"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

RỒNG - HÌNH TƯỢNG VĂN HỌC

 
      Năm Tân Mão sắp đi qua, năm Nhâm Thìn bỗng chốc lại đến, người viết xin có đôi dòng tản mạn về Rồng, đặc biệt trong văn học Trung Hoa và Việt Nam.

 

      RỒNG TRONG VĂN HỌC TRUNG HOA

 

     Thời Phong kiến, các vua chúa vùng Đông Nam Á đặc biệt là Trung Hoa đều lấy Rồng làm biểu tượng để dương oai cái uy vũ của bậc Chân Long Thiên tử cai quản muôn dân . Biểu tượng Rồng còn được thể hiện khắp nơi có liên quan tới vua, nhất là trong cung điện đế vương với những tư thế muôn màu rực rỡ.

     Nhưng Rồng không phải là vật sở hữu riêng tư của vua chúa …mà là con vật linh thiêng của mọi người. Trong dân gian, Rồng có mặt khắp nơi từ công nghệ mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc cho tới các tập tục như Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên Ðán đều có thắp lồng đèn Rồng, múa Rồng, đãi tiệc chúc mừng gọi là Long Phụng Tình Tường.

     Rồng là con vật cổ tích vì đã xuất hiện cách đây từ 7 ngàn năm về trước trong thời kỳ đồ Gốm với những hình ảnh về Rồng trên các chum, vại . Thời nhà Thương bên Tàu cách đây 3.000 năm, Rồng cũng có mặt trong đồ Ðồng . Rồi từ đó đến nay, Rồng là hình ảnh quen thuộc qua các họa tiết trong các công trình kiến trúc, hội họa, lễ nhạc, binh khí, gia cụ, tiền đồng, văn phòng tứ bửu …Tóm lại, trong hàng ngàn năm qua, nhiều khu vực thuộc nhiều dân tộc khác nhau đã lấy Rồng làm đối tượng để sáng tạo,dù thực tế Rồng là con vật hữu danh vô thực, không hề có mặt trong thế giới động vật hiện hữu trên trần thế. Có thể nói được là trong tất cả các bộ truyện Tàu cổ đều có Rồng.

     Bồ Tùng Linh, một Tiểu thuyết gia nổi tiếng của Trung Hoa sinh cuối đời Minh và sống vào đời Thuận Trị, Khang Hy (1640-1715), tác giả của pho truyện ma quỷ vĩ đại Liêu Trai Chí Dị gồm 445 truyện, trong đó có nhiều truyện viết về Rồng với sự huyền bí, hiển linh cũng đồng thời biểu lộ cái tâm của tác giả.

     Ngoài ra Rồng là con vật thần bí, có ảnh hưởng lớn đến đời sống và nền văn hóa Trung Hoa nên nhiều người ngoại quốc đã gọi nước Tàu là Ðông Phương Cự Long .

 

     Rồng Con Vật Cổ Tích Và Linh Thiêng. Rồng không phải là loại Thằn Lằn khủng khiếp hay Khủng Long đã tuyệt tích từ hằng trăm triệu năm về trước. Nó là một con vật cổ tích huyền thoại, linh hiển và thần đạo biến hóa,hữu danh vơ thực, hầu như chỉ có trong tâm tưởng của con người. Vì Rồng là con vật được hình thành từ sự tưởng tượng theo các con vật có thực, nên không có con Rồng nào giống nhau.

 

     Theo sử liệu, Rồng là con vật huyền thoại đầu tiên đã xuất hiện ở vùng Ðông Nam Á và khu vực ngự trị của dân tộc Bách Việt ở phía nam sông Trường Giang (Dương Tử giang-Trung Hoa) . Vùng nam vực nước Tàu và Ðông Nam Á chằng chịt sông hồ, lại có lượng nước mưa nhiều nhất thế giới . Phát xuất từ sự phát triển của lúa nước, dân Bách Việt và Ðông Nam Á cũng phát sinh ra huyền thoại về Rồng. Theo sự nghiên cứu của nhà Ðộng vật học người Nga là D. V . Deopik thì Rồng là con vật tượng trưng cho nét đặc thù của các dân tộc Bách Việt như Mân Việt, Ngô Việt, Âu Việt, Lạc Việt …Từ đó Rồng mới xâm nhập vào nền văn hóa Trung Hoa khi Hán tộc tiếp xúc với Việt tộc tại khu vực phía Nam sông Dương Tử . Nếp sống tình cảm hiền hòa của người nông dân vùng sông nước nên Rồng Á Ðông như một con vật linh thiêng, hùng dũng được con người mến mộ, yêu quý và phụng thờ .

 

      RỒNG QUA NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

 

     Với người Trung Hoa, từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 2 trước TL, qua nghệ thuật tạo hình, Rồng có dạng lớn nhất trong mọi thời, giống hình Rắn, ít khúc thân dài và cong như hình chiếc thuyền Rồng . Hình tượng này xuất hiện nhiều và lần đầu tiên tại lưu vực.

     Xác nhận Rồng là biểu tượng văn hóa nghệ thuật của Ðông Nam Á là điều hợp lý, và chính các Khoa Học gia cũng đồng tình vì Rồng hiển hiện khắp nơi qua các tác phẩm nghệ thuật trong dân gian, nhất là tại Tử Cấm Thành, cung điện của vua chúa, mọi thứ hầu như đều có hình ảnh Rồng hiện hữu một cách rực rỡ và sắc sảo .

     Rồng đã xuất hiện 6-7 ngàn năm về trước trên các đồ gốm và ba ngàn năm trong thời kỳ Ðồng, Sắt Nhà Thương . Sau đó Rồng được vẽ qua các họa tiết trong các công trình kiến trúc, giao thông vận tải, gia cụ, tiền và các văn phòng tứ bửu .

     Bên Tàu chỉ tỉnh Triết Giang cũng đã có nhiều hội múa rồng . Ðiều này cũng dễ hiểu , vì vùng này chính là cội nguồn của Bách Việt, quê hương của những dân tộc sống nơi sông rạch, biển sóng, sông hồ. Do đó vật tổ của họ là thần rồng, cá sấu. Bởi vậy, dù nay con vật chỉ làm bằng giấy hay vải nhưng người múa, trong một tâm hồn phóng khoáng, đã làm cho con vật trừu tượng trở nên uy vũ, tạo lên cái hào khí sung mãn của một giống dân bách chiến, từng làm cho Hán tộc lao đao nể sợ.

 

     RỒNG VÀ HUYỀN THOẠI

 

     Theo sách Chrestomathie annamite ( Quảng Tập Viêm Văn) cuả Edmonde Nordemann ( Ngô Ðề Mân), Hà Nội 1898 thì rồng thuộc giống giao long. Theo truyền thuyết thì giống giao long biến thành rồng khi nó sống được một ngàn năm, lúc mà cục bướu ở dưới cổ biến tan. Con giao long thường tranh với con hổ ( long hổ giao tranh) , nó quấn con hổ, siết chặt đến ngộp thở, rồi nuốt trộng không cần nhai.

     Giao long là giống vật thời tiền sử thuộc loài sauriens như dinosaure, pléonthosaure, diplodocus,v…v…

     Theo truyền thuyết, bên tàu cũng như bên ta có giống cá gáy ( lý ngư) vượt Vũ môn tam cấp, cũng gọi là Long Môn, vào tháng ba, cùng rủ nhau về đấy bơi ngược dòng, nhảy được ba bực đá thì sẽ hoá thành rồng.

     Tại vùng Ðông Nam Á, khu vực trồng lúa nước phổ quát trên thế giới, trong có nhiều dân tộc sinh sống với nền văn minh khác biệt do ảnh hưởng của Tôn giáo nhưng họ lại gặp nhau tại một tụ điểm đó là phong tục, hội hè, xuân tết và các nghi lễ thờ cúng về nông nghiệp …Trong đó huyền thoại về Rồng khá phổ biến và chiếm phần quan trọng .

     Riêng người Hoa sống dọc theo sông Dương Tử, một con sông lớn nhất nước Tàu, bao đời đều để lại những truyền thuyết về Rồng tại đây, thường gây tai họa, giông bão, lụt lội cho con người.

 

       * Cá Hóa Rồng hay Cá Vượt Vũ Môn

 

     Huyền thoại này xưa nay thường được gán cho loài “ Cá Chép “ ở thác Long Môn thuộc tỉnh Quảng Ðông (Trung Hoa) . Nhưng Học giả Lê Quý Ðơn lại căn cứ theo sách Uyên Quản Loại Hàm của Tàu thì sông Long Môn ngày xưa thuộc châu Gia Lăng, nước từ trên cao đổ xuống thành thác ầm ầm, phía dưới có cái hang là nơi sinh sống của loài cá Anh Vũ, mồm cong má đỏ, tương truyền cá ấy tới thời kỳ con nào vượt lên khỏi thác thì hóa thành Rồng . Ðể làm sáng tỏ hơn, sách Ðường Sơn Từ Khảo cũng của Tàu cho biết thêm : “Sông Long Môn ở huyện Mông thuộc châu Gia Hưng nước An Nam . Sông này phát nguyên từ tỉnh Vân Nam, đến Long Môn thì bị núi chận nên phân làm ba nhánh, nước chảy từ cao xuống thấp ầm ầm như núi đổ, bên dưới có cái hang, là nơi trú ẩn của loài cá Anh Vũ xanh biếc, miệng cong như mỏ chim Anh Vũ .

     * Thừa Long Giai Tế

     Thời Xuân Thu, Vua Tần Mục Công có cơ gái út tên là Lộng Ngọc nhan sắc xinh đẹp, lại có tài thổi tiêu nên vua rất cưng quý . Một đêm Lộng Ngọc chiêm bao gặp được một chàng trai phong lưu tuấn tú, cỡi chim Phượng từ núi Thiên Sơn ở phía tây nước Tần tới, cho biết vâng ý chỉ của Ngọc đế, Trung thu năm nay sẽ đến kết duyên cùng nàng . Nói xong lại rút một chiếc tiêu bằng ngọc thổi lên âm điệu kỳ lạ, khiến cho Lộng Ngọc càng thêm mê đắm . Sáng hôm sau, Công chúa đem giấc mộng kể cho Vua chavà được Tần Mục Công sai quan tới đó tìm được một người thổi tiêu tên Tiêu Sử . Hôn lễ được cử hành vào ngày rằm tháng tám, Tết Trung thu . Giữa lúc vợ chồng đang ngắm trăng tròn, hòa điệu Tiêu-Sáo, thì từ trên trời có một con Rồng đỏ và một con chim Phượng màu tía, đáp xuống lâu đài . Lúc đó Tiêu Sử mới bảo chàng là Tiên nên không thể ở lại trần gian, rồi bước lên cỡi Rồng còn Lộng Ngọc cỡi Phượng, vợ chồng về trời . Từ điển tích trên, người sau rút được các thành ngữ Thừa long Giai tế, cũng như Việt Nam cũng có câu tương tự : Phỉ quyền sánh Phượng, đẹp duyên cỡi Rồng, để nói lên việc chọn được người rể xứng đáng .

 

     * Giao Long Ðắc Thủy

 

     Vua Vũ đế nhà Hậu Ngụy thời Nam Bắc Triều muốn tấn công nhà Lương ở Nam Triều . Ðể tấn binh, vua giao quan Thượng thư Bộ binh tuyển chọn nhân tài . Có viên quan nhỏ tên là Dương Ðại Nhãn tình nguyện nhưng bị từ chối, nhưng sau đó nhờ Dương Ðại Nhãn phơ trương tài nghệ nên được thăng chức và dự việc xuất chinh . Quả nhiên nhờ tài năng lại can đảm thiện chiến nên Dương Ðại Nhãn chẳng những khiến cho nhà Lương phải khuất phục mà trẻ con tại miền Bắc khi nghe nhắc tới tên ông cũng phải run sợ. Từ điển tích trên, người sau mới rút được câu thành ngữ “Giao long đắc thủy”, để chỉ một người do cơ hội may mắn mà có công danh, địa vị thay đổi cả cuộc đời.

 

     * Ma Rồng Gặp Trâu Bồ Tát

 

     Năm Trinh Quan số thứ 13, đời vua Lý Thái Tông nhà Ðường (618-907), gần thành Trường An có con sông Kinh nước trong vắt . Bên bờ sông, có 2 ẩn só tên Trương Lão và Lý Ðịnh chán công danh và sự lừa dối hào nhoáng của lớp quan quyền nên chọn nghề đánh cá và đốn củi để sinh nhai . Một bữa nọ, Trương và Lý rủ nhau vào quán đối ẩm, rượu vào lời ra trên đường về nhà, Trương Lão tiết lộ là sở dĩ mình thường đánh được nhiều cá qua sự chỉ dẫn của ông thầy bói tại Trường An . Lời tiết lộ trên bị qủy dạ xoa trên sông Kinh nghe được, vội về Thủy cung báo cho Long Vương . Vua Rồng tức giận muốn giết tên Tú tài Thầy bói nhưng nhờ quần thần can gián và khuyên vua nên đến Trường An gặp mặt trước rồi mới quyết định . Long Vương nghe theo, bèn giả làm một Tú tài áo trắng tới gặp thầy bói tên Viên Thủ Thành . Tại đây, vua Rồng hỏi chừng nào mưa và mưa bao nhiêu, được thầy bói cho biết rành mạch là giờ Thìn kéo mây, giờ Tị nổi sấm, giờ Ngọ mưa và tạnh vào cuối giờ Mùi. Mưa 3 thước, 3 tấc, 4 phân, 8 ly. Sau đó vua Rồng về Thủy cung và được chiếu trời truyền lệnh làm mưa tại thành Trường An vào ngày mai y như lời thầy bói. Nhưng lỡ đánh cá với Viên Thủ Thành và thêm lời xúi bậy của đám quần thần, Long vương làm mưa gió trái với lệnh của Thiên đình . Ðồng thời lại tới Trường An đánh chưởi thầy bói nhưng Viên Thủ Thành đã chỉ thẳng vào mặt vua Rồng cho biết ông ta là Long Vương trên sông Kinh đã làm trái lệnh trời, ngày mai sẽ bị chém chết . Người thi hành chém Rồng là Thừa tướng nhà Ðường tên Ngụy Trưng . Nhưng dù vua Ðường đã hứa giúp, cuối cùng vua Rồng cũng bị chém chết . Trên đường trần vật vờ, ma Rồng bỗng gặp được Trâu Bồ tát đang bị tên mục đồng hành hạ nên bất bình thì được Trâu cho biết vì phạm phải tội lỗi nên Trời phạt và chấp nhận sư trừng phạt trên để đền tội . Lý lẽ trên đã làm thức tỉnh ma Rồng .

 

     RỒNG TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM

 

     Với Việt Nam Rồng là vật Tổ, biểu tượng nền văn hóa độc đáo của dân tộc Bách Việt. Không phải ngẫu nhiên mà Rồng được xếp đầu bốn con Linh vật (Long, Lân, Quy,Phụng) hay được xuất hiện một cách trang trọng trong sách vở, truyền thuyết, phong thủy, đình chùa và đời sống con người .

     Dân tộc Việt Nam theo nguồn gốc là nhóm Lạc Việt, một trong những nhánh của Bách Việt “ còn tồn tại tới ngày nay” , thoát được sự đồng hóa của Hán Tộc, cũng sinh sống trong vùng sông nước, trồng lúa nổi nên chọn các con vật Ðiểu, Xà làm vật tượng trưng tôn thờ theo tập tục trong vùng . Tổ tiên của người Lạc Việt thuộc họ Hồng Bàng, dòng dõi Rồng Tiên và Hồng Bàng cũng là tên gọi của một giống Chim nước lớn (Sếu) có nhiều tại Việt Nam nhất là tại miền Bắc. Thời thượng cổ, về huyền thoại Lạc Long Quân (Rồng) lấy bà Âu Cơ (Tiên) đẻ 100 trứng nở trăm con.

     Tại Việt Nam, Rồng được phổ biến đến mức thành quen, nhiều địa danh quan trọng trên quê hương được đặt tên Rồng như Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Long Biên, Bạch Long Vỹ, Hàm Rồng, Long Thành, Long Ðiền, Cửu Long ….Người xưa với với tri thức siêu việt đã sáng tạo hình ảnh Rồng để diễn biến các thời đại của đất nước. Vì vậy, ta thấy con Rồng thời Hùng Vương mới lập quốc, giống như con cá Sấu . Ðến thời Hậu Lý, đất nước đã đạt được ổn định và phú cường, nên con Rồng là sự kết hợp của Rắn và Cá Sấu . Thời Trần, Việt Nam đã trở nên hùng mạnh nên con Rồng cũng dương oai diêu võ một cách hùng dũng . Sau rốt con Rồng từ thời Hậu Lê tới Nhà Nguyễn trở nên hung tợn có móng quắp, biểu tượng cho thời đại Việt Nam bị Nho giáo Trung Hoa xâm nhập và có ảnh hưởng lớn với các nhà lãnh đạo đất nước . Tóm lại, về nhiều phương diện Rồng tuy là sản phẩm tưởng tượng nhưng đã gắn liền với truyền thống các dân tộc Á Châu . Riêng với Việt Nam, Rồng là nỗi khát vọng cao cả “ của đất nước Con Rồng Cháu Tiên “ mà mọi người đều hãnh diện Rồng là con vật không có thật nhưng từ ngày lập quốc cho tới nay, Rồng luôn được người Việt Nam tơn xưng là biểu tượng Vật Tổ của Dân Tộc. Nó là con vật huyền thoại cổ tích, khác với Khủng Long, một sinh vật được các Khoa học gia xếp vào loại thú tương cận của Rồng, tuy đã tuyệt tích gần cả trăm triệu năm nay nhưng hiện vẫn còn lưu lại thế gian những thi hài hóa thạch . Còn Rồng chỉ có trong huyễn hoặc, huyền sử và các câu chuyện cổ tích.

     Nhưng có điều kỳ lạ, là Rồng dù không có thật, vậy mà ai cũng có thể nhận ra nó một cách rất tự nhiên và dễ dàng. Theo các hình tượng vẽ về Rồng trên y phục của vua chúa ngày xưa, trong các đình chùa, cung điện …từ đó người ta mới nhận diện loài Rồng có nguồn gốc từ loài bò sát, cá sấu, thằn lằn và chim . Tóm lại, Rồng dù được hư cấu theo cách nào chăng nữa thì hình dạng của nó cũng chỉ là một con rắn khổng lồ, có đầu dài và nhọn như đầu sấu, mỏ giống mỏ chim, thân có vảy, trên lưng có kỳ và đặc biệt có nhiều chân với móng nhọn hoắt . Vì tính chất đặc biệt trên, nên Rồng được con người nhất là Á Ðông (Trung Hoa, Việt Nam, Ðại Hàn, Nhật ..) rất ngưỡng mộ, sùng kính và tôn thờ Rồng .

     Do quan niệm truyền thống trên, Rồng được nhắc nhở nhiều qua văn chương, điển tích và cuộc sống con người như đua thuyền Rồng, múa Rồng qua các lễ hội, throng các loại kiến trúc và các dạng hoa văn đánh dấu các giai đoạn lịch sử, các tri thức phong thủy qua hệ thống long mạch . Sau rốt là các địa danh dính dáng tới Rồng và sự truyền tụng về huyền thoại “ Con Rồng-Cháu Tiên” , gắn liền với huyền sử Âu Cơ-Lạc Long Quân, mang tính chất của dân tộc Việt Nam cũng như niềm tự hào chung của các dân tộc chuyên trồng lúa nước tại miền Ðông và Ðông Nam Á . Điều này cũng dễ hiểu vì Rồng là sản phẩm của tưởng tượng, đã xuất hiện đầu tiên tại vùng Đông Nam Á và khu vực phía Nam sông Trường Giang vốn là lãnh thổ của người Bách Việt, trước khi Hán tộc tới xâm chiếm. Khu vực này là giang sơn của hai loài Rắn và Cá Sấu, vốn là yếu tố tạo thành con vật trừu tượng và huyền thoại Rồng.

 

      RỒNG TRONG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

 

     Dù là con vật huyền thoại, cổ tích, nhưng rồng đả trở thành biểu tượng của sự Thiện Ác tùy theo quan niệm địa phương . Tại Châu Á, Rồng là con vât cao quý tột đỉnh, đứng đầu tứ linh và là biểu tượng uy quyền của Vua chúa cũng như các bậc anh hùng đương thời . Do trên Rồng đã đi vào văn học, tục ngữ, ca dao và nghệ thuật .

     Tuy là một con vật tưởng tượng nhưng nhìn vào nó qua các hư cấu, ai cũng nhận ra Rồng dù ở bất cứ một quốc gia nào, qua mỗi thời kỳ Rồng đều có những nét kết cấu đặc biệt.

 

     * Rồng Trong Văn Học

 

     Tuy chỉ là con vật tượng trưng, nhưng hình ảnh Rồng lại xuất hiện rất nhiều qua các tác phẩm văn học từ Ðông sang Tây vì Rồng có dính dáng tới vua chúa, quan quyền và thần linh.. Trong kho tàng Văn học Việt Nam, có 2 tác phẩm cổ là “ Việt Ðiện U Linh và Lĩnh Nam Chích Quái “ được coi như hai quyển huyền sử của Việt Nam, mô tả tính chất siêu việt của dòng giống Hồng Lạc, con Rồng Cháu Tiên mà đại diện là Vua Rồng Việt Nam (Lạc Long Quân) với phép thần thông quảng đại, đã giúp cho dân chúng Lạc Việt an cư, lạc nghiệp .

     Tại Việt Nam, Ngã tư của hai nền văn minh Trung- Ấn, cũng là nơi phát triển tột bực về việc trồng lúa nước, cho nên con Rồng Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh trên, vừa bắt nguồn từ nền văn minh bản địa với hai yếu tố đồng ruộng và biển cả.

     Ngoài ra còn có Rồng Chàm, được hư cấu từ một nhân vật trong thần thoại Bà La Môn Makara, được các nghệ nhân Chiêm Thành tạc trên đá . Rồng Chàm nhìn nghiêng có cái đầu giống đầu chó đứng nhe nanh, ưỡn ngực, đang sủa . Lại có tai, bờm và mắt cũng giống như Chó và Ngựa. Rồng Chàm dữ dằn, được dân chúng tôn thờ vì khiếp sợ .

     Ðối với người Việt Nam từ thuở bình minh dựng nước cho tới ngày nay, lúc nào chúng ta cũng tự hào là con Hồng cháu Lạc hay con Rồng cháu Tiên, nói lên cái nguồn gốc cao quý, sang trọng của một giống dân thuần nhất, có một nền văn minh rực rỡ trên cõi trời Nam . “Con Rồng cháu Tiên” bắt nguồn từ Tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ . Một người là Rồng ngự trị trên vùng sông nước, một kẻ là Tiên ngất ngưỡng nơi chốn núi rừng . Hai tổ gặp nhau và sinh được một bọc trứng, nở thành trăm con . Năm mươi theo Tổ Âu Cơ về núi, năm chục ở lại với Tổ Lạc Long nơi đồng bằng và hình thành nước Văn Lang (quốc hiệu đầu tiên của Việt Nam) cho tới ngày nay . Nhìn sang các nước lân cận, ta thấy Lào cũng có huyền thoại Rồng (Nak), Chàm (Naga), Thái Lan (Nak).

     Riêng với dân tộc Việt Nam, Rồng là vật tổ và giồng giống Hồng Lạc từ ngày lập quốc tới nay rất hãnh diện là con Rồng, cháu Tiên . qua bao nhiêu thế kỷ thăng trầm vẫn dương oai bền vững trong cõi Ðông Nam Á .

 

     *Rồng trong Thành Ngữ

 

     -Long Cổn : Áo bào của Vua có thêu Rồng, chỉ dùng khi vua thiết dại triều hay tham dự đại lễ (Hồng bào, Long cổn uy nghi rõ ràng) .

     -Long đình : Bàn sơn son thiếp vàng, làm giống như cái nhà, dùng để rước sắc chỉ nhà vua (Nha môn chực dưới, long đình đặt trên : Nhị Ðộ Mai) .

     -Long Hạm :Thuyền Rồng của nhà Vua (Trên Long hạm cờ bay phất phới)

     -Long Hưng : Chỉ sự hưng vượng, quật khởi của nhà Vua . Kinh dịch có câu : Phi long tại thiên, Ban Cố thì viết : Chân dĩ Long hưng, Tần dĩ Hổ thị, điều chung ý tả sự hưng thịnh của Vương triều . Trong Ðại Nam Quốc sử Diễn Ca cũng có câu : Long hưng còn đợi số trời có khi .

     -Long Nhan : Mặt của nhà Vua được ví như mặt Rồng . Sách sử ký có viết : Cao tổ vi nhân long chuẩn nhi long nhan . Theo đó về sau gọi mặt vua là Long nhan

     -Long Phi : Chỉ ông Vua đang trị vì .

     -Long Sàng : Giường chạm Rồng nơi Vua ngủ, theo ý nghĩa của câu : Ngự lê hưng khí phốc long sàng.

     -Long Xa : Xe của Vua đi, trích theo câu nói từ sách Hoa Ðiểu Tranh Năng : Bách thanh đâu đã đến gần long xa .

     -Long Thể : Mình Rồng để chỉ thân vua,(Vóc Rồng thì để hầu vua, vải thơ lụa xấu thì hừa cho dân .)

     -Long Bàn Hổ Cư : Chỉ chỗ đất hiểm yếu .

     -Long, Ly, Quy, Phượng : Rồng, Lân, Rùa, chim Phụng : bốn con vật cao quý, linh thiêng thuộc về thần thoại .

 

     *Rồng Trong Điển Tích

 

     Con rồng là một biểu tượng rất cao qúy, cho nên được người đời dùng để ví von:

 

     - “Cá gáy hoá rồng” là thành ngữ có nghĩa bóng: đỗ đạt thành công rực rỡ, chuyển tử cảnh tầm thường nghèo khó tới cảnh vinh hoa phú qúy.

     - Rồng Chầu Ngoài Huế: Từ chốn kinh kỳ có vua, có rồng. Vua thì ngự, rồng thì chầu, có nghĩa là tham dự đại triều, tiểu triều, một buổi họp long trọng của nhà vua. Chữ chầu do chữ triều mà ra.

     -Rồng Bay Phượng Múa : Chỉ hạng người phóng khoáng không gò bó trong cách viết chữ

     -Rồng đen lấy nước thì nắng, Rồng trắng lấy nước thì mưa : Chỉ kinh nghiệm của con người khi quan sát trời, biết được chuyện mưa nắng .

     -Rồng Ðến Nhà Tôm : Chỉ sự thăm viếng lâu ngày của một người bạn .

     -Rồng Mây Gặp Hội : Chỉ sự thành công, đỗ đạt .

     -Rồng Rồng Theo Nọc, Quạ Theo Gà Con : Ám chỉ kẻ tiểu nhân, rình rập hại người .

     -Long Câu : Ðể chỉ con ngựa mạnh khỏe như Rồng, có sức chạy xa muôn dặm. Tương truyền trong núi có một cái vực thẳm là nơi ẩn trú của loài Giao long. Ðến mùa xuân, dân chúng bắt một con ngựa cái còn trinh, cột tại đó . Một lúc sau trời bỗng nổi cơn gió mưa mù mịt, Giao long từ dưới vực bay lên phủ con ngựa cái. Ngựa mang thai và đẻ ra Long Câu .

     -Long Tuyền : Một thanh gươm quý có sức chém sắt như chém bùn, sắc sảo và mạnh mẽ như vuốt rồng, tìm thấy tại huyện Phong Thành, cùng lúc với thanh kiếm Thái A .

 

     * Rồng Trong Ca Dao Tục Ngữ

 

“Rồng chầu ngoài Huế

Ngựa Tế Ðồng Nai

Sông trong chảy lộn sông ngoài

Thương người xa xứ lạc loài tới đây

Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ bén trẻ xanh cây thì về!”

 

“ Rồng vàng tắm nước ao tù

Người khôn ở với người ngu bực mình”

 

     Rồng là linh vật được nhiều nước trên thế giới sùng bái. Ðối với dân tộc Việt Nam, rồng là vật tổ. Người ta tôn rồng là vật linh thiêng, thần kỳ mà nghiêm trang, là chỗ dựa để người đời cầu khẩn, xin phước, bảo đảm mùa màng. Vì vậy throng đêm trung thu, múa rồng được xem như là một nghi thức tơn giáo, một điệu múa dân gian, lưu hành khắp xứ và tồn tại tới ngày nay. Vì mang tính chất truyền thống, nên các tiết mục về múa rồng cũng rất phong phú và đa dạng .

 

     Tóm lại, trong 12 con giáp, Rồng là con vật linh thiêng nhất, dù thật tế không bao giờ có mặt ở trần gian . Với người Việt Nam, Rồng là biểu tượng cao quý, làm hãnh diện cho dân tộc từ ngày khai quốc cho tới hôm nay . Có thể nói được rằng, tất cả những gì đẹp nhất đều có sự gắn bó với Rồng từ lễ hội đua thuyền, múa rồng, rước đèn cho tới các kiến trúc, hội họa, phong thủy, thời tiết …tất cả đều gắn liền với đời sống thực tiễn của con người .

 

     Trước thềm năm mới, người viết kính chúc bạn đọc và gia đình được nhiều sức khỏe và hạnh phúc để nhìn về tương lại một nước Việt Nam có được những vận hội mới, chuyển qua một ngả rẽ tươi sáng hơn với hy vọng rồng sẽ được gặp mây, như cá sẽ được gặp nước, ngõ hầu chuyển hóa thành giông bão cuốn phăng đi những bóng ma cản bước tiến của dân tộc. Mong lắm thay !

 

Uyên Nguyên

2011

 

Tài Liệu Tham Khảo

 

- Rồng Trong Văn Chương và Ðời Sống Con Người – Mường Giang 2011

- Rồng : Con vật cổ tích và linh thiêng- Mường Giang 2011