"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Đảo Lý Sơn (Trung Phần)

 

 

Đảo Lý Sơn còn gọi là cù lau Ré (vì trên đảo có nhiều cây Ré), thời Pháp thuộc gọi là Poulo Canton, là đảo tiền tiêu ở Miền Trung Việt Nam, đảo có giá trị về kinh tế và an ninh- Quốc phòng. Năm 1993, đảo Lý Sơn được thành lập Huyện đảo Lý Sơn thuộc tỉnh Quãng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý (28 km). Diện tích của huyện 10, 32 km2, riêng đảo Lớn 9,97 km2, dân số khá đông hơn 20.500 ngàn người. Gồm 3 đảo : Đảo Lớn (Lý Sơn, cù lao Ré) có 2 xã An Vĩnh (Huyện lỵ) và An Hải; Xã An Bình ở cù lao Bé còn gọi là cù lao Bờ Bãi ở phía bắc đảo lớn. Hòn Mù Cu ở phía đông - đông nam đảo Lý Sơn khoảng 30 hải lý, không có người ở là nơi chim hải âu đậu đừng chân, đây là điểm xác định đường cơ sở để tính lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Lý Sơn cách đảo Hoàng Sa 130 hải lý về hướng đông bắc, cách đảo Trường Sa 445 hải lý về hướng đông nam, cách đường hàng hải quốc tế 35 hải lý về hướng đông.

 LySon002

Bản đồ đảo Lý Sơn (cù lao Ré)

 LySon003

Cảng cá đảo Lý Sơn

 LySon004

Một xóm dân đảo làm nông nghiệp

 LySon005

Khu dân cư, một góc huyện đảo

Đảo là thành tựu của 5 miệng núi lửa phung trào cách nay khoảng 25-30 triệu năm, tạo thành 5 ngọn núi gọi là Ngũ Linh : Gồm các núi Thới Lới (cao nhất 169 m), Hòn Tai, Hòn Sói, núi Giếng Tiền và hòn Vung. Thế đất đảo thoai thoải 8-15 độ dốc, mặt đất cao trung bình 20-30 m so với mặt nước biển. Khi xưa đảo Lý Sơn có nhiều rừng và nhiều ngọn suối như : rừng suối Truông, rừng Nhợ, rừng Cây Gạo, rừng Bà Bút, suối Chình và suối Ốc, .... nhưng nay nhiều khu rừng bị tàn phá có nơi trở thành đồi trọc, suối chỉ còn nước chảy vào mùa mưa. Các mạch nước ngầm nóng dưới chân núi lửa cung cấp nhiệt năng để sản xuất điện phục vụ trong sinh hoạt của đảo. Phía nam đảo có các trảng bằng phẳng là nơi cư dân sinh sống và trồng trọt. Hành, Tỏi là đặc sản nông sản của Lý Sơn, người dân rất lao nhọc trong việc dọn đất phải chở đất bazan màu mở từ dưới các chân núi rồi trộn với cát ven đảo tạo môi trường tốt cho hành, tỏi phát triển. Tỏi Lý Sơn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của đảo giúp 1/3 dân đảo có đời sống ổn định. Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, cũng có trồng một ít bắp và đậu phọng. Tuy nhiên việc lấy cát ven biển gây thiệt hại không nhỏ đối với bờ biển vì nạn xâm thực của sóng biển. Ngoài ra dân đảo còn nuôi nhiều bò, heo, gà, vịt, .v.v..

Đến đảo Lý Sơn thường thì đi từ cảng Sa Huỳnh ra, có tàu khách và tàu cao tốc 2 thân đi khá nhanh, có bến cảng thuận tiện trong việc đi lại và chuyên chở hàng hóa trao đổi với đất liền.

LySon006 

Rẩy tỏi nhìn từ trên cao như một bức tranh tuyệt đẹp, nét đặc trưng của đảo Lý Sơn

 LySon007

Trồng tỏi là nghề quan trọng của người dân Lý Sơn

Huyện đảo Lý Sơn có 2 trường mầm non bán công, 3 trường tiểu học, 2 trường trung học cơ sở (trung học phổ thông cấp 1), 1 trường trung học phổ thông (trung học cấp 2). Bệnh viện huyện có 50 giường với 7 bác sĩ tại đảo Lớn và 1 trạm y tế ở đảo Bé. Có hải đăng, Bưu Điện, tổng đài điện thoại 1,112 số, hệ thống viễn liên Viba, điện thoại di động phủ sóng toàn đảo. Trước đây có nhà máy phát điện nhưng không đủ cung cấp điện với dân số quá đông. Đến mùa khô, xã An Bình (cù lao Bé) thiếu nước ngọt, nhiều hộ gia đình mua sắm máy khử mặn và chứa nước ngọt trong các lu lớn (cái vại).

 LySon008

Máy khử mặn và chứa nước ngọt trong các lu lớn

Dân trên đảo sống bằng nghề đánh bắt hải sản là chính, có khoảng hơn 300 tàu cá một số đánh bắt xa bờ, ngư trường truyền thống là ở quanh đảo Hoàng Sa nay đang bị Trung Quốc (TQ) chiếm đóng, ngư dân Lý Sơn thường xảy ra nhiều vụ va chạm với tàu cá hay tàu hải giám của TQ nhưng ngư dân Lý Sơn kiên cường bám biển. Sản lượng hải sản hàng năm trên 20,000 tấn. Chính quyền có chương trình hổ trợ tài chánh cho ngư dân vay trả góp với lãi xuất nhẹ 3% năm, để giúp ngư dân đóng tàu sắt có công xuất lớn có thể đánh bắt xa bờ cho an toàn trước đội quân hung hăng tàu cá võ sắt của TQ.

LySon009 

Hoàng hôn trên biển Lý Sơn

 LySon010

Ghe câu mực và thuyền thúng

Trước những hành vi xâm lược của TQ như lấn chiếm ngư trường, đe dọa bởi tàu Hải Giám đôi khi là tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thỉnh thoảng xảy ra vụ tàu hải giám bắn hư hại hay tàu cá TQ đâm chìm tàu cá của ngư dân Lý Sơn. Huyện đảo Lý Sơn tăng cường khả năng phòng thủ đảo đề phòng khi bất trắc, trên đảo có bãi đáp trực thăng. Từ trước năm 1975, có đặt một đài Radar tầm xa N-50 quan sát cả vùng ven biển Miền Trung, đến nay đài Radar này vẫn còn hoạt động do đơn vị hải quân đồn trú trên đảo quản lý. Đảo Lý Sơn nằm án ngử ngay trước đường ra biển Đông của cửa khẩu Dung Quất, cũng nằm trên tuyến hàng hải Bắc Nam nên đảo Lý Sơn có vị trí trọng yếu gìn giử an ninh cho khu vực hết sức quan trọng.

LySon011 

Trục vớt tàu cá Lý Sơn bị tàu TQ đâm chìm

Đảo Lý Sơn có lịch sử lâu đời, ngành khảo cổ học khai quật dưới lớp đất quanh đảo được một số di vật bằng đất nung thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh có niên đại từ 500 đến 1000 năm trước công nguyên tìm thấy ở suối Chình và suối Ốc, hoặc kế tiếp thời gian sau đó là của người Chăm (Champa) còn gọi là người Chàm, dụng cụ bằng đồng và gốm sứ của Trung Hoa và Đại Việt (VN xưa). Các lễ hội trong năm có lễ hội đua thuyền, hội dồi bòng, hội tế đình làng An Hải, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trên đảo có 24 chùa am, nổi tiếng nhất là Đình An Hải, chùa Hang, chùa Đục, chùa Âm Linh, đền thờ Cá Ông .v.v.. Trong số đó có 3 di tích lịch sử quan trọng di chỉ Sa Huỳnh, chùa Hang và đình làng An Hải.

LySon012 

Di chỉ văn hóa Sa Huỳnh và của người Chăm (Champa)

 LySon013

Đình làng An Hải, nơi có di tích liên quan đến hải đội Hoàng Sa

 LySon014

Chùa Âm Linh, nơi thờ cúng oan hồn, cô hồn bao gồm các tử sĩ Hoàng Sa

LySon016 

Nghĩa trang trước chùa Âm Linh, chùa là nơi thờ âm hồn, tử sĩ.

 LySon016

Chùa Hang, có hình hàm ếch do sự bào mòn của nước biển, ngang 30 m, sâu vô 25 m.

Hàng năm Lý Sơn có ngày lễ “Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa”, tế tự những tử sĩ thuộc hải đội Hoàng Sa còn gọi là Hải Đội Bắc, đồng thời cũng cúng tế những ngư dân ra biển đánh bắt hải sản bỏ mình ngoài xa khơi mà không trở về. Hải đội Hoàng Sa thành lập từ thời chúa Nguyễn (1700).

 LySon017

Mô hình ghe đi biển của hải đội Hoàng Sa

 LySon018

Tục thả thuyền tống gió trong Lễ Khao Lề Thế Lính Hoàng Sa

LySon019 

Tổ chức đua ghe trong ngày lễ hội có từ xưa

 LySon020

Tượng đài tôn vinh những người lính ra đi gìn giử chủ quyền biển đảo Hoàng Sa “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”

Đảo Lý Sơn nằm nơi mặt tiền của khu công nghiệp dầu khí Dung Quất, một vùng đất đang phát triển mạnh ở Miền Trung, không khí trong lành, nhiều phong cảnh đẹp của nét yên tĩnh hoang sơ, bãi biển, ghền đá và các hang động tự nhiên như hang Câu, hang Cò, hang Kẻ Cướp, miệng núi lửa và các món ăn đặc sản độc đáo nên thu hút nhiều du khách ra đảo tham quan và nghĩ dưởng.

LySon021 

Biển Lý Sơn trong vắt một màu biên biếc

 LySon022

Bãi biển đẹp vô ngần

LySon023 

Bãi cát bên mõm đá như trong thời hoang sơ

 LySon024

Một ghền đá trên hòn Bé

 LySon025

Một đầu ghền trên đảo Lớn thu hút nhiều du khách đến tham quan

Đến Lý Sơn không thể không thưởng thức món gỏi tỏi non, gỏi rau câu dòn, đồm độp (đồn đột), ốc bàn tay, tôm hùm, .v. v.. Đó là những món đặc sản nổi tiếng của đảo. Ngư dân đảo còn nghề nuôi nuôi tôm hùm xuất khẩu đem lại lợi tức đáng kể cho mỗi trại nuôi cở trung bình hàng chục ngàn USD mỗi năm.

 LySon026

Rau câu dòn

 LySon027

Ốc bàn tay

 LySon028

Trại nuôi tôm hùm

Quãng Ngãi là nơi nghèo khó nhất Miền Trung, vùng đất cô cằn sỏi đá, nắng cháy da người, mùa mưa thì lũ lụt trắng đồng nên chính quyền có kế hoạch phát triển 3 trọng điểm kinh tế tại Quãng Ngãi là khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai và thành phố Quảng Ngãi, bên cạnh đó là trục 3 trung tâm du lịch được chú trọng phát triển thành khu du lịch biển của tỉnh: Kết hợp 3 khu du lịch Mỹ Khê, Sa Huỳnh và Lý Sơn. Từ khi nhà máy dầu khí Dung Quất hoạt động, có thêm ngân sách dồi dào nên cấp kinh phí phát triển đảo, san lấp mặt bằng xây dựng nhiều cơ sở dịch vụ và khu cư dân. Kéo đường cáp điện 220 kw từ mạng điện trong đất liền cung cấp điện cho toàn đảo, trước đây chỉ có nhà máy điện nhỏ không cung cấp đủ điện cho nhu cầu ngày càng phát triển, đến cuối năm 2014 khánh thành đường cáp và nhà máy điện sẽ đưa vào phục vụ. Xây dựng thêm tiện nghi cho bến cảng, lập tổ hợp tàu cao tốc (2 thân đi khá nhanh) rút ngắn thời gian đi lại tiện lợi cho du khách, nâng cấp đường xá, trồng hàng ngàn cây phủ xanh đồi trọc nhằm giử nước mưa bảo đảm lượng nước ngầm cung cấp cho việc tưới tiêu trồng trọt, nó cũng còn làm tăng thêm vẽ đẹp của khu du lịch biển ở Miền Trung Việt Nam.

Xin giới thiệu một số bài viết về các đảo tiền tiêu quan trọng của Việt Nam, như:

  • Đảo Bạch Long Vĩ (Vịnh Bắc Bộ)
  • Đảo Lý Sơn (Trung Phần)
  • Đảo Phú Quý (Nam Trung Phần)
  • Đảo Côn Sơn (Nam Bộ)
  • Đảo Thổ Chu (Vịnh Thái Lan)

 (Tài liệu tổng hợp, hình ảnh Net – Phoenix AZ, August 2014)

Lê Hữu Uy