Ý Thức Ký Hiệu Học

6. Ký Hiệu và Thơ

Tác phẩm văn chương, nhất là thi ca, như một bài thơ, là khách thể cưu mang ý tưởng và cảm xúc. Tìm hiểu về thơ giúp cho một người cảm nhận thêm về đời sống và phản ứng tự tại hơn với những nhiêu khê. Thi ca dần dà mất đi hiệu quả này bởi người làm thơ đã đánh mất hoặc lãng quên chức năng của thơ. Tình trạng toàn cầu là như vậy. Không còn mấy ai vịn câu thơ đứng cho vững như thi sĩ Szymborska hoặc vịn câu thơ đứng lên sau khi vấp ngã như thi sĩ Phùng Quán.

Thơ Việt đến nay vẫn đeo đuổi lãng mạn, tâm tình cường điệu, ý muốn chứng tỏ tài thơ và yêu chuộng hình thức chữ nghĩa, thay vì nhìn thấy nghệ thuật trong chữ nghĩa và thơ trong hối thúc tự nhiên. Nếu thơ không có một ích lợi nào, ngoại trừ để xưng tụng và giải trí không tốn tiền, thì tại sao một người bình thường lại phải quan tâm đến thơ?

Làm thơ là tạo ký hiệu và phát ký hiệu thành tín hiệu. Tác giả gửi đi, dù muốn hay không, dù vô tình hay cố ý, tín hiệu sẽ đến người đọc. câu hỏi: Tại sao người đọc muốn nhận tín hiệu này?

Nói chung, văn chương là sự diễn đạt của loài người trong hình thể của kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm, ý tứ, nhiệt tình, và dùng ngôn ngữ để diễn đạt thực thể. Có hai lối sáng tác văn thơ: Tưởng tượng và không tưởng tượng. Tưởng tượng sẽ mang đến nghĩa sâu rộng và nghĩa ám chỉ. Không tưởng tượng sẽ mang đến nghĩa đen, cụ thể và trực tiếp. Thơ sử dụng cả hai, ví dụ:

" Mười tám tuổi - ( không cần tưởng tượng)

Tôi phá thập tự làm nỏ - ( tưởng tượng)

Năm mươi tuổi - ( không cần tưởng tượng)

Tôi đẽo nỏ làm thập tự " - ( tưởng tượng)

( Thơ Đề Trên Nỏ, Phùng Quán.)

Toàn bài thơ bốn câu, đến từ tưởng tượng. Người đọc câu một, câu ba, không cần tưởng tượng. Đọc câu hai, câu bốn, phải tưởng tượng mới có thể nắm bắt ý tứ của tác giả.

Thơ như dấu chỉ trên ngón tay mà thi sĩ để lại trên giấy. Nó sẽ nói thi sĩ là ai, đã nghĩ gì, đang ước mơ điều chi. Nếu dấu chỉ tay đó thuộc về người khác, thì làm sao thi sĩ lăn tay nhận căn cước. Một trong khả năng làm thơ là khả năng nhìn thấy rồi áp dụng chức năng và thẫm mỹ của ngôn ngữ. Vượt trội văn xuôi, ngôn từ thơ liên tục kích hoạt hình ảnh trong ngữ vựng và ngữ cảnh trong tứ thơ, ví dụ:

" Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây.

Người đi chưa dạt dấu chân giày.

Bàn tay nằm đó không ngày tháng.

Tình ái xin về với cỏ may..."

( Thanh Xuân, Nhả Ca.)

Mỗi câu thơ chất ngất hình ảnh và những hình ảnh cấu kết thành một bức tranh. Bốn câu thơ ví dụ, có thể vẽ thành một bức họa hiu quạnh, buồn buồn, xa vắng...tài thơ của Nhả ca nằm ở sáng tạo ngữ cảnh linh động và thuyết phục. Nhìn theo dạng kỹ thuật, những mã hiệu (code) từ chữ nghĩa đưa ra là một tập hợp hình ảnh ám chỉ sự thương nhớ bất chợt về mối tình xưa. Không sâu đậm lắm nhưng đủ để bùi ngùi. Nét đẹp ở đây là tạo ra không khí cô đơn một cách lặng lẽ.

Tưởng tượng của tác giả là nguồn sinh nghĩa ám chỉ. Nghĩa ám chỉ ẩn núp sau biểu tượng, ẩn dụ, hoán dụ, siêu thực, hoặc tạo chữ mới, nghĩa lạ. Ngôn ngữ thơ "thấy" (đếm chữ) nói ít hơn văn xuôi nhưng trong im lặng, đã nói rất nhiều, có khi không tìm ra giới hạn. Đa số từ ngữ trong thơ chỉ để đại diện, ám chỉ, không phải để trực tiếp trình bày. Ngôn ngữ thơ cho phép diễn đạt thế này nhưng ý nghĩa thế kia. Ở hình nhi hạ, ngôn ngữ thơ diễn tả tâm tư ý tưởng đễ chia xẻ với người khác. Ở hình nhi thượng, ngôn ngữ thơ tranh cãi, tự vấn với chân, thiện, nhất là mỹ. Làm thơ không những để chia xẻ mà phần chính là an ủi, tranh biện, phản đối với những mâu thuẫn trong nội tâm.

Một bài thơ được sáng tác không làm sáng lên, sáng lại một điều gì; không làm đẹp lại, hay hơn một quan niệm đã nhàm, một ý tưởng đã chấp nhận; không mang đến sự kinh ngạc của khám phá; thì bài thơ đó như những chiếc lá vội vã mọc mùa xuân và rơi rụng mùa thu, cho dù đã có lần sắc màu rực rỡ.

Ký Hiệu Và "Mùa Thu" của Jaques Prevert.

Trở về bài thơ "Mùa Thu" (13) trong phần Giới Thiệu Ký Hiệu Học, qua những phương pháp Ký Hiệu Phân Tích, người đọc tìm thấy:

1- Mùa thu là một biểu tượng

2- Con ngựa là biểu tượng

3- " Con ngựa ngã quỵ giữa lối đi ": biểu tượng.

4- " Những chiếc lá rụng xuống mình": biểu tượng.

5- " Tình yêu chúng ta run rẫy ": hiện thực .

6- " Và cả ánh mặt trời.": hoán dụ.

Đưa biểu tượng và hoán dụ vào mô hình thuật ngữ:

KyHieuHoc Phan6 Anh1 NguYen

1- Mùa thu là biểu tượng một nét đẹp lãng mạn, rực rỡ nhưng chóng tàn phai. Thu mang tính hấp hối. Sự mất mát cận kề.

2- Con ngựa là biểu tượng mang tính trung thành, luôn luôn biết đường về, biết bảo vệ chủ và chịu chết cùng với chủ. Ngựa còn mang sức sống, năng lượng. Ở đây là sinh lực và lòng trung thành của tình yêu.

3- " Con ngựa quỵ xuống giữa lối đi ": những biểu tượng cho tín hiệu sự trung thành và sức sống của tình yêu đã ngã quỵ giữa đường đi. Dự cảm tình yêu gặp trở ngại, có thể sẽ ly tan.

4- " Những chiếc lá rụng xuống mình " biểu tượng con ngựa không cử động và lá đã rơi, thu đã chín: Cho thấy sự chia lìa sẽ xảy ra, không biết làm sao để ngăn ngừa.

5- " Tình yêu chúng ta run rẫy " , mùa thu ở Âu Châu, thông thường, trời khá lạnh, nhưng sự run rẩy ở đây đến từ nỗi lo âu, sợ hãi vì linh cảm mất nhau.

6- " Và cả ánh mặt trời." ; mặt trời biểu tượng cho định mệnh, cho quyền sinh sống. Chính định mệnh cũng thương cảm cho số phận ly tán của đôi tình nhân.

Bây giờ chỉ việc ráp nối sáu khớp này với nhau, sẽ có ý tứ của bài thơ "Mùa Thu".

Ký Hiệu và " Cánh Đồng, Con Ngựa và Chuyến Tàu".

Mỗi biểu tượng, mỗi ẩn dụ, mỗi hoán dụ, mỗi đại diện ám chỉ, có giá trị đặc thù trong mỗi bài thơ, cho dù tương tựa, vì cá tính và bản chất xác định. "Con ngựa" trong bài "Mùa Thu" và "con ngựa" trong bài "Cánh Đồng, Con Ngựa và Chuyến Tàu" của Tô Thùy Yên, khác nhau dù vẫn là loài ngựa.

Dùng Ký Hiệu Học giải mã bài thơ này theo thứ tự:

Bài thơ này được sáng tác năm 1956, khi tác giả vào tuổi 17.

1- Trên cánh đồng hoang thuần một màu,

2- Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

3- Tàu chạy mau mà qua rất lâu.

4- Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

5- Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.

6- Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.

7- Ngựa thở hào hển, thở hào hển.

8- Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.

9- Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.

10- Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

11- Cánh đồng, a ! cánh đồng sắp hết.

12- Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.

13- Ngựa ngã lăn, mình mướt như cỏ,

14- Chấmgiữa nền nhung một vết nâu."

Giải thích những từ ngữ/cụm từ ám chỉ:

Đối tượng là cánh đồng hoang tàn, không có người quan tâm.

Ám chỉ ba ý nghĩa: 1- Trần gian; 2- Cuộc đời. 3- Cõi thơ.

Đối tượng là tàu lửa chạy gia tốc.

Ám chỉ ba nghĩa: 1- Nhịp sống. 2- Guồng máy. 3- Thực tế.

Đối tượng là con ngựa chạy theo tốc độ của tàu lửa. Có thể khởi đầu là cuộc đua háo thắng nhưng càng về sau chỉ cò cố gắng đuổi theo.

Ám chỉ ba nghĩa: 1- Thân phận tác giả. 2- Sinh mệnh con người. 3- Ước mơ.

Ám chỉ hai nghĩa: 1- Định mệnh. 2- Sự tuần hoàn của trời đất trong qui luật nhị nguyên.

Ám chỉ hai nghĩa: 1- Xác ngựa. 2- Dấu thời gian.

KyHieuHoc Phan6 Anh2 NguYen

Liên hệ hàng ngang, đọc theo số thứ tự, cho thấy mấu chốt và diễn tiến của tứ thơ' Ngựa rượt tàu'.

Trong những bài thơ dài trung bình, nhất là những bài thơ dài hơn bình thường, sẽ có những 'bài thơ' ngắn nối nhau.

Chiều dài trung bình của một bài thơ theo chiều dài của một trang giấy, khổ 8.5 x 5.5, tức là khổ sách, tạp chí văn chương thông dụng. Nôm na, tính vào khoảng từ 12 đến 24 câu, tùy khổ chữ và cách dàn dựng.

Bài thơ ngắn trong bài thơ dài, có nghĩa là bài thơ dài có thể chấm dứt nơi bài thơ ngắn chấm dứt. Nếu mở thêm một bài thơ ngắn khác, tức là cảm xúc và ý tứ thơ vẫn còn tốc độ hoặc còn khí lực. Nếu không, chỉ là thừa. Thơ thừa thường làm cả toàn bài thơ hay kém giá trị.

Cấu trúc tổng quát của bài Cánh Đồng, Con Ngựa và Chuyến Tàu, chia làm hai bài thơ ngắn:

Bài 1: Từ câu 1 đến câu 8.

1- Trên cánh đồng hoang thuần một màu,

2- Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi

3- Tàu chạy mau mà qua rất lâu.

4- Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.

5- Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.

6- Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.

7- Ngựa thở hào hển, thở hào hển.

8- Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.

Có thể chấm dứt chấm tại đây, câu chuyện biểu tượng 'ngựa rượt tàu' đã đủ nhận ra 'cái ám chỉ'. Nhưng ông mở thêm bài thứ 2:

( 7- Ngựa thở hào hển, thở hào hển.

8- Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.)

9- Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.

10- Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.

11- Cánh đồng, a ! cánh đồng sắp hết.

12- Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.

13- Ngựa ngã lăn, mình mướt như cỏ,

14- Chấmgiữa nền nhung một vết nâu."

Từ câu 7 đến câu 14, nếu cho một tựa đề, có thể là một bài thơ ngắn, độc lập. Đầy đủ ý nghĩa và mang một ám chỉ khác.

Mỗi bài thơ được cấu trúc khác nhau như một dòng nước chảy: Những khúc quanh, nước sẽ chậm, chuẩn bị cho những đoạn thẳng, nước tuôn mau. Những bài thơ ngắn bên trong bài thơ dài là những khúc quanh co, nhưng phải cùng một dòng. Tựu trung những bài thơ ngăn nối nhau bằng những đoạn chuyển. Mở đầu diễn tiến cho một ám chỉ khác, có liên hệ với toàn bài và chấm dứt khi 'cái ám chỉ' đã hoàn tất. Nếu 'cái ám chỉ' tòan bài đã toàn vẹn, không còn liên hệ nào khác, bài thơ chấm dứt nơi đó. Dẫu có viết thêm, chỉ lập lại hoặc dư thừa, gượng gạo.

Bài thơ ngắn thứ nhất của 'Ngựa rượt tàu' (câu 1 đến câu 8), mở ra một câu chuyện nửa chừng, như bất chợt nhìn thấy một đoạn video: Chuyến tàu lửa chạy tốc độ nhanh băng ngang cánh đồng hoang phế rộng lớn. Một con ngựa phóng nước đại theo sau chuyến tàu nhưng dần dần bị bỏ rơi. Ngựa bắt đầu mệt nhọc nhưng vẫn cố tâm đuổi theo. Tứ thơ đầy đủ để ám chỉ cuộc nhân sinh. Nơi con người đi qua trần gian, đuổi theo cuộc sống, mỏi mệt, cố gắng. Càng đuổi theo càng bị bỏ rơi.

Tô Thùy Yên không dừng tại đây, ông mở ra một ám chỉ khác. Hai câu 7 và 8 là hai câu thơ chuyển. Chiếu tiếp cảnh ngựa đuổi theo tàu trong lúc hoàng hôn xuống. Ánh nắng sắp tàn, cánh đồng sắp hết, chuyến tàu vẫn lao nhanh. Ngựa đã tận lực. Ngã lăn. Ám chỉ sinh mệnh của con người là như vậy. Hết một đời vất vã, làm lụng, phấn đấu, ước mơ. Rồi một hôm, ngã quỵ. Cuộc trần ai chưa hết mà hơi thở đã tàn. Và thời gian sẽ phôi phai, tất cả những hao tổn, vui buồn, sinh động, ước mơ, chí lớn, tình yêu,... tưởng là ghê gớm lắm, chỉ còn lại một chấm nhỏ, rồi thời gian xóa đi như một vết bụi mờ.

Hai bài thơ ngắn trong 14 câu, không thừa, đã khéo léo kết hợp vào nhau, mang đến tứ thơ lớn hơn, ý nghĩa thâm thúy hơn và ám chỉ sâu xa hơn.

Liên hệ hàng dọc, khi giải thích những liên hệ Mẫu, sẽ thấy thêm những chiết tiết dễ bị sơ sót khi đọc hàng ngang.

Cột 1: Dù vô thức hoặc cố ý, Tô Thùy Yên đã xây dựng diễn tiến trên cánh đồng: 1, 7 và 8. Ám chỉ trần thế, cuộc đời vận chuyển theo những quy luật thiên nhiên, vô tình, vô cảm. Giới hạn đời người là giới hạn của cánh đồng. Định mệnh là mặt trời theo dõi cho đến khi chấm dứt vào đêm.

Cột 2: Diễn tiến của chuyến tàu chạy mau, 2, 6 và 10: Chạy càng lúc càng mau. Sự lập lại tạo ra nhịp điệu, đều đều như tiếng xùng xịch của tàu lửa.

Cột 3: Diễn tiến của con ngựa, 3, 4, 5, 8, 11, sinh vật duy nhất trong đoạn video này. Nó là trung tâm của cái nhìn theo dõi. Nó tạo ra tất cả những ám chỉ then chốt mà tác giả muốn diễn đạt. Nó băng qua bao thăng trầm gò lũng, để rồi kiệt sức và ngã lăn chấm dứt.

Ba diễn tiến theo hàng dọc cho ba cột ám chỉ đưa tới ba lớp ý nghĩa, không theo thứ tự:

Lớp 1: Thân phận của chính tác giả rượt đuổi nhịp sống gia tốc hàng ngày trong khoảng khắc hoang phí của trần gian và kết cuộc vô nghĩa.

Lớp 2: Sinh mệnh chung cho con người. Bị lôi cuốn theo guồng máy tiến bộ văn minh suốt cả đời tranh đấu để cuối cùng chỉ là phi lý.

Lớp 3: Mơ ước của thi sĩ khi đi vào cõi thơ là tìm thấy nghệ thuật thẩm mỹ. Hành trình tìm kiếm trên con đường sinh sống là một mâu thuẫn ngàn đời của người nghệ sĩ. Thực tế luôn luôn là nỗi thất vọng lớn lao cho dù người nghệ sĩ ấy thành công như Hemingway, Jackson Pollock... Ước mơ đó rồi sẽ là vết mờ theo cát bụi và thờì gian.

Sau khi có những giải thích từ ngữ, cụm từ; giải thích liên hệ Syntagmatic và Paradigmatic; bài thơ ráp lại cho người đọc một loại ám chỉ liệt kê (index), với ba lớp ý nghĩa trong một khuôn khổ sinh mệnh và định mệnh. Sẽ có lớp ý nghĩa gần đúng. Sẽ không bao giờ hoàn toàn đúng dù chính tác giả giải thích vì ảnh hưởng của vô thức. Sẽ có lớp ý nghĩa xa hơn, nhiều khi xa lắc xa lơ.

Giải thích từ Tâm lý học và Giải cấu Trúc:

Đây chỉ là quan điểm sơ lược, cho đến khi đi sâu vào từng học thuyết phức tạp của Ký Hiệu Tâm Bệnh Lý và Giải Cấu Trúc.

1- Từ bài thơ này trở đi, không thấy Tô Thùy Yên làm bài thơ nào khác có dạng tương tựa theo học thuyết Tượng Trưng (Symbolism) (14). Sự xuất hiện của bài thơ này có thể bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của các thi sĩ nổi tiếng trong học phái Tượng Trưng đương thời như Rimbaud, Verlaine mà nghệ sĩ Việt Nam rất ngưỡng mộ trong thời kỳ đó.

Tuy nhiên, tài liệu qua tạp chí và tác phẩm ngoại quốc, đa số là Pháp ngữ, rất hiếm hoi trong thập niên 1950-1960. Chưa kể, sự thiệt hại tài nguyên trí tuệ do chiến tranh gây ra, đang bắt đầu. Khó có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về những trào lưu văn nghệ mới. Chủ thuyết Lãng Mạn và Tượng Trưng qua các thi sĩ tài danh Apollinaire, Mallarmé, Rimbaud, Verlaine, ...chính là nền tảng sáng tác "mới" đương thời.

2- 1956, Tô Thuỳ Yên mới 17 tuổi, một lứa tuổi bừng bừng sức sống, lại vừa được sự lưu ý về tài thơ bởi những văn nghệ sĩ nổi tiếng từ Bắc vào Nam, thành lập những cơ sở văn học văn chương như Mai Thảo, Thanh tâm Tuyền... Lại được giới trẻ miền nam thưởng thức vì ông là một trong vài người viết mới, có văn tài từ miền nam. Thử hỏi tâm sự và ước mơ của ông lúc bấy giờ hào khí đến chừng nào. Cho nên những quan niệm yếm thế về trần gian phù phiếm, cuộc sống vô nghĩa, định mệnh phi lý là những 'kiến thức' đến từ bên ngoài, từ Đường thi cho đến thơ Pháp, từ sách vở, từ bằng hữu, không phải do kinh nghiệm sống cá nhân mà ra. Do đó không thể là nỗi ám ảnh thôi thúc.

3- Tác giả không phải là con ngựa mà là người kể về câu chuyện con ngựa rượt tàu. Đây là một viễn cảnh. Tác giả đứng nhìn từ xa và tả lại. Tâm trạng bàng quang.

4- Về giá trị của từ ngữ, đọc cả bài thơ, hầu hết từ ngữ, nhất là danh từ và động từ, dùng để mô tả lại, tường thuật. Không có tiếng nói từ nội tâm. Ngoại trừ tiếng "a" ở câu 11. Đây là tiếng kêu duy nhất phát ra từ tác giả, ta thán khi thấy chuyến tàu sắp băng hết cánh đồng.

Từ góc nhìn này, tiếp cận tới kết luận: Lớp nghĩa thứ 3 về mơ ước danh vọng và phát triển tài thơ mới chính là tâm sự của tác giả. Ông cũng đã có kinh nghiệm đối phó với những nhiễu nhương trong đời sống thực tế khi muốn đeo đuổi cuộc đời nghệ sĩ. Và hoang mang với số mệnh sinh tồn của ước mơ. Những lớp ý nghĩa khác cứ để như là những giải thích văn học.

Có điều phải công nhận, vào tuổi 17 mà Tô Thùy Yên viết được bài thơ có giá trị văn chương cao, tiêu biểu cho một mốc thi ca trong văn học Việt, tài năng đó báo hiệu cho một sự nghiệp thơ "lộng lẫy" sau này và quả thật như vậy.

Ngu Yên

======================================

GHI:

(13) Mùa Thu

Con ngựa quỵ xuống giữa lối đi
Những chiếc lá rụng xuống mình
Tình yêu chúng ta run rẫy
Và cả ánh mặt trời

(Trần Vũ, Thanh Mai chuyển thơ)

(14) Symbolism: Chủ thuyết Tượng Trưng.

Phong trào hội họa và thi ca dùng sự biểu tượng và tượng trưng gián tiếp diễn đạt những ý tưởng 'bí ẩn', tình cảm, và trạng thái tâm thần. Xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, từ Pháp và Bỉ với những thi sĩ tên tuổi như Mallamé, Verlaine, Rimbaud và Redon.