"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Dennis Brutus: Nghệ Thuật Hóa Trong Thơ Đấu Tranh

 

BRUTUS, VINCENT DENNIS (28 tháng 11 năm 1924 - 26 tháng 12 năm 2009 )

sinh tại Nam Phi (South Africa)

dennis brustus - 1

Ông hoạt động chính trị, xã hội. Là nhà báo và trên hết là một thi sĩ tài danh. Nhiều người trên thế giới biết ông qua cuộc đấu tranh vì sự kỳ thị chủng tộc của Nam Phi trong Thế Vận Hội quốc tế.

Ông là người Nam Phi gốc da trắng. lai Pháp và Ý.

Tốt nghiệp đại học Fort Hare (BA 1946) và đại học Witwatersrand cho luật khoa. Dạy học tại các trường trung học ở Nam Phi.

2008 ông nhận giải thưởng cao quí của Lifetime Honorary Award của Bộ văn hóa và nghệ thuật ở Nam Phi về thi ca. 

 

                                                               ***

Ông có một đời sống dài 85 năm dàn trải qua những thăng trầm lịch sử của quê hương Nam Phi. Ông hoạt động xã hội và chính trị ngay từ lúc trẻ. Mục tiêu là cổ võ nhân quyền và bảo vệ người nghèo. Thơ đối với ông, thể hiện qua hai khía cạnh:

-  Phương tiện đấu tranh.

-  Xúc động trong tâm tình.

Những loại thơ đấu tranh, cho dù là đấu tranh về phương diện gì, rất dễ rơi vào khẩu hiệu tuyên truyền. Những câu thơ trực tiếp đả phá, những ý thơ thuyết phục bình dân, thường chứa đầy ý, có khi rất đầy lý luận mà ý tình thì cạn. Người ta thường nói là thiếu lửa.

Trong trường hợp này, lửa thường được hiểu như là nhiệt huyết tạo ra khí thế. Nhiệt huyết phải có thật từ tâm tư thì cảm xúc mới tạo ra khí thế. Lửa không nằm trong ý, cũng không do câu-chữ diễn tả, cũng không do hình ảnh dàn dựng, lửa từ chất cảm xúc cao độ thắp vào những con chữ. Lửa đến từ xúc động thật. Đến từ những điều mắt thấy, tai nghe đã gây ra cảm xúc trong lòng. Lửa không đến từ nghĩ ngợi. Lửa không đến từ sắp đặt, vẽ vời cho ý tứ, hình ảnh có khả năng thuyết phục. Lửa không đến từ tưởng tượng hay hoang tưởng. Một người chứng kiến cảnh giết người sẽ kể lại khác hẳn một người tưởng tượng về cảnh giết người. Cho dù người tưởng tượng là người uyên bác, thông thái, vẫn không có chất thật trong khi kể và càng không có cảm xúc khi diễn lại. Với tài năng làm thơ và tâm tình của một chứng nhân lịch sử, mắt thấy tai nghe, Dennis Brutus đã làm những bài thơ đấu tranh nặng nề chính trị, xã hội, nhân quyền trở thành những sáng tác văn chương bất hủ.

Ngươi  không có tự do khi trí óc bị gông cùm:

nếu quá nhiều dối trá thêu dệt chung quanh

ngươi đang bị bẫy trong lưới giăng lừa bịp

ngươi phục tùng, trở thành tù nhân của lừa đảo,

dù thân xác tự do, cũng không có tự do

ngươi  không có tự do nếu trí óc bị gông cùm.

                                                             (Seattle)

Đúng như vậy, Thơ đấu tranh cần sự dễ hiểu và trực tiếp cảm xúc lòng người nên câu thơ và chữ thơ sinh hoạt trong dạng bình dân, có khi gần gũi với bạch văn. Cần phải có khả năng sáng tạo cao và mạnh để những yếu tố, chi tiết mang bản sắc bình dân trở thành văn chương. Tài năng của mỗi thi sĩ sẽ chứng tỏ qua cách "văn chương hóa" những sự việc, lời lẽ bình thường hoặc tầm thường. "Văn chương hóa" không có nghĩa là bóng bẩy, không có nghĩa là trau chuốt, không có nghĩa là làm dáng, không có nghĩa là kiểu cách, không có nghĩa là khó hiểu, chỉ có nghĩa là sáng tạo: diễn đạt cái nghệ thuật thật vào thơ. Cho nên, dù có chửi thề cũng có cung cách văn chương hóa, mà nói tử tế chưa chắc đã đạt được văn chương.

Văn chương hóa là một cách nói "thông thường" cho dễ  chấp nhận. Đúng hơn, gọi là Nghệ Thuật Hóa. Những sự vật bình thường được làm cho đẹp hơn, hay hơn, giá trị thẩm mỹ hơn nằm trong tiến trình của nghệ thuật hóa.

Cụm từ Bình Thường có nghĩa như thế nào? Sự vật bình thường bao gồm tất cả những gì xảy ra trong đời sống, được lặp đi lặp lại. Những phát minh, những khám phá ra ngoài sự hiểu biết của nhân loại thì không bình thường. Nhưng sau một thời gian, sẽ trở thành bình thường.  Như vậy, công việc làm cho đẹp hơn, hay hơn, giá trị hơn để sự việc bình thường trở thành khác thường, chắc chắn không phải dễ dàng.

Khác thường, mang bản chất dị biệt với đa số. Ra phố, mọi người mặc áo quần, nếu có ai trần truồng, người ấy làm việc khác thường. Vào bãi biển khỏa thân, mặc áo quần chỉnh tề, người đó cũng khác thường. Khác thường là không đồng dạng, không giống bình thường. Bình thường thuộc về đa số.

Khác thường trong nghĩa tâm lý, là khích động tâm tình ra khỏi trạng thái bình thường. Bình hay Khác là do người mà ra. Mỗi người phân biệt và đánh giá mức độ Bình và Khác một cách khác nhau. Trước một sự việc, nghe một lời nói, có người thấy Khác có người thấy Bình. Do đó, mức độ trung bình chung để phân biệt Bình và Khác thuộc về đa số.

Khác thường, trong nghệ thuật là sáng tạo. Sáng tạo là khác thường, là bất thường, là dị thường, là phi thường và lạ lùng thay... miệt mài khác miết lại trở về "thường thường" để chuẩn bị cái khác thường khác... bất thường khác... dị thường khác... phi thường khác... Sự lặp lại, nhái lại làm cho khác thường trở thành bình thường hoặc thông thường. Đời người chắc không có ai tránh được chuyện biệt ly, từ giã. Chuyện đó thường. Bao nhiêu ngàn bài thơ viết về chia tay, lặp đi lặp lại, cho dù tình thật ý hay cũng sinh ra quen thuộc, nhàm chán. Ông Brutus, ghi lại chuyện bình thường đó qua một cách khác thường. Ba câu kết của bài thơ thật là tuyệt diệu: nhẹ nhàng mà đau đớn. Lạ lẫm mà quen thuộc. Cảm giác về luận lý khô khốc của phần trên là phần sinh hoạt của lý trí chợt biến chuyển như quanh một khúc cua gấp, sang số vào những cảm xúc lãng mạn và ray rứt:

Tôi không bao giờ nói từ giã.

tất cả chia tay chỉ tạm thời,

không bao giờ kết thúc;

từ giã là việc thừa

hơn nữa, chỉ là tuồng kịch

là  ý nghĩ được dự trữ

rồi nói thành lời cường điệu vụng về

vốn dĩ, biệt ly gây ra cảm xúc

rung động làm biểu lộ tâm tình

và điều đó không cần thiết

vì vậy tôi không nói từ giã

không chia tay

không bao giờ nói tạm biệt

nhưng khi tôi vuốt ve những sợi lông măng

trên cườm tay nàng như lời chào im lặng

nàng khóc nức nở nói: Xin đừng sờ tay em.

Nói về thơ là nói về nghệ thuật ngôn ngữ, nôm na, gọi là nghệ thuật của tiếng nói. Nhận xét về nghệ thuật này, làm nghệ thuật này , có hai cách nhìn khác nhau. Cách nhìn từ bên ngoài nhìn vào: Nghệ thuật đích thực là "ghi lại" những tiếng nói khác thường. Chuyện trò là tiếng nói bình thường vì chiếm đa số. Tiếng khóc, tiếng cười, tiếng la, tiếng hú có phải là khác thường không? Phải chăng nghệ thuật thơ là ghi lại những tiếng khác thường này. Những âm thanh cưu mang một cảm xúc cao độ, nồng độ hơn tiếng nói bình thường với tình cảm bình thường?

Cho dù những tiếng khóc, tiếng cười, tiếng la, tiếng hú....có mang nhiều cảm xúc, rung động cao độ cũng không thuộc dạng khác thường vì đã bị lập đi lập lại quá nhiều, quá dài nên đã trở thành bình thường.

Cũng khó thuyết phục khi cho rằng tiếng khóc tiếng cười tự nó không có ngôn từ như tiếng nói nên chúng nó khác thường. Tất cả tiếng động, âm thanh trong trời đất đều không có ngôn từ, kể cả tiếng động trong tâm can cũng không có ngôn từ, cội nguồn của tiếng nói cũng không có ngôn từ. Ngôn từ theo cách hiểu là ngôn ngữ thỏa thuận với nhau để sinh hoạt. Ngôn từ bản chất là phương tiện bằng ký hiệu. Khi con người ký hiệu được, ghi lại được thì tiếng động đó, âm thanh đó được gọi là ngôn từ, không phải có ngôn từ.

Ở một khía cạnh khác, sau khi ngôn từ đã phát triển vào mức trạng trưởng thành, như ông Joseph de Maistre nói:  " ý tưởng và ngôn từ đồng nghĩa." ( Thoughts and words are synonymous.) Đã có tâm tình, cảm xúc vui buồn tức là có ý tưởng và có ý tưởng tức là có ngôn từ hiện hình. Cũng nên ghi nhận điểm nhấn quan trọng: " ngôn ngữ không chỉ là cách nói, cách diễn tả mà là cách sống". Như vậy, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng la, tiếng hát... đều bình thường. Chỉ có tiếng "không giống bình thường" là khác thường. Tiếng hú của nhà sư Không Lộ là phi thường. Tiếng thơ của Bùi Giáng là khác thường. Tiếng thơ của Allen Ginsberg là dị thường. Tiếng thơ của Octavio Paz là bất thường...v.v... vì những tiếng nói đó không giống bình thường.

Vì sao không giống bình thường? Vì chúng phát xuất từ nguồn gốc không giống bình thường và được ghi lại một cách khác thường.

Sinh ra quan niệm thứ hai, nhìn từ bên trong nhìn ra. Từ một góc nhìn khác, nghệ thuật đích thực là "ghi lại" những tiếng nói bình thường một cách khác thường. Tưởng từ ngữ "ghi lại" nên đổi thành "diễn ra" thì sinh động hơn. Thơ là sáng tạo, người làm thơ là sáng tạo tác, gọi tắt là sáng tác. Từ "diễn ra" thích hợp với sáng tác hơn.

Nghệ thuật đích thực là diễn ra những tiếng nói bình thường một cách khác thường. 

 Đi dọc bãi biển

hứng hơi nước đại dương

đi dọc theo bãi biển

nghe sóng vỗ ngập ngừng

đi dọc bãi biển

ngắm bọt trắng đại dương

không có biển

chẳng có hơi nước mặn

không có sóng vỗ

chẳng có bọt trắng

chẳng có hơi mặn

không có biển

chẳng có sóng

không có biển

chẳng có bọt

không có biển

rồi hơi mặn trở về đại dương

rồi sóng trở về đại dương

rồi bọt trở về đại dương

Hãy ngắm thế giới

ngắm đàn ông

ngắm đàn bà

ngắm Thượng Đế

không Thượng Đế

không thế giới

không Thượng Đế

không đàn ông

không Thượng Đế

không đàn bà

không thế giới

không Thượng Đế

không đàn ông

không Thượng Đế

không đàn bà

không Thượng Đế

Rồi chúng ta trở về

Chúng ta sẽ là MỘT

Thượng Đế là TOÀN THỂ

chúng ta là THƯỢNG ĐẾ

Trong bài thơ ngày 19 tháng 2 năm 1980, Brutus diễn ra (diễn lại) biển một cách khác thường để từ đó ông bắc thang lên cõi siêu hình. Cơ cấu của bài thơ này cũng là một mô hình nghệ thuật diễn đạt thơ. Sự lập lại gãy gọn, đều đều như tiếng tụng kinh. Chữ nghĩa bình dị. Hành văn giản dị. Vậy mà sinh hoạt giữa những yếu tố đó rất khác thường. Ông không xuống hàng để phân biệt phần đại dương và phần siêu hình. Ông để sự nối tiếp dẫn đưa ngạc nhiên và lý thú khi người đọc cảm nhận ra khi ta đã về với "đại dương" với "Thượng Đế" thì ta là Thượng Đế. Kinh hát nói rằng: Thầy là cây nho, chúng con là ngành. Ngành nào kết hợp cùng cây sẽ trổ sinh hoa trái... Tuy bài hát đi ngả khác nhưng hãy hiểu rằng, khi trái chín rụng xuống, hạt nẩy mầm, sẽ lên cây nho. Ngành trở về cây.

Khác thường hơn nữa khi ông đi vào đoạn kết bằng một tam đoạn luận của nhị nguyên mà nội dung lại trình bày lại nhất nguyên. Chúng ta là MỘT. Chúng ta là thái cực. Thượng Đế là TOÀN THỂ. Thượng Đế là thái cực. Vậy thì chúng ta là Thượng Đế.

Thơ đấu tranh của Brutus đến từ kinh nghiệm sống của ông, đến từ tấm lòng bất mãn với chính quyền đương nhiệm, đến từ những cảm thông, chia sẻ của bất công của nghèo đói. Và ông đã nghệ thuật hóa những yếu tố này để mang vào thơ. Viết về một tháng ngày lịch sử của Nam Tư như người Việt chúng ta nói về 30 tháng 4, ông dẫn người đọc đi trên những lập lại của tháng 3. Tiếng vọng dồn dập làm tháng 3 trở nên hoang mang, nghi ngờ, chú ý, rồi tháng 3 nổ ra ở hàng cuối cùng: tháng Ba vĩ đại đến Tự Do.

Tháng Ba để nhớ

tháng Ba

từ Alex đến Sandton

tháng Ba dài

tháng Ba dài để nhớ

với những tháng Ba khác

tháng Ba ở Sharpeville

tháng Ba ở Sebongkeng

tháng Ba ở Boipatong

tháng Ba ở Ginsburg

tháng Ba ở Bisho

tất cả đều đáng nhớ

gom lại thành tháng Ba vĩ đại

từ tháng Ba vĩ đại đến Tự Do

từ Alex đến Sandton

từ tháng Ba vĩ đại đến Tự Do

                                    (Tháng Ba)

Ngay cả khi có tính cách xách động, thơ của ông cũng không mất bản sắc văn chương.

Tôi lây lất

từ Luân Đôn đến Ba Lê

từ Amsterdam đến Rotterdam

từ Munich đến Frankfort

từ Warsaw đến La Mã -

trái tim vẫn khóc cho quê hương!

Lưu đày

là tủi nhục

trong thăng hoa

ở hải ngoại,

là quen thuộc một cách vô tâm

vì nhái lại

sự thăng hoa hoang tưởng.

                        ( Chuyện Tiếp Diễn Ở Nam Phi )

Ông không chỉ nói với người dân da đen lưu vong và người dân Nam Phi bị lưu đày trên chính quê hương của mình. Ông còn nói cho tất cả những tâm hồn lưu xứ. Những vinh hiển những giàu có từ vật chất tới tinh thần với những lý luận biện hộ, thực chất là sự thăng hoa của tủi nhục. Tâm trạng của kẻ "lưu đày" khi sinh hoạt với người bản xứ. Còn người ở lại thì sao?

Từng ngày, từng giờ

không thấy đớn đau

vì lưu đày không như cắt bỏ xác thân,

không có vết thương chảy máu

không như xẻ thịt và đứt đoạn thần kinh

nỗi thầm kín gia tăng

đậy chặt nắp lên trí hiểu biết

đóng kín mùi hôi nung đốt gắt gay

làm bỏng mắt,

hít thở thật nhiều

ổn định đầu óc qua lời than thở

một hôm có kẻ vô tâm hỏi han

tò mò mở nắp đậy kín;

tôi có thể bỏ quên ý thức lưu đày

cho đến khi có người nhắc nhở.

Trong bài Cho Bác Sĩ Erich Fromm, ông viết:

Tin tưởng

và kinh nghiệm

rằng tất cả con người

cưu mang nhân loại

trong tâm.

" Với tôi

không có gì của người

là xa lạ "

Tôi không thật sự hiểu

trừ phi có thể thấy

trong người khác

những gì trong tôi.

" Chủ nghĩa nhân văn

là phản ứng

đe dọa loài người."

đảng Mác-xít

Thiên Chúa giáo

tất cả chủ nghĩa

tìm kiếm thời Phục Hưng.

Một thi sĩ lớn không những chỉ viết cho mình, cho người yêu, cho xã hội, cho quê hương mà qua tất cả những điều đó, người đọc ở bất cứ đâu, màu da nào, ngôn ngữ nào cũng đều nhận ra bóng dáng và tâm tư của riêng họ. Điều thâm trầm của ở tù không phải là đói, là khổ, là nhục nhằn mà là lòng phản bội với chính mình. Phản bội mình là phản bội điều chân chính nhất của quê hương mình. Brutus viết:

luyện thân sắt chịu đựng kiên nhẫn

hoặc cam nhận  hình ảnh chúng ta

nếu từ bỏ sẽ một đời tê điếng

người sếp cai ngục nói:

" không có thời giờ

cho những chuyện thế này

họ còn tệ hơn chuột

chỉ nên bắn bỏ thôi."

Trên cao

một đám sao trời lấp ló trong sương

Thánh Giá Miền Nam nở hoa bên dưới;

xiềng xích trên cổ chân

trên cổ tay

nối chúng ta từng đôi

kêu chói tai

lấp loáng.

Chúng tôi bắt đầu đi

ngượng nghịu.

Sau cùng, đặc điểm trong thơ phản kháng, đấu tranh của ông mang một tinh lực sáng tạo của bản lãnh thi sĩ trình độ. Thơ tranh đấu khác với lời nói sách động tranh đấu. Thơ phản kháng khác với lời tuyên truyền phản kháng. Khác ở chỗ: sáng tạo.

Lấy nó khỏi trí nhớ

lau sạch rồi đánh bóng

để nó sáng rực như nữ trang

như châu báu bừng lên lộng lẫy

lóe sáng dưới ánh đèn.

đeo nó như trang sức rạng rỡ

cho nó sáng, cho nó sáng, cho nó sáng

sáng lòa.

Lấy ra khỏi trí nhớ

cho nó hiện ra trên mặt em

cho nó sáng trong đôi mắt

ánh sáng ngời của buổi sáng tươi vui

với sáng sủa của đôi điều

thành tựu

với sáng tươi của công việc

hài lòng

cho sáng tỏa trên khuôn mặt

thắp sáng địa cầu

cho nó sáng, cho nó sáng,cho nó sáng

sáng lòa

tráng lệ

hứng khởi

cho nó sáng

cho nó sáng

cho nó sáng

cho nó sáng

Có chỗ nào giấu kín

vào tận cùng trí khôn

vài ngăn tủ âm u trong ký ức

kềm hãm những hành vi

 di tích của trí nhớ

vài việc làm đôi khi bất công

để ủng hộ công bằng?

lấy nó ra

lau sạch

cho nó sáng

cho nó sáng

cho nó sáng

cho nó sáng như vài đồ trang hoàng

lau sạch rồi đánh bóng

cho nó sáng, cho nó sáng, cho nó sáng ngời

Lấy nó ra

lau sạch

đeo nó lên như danh dự huy chương

biểu dương những hành vi dũng cảm

mang nó lên như phù hiệu thanh danh

cho nó sáng, cho nó sáng, cho nó sáng

sáng ngời

Những xúc động trong tâm tư về đời sống, về cõi siêu nhiên, về chốn sau cùng cũng tạo ra nhiều bài thơ thâm trầm. Sự lắng đọng của những bài thơ này hoàn toàn ngược lại với sự sôi động của thơ đấu tranh. Cho người đọc nhìn ra khía cạnh uyên bác của ông về tư duy và kiến năng.

Mỗi sáng tạo

là mỗi giải đáp cho mỗi vấn đề:

mỗi cá nhân

là đám đông được thâu gọn

nhưng điểm nhấn là

mọi người đều đồng dạng

nhìn theo đa số

mọi người đều đặc thù

nhìn theo cá thể

từ nhân loại

người thánh kẻ tội ra đời

người khôn kẻ ngu xuất hiện

mỗi người đều đáng kính

mỗi người mỗi giá trị riêng:

như trong giọt sương

áng nắng lang thang bị giam cầm,

dựa lưng vào bối cảnh

vách tường thân xác tù nhân

thương tích mới lộ liễu

nở hoa trong tối tăm.

Trên cao con hải âu lẻ loi lượn vòng

cất tiếng khóc bướng bỉnh thách thức

một chiếc lông vọng âm  

chao đảo giữa thinh không ca hát

                                    (Trích Cho Vaughan )

Cũng dễ nhận ra, ông rất yêu thích thơ Hài Cú. Trong những tác phẩm về sau, nhiều bài thơ theo kiểu Tân Hài Cú xuất hiện trong tuyển tập. Và tinh thần trầm lặng để đốt lên nỗi kinh ngạc bất thần  hoặc một băn khoăn tư duy không cần giải đáp hoặc một tâm tình triền miên không kết luận của Hài Cú bảng lảng  khắp lời thơ của ông. Và ông đưa luôn Hài Cú vào thời hiện đại:

Nhận thấy: Sự sung túc

ở Hoa Kỳ được mua

bằng thống khổ từ nơi khác

Recignize: Comfort

in the U.S. is purchased

by anguish elsewhere.

Cỏ cao ánh sáng xuyên mờ

nắng trong chiều chạng vạng:

Cảnh Âu Châu.

Tall grasses gleaming

in laten afternoon sunlight:

European landscape.

Trái tim ngưng đập một thoáng:

không, không phải lúc thấy em lần đầu

nhưng ngay khi anh biết

em cho phép anh yêu.

A heart-stopping moment:

no, not the moment when I first saw you,

but the instant when I realized

you might let me love you.

                                    ( Mar 19, 1996 )

Cánh bướm mong manh

lộng gió như quạt phụ nữ

hoa mận khoe dáng yểu điệu.

Butterfly fragile

airy as ladies’ fans

plum blossoms’ pale grace.

                                    ( Feb. 21, 1998 )

Có lẽ trong bình di cốt

tro tôi có thể nghỉ ngơi:

tung hê theo gió thổi.

(Viết lại)

Xin cho tro xương tôi

tản mạn trong gió thoảng

về dưới chân em.

Perhaps in an urn

my ashes might come to rest:

let winds scatter them.

(alternate version)

Let some ash from my

urn be scattered by gentle winds

before your feet.

Thơ của Dennis Brutus không có một chỗ đứng cao ngất ngưởng trên đài thi ca thế giới nhưng chỗ đứng của ông đủ cho người đọc ngưỡng mộ tài năng cho dù có thể không đồng ý với quan niệm hoạt động của ông. Thơ phản kháng của ông chẳng những phản kháng ở hình nhi hạ mà còn vươn lên cả hình nhi thượng. Chúng ta bắt gặp những lúc ông bối rối với Thượng Đế. Không dứt khoát như "Thương Đế đã chết", ông băn khoăn nghi ngờ nhìn quyền lực siêu nhiên qua đời sống khốn khổ của màu da đen. Thơ ông biểu lộ tâm huyết. Không chứng tỏ một cuộc tranh đua về bệ tượng đài.

Dennis Brutus được nhiều người biết tới qua sự tranh đấu cho nhân quyền và cho tầng lớp dân nghèo. Nhất là qua việc ông chống đối thế giới để tranh dành quyền tham dự Thế vận hội Olympics cho các quốc gia Phi Châu. Giới văn chương biết ông qua những bài thơ đấu tranh đầy nhân tính và nghệ thuật. Thơ Brutus để lại cho người đọc vài điều suy nghĩ: Quê hương là gì? và Quê hương là ai? Chúng ta, mỗi người, thật sự ta là ai? Đã làm gì? cho mình? cho ai? Là chiếc bóng băng qua lặng lẽ? hoặc chiếc bóng băng qua để lại bóng mát cho bộ hành phía sau?

Ngu Yên

GHI:

Những bài thơ của Dennis Brutus trong bài viết đều trích từ những bài thơ trong Tuyển Tập Thơ Nam Phi và Thơ Phi Châu do Ngu Yên chuyển thơ. Nếu quí vị nào muốn đọc thơ tuyển của Nam Phi và thơ Phi Châu, xin liên lạc: nguyen112052@gmail.com để nhận bản sách ebook, sách tặng.