"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Nguyễn Du Qua Vĩnh Châu

Nơi Liễu Tông Nguyên (773 - 819) Viết  « Lời Người Bắt Rắn »

_______________________________________________________________

          Trên đường đi sứ năm 1813 từ 18-7 Âm lịch năm Quý Dậu, rời Toàn Châu theo sông Tiêu Tương, Nguyễn Du qua Vĩnh Châu khoảng ngày 20-7 âm lịch, nhớ nơi đây Liễu Tông Nguyên, hiệu Tử Hậu từng bị giáng chức làm Tư Mã trấn nhậm nơi này, nơi đây Liễu Tông Nguyên viết bài Bổ Xà Thuyết nhân nghe chuyện kể của người bắt rắn. Bài Bổ Xà Thuyết là một án văn tuyệt tác lên án, thuế nặng sưu cao, quan lại sách nhiễu, dân chúng sợ hơn cả rắn độc.

          Liễu Tông Nguyên, tự Tử Hậu, người Hà Đông, nay thuộc huyện Vĩnh Tế tỉnh Sơn Tây, nên còn gọi là Liễu Hà Đông một trong Đường Tống Bát Đại Văn Gia. Tác phẩm Liễu Hà Đông gồm 45 tập ông còn được gọi tên là Liễu Liễu Châu vì làm Thứ sử Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Tuổi thiếu niên nổi tiếng tài văn chương, 20 tuổi đỗ Tiến sĩ, đồng khoa với Lưu Vũ Tích, được bổ chức Hiệu Thư lang. Năm 30 tuổi được Tể tướng Vương Thúc Văn để ý đến văn tài thăng chức Lễ Bộ Viên ngoại lang. Vương Thúc Văn ý muốn liên kết các nhân tài trong triều như Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích, Lữ Ôn tiến hành cải cách triều đình, trừ khử bọn hoạn quan đang lộng quyền. Chẳng may vua Đức Tông bệnh nặng, nhường ngôi cho con là Hiến Tông, nhân đó bọn hoạn quan khôi phục quyền bính. Vương Thúc Văn cùng đồng bọn bị biếm trích đi xa. Liễu Tông Nguyên bị giáng làm Tư Mã ở Vĩnh Châu, địa phận tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ở đấy ông thấy dân chúng cùng khổ vì sưu cao thuế nặng, lại có người liều mình bắt rắn độc để được miễn thuế thân, nên ông làm bài Bồ Xà Thuyết. Mười năm sau năm 815 ông được bổ làm Thứ sử Liễu Châu, ông mất ở Liễu Châu năm 819 năm 46 tuổi.

Liễu Tông Nguyên nổi danh là một nhà vận động cải cách triều chính, cải thiện đời sống dân chúng, hạn chế đặc quyền của hoạn quan và quý tộc.

          Mây nổi trên núi Hành Lĩnh, sóng gợn trên sông Tiêu Tương. Nhà cũ của Liễu Châu có phải nơi này không ? Một tấm thân bị ruồng đổi ra sáu nghìn dậm xa. Văn chương để lại nghìn đời thuộc vào hàng tám văn hào lớn từ thời Đường đến đời Tống : Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên, Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Tăng Củng và Vương An Thạch. Trong bài tế Liễu Tử Hậu văn, Hàn Dũ viết : Ví như người thợ vụng, tay bầm máu, mặt đầm mồ hôi, còn ông thợ khéo thì đứng khoanh tay. Văn chương ông Liễu mà không được dùng, còn bọn nịnh thì lại được thảo chiếu, chế của nhà vua. Trong Ngu khê thi tự của Liễu Tông Nguyên có đoạn : « gia mộc, dị thạch, thế trí giai sơn thủy chi kỳ dã. Dĩ dư cố hàm dĩ ngu nhục yên. Phù thủy, trí chi nhạo dã. Kim thị khê độc kiến nhục ư ngu, hà tai ? »   Cây đẹp, đá lạ được xếp đặt đều là cảnh sơn thủy kỳ dị, vì tôi ngu mà phải ngu theo. Nước là cái mà kẻ trí yêu thích. Nay cái khe ấy lại bị nhục vì ngu là tại sao ?. Lúc này Liễu Tông Nguyên « tôi vì ngu mà bị tội, biếm trích ra Tiêu Thủy Tương » nên làm bài này để tỏ lòng bi phẩn. Nguyễn Du nhắc lại ý đó để tỏ lòng tri kỷ với Liễu Tông Nguyên. Thuở trẻ ta cũng có tài ví như cây gỗ tốt. Nay đầu bạc, chỉ luống tự mình than vãn trước gió thu.

NHÀ CŨ CỦA LIỄU TỬ HẬU

Ở VĨNH CHÂU

Núi Hành mây nổi sóng sông Tiêu,

Có phải nhà xưa của Liễu Châu ?

Ruồng rẩy một thân non vạn dậm,

Tiếng tăm nghìn thuở tám văn hào.

Máu bầm, mặt đẫm trong cùng khổ,

Cây đẹp, khe trong tiếng dại đầu.

Ta trẻ tưởng tài như gỗ quý,

Bạc đầu than vãn gió thu sầu.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

VĨNH CHÂU LIỄU TỬ HẬU CỐ TRẠCH

Hành Lĩnh phù vân, Tiêu Thủy ba,

Liễu Châu cố trạch thử phi da ?

Nhất thân cích trục lục thiên lý,

Thiên cổ văn chương bát đại gia.

Huyết chỉ hãn nhan thành cổ hỹ,

Thanh khê, gia mộc nại ngu hà.

Tráng niên ngã diệc vi tài giả,

Bạch phát thu phong không tự ta.

Vĩnh Châu là nơi Liễu Tông Nguyên bị giáng làm quan Tư Mã, nơi đây ông viết bài Lời Người Bắt Rắn nổi danh muôn thuở: lên án quan lại sai dịch thuế má hà khắc, khiến dân cư tiêu tán, người dân phải liều chết bắt rắn độc để được miễn thuế. Có chết vì rắn độc cắn cũng sung sướng hơn là bị bọn sai nha quấy nhiễu thu thuế.

LỜI NGƯỜI BẮT RẮN

Đồng Vĩnh Châu có lạ kỳ loài rắn,

Thân mình đen vần trắng vòng viền.

Bò ngang cỏ héo cây tàn,

Cắn nhầm nọc độc vô phương cứu người.

Vậy mà thịt sả khô làm thuốc,

Sưng mũ mạch lươn, thấp khớp, động kinh.

Bệnh hiểm diệt được u ung,

Thái Y phụng mạng nạp trưng thu vào.

Lệ mỗi năm hai lần trưng nạp,

Kén chọn người bắt rắn đặc ân.

Miễn cho khỏi đóng thuế thân,

Vĩnh Châu dân chúng tranh công việc này.

Nghề truyền nối ba đời họ Tưởng.

Hỏi ra thì đáp xướng lời rằng :

“Ông tôi vì nó hại thân,

Cha tôi cũng chết, tôi dành nghiệp cha.

Mười hai năm nối nghiệp nhà,

Mấy lần sinh tử vào ra hãi hùng.”

Đáp lời ta, mặt chừng đau đớn,

Ta chạnh lòng mới ướm lời ngay :

“Việc người thật độc lắm thay !

Để ta báo cáo việc này lại ty.

Bỏ sưu dịch trở về nộp thuế.

Họ Tưởng kia nước mắt ròng ròng :

“Ngài thương mà cứu giúp giùm,

Bỏ sưu nạp thuế tôi càng khổ hơn.

Không bắt rắn tôi càng bất hạnh.

Nhà ba đời đã sáu chục năm,

Xóm làng cùng cực mưu sinh,

Sưu cao thuế nặng, vét bòn chẳng ra.

Cùng bỏ đi dọc đường đói khát,

Đội gió mưa nhiễm nóng lạnh đau.

Thóp thoi mà chết nối nhau.

Đời ông mười hộ trước sau chẳng còn.

Cùng cha tôi mười nhà chung xóm,

Nay chẳng còn được đến đôi ba.

Cùng tôi mười hai năm qua,

Mười nhà còn chẳng được là bốn năm.

Nếu không chết cũng đi biệt xứ.

Chỉ còn tôi bắt rắn đến giờ.

Lính lại hung dữ đến làng,

Dưới trên hạch sách vơ càn khảo tra.

Người người hớt hãi mà run sợ,

Đến chó gà cũng chẳng được yên.

Riêng tôi rón rén hé dòm,

Nhìn trong hủ, rắn hãy còn nằm yên.

Mới yên dạ mà đi nằm ngủ.

Cẩn trọng nuôi ăn đợi lúc nạp dâng.

Còn mình cào đất bới canh,

Được chi ăn nấy sống đành kiếp thân.

Thế mỗi năm hai lần liều chết,

Còn kỳ dư   lây lết vui may,

Xóm giềng chịu khổ ngày ngày.

Dù cho có chết, chết này hậu hơn.”

Sau lệnh quan lại cho rằng độc,

Ta nghe mà thảm khốc bi thương.

Khổng Tử xưa đã nói rằng:

“Chính sự hà khắc độc hơn hổ hùm”.

Ta vốn vẫn nghĩ thường ngờ vực,

Nay lại nhân họ Tưởng mà tin.

Thế mới biết thuế sưu là độc,

So ra kia rắn nọ chẳng bằng ?

Nay xin chép lại chuyện rằng:

Mong người xem xét dân tình thấu ra.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

BỔ XÀ GIẢ THUYẾT

Vĩnh Châu chi dã sản dị xà,

Hắc chất nhi bạch chương.

Súc thảo mộc tận tử,

Dĩ khiết nhân vô ngự chi giả.

Nhiên đắc nhi lạp chi dĩ vi nhị.

Khả dĩ đại phong, loan uyển, lâu lệ.

Khúc tử cơ, sát tàm trùng,

Kỳ thủy Thái Y dĩ vương mệnh tụ chi.

Tuế phú nhị kỳ,

Mộ hữu năng bổ chi giả, đương kỳ tô nhập.

Vĩnh Châu chi nhân tranh bôn tẩu yên.

Hữu Tưởng thị gia, truyền kỳ lợi tam thế hĩ.

Vấn chi, tất viết :

“Ngô tổ tử ư thị, ngô phụ tử ư thị.

Kim ngô tự vi thập nhị niên, cơ tử giả sở hĩ !

Ngôn chi nạo nhược thậm thích giả.”

Dư bi chi, thả viết :

“Nhược độc chi hồ ! Dư tương cáo ư lị sự giả,

Cánh nhược dịch, phục nhược phú, tắc hà như ?”

Tưởng thị đại thính, uổng nhiên xuất thế viết :

“Quân tương ai như sanh chi hồ ?

Tắc ngô tư dịch chi bất hạnh.

Vi nhược phục ngô phú bất hạnh chi thậm giả.

Hướng ngô bất vi tư dịch, tắc cửu dĩ bệnh hĩ.

Tự ngô thị tam thế cư thi hương, tích ư kim lục thập tuế hĩ.

Nhi hương lân chi sinh nhật tuế,

Đàn kỳ địa chi xuất, kiệt kỳ lư chi nhập.

Hào hô nhi chuyển tỉ, ngạ khát nhi đốn phầu.

Xúc phong vũ, phạn hàn thử,

Hô hư độc lệ, vãng vãng nhi tử giả, tương tạ dã.

Nãng dữ ngô tổ cư giả.

Kim kỹ thất thập vô nhất yên.

Dữ ngô phụ cư giả.

Kim kỳ thất thập vô nhị tam yên.

Dữ ngô cư thập nhị niên giả.

Kim kỳ thất thập vô tứ ngũ yên.

Phi tử tắc tỉ nhĩ.

Nhi ngô dĩ bổ xà độc tồn.

Hãn lại chi lai ngô hương.

Khiếu hiêu hồ Đông Tây, hung đột hồ Nam Bắc.

Hoa nhiên nhi hãi giả, tuy kê cẩu bất đắc ninh yên.

Ngô tuân tuân nhi khởi .

Thị kỳ phẩu, nhi ngô xà thượng tồn,

Tắc thỉ nhiên ngọa,

Cẩm tự chi, thời nhi hiến yên.

Thoái nhi cam thực kỳ, thổ chi hữu dĩ tận ngô xỉ.

Cái nhất tuế chi phạn, tử giả nhị yên.

Kỳ dư tắc hi hi nhi lạc.

Khởi nhược ngô hương lân, chi đán đán hữu thị tai.

Kim tuy tử vu thử.

Tỉ ngô hương lân, chi tử tắc dĩ hậu hĩ.

Hậu an cảm tội đa !

Ngô văn nhi dữ bi.

Khổng tử viết: “Hà chính mãnh ư hổ dã ! “

Ngô thường nghi hồ thị.

Kim dĩ tướng thị quan chi, do tín.

Ô hô ! Thục tri như liêm chi độc.

Hữu thân ư xà giả hồ !

Cố vi du thuyết.

Dĩ sĩ phù quan nhân phong giả thị đắc yên.

          Bài Người Bắt Rắn của Liễu Tông Nguyên, cho chúng ta những suy nghĩ về sưu thuế xưa và nay. Không phải vì sưu cao thuế nặng mà phải chủ trương bỏ thuế. Từ khi con người có đời sống cộng đồng vấn đề thuế được đặt ra. Từ xã hội nguyên thủy để bảo vệ tài sản mọi người, chống lại sự cướp bóc các bộ tộc khác : cần thiết có một đội ngũ những người khỏe mạnh thường xuyên đối phó với các cuộc xâm lăng. Mọi người trong cộng đồng phải đóng góp để nuôi số người đó. Khi xã hội có tổ chức, cần thiết phải nuôi guồng máy cai trị, rồi tiến đến việc làm đường xá, xây cơ sở công cộng, trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa.. Thuế má trở thành cần thiết cho vận hành tổ chức xã hội.

          Thời đại phong kiến Tây phương, chế độ nhà vua phong đất cho các lãnh chúa cai trị, tên vị lãnh chúa truyền đời là tên mãnh đất được phong, xã hội không có thuế thân như các nước Đông Á, nhưng lại biến tất cả mọi người làm nông nô cho lãnh chúa. Thời đại xã hội chủ nghĩa, tất cả mọi người đều là công nhân, lợi tức xã hội lại về tay guồng máy đảng. Xã hội trở nên bế tắc, vì không ai ham muốn làm việc vì không có quyền tự do tư hữu và hưởng những thành quả mình làm, một thành phần giai cấp có quyền hành trở thành giai cấp trục lợi tham nhũng . Toàn bộ các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ, các nước Đông Âu lại gia nhập thế giới tôn trọng quyền tư hữu. Còn lại các nước xã hội chủ nghĩa Á Châu cũng thay đổi đường lối, đổi mới cải cách gia nhập chế độ kinh tế thị trường. May mắn cho Trung Quốc có Đặng Tiểu Bình hiện đại hóa Trung Quốc thoát khỏi thời đại cách mạng văn hóa 35 triệu người chết đói. May mắn cho Việt Nam có Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đã đưa đất nước “đổi mới” vượt qua thời kỳ “Chính sự phiền hà dân sợ hơn hải tặc”, hằng triệu người vượt biển ra đi bất chấp ngoài khơi hải tặc hoành hành cướp bóc, hảm hiếp. Nhiều người ra đi chấp nhận cho con gái uống thuốc ngừa thai, phòng khi hải tặc hảm hiếp.

          Cải cách thuế má thế nào để mọi người vui vẻ đóng góp là một vấn đề lớn trong việc tổ chức xã hội ngày nay. Ngày nay chỉ còn hai mô hình : Hệ thống tổ chức thuế vụ của Hoa Kỳ và hệ thống thuế vụ của Âu Châu và Canada. Cả hai đều có những ưu điểm và khuyết điểm.

          Hệ thống thuế vụ Hoa Kỳ nhẹ nhưng bù lại trường học và Y tế dân chúng phải tự trả khá đắt. Mọi người không bắt buộc phải đóng bảo hiểm y tế, xã hội. Đến khi gặp phải bệnh hiểm nghèo, phải nằm bệnh viện, nếu không giàu, thì trả sạt nghiệp hay chờ chết. Hệ thống y tế bị phân chia giai cấp : bệnh viện cho người giàu, và bệnh viện cho người nghèo. Sinh viên đi học có thể mượn ngân hàng nhưng khi ra đời với một số nợ lớn phải trả. Có những trường dành riêng cho người giàu có.   Nhưng tại Hoa Kỳ mọi người có thể tự do làm giàu không giới hạn, khi giàu có họ trở nên những nhà từ thiện xã hội, tự nguyện giúp sức các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu. Họ dùng tài sản mua tranh, tượng, tác phẩm nghệ thuật để rồi cuối đời tặng cho các bảo tàng viện, hay lập các tổ chức thiện nguyện, fondation tạo nên sự phát triển văn hóa, do đó tại Hoa Kỳ không cần có Bộ Văn Hóa..

          Hệ thống thuế vụ Âu Châu và Canada nặng nề. Tại Pháp người lãnh trên một triệu Euro đóng thuế đến 75%, giá một lít xăng hết 80% là tiền thuế. Khi trả lương một người phải trả thêm 60 % chi phí xã hội. Mỗi năm người dân phải đóng thuế lợi tức cho quốc gia, và thuế nhà cho địa phương. Người nghèo được nhiều quyền lợi, được miễn thuế, việc sa thải khó khăn, giai cấp trung lưu bị đóng thuế nặng, và người giàu tìm cách trốn đi nơi khác. Xí nghiệp do đóng chi phí xã hội quá cao không dám tạo thêm việc làm nếu lợi tức bấp bênh. Việc giúp đỡ người nghèo chu đáo khiến cho dân cư các nước nghèo đói thèm muốn và tìm mọi cách để di dân tị nạn kinh tế. Xã hội càng giúp đỡ nhiều thì người ta càng ỷ lại, biếng nhác làm việc, nhiều người sống chỉ trông cậy giúp đỡ hay gian lận để được giúp đỡ tạo nên gánh nặng xã hội càng ngày càng lớn. Tóm lại tìm đâu là giới hạn, điều độ sự giúp đỡ người nghèo và tạo nên công bằng xã hội, đồng thời tự do kinh doanh, mọi người đều có thể tự do làm việc để mưu cầu hạnh phúc là một bài toán nan giải cho các xã hội ngày nay.

Paris 27-1-2016

Phạm Trọng Chánh

* Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.