"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Nói Từ Một Nơi Tạm Nghỉ Chân

"Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên. Cây cỏ không có tiếng, gió xao động thì nó phát ra tiếng. Nước không có tiếng, gió chấn động thì nó phát ra tiếng động. Đập nó, nó bắn phọt lên. Ngăn nó, nó chảy dồn lại. Nấu nó, nó sôi sùng sục. Kim, thạch không có tiếng. Gõ nó, nó phát ra tiếng. Người, xét về lời nói thì cũng vậy, có điều bất đắc dĩ rồi sau mới nói: Ca đó là điều nhớ nhung. Khóc đó là điều buồn thảm.

Phàm ở miệng phát ra thành tiếng đều là do có điều bất bình (bất an) cả chăng? .......... Âm nhạc, là u uất ở trong mà phát tiết ra ngoài. Rồi người chọn những vật khéo tạo âm thanh mà mượn nó kêu thay cho mình (nhạc cụ). Kim, thạch (đá), tơ, trúc, da, gỗ, tám cái đó là những vật khéo kêu.

Trời, về phương diện thời tiết thì cũng vậy. Chọn những vật khéo kêu mà mượn nó kêu thay cho trời. Dùng chim để kêu xuân. Dùng sấm kêu hè. Dùng côn trùng kêu thu. Dùng gió kêu đông. Bốn mùa xô đẩy thay thế nhau, phải chăng tất có chỗ không được quân bình?

Ở người ta thì cũng vậy. Tinh hoa của thanh âm loài người là lời nói. Văn từ so với lời nói lại còn tinh hoa hơn nữa. Càng nên chọn sự khéo kêu để mượn kêu thay cho mình....."

Văn thánh thủ, Hàn Dũ đời nhà Đường trong bài Tống Mạnh Đông Dã Tự, đã viết như vậy.

Ông xác định một truyền thống sáng tác đã kéo dài cho đến nay. Văn chương từ bản chất là tâm sự của con người. Tư tưởng, ý nghĩ, tình cảm, lý luận kết hợp được với nhau từ những thao thức, thắc mắc, nghi ngờ, u uẩn, uất ức...... Có tâm sự tất có điều muốn nói. Có động tâm mạnh tất có điều thôi thúc. Bài thơ thật sự bắt đầu từ cội nguồn này.

Nhưng chỉ là bắt đầu. Phần diễn đạt và phần chấm dứt còn cả là một hành trình, có khi dài hàng tháng hàng năm, có khi nửa chừng bỏ cuộc chơi, có khi thảng thốt trong tích tắt.

Ông Nguyễn Du bắt đầu Đoạn Trường Tân Thanh từ lúc nào, chấm dứt ra sao? Chắc không thể hoàn tất trong đôi ngày. Xúc cảnh sinh tình lúc ban đầu kéo dài được bao lâu? Hết rung động rồi thơ Kiều ra thế nào? Nhan nhãn trong lịch sử sáng tác thơ, lắm bậc sư phụ tận công phu viết từng chữ một. Nhà thơ thời Trung Đường Giả Đảo với phép thơ "Thôi xao", nghiền ngẫm một chữ đôi khi mất mấy ngày. Điểu túc trì biên thụ. Tăng xao nguyệt hạ môn. Chim ngủ cây bên ao. Sư gõ cửa dưới trăng. Tích Thôi Xao là vậy. Bên trời tây, Ông vua viết trường ca, kịch ca, William Shakespeare, hoàn tất ngàn ngàn dòng tác phẩm bằng cảm xúc gì? bằng kỹ thuật gì? Ông Walt Whitman với trường thơ Lá Cỏ, thai nghén bao lâu?

Ngược lại, ông Vương Bột thời Sơ Đường, viết văn làm thơ có thuật "phúc khảo", viết trước trong bụng. Mài mực sẵn. Uống rượu say. Ngủ một giấc. Thức dậy cầm bút viết một mạch không ngừng, không sửa. Bài Đằng Vương Các Tự dài 142 câu, không kể phần vịnh Đằng Vương Các, ông viết một hơi trong buổi tiệc do đô đốc Diêm Bá Dư đãi khách, khiến cho mọi người kinh ngạc về tài hoa của cậu thanh niên 16 tuổi. Bài này cho đến nay vẫn là một trong các tuyệt tác của Đường thi.

Còn ông Ba Tiêu thì sao? Người mang thơ Hài Cú đến cho nhân loại, làm thơ thế nào? Im ru. Thỉnh thoảng đặt bút viết vài câu ngắn. Ếch nhảy xuống ao. Bủm. Bài thơ nổi tiếng của ông chỉ có vậy. Hình thể và tinh thần thơ Hài Cú vẫn phong ngự trong thi ca thế giới hiện đại.

Chắc chắn là không có lối làm thơ này hay hơn lối kia. Phương pháp này giá trị hơn phương pháp nọ. Chỉ có người làm thơ có bản lãnh hay không? Chỉ có bài thơ hay, bài thơ giá trị và bài thơ dở.

Tôi chép lại những chuyện này cốt chỉ vì suy nghĩ một ý chưa rõ. Bằng những con đường ngắn/dài, đơn giản/phức tạp, kỹ thuật/phi kỹ thuật, nghệ thuật/phản nghệ thuật....khác nhau, chói nhau, nhà thơ làm nên thơ. Nhưng Cái gì làm cho thơ dở? Mỗi cách làm thơ có chỗ nào không tạo nên giá trị?

Thời còn học trò tiểu học trường La San Qui Nhơn, tôi và bạn thường ra bờ sông Thị Nại trong những ngày chê học. Xem cá Thòi Lòi nhảy trên kè. Chúng tôi tinh nghịch lượm đá chọi cá. Bạn tôi quăng rất hay. Mười viên trúng bảy tám. Tôi chọi dở. Mười viên trật cả viên mười một. Sau một buổi, bạn tôi hay, cá chết mấy chục con. Tôi dở, không con nào chết. Nghĩ lại, Hay/dở này không ổn chỗ nào?

Cuối niên tiểu học, tôi ra trường hạng nhất có lãnh thưởng danh dự. Bạn tôi ở hạng xa xa. Gọi là không hạng. Mươi năm sau, tôi vào trường Luật. Gặp lại bạn tôi vừa là một nhạc sĩ có tiếng, vừa là một doanh nhân có tiền. Hay/dở thế nào và dọc theo đường Hay/dở nên luận ra sao?

Thơ có thời chọi cá, có thời khoa bảng, có thời nghệ thuật, có thời bình thường. Thơ tôi vậy đó, thơ bạn có khác không?

1- Chọi cá cũng như thả chữ, nạp ý vào thơ. Không phải ai cũng có tài thiện xạ. Chữ/ý đắt địa là lúc chọi trúng cá, trúng hồng tâm. Chữ bình dân, chữ bác học, chữ loại gì cũng không quan trọng bằng vị trí của nó trong câu thơ, bài thơ. Quan trọng đây không phải nghĩa là ghê hồn, nặng ký, sâu thẳm, ẩn dụ mà có nghĩa là đúng chỗ hoặc gần đúng chỗ. Có những chữ chỉ là gạch nối như cái cầu, nhưng không có cầu, làm sao sang sông. Có chữ hèn mọn như con chó nhưng không có nó sủa, ai báo chuyện gì sắp xảy ra.

Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi

Bình dân thôi. Mai Thảo vốn là một nhà văn đầy cầu kỳ trong văn xuôi. Vậy mà rất đắc địa khi sang thơ vần. Bình dị, truyền thống. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc giải thích câu cuối cùng của bài thơ như mở ra những chân trời vời vợi. Tôi xin thêm, câu đó nói ra một điều nghi ngờ của Mai Thảo về Thượng Đế. Cả bài thơ là nghi hoặc và chấp nhận sự nghi hoặc rồi vẫn nghi hoặc. Nghi mà không giải nên thế giới có triệu điều không hiểu. Tàn đời vẫn không không hiểu. Những điều của Mai Thảo không hiểu thuộc về siêu và tâm. Chấp nhận chết rồi vẫn không hiểu. Nghi rằng sẽ hiểu sau khi chết? Những bầy chữ/ý nằm đầy 3 câu đầu để "báo" cho câu cuối. Mở ra vời vợi vì vẫn không có giải...

Cũng nỗi thao thức về tâm và siêu, Bùi Giáng viết rằng:

Hỏi: rằng giờ có muốn đi
Về Thiên Đường ngó mấy Dì Tiên Nga ?
Thưa rằng: thà ở với ma
Miễn là được thấy lại Tòa Mông Rô

Chữ Dì, đắc địa. Tiên Nga trên trời là cấp bậc cô dì. Chốn thánh thiện ai mà ham nhìn ngắm bậc trưởng thượng.

Chữ Tòa, đắc địa. Thấy được "tòa thiên nhiên" của Marilyn Monroe thì ở với ma thích hơn.

Thi sĩ dẫn đầu về nghệ thuật chọi chữ/ý. Thời xưa, thi sĩ chọi chữ vì ý nghĩa của chữ. Ngày nay, thi sĩ chọi chữ vừa có ý nhưng quan thiết hơn là sự tương quan, hài hòa hay độc đáo của vị trí của chữ/ý.

Quà ngon như khế ngọt chanh
Đắng như đường mía ngọt thành ra chua
Mai sau em sẽ ở chùa
Tu hành rất mực của chua càng thèm

Chữ Chanh/ý chanh cho nghĩa tương phản với ngọt. Ở đâu có chanh ngọt? Chữ Đắng hoà với ngọt thành ra chua, nói lên cay đắng ngọt bùi dễ hiểu mà lầm trong cõi nhân sinh. Chữ Chua mới độc đáo. Có chữ chua này mới hiểu được cả câu cuối của Bùi Giáng. Càng tu càng thèm của chua. Dĩ nhiên ông nói về vị ni cô.

Nhưng nếu ta hiểu nghĩa Hồ Xuân Hương ở đây là chỉ hiểu hình nhi hạ. Ông muốn nói về siêu hơn. Càng chân tu càng thèm không tu.

2- Thời khoa bảng có dẫn chứng Thanh Tâm Tuyền và vô số những nhà thơ học rộng, đọc cao. Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. Ý thơ được yêu mến của Thanh Tâm Tuyền, phải chăng đã thấy trong thơ Phái Lãng Mạn của Pháp.

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi

Thời này nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có đầy chữ nghĩa khoa bảng. Cái học bọc cái thơ. Kỹ thuật, nghệ thuật, trường phái, thủ công của các nhà thơ ngoại quốc nổi tiếng đã ảnh hưởng tràn ngập như một loại khoa bảng bất thành văn.

Loại tiền-khoa-bảng này đôi khi rất có hại cho những nghệ sĩ không có khả năng tiêu thụ. Đêm ngày phát ách. Xì hơi còn lổn ngổn ý từ. Khiến cho bạn tôi thường la cảnh cáo, đừng đọc mấy ông ngoại quốc. Đừng theo tác giả tây phương. Bộ mấy ông đó là hay nhất đúng nhất hay sao? Bạn tôi có chỗ rất đúng. Đã là nghệ sĩ thật sự thì không còn lòng sợ hãi thua sút người khác. Cho dù họ là ai. Cho dù họ có thơ đoạt giải Nobel. Nếu một người làm thơ, sống với thơ, thâm cứu nghệ thuật, suy tư về bản chất, cội nguồn, phương tiện của thơ. Tự hỏi mình liên tục về sáng tạo và sáng tác thì người xưa, cũng như người đời nay; người bên tây như người bên đông; người già cũng như người trẻ; người nổi tiếng cũng như người vô danh, đều có giá trị, không như nhau nhưng đáng cho nhau ngưỡng mộ.

Nếu không đọc ông ngoại thì đọc ông nội, phải không? - Thưa, chưa hẳn đúng vì lỡ như ông nội không hay, không có gì để đọc, để học thì sao? - Thưa, đúng hơn là không nên phân biệt ngoại nội. Ông nào có cái gì hay thì đọc, thì học. Ông ngoại đọc ông nội cũng rất nhiều, Đọc thâm cứu. Đọc bình giải. Đọc phân tích. Đọc cảm quan. Đọc xong còn cất cả một thư viện tồn trữ cho đời sau. Không có lý do gì ông nội không chịu đọc ông ngoại? Lòng còn nhiều giới hạn thì văn chương không thể lớn khôn.

Thế giới bây giờ với những phương tiện thông tin hiện đại là thế giới gói vào hai chữ toàn cầu. Văn chương toàn cầu. Thơ toàn cầu. Văn chương không có kỳ thị da màu, địa lý, cách viết tên. Văn chương có sự khác biệt nhưng không có sự bất hòa.

Thời Khổng Tử, trần gian có bao nhiêu sách nếu so sánh với sách bây giờ? Có rất nhiều người ngày nay đọc nhiều sách hơn Khổng Tử, nếu so trang và số lượng chữ. Vậy mà Khổng Tử là Vạn Thế Sư Biểu. Khi học trò hỏi thầy Khổng Tử đã đọc sách gì mà ông hiểu biết sâu rộng như vậy. Khổng Tử cho biết, ông chưa đọc hết sách trong thiên hạ. Ông chỉ đọc những sách "giềng mối" mà thôi. Vậy hoá ra, không phải đọc nhiều mà là đọc đúng.

Thế nào là đọc đúng?

Đọc đúng là đọc theo thứ tự và tiêu thụ những điều đã đọc.

Theo thứ tự là sao?

Nếu chưa hiểu hình học, đại số thì làm sao chấp nhận Tân toán học. Chưa đọc lịch sử triết học tây phương thì khó biết vì sao Friedrich Nietzsche tuyên bố Thượng Đế đã chết. Làm sao cảm thụ Thus Spake Zarathustra. Chưa lãnh ngộ vần Lục Bát, vần Đường Thi.... khó mà cảm nhận vần trong thơ Tư Do. Không tìm biết ngôn ngữ đa âm của Tây Phương khi áp dụng vào thơ vần của họ thì khó hiểu vì sao họ lên xuống nhảy hàng, nhảy câu....Thơ này không phải vì cách tân bên ngoài của câu cú văn phạm mà vì những tiết, nhịp và vần. Khoảng trống và bẻ gãy sự liên tục là những lý do được sử dụng về sau. Gọi là Tân Hình Thức thì thiếu. Chỉ thấy ngoại hình mà không tỏ thâm tâm.

Sau hàng dọc là hàng ngang. Không thể hiểu Vật lý Lượng Tử nếu không biết Nguyên tử học. Không thể dùng Internet giỏi nếu không rành computer. Nếu không am tường tinh thần và thể thơ Hài Cú, khó cảm được những bài thơ Tân Hài Cú đang thịnh hành ở Âu Châu hiện nay.

Còn tiêu thụ thì sao?

Không có nhà thơ nào mà không bị dòng thi ca khác, thi sĩ khác ảnh hưởng. Việc đó là đương nhiên. Nhà văn Mai Thảo thường đùa rất đúng, không có thi sĩ nào, văn sĩ nào đẻ ra từ nách. Bị ảnh hưởng, nhận chân sự ảnh hưởng, thẩm thấu sự ảnh hưởng, tiêu hóa sự ảnh hưởng, viết ra cái ảnh hưởng hòa tan với cái ngã. Người làm thơ này có bản lãnh. Nghệ thuật luôn luôn là tiến trình học hỏi và khám phá. Tóm lại: Học và khám, hỏi và phá là điều không thể thiếu trong sáng tác.

Đọc chưa chắc đã khôn hơn nhưng không đọc thì chắc dốt hơn. Đọc nhiều, tiêu hóa, áp dụng, chắt lọc bằng kinh nghiệm vào sáng tác riêng, tạo ra bản lãnh của nghệ thuật sáng tạo. Người làm thơ biết phải có thi thời mới có ca. Ca có nghĩa là ca hát, ca ngâm, ca diễn, ca cải cách nhưng không phải là ca tụng. Có thi ca chưa hẳn là có thơ nhưng thơ không thể không có thi ca.

3- Thời nghệ thuật là thời sung sướng đắm say nhất của người nghệ sĩ. Nghệ thuật có bản chất đẹp và hay. Có phương tiện là thơ, văn, hội họa, nhiếp ảnh, viết chữ........... cắm hoa, thắt hình...... kịch nghệ, hát nói, điện ảnh..... Tỏa ra nhiều ngành nhiều nhánh để diễn đạt nghệ thuật. Có cứu cánh là bình an trong tâm hồn và phát sáng trí tuệ. Ngoài ra, nghệ thuật có thói quen và tật xấu của nó.

Trong nghệ thuật chung, thơ chỉ là một trong nhiều phương tiện để diễn cảm nghệ thuật. Nhưng tự thân của thơ có nghệ thuật riêng của nó vì thơ có bản chất đẹp hay, có phương tiện là sáng tác, có cứu cánh là tâm hồn.

Đối với người làm thơ, quan trọng nhất vì thú vị khoái trá nhất là nghệ thuật Làm Thơ. Làm thơ tự thân cũng có bản chất sáng tạo, có phương tiện là chữ nghĩa, ngôn từ tín hiệu, có cứu cánh là đẹp và hay....

Làm thơ là làm việc cho thơ, làm việc về thơ và làm việc ra thơ. Thơ vừa là vật liệu vừa là sản phẩm. Có vật liệu mới làm ra sản phẩm. Rồi sản phẩm sẽ trở thành vật liệu cho sản phẩm mới. Cứ như vậy kéo dài qua thời gian, thế kỷ, qua đời người. qua hồn người.

Làm là tác. Trong thực tế, tác bị giới hạn trong khoảnh khắc của đời người, dính liền với những nhiêu khê của con người.

Còn sáng thì sao?

Đó là một buổi thật sớm, trời còn đen mòng ở Costa Rica. lặng gió. Tôi ngồi ngoài sương, nhìn xuống triền rừng Mưa Nhiệt Đới. Xung quanh cảnh vật đen xì. Những cây dừa cao chĩa tóc in lên nền trời he hé màu xám dần nhạt. Tiếng vượn sớm kêu nhau nghe thê lương. Giữa những suy nghĩ miên man, chợt trời choang choáng sáng. Một con chim hót. Hai con chim hót. Ba con chim hót. Trăm con hót. Trùng trùng hót lung linh ánh nắng đầu tiên phóng từ đường biển trời vào rừng cây lay động. Trong một thoáng, hoa lá hiện hình, sắc màu sống dậy. Bừng bừng cảnh vật đen xì hít thở sáng trưng. Con bọ màu xanh ngọc bích. Con sâu đỏ. Con tắc kè mang trên lưng một dãy trường sơn...... bầy bầy sinh vật sung mãn. Chữ nghĩa, câu cú, ý tứ đen xì. Vì đâu bừng lên sắc màu thú vị. Những chi tiết núp trong bóng tối. Vì sao hít thở hiện hình.... Vì Sáng.

Sáng là một khả năng đặc thù của con người. Sáng làm cho con người vượt lên con thú. Sáng làm cho nhân loại văn minh. Nhờ sáng, người tìm ra lửa, tìm ra sắt, tìm ra điện, tìm ra nguyên tử, tìm ra computer, tìm ra internet, tìm ra..... cùng một lúc tìm ra những nghi ngờ, những bí mật tâm linh, những thao thức siêu hình. Càng tìm ra lại càng bị cuốn hút vào cuộc mạo hiểm đi tìm.

Sáng tác phải chăng là làm sáng, làm sống lại những thứ đang đen xì bị bóng tối bao trùm? Chính cái sáng này đã tạo ra nét mới lạ, nghĩa mới lạ, không khí mới lạ của cái cũ, cái quen. Sáng tạo của con người chỉ đến đó. Khám phá một hành tinh mới. Hành tinh này vốn cũ ngắt. Chỉ mới với người. Sinh ra một mỹ nhân. Đẹp của phụ nữ cũ ngắt nhưng đẹp lại mới trên đứa bé gái đang lớn lên. Sáng tạo của người chỉ có vậy.

Làm thơ là đem sáng để tạo ra thơ từ những vật liệu thi ca đã cũ ngắt, đen xì. Nói một cách khác, không có cái gì mới mà làm thành cái mới. Cái mới đây cũng chỉ là những gì đã có được thấy lại dưới những góc độ sáng khác. Sáng về nghệ thuật là một khả năng không đặc thù nhưng đặc biệt của người nghệ sĩ. Với khả năng này người nghệ sĩ có thể diễn đạt bằng một phong cách mới về một điều gì đã có sẵn.

Green Buddhas
On the fruit stand.
We eat the smile
And spit out the teeth.

Nhà thơ Charles Simic nói về trái dưa hấu hay nói về ông Phật. Cả hai đều cho người nước mát, nước ngọt. Cả hai đều hiến nụ cười hồng tâm. Kẻ ngộ Phật sẽ phải biết phun ra hạt lấn cấn. Ông Phật là ý niệm cũ. Dưa hấu cũng cũ. Hai hình tượng cũ chợt thấy mới tinh trong tứ chúng ta ăn nụ cười và phun ra hạt. Trên bàn cúng, Phật và dưa, khác nhau chăng?

Di Lặc xanh
trên bàn trái cây
Chúng sinh ăn nụ cười
Phun ra hạt dưa hấu

(Đọc Watermelons- Charles Simic)

Tôi có thể đưa ra một điều xác nhận về cuộc hành trình suy tư về thơ của tôi ở đây như một nơi tạm nghỉ chân:

- Ý thơ đa phần là cũ kỹ. Trong những lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, kinh doanh.... chúng ta thấy những tư tưởng mới, ý nghĩ lạ sinh ra nhiều ngôn từ cập nhật. Trong lãnh vực thi ca, tư tưởng, tình cảm qui tụ trong khu Tâm và Tình. Xưa và nay, buồn hận vui sướng.... đều giống nhau, chỉ bày tỏ khác nhau. Triết lý sống, nhân sinh quan... không mấy khi thấy gì mới mẻ. Đa phần những tư tưởng, ý nghĩ, quan niệm trong thi ca đều là vật liệu cũ.

- Tứ thơ mới chính là sự diễn đạt, bày tỏ làm cho ý cũ sáng lên trong tứ mới.

I’m walking and wondering
why I leave no footprints.
I went this way yesterday.
I’ve gone this way all my life.

I won’t look back.
I’m afraid I won’t find my shadow.

‘Are you alive?’
a drunken gentleman suddenly asks me.
‘Yes, yes,’ I answer quickly.
‘Yes, yes,’ I answer
as fast as I can.

(Đọc I'm walking and wondering của Janis Elsbergs, người Latvia, bản dịch của Peteris Cedrins)

Vừa đi vừa tự hỏi
Sao không thấy dấu chân.
Hôm qua đi lối này
Cả đời vẫn qua đây

Không quay đầu nhìn lại
Sợ không thấy bóng mình

Người say bất chợt hỏi:
- Mày còn sống hay không?

"Vâng, vâng..." tôi nói vội

"Vâng, vâng" Tôi trả lời

thật ngắn.

Cái ý "Một cõi đi về" này rất cũ. Ông Elsbergs làm sáng lại trong tứ thơ mới hơn.

Ngu Yên