"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Đọc The Uncertain Certainty của Thi Sĩ Charles Simic

1. Tứ Thơ Lên Đường Sáng Tạo

"A poem is an invitation to a voyage. As in life, we travel to see fresh sights." - Charles Simic. Bài thơ là một sự mời mọc, một vé mời du ngoạn, để có dịp thưởng thức, nhìn ngắm những sự kiện tươi mới. Người đọc là những người du lịch. Cuộc du ngoạn có khi chỉ là một chuyến dạo chơi nơi cảnh lạ. Có khi là một cuộc thám hiểm rừng già hoặc biển sâu. Có khi là một không gian vô tận.

Thi sĩ là người gửi ra vé mời, thông thường không biết địa chỉ, không biết người nào sẽ nhận lời mời. Một hành động có mục đích nhưng không có mục tiêu. Là người tổ chức cuộc du ngoạn, thi sĩ đã đi với phương pháp bất định. Ông bắt đầu từ một nơi, có mục đích và phương hướng nhưng rồi thường sẽ đến một nơi không hề dự định. Điều ông kinh ngạc sẽ là điều người du lịch kinh ngạc. Ông kinh ngạc càng lớn, thú vị càng nhiều, suy tưởng càng sâu, tâm tình càng mở, trực giác càng nhạy, người du lịch theo sau càng thừa hưởng những giá trị quí báu này.

Người tổ chức giả, tổ chức lấy tiếng, người du lịch bị bắt buộc, người du lịch có ý đồ thất lương, là những người mất thời giờ vô ích. Vì cuộc du lịch có thể vĩ đại nhưng không tìm ra kho tàng châu báu cũng không tìm thấy ngôi vị đế vương.

"I'm in the business of translating what cannot be translated: being and its silence." . Dọc theo đời sống biết bao nhiêu những sự việc bị bỏ sót, bị nhìn ngắm chỉ trong một lăng kính quen thuộc. Những sự việc này đã có mặt, đã lặng im. Thi sĩ là người tìm đến. Nhìn bằng lăng kính khác. Nghe bằng nỗi niềm khác. Phát tâm ý bằng một trực giác bất định. Rồi ông sẽ kể lại mới mẻ cho những người đã nhận vé mời đi du ngoạn theo ông.

It isn't the body
That's a stranger.
It's someone else.

Không phải xác thân
Là một kẻ xa lạ
Mà là người khác

We poke the same
Ugly mug
At the world.
When I scratch
He scratches too.

Chúng tôi trơ ra
Cái mặt xấu
Ra ngoài đời
Khi tôi gãi ngứa
Nó cũng gãi theo

There are women
Who claim to have held him.
A dog
Follows me about.
It might be his.

Những đàn bà
tuyên bố chiếm hữu hắn
Con chó
Lẩn quẩn theo tôi
Có thể của nó

If I'm quiet, he's quieter.
So I forget him.
Yet, as I bend down
To tie my shoelaces,
He's standing up.

Nếu tôi im lặng nó lặng im hơn
Tôi quên mất nó
Rồi khi cúi xuống
Cột dây giày
Chợt nó đứng lên

We cast a single shadow.
Whose shadow?

Chúng tôi cùng chung một bóng
Bóng của ai?

I'd like to say:
"He was in the beginning
And he'll be in the end,"
But one can't be sure.

Tôi muốn nói:
"Nó là sự liên hợp ban đầu
Cho đến khi kết thúc"
Nhưng không chắc như vậy

At night
As I sit
Shuffling the cards of our silence,
I say to him:

"Though you utter
Every one of my words,
You are a stranger.
It's time you spoke."

Ban đêm
Khi tôi ngồi
Xóc trộn sự lặng im kỳ quặc
Tôi nói với nó:

"Mặc dù anh sử dụng
Tất cả ngôn ngữ của tôi
Anh vẫn là kẻ lạ
Bây giờ, đã đến phiên anh nói"

(Đọc Inner Man của Charles Simic)

Tôi biết đến thi sĩ Charles Simic vào năm 1988. Trong một cuộc gặp gỡ qua The Uncertain Certainty, sách xuất bản năm 1985 bởi Đại Học Michigan. In lần thứ 4, năm 1988. Tôi mua cuốn sách này lúc mới vừa tái bản. Lúc đó tôi rất thích ông. Thơ của ông có bản chất nguyên khởi của sáng tạo và độc đáo.

And then finally there's your grandmother
Sweeping the dust of the nineteenth century
Into the twentieth, and your grandfather plucking
A straw out of the broom to pick his teeth.

(Charles Simic (b. 1938), Yugoslav-U.S. poet. Brooms (l. 55-58). . . American Poetry Anthology, The. Daniel Halpern, ed. (1975) Avon Books).

Rồi sau cùng bà nội xuất hiện
Quét cát bụi thế kỷ 19
Vào thế kỷ 20. Ông Nội nhổ
Một cọng chổi xỉa răng.

Charles Simic nguyên là một nhà thơ Siêu Thực. Thơ ông đầy dẫy những hình ảnh khác thường, đôi khi quái lạ. Sức tưởng tượng của ông không phải đến từ giấc mơ như một số các nhà thơ trong phái Siêu Thực mà đến từ quan sát những sự vật với óc liên tưởng của một kiến thức sâu rộng. Dần dà ông chuyển sang lối thơ có nhiều nhạc tính hơn, ít hình ảnh hơn. Có nhạc thì chưa chắc cần lời. Nhạc thế vào những khoảng không chữ.

The truth is dark under your eyelids.
What are you going to do about it?
The birds are silent; there's no one to ask.
All day long you'll squint at the gray sky.
When the wind blows you'll shiver like straw.

Sự thật đen thầm dưới mắt anh
Làm gì cho sạch sắc màu đen?
Con chim im lặng; không ai hỏi
Anh liếc ngày dài trời xám thêm
Run như rơm rạ khi gió thổi.

............................................
............................................

Winter coming. Like the last heroic soldier
Of a defeated army, you'll stay at your post,
Head bared to the first snow flake.
Till a neighbor comes to yell at you,
You're crazier than the weather, Charlie.

Đông đến, anh hùng như người lính
Thất trận thủ đồn ở trạm canh
Tuyết rơi rét lạnh đầu không mũ
Hàng xóm thương tình la thất thanh
Ông đã điên rồi sao, Charlie.

(Đọc Against Winter. Charles Simic)

Điểm độc đáo trong thơ của ông mà tôi muốn giới thiệu là cách sử dụng Tứ Thơ rất tài tình. Đọc thơ của ông ngay câu đầu tiên và mỗi câu tiếp theo, khó mà đoán ông định viết cái gì. Những tứ thơ sung mãn liên tục, những hình ảnh thú vị quấn vào nhau chạy dài theo câu, theo đoạn, những tầng lớp sâu bên dưới của tứ, khiến cho bài thơ đọc xong thấy thích thú, thấy có điều phải suy tư, sau lại khoan khoái khi cho rằng đã cảm được điều ông gửi trong chữ nghĩa. Thật ra, chưa chắc đã đúng theo ý ông nhưng chẳng sao.

Đọc thơ vốn dĩ là cho mình. Người không đọc thơ, khó hiểu được cái lợi ích của thơ. Càng đọc nhiều thơ càng nhìn thế sự bằng những góc cạnh khác nhau. Càng thấy sáng sủa những phức tạp mà người sống cạnh bên thấy rất tối tăm. Đọc thơ hiểu đúng cũng lợi. Hiểu sai, có khi lại lợi hơn. Ông Âu Dương Phong đọc Cửu Âm Chân Kinh lộn ngược mà tạo ra võ công cái thế. Một mình đánh Nam Tăng, Đông Tà và Bắc Cái mà vẫn không thua. Nhưng người tìm đến thơ không phải vì lợi ích mơ hồ đó, chẳng qua đọc lâu ngày tự dưng nghiệm ra khi thấy mình thay đổi.

Thi sĩ Charles Simic đã ảnh hưởng tôi không ít trong một thời gian. Nhất là khi tôi đọc The Old Poetries and the New của Richard Kostelanetz, tôi hiểu được vì sao những nhà thơ Cụ Thể, Thơ Trình Diễn, Thơ Âm Thanh, Thơ Phim Ảnh.... đã chọn những nghệ thuật tín hiệu khác với ngôn ngữ để diễn đạt thơ. Thay vì chọn những tứ thơ bằng chữ bằng lời, họ chọn những phương tiện của nghệ thuật khác làm tứ thơ.

Trong bài thơ Read Your Fate, Charles Simic đã kể lại tâm lý của một người bị ám ảnh về chuyện tình nhân đã bỏ đi. Những hình ảnh cậu bé, con chó, con đường nhỏ trong tứ thơ mở đầu cho thấy một không khí ảm đạm, dằn vặt, cô đơn, buồn buồn. Chuyển qua tứ thơ người tình phản bội vì ham mê sắc dục, vật chất với hình ảnh xe tải mở mui chở cặp tình nhân đú đởn trên ghế dài. Đột ngột. Sắc sảo. Chuyển qua tứ thơ lắng xuống. "Đời việc gì đến sẽ đến nhưng ai bạc bẽo mình cũng không, đành lòng quên". (Sầu Lẻ Bóng. Anh Bằng) . Ông chấm dứt bằng cảnh tượng cậu bé, con chó và con gà đuổi theo mối tình phản trắc vào những nơi lạc lõng. Hình ảnh con gà trống bị chặt mất đầu chạy hoảng hốt, chạy không phương hướng trở thành sâu đậm và bàng hoàng. Ông để cho người đọc ngẫm nghĩ về một chuyện rất thường tình trong đời sống: Phản bội. Ai đã từng là con gà trống bị chặt đầu vẫn cố chạy, sẽ hiểu rất rõ điều gì ông muốn nói ở đây. Chỉ những người chặt đầu gà mới không hiểu chuyện này.

A world's disappearing.
Little street,
You were too narrow,
Too much in the shade already.

Thế giới đang biến dạng
Này con đường nhỏ
Ngươi vừa hẹp
Vừa chìm trong tăm tối quá nhiều

You had only one dog,
One lone child.
You hid your biggest mirror,
Your undressed lovers.

Someone carted them off
In an open truck.
They were still naked, travelling
On their sofa

Ngươi có mỗi con chó
Là đứa bé bơ vơ
Ngươi chôn dấu bóng hình trung thật
Người tình không quần áo
Có kẻ chở họ đi
Bằng xe tải mở trống
Họ vẫn còn trần truồng
Trên băng ghế dài

Over a darkening plain,
Some unknown Kansas or Nebraska
With a storm brewing.
The woman opening a red umbrella

In the truck. The boy
And the dog running after them,
As if after a rooster
With its head chopped off.

Qua cánh đồng tối sẫm
Đâu đó ở Kansas hoặc Nebraska
Có mưa giông kéo đến
Người đàn bà mở dù đỏ che

Trên xe tải. Thằng bé
Và con chó chạy theo
Như theo con gà trống
Đã bị chặt đầu

(Đọc Read Your Fate của Charles Simic)

Tôi lại học được từ Tập thơ Bóng Chữ của Lê Đạt và những lời nhận xét của nhà phê bình Đặng Tiến. Thơ mà khó như những bài toán đầy ẩn số và phương trình thì chỉ dành cho một ít người có trình độ văn học cao. Cái im lặng của thơ Thiền không có nghĩa là "bất khả tư nghị". Cái bí hiểm của Siêu Thực không phải là câu đố, giải án dùng để treo mãi theo thời gian.

Tứ thơ dùng để diễn đạt ý thơ. Cho dù tứ thơ đó chỉ là tín hiệu thông tin. Tứ thơ trong thơ Charles Simic rất khác nhau, có khi đối nhau, nằm bên nhau, nằm trong nhau trong nhưng vẫn phối hợp cho một tứ toàn diện hoặc toàn bài.

Nếu chỉ hiểu Chữ Nghĩa, tự nó là thơ. Cứ sắp vào. Cứ lên xuống. Cứ nhảy hàng, tôi cho rằng đó là một quan niệm sai lầm về thơ. Thơ "bí hiểm" là tự nhu cầu đòi hỏi những tứ thơ có nhiều tầng lớp sâu và nội dung có ý khác thường hoặc cách tư duy, hoặc cách lý luận, hoặc cách sắp đặt không theo tâm lý bình thường. Thử trở lại quá khứ của thi ca, những loại thơ "bí hiểm trình diễn" này, nay đã chìm vào dĩ vãng. Có thể chỉ vì có vỏ mà không ruột. Có thể vì quá hiểm hóc, không mấy ai có khả năng thưởng ngoạn. Hoặc vì thể hiện một cá tính vượt nhân loại.

Thơ không cần người đọc nhưng nếu không có người đọc chắc chắn không có thơ theo lịch sử nhân loại. Vậy thì người đọc là một phần chính yếu cho thơ sinh tồn.

2: Nghe Kể Charles Simic Trò Chuyện

Trong tác phẩm The Uncertain Certainty và những bài phỏng vấn tìm thấy trong Paris Review, Boston Review và trên mạng, tôi xin được trích như sau:

Crazy Horse: Có một lần ông đã nói: "Thơ đã không còn là một vấn đề lựa chọn cho tôi". Ông có thể giải thích thêm về câu nói này?

Charles Simic: Khi nói điền này, trong trí tôi bị ám ảnh bởi tính tự nhiên của sinh hoạt về thơ. Bản tính của tôi là một người cực đoan. Hoặc là tất cả hoặc không có gì cả. Từ sự tham lam "Tôi muốn" qua nhiều năm tháng đã trở thành "Tôi không có sự chọn lựa". Thi Sĩ Hài Cú Nhật Bản Basho đã từng nói:"Thi sĩ không làm ra thơ. Những gì trong thi sĩ tự nhiên trở thành bài thơ". Khi đạt đến mức này, đôi khi rất kinh ngạc vì bạn đã cảm nhận những gì bạn đang làm rất là nghiêm chỉnh, cưu mang đời sống và định mệnh của bạn. Nói một cách khác bạn đã thấy rõ hoặc tỉnh táo hơn về con người của bạn và thơ ca.

Làm thơ, theo người Việt đã từng có tranh luận về Thi sĩ nên viết mỗi ngày rồi tuyển chọn những bài thơ hay? Hoặc chỉ làm thơ khi nào có hứng, có thôi thúc? Câu trả lời của Charles cưu mang từ nhà thơ Ba Tiêu, một nhà thơ trầm tư rất nhiều về đạo và đời; một người đi rất nhiều khắp nước Nhật để thu thập những góc nhìn và cảm nhận qua kinh nghiệm sống. Thi sĩ có thể viết mỗi ngày nhưng không làm thơ mỗi ngày. Thi sĩ không đi tìm thơ mà thơ sẽ đến với thi sĩ. Nhưng phải có sự chuẩn bị liên tục và chờ đợi, mỗi khi thơ đến, ghi nhận sẽ thành bài thơ. Có điều quan yếu là, việc làm thơ có một quá trình mang đi suốt một đời. Mang sức sống và triết lý sống và kết quả của đời sống vào bài thơ khi thơ chợt xuất hiện.

Tôi cho rằng điều này chỉ đúng một phần. Qui tắc: hễ đã tìm, tất sẽ phải có. Câu hỏi sẽ là cái có đó có phải là cái ta tìm hay không? Một người đi tìm việc kỹ sư. Tìm mãi không có, Phải nhận tạm chân thư ký. / Một chàng đi tìm vợ đẹp, hay, tài giỏi như ước mơ. Tìm mãi không được. Bị năng lực tình ái thôi thúc. Lấy vợ./ Có người chẳng tìm gì cả, sống thể hiện tài năng và cá tính. Sống tử tế mỗi ngày. Một hôm có mỹ nhân tìm đến. Xong./ Còn anh chàng kia, cứ tiếp tục tìm việc. Một hôm có việc kỹ sư. Anh ta xin nghỉ việc thư ký./

Nói một cách khác, không thể thỏa mãn về gia tài thơ của mình đang có, cho dù gia tài này lớn lao ra sao. Nghệ thuật luôn luôn là hành trình thám hiểm. Một người thám hiểm chuyên nghiệp không thể mang nhiều hành lý. Hãy để cái đang có lại bên đường để có thể mang cái sắp có trên lưng.

Thơ tự dưng tìm đến ta từ những ý tứ đã cưu mang từ lâu. Thơ khơi động trong một hoàn cảnh nhưng đã mọc rễ từ những sự kiện và kinh nghiệm trong quá khứ. Có gì muốn nói, nếu quả thật điều đó đáng phải nói, tự dưng có ngày sẽ nói ra.

Nhà thơ suy tư về một điều muốn nói. Loay hoay mãi nói không ra hồn. Câu thơ tắt nghẽn. Quên thơ đi nhưng mang theo điều muốn nói. Mỗi ngày, đôi ngày, thử nói điều đó bằng nhiều cách khác nhau. Tự dưng một hôm nói ra "lốc cốc" suông sẽ và vừa ý. Mồi thơ là một việc nên làm. Vừa giữ được mình trong thế giới thơ, vừa đào sâu vào điều muốn nói và vừa luyện tập cho vô thức bốc lên những tứ thơ bất ngờ.

Trong một bài phỏng vấn khác về sau, tôi tìm thấy ông trả lời về quan điểm này, có phần như tôi đã trình bày bên trên.

Wayne Dodd và Stanley Plumly: Trở lại lúc ban đầu, ông không phải là nhà thơ sáng tác theo thời khóa biểu. Kế hoạch một số giờ hoặc định sẵn thời giờ để viết. Ông sáng tác ra sao? Ông có phải là loại người viết theo cảm hứng hay không?

Charles Simic: Tôi cố viết một ít mỗi ngày, cho dù chỉ vài phút. Đây là cách nhạy cảm với chữ nghĩa cần phải tiếp tục. Nói căn bản là có hai cách tôi làm thơ. Tôi có một đề tài nào đó hoặc tứ thơ nào đó cất giữ trong trí qua năm này tháng nọ. Thỉnh thoảng đem ra làm thử. Vì tôi là người thích viết, tôi ngồi xuống viết ra bài thơ theo bất cứ thể điệu nào. Kể cả thơ vần. Tôi làm như vậy khi tôi tự biết mình không đủ cảm xúc và vật liệu để làm thơ nghiêm chỉnh. Đây là cách tự giải trí, tự nghỉ ngơi. Giả ngộ như những câu thơ này không đáng kể.

Thỉnh thoảng, bỗng nhiên bốc lửa. Bạn sẽ thấy mình như đang lạc hướng, vào một nơi nào không biết. Một lần nữa, mọi thứ trở thành huyền bí. ... Trong nhiều trường hợp bạn sẽ thấy mình đang lập lại những điều cũ kia nhưng cơn lốc mê man đã đưa bạn đến một góc cạnh khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.

Crazy Horse: Tôi nhớ Robert Bly và một số thi sĩ khác đã tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của tình trạng cô đơn và im lặng cần thiết cho thi sĩ làm thơ. Tôi có cảm giác trong một số bài thơ của ông đã dùng dữ liệu cô đơn và im lặng, móc nối vào nhau để sáng tác. Ông có thể trình bày đôi lời về việc này không?

Charles Simic: Sự im lặng, sự cô đơn, còn có gì thiết yếu hơn cho nhân loại? "Sự lặng lẽ của mẹ", tôi thích gọi như vậy, trong đời sống của đứa bé trước khi biết nói. Từ đó, chúng ta bắt đầu nghe tiếng nói vô tri của con trẻ. Thơ là đứa con mồ côi của im lặng. Chữ nghĩa không bao giờ diễn đạt hết kinh nghiệm đã có trong chữ đó. Chúng ta luôn luôn bắt đầu, như người mới học, quay lui rồi quay lui rồi quay lui vào trạng thái ban sơ này. Việc quay lui sẽ tạo ra sự rối rắm phức tạp cần phải giải thích bằng những chữ tương đương. Dĩ nhiên, không thể dùng lý trí phán xét. Tôi chấp nhận sự bất lực của chữ nghĩa ____và đó là thơ.

Điều mà tất cả chúng ta đều biết, ở điều kiện này, nội dung và hình thể là một. Tiếng nói từ nỗi im lặng của mẹ càng sâu thẳm thì càng vang vọng. Trong vài trường hợp có người cho rằng nỗi im lặng là điều tiêu cực. Theo tôi, im lặng là năng lượng của tinh thần. Dĩ nhiên, ngược lại chúng ta biết không có nỗi im lặng tuyệt đối và không có người nào hoàn toàn cô đơn. Nhưng thú thật, tôi tin vào Thượng Đế.

Phải chăng vì Thượng Đế là nỗi im lặng lớn nhất, đầu tiên và sau cùng? Phải chăng Thượng Đế là nhân vật mãi mãi cô đơn tuyệt đối?

Cầm viết là cô đơn. Nếu không chịu nỗi sự cô đơn này, lập tức cây viết sẽ rơi xuống. Nhà thơ sẽ đứng dậy, bước đi và làm những chuyện khác. Cho dù thành công cũng không phải là thơ.

Khi thơ xuất hiện, nhà thơ chìm vào im lặng, cho dù xung quanh đang náo động, ồn ào đến cỡ nào. Chốn im lặng đó tuyệt nhiên chỉ còn nhà thơ và tiếng thơ đang vang lên. Sáng tác là hành trình lặng lẽ. Những nói năng, ngâm diễn, phê phán đều là chuyện về sau.

Crazy Horse: Đạt đến mức độ cao trong cuộc đời thi sĩ như thế này, ông có còn theo dõi và tin tưởng vào những lời khen chê của bằng hữu? Hoặc là thơ ông đã xa rời những lời phê phán mà tự mình đánh giá lấy cho mình?

Charles Simic: Tôi luôn luôn thích thú và tiếp tục thích thú lời phản hồi. Mỗi bài thơ là một cố gắng thông đạt. Như vậy, thật là tò mò để nghe người đọc cảm nhận ra sao. Đôi khi, tôi rất ngạc nhiên về những gì tôi cho là đơn giản lại trở thành khó hiểu với độc giả, hoặc ngược lại. Khi bài thơ đã hoàn tất, chỉ có thời gian mới phán xét đúng đắn. Bây giờ việc còn lại, như một người nghe lời khuyên xấu. Người này phải giữ lấy sự cứng đầu. Cái cứng đầu mà đã làm cho bạn trở thành thi sĩ.

Cứng đầu là sao?

Nếu bài thơ là một công trình ngầm lâu ngày rồi phát tác, tất bài thơ không thể hời hợt, mộng du mà là máu thời gian của thi sĩ. Nếu bị chê mà bỏ liền; Nếu được khen, vội vã làm giống như vậy thì nhà thơ này không có bản lãnh để xứng tên gọi Thi Sĩ. Cái cứng đầu này có từ thuở khi người ấy muốn trở thành thi sĩ thật. Hỏi thử bố, hỏi thử mẹ, hỏi thử những người ủng hộ mình hàng ngày, có hân hoan chờ bạn thành thi sĩ thật sự? Nếu bạn không cứng đầu, bất chấp cái bằng cấp làm tiền; Nếu bạn không cứng đầu rứt tình nuôi thơ, thơ đã chết lâu rồi.

Tôi đã từng viết về lời chê khen nhiều lần. Tôi không rõ hết sinh hoạt của các thi sĩ Hoa Kỳ ra sao. Tranh luận của họ mà tôi đọc được thông thường chủ yếu về văn học, văn chương. Cũng có những kẻ tranh luận hồ đồ. Lý luận thô thiển. Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại, người Việt cầm viết, có sáng tác thật sự hay không? Có tác phẩm hay không? đều vô cùng trân trọng tên: Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ.....nói chung là danh vị nghệ sĩ. Xin hỏi các bạn có bao giờ chúng ta có sự công nhận chính thức nào về các danh hiệu này? Có bao giờ chúng ta thấy có ai là cựu thi sĩ, cựu nhạc sĩ, cựu họa sĩ......? Rất là lạ lùng ơn sủng của Thượng Đế đã cho người danh hiệu từ một hôm âm thầm, từ một hôm gửi bài đi đăng báo, đăng net, từ một hôm bạn gọi ta là... Từ đó trở đi, chỉ còn một danh hiệu, cấp bực cao hơn, đó là cố thi sĩ, cố nhạc sĩ, cố văn sĩ, cố..... nghệ sĩ.

Phê phán và sáng tác đều phải động não như nhau. Phê phán sai, phê phán không có căn cứ, không bằng chứng sẽ bị người đọc cười ruồi hoặc sẽ không đọc nữa. Phê phán đúng, phê phán hay, phải động não. Có khi phải sáng tạo. Như vậy, phê phán nhiều, sử dụng năng lực nhiều tất sáng tác sẽ yếu đi. Dĩ nhiên thời giờ dành cho phê phán nhiều sẽ mất đi thời giờ sáng tác. Nếu bạn không phải là nhà phê bình, hãy tự hỏi mình, vì sao ta thích làm việc phê phán mà không thích sáng tác?

Có anh bạn hỏi tôi rằng: Thơ cũng để chơi thôi. Làm gì dữ vậy. Xem nào, ông thi sĩ này, đoạt giải Nobel thơ ca; ông thi sĩ kia được ca tụng là thi vương; còn ông nữa làm thơ mà được xưng thánh; rồi sao? Chết là hết. Dù có để lại da để lại tên cũng không mấy ai lưu tâm.

- Nói hết sức là đúng.

Nhưng mỗi người đều cần phải có một trò chơi trong khi chờ chết, trong khi chờ Godot. (Samuel Beckett). Khác nhau chăng là chơi trò gì và cách chơi ra sao. Chơi tốt, người ta ưu ái. Chơi xấu, người ta khinh bỉ. Thắng được trò chơi chưa chắc đã thắng được mình. Thắng được mình chưa chắc sẽ thắng cái bí mật đang chờ ở cuối đường. Đàng nào cũng sẽ hết giờ. Chơi cho thanh lịch mới là chơi. (Xem bài đọc thêm: Hết Giờ , ở cuối).

Wayne Dodd và Stanley Plumly: Rồi, ông là thi sĩ Hoa kỳ và trong thơ của ông nặng giọng thơ Hoa Kỳ. Ông có cảm thấy bị ảnh hưởng chút nào bởi giọng thơ Yugoslavia? Hơn thế nữa có thể là màu sắc của thơ mà ông vừa nói đến?

Charles Simic: Điều này có lẽ là ảnh hưởng của ngôn ngữ hơn là thi ca. Gần đây tôi mới đọc thi ca của Yugoslavia. Đây là ngôn ngữ đầu đời của tôi. Đã bị dang dở vì sự thay đổi. Nói một cách khác, khi tôi còn là một nhà thơ trẻ, tôi đã từng buồn bã vì không viết được bài thơ đúng phong cách bằng tiếng Anh. Nhưng khi tiếng Yugoslavia xảy đến trong tôi, tôi cũng không viết được bài thơ vì không đủ từ ngữ. Nhưng tiếng mẹ đẻ này vẫn tồn tại như một âm điệu riêng. Để xác định, tôi nghĩ rằng đây là một yếu tố diễn ra liên tục trong tôi. Cuối cùng rồi tôi cũng đọc được một số thơ Yugoslavia. Tôi cảm thấy những thi sĩ nầy đã làm tôi rung động hơn là những thi sĩ Đức hoặc Pháp.

Ông đã trả lời được một phần nào cho những nhà thơ trẻ người Việt ở hải ngoại. Không kể những nhà thơ bản lãnh, có khả năng Anh ngữ giỏi và sáng tác bằng tiếng Anh. Câu trả lời sẽ giúp cho những người mới làm thơ còn vướng bận sự khác biệt của ngôn ngữ. Tiếng mẹ đẻ và tiếng mẹ nuôi. Chales đến Hoa Kỳ năm 16 tuổi. Ông ra trường đại học New York với văn bằng ngôn ngữ học. Và dạy học tại đại học New Hampshire. Với quá trình này, chúng ta thấy được quyết tâm làm người sáng tác của ông. Và ông sáng tác bằng Anh ngữ ngay từ đầu.

Lại hiểu thêm một phần nào cho những nhà thơ giỏi tiếng Việt nhưng lại ước mơ làm thơ bằng tiếng Mỹ. Có phải vì làm thơ bằng tiếng Mỹ thì hay hơn làm thơ bằng tiếng Việt? Có phải vì làm thơ tiếng Mỹ thì dễ gửi đăng báo, tạp chí Mỹ? Có phải vì làm thơ tiếng Mỹ thì sẽ dễ được nhận giải thưởng văn chương? Và sau cùng, có phải làm được thơ tiếng Mỹ thì các thi sĩ khác còn loay hoay với tiếng Việt sẽ lé mắt?

Có lắm thi sĩ thế giới làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ mà được thế giới biết tới. Họ còn lãnh giải văn chương Nobel bằng tác phẩm viết tiếng địa phương. Vậy thì không phải do ngôn ngữ mà do tác phẩm có giá trị hay không? Toàn bộ tác phẩm của bạn có giá trị văn chương hay không? Hễ có giá trị đủ, sẽ có người dịch ra tiếng quốc tế. Không có giá trị dù có nhờ vả, dù có trả tiền, dù có mượn sức của chính trị ...... để được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc năm ba thứ tiếng thế giới..... cũng chỉ lòe nhau chút đỉnh, vui thôi.

Thử tự hỏi mình vì sao lại cần in một cuốn thơ song ngữ? mà phần dịch thì xa vời với phần tiếng mẹ đẻ? Làm thơ thì không cần phải hỏi ai. Mỗi người tự biết mình dùng ngôn ngữ nào giỏi. Ngôn ngữ nào cũng được. Miễn là nó có thể cưu mang thơ, diễn đạt thơ và làm cho tác giả tự hào. Cái phẩm chất của thơ nó tới từ phẩm chất của người làm thơ. Nếu người không thể xem thơ mình có phẩm chất, tính cả nội dung và hình thể, thì người đọc cũng sẽ nhìn ra chỗ kém phẩm chất này.

Rod Steier: Việc dịch thơ có làm cho ông mở rộng sự nhận thức về thi ca không?

Charles Simic: Tôi nghĩ những gì bạn học hỏi được từ dịch thuật là cách đi vào một bài thơ mà bạn không thể nào tự mình vào được. Bạn thật sự phải tháo gỡ bài thơ ra từng phần rồi mới ráp nó lại. Đây là một việc làm tinh tế, hết sức tỉ mỉ. Tuy nhiên, không phải là tháo gỡ cụ thể trên bài thơ mà chỉ là những linh cảm, những nghĩa bóng, những hiện tượng, những ẩn dụ, đại khái như vậy chứ còn nhiều nữa....

Rod Steier: Ông có nghĩ rằng dịch thuật làm cho tầm nhìn của ông rộng lớn hơn không?

Charles Simic: Ồ, đương nhiên. Tôi nghĩ rằng tôi đã học hỏi rất nhiều. Đúng là như thế này......Rất khó cho tôi kể hết những gì tôi đã học được... nào là kỹ thuật, nào là chú trọng về chi tiết... nào là đi vào trí óc của người lạ để đưa ra một cái nhìn khác....

Student trường Interlochen: Ông đã dịch nhiều tác phẩm của các thi sĩ Pháp, Nga và Yugoslavian. Ông dịch như thế nào?

Charles Simic: Tùy vào nguyên bản. Phải là một bài thơ nguyên bản mà mình yêu thích. Phải là một bài thơ hết sức thành công theo cảm nhận của bạn và bạn cảm thấy thôi thúc chuyển sang tiếng Anh để thấy bài thơ đó như thế nào.

Khởi đầu, tôi sẽ đọc sơ qua một lần. Không cần phải quan tâm nhiều nếu gặp phải những ngữ vựng mà tôi không biết hoặc không rõ nghĩa. Tôi muốn có một sự phản hồi ngay lập tức bởi vì rất quan trọng trong việc dịch thuật là phải nắm bắt ngay cái không khí, không gian, phong thái, giọng điệu, những nét chính yếu của bài thơ nguyên bản. Như một họa sĩ vẽ phác họa trước rồi mới tô điểm chi tiết sau. Dĩ nhiên bạn có thể vấp phải những trở ngại lớn sau lúc cảm nhận lần sơ khởi. Có thể có những phần không cách nào xử lý hoặc diễn tả.

Hoặc khi đọc kỹ bài thơ, bạn nhận ra bài thơ có nhiều tầng lớp mà bạn chỉ thấy bề mặt trước đây. Cũng có thể có những sự việc khác mà bạn muốn đưa vào..v..v.. Để hoàn tất việc dịch một bài thơ có thể sẽ mất rất nhiều thời giờ.

Việc đọc thơ ngoại quốc là một việc khó khăn cho đa số người Việt, kể cả tôi. Đọc được nguyên bản lại càng khó hơn. Đa số chúng ta chỉ đọc được bản dịch qua tiếng Anh. Lắm khi đọc bằng tiếng Anh cũng không thông. Nhiều cách dùng chữ và viết câu trong thơ rất lạ lùng, mới mẻ và có ý nghĩa khác thường. Biết làm sao hơn? Người ta có súng thì bắn đạn, có cung thì bắn tên. Mình chỉ có cây nhọn thì chọt chớ sao. Nói cho vui. Trong chúng ta thiếu gì người tài giỏi sinh ngữ, mong các bạn quan tâm đến việc mang văn chương ngoại quốc vào tiếng Việt.

Mark Ford: Tôi được biết là ông đã xóa bỏ hết tất cả những bài thơ thời trẻ mà ông chưa in phải không?

Charles Simic: Chuyện này xảy ra khi tôi còn ở trong quân đội. 1961, tôi nhập ngũ theo chế độ quân dịch. Và đồn trú ở Pháp. Khoảng một năm sau, Tôi nhờ em trai tôi gửi cho tôi những bài thơ cũ. Khi nhận được một hộp giày chứa đầy bài thơ, tôi đọc lại. Những bài thơ gây cho tôi cảm giác là một tên lừa đảo . Những bài thơ thiếu sáng tạo, dở quá và đầy sai lầm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ như vậy trong đời. Tôi chạy ra khỏi trại lính trong đêm, xé tan những bài thơ này rồi quăng chúng nó vào thùng rác với cảm giác đã đời.

Mark Ford: Theo ông, một nhà thơ nên tìm học sách vở gì?

Charles Simic: Không có tài liệu, sách vở gì để học thơ cho đúng. Bốn năm dập vùi với những bài thơ hoặc một cuốn sách triết học loại bỏ túi là đủ dùng như những chương trình đại học.

J.M. Spalding: Ông có đưa thơ của ông cho ai xem trước khi ông gửi đến tòa soạn của các tạp chí không?

Charles Simic: Tôi thường đưa cho thi sĩ Wallace Stevens và Emily Dickinson. Nếu tôi bắt gặp nét mặt khó coi của họ, tôi sẽ vội mang bài thơ về nhà, trùm mền viết lại.

J.M. Spalding: Điều gì khó khăn nhất để ông sáng tác?

Charles Simic: Tất cả đều khó. Có nhiều bài thơ rất ngắn và đơn giản vậy mà tôi phải mất nhiều năm mới vừa ý. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục sửa cho dù đã in thành sách. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ còn tiếp tục việc này trong quan tài khi người ta bỏ xuống đất.

Crazy Horse: Thử tưởng tượng bây giờ ông đã 70 tuổi (lúc tôi viết bài này, ông đã gần 74 tuổi). Ông đang trên đường từ giã cuộc đời. Một nhà thơ trẻ, tuổi hai mươi, đang ngồi bên giường và xin ông một lời khuyên về sáng tác. Trong hơi thở cuối cùng, ông sẽ nói gì?

Charles Simic: Hãy sống và tự tìm hiểu bạn là ai.

3: Charles Simic Làm Thơ

Chuyện quan trọng đối với thi sĩ là làm thơ, không phải là bài thơ. Nhà phê bình có thể chú trọng đến văn bản. Người thưởng ngoạn có thể thích thú về tác phẩm. Người sáng tác đặt trọng tâm trong hành trình sáng tác.

Hành trình sáng tác chứa đựng cả đời sống của tác giả. Tất cả những kiến thức, kinh nghiệm, suy tư, luận lý; Đúng, sai, giá trị, tào lao; đều gắn bó suốt hành trình này và yếu tính nhất, chính là sự trưởng thành của sáng tạo dọc theo sáng tác và hiển hiện trong văn bản.

Sáng tạo tự thân có giá trị riêng trong mỗi bài thơ, mỗi tác phẩm và mỗi giai đoạn. Đã là sáng tạo tất nhiên sẽ bất ngờ, sẽ đặc thù hoặc sẽ độc đáo. Đã là sáng tạo, không sáng tạo nào giống sáng tạo nào. Nhưng sáng tạo khi mới bắt đầu trong hành trình sáng tác chưa có cá tính riêng của tác giả. Mãi có một lúc tự dưng sáng tạo xuất hiện trong cá tính của thi sĩ (nghệ sĩ). Sáng tạo đã trưởng thành.

Trưởng thành không có nghĩa là lớn hay nhỏ, giá trị hay không có giá trị, hay hơn dở hơn mà chỉ có nghĩa sáng tạo đã thuộc về một người.

Sáng tạo trước hết là của chung. Mỗi người sẽ tự tìm lấy theo khả năng. Không ai biết từ đâu, bao giờ, nó sẽ đến nhưng một nghệ sĩ quyết tâm sáng tác, sẽ chờ đợi. Làm và chờ. Một hôm nó đến. Nó đến quen đường sẽ đến nhiều lần dù không hẹn trước. Dần dà nghệ sĩ cảm nhận được sáng tạo đến như thế nào, bằng cách nào. Dễ dàng hoặc khó khăn. Ở lại lâu hay bỏ đi bất chợt. Không phải chỉ nghệ sĩ quen dần với sáng tạo mà chính sáng tạo cũng quen dần nghệ sĩ. Sáng tạo sẽ xuất hiện bên trong và nghệ sĩ thể hiện bằng cá tính. Nói phân ly cho dễ hiểu nhưng một khi sáng tạo và cá tính là một. Sáng tạo đã trưởng thành.

Charles Simic cũng không ngoại lệ. Mỗi người viết có một cách viết, một chỗ viết, một không gian, một thời gian riêng để đón sáng tạo. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi viết Mùa Biển Động, mỗi ngày lái xe ra một gốc cây, ngồi viết ở đó. Nhà thơ Nguyễn Bá Trạc làm thơ bất chợt bên lề du lịch, du hí của ông. Tôi làm thơ lúc lái xe. Viết vào cuối tuần. Trong bài viết My Secret (*), Charles cho biết ông thường sáng tác trên giường. Những văn sĩ, thi sĩ khác như Mark Twain, James Joyce, Marcel Proust, Truman Capote và nhiều nữa cũng cùng một thói quen.

Trong một bài thơ thuộc phái Siêu Thực, André Breton đã viết: Poetry is made in bed like love. Và câu thơ này đã đến với Charles lúc ông còn trẻ và giúp ông sáng tác trên giường, một cách thoải mái với gối mền loạn xị.

"Khi nhu cầu thôi thúc tôi muốn viết, Tôi sẽ phải nằm ngang trên giường..... Im lặng hay ồn ào không ảnh hưởng tới tôi" Khi còn ở Việt Nam, tôi có một cô bạn, tập làm nhà văn. Đã chọn một thế ngồi chò hõ, ngồi hàng giờ để viết mà không biết tê chân. Tuy nằm ngang, nhưng nếu nằm ngang, nằm sấp lâu sẽ bị tức ngực, ông Charles làm thơ, ghi nốt trong tư thế này. "Nếu ở trong khách sạn, tôi sẽ dùng bảng 'Don't Disturb, xin đừng làm phiền" treo trước cửa để người dọn phòng khỏi quấy rầy"... và cũng nên tắt chuông điện thoại. Không có gì bực bội cho bằng tiếng chuông quái ác kia cứ réo lên. Làm những ý tứ đang rộn rã bị nghiêng ngã. Mong cho nó im mà nó cứ từng hồi léo nhéo. Đứng dậy đi tắt thì mất hứng mà cố giả ngơ thì lại nghe rõ vô cùng. Tôi không hiểu làm sao ông Charles lại cho rằng ồn ào không ảnh hưởng.

"Khi ngồi ở bàn viết, tôi không khỏi có cảm giác đang diễn tuồng. Trong bài thơ ngắn của James Tate, bạn có thể nói, tôi vừa là một con khỉ vừa là một ông bác sĩ điên điên đang làm cuộc thử nghiệm"...

TEACHING THE APE TO WRITE POEMS

They didn’t have much trouble
teaching the ape to write poems:
first they strapped him into the chair,
then tied the pencil around his hand
(the paper had already been nailed down).
Then Dr. Bluespire leaned over his shoulder
and whispered into his ear:
“You look like a god sitting there.
Why don’t you try writing something?”

Người ta không mấy khó khăn.
Dạy cho con khỉ học làm bài thơ
Trói ngồi lên ghế đợi chờ
Cột vào tay khỉ ngẩn ngơ bút chì
(Giấy bày trước mặt chờ ghi)
Bác sĩ Bluespire thầm thì ngang tai
"Mày ngồi đúng mực anh tài
Sao không cố viết một vài điều chi?..."

Ông cho biết, có lẽ thói quen từ nhỏ. Khi không làm hết bài tập tại nhà, ông thường giả bệnh. Mẹ ông vội vã đi làm, ra đến cửa không quên la lên: "Vào giường nằm". Thế là ông leo lên giường cùng chăn nệm mộng mơ. Ông còn cho biết vào năm 1930, mẹ ông có ý định làm vợ của một nhà soạn nhạc người Xéc-bi. Ông nầy sáng tác trong bồn tắm. "Cái ý nghĩ ông có thể là cha ghẻ của tôi vừa làm tôi sờ sợ lại vừa làm tôi khoai khoái. Thử tưởng tượng tôi đang nằm trên giường làm thơ và ông đang nằm trong bồn tắm viết nhạc. Trong lúc mẹ tôi đang la gào, gọi một trong hai đứa tôi xuống, đi đổ rác"...

Thi sĩ là một người bình thường, có khi tầm thường, như mọi người thường thường khác. Không có gì ghê gớm như lời tâm sự của ông hàng xóm Mỹ của tôi. Ông nói, anh làm thơ. Vợ tôi cũng làm thơ nhưng tôi không chịu được khi đọc thơ của bà. Mỗi khi đọc thơ của bà trên các tạp chí thì tôi không thể không nhớ lại cảnh bà làm thơ trong nhà cầu. Có những khi bà ở trong đó hàng giờ không chịu ra... You're...crazy.. Ông kết luận.

The Poet

Someone awake when others are sleeping,
Asleep when others are awake.
An illiterate who signs everything with an X.
A man about to be hanged cracking a joke.

Là thi sĩ là thức khi người ngủ
Là ngủ khi người thức
Là kẻ dốt chuyên ký tên chữ X
Cổ sắp treo còn gàn kể chuyện cười

The Poem

It is a piece of meat
Carried by a burglar
To distract a watchdog.

Bài thơ là thịt sống
Đạo chích dùng ăn trộm
Nhử chó đang giữ nhà

(Đọc thơ của Charles Simic)

Ngu Yên

=====================================================

Nốt:

Charles Simic ra đời tại Belgrade, Yugoslavia, ngày 9 tháng 5 năm 1938. Sau đó, đất nước này đã bị Đức Quốc Xã chiếm đóng. Sau Đức là chế độ cộng sản. Ông cùng gia đình đến Hoa Kỳ 1954. Năm 1961, ông nhập ngũ vì chế độ quân dịch. Giải ngũ ông theo học Đại Học New York về ngôn ngữ. Cho đến năm 1973, ông nhận công việc dạy học tại đại học New Hampshire.

Những tác phẩm đã xuất bản:

What the Grass Says, 1967
Somewhere Among Us a Stone is Taking Notes, 1969
Dismantling the Silence, 1971
White, 1972
Return to a Place Lit by a Glass of Milk, 1974
Charon's Cosmology, 1977
School for Dark Thoughts, 1978
Classic Ballroom Dances, 1980
Austerities, 1982
Weather Forecast for Utopia & Vicinity: Poems 1967-1982, 1983
Unending Blues, 1986
The World Doesn't End: Prose Poems, 1989
The Book of Gods and Devils, 1990
Hotel Insomnia, 1992
Dime-Store Alchemy, The Art of Joseph Cornell, 1993
A Wedding in Hell, 1994
Walking the Black Cat, 1996
Jackstraws, 1999
Night Picnic, 2001
A Fly in the Soup: Memoirs, 2002
The Voice at 3:00 A.M.: Selected Late and New Poems, 2003
Selected Poems, 1963-2003, 2004
My Noiseless Entourage, 2005
Aunt Lettuce, I want to Peek Under Your Skirt, 2005
Monkey Around, 2006
Sixty Poems, 2008
That Little Something, 2008
Monster Loves His Labyrinth, 2008