"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Cảm Nghiệm: Khả Năng Nghệ Thuật

Cái bình thường không thể trở nên bất thường nếu không được nhìn thấy từ đôi mắt bất thường; không được lọc qua một trí óc bất thường.

Cái bất thường không thể chuyển đến người khác nếu không có một khả năng diễn đạt bất thường.

Cái bất thường ở đây được định nghĩa là không bắt chước cái bình thường. Không phải là không giống cái bình thường. Cái bất thường không giống cái bình thường, nhiều khi là lập dị hoặc điên rồ. Cái bất thường không bắt chước cái bình thường là cái bất thường có tri thức phát sinh từ một cá tính vượt giới hạn.

Cái bất thường này khởi đi từ sự cảm nghiệm và phát huy từ điểm bắt thường.

Cảm nghiệm là khả năng kết hợp của cảm nhận qua sự chiêm nghiệm. Là khả năng nắm bắt, hiểu thấu cái giá trị hoặc tinh túy qua sự quan sát, theo dõi và suy tư về một điều gì. Cũng có nghĩa là chúng ta có thể nhìn thấy bản chất thủy chung của sự vật. Nó giúp chúng ta phân biệt được giữa thật và giả tạo.

Cảm nhận thường bắt đầu bằng trực giác bất ngờ đến từ sự nhận thức và cảm thụ. Trực giác này đã được ngấm ngầm xây dựng lâu dài theo sự quan sát và suy tư về một sự việc. Người có cảm nghiệm cao sẽ có được lực tự điều chỉnh giữa trực giác, tình cảm và lý trí. Mỗi khi một trong ba khả năng vượt trội và khống chế kết quả của ý nghĩ. Cảm nghiệm lớn mạnh nhờ kinh nghiệm đa dạng và sâu sắc. Cảm nghiệm độc đáo nhờ trực giác bén nhạy. Cảm nghiệm có giá trị nhờ khả năng sáng tạo để không cảm nhận và kinh nghiệm theo lối mòn xưa cũ.

Vừa đậu xong tú tài phần 2, ông ngoại tôi đã mua thưởng cho tôi chiếc xe Yamaha để vào Sài Gòn đi học. Tôi là đứa cháu duy nhất nhận được phần thưởng từ ông ngoại dù ông có 12 người con và cả trăm đứa chau nội ngoại. Có nhiều đứa cháu học cao hơn tôi, tài ba hơn tôi. Lúc trẻ tôi chưa có dịp suy nghĩ là tại sao. Ngày rời Nha Trang đi Sài Gòn, Ngoại nói với tôi, chuyện đời không có đúng sai chung. Chỉ có đúng hay sai đối với mỗi người. Mức độ đúng hay sai của mỗi người khác nhau tùy vào sự hiểu biết về đời sống. Sự đúng sai của mỗi người có giống đám đông nhiều hay ít là do sự giống nhau và dị biệt của người đó với người xung quanh. Tôi nghe mà không hiểu.

Sau này, lời của ngoại giúp tôi hiểu rõ về sự hiểu biết. Hiểu biết là kiến thức chỉ là phần bình thường. Ở cấp độ cao hơn, hiểu biết là một khả năng phân biệt kiến thức nào cần thiết và kiến thức nào không cần thiết đối với mình. Cao hơn nữa, hiểu biết là khả năng tiêu hóa kiến thức và chuyển nhập thành hiểu biết riêng tư. Kiến thức đã mất. Chỉ còn kiến nghiệm.

Còn kiến nghiệm là còn luận lý, còn lý do, còn phân biệt đúng sai. Khi kiến trở thành cảm, chất liệu đó trở thành nền tảng sống của mỗi người. Gọi là cảm nghiệm.

Sự cảm nghiệm đời sống muôn màu muôn sắc muôn hình muôn hóa sẽ làm cho một người quan tâm về sức hiểu biết, thú vị với những gì chưa biết và hiểu rõ giới hạn hiểu biết của một người. Thời giờ sẽ có giá trị rất cao với người đó. Thời để làm việc và giờ để khám phá. Thời để sống và gian để chấm dứt.

Tôi và vợ tôi thích làm việc, mê làm việc. Đa số là việc không có tiền, không có danh. Người ta gọi là bệnh nghiện làm việc. Tôi cho rằng khi một người tìm được thú vị, sung sướng vì hoàn tất một công việc dù vật chất hay tinh thần, thì họ sẽ muốn mau mau hoàn tất những việc khác còn dang dỡ. Sung sướng và thú vị ở đây là biết được những gì mà trước đây chưa biết. Là hiểu được những gì mà chỉ có giá trị riêng với mình. Là hút một phần hoặc toàn phần cái biết vào nền tảng sống. Từ cấp độ thấp lên cấp độ cao, hiểu biết chính là niềm hoan lạc. Ông Khổng Tử, ông Socrate, ông vĩ nhân........ không thể hiểu biết nhiều và sâu nếu các ông không cảm được lạc thú của hiểu biết.

Life is like a crystal ball of fortune.
When it falls into pieces,
the people try to grab it.
Someone grabs it more,
someone grabs it less,
someone grabs it none.

Đời như trái phước bói cầu
Vở ra muôn mảnh tham sầu thế gian
Người này sướng hốt cơ mang
người kia lượm ít thở than đau lòng
Nghĩ gì người nọ tay không.

(Đọc Life is like a crystal ball of fortune của Kazeronnie Mak)

Tôi xin lấy chuyện ông Sáu Thi mà bày tỏ hai chữ Cảm Nghiệm. Có người gọi ông là Sáu Thơ. Thi là hán. Thơ là nôm. Sáu nào cũng vậy. Chỉ là một ông. Thi và Thơ là kiến thức. Sáu nào cũng vậy là kiến nghiệm. Chuyện của ông Sáu là cảm nghiệm.

Ông Sáu lúc còn trẻ đã theo hầu, làm người hộ vệ của ông ngoại tôi. Ông là người Bình Định nhưng giỏi võ tàu. Những ngày lễ cần giết trâu đen để cúng, thứ trâu này rất dữ và mạnh hơn trâu sừng, người trong làng mời ông ra tay. Ông đi quyền và đấm vào đầu trâu. Con trâu quị xuống. Êm ái tắt thở. Tôi nghe nhiều chuyện lạ lùng về ông nhưng tôi tận mắt trong thấy ông bắt rắn. Lạ lùng lắm.

Lúc nhỏ, nhà tôi ở ngoại ô vùng đầu núi Qui Nhơn, trong hẻm Bà Bùi Xuân Lan. Ông Sáu thường đến thăm ông ngoại. Lúc trẻ là người hầu. Tuổi già, bạn bè chết hết, hai ông trở thành bạn. Ông Sáu kể chuyện cho chúng tôi nghe. Mỗi ngày ông đi tìm và bắt những con độc vật như rắn, rết, bò cạp, ếch bà.... về ngâm rượu và uống tì tì. Ông nói trong người ông đầy chất độc. Có thể cắn chết người nhưng ông đã rụng hết răng. Ông giải thích, người ở quê hay chết bất đắc kỳ tử vì bị các con độc hại cắn phải. Ông trộn vào người đủ thứ độc cho cơ thể quen đi. Ông mong rằng sẽ trở thành độc nhân và các con độc vật cắn ông sẽ chết vì độc.

Một hôm, người nhà của ông báo tin rằng ông đã mê mang hai ngày rồi mà chưa tỉnh dậy. Ông ngoại dẫn mấy anh em tôi xuống thăm. Thấy ông nằm thở như ngủ nhưng lay gọi không mở mắt. Người nhà cắt lể, bắt gió, thậm chí là cúng tà, ông vẫn nằm im lìm. Họ kể , ông đã theo lời đồn của các tiều phu, lên núi bắt một con rắn hổ lửa. Nổi tiếng độc hại đã cắn chết nhiều người. Bắt được con rắn dài gần hai thước, đỏ chét, có mồng gà, ông cho vào hủ rượu, ngâm sống. Một tháng sau, ông khai hủ, uống ba ly cơ. Uống xong đi ngủ và ngủ luôn.

Tôi thấy con rắn đỏ, khoanh lộn nhiều vòng trong hủ rượu. Mắt mở trừng trừng. Miệng hả, cái lưỡi thè dài. Chắc nó nghẹt thở hoặc say rượu.

Qua ngày thứ ba, ông Sáu tỉnh lại. Đi đứng bình thường. Chỉ có một chuyện khác thường là những cục u bằng nửa trái cau, mọc lên khắp người. Ông đến thăm ngoại tôi, cho chúng tôi sờ mấy cục u. Cứng và trợt như ai dấu trái banh dưới làn da.

Bản lãnh trong đời sống chính là bề dày của cảm nghiệm thu thập mỗi ngày. Độc vật và độc dược là kiến thức mà ông đã đưa vào kinh nghiệm. Độc từ từ ngấm vào máu. Từ từ cơ thể quen dần. Ông sống với độc. Kiến thức trở thành kiến nghiệm. Nhìn một cái, biết ngay bò cạp độc hại ra sao. Ngửi một cái, biết ngay con rắn con rít độc thế nào. Hớp một miếng rượu, theo dõi độc ngấm đến đâu. Không biết từ lúc nào kiến không cần quan tâm. Chỉ còn cảm. Ông đạt đến mức cảm nghiệm được độc. Cái mà ai cũng sợ.

Người sáng tác cần một khả năng cảm nghiệm nhạy bén và người thưởng ngoạn cao cần một khả năng cảm nghiệm tiệm tu. Người sáng tác trước tiên phải là người thưởng ngoạn có trình độ đa dạng và thâm thúy.

Người sáng tác và người thưởng ngoạn nghệ thuật thường bắt đầu bằng cảm nhận. Cảm nhận đóng vai trò như người gát cửa. Mở lối cho sự việc đi vào tâm tư. Nơi rung cảm đang chờ đón. Người thưởng ngoạn có thể dừng lại ở đây để cảm thụ nghệ thuật. Trong khi người sáng tác chỉ mới bắt đầu.

"Art is not what you see, but what you make others see". Edgar Degas. Chính vì phải diễn đạt cho người khác thấy, cảm nhận không sẽ chưa đủ để sáng tác có giá trị. Cảm nhận cần phải được chiêm nghiệm, cần được quan sát, cần được tư duy trước khi đưa vào tác phẩm. Rất nhiều tác phẩm được thành hình chỉ bằng cảm nhận. Những tác phẩm này khó mà sống sót với thời gian.

Những ý và tứ từ quan sát hoặc từ kiến thức nếu đã được trải qua giai đoạn tư duy hoặc đã chuyển biến thành kinh nghiệm, khi trở vào lại nghệ thuật sẽ mang theo một văn vẽ thâm trầm và cá tính.

sài gòn chợ lớn như mưa chớp
nát cả trùng dương một khắc thôi
chim én bay ngang về xóm chiếu
nước ròng ngọt át giọng hàng rong
hỡi ơi con bạn hàng xuôi ngược
trái cây quốc cấm giấu trong lòng
hỏi thăm cho biết đường ra biển
nước lớn khi nào tới cửa sông?
sài gòn khánh hội gió trai lơ
khi ấy còn tơ gái núi về
đào kép cải lương say tứ chiếng
ngã tư quốc tế đứng xàng xê

(Sài Gòn Rồng Bay Phượng Múa. Cao Đông Khánh.)

Những ý tứ thơ này đã tình thâm với nhà thơ Cao Đông Khánh rất lâu. Ngày lên trang giấy thành thơ chẳng qua là ông đã đưa những cảm nghiệm này vào nghệ thuật. Không phải ai cũng có thể viết ra những câu thơ "nam kỳ" đậm đặc và thích thú như " trái cây quốc cấm giấu trong lòng", "đào kép cải lương say tứ chiếng, ngã tư quốc tế đứng xàng xê"....

Do đó khi làm một bài thơ tưởng chừng như những gì mới mẻ nhưng thật ra là những gì đã tiềm tàng rất lâu trong tâm tưởng sáng tác. Tuy nhiên, khi làm thơ, những gì tiềm tàng đó phải đến một cách tự nhiên. Sự cố gắng của lý luận sẽ làm thơ nặng nề. Sự cố gắng ráp nối của ý tứ sẽ làm thơ gượng gập. Sự sửa soạn, chải chuốt từ vựng sẽ làm cho thơ giả tạo. "To become truly immortal, a work of art must escape all human limits: logic and commonsense will only interfere. But once these barriers are broken, it will enter the realms of childhood visions and dreams." Giorgio DeChirico. Để trở thành bất tử, một tác phẩm phải vượt thoát những giới hạn của con người: lý luận và nhận thức thông thường chỉ là những trở ngại. Nhưng khi những chướng ngại vật này đã bị phá vở, tác phẩm sẽ thoát vào lãnh vực tưởng tượng và giấc mơ của trẻ thơ.

Anh Ba tôi có vẽ không tin khi nghe ông Sáu kể lại chuyện bắt con rắn hổ lửa. Ông Sáu không nói gì. Hôm sau ông trở lại. Tay xách một lồng kẽm sưa. Nhìn vào thấy một con rắn hổ mang. Khi đến gần, nó ngóc đầu. Mắt him lại, xanh lè. Cái lưỡi chẻ thụt thò, trông khiếp.

Ông Sáu để cái lồng giữa sân. Nói sẽ bắt con rắn này bằng tay mà không cần xoa lưu huỳnh. Anh em chúng tôi sợ điếng. Tôi leo lên bàn ăn. Mấy anh tôi mỗi người đứng trên mỗi cái ghế. Ông Sáu mở nắp lồng ở phía trên. Lập tức con rắn ngẩn đầu cao ra khỏi cửa. Ông Sáu cong tay trái theo hình vòi voi. Bàn tay chụm lại như cái mỏ nhọn. Ông để tay cao trên con rắn. Vừa tầm xa để rắn không thể thong lên. Ông đưa bàn tay qua lại, từ tốn. Lạ thay, con rắn cũng lắt đầu theo tay ông. Hai bên vờn nhau. Thời gian nín thở. Một lát, con rắn chậm dần. Bỗng như một cơn chớp. Tay phải ông phóng ra. Bóp ẹt vào cổ con rắn. Giật cao. Tay trái chụp vào thân rắn, từ trên kéo vuốt một cái rột, xuống đuôi. Con rắn há miệng, xụi lơ.

Không phải ai bắt rắn cũng có thể làm gọn lỏn như ông Sáu. Tôi thấy nhiều người chuyên nghiệp bắt rắn để bán, phải dùng vợt lưới, cây thắt thòng lọng. Tay xoa lưu huỳnh hoặc rượu chống rắn....v..v.. Nhờ ông Sáu tôi nghiệm ra cái bắt thường của nghệ thuật.

Chiều sâu của nghệ thuật là bề dày của cảm nghiệm về nghệ thuật chôn chung trong cảm nghiệm về sự sống và sự chết. Ví dụ nói về thơ, người làm thơ quả thật phải sống với thơ và nghệ thuật chung. Ông ta thở, mơ, nghĩ, nghỉ, yêu, chơi, với nghệ thuật và chờ. Ông ta vờn qua vờn lại với đời. Một lúc nào đó, bỗng dưng phóng tay viết xuống: Thơ.

Không bắt chước cái bình thường mà bắt được cái thường, chính là bắt thường vậy.

Ngày lễ bắt rắn hổ thần ở Ấn Độ mỗi năm cũng rất kinh khiếp. Những con rắn hổ độc lớn, dài thòng, được nuôi hoang trong một khu núi. Đến ngày hội, những bậc cao thủ bắt rắn ở khắp nơi, tập trung vào khu vực này. Người xem đứng cao ở chung quanh. Người bắt rắn thông thường thổi sáo Ấn cho rắn bò ra. Có người dùng kèn tù như Tù Và nhưng có điệu lên xuống. Không thấy ai dùng Tì Bà như Âu Dương Phong. Khi rắn đã ra khỏi hang, có nhiều cao thủ biểu diễn, giỡn rắn như giỡn một đứa trẻ con. Xoay qua, xoay lại. Phóng cao, bò thấp, rất ngoạn mục và ớn lạnh. Cuối hội, họ bắt con rắn bỏ vào giỏ. Lạ lùng, bầy rắn thấy hiền khô. Tan hội, họ lại thả rắn ra. Rắn về lại hang. Chờ hội sang năm.

Trong đám cao thủ này, tôi thấy có một anh bắt rắn tài tình như ông Sáu. Dùng một tay để trên cao lừa con rắn lắt lư rồi tay kia sọc ra như gọng kềm xiết chặt cổ rắn. Anh giải thích cho khán giả rằng, bất cứ con rắn độc nào cũng sợ con rắn lớn hơn. Khi hai con rắn đấu đá, con nhỏ luôn luôn ở thế thủ và chờ cho đúng lúc để toàn lực phóng ra cú cắn kết liễu. Người bắt rắn nên đứng xoay lưng về nguồn sáng, lấy cánh tay làm dạng con rắn lớn, đưa tay qua lại đều đều khiến con rắn nhỏ phải lắt theo để canh chừng. Chờ khi con rắn đã vào nhịp, quen độ lắt, lừ đừ, đó là lúc ra tay bắt cổ. Cơ hội chỉ có một. Giác quan thứ sáu sẽ cho biết khi nào phải ra tay. Nghệ thuật làm thơ phiêu hốt như giỡn rắn này, chỉ thấy nơi thi sĩ Bùi Giáng. Nhưng trước khi giỡn được độ này, e rằng đã có nhiều thi sĩ bị rắn cắn chết. Nghệ thuật thật ra là một cái gì phiêu phiêu hốt hốt, biết mà không nói rõ được, hiểu mà không diễn được như đã hiểu, cảm mà không phải lúc nào cũng đạt.

Imagination Tưởng Tượng
 
The blank wall

Had everything
On it.

On it on it on it

World war three
A lovely maiden
The Pacific Ocean
A football team
A football
A foot fall
A Thumbprint
A Waltz
Four convicts
Automobiles
Lightning
A guitar
Shoes
Tension
Fear
There
Here
Everywhere
A
Totally
Blank
Stare.

And yet . . . . .

Blank.
—————
———

But
Far
From
Empty.
—————
———

Tường không

nhiều thứ
trên tường.

Trên tường nhiều thứ trên tường
(thấy ra) //
Chiến tranh thế giới thứ ba
Một o trinh nữ quá là dễ thương
Mênh mông tràn trụa đại dương
Đội banh bầu dục
Banh bầu
Banh quăng //
Dấu tay
Luân vũ
Bốn tù nhân //
Xe hơi
sấm sét
Cây đàn
Giày
Căng //
Sợ
Nơi ri nơi rớ
Nơi răng //
Khắp nơi
Một
Tất cả rằng
trống trơn //
Chằm chằm

và thấy

trống hơn. //



Nhưng
Xa lơ lắt
chập chờn
Hư vô.


 April 2011. Bruce MacGibeny.

Sau khi kiến thức trở thành kiến nghiệm, sẽ mất một thời gian để kinh nghiệm thực hành tiêu trừ kiến thức hiểu biết để biến thành hiểu biết chung của riêng mỗi người. Rồi nhận thức về kiến thức sẽ trở thành cảm thức. Khi bắt gặp những sự việc xảy ra như điều đã biết, ý tứ và luận lý sẽ không như trước mà cảm thức sẽ cho những ý tứ hình ảnh khác cũng cùng nguồn gốc với hiểu biết cũ. Những cảm thức này cũng là những bắt đầu dàn trải kết cấu của tưởng tượng. Robert Fulghum, tác giả của " Words I Wish I Wrote: A Collection of Writing That Inspired My Ideas", nói về khả năng tưởng tượng trong tiến trình sáng tác: "I believe that imagination is stronger than knowledge – myth is more potent than history – dreams are more powerful than facts – hope always triumphs over experience – laughter is the cure for grief – love is stronger than death.." (Tôi tin rằng sự tưởng tượng vững hơn là kiến thức; thần thoại hữu hiệu hơn là lịch sử; giấc mơ có năng lực hơn thực tế; nụ cười sẽ điều trị được nỗi lo âu; tình thương mạnh mẽ hơn sự chết... Phải có một sức cảm nghiệm sâu đậm về đời sống và về nghệ thuật mới có thể phát giác ra sức mạnh và đặt niềm tin vào những khả năng những sự kiện bị thực tế đánh giá mơ hồ, ví dụ như tưởng tượng và thần thoại....

- Người ta thường ví thơ như mỹ nhân, như hoa đẹp. Sao bạn lại ví thơ như rắn, như độc.

- Tôi nghĩ, đã đến lúc nên nhìn thấy rắn trong nữ và độc trong hoa. Chính vì truyền thống nhét thơ vào nàng thơ, tô điểm thơ thành hoa nên hiện nay gặp phải nạn mỹ nhân thẩm mỹ viện và hoa lụa giả rất tinh vi, truyền thống đành bó tay. Hiện nay, Tây cũng như Đông, thơ thẩm mỹ viện và thơ lụa giả thiếu gì.

Từ ngày dời đi Nha Trang, chúng tôi ít gặp lại ông Sáu. Sau khi ngoại tôi qua đời, chúng tôi hoàn toàn đứt liên lạc. Ông Sáu bỏ cuộc chơi lúc nào, tôi không rõ. Nghe nói ông chết già.

Có lần gặp cháu của ông ở Sài Gòn, mới biết ông Sáu cá cược luôn cái mạng với độc. Cháu ông kể lại, ông Sáu về già nuôi khá nhiều loại rắn dữ: Mai Hoa, Mái Gầm, Hổ Lửa, Hổ Mây, Hổ Mang, Đẽn Mun..... Tuần tự ông cho mỗi loại rắn cắn vào người để thử độc. Vậy mà ông vẫn sống quá chín mươi. Một hôm, ông nói với con cháu, đây là lần cuối cùng ông thử độc. Ông để cho năm con rắn độc nhất cắn vào tay một lược. Và đó là lần cuối cùng ông biết được tận cùng cái độc.

Khi vừa dọn về Houston 1994, tôi có dịp xem một cuốn phim 3D ở rạp chiếu đặc biệt IMax. Nhan đề: "Up to the limit". Từ đó tôi mới hiểu ông Sáu. Như một người vát nặng lên vai, sẽ không biết mình vát được bao nhiêu ký nặng cho đến khi bỏ từng ký một lên người. Sẽ đến một lúc, không còn đứng được nữa mà quị xuống. Nặng tới đó là giới hạn.

Bất cứ một sáng tác nào cũng có giới hạn. Bất cứ người sáng tác nào cũng có giới hạn. Nhưng làm sao biết được giới hạn của mình ở đâu? Nếu không chịu đi cho đến lúc quị xuống.

==============================================

Nốt: Bruce MacGibeny là họa sĩ, thi sĩ và tạo hình. Người ta nói ông không vẽ từ đời sống nhưng ông luôn luôn vẽ về đời sống. Ông đã từng viết như vậy " The meaning of life is the subject of art" (Ý tứ của cuộc đời là chủ đề của nghệ thuật). Bài thơ Imagination nói về tâm trạng của ông khi đối diện với khung vải trắng hoặc trang giấy trắng hoặc một đống đất nặn tượng.

Ngu Yên