"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

Ý Và Tứ Trong Thơ

(Tiếp theo bài Nói Từ Một Nơi Tạm Nghỉ Chân).

3.

Thơ Việt thường hay nhắc đến Ý và Tứ. Nhưng không hề có một phân biệt rõ ràng. Ý và tứ trong thơ Việt rất lẫn lộn. Có người cho rằng Ý lớn hơn gồm có nhiều Tứ. Ngược lại có kẻ cho Tứ bài thơ bao trùm cả những ý thơ. Có những tự điển sàng sàng viết rằng: Tứ là ý của bài thơ. Nói gọn là mơ hồ.

"Khái niệm tứ thơ được bàn tới cách đây hơn 1500 năm. Trong Văn tâm điêu long, ở thiên Thần tứ, Lưu Hiệp (đời nhà Lương) đã bàn rất sâu và rất kỹ về tứ. Theo ông, tứ thơ là một cái gì đó rất phi thường: “Cái tứ của văn chương, cái thần của nó xa lắm. Cho nên khi ta lặng lẽ ngừng suy nghĩ lại một chỗ thì cái tứ tiếp với ngàn năm. Ta trầm lặng thay đổi sắc mặt một chút thì cái nhìn của ta đã thông suốt đến vạn dặm”.

Ở Việt Nam, Phan Kế Bính, Bùi Kỷ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hà Minh Đức, Nguyễn Xuân Nam, Bùi Công Hùng, Mã Giang Lân… có bàn đến tứ thơ. Mỗi người có một cách trình bày riêng. Chế Lan Viên cho “tứ chẳng qua là ý lớn toàn bài” (Nghiên cứu văn học, 11/1961). Nguyễn Xuân Nam lại quan niệm “tứ là hình tượng xuyên suốt bài thơ” (Lý luận văn học, tập 2, Nxb Giáo dục, 1987). Gần đây, Nguyễn Hưng Quốc, một Việt kiều ở Úc, sau khi phê phán quan niệm về tứ thơ của Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Nam: “Một đằng thiên về ý, một đằng thiên về hình tượng. Nhưng lại giống nhau ở một điểm: bất cập”, đã nêu định nghĩa vắn tắt: “Tứ thơ là những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời” (Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam). Theo chúng tôi, định nghĩa này quá chung chung bởi vì “những suy nghĩ của trái tim trước cuộc đời” không chỉ có trong thơ mà còn có cả trong các thể loại trữ tình dào dạt cảm xúc như phú, văn tế, tùy bút…

Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về tứ nhưng về cơ bản các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đều nhấn mạnh đến sáng tạo cá nhân, sự hoà quyện giữa cảm xúc và suy nghĩ, giữa yếu tố chủ quan và khách quan trong tứ thơ." Trích trên mạng:

http://nguyenduongthanh.blogspot.com/2011/04/tu-tho-va-vai-tro-cua-tu-tho.html.

Rất là khó hiểu. Nếu hiểu cũng không biết đâu mà dùng.

- Cái này là cái gì trông như cái kéo vậy?

- Cái này không phải là cái kéo nhưng dùng để cắt. Có thể xắt. Có thể lắt. Có thể bắt. Gọi là tứ của kéo.

Ý thơ và Tứ thơ là hai thi tố khác nhau.

Ý là ý nghĩ, ý tưởng, ý niệm, tư tưởng.... Của bài thơ và trong tứ thơ.

Tứ là cách diễn tả ý. Tứ chung, lớn bao trùm nhiều ý. Mỗi ý có cách diễn tả, diễn đạt gọi là tứ.

Một bài thơ gồm có:

Ý niệm chính hoặc tư tưởng chính của toàn bài. Có tứ toàn bài để diễn tả.

Mỗi ý phụ trong bài đều có mỗi tứ để trình bày hoặc gợi ý.

Nếu ý phụ có ý phụ theo, sẽ có tứ phụ theo để dẫn đạt.

Tóm lại, Tứ dùng để thông đạt Ý. Một ý có nhiều lối, nhiều cách thông đạt. Do đó ý thường là cũ. Tài hoa hay không là ở chỗ dụng tứ để trình bày.

The sparrow shits
upside down
--ah! my brain & eggs

Với cái ý ví kiến thức như phân. Sánh trí tuệ như xú uế. Nhà thơ Allen Ginsberg dùng cái tứ chim sẻ phóng tiện. Một đống có óc não bầy nhầy lợn cợn trứng. Đặc sắc là thơ Hài Cú thường dùng cho ý nghĩa cao xa, nghiêm chỉnh. Ông dùng Hài Cú thô tục để "giác ngộ" những ngu dốt khi khoe khoang kiến thức, sử dụng hiểu biết để quấy rầy đời sống. Tiếp theo, ông viết, nói nhiều với đám này cũng chỉ vô ích mà thôi.

I slapped the mosquito
and missed.
What made me do that?

Tôi đập con muỗi
trật lất
Đập làm chi?

Làm thơ là dùng cái sáng để tạo cái tứ về một ý nghĩ, ý niệm, ý tưởng nào đó. Ngôn ngữ, tín hiệu thông tin, ảnh tượng, màu sắc, âm thanh... là vật liệu để xây dựng tứ thơ. Không có tứ, ý thơ chỉ là những cột mốc trần trụi, bám rong rêu của thời gian. Không có ý, tứ thơ lông lốc, phiêu bồng. Tuy bắt mắt mà rỗng.

Trở về lại ông Hàn Dũ

Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên. Cây cỏ không có tiếng, gió xao động thì nó phát ra tiếng. Nước không có tiếng, gió chấn động thì nó phát ra tiếng động. Đập nó, nó bắn phọt lên. Ngăn nó, nó chảy dồn lại. Nấu nó, nó sôi sùng sục. Kim, thạch không có tiếng. Gõ nó, nó phát ra tiếng. Người, xét về lời nói thì cũng vậy, có điều bất đắc dĩ rồi sau mới nói: Ca đó là điều nhớ nhung. Khóc đó là điều buồn thảm.

Không được thế quân bình trong đời sống, trong tâm hồn; có điều gì bất đắc dĩ phá tâm tư; sẽ sinh ra điều muốn nói. Đó là ý. Bài thơ bắt nguồn từ nơi đây. Áp lực của sầu hận thương đau càng cao thì như sức gió chấn động nước. Đập mạnh thì nước phọt cao. Ngăn cao thì nước dâng trào lớn. Đó là lửa của thơ. Ca là tứ của nhớ nhung. Khóc là tứ của buồn thảm.

Trời, về phương diện thời tiết thì cũng vậy. Chọn những vật khéo kêu mà mượn nó kêu thay cho trời. Dùng chim để kêu xuân. Dùng sấm kêu hè. Dùng con trùng kêu thu. Dùng gió kêu đông. Bốn mùa xô đẩy thay thế nhau, phải chăng tất có chỗ không được quân bình?

Thời tiết là ý chính. Xuân hạ thu đông là ý phụ. Tứ chính là ẩn dụ bốn mùa. Tứ phụ là chim kêu xuân. Sấm kêu hè. Trùng kêu thu. Gió kêu đông. Chán quá cuộc đời Ông Lê Hựu Hà kêu lên:

Tôi muốn sống như loài chim ngàn
Tôi muốn cười vào những khoe khoang
Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn.... (nhạc và lời, LHH)

Ông Ak'Abal kêu lên:

Tôi muốn (làm con chim bay suốt hót suốt. Rồi từ cao thả xuống những bãi phân).

The birds
sing in full flight
and in full flight they shit.

(Đăm đăm nhìn chim bay khuất cuối trời. Tự hỏi:)

I stare at them,
and my gaze follows
until the string
my vision has given them ends.

(Muốn làm chim không? Khoái trá thả xuống. Trúng ai nấy chịu).

How I would like to be a bird
and fly, fly, fly
and sing, sing, sing
and shit-with pleasure
on some people
and some
things!

(Đọc Kinrayij, Kawaj của Humberto Ak'Abal, người Guatemala. Bản dịch Miguel Rivera và Robert Bly)

Đàn chim
hót suốt đường bay
vừa bay vừa ỉa

Đăm đăm nhìn theo
đàn chim nhỏ dần như sợi chỉ
khuất cuối trời

Tôi muốn làm chim
bay bay bay
hót hót hót
ỉa thoải mái
trúng vài người
vài vật

Cái ý chán chường nhân sinh đã rất xưa. Người thời nào không chán thói đời. Tứ làm chim cũng không mới. Nhưng rồi thả xuống, tứ này làm bài thơ sáng lên vào khúc cuối. Trong một bài thơ, không phải tứ nào cũng sáng.

Cơm Khuya

(Cô đơn là ý chính. Dù buồn cách mấy cũng phải ăn là điều muốn nói. Dùng nhân vật vô hình làm tứ chính).

Every evening when I come home
My sadness comes out of his room
Wearing his winter overcoat
And walks behind me.
I walk, he walks with me,
I sit he sits next to me,
I cry, he cries for my cry

Mỗi chiều tôi trở về nhà
Nỗi buồn chờ sẵn bước ra khỏi phòng
Áo dày sợ lạnh mùa đông
Tôi đi hắn bước theo dòng trước sau
Tôi ngồi hắn tựa sát nhau
Lệ tôi hắn khóc vì đau chung niềm

(Những ý phụ được từng tứ thơ diễn tả những sinh hoạt tẻ nhạt. Không truyền hình. Không nghe nhạc. Không gọi điện thoại. Người buồn vô hình cặp kè tác giả đi lui đi tới. Hết đi rồi ngồi và khóc cho đến nửa khuya).

Until midnight
When we get tired.
At that point
I see my sadness goes into the kitchen
Opens the refrigerator,
Takes a piece of meat
And prepared my supper.

(Ý trong phần sau ngã vào không khí hiện sinh. Tứ rất thời đại. Buồn mấy, chán mấy, cô đơn mấy rồi cũng phải ăn để sống lập lại mỗi ngày: cô đơn).

Thoáng rồi đêm đã nửa đêm
Mệt tình mệt cảnh mệt thêm nỗi đời
Hắn vào bếp chẳng một lời
Mở tủ lạnh lấy thịt tươi ân cần
Cơm khuya nấu nướng âm thầm

(Đọc Supper của Yousif al-Saigh bản dịch Saadi A. Simawe)

Điểm làm cho khó phân biệt giữa ý và tứ là vì ý như thân xác và linh hồn của một người. Tứ lại như y phục đồ trang sức phủ trên thân xác ấy. Người thì vẫn vậy, sẽ già đi. Y phục trang sức thì trình diễn người ấy theo ý riêng. Mặc Kimono, quấn tóc, mang guốc, đi lí rí, là cô Nhật. Mặc Bikini xõa tóc, đi lúc lắc, là cô Tây. Khi ý và tứ xuất hiện, sẽ đi ra cùng một lúc. Giá như ý đi trước rồi tứ theo sau thì khỏi phải nói nhiều lời. Người đọc thấy toàn bộ ý tứ do đó có thể lầm lẫn cô này cô kia. Cũng chỉ là một cô mà trang phục khác nhau. Vấn đề còn lại, là trang phục này có đúng chỗ hay không? Mặc Bikini đi giữa đường đông giá tuyết thì gọi là thơ trình diễn phá thời trang.

Trong một bài thơ, Tứ diễn Ý, qua nhiều tầng. Tầng lớn nhất là Ý/tứ chính toàn bài. Những tầng tiếp theo Ý/Tứ nhỏ dần. Từ đoạn nhỏ xuống câu. Từ câu nhỏ xuống cụm. Từ cụm Ý/tứ nhỏ xuống chữ.

Đơn vị nhỏ nhất của ý/tứ thơ là Từ. Ví dụ chữ TÌNH. Ý nghĩa đã sẵn. Tứ Việt diễn là T+Ì+N+H. Tứ Mỹ diễn L+O+V+E...rồi tứ Tàu, tứ Mễ....... Ý thì một, tứ thì nhiều. Chữ đắc địa chính là chữ đã được chọn đúng hình thức của Tứ, mới, sáng và chỉnh đã diễn đạt đúng Ý.

 

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài Chữ Mệnh khéoghét nhau.

Trong câu thơ của ông Nguyễn Du, hai chữ khéo và ghét là đắc địa.

Nhịp điệu của Ý và Tứ trong thơ sẽ như nhịp điệu vui buồn trong nhạc. Nhạc thảm thương mà đánh nhịp Paso doble thì chỉ có bậc thiên tài mới sáng tác nổi. Bệnh tương tư vào nhịp slow hoặc bolero là nhất rồi. Thơ Hành, ý tứ cuồn cuộn, dập dìu. Thơ thương nhớ, ý tứ cô đọng tiếp theo nhau chậm rãi. Nhịp và tiết của ngôn ngữ của mỗi dân tộc có khác nhau. Là thói quen kết tinh từ văn hóa và đời sống cụ thể qua nhiều trăm năm, ngàn năm. Khó mà chuyển dịch.

Vì vậy, người ta dùng chữ "chuyển ngữ". Với ý nghĩa chuyển tiếp ý tứ của ngôn ngữ của một dân tộc này sang dân tộc khác. Không chuyển bản sắc, không chuyển không khí, không chuyển nhịp điệu, vì không thể chuyển.

Ví dụ như tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của Ông Đặng Trần Côn và tác phẩm dịch của Bà Đoàn thị Điểm. Đa số học giả và người thưởng ngoạn cho rằng tác phẩm dịch của bà văn chương hơn, hay hơn, thậm chí cho rằng có giá trị hơn. Đúng không? - Theo tôi, không hẳn như vậy.

Ông Đặng Trần Côn:

Thiên địa phong trần,
Hồng nhan đa truân.
Du du bỉ thương hề, thuỳ tạo nhân.

Bà Đoàn Thị Điểm dịch:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

Đọc Đặng Trần Côn, cảm giác gãy cụt, lạnh lùng. Đất trời ác liệt tạo ra khắc nghiệt cho số phận đàn bà. Lưỡi dao oan ức cắt xuống. Lời than oán dâng lên "thùy tạo nhân", một hơi dài tách biệt nhịp bốn, làm cho tôi tiếp nhận được lòng cảm khái của tác giả.

Đọc Đoàn Thị Điểm cảm giác nhẹ nhàng, có chút xót xa, có chút lãng mạn. Có thể nói có tài hoa hơn nhưng lại mất đi cái không khí lạnh lẽo và nhịp điệu chắc nịch không phân trần. Rõ ra thơ của họ Đoàn nhiều nữ tính hơn. Một bên như xem phim tài liệu về chiến tranh. Một bên như xem phim chiến tranh được dựng lại.

Tôi không có ý định xem xét ai hay hơn ai. Nhưng nên trả tác phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn về vị trí của nó và của tác giả. Còn tác phẩm dịch của Bà Đoàn, xin cứ xem như là một cuốn phim hay.

Ngu Yên