh mì
thêm 30 đồng kẽm
trong túi kêu leng leng
rồi phóng thích

anh chăn gia súc với cây dao lớn (1. Panga)
chặt chém con đường đến Mzimhlophe
rồi tiếng ré dâm đảng xảy đến trong đêm

người anh phun rảy tinh trùng
lên cô em khắp nơi mềm mại
cô lấy gân chống đỡ
máu tét chảy bên trong

người anh dính vết máu phụt lên
anh bóp nghẹt tội lỗi với mẹ
cưỡng hiếp em một cách dã man

người cha kẹp tay anh
cho đớn đau cùng máu nhỏ xuống
thở hổn hển lời nói sau cùng

' hãy bứt con cu ra
rồi tống nghẹt vào tử cung phụ nữ '

chuyện cưỡng hiếp đã xuyên thấu đêm
đổ vỡ cửa gương xáo trộn yên tỉnh
họ chen lấn làm nhân chứng hành vi tồi bại

tôi cố gắng ghép lại
những chi tiết trong đêm xảy ra
nhưng đau buồn cản ngăn trí nhớ

Tôi muốn hủy bỏ đêm này
trên cuốn lịch chứng cớ
nhưng hạt giống đã nảy mầm (1)

GHI:
(1) Có lẽ câu này nên chuyển là: nhưng tinh trùng đã đậu thai.

Trở lại câu chuyện chàng Hậu Nghệ. Bách bộ xuyên dương là truyền thuyết. Là huyền thoại cường điệu của nghệ thuật cung tiển. Biết rằng không có mà người viết, người kể, người nghe đều thú vị. Như vậy mới biết uy lực của huyền thoại và nỗi vô lý của lòng ước mơ, ẩn núp sâu thẳm trong lòng người. Thơ có rất nhiều huyền thoại. Nhiều người làm thơ "chết" trong huyền thoại với nụ cười mãn nguyện. Thật ra, làm thơ là đi ngược huyền thoại của thơ. Những điều gì đám đông cho thơ LÀ... đó là những điều nên tránh xa.
Thơ của Sipho Sepamla cũng như những nhà thơ đấu tranh nhân quyền và độc lập cho xứ sở trong thời đại của ông, thu hút được người đọc trên thế giới, trước hết vì bản chất thời sự và lòng nhân đạo của con người trổi dậy trước bạo quyền tàn sát, hãm hiếp, đói khổ của các nạn nhân da đen. Vượt qua sự thu hút tự nhiên này là tài năng của những thi sĩ đương cuộc. Thời gian trôi qua, Nam Tư độc lập, người da đen làm chủ đất nước của họ, bây giờ giá trị văn chương sẽ gạn lọc. Hàng trăm ngàn bài thơ đấu tranh chỉ tồn tại một số. Hàng ngàn thi sĩ chỉ sống sót mươi người. Sipho Sepamla là một trong số thi sĩ đó.
Nói đến giá trị văn chương, giá trị văn học là nói đến sự gạn lọc và minh chứng của thời gian. Tại sao người đi sau lại có khả năng chọn người đi trước? Họ hay hơn, giỏi hơn hay sao?

=============================
GHI:
(1) Palmolive soap: Là một loại xà phòng làm bằng dầu dừa và dầu Ô liu do hãng B.J. Johnson cho ra đời năm 1898. Là xà phòng bán chạy nhất trên thế giới trong thời điểm này.
(2) Helena Rubinstein: Là một nữ kinh doanh thời thượng của đầu thế kỷ 20. Bà đã đưa ra những sản phẩm nước hoa và mỹ phẩm dẫn đầu trong thời đó.
(3....for orations we had the religious
for gun-carriers we had a string of hearses
for flags half-mast tear-soaked hankies

We craned necks to raise voices higher still
for them that lay row upon row crammed
a regiment under the blazing bloodied sun...

Sipho Sepamla

Panga2 NguYenSYDNEY SIPHO SEPAMLA (1932 - 9 tháng Giêng 2007 )
Sinh quán gần Krugersdorp. Cả đời hầu như sinh sống tại Soweto. Dạy học ở đại học Pretoria Normal. Hoạt động với phong trào Black Consciousness.
Ông là sáng lập viên của Liên đoàn Hiệp Hội Nghệ Sĩ Da Đen, nay gọi là Fuba Academy of Art.) và là chủ bút của tạp chí New Classic và tạp chí sân khấu S'ketsh.
Ông lãnh giải Thomas Pringle Award năm 1977 và giải thưởng của Pháp Ordre des Arts et des Letters.
Hầu hết thơ của ông, tự viết bằng Anh ngữ một số ít viết theo thổ ngữ.

 

 

 

 

Ấn Phẩm:

Thơ:
Hurry Up to It! (Donker, 1975)
The Soweto I Love (1977)
Selected poems (Donker, 1984)
From Gorée to Soweto (1988)

Văn:
The Root is One (1979)
A Ride on the Whirlwind (1981)

__________________________________________________________________