"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Tình Và Thơ

Làm thơ: Chỉ có thơ giá trị hoặc không có giá trị.

Nói một cách bình thường: Chỉ có thơ hay hoặc thơ dở.

Những học thuyết, những phương cách, những kiểu làm thơ chỉ là những cơn mưa khác nhau. Mưa rào, mưa phùn, mưa mây, mưa bay, mưa bụi, mưa nhiệt đới, mưa lất phất, mưa hạt lựu, mưa ngâu, mưa bong bóng, mưa nhảy cóc, mưa... Mưa hôm qua, mưa hôm nay, mưa cũ, mưa mới... Nhưng tựu trung là nước rơi từ trời. Chỉ là hạt nước.

Thơ Siêu Thực, thơ Ấn Tượng, Thơ Biểu Hiện, Thơ Hiện Thực, thơ Cụ Thể, Thơ Cảm Tính, thơ Hình Thức... Thơ cũ, thơ mới... Tựu trung là tên gọi cách diễn đạt của thơ. Tên gọi của tứ thơ.

Mưa chỉ cốt làm cho cảnh đẹp thêm, buồn hơn. Cho dù mưa mang theo nguồn sống. Dù cần thiết, mưa nhiều, sinh lụt lội. Có bao giờ bạn tự hỏi, nước ở khắp nơi, cần gì phải có mưa? Chẳng lẽ mưa không phải vì nước mà vì lý do khác? Có bao giờ bạn tự hỏi, nếu không có mưa, chuyện gì sẽ xảy ra?

Nước mưa dùng để uống. Hứng nước mưa cuối mùa để cất rượu Cần, rượu sẽ trong hơn. Rót nước mưa trên lá Sen vào đựng, rồi pha trà, trà sẽ tinh khiết. Uống vì khát và uống vì nghệ thuật, giống nhau khi vào thân thể, khác nhau khi bên ngoài.

- Tôi có tham dự buổi nói chuyện về thơ của cậu hồi tuần trước. Hỏi thật nha, sao cậu không trình bày về thế nào là thơ hay mà suốt buổi chỉ nói về thơ dở?
- Vậy hả..
- Có người chửi cậu quá trời. Họ nói cậu không biết gì về thơ.
- Vậy hả.
- Nhưng mà một số khác cho rằng cậu nói rất có lý.
- Vậy hả.

Tôi đã có một thời đi tìm thế nào là thơ hay. Không dài lắm, không ngắn lắm, khoảng 10 năm. Để biết được mỗi một điều, người làm thơ, trước hết phải biết thế nào là thơ dở. Biết cho kỷ, biết cho rành, biết cho thâm thúy, tư dưng "hay" sẽ đến.

Hay và dở như mùi riêng của mỗi người. Mùi người là hơi hám bốc ra từ cơ thể. Bản chất bẩm sinh là hôi. Nhưng hễ thơm xuất hiện thì hôi mất dần. Hễ Hay đến thì Dở rút lui.

Hôi và Dở luôn luôn có sẵn. Hay và Thơm phải do làm mới có. Tuyệt nhiên, Làm là hệ trọng trong nghệ thuật nên phụ nữ luôn luôn muốn làm đẹp. Nhà thơ luôn luôn muốn làm hay. Có thể nào làm Hay mà không biết Dở là gì? Có thể nào muốn thơm mà không biết thúi là gì?

**********

Theo tôi thấy, Làm thơ và Làm yêu, có nhiều điểm giống nhau. Gần thơ hoài thì mệt. Xa thơ lâu thì nhớ. Đã dính vào thơ rồi, nó bám riết suốt đời. Thơ càng lớn tuổi càng mất đi ngây thơ, giảm nồng nhiệt, kém hấp dẫn, thay vào là nhân sinh cằn nhằn, đúng sai tra hỏi, đẹp xấu sâu sắc và thơ gia tăng quyền lực.......

Khi vừa xuất tu, ra khỏi nhà dòng, tôi quen ngay với hai bạn, một tên Phương Râu, một tên Hùng Bô. Cả hai đều tán gái rất giỏi. Hai anh lôi cuốn tôi vào trò chơi, gọi là "Chữ Tình 24". Mỗi người chúng tôi phải đi tìm tình yêu theo thứ tự ABC..., tên người yêu. Có những vần rất dễ tìm người đẹp như vần A, M, N, T, V.....nhưng có những vần rất khó kiếm như Đ, G, U.... Phương có hàm râu rất ăn ảnh. Tuổi 17 với hình tượng tài tử rất dễ bắt mắt. Hùng rất đẹp trai và duyên dáng. Cả hai bạn đã đi được đến những vần xa mà tôi vẫn loay hoay không qua nỗi chữ I. Tìm không ra. Nguyễn thị Í, cô gái duy nhất. Không ưa tôi vì cô đã có người tình thiếu úy hải quân.

Dù chơi cho vui vẫn buồn vì thất bại. Thời rong lớn đó, tôi rất ưu tư về cái đẹp của con gái. Không muốn người mình đeo đuổi lại thua sút tình nhân của hai anh bạn. Sắc diện và tài năng của tôi không thể sánh với Phương và Hùng. Thêm vào đó, ở Nha Trang, có hai trường huấn luyện phi công và hải quân. Tôi phải đương đầu với quá nhiều đối thủ.

Được yêu và không được yêu dạy tôi khôn lớn, nhanh chóng làm người lịch lãm. Người lịch lãm đường tình là người có nhiều vết sẹo trong tim. Chưa hẳn tôi đã biết yêu là gì nhưng tôi biết rõ kết quả của nó. Yêu không phải là nghệ thuật. Xử lý tình yêu mới là nghệ thuật.

Cho đến một hôm tôi gặp ông chú Câm. Ông rất đẹp trai. Chải tóc Robert Taylor. Tỉa râu Clark Gable. Ăn mặc kẻng. Vô cùng lịch sự. Ông quen cả gia đình bên ngoại nhà tôi. Nghe đâu lúc trẻ, ông đã từng đeo đuổi dì Mười, em kế má tôi. Gọi là chú Câm, ông tên Khải, vì ông không nói được. Chuyện trò bằng dấu tay. Ông vẫn nghe được vì tật câm không phải bẩm sinh mà vì bị "sốt á khẩu".

Ngồi với ông là ngồi với im lặng và cử động. Tôi học được cách kiên nhẫn chờ đợi sự im lặng và cách khiêu gợi trực giác và trí tưởng tượng để theo dõi động tác. Ông nói với tôi rất nhiều điều, kể nhiều chuyện ái tình của người câm. Ông đã khiến tôi thay đổi cả quan niệm thế nào là "đẹp con gái".

- Chú có nhiều người yêu như vậy theo chú con gái thế nào gọi là đẹp?

Chú câm cười cười không âm thanh. Ra dấu:

- Cháu có biết con gái xấu như thế nào chưa?

Tôi càng tìm hiểu về cái xấu của phụ nữ tôi càng hiểu ra cái đẹp từng biết có quá nhiều sai lầm. Tôi có thể nói cho các bạn biết ngay từ bây giờ, không có người con gái nào xấu cả. Chỉ tại mình chưa thấy đẹp.

- Cháu có sợ người điên không? Nếu cháu bị lạc ra một hoang đảo, chỉ có cháu và một cô gái điên, chú tin rằng trước sau gì cháu cũng yêu cô ấy.

- Chú có yêu được không?

- Chú đã từng yêu một cô gái điên.

Tôi có thể cho các bạn một kết luận, đến một tuổi đời nào đó, hết con gái, hết thiếu nữ, hết chất phụ nữ ...mới có thể cảm định cái đẹp/xấu của giống nữ.

Tôi đam mê chơi Tình 24 như một đứa bé yêu kẹo ngọt. Mới ăn thấy ngon. Ăn quen đâm ra thèm. Ăn nhiều, sâu răng, đau răng, nhức nhối. Vậy mà, dù nhổ hết răng vẫn ghiền kẹo. Từ ngày tôi để ý đến cái xấu của con gái, đeo đuổi những cô "xấu", tôi được yêu khá dễ dàng. Qua mặt cả hai bạn về vần tên. Cho dù hai hai bạn chê tôi, chơi không đúng luật.

Yêu cái xấu không có gì sai cả. Vui nhiều hơn buồn. Hãnh diện nhiều hơn mặc cảm. Được khen nhiều hơn chê....Tôi đi tìm thơ dở như tìm tình xấu. Suy nghĩ về cái dở. Thực tập làm cái dở và say mê với nó. Tính ra tôi làm thơ dở rất nhiều. Nhiều hơn những bài thơ mà thi sĩ Bùi Giáng đã xé tặng cào cào châu chấu với đười ươi. Ai chiến thắng mà chưa từng chiến bại. Ai chưa hay mà không dở nhiều lần? Ai đang hay mà không dở cùng lần?

Con Cóc. Bài phong dao này vì sao được truyền tụng?

Con gì kia
Nó ngồi là ngồi trong góc kia
Nó xoay cái lưng ra ngoài kia
Đó là con cóc kia
Con cóc nó ngồi trong góc kia
Nó xoay cái lưng ra ngoài kia
Đó là con cóc................ con

gì kia/

Nó ngồi là ngồi trong góc......... (tiếp tục......)

Bài này bắt đầu từ chữ "con". Nối nhau bởi chữ "con". Không có chấm dứt. Chỉ đọc hết hơi, mệt rồi nghỉ. Tùy người mà dứt sớm hoặc muộn.

Bài phong dao này dành cho con nít vui chơi như bài Rồng Rắn, như bài Con Mèo..... Dở ngang ngửa với bài thơ Con Cóc. Con cóc trong hang. Con cóc nhảy ra. Con cóc ngồi đó. Con cóc nhảy đi....... Con cóc nhảy đi, có trở về hang? Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc đã từng chỉ cho người đọc cái dở của bài thơ này chính là cái hay của nó. Có phải vì là mực thước của cái Dở mà bài thơ "bất tử". Sống lâu hơn nhiều bài thơ giá trị khác?

Trong cái Dở, chỗ nào là điểm Hay? Trong âm tất phải có dương. Chỉ vì nhỏ quá hoặc sắt quá nên khó tỏ? Ông Nguyễn Hưng Quốc không phải vì cường điệu mà viết bài Con Cóc. Điều ông muốn nói, khá rõ ràng. Nếu bạn nghĩ rằng bài thơ Con Cóc là dở, thử làm một bài thơ dở như bài này. Tên tuổi của bạn chắc sẽ thiên thu văn vẻ. - Đùa chăng? - Không, thử xem.

Phải biết dở như thế nào mới làm dược bài thơ dở như thơ Con Cóc. Nhưng thấy được cái hay trong thơ Con Cóc thì sẽ làm thơ đúng nghĩa thi ca.

Nhà thơ Hài Cú Basho được nhân gian ngưỡng mộ. Bài thơ dẫn của ông là bài Con Ếch. Con Ếch nhảy xuống ao. "Bủm". Tiếng nước phá tỉnh lặng. Con ếch phá hư vô. Ngắn ngủi phá vĩnh cửu rồi trả về vĩnh cửu. Người phá Trời để trở về Trời. Bài thơ này nổi tiếng trong giới yêu thơ Thiền. Còn con cóc từ hang nhảy ra, nhảy đi, nhảy mãi. Nhất sinh nhị. Nhị sinh tam. Tam sinh vạn vật. Con Ếch là Thiền. Con Cóc là Dịch. Thiền là về. Dịch là đi.

Con Cóc trong phong dao là nguồn căn của Dịch, mãi mãi không ngừng. Chỉ có người hết hơi, chết. Dịch mãi tồn tại. Vậy thì ghép hai bài Con Cóc vào một. Bạn có cảm giác gì chăng?

Có bạn thấy lý luận như vậy quá "ép". phải không? - Nói bậy, phải không? Có mưu đồ, phải không?

Thật ra, không cần phải biết chiều sâu, ý nghĩa, sinh triết của Con Ếch + Con Cóc. Một người đọc bình thường sẽ do vị cảm và sự hiểu biết mà thích hay không thích, thấy giá trị hay không thấy. Chẳng sao. Bài phong dao này tự nó thú vị. Con nít cảm được, vui được. Người lớn mất ngây thơ, mờ trực giác, kém tự nhiên, khó thấy vui, khó thấy thú vị. Hễ làm người lớn thường cho rằng phải thấy việc lớn, phải nghĩ việc quan trọng, phải vui việc nghiêm chỉnh....phải...phải...phải.....Tại sao phải "phải"? ... Bạn thử la lớn, hát vang lên vài vòng con cóc con. Tự dưng sẽ thoải mái. Thấy tức cười. Thấy vui. Không chừng, bổng dưng thấy mình là cóc. Tự thuở xoay lưng, ngồi hang cho đến lúc nhảy. Ai không nhảy như cóc. Ông Basho tuy ngộ đạo nhưng vẫn phải nhảy mỗi ngày. Bạn và tôi cũng nhảy cóc. Tưởng mình ghê gớm sao? Cóc cả.

Nghĩ cho rốt ráo, không có thơ nào là dở. Chỉ tại mình chưa thấy cái "không dở" của nó. Có nhiều bài thơ, ngẫm nghĩ mãi mới thấy cái hay.

Bạn biết không? Làm thơ dở dễ hơn làm thơ hay. Người ta dễ đồng ý với nhau về cái dở cái xấu nhưng khó thỏa thuận với nhau về cái hay cái đẹp. Cứ thử yêu em "xấu" đi, dần dà bạn sẽ tìm thấy em "đẹp" chính xác hơn, thoải mái hơn, tự nhiên hơn, nghệ thuật hơn.

Tranh giành con gái đẹp là một cuộc chiến vất vả từ tâm hồn đến thể xác. Muốn được người đẹp, thường gây ra những ý nghĩ hẹp lượng và hời hợt. Tham lam gái đẹp thường gây ra những hành vi lố lăng và giả tạo. Có vợ đẹp thì căng thẳng vì bị người khác dòm ngó. Giữ vợ đẹp thì mất sức và tốn tiền. Được cái hay thì vừa hết cơn vui là mệt mỏi vì phải bám lấy. Không được cái hay thì buồn bã, tự trách, tự ty, tự tôn.... Thấy được cái dở, biết được cái dở, cầm lấy cái dở thì dễ dàng hơn .

Không phải tình yêu dở hoặc không giá trị mà do cách yêu dở, không giá trị. Người thất tình, bỏ đời đi tu. Khởi đầu vì thất bại không ôm được mỹ nhân hoặc tựa vai anh hùng như mơ ước. Thất bại làm cho họ chọn lấy điều ngược lại, không anh hùng cũng chẳng mỹ nhân. Nhưng từ chỗ không này, có kẻ đã chiếm được cái cao hơn, đẹp hơn, hùng hơn, cái viên mãn. Nhưng có kẻ suốt đời chỉ là một cuộc lánh nạn không có thẻ di trú. Xem ví dụ Chuyện Tình Lan và Điệp.

Tôi đã từng viết và ước mơ sẽ hoàn tất một cuốn sách về thế nào là thơ hay. Viết đi viết lại. Bỏ nửa chừng, viết tiếp. Đã nhiều lần. Dài nhiều năm. Cuối cùng, đành chịu thua. Chú câm nói đúng. Khi cặp bồ, khi lấy vợ, chưa biết được đâu là đẹp đâu là xấu. Do vị thưởng thức và lòng tham hưởng thụ xúc tác tình yêu phải có cặp có đôi. Cái đẹp lúc này tươi như hoa mùa xuân, thơm như hương. Tươi và Thơm thường chỉ là cái đẹp lâu dài trong dỉ vãng. Phải về sau mới bắt gặp được cái đẹp trưởng thành. Và lớn lao hơn nữa, chú đã dạy tôi, chính người nam là nguyên nhân làm cho người đàn bà của mình, đẹp hoặc xấu. Chính người nữ là nguyên nhân làm cho người đàn ông của mình, có tài hoặc bất tài.

- Cháu có biết vì sao có nhiều cô gái rất đẹp, sau khi lấy chồng, nhiều năm gặp lại, thấy xấu. Ngược lại, nhiều cô thường thường, thậm chí là xấu, sau bao năm gặp lại, ôm tay chồng thấy đẹp quá chừng?

- Có gái một con nào, trông, không mòn con mắt? Có gái mười con nào, con mắt không mòn?

Tình yêu thì không có gì bí mật và khó hiểu như người ta thường nói. Chỉ có cách yêu mới khó hiểu và bí mật. Phụ nữ thì không rắt rối gì cho lắm nhưng cách yêu, cách cho và cách lấy của họ rất rối rắm. Một người nam trung bình, trước sau gì cũng bị quấn trong đống dây tơ vò đó. Chẳng qua là anh không biết hoặc không chịu nhận mà thôi.

Trong vòng Tình 24 chữ cái, tôi bắt đầu với mối tình cô Ánh, nữ sinh đệ Tứ, trường Nữ Trung Học Nha Trang. Có thể dùng những lời của nhân vật Alexis Zorba của Nikos Kazantzakis, diễn tả một phụ nữ người Nga mà ông yêu thích. Tôi cũng nghĩ Ánh rắn chắc và khỏe mạnh như một con ngựa đua. Bờ mông vồng lên, chứng tỏ một sức sinh sản sẽ mời gọi. Khi cúi đầu xuống gặm cỏ, hai chân sau cào lên đất, như chuẩn bị những cú thốc hậu tuyệt cao. Khi ngẩn lên hí gió, tóc bay bạt trời, âm thanh làm lòng lãng tử ngây ngất. Đúng là dân xóm Hà Ra, ngâm mình dưới biển từ nhỏ. Nhìn không thấy nhưng tôi cảm giác được sự lực lưỡng của Ánh.

Mất một tháng, tôi choàng được vai Ánh, cùng nhau dạo biển trong những chiều đưa đón. Khi đùa giỡn, chúng tôi vật nhau trên cát như chơi trò Rút Khăn khi còn ở trong tu viện. Hai đối thủ đều mang cái khăn ở sau lưng, nhét vào lưng quần. Vờn qua vờn lại. Cả hai phải dùng đủ mọi cách ứng phó để giựt cho được cái khăn của đối phương. Ai giựt được là kẻ thắng. Cặp đùi của Ánh quả là khỏe mạnh. Khi kẹp vào hông tôi, có đôi phần nghẹt thở. Khi rút được khăn của Ánh, nghĩa là tôi đã hôn được nàng. Trong vòng Tình 24, chúng tôi lấy nụ hôn làm chiến công và chấm dứt chuyện tình này để bắt đầu vần B.

Thật là một ý nghĩ khờ khạo. Nếu tôi biết được Ánh cũng hôn nhiều chàng trai khác trong khi bồ với tôi. Có khi Ánh còn tự mình rút khăn đưa cho họ, không cần chờ họ rút. Năm sáu năm sau, khi vào Đại học tôi gặp Ánh ở Văn Khoa. Hai đứa đi uống cà phê hè phố. Nhắc lại chuyện xưa, tôi thành thật xin lỗi. Ánh cười và nói rất nhẹ. Em xin lỗi anh mới đúng. Hồi đó anh khờ thấy mồ.

Tôi bắt đầu vào làng thơ, khờ như vậy đó. Một buổi chiều năm 197 mấy, sau 75 trước 78, sau một ngày vất vả lao động. Về nhà đọc thư giải trí. Nhận được cuốn Văn Học Nghệ Thuật số 3 do hai nhà văn Lê Tất Điều và Nguyễn Mộng Giác thực hiện. Mở ra, thấy tòa soạn dành những trang đầu tiên, giới thiệu thi sĩ Ngu Yên và Thơ.

Trời ơi. Sướng đê mê như vừa dây dưa nụ hôn với Ánh. Và buồn da diết khi biết Ánh là bài thơ hôn gió.

Tôi bắt đầu cơn thơ với những cuốn sách dày từ thư viện. Hiểu hay không hiểu tôi cũng đọc. Lòng tham làm thi sĩ quả thật là kinh khiếp. Ngu mà cố nhét, cố nhớ, cố thổi phồng thật là tai kiếp. Lần đầu tiên khi người làm tại thư viện Little Rock, dẫn tôi vào tận nơi chứa sách thơ và sách về thơ. Thả tôi lạc lõng giữa những dãy tường sách. Hàng kệ này tiếp hàng kệ khác. Sách. Sách. Sách. Cơ mang là sách.

Sau cơn say sưa với những trường phái về thơ, học thuyết phê bình văn học, những thi sĩ lớn nhỏ, trước sau, trên thế giới, nhờ vợ tôi, tôi mới nhìn ra cái gì gọi là bản sắc dân tộc. Văn sĩ, họa sĩ có thể trở thành nghệ sĩ của thế giới nhưng thi sĩ, dù lớn lao cách mấy, vẫn là thi sĩ của một sắc dân. Thơ hay có thể được thế giới ngưỡng mộ nhưng thơ hay thuộc về dân tộc của ngôn ngữ đó.

Cây Quít trồng ở miền Nam ra trái ngọt, mang trồng miền Bắc ra trái chua. Chỉ từ phù sa màu mở của tiếng nói quê hương, thơ mới có thể đâm rễ sâu vào lòng đất, thơ mới có thể vươn cao thành cổ thụ. Một người Tàu sang Tây làm thơ tiếng Tây thì khác với một người Tàu sinh ra bên Tây hoặc học tiếng Tây, sống văn hóa Tây làm thơ. Thơ đóng góp văn học mà đến từ văn hóa. Tinh thần và nghệ thuật văn chương của một ngôn ngữ, của một dân tộc chính là cội nguồn và năng lực tạo ra bản sắc của nhà thơ. Thơ thuộc về ngôn ngữ thứ nhất, văn hoá thứ nhất.

Ước vọng trở thành thi sĩ của một dân tộc khác là một ước vọng tội nghiệp ngoại trừ tiếng nói đó là tiếng mẹ đẻ của người làm thơ có nguồn gốc từ sắc dân khác. Cho dù một thi sĩ làm thơ bằng ngôn ngữ thứ hai được công nhận là hay, tôi tin rằng ông có thể làm thơ bằng tiếng thứ nhất hay hơn.

Vợ tôi, dòng người Hoa ở Hải Nam, nhưng là người Việt một trăm phần trăm. Một trong những đặc điểm của em là hợp thời trang. Dù thăng trầm theo đời sống, dù nghèo hay giàu, dù trẻ hay già, lúc nào em tôi cũng hợp thời trang. Hiện đại, đúng thời và sang quí là tiêu chuẩn trang điểm, y phục và lối sống của em. Tình yêu của em cũng hợp thời trang. Uyển chuyển qua từng giai đoạn, từng lúc lên voi / từng lúc xuống chuột, khi xa / khi gần....Nhìn từ bên ngoài, vợ tôi là một người chịu chơi nhưng tôi học được chất nết na, lòng tử tế và những bản tính trăm năm của văn hóa phụ nữ Việt.

Tôi học tập những thời trang của thơ ngoại quốc. Chưng diện văn hóa phương xa. Để rồi "thấy" được cái mũi hơi tẹt chỗ giữa hai chân mày trông "hay" hơn cái mũi độn cao ngống. Hãy thử tưởng tượng một con công, gắn vào cái mỏ gà cồ? Tôi đã từng gắn nhiều cái mỏ, cái mõm, cái miệng....cái cằm chẻ hai.....vào thơ. Soi gương nhìn, đúng là thơ Việt lai.

Người Việt từ lúc lập dân lập quốc cho đến nay, đâu phải là nguyên giống. Lai thân xác, lai tinh thần, lai phong tục, lai văn hóa...là ưu điểm mở mang, làm tốt đẹp hơn. Như vậy, khi nào"Lai" là dở? - Thưa, khi không tự nhiên; khi thiếu thời gian để "tiêu hóa" chất "Lai". Sự hòa thuận, không phải hòa nhập, không phải hòa hợp, cần phải có thời gian để thẩm thấu, để quên bản sắc ngoại quốc, để quên đi kỹ thuật, thậm chí quên đi nghệ thuật vay mượn, để thôi thúc tự nhiên tìm đến và diễn đạt tự nhiên bước ra. Hòa thuận đúng nghĩa thuộc về tâm lý.

Nhìn từ tình lý, Vợ-Chồng là một hành trình cải vả từ ồn ào đến âm thầm. Khởi đầu, ôm nhau là hòa. Cải nhau là đêm mất hợp. Phải mất một thời gian mới đạt được hòa hợp nhưng vẫn là những giao kèo bất thành văn. Nhanh thì mười năm, chậm thì mươi năm, mới đến được chỗ hòa nhập. Hòa nhập là chấp nhận nhưng vẫn nghi hoặc và sẵn sàng xung khắt. Hình như đối phương có thể thất hứa bất ngờ. Trước khi đến chốn hòa thuận, thường xảy ra những biến động có khả năng, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Qua được. Hòa thuận được. Tình trở lại như thuở ban đầu chỉ khác ở chỗ dễ mệt hơn vì có tuổi. Tình mà không đủ sinh hoạt yêu, gọi là nghĩa.

Làm thơ cũng là một hành trình cải vả, đối thoại liên tục bên trong thi sĩ. Sau cùng sẽ còn lại hai loại thi sĩ. Thi sĩ yêu thơ như thuở ban đầu sau khi đã chán thơ một thời, ly thân một khúc, ly dị một đoạn. Và thi sĩ có nghĩa với thơ cho dù đã hết đam mê. Cả hai loại tình đều kéo đến thời răng long tóc bạc nhưng một già đam mê yêu một già thì tình này đáng ngưỡng mộ. Hơn Romeo và Juliet chết vì nhau. Lúc trẻ dễ chết vì tình. Già rồi, khó vì tình mà chết. Nhưng lại chết vì nghĩa. Đó là sự mâu thuẫn của cấp bậc cao trong thơ.

Nói một cách khác, Tình chính yếu là đam mê và yêu thương trong khi Nghĩa chính yếu là trách nhiệm và thương hại. Thi sĩ làm thơ vì yêu thơ và làm với nỗi đam mê. Thi sĩ không có trách nhiệm phải làm thơ. Những bài thơ thành hình vì trách nhiệm, vì đơn đặt hàng thì không thể là thơ cho dù đầy đủ cả thân thể cũng chỉ là búp bê hoặc người máy.

Tình làm cho người sống hân hoan với yêu và khám phá những hạnh phúc với người tình, hôm nay và ngày mai. Trong khi, Nghĩa làm cho người sống chấp nhận với thương và có khi bằng lòng, có khi tiếc nuối một quá khứ hạnh phúc.

Vì Tình, thi sĩ làm thơ, vừa dâng hiến vừa chiếm đoạt, say sưa lục lọi cõi thơ để tận hưởng những khám phá mới lạ một cách riêng tư, một cách đặc thù. Đã là thi sĩ thật thì không có thi sĩ nào giống thi sĩ nào, không có thi sĩ nào hơn thi sĩ nào. Nếu có, là do người thưởng ngoạn, nhà phê bình sắp xếp hoặc chấm điểm. Tự thân người thi sĩ không quan tâm. Như người đang yêu, không quan tâm người khác nói gì. Chỉ "sống" vui buồn, đắm đuối, si mê với tình nhân.

Vì Nghĩa, thi sĩ sẽ làm thơ như thường lệ, như những gì "hay" của mình dù đã là quá khứ. Họ thật sự không sống hôm nay. Thơ của họ là hôm qua. Khi hết yêu, hết đam mê, hết hạnh phúc của khám phá, người tình, người vợ, người chồng chẳng qua là "người bạn đường". Dắt nhau trong sáng tối chiều hôm. Nhờ vả lúc gập ghềnh mưa gió. Nhớ không? Ngày xưa, trời mưa như tầm thác đổ, bạn đã chạy đến, núp ngoài hiên nhà người yêu. Lạnh muốn chết mà lòng nóng như lửa. Chỉ cần em nhìn thấy anh đang dầm mưa tìm tình ái là anh sung sướng lội mưa trở về. Nhớ không? Ba cấm em ra khỏi nhà, nhưng em đã ra sát hàng rào cho anh cầm lấy bàn tay. Trời ơi, hạnh phúc quá. Vì nghĩa, cầm tay không thấy rung động mà sợ tổn thương hoặc sợ thả ra quá sớm chưa đủ bổn phận.

Lâu lâu chưa làm bài thơ cảm thấy "thất nghiệp", cảm thấy có "bổn phận" làm một bài. Trong khi làm thơ, cảm thấy có "trách nhiệm" cho ra một bài thơ "vừa lòng" người đọc. Khi thi sĩ làm thơ không phải vì thơ mà vì bất cứ một lý do nào khác, đó là lúc đã hết tình chỉ còn nghĩa.

Người ta thường ngưỡng mộ những kẻ có bản lãnh và lịch lãm về tình trường. Thật ra chưa chắc kẻ này đã có hạnh phúc trong tình yêu như một người khờ khệt trong đời tình ái. Hạnh phúc không tính bằng bản lãnh mà tính bằng mức độ hòa thuận giữa người và người, giữa người và thời, giữa người và đời. Một người có kiến thức sâu rộng về thơ, bản lãnh lý luận về thơ, không hẳn sẽ là người làm thơ hay hoặc hay hơn người làm thơ khác. Ông Âu Dương Tu thường viết bài bình thơ. Viết rất hay mà làm thơ không hơn Lý Bạch, Đổ Phủ, Bạch Cư Dị......

Nhưng người có bản lãnh trong tình yêu sẽ bớt vấp phải những hào quan và xuẩn động của tình; những ảo ảnh và tội quả của ái. Té xuống biết đứng lên. Gặp vận xui biết thời cùng tắc biến. Người ngây thơ trong tình trường hoặc gặp hạnh phúc may mắn hoặc bị hạnh phúc hối hận. Thực tế, không ai hay hơn ai; không ai hạnh phúc hơn ai vì mỗi người chỉ có một đời để biết, để sống.

Làm thơ cũng đồng dạng. Yêu lúc trẻ, bồng bột, nổi lửa, không cần biết em là ai, anh là ai, thơ là ai vậy mà đam mê khiến cho lời lẽ xuất thần hay ho, như thơ Nguyễn Tất Nhiên. Bẩm sinh, năng khiếu và số mệnh thường xét thấy lúc này. Nhưng khi đã mang thơ vào lòng, vào đời như cưới được tình nhân thì lập tức người vợ người chồng này trở thành vấn nạn. Biết vợ mình đẹp mà thấy cô hàng xóm cũng đẹp. E rằng có thiên vị nghiêng về hàng xóm. Rồi Diễm, rồi Thúy, rồi Vân, rồi Tuyết....cô nào cũng đẹp. Vì Đẹp khác nhau và không có giới hạn. Hay có giới hạn không? - Dỉ nhiên, không. Do đó thơ mình dù hay hoặc không, vẫn muốn hay hơn thi sĩ khác. Thay vì hay hơn mình trước đây. Hãy yêu thơ mình như yêu người vợ, người chồng đầy những tính tình làm mình nhức nhối. Hãy yêu thơ mình như yêu người tình già và xây dựng cho tình nhân những giá trị tình yêu. Thơ người để nhìn. Thơ mình để ôm ấp.

Yêu thơ vì tình là yêu bản sắc của mình. Bản sắc này có bản sắc dân tộc và địa phương tính. Cái độc đáo, cái thô, cái góc cạnh của riêng mình làm cho thơ mình không lầm với thơ chung. Yêu cái thơ mình hôm qua đang hóa thân cái thơ mình hôm nay. Say mê cái đẹp dần, cái hay dần và quyết tâm chinh phục dù biết không bao giờ. Hãy yêu những cái đó.

Yêu thơ vì nghĩa là yêu cái hay của thơ, cái hay của thi sĩ khác. Thu phục những cái hay này, sinh hoạt vào thơ mình. Người đọc biết thơ mình, ngưỡng mộ thơ mình như thế nào thì mình yêu thơ mình như thế đó. Hãy yêu những cái này nhưng đừng sợ thơ mình hôm nay không "giống" hôm qua. Có nhiều thi sĩ có công trình tác phẩm đồ sộ nhưng thực chất là một bài thơ dài. Chỉ ngắt đoạn và đặt đầu đề khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Viết nhiều, viết dài, in nhiều sách không liên hệ đến phẩm chất của thơ.

Hãy làm tất cả những gì có thể làm cho người yêu của mình đẹp hơn hay hơn tài hơn. Để một ngày, ta lại đam mê tình nhân cũ như thuở ban đầu. Đam mê không bồng bột mà sâu thẳm. Nồng nàn không bốc lửa mà nhận chìm. Thông cảm bằng trực giác không phải bằng tri thức. Hòa thuận bằng vô thức không phải bằng lý luận. Thơ vậy không còn hối hận.

- Tôi yêu em suốt một đời không bao giờ hối hận. Bạn nghe câu này có quen không? Khi đã có tình lẫn nghĩa thì không còn chỗ cho hối hận chen vào.

Sau cùng của đọc sách, tôi lại trở về với cuốn sách đầu tiên mà tôi ưa thích ngày còn sinh viên, đó là cuốn Kinh Dịch của Nhà văn Ngô Tất Tố. Tôi không thích cuốn Kinh Dịch của học giả Phan Bội Châu vì quá Khổng học. Bản của học giả Nguyễn Hiến Lê thì nặng phần khoa học và quá sát với hình nhi hạ, quá lo âu về nghĩa lý. Càng tìm thơ tôi càng "thấy" bản sắc của thơ da vàng là Thiền và Dịch. Cái 0 (không) vô định và cái 64 bất định, phải chăng là blackhole, nguồn xuất nhập, tạo tử của thơ cõi Đông mà cõi Tây không có?

Ngu Yên