Truyền Giáo Và Giáo-Dục Tinh-Hoa

 

Trước đây, tại trường trung học, trong các lớp sử về thế kỷ 17-18-19, học sinh thường được dạy rằng các giáo sĩ tây phương Bồ Đào Nha, Pháp, Ý và các triều đình Việt Nam (Đại Nam thời bấy giờ), Trung Hoa (nhà Minh, nhà Thanh), hay Nhật là những phe thù nghịch nhau, một bên  là những người da trắng được các người bản địa "yêu nước" xem như là những người dẫn đường cho quân "xâm lược"; một bên  là những triều đình, vua chúa Tàu, Việt Nam, Nhật  bị chính quyền tây phương xem như những bạo chúa  kiểu Nero giết đạo của La Mã thời cổ đại độc tài và khát máu.

Mặc dù vậy vẫn có những điểm sáng trong bối cảnh đó. Chúng ta có thể tìm thấy những hoạt động ngoại giao văn hoá rất quan trọng cho tương lai của Châu Á, trong đó các giáo sĩ tìm cách tác dụng vào xã hội đông phương từ trên xuống, từ cấp hoàng đế, vua chúa, triều đình và từng lớp lãnh đạo, thay vì vận động quần chúng, trong dân gian, hay những người nghèo khó.

Trước khi giáo hội bản địa được tổ chức có quy cũ, những người tiên phong trong cuộc vận động ngoại giao bằng văn hoá, khoa học kỹ thuật này là các linh mục Dòng Tên. (1)

Các giáo sĩ Dòng Tên đã ảnh hưởng trực tiếp trên giới trí thức và quyền lực Trung Hoa tại Bắc Kinh vào thế kỷ thứ 16, 17,18. Họ đem kiến thức về khoa học kỹ thuật tây phương (thiên văn, lịch, toán học, địa lý, thuỷ lực) vào Trung Hoa, và đồng thời phổ biến các kiến thức về văn hoá , triết học đông phương (Khổng tử, tứ thư ngũ kinh, đạo giáo, quan niệm âm dương) tại  Âu Châu.

      20chvhng1<<<<Fig. 1 Giáo sĩ Matteo Ricci (1552-1610)

 

Nổi bật nhất là  Matteo Ricci (1552-1610) (fig.1), người Ý,  đến Macau năm 1582, là người phương Tây đầu tiên được mời vào Tử Cấm Thành (Bắc Kinh) của Trung Quốc và được quyền ra vào tự do . Tuy không được gặp mặt Minh Thần Tông (2),  Ricci được trao chức vụ tổng giám mục về Thiên chúa Giáo tại Trung Quốc, nhờ đó có cơ hội được gặp nhiều quan chức cũng như các nhân vật hàng đầu về văn hóa tại Bắc Kinh thời đó.

Năm 1602, theo lệnh của Hoàng đế, Ricci và viên quan Trương Văn Đảo, dịch giả Lý Chi Tảo, xuất bản “Khôn dư vạn quốc toàn đồ” (Kunyu Wanguo Quantu, 坤輿萬國全圖 )(1602) là bản đồ thế giới chữ Hán kiểu phương Tây sớm nhất được biết tới, được in ra tại Trung Quốc (fig 2).

 

20chvhng2 

Fig. 2 Khôn dư vạn quốc toàn đồ (Kunyu Wanguo Quantu, 坤輿萬國全圖 )(1602)

 

Một nhà truyền giáo Dòng Tên khác, Ferdinand Verbiest (1623 - 1688) (fig 3), gốc Hoà Lan, ở Trung Hoa nhà Thanh, còn có tên Tàu là Nan Huairen (南懷仁 /Nam Hoài Nhân), là một nhà toán học và thiên văn học tài ba và đã chứng minh cho triều đình của Khang Hy (1654-1722, hoàng đế thứ tư của nhà Thanh) thấy rằng thiên văn học châu Âu chính xác hơn thiên văn học Trung Hoa.

Năm 1664, nhà thiên văn học Trung Hoa Yang Guangxian (楊光先, Dương Quang Tiên; 1597-1669) thách thức giáo sĩ Schall von Bell tham gia một cuộc thi thiên văn học công cộng. Yang thắng và thay thế Schall von Bell làm Trưởng phòng Toán học. Bị thua cuộc, Schall von Bell và các tu sĩ Dòng Tên khác bị xiềng xích và nhốt vào một nhà tù bẩn thỉu, bị buộc tội dạy một tà đạo, bị trói vào chốt gỗ làm cho họ không thể đứng không được mà ngồi xuống cũng không được và ở trong tư thế đó trong gần hai tháng cho đến khi bị tuyên án xử giảo (tử hình bằng thắt cổ). Một tòa án tối cao thấy bản án quá nhẹ và ra lệnh cắt thịt từng miếng nhỏ cho đến khi chết (lăng trì hay còn gọi là tùng xẻo)).

May mắn thay, vào ngày 16 tháng 4 năm 1665, một trận động đất dữ dội đã phá hủy một phần của nhà tù được chọn để xử tử. Một thiên thạch xuất hiện trên bầu trời và một đám cháy phá hủy một phần của cung điện hoàng gia nơi bản án được tuyên bố. Đây được coi là điềm báo và tất cả các tù nhân được phóng thích. Tuy nhiên, họ vẫn phải ra tòa, và tất cả các tu sĩ Dòng Tên trừ Verbiest, Schall von Bell và hai người khác bị đày đến Canton. Schall von Bell chết gần một năm sau đó, do các điều kiện khổ cực lúc giam cầm.

Năm 1669, Khang Hy khôi phục được quyền hành từ các quan nhiếp chính tham nhũng. Hoàng đế được thông báo niên lịch cho năm 1670 do Guangxian thiết lập có những lỗi quan trọng và ra lệnh tổ chức một cuộc thi công khai để so sánh giá trị của thiên văn học châu Âu và Trung Quốc. Đề tài kiểm tra là dự đoán ba điều: chiều dài cái bóng của phần nhô lên trên mặt đồng hồ mặt trời (gnomon) có chiều cao nhất định vào buổi trưa của một ngày nhất định; vị trí tuyệt đối và tương đối của Mặt trời và các hành tinh vào một ngày nhất định; và thời gian chính xác của nguyệt thực dự đoán. Lệnh rằng Yang và Verbiest phải sử dụng các kỹ năng toán học của mỗi người để tìm ra câu trả lời và rằng "Thượng đế sẽ phán xét". Cuộc thi được tổ chức tại Cục Thiên văn học với sự có mặt của các bộ trưởng và quan chức từ đài thiên văn. Khác với Yang, Verbiest được truy cập vào các bản cập nhật mới nhất trên Bảng Rudolphine (3) về các  vì sao và hành tinh và được kính viễn vọng hỗ trợ để quan sát. Ông thành công trong cả ba bài kiểm tra, và ngay lập tức được phong làm Trưởng ban Toán học và Giám đốc Đài quan sát. Nhờ đó, các giáo sĩ Dòng Tên bị đày được cho phép trở về nhiệm sở của họ. Trong khi đó, nay đến lượt Yang, nhà thiên văn Trung Hoa bị kết án tử hình, nhưng được giảm án, bị đi đày và sau đó chết trên đường về quê nhà.

Sau đó,  Verbiest đã sửa lịch Trung Quốc, xây dựng lại và trang bị lại Đài thiên văn cổ Bắc Kinh, và được uỷ nhiệm làm Trưởng ban Toán học và Giám đốc Đài quan sát thiên văn.

      20chvhng3    <<<<Fig. 3 Linh mục Ferdinand Verbiest 

Verbiest trở thành bạn thân với Khang Hy, và vị hoàng đế trẻ, kém hơn nhà tu sĩ 31 tuổi, thường được ông giảng dạy về hình học, triết học và âm nhạc. Verbiest  vẽ bản đồ và dịch sách; ông thông thạo nhiều thứ tiếng và viết hơn ba mươi cuốn sách. Trong những năm 1670, Verbiest đã thiết kế  một chiếc xe, tuy chỉ dài 63cm và không chở người được, di chuyển được nhờ sức hơi nước từ lò đốt bằng than vận chuyển một tuyệt-bin; nhiều người cho rằng đây là chiếc “ô tô” đầu tiên của thế giới (theo nghĩa automobile, với auto=tự mình nó, mobile =di chuyển) (fig 4).

 

      20chvhng4<<<Fig. 4 Nhiều người cho rằng đây là chiếc “ô tô” đầu tiên của thế giới 

Quan hệ giữa triều đình nhà Thanh và các nhà truyền giáo tốt đẹp cho đến năm 1705, khi Giáo Hoàng Clement XI do ảnh hưởng của các nhà tu dòng Đa Minh (Dominican) không chấp nhận cho người công giáo Tàu thực hành lễ nghi thờ Khổng tử, thờ cúng ông bà theo truyền thống. Giáo hoàng gởi đại diện của mình để giám sát các giáo sĩ dòng Tên thay vì để họ hoạt động trực tiếp dưới quyền của hoàng đế, bị Khang Hy từ chối, và đến năm 1715 chính thức cấm các nhà truyền giáo hoạt động tại Trung Hoa.

Trên một trăm năm sau, các vua nhà Nguyễn cũng theo gót nhà Thanh ở Trung Hoa áp dụng chính sách cấm cửa các nhà truyền giáo. Mặc dù trước đó vua Gia Long từng hợp tác thân thiện với Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, 1741-1799) và người Pháp trong cuộc chiến chống Tây Sơn, thời Minh Mạng có khuynh hướng bảo thủ hơn và  bắt đầu xem các giáo sĩ và người Pháp như là một mối đe dọa đối với chủ quyền và trật tự xã hội Khổng giáo, và có lẽ triều đình Việt Nam quan sát và rút kinh nghiệm từ tình hình Trung Hoa lúc đó. Trung Hoa  bị Tây Phương làm nhục với hai cuộc chiến tranh nha phiến. Lần thứ nhất ( 4/9/ 1839 – 29 /8/ 1842), chính quyền Trung Hoa triệt phá các đường dây buôn bán thuốc phiện và đe dọa tuyên án tử hình những kẻ phạm tội. Người Anh chống lại các biện pháp này,  đánh bại quân đội nhà Thanh, và áp đặt các yêu sách để trao cho các cường quốc phương Tây những đặc quyền giao thương với Trung  Hoa.

Sau khi Trung Quốc bị Anh tấn công trong cuộc chiến tranh nha phiến, Minh Mạng đã cố gắng xây dựng một liên minh với các cường quốc châu Âu bằng cách phái một phái đoàn gồm hai quan lại cấp thấp và hai phiên dịch viên vào năm 1840. Họ được Thủ tướng Marshal Soult và Bộ trưởng Thương mại tiếp đón tại Paris, nhưng họ bị vua Louis-Philippe tránh sau khi Hội Thừa sai Paris  và Tòa thánh kêu gọi khiển trách một "kẻ thù của tôn giáo". Đoàn sứ bộ tiếp tục đến London, nhưng không thành công. Khi về đến Huế thì Minh Mạng đã qua đời.

Một năm sau khi Thiệu Trị lên ngôi ở Việt Nam , theo Điều ước Nam Kinh (1842),  mà người Trung Hoa gọi là “hiệp ước bất bình đẳng” vì  bị ép buộc phải chịu thiệt thòi, phải cấp một khoản bồi thường và đặc quyền ngoại giao cho người  Anh,  mở 5 cảng hiệp ước (treaty port), và nhượng đảo Hồng Kông. Sự thất bại của các điều ước trong việc đáp ứng các mục tiêu của Anh là cải thiện thương mại và quan hệ ngoại giao đã dẫn đến chiến tranh nha phiến lần thứ hai (1856-1860).

Pháp mở đầu xâm chiếm Việt Nam năm 1858, và chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862; một số người Việt, dù không muốn theo Pháp, vẫn muốn theo gương Nhật mở cửa để tiếp nhận và học hỏi khoa học kỹ thuật Tây phương.

Theo từ điển  bách khoa Encyclopedia Britannica,  "Tự Đức, ...hoàng đế Việt Nam theo chính sách bảo thủ và cô lập và đàn áp các nhà truyền giáo Kitô giáo đã báo trước việc Pháp chinh phục Việt Nam." Trong đa số sử sách, bảo thủ và chủ trương cô lập và đàn áp Kitô giáo là những điểm chính của di sản của vị vua trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn, tương phản với thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật đã làm cho Nhật trở thành một cường quốc ở mức toàn cầu. Tuy nhiên vua Tự Đức thật ra đã có những cố gắng tìm cách học hỏi phương tây nhưng thất bại.file:///C:/Users/NGUYE/AppData/Local/Temp/msohtmlclip1/01/clip_image010.jpg" width="202" height="272" />

      20chvhng5<<<Fig. 5 Vua Tự Đức

Vua Tự Đức (fig 5), vào năm 1866, đã kêu gọi Giám Mục Sohier (4), đại diện tòa thánh ở Giáo phận Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế). , để giúp  tuyển dụng giáo viên cho một trường đại học ở Huế. Trường sẽ dạy các kỹ thuật phương Tây cho các thành viên trẻ của hoàng gia để sau này người Việt có thể chiến đấu với Pháp bằng những võ khí tương đương. Đầu tiên, Giám Mục Sohier kêu gọi các nhà truyền giáo từ giáo khu đại diện của mình, sau đó yêu cầu sự giúp đỡ của giám đốc Cơ quan Truyền giáo Hải Ngoại tại Paris để tuyển dụng giáo viên ở Pháp và mua thiết bị khoa học. Các nhà truyền giáo thấy đây là một cơ hội tốt để lập lại các cố gắng ngoại giao bằng văn hoá của Matteo Ricci ở Trung Hoa và truyền  đạo từ trong triều đình trở xuống giới trí thức, nho sĩ và cuối cùng sẽ Kitô hóa con cái của giới thượng lưu quan lại. Hoạt động tại Việt Nam thất bại do sự phản đối của một phần trong triều đình và ngay những khó khăn kỹ thuật, các đòn tay gỗ của trường đại học tương lai không chịu đựng nổi cuộc tấn công của mối mọt. Mãi đến năm 1882, lại có một  thử nghiệm mới  với việc thành lập một trường thông ngôn tại Huế, các giáo viên một lần nữa được chọn trong số những người truyền giáo.(5)(Burel, reference 5).

 

      20chvhng6

Fig. 6 Đại Học Huế

Mãi đến gần 100 năm sau, Đại Học Huế (fig 6) mới được hình thành. Lần này cũng do bàn tay của một linh mục công giáo nhận lời thách thức của Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhưng không phải là một hành động ngoại giao tôn giáo của những người muốn truyền đạo qua ngã giáo dục. Theo hồi ký Bên giòng lịch sử (1940-1965), Tết 1957 Tổng thống Diệm nói với  linh mục Cao Văn Luận (fig 7):

– “Này cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một viện Đại học lớn, vì hai lý do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như trường Quốc Tử Giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên Đại học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diện chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện Đại học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 100 cây số, lập ở đây một Đại học lớn chẳng khác nào thách đố với bọn cộng sản. Nếu bây giờ tôi quyết định lập Đại học Huế, cha có bằng lòng giúp tôi không?”

Và sau đó, mặc dù gặp nhiều sự chống đối từ các vị khoa bảng của Đại Học Sài Gòn, nhờ sự tin tưởng của TT Diệm vào khả năng của vị linh mục, đại học Huế  (fig 7) được xây dựng từ số không và nhiều nhân viên trong ban giảng huấn lúc ban đầu là các giáo sư của Trường trung học công giáo  ở Huế, trường Thiên-Hữu (Institut de la Providence).

 

      20chvhng7   

      Fig. 7 Linh mục Cao Văn Luận, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm ngồi đằng sau (áo trắng) 

Đại học Huế hiện nay trở thành một trong những đại học quan trọng nhất của Việt nam, đang tái cấu trúc và hoàn chỉnh đề án chuyển thành Đại học Quốc gia Huế “theo hướng tự chủ” (một từ ngữ lỏng lẻo, có nghĩa trường được hưởng một số cơ chế đặc thù phù hợp cho một số  trường quan trọng; không phải tự trị đại học). Tuy nhiên, khác với những trường hợp các giáo sĩ trước đây dùng ngoại giao giáo dục đối với giai tầng lãnh đạo địa phương để tạo môi trường thích hợp cho việc truyền giáo, linh mục Cao Văn Luận muốn giữ sự độc lập của đại học đối với chính quyền và  tháng 8 năm 1963, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm cách chức viện trưởng vì cho rằng ông không có biện pháp cứng rắn đối phó với sinh viên Phật giáo đấu tranh chống chính quyền. Sinh viên và ban giảng huấn của Đại học Huế do TT Diệm đề xướng đã góp phần vào việc lật đổ chế độ của ông lập ra (6), cũng giống như các tư tưởng tiến bộ của phương Tây do các  giáo sĩ mang đến đã góp phần làm sụp đổ nhà Thanh trong cách mạng Tân Hợi năm 1911. Sau Cuộc đảo chính 1 tháng 11, 1963, Linh mục  Cao Văn Luận quay lại làm viện trưởng Đại học Huế trong một thời gian ngắn từ 11/1963- 9/1964, sau đó ông giảng dạy tại Đại học Văn khoa Sài Gòn cho đến năm 1975. Ông mất ngày 20 tháng 7 năm 1986 tại Hoa Kỳ.

Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, tại miền nam có viện Đại học Đà lạt do Tổng giám mục Ngô đình Thục yêu cầu  thiết lập (1957) và Đại học Minh Đức ở Sài Gòn do linh mục Bửu Dưỡng khởi xướng (1970). (7)

Ở Trung Quốc (không kể Hongkong và Đài Loan) cũng như Việt Nam, hiện nay không có trường đại học công giáo nào mặc dù có những chương trình cọng tác với các đại học công giáo như Notre Dame , Georgetown (Mỹ).

Chú thích:

(1)Dòng Tên (còn gọi là Dòng Chúa Giêsu, tiếng Latinh: Societas Iesu, viết tắt: SJ) là một dòng tu của Giáo hội Công giáo có trụ sở tại Roma. Dòng do Inhaxiô nhà Loyola (Ignatius of Loyola), người Basque, Tây Ban Nha, cùng một số bạn hữu sáng lập và được Giáo hoàng Phaolô III phê chuẩn năm 1540.

Dòng Tên hoạt động tông đồ và truyền giảng Phúc Âm trên khắp thế giới, nổi bật với công việc giáo dục, nghiên cứu, và văn hóa, hoạt động trên 100 quốc gia với 19.200 tu sĩ (năm 2007).

Từ khoảng thế kỷ 19, người Việt Công giáo quen gọi là Dòng Tên, có lẽ theo tập tục kỵ húy nên tránh dùng thẳng tên của Chúa Giêsu (theo Wikipedia)

(2)Minh Thần Tông ( 明神宗, 1563 – 1620, hay Vạn Lịch Đế (萬曆帝), hoàng đế thứ 14 của nhà Minh)

(3) Bảng Rudolf (tiếng Latinh: Tabulae Rudolphinae) là một nhóm các bảng bao gồm danh mục sao và danh mục hành tinh. được xuất bản bởi Johannes Kepler vào năm 1627. Nó sử dụng các dữ liệu quan sát của nhà thiên văn người Đan Mạch Tycho Brahe. Những bảng này được đặt tên Rudolf để vinh danh Rudolf II của Đế quốc La Mã Thần thánh.

(4)Ngày 28-8-1850, Đức Piô IX ban hành Sắc chỉ Postulat Apostolici, Đức Hồng Y A. Picchiani thừa lệnh ký tên, chấp thuận thành lập giáo phận mới có danh xưng là Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế). Diện tích khoảng 12.227 km2: ranh giới phía Ðông là biển Ðông. Phía Tây là biên giới Việt-Lào. Phía Bắc là dòng sông Gianh – Nguồn Son, có huyện địa đầu Bố Trạch. Phía Nam từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan của đèo Hải Vân trở ra, thuộc huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên. Nhân sự gồm có 2 thừa sai Pháp Jean Paul Galy và Joseph Sohier, 12 linh mục người Việt, 2 chủng viện Di Loan và Kẻ Sen, 6 tu viện Mến Thánh Giá Nhu Lý, Di Loan, Dương Sơn, Phủ Cam, Kẻ Bàng, Mỹ Hương, 24.000 giáo dân. Tháng 12-1856, Đức Cha Pellerin rời Huế vào Đà Nẵng, và lên tàu La Capricieuse của Hải quân Pháp đi Hương Cảng, rồi đi Pháp. Tháng 11-1860 Đức Cha đi Penang. Công việc điều hành giáo phận, Đức Cha giao phó trong tay Đức Cha phó Sohier (tấn phong giám mục 17-8-1851 tại Di Loan).

5)Hình như trường thông ngôn này ở Thương Bạc, là nơi tiếp xúc với các phái đoàn nước ngoài qua các thông dịch viên. Theo một tiểu sử của Linh mục Nguyễn Hoằng của Nguyễn Đức Cung, người từng tham gia phái bộ Phan Thanh Giản đi Pháp năm 1863.  Nguyễn Hoằng (1831-1909) được giao là hiệu trưởng trường thông ngôn Huế.

Theo đó thì vua Tự Đức gởi một phái đoàn (10/1/1867-9/2/1868) do linh mục Gauthier hướng dẫn cùng Nguyễn Trường Tộ đi qua Pháp để "lo giúp thực hiện nhiều công tác do triều đình nhờ cậy đó là thuê mướn thầy thợ, mua sắm máy móc thiết bị, sách vở v.v…"

“Ngày 10-1-1867, Nguyễn Hoằng đã tháp tùng phái đoàn của Giám mục Gauthier, Nguyễn Trường Tộ, linh mục Nguyễn Điều, Joannes Vị cùng hai vị quan của triều đình là Nguyễn Tăng Doãn và Trần Hiếu Đạo xuống tàu L’Orne đi Pháp. Mục đích của chuyến đi này có lẽ là lo giúp thực hiện nhiều công tác do triều đình nhờ cậy đó là thuê mướn thầy thợ, mua sắm máy móc thiết bị, sách vở v.v…

Ngày 29-2-1868, phái bộ Giám mục Gauthier về đến Huế.

Một trong những chương trình canh tân mà phái bộ Gauthier chú trọng nhất đó là mở một trường đại học theo kiểu Âu Châu ở kinh đô. Giám mục Gauthier đã mời được hai linh mục, một giáo sĩ và một người thợ máy đều là người Pháp, đó là linh mục Thông (tức Montrouzies, linh mục Đồng (tức Renauld), giáo sĩ  (tức bác sĩ) Hernaiz. Lúc bấy giờ nhân sĩ Công giáo cũng gọi là giáo sĩ như trường hợp Nguyễn Trường Tộ cũng có khi được gọi là giáo sĩ. Người thợ máy tên Ca xanh. Giám mục Gauthier đề nghị xây dựng trường trên một khu đất rộng khoảng hai mẫu ở xã Vạn Xuân và vua Tự Đức đã chấp thuận. Tuy nhiên dự án không thực hiện được vì có sự chống đối rất quyết liệt của Nguyễn Tri Phương và Võ Trọng Bình. Người ta lo ngại ảnh hưởng của các giáo sĩ người Pháp sẽ lên cao ngay tại kinh đô. Khắp trong nước bầu khí giữa giáo dân và lương dân vẫn còn căng thẳng. «Sáng kiến này, theo Trương Bá Cần, là ý nghĩa thoáng qua đầu tiên và cũng là cuối cùng của vua Tự Đức. Cũng cần nhấn mạnh là  sáng kiến đó thất bại ngay chính vào lúc triều đại của Minh Trị Thiên Hoàng khởi đầu ở Nhật Bản.»

“Vào tháng giêng năm Tự Đức thứ 24 (1871), linh mục Nguyễn Hoằng «vào kinh, đến tháng tư năm Tự Đức thứ 25 là năm 1872, Bộ sai vào Sài Gòn mua sách Tây cho học trò, tháng sáu về Kinh, tháng giêng năm sau là năm 1873, tôi xin về nhà nuôi mẹ thì Vua chỉ cho về một tháng mà thăm và ngài ban cho mẹ tôi 100 quan tiền nữa, tháng hai vào Kinh, sang tháng tư Bộ lại sai đi Hongkong, Quảng-Châu và Macao, đến tháng 5  năm ấy, Bộ tư sang đòi về Sài-Gòn mà đi bên Tây với Quan Sứ, về Sài-Gòn mà chưa đi bên Tây, đến tháng 11 Bắc-Kỳ mất bốn tỉnh tôi lại phải về Kinh mà ra Bắc-Kỳ, (Ninh-Bình, Nam-Định, Hà-Nội và Hải Dương, tháng giêng năm sau là Tự-Đức 26 (năm 1874) lại về Kinh. Khi ấy vua ban cho Kim-Khánh bốn chữ «Khâm-Tứ-Tín-Cần» và hai nén bạc, rồi vào Sài-Gòn với Quan Sứ.»

...Trong thời gian tiến hành đàm phán hòa ước Giáp Tuất (1874), linh mục Nguyễn Hoằng vẫn đóng vai trò thông ngôn chính của Triều đình, được nhà vua ban chức Quản Hành-Nhân, được mang thẻ ngà để vào ra cung điện dễ dàng làm việc. Quản Hành-Nhân có lẽ là chức hiệu trưởng trường thông ngôn ở Huế.

http://www.daiviet.org/Pages/TCCM/CM44_Unicode/LinhMucNguyenHoang.htm

6) Ngày 2 tháng 6 năm 1963, tại Huế, 500 sinh viên biểu tình chống Chính quyền kỳ thị Phật giáo. Sau đó cuộc biểu tình, biến thành bạo động, cảnh sát dùng chó, lựu đạn cay tấn công đoàn biểu tình, 67 sinh viên bị thương phải vào bệnh viện. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm thành phố Huế.(Wikipedia)

Bác sĩ Lê Khắc Quyến đóng vai trò then chốt trong việc sáng lập trường Y khoa Huế và là khoa trưởng thứ nhì, sau GS Lê Tấn Vĩnh từ Paris về làm việc bán thời gian rồi nghỉ và trở về Pháp.

Theo Bác sĩ Lê Bá Vận, cựu khoa trưởng trường y khoa Huế:

Kể từ khi Bác sĩ Lê khắc Quyến (1915?-1978) được bổ nhiệm Q. Khoa Trưởng ĐHYK Huế vào đầu năm 1963,  các biến động Miền Trung đã manh nha rồi bộc phát mạnh, nhất là tại Huế, nơi có Viện Đại học, nhiều thầy, nhiều sinh viên. Sự điều hành Trường YK cũng như giảng dạy vẫn tốt, nhưng BS Quyến bị thiên hạ lôi cuốn vào làm chính trị, có tình nghi Phong trào Mặt trận Hòa Bình, có giam giữ, có Hội đồng nhân sĩ, hội đồng nhân dân cứu quốc, khối ‘Lập Trường’  v.v… gì đó, kẻ khen người chê, có khi nặng lời, làm chính trị là vậy, và cũng thật khó nhận định đúng, đánh giá tốt sự việc như hỏa mù ngay đang trong thời điểm ấy 1963-66. (Các Khoa Trưởng ĐHYK Huế, http://www.ykhoahuehaingoai.com/ky/k_CacKhoaTruongDHYKHue_LeBaVan.html)

Linh Mục Cao Văn Luận, viện trưởng Đại học Huế thời đó, viết như sau về Bác sĩ Quyến sau ngày TT Diệm bị ám sát (2/11/1963):

“Thoạt đầu nhóm hoạt động chính trị mang tên là Phong trào nhân dân cứu quốc quy tụ một số giáo sư như Lê Tuyên, Mai Văn Lễ, Cao Huy Thuần, Tôn Thất Hanh và do bác sĩ Lê Khắc Quyến, Khoa trưởng y khoa làm chủ tịch, nhưng sau đó phong trào lan rộng trong hàng ngũ sinh viên Huế, thực sự biến Đại học Huế làm môi trường hoạt động chính trị, trái hẳn với những nguyện ước của tôi.”

https://www.vinadia.org/ben-giong-lich-su-cao-van-luan/ben-giong-lich-su-44/

7)Đại học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, ban đầu được thành lập năm 1957  bởi Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam làm trung tâm giáo dục sau khi được Đức Tổng Giám mục Pierre Martin Ngô Đình Thục hỗ trợ và yêu cầu. Từ Trường Thiếu Sinh Quân Hỗn hợp Âu Á (École d’Enfants de Troupe de DaLat – thành lập năm 1939), Viện Đại học Đà Lạt ra đời năm 1957 và bắt đầu hoạt động từ năm 1958. Với mục tiêu "trồng người", viện đại học mang tên Thụ Nhân dần dà hình thành nên năm phân khoa: Sư phạm, Văn khoa, Khoa học, Chính trị Kinh doanh, và Thần học. Viện Đại học Đà Lạt được biết đến với các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn như Ngữ văn, Lịch sử, Triết học, Ngoại ngữ, và Trường Chính trị Kinh doanh (với hai phân khoa: Chính trị Xã hội và Quản trị Kinh doanh)(theo Wikipedia)

Viện Đại Học Đà Lạt chính thức hoạt động như một VĐH tư thục từ năm 1958 , dù đã được cấp giấy phép từ 1957 ( do Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đứng đơn xin ) sau khi các sinh viên ban Triết 1 của Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn được chuyển lên VĐHĐL tiếp tục học trình .

( Khởi đầu , năm 1957 , VĐHĐL chỉ có 49 sinh viên theo học lớp Dự bị Đại Học , theo cách thức của Viện Đại Học Louvain - Belgique ) (Theo Hội Cựu Sinh Viên Viện Đại Học Đà lạt Việt Nam Tự Do ).

Viện Đại học Minh Đức do Giáo sư Triết học của Viện Đại học Sài Gòn, linh mục Dòng Đa Minh Thiên Phong Bửu Dưỡng và Hội Minh Trí  xây dựng từ tháng 9 năm 1970 với năm phân khoa: Kỹ thuật canh nông, Khoa học thực dụng, Kinh tế thương mại, Triết học, và Y khoa. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên của Việt Nam có hai phân khoa Y và Kỹ thuật, trong đó chương trình học của phân khoa Y được kết hợp cả Đông y. Tháng 12/1972  chính thức nhận được giấy phép hoạt động dưới tên Viện Đại học Minh Đức, là viện đại học tư thục,  do Giáo hội Công giáo điều hành. Trường bị giải thể sau 30/4/1975

Hien nay  Học viện Công giáo Việt Nam có nhiệm vụ đào tạo trình độ trí thức cấp cao cho linh mục, tu sĩ và giáo dân về thần học và các ngành liên quan đến đời sống và sinh hoạt của giáo hội(Theo Wikipedia).

Hồ Văn Hiền

      Ngày 28  tháng 7 năm 2020

Tham khảo

1)https://en.wikipedia.org/wiki/Ferdinand_Verbiest#Verbiest's_'car'

2)Lịch sử khai sinh Giáo phận Huế

https://www.tonggiaophanhue.net/tgp-hue/gioi-thieu/lich-su-khai-sinh-giao-phan-hue/

 https://en.wikipedia.org/wiki/Minh_M%E1%BA%A1ng

3)https://www.archives-lasalliennes.org/docsm/2016/1606_vietnam.php

4)Linh mục Cao Văn Luận Bên giòng lịch sử (1940-1965)

Ông Diệm và văn hóa giáo dục

https://www.vinadia.org/ben-giong-lich-su-cao-van-luan/ben-giong-lich-su-37/

5) L'action missionnaire française en Centre et Nord Vietnam (1856-1883) [article]

Laurent Burel.

Revue d'histoire française d’histoire d’Outre-Mers.  Année 1995  309  pp. 489-503)

6)https://global.georgetown.edu/regions/asia-pacific/china