"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

  

Nguyễn Nghi (phần 1)

Tác giả truyện thơ QUÂN TRUNG ĐỐI

Ngôi sao và kiệt tác văn học họ Nguyễn Tiên Điền bị lãng quên

 

Trong gia đình Nguyễn Du ngoài Truyện Kiều tức Đoạn Trường Tân Thanh còn có một truyện thơ thứ hai là Quân Trung Đối của Nguyễn Nghi hiệu là Chu Kiều, Hồng Vũ, Lạc Am, sáng tác khoảng trước năm 1834. Giá trị truyện thơ được đánh giá xấp xỉ với Nhị Độ Mai, ngang hàng với Phan Trần, Lục Vân Tiên, Trinh Thử, Trê Cóc, Sãi vãi, Bích Câu Kỳ Ngộ... Nguyễn Nghi nào phải vô danh, một thầy thuốc có tiếng, con Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm và bà Nguyễn thị Xuân, vợ thứ năm quê làng Hoàng Mai, Yên Dũng, Kinh Bắc, tức em cùng cha khác mẹ với Đại thi hào Nguyễn Du, có con là Nguyễn Toản đỗ Tiến Sĩ khoa Nhâm Thìn (1832)(Tam Giáp Đồng Tiến sĩ thứ năm) đời vua Minh Mạng, học trò Phạm Đình Hổ, làm quan đến chức Viên ngoại Lang. Người duy nhất đỗ Tiến sĩ trong cùng thế hệ. Thế mà truyện Quân Trung Đối trở thành truyện khuyết danh, Nguyễn Nghi bị quên lãng . Bài tựa của Thánh Bối Cúc Khê Phu và Lời bình dẫn truyện Quân Trung Đối của Nguyên Lập Đạm Trai ( Nhữ Bá Sỹ) đã xác định tác giả Nguyễn Chu Kiều, em Nguyễn Du.

          Quân Trung Đối có ba bản in chữ Nôm bản do Lễ Môn Đường ở Hà Nội in năm Tự Đức Kỷ Mão (1879) bản in này chưa tìm thấy, bản do hiệu Quảng Thành ở Nam Định in năm 1910 và bản do hiệu Xuân Lan ở Hải Phòng in năm 1911. Các bản này đều ghi đề sách Trung Quân Đối diễn ca và không ghi tên tác giả.

Bản A do Đỗ Hạ Xuyên in năm 1910 tại tỉnh Nam Định phố Bắc Ninh, hiệu Quảng Thành số nhà 20. Nhưng mặt bìa lại đề Trung Quân Đối diễn ca. Sách gồm 110 trang giấy Tây, bìa không kể, trang nào cũng nửa trên chữ Nôm, ngoài bìa có vẽ hình hai tướng, một trai một gái, đối nhai trước cửa thành, đề trên hai chữ Lạc Thọ. Bản này được lưu giữ trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội (Nay là Viện Hán Nôm) số Q. 8°121 khổ in 11 x 15,5 cm.

Bản B : in năm 1911 trên giấy Tây, nhà in Văn Minh tại Hải Phòng, ngoài bìa đề Trung Quân Đối Ca, của do Xuân Lan xuất bản ( ông Nguyễn Ngọc Xuân). Bản này có ký hiệu Q. 8°121 cùng một kích thước 11 x15,5 cm. Hai bản đóng chung làm một mang số AB. 121.

Phần lớn các sách in chữ nôm, hay khắc bản của các hiệu buôn sách phường Hàng Gai, Hà Nội hay tại các hiệu buôn khác tại Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn trước năm 1930 nhiều sách không ghi tên tác giả, ngay cả Truyện Kiều. Tại Thư Viện Quốc Gia Pháp tại Paris có rất nhiều văn bản Viện Nam : chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ: tuồng hát bội, truyện Nôm, bài ca vọng cổ.. không đề tên tác giả. Đó là hiện tượng đáng lưu ý nước ta, vì cho đến đầu thế kỷ 20 các tay lái buôn sách như Lễ Môn Đường, Quảng Thành.. thấy sách nào bán chạy, cứ bỏ tiền ra mướn thợ khắc bản gỗ chữ nôm lẫn chữ quốc ngữ, hay sắp chữ typo quốc ngữ như nhà Xuân Lan của Nguyễn Ngọc Xuân đầu thế kỷ 20, họ in bán, không cần biết tác giả là ai, chẳng biên khảo, chú thích gì, cũng không hề có bản quyền tác giả, cũng không có cơ quan nào xét duyệt. Hiện nay ba bản in Trung Quân đối đều có lưu trử tại Thư viện Quốc Gia Pháp và Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris, và có tại Viện Hán Nôm Hà Nội. Do các bản in không đề tên tác giả nên được xem là truyện thơ khuyết danh và không được lưu ý. Bản in Trung Quân Đối năm 1910, đồng thời với những bản in thơ Hồ Xuân Hương, phần trên khắc bản gỗ chữ nôm, phần dưới khắc gỗ chữ quốc ngữ. Quân Trung Đối hay Trung Quân đối đồng một nghĩa với nhau : Giữ đám ba quân mà kết thành đôi lứa, vợ chồng.

          Giáo sư Nghiêm Toản là người lưu ý trước tiên đến bản văn nôm này, vì văn chương trong tác phẩm không tầm thường. Năm 1959 nhân dạy Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, ông được môn sinh là ông Võ Thu Tịnh trao cho một bản chép tay do thân phụ ông là cụ Phó Bảng Võ Hoành. Thủ Khoa (Cử Nhân) trường Thi Hương Thừa Thiên khoa Quý Mão (1903) và đậu Phó Bảng (Tiến Sĩ) Khoa Canh Tuất (1910) sao chép được năm 1922 nhân làm Tri Phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An . Văn bản này Giáo sư Nghiêm Toản gọi là văn bản C ; chép tay trên giấy bản, bìa đề Quân Trung Đối, bên trong chép rõ tác giả Nguyễn Chu Kiều, hiệu Lạc Am, người Hoan Châu, diễn ca quốc âm và Nhữ Nguyên Lập hiệu Đạm Trai, người Ái Châu phẩm bình.Văn bản C có lẽ chép lại từ một bản của gia đình ông Nhữ Nguyên Lập tại Thanh Hóa, nên có lời phẩm bình.

Bản C gồm có

a .Một bài tựa của Thanh Bối Cúc Khê Phu.

b . Phần mục lục ghi 12 hồi.

c. Phần Chính truyện có chép thêm lời bình hoặc ở bên câu chính văn, hoặc ở trên đầu trang.

d. một bài Bình dẫn của Nhữ Nguyên Lập (Đạm Trai)

Nhờ bài tựa và nhất là bài bình dẫn, chúng ta biết chắc chắn tác giả là Nguyễn Chu Kiều là em ruột Nguyễn Du và đã viết Quân Trung Đối ở Tiêu Sơn Kinh Bắc, chúng ta còn biết cả ông không cầu làm quan và chuyên về nghề thuốc, ông lại có con đậu Tiến Sĩ Khoa Nhâm Thìn (1832) và đang làm Lại Bộ Viên ngoại lang.

Bản C có 1130 câu, dài hơn bản A 40 câu và dài hơn bàn B 42 câu. Trong ba bản chữ câu sai khác nhau rất nhiều. Hai bản A B in các câu văn liên tiếp từ đầu đến đuôi, còn bản chép tay C phân ra 12 hồi rõ rệt.

Giáo sư Nghiêm Toản đã đem so sánh với các bản in năm 1910 và 1911, để hiệu đính chú giải các danh từ, điển tích và nhận xét phê bình. Công trình biên khảo của Giáo sư Nghiêm Toản được đăng nhiều kỳ trong Tạp chí Luận Đàm ở Sài Gòn, từ năm 1961( bộ 1, số 4) cho đến năm 1962 (Bộ I I số 9.) Tuy nhiên về tác giả Giáo sư Nghiêm Toản cũng không biết gì hơn :

« Về Nguyễn Chu Kiều, tôi chỉ biết ông là em ruột cụ Nguyễn Tiên Điền (Nguyễn Du) gặp thời loạn ở ẩn chuyên về Đông Y, nhưng có con là Nguyễn Toản đậu Tam giáp, thứ năm Khoa Nhâm Thìn (Minh Mạng thứ 13-1832) làm Viên Ngoại Lang Bộ Lại, rồi bị miễn. »   Nguyễn Chu Kiều . Quân Trung Đối . Paris nxb Đông Nam Á, 1995 tr 153.r

          Trải qua một cuộc bể dâu, các bài viết Giáo Sư Nghiêm Toản chẳng còn ai gìn giữ, chỉ còn bản do Gs Võ Thu Tịnh, mang theo bên mình sang Lào năm 1966 và sang Pháp năm 1975.Năm 1995, Giáo sư Võ Thu Tịnh (đã mất tại Paris năm 2010 thọ 80 tuổi), cho in lại Quân Trung Đối, tác giả Nguyễn Chu Kiều. GS Nghiêm Toản hiệu đính và chú giả năm 1960. Đạm Trai, Tử Bình bình điểm. Võ Thu Tịnh trình bày. Nhà xuất bản Đông Nam Á . Paris 1995.

          Giáo sư Võ Thu Tịnh (1920-2010)sinh tại làng Long Phước Duy Xuyên Quảng Nam. Cử nhân giáo khoa Việt Hán Đại Học Văn Khoa Sàigon. Tốt nghiệp Khoa Thính Thị Đại Học Indiana. Hoa Kỳ Giám Đốc Thông Tin Trung Phần và Nam Phần (1954-1961) rồi từ chức dạy tư ở Sài Gòn. Năm 1966 ông sang Lào, làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tư Thục. Năm 1975 ông sang Pháp làm lao động bị gảy xương sườn, ông thôi việc, làm việc cho hãng bào hiểm (1977-85) cho đến khi về hưu. Ông làm chủ bút Mùa Lúa Mới (Huế 1955-56), chủ bút Bulletin des Amis du Royaume Lao (Vientìane 1970-75) Présence Indochinoise (1975-79) và Péninsule (1979-85). Ông cộng tác và bài vở đăng thường xuyên trên nhiều tạp chí Việt ngữ tại Hải ngoại. Ông còn là tác giả : Việt văn thế kỷ 19, 20.( Sài Gòn 1958, 59, 60, 61, 62) Quân Trung Đối (ĐNA. Paris1995). Tình tự dân tộc ( Xuân Thu. HK.1999) La littérature orale et populaire du Vietnam. A la découverte du Bouddhiste. Les Origines du Laos. PhraLak- Phralam version laotiennne du Ramayana hindou ; Nang Tan Tay, The Laotian Arabian nights..

          Xa nước từ năm 1966, sang Lào và sang Paris năm 1975 hành trang bên mình là các bài viết Quân Trung Đối đã được giáo sư Nghiêm Toản biên khảo. Năm 1995 khi in được Quân Trung Đối tại Paris giáo sư Võ Thu Tịnh mới nhẹ được tấm lòng, mang nặng cái di sản của thân phụ ông trao lại. Khi sách in xong ông tặng tôi và nhờ tôi xem lại có gì sơ sót. Tôi say sưa đọc Quân Trung Đối, như “ đứa em” của Truyện Kiều.. Dĩ nhiên không truyện thơ nào có thể sánh bằng Truyện Kiều của Nguyễn Du nhưng có những đoạn như đoạn La Thành “ép duyên” cùng Hựu Lan, phần tâm lý thật thú vị có thể vượt trội hơn đoạn Kim Trọng với Thúy Kiều.

          Theo Gs Võ Thu Tịnh, khi thân phụ ông chép tay quyển Quân Trung Đối, thì truyện thơ được xem như một quốc cấm thời Minh Mạng, vì nó nói lên sự trung quân, trung thành với nhà Lê, trong lúc có loạn Lê Duy Lương muốn khôi phục lại nhà Lê. Có thể vì lý do đó mà Tiến sĩ Nguyễn Toản bị cách chức Viên Ngoaị Lang đời Tự Đức ?. Và ngày nay trong Châu Trần di cảo của chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Bắc Ninh cũng không thấy nhắc đến. Giới học giả nghiên cứu về Truyện Kiều và họ Nguyễn Tiên Điền trong nước cũng hoàn toàn không nhắc đến có một truyện thơ Quân Trung Đối.

         Trong Quân Trung Đối, GS Võ Thu Tịnh lại cho rằng Nguyễn Chu Kiều là Nguyễn Ức, em cùng cha cùng mẹ với Nguyễn Du. Là người thường xuyên gặp gỡ, tâm đắc GS Võ Thu Tịnh, thuở thiếu thời học các sách Việt Văn do GS viết, biết tôi là môn sinh nối tiếp các công trình GS Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương.. tôi đính chính cùng Giáo sư: Nguyễn Chu Kiều không phải là Nguyễn Ức mà là Nguyễn Nghi, con cụ Nguyễn Nghiễm và bà Nguyễn thị Xuân. Giáo sư Võ Thu Tịnh đồng ý và nhờ tôi việc đính chánh này vì GS đã lớn tuổi không còn sức. Ba năm rồi Giáo sư Võ Thu Tịnh đã qua đời, tôi viết bài này để cùng bạn bè quen biết tưởng nhớ đến giáo sư, và theo lời ước nguyện giáo sư, làm hồi sinh lại một di sản văn hóa quý báu đã bị quên lãng. Ước mong Viện Bảo Tàng Di Tích Nguyễn Du, làng Tiên Điền Nghi Xuân, Hà Tĩnh sẽ cho in lại trên giấy để, đóng góp việc hoàn thành Toàn Tập Di sản văn hóa họ Nguyễn Tiên Điền.

                    Trong bài viết này tôi đăng lại toàn bộ Truyện Thơ Quân Trung Đối, bản đã được Gs Nghiêm Toản hiệu đính. Vì bản in giấy ngày nay có nhiều khó khăn trong việc phổ biến, mong được phổ biến rộng rãi trên Internet, một tuyệt tác của họ Nguyễn Tiên Điền đã bị lãng quên. Phần so sánh các văn bản và bình luận của Đạm Trai tôi bớt đi cho độc giả khỏi thấy dài dòng.

          Nguyễn Chu Kiều là ai ? Nguyễn Chu Kiều làm nghề thầy thuốc sống tại   làng An Lạc, xã Châu Trần, tỉnh Bắc Ninh

          Nguyễn Chu Kiều không thể là Nguyễn Ức vì Nguyễn Ức quê mẹ ở làng Hoa Thiều, quê vợ ở Thuận Thành nhưng ông sống về nghề kiến trúc, ông là người khéo tay vẽ kiểu, tạc tượng và giỏi tính toán gỗ đá vật liệu, chỉ huy thợ. Năm 1794 -1795 ông được anh là Nguyễn Nể, giao phó vàng bạc cho việc xây dựng lại từ đường họ Nguyễn Tiên Điền, các đền thờ, chùa Trường Ninh, cầu Tiên, bị tướng Lê Văn Dụ Tây Sơn, đốt phá làm cỏ sau cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh, vì Nguyễn Nể bận việc quan ở Phú Xuân không thể trực tiếp trông coi. Ông là người chính trong việc này . Nguyễn Du về Tiên Điền chỉ ở lại trên bến sông để nhận vật liệu chỡ về, và bị bệnh suốt năm, rồi đi săn, sau đó toan vượt biên vào thành Diên Khánh, Nha Trang theo chúa Nguyễn Ánh thì bị tù.. Khi Nguyễn Nể được cử vào Thanh Hóa cùng chỉ huy xây Phượng Hoàng Trung Đô cùng Trấn Thủ Nguyễn Văn Thận 1798-1801, Nguyễn Ức có lẽ tham gia tích cực trong việc này, nên khi Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 biết tiếng mời ông ra xây dựng Kinh đô Huế. Lê Quý Thanh con Lê Quý Đôn coi địa lý xây dựng kinh thành và lăng tẩm cho Gia Long. Ngoài ra có thể có một số công trình xây dựng và trùng tu các chùa chiền danh tiếng thời Tây Sơn như chùa Kim Liên, chùa Tây Phương, chùa Trấn Quốc có sự đóng góp của Nguyễn Ức.

          Sách sử nhà Nguyễn, có nhiều, và đầy đủ, nhưng cho đến nay chúng ta hoàn toàn không có một luận án, một bộ phim, một quyển sách nghiên cứu về tác giả các công trình xây dựng Kinh Đô Huế. Di sản Văn Hóa Nhân loại được Unesco công nhận, mà tác giả là vô danh ? Hàng năm hàng triệu du khách đến Huế, nhưng không một hướng dẫn viên du lịch nào nhắc nhở tên Nguyễn Ức, Thiêm sự Bộ Công đời vua Gia Long, em của Đại thi hào Nguyễn Du là người vẽ kiểu và tính toán chỉ huy thợ xây cất các công trình này. Các đài truyền hình các nước họ nói đến việc xây dựng Cung điện Bắc Kinh, họ nói đến Kiến trúc sư Nguyễn An đời Minh Thành Tổ, một tù nhân Việt Nam thành kiến trúc sư đã chỉ huy hàng chục ngàn thợ giỏi Việt Nam xây dựng công trình này, họ có đủ tài liệu dựng thành phim. Công trình xây dựng Bắc Kinh trước Huế 300 năm mà họ còn đủ hết, mà người xây dựng công trình lớn nhất nước ta còn vô danh ?

          Một kinh thành Huế xây dựng bởi một kiến trúc sư vô danh, một truyện thơ Quân Trung Đối viết bởi một người vô danh, tác phẩm người này lộn vào người khác, bổn phận của người nghiên cứu phải làm cho sáng tỏ :

Chúng ta nên tìm hiểu lại về gia đình quan Tư Đồ (Tể Tướng) Nguyễn Nghiễm(1708-1775), ông có 8 bà vợ, và 21 người con trong đó có 12 người con trai . Sắp theo thứ tự năm sinh Nguyễn Du là người thứ bảy, Nguyễn Ức thứ 8, và Nguyễn Nghi thứ 10...

Bà cả Đặng Thị Dương, sinh mẫu Nguyễn Khản (1734-1786) con cả, Tiến sĩ, Thượng Thư Bộ Lại. Nguyễn Khản có hai con gái là Thị Bành và thị Đài là vợ Nguyễn Huy Tự (1743-1790), đậu Tứ Trường Thi Hương, Quyền Trấn Thủ Hưng Yên,(con cả Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh(1713-1789)làng Trường Lưu, Huy Tự là tác giả Truyện Hoa Tiên một trong 5 người hay thơ nhất nước nam, bà Bành mất sớm năm 1773, ông tục huyền với bà Đài sinh Nguyễn Huy Phó (1765-1838) đỗ Giải Nguyên và Nguyễn Huy Hổ(1783-1741) tác giả Mai Đình Mộng Ký. Nguyễn Khản còn có con trai là Nguyễn Công có tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp đời Tây Sơn. Nguyễn Khản có phổ nôm bản Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn (bản F trong Chinh Phụ Ngâm bị khảo của Gs Hoàng Xuân Hãn nxb Minh Tân Paris 1953) và nhiều thơ xướng họa với Nguyễn Huy Oánh.

Bà hai Đặng Thị Thuyết , em bà cả sinh Nguyễn Điều (1745-1786) con trai thứ hai , đỗ Tứ Trường, Trấn thủ Sơn Tây có con là Nguyễn Thiện và Nguyễn Hành. Nguyễn Thiện(1763-1818) tự Khả Dục hiệu Thích Hiên, đỗ Tứ Trường, nhuận sắc truyện Hoa Tiên tác giả Đông Phủ thi tập, Huyền Cơ đạo thuật bí thư. Thời Tây Sơn Nguyễn Thiện có tham gia Sùng Chính Viện của Nguyễn Thiếp. Nguyễn Hành(1771-1824), tự Tử Kính hiệu Nam Thúc, Ngọ Nam, Nhật Nam, tác giả Minh Quyên thi tập và Đông Hải Thi Tập là một nhà thơ trong An Nam Ngũ Tuyệt (5 nhà thơ hay nhất nước Nam). Có tham gia viết Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh của Ngô Thời Nhậm.

Bà Trần thị Tần vợ thứ ba : sinh Nguyễn Trụ, Nguyễn Nể, Nguyễn thị Diên, Nguyễn Du và Nguyễn Ức.

Nguyễn Trụ (1757-1776)con trai thứ ba, đậu Tứ Trường năm 15 tuổi, làm Hồng Lô Tự Thừa, có tài thơ văn được chúa Trịnh khen Hổ phụ sinh hổ tử, mất sớm năm 18 tuổi.

Nguyễn Nể tức Đề(1761-1805), con trai thứ sáu, đậu Tứ Trường, làm quan Tây Sơn hai lần đi sứ làm Phó sứ và Hành Khánh sứ (Chánh sứ) chức vụ cuối cùng là Hữu Trung Thư, quân sư bên cạnh vua Cảnh Thịnh. Là bậc kỳ tài vua Quang Trung nể vì học thức thường viếng thăm, giỏi làm thơ ứng đối, vua Càn Long khen thưởng. Đoàn Nguyễn Tuấn giới thiệu với các Sứ Thần Trung Quốc là đỉnh cao thi trận nước Nam.

Nguyễn Du (1766-1820)hiệu là Chí Hiên, Thanh Hiên, Phi Tử, con trai thứ bảy, đậu Tam Trường, Chánh Sứ năm 1813 thời Gia Long, Hữu Tham Tri Bộ Lễ. Tác giả Truyện Kiều. Nhà thơ thứ nhất trong An Nam Ngũ Tuyệt.

Nguyễn Ức (1767-1823) Thiêm sự Bộ Công là kiến trúc sư, cung điện lâu đài thành quách đời Gia Long, Minh Mạng đều do ông vẽ kiểu và chỉ huy xây cất. Ông mất con là Nguyễn Thắng tiếp tục công việc của cha.

và Nguyễn thị Diên lấy chồng là Vũ Trinh.(1769-1828) Tiến Sĩ khoa thi cuối cùng đời Lê. viết tựa Truyện Kiều. Thầy dạy Nguyễn Văn Thuyên con Trung Quân Nguyễn Văn Thành nên bị đày đi Quảng Nam 12 năm.

Bà Nguyễn thị Xuyên, vợ thứ tư sinh Nguyễn Quýnh (1761-1791)con trai thứ tư, hiệu là Sĩ Hữu, giữ chức Trấn Tả Đội thời Lê Trịnh, khởi nghĩa chống Tây Sơn bị Trấn thủ Lê Văn Dụ giết năm 30 tuổi.

Bà vợ thứ sáu là bà Hồ Thị Ngạn sinh Nguyễn Nhưng, con thứ sáu, đỗ Tứ Trường, không ra làm quan sống về nghề làm thuốc và dạy học. Có con là Nguyễn Y người chép gia phả họ Nguyễn Tiên Điền.

Bà vợ thứ bảy là Phan Thị Diên, và bà thứ tám là Hoàng Thị Thược. Còn hai người con trai cuối cùng là Nguyễn Lang và Nguyễn Cảnh sống về nghề thuốc, Nguyễn Cảnh được Nguyễn Hành đánh giá là y tướng.

Bà Nguyễn Thị Xuân là vợ thứ năm sinh ra Nguyễn Trứ và Nguyễn Nghi. Nguyễn Trứ (1760-1809) con trai thứ năm tính theo năm sinh, đậu Tứ Trường thi Hương năm Kỷ Hợi (1779) đời Cảnh Hưng làm quan Tri phủ tại Tam Đới, Siêu Loại, Kim Môn, Nam Sách. Đời vua Lê Chiêu Thống, được mật chỉ của nhà vua tuyển mộ lính bảo vệ cung vua thay bọn kiêu binh. Thời loạn lạc ông về quê mẹ ở Từ Sơn, Bắc Ninh, có con là Nguyễn Thích tri phủ Nghĩa Hưng, Nam Định, Nguyễn Trù tri phủ Vĩnh Tường và Nguyễn thị Uyên, bà làm thuốc giỏi, tiếng tăm truyền đến kinh đô, được vua Gia Long mời vào cung chữa bệnh cho các cung phi, sau bà về lại quê mẹ huyện Yên Phong, Bắc Ninh và mất tại đó năm 49 tuổi. (Tôi bác bỏ một bài viết gần đây trên các site internet của ông Nguyễn Khắc Bảo cho rằng Nguyễn Thị Uyên là vợ Vua Gia Long, Nguyễn Du là chú vợ vua Gia Long ?.  Bà Nguyễn Thị Uyên được mời vào cung vì tài chữa bệnh danh tiếng chứ không phải vì sắc đẹp. Tiến cung ngày xưa ở tuổi 16, 18 con các quan đại thần, (trừ vài trường hợp như bà Ỷ Lan đời Lý, vua Lý Thánh Tông đi cầu tự, gặp cô gái đứng dựa gốc dâu), bà Uyên nổi danh nghề thuốc trong dân gian ít nhất cũng ở tuổi 30, 40, quá tuổi để trở thành phi tần. Cung vua cũng có các danh y phụ nữ để chữa các bệnh phụ nữ hay hành nghề sản khoa. Đồng thời bà Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan) cũng được mời giữ chức Cung Trung Giáo Tập dạy học cho các cung nữ. Tài năng bà Nguyễn Thị Uyên là tên tuổi một phụ nữ hiếm hoi trong ngành Y ngày xưa, xứng đáng để đặt tên một bệnh viện ngày nay.)

Nguyễn Nghi, là con trai thứ mười cụ Nguyễn Nghiễm, ông sanh khoảng năm 1770 tự là Hồng Vũ hiệu là Chu Kiều, Lạc Am sinh ra trong thời loạn lạc nên không có dịp thi cử, ông về quê mẹ, rồi sống làm nghề thầy thuốc, và dạy học ở làng Châu Trần (hay Châu Kiều), xã An Lạc, tỉnh Bắc Ninh, tác giả Châu Trần Di Cảo và truyện thơ Quân Trung Đối 1116 câu thơ. Ông được mọi người kính yêu, tính tình nghiêm nghị có đức, thường kết giao với những danh nhân. Năm ông 64 tuổi (1834), ông đã viết xong truyện Quân Trung Đối. Ngày sinh và ngày mất ông cần tham khảo lại gia phả cũng như mộ chí tại xã An Lạc, Tiêu Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyên Lập Đạm Trai, người viết lời dẫn truyện Quân Trung Đối nói về Nguyễn Chu Kiều như sau : « Mùa hè năm Giáp Ngọ (1834) ta đến trường dạy tại huyện An Lạc, được cùng ông Lạc Am Nguyễn, gặp nhau ở nhà láng giềng gần bên nhà huyện, ông tuổi cao đức lớn, vẻ tinh thuần như un đúc cả vào.

Ông người làng Tiên Điền, tỉnh Nghệ An, là em quan Hữu Tham Tri Bộ Lễ, Nguyễn Hầu đời Gia Long và là nghiêm đường quan Nghè khoa Nhâm Thìn (1832) hiện đang làm Viên Ngọai Lang bộ Lại.. Dòng dõi trâm anh, gia thế từ xưa cao vọi, thở nhỏ ông tránh loạn Tây Sơn, giấu mình trong nghề làm thuốc, bèn thôi không cầu ra làm quan. Ông giữ vững chí mình, yên với cảnh nghèo, đem đạo phải và thẳng ngay ra dạy con, vui vẻ muốn nơi sân hòe ắt có kẻ làm nên, và rốt cuộc lệnh lang đã khiến cho ý muốn ấy được thành ; hạc nội yên hưởng cảnh thung dung, đất An lạc thật là nơi vui vẻ vậy.

Đầu mùa Đông, ông cùng với ta uống rượu bàn văn, trong khoảng nói cười, chợt nhắc tới thơ Nôm, nhân đưa ra cho ta coi cuốn Quân Trung Đối ông đã diễn âm trong những ngày thường, và bảo tra chấm và bình phẩm. »

Gs Nghiêm Toản, đã truy tìm trong Đại Nam nhất thống chí Tỉnh Thanh Hóa thuộc triều Nguyễn có ông Nhữ Bá Sỹ, hiệu Đạm Trai, quê Cát Xuyên, huyện Hoằng Hóa, Tỉnh Thanh Hóa sinh năm 1787. Ba mươi tuổi đậu Cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) Minh Mạng thứ Hai. Ông làm quan tới chức Lang Trung, nhưng khi vào Quảng Ngãi coi thuế đường, ông mắc tội bị giáng chức, rồi vâng lệnh đi công cán sang Lữ Tống (Phi Luật Tân) và Quảng Đông cùng phái đoàn với ông Lý Văn Phức (1833).

Khi về ông được khai phục, bổ chức Huấn Đạo huyện An Lạc (1834) Bắc Ninh. (nơi đây ông gặp Nguyễn Chu Kiều và viết lời bàn truyện thơ Quân Trung Đối, năm ông 46 tuổi.)

Sau đó ông giữ quyền Học Chính Sơn Tây, sau thăng Giáo Thọ huyện Hoài Đức, ít lâu sau ông xin nghỉ về quê. Năm Tự Đức thứ sáu (1854) tiến ông lên Hàn Lâm trước tác và bổ ông làm Đốc học tỉnh Thanh, ít lâu sau ông lại dâng sớ xin về quê và ở nhà dạy học. Học trò ông nhiều người thành đạt. Ông mất năm Tự Đức thứ 20 thọ 80 tuổi. Hai con ông là Nhữ Dĩ Huyến đậu Cử nhân khoa Ất Mão (1856) năm Tự Đức thứ 8, và Nhữ Tri Thuật đậu Cử nhân khoa Canh Ngọ (1871)năm Tự Đức thứ 23.

Ông để lại nhiều trước tác : Dịch hệ giải thuyết, Đại Học đồ thuyết, Việt Nam tam bách vịnh, Thanh Hóa tỉnh chí, Việt hành tạp thảo, Nghi Am học thức, Nghi Am biệt lục. Đạm Trai thi văn tập. và Đạm Trai quan nghi.

          Sau khi cụ Nguyễn Nghiễm mất, mẹ nào lo con nấy bà Nguyễn Thị Xuân, cùng hai con lui về Bắc Ninh làm nghề thuốc, cho nên chi họ Nguyễn Tiên Điền này không bị ảnh hưởng do bọn kiêu binh đốt dinh thự họ Nguyễn tại Thăng Long, và Tây Sơn làm cỏ, đốt phá làng Tiên Điền. Đời Minh Mạng có Nguyễn Toản đỗ Tiến Sĩ và là chi hưng thịnh nhất trong các con cháu. Chi họ này hiện nay ở Bắc Ninh còn giữ nhiều kỷ vật của cụ Nguyễn Nghiễm các bức hoành phi Dịch Tể Thư Hương do Chánh Sứ Vua Càn Long là Đức Bảo tặng năm 1761 và câu đối Lưỡng Triều Danh Tể Tướng, Nhất Thế Đại Nho Sư , khắc năm Mậu Thìn 1808. Và một bản in Truyện Kiều đầu đời Tự Đức , 1847 là bản cổ nhất mới tìm được         

Chưa tìm thấy Nguyễn Nghi khi viết Quân Trung Đối dựa theo quyển tiểu thuyết nào của Trung Quốc. Nhưng trong truyện có tên các nhân vật : La Thành, Đậu Kiến Đức, La Nghệ, Đơn Hùng Tín. Những nhân vật trong Thuyết Đường Diễn Nghĩa , La Thông Tảo Bắc và có cả nhân vật Hoa Mộc Lan không cùng chung một thời đại. Truyện thơ Quân Trung Đối có thể là một hư cấu, mượn tên, và ghép nhiều chuyện vào với nhau.

Trong Thuyết Đường, hoàn toàn không có vị anh thư họ Đậu, Đậu Tuyến Nương chỉ có  La Thành là anh hùng thứ bảy, con La Nghệ, họ La có hồi Mã Thương vô địch gia truyền, đoạt Trạng Nguyên Khôi trong cuộc thi khảo võ ở Giang Đô. là anh em họ Tần Thúc Bảo, cha của La Thông,. La Thành mắc kế độc của Kiến Thành, Nguyên Cát hại ngầm, chết năm 23 tuổi, trong trận đánh Lưu Hắc Thát ở ải Tử Kim, bị sa vào sình lầy và bị bắn chết. Trong Truyện Quân Trung Đối La Thành lại yêu Đậu Tuyến Nương trong chiến trận, mà mối tình trắc trở đến 5, 6 năm sau mới cưới nhau và sanh nhiều con, hưởng hạnh phúc lâu dài ?

Trong lịch sử Đậu Kiến Đức và La Nghệ đánh nhau tháng 9 năm 620.

Đậu Kiến Đức, Đơn Hùng Tín bị nhà Đường giết năm 621. La Nghệ làm phản bị giết năm 627.

Còn Hoa Mộc Lan là truyện thơ thời Bắc Ngụy (386-534), chuyện nổi tiếng người con gái giả trai, đi tòng quân thay cha mười hai năm mới trở lại quê hương.. Hoa Mộc Lan trong truyện lại xuất hiện thành em kết nghĩa với Đậu Tuyến Nương. Hoa Mộc Lan là một bậc anh hùng giả trai đánh giặc 12 năm, giỏi võ, từng trải việc đời, thế mà trong truyện chỉ vì sợ một tên man tướng ép duyên mới hăm giết cả họ hàng, mà phải nhảy xuống giếng tự tử ?. Nhân vật Hựu Lan em gái Hoa Mộc Lan là một nhân vật không có trong truyện Hoa Mộc Lan.

Đậu Kiến Đức trong Thuyết Đường, cậu ruột Lý Thế Dân, là một phản vương cuối đời Tùy, sau bị La Thành bắt sống ở Gia Tỏa Sơn cùng với bọn Vương Thế Sung và khi giải về gần đến kinh thành. Tần Thúc Bào theo mật kế Từ Mậu Công, nổi lửa đốt chết để trừ hậu hoạn. Theo sử, Kiến Đức bị chết chém. Nhưng trong Quân Trung Đối, Kiến Đức bị bắt ở ải Hổ Lao nhưng nhờ có Đậu Tuyến Nương liều mình xin tội cho cha, vua Đường cảm động lòng hiếu thảo của con gái tha tội cho xuất gia đầu Phật hoàn toàn khác hẳn với Thuyết Đường.

La Nghệ, Tần Thúc Bào, Đơn Hùng Tín đều có truyện trong chính sử. Trong Thuyết Đường danh tiếng họ càng lừng lẫy, nhất là Đơn Hùng Tín là nhân vật nghĩa khí khuôn mẫu, trong Quân Trung Đối cả ba chỉ đóng vai phụ.

Tề Quốc Viễn, trong Thuyết Đường chỉ là một tên tướng cướp xoàng ở núi Thiếu Hoa về sau được dự hàng trong 39 vị anh hùng kết nghĩa ở nhà Tần Thúc Bảo, nhưng về sau Thuyết Đường không thấy nhắc tới tên Tề. Trong Quân Trung Đối trở thành kẻ hành nhân đưa thư.

Tóm lại tên những nhân vật trong Quân Trung Đối, không phải là chuyện thật lịch sử, hay dã sử mà hoàn toàn mượn tên để tạo nên một chuyện khác.

Khi viết Truyện Quân Trung Đối, Nguyễn Nghi có nhiều ảnh hưởng Truyện Kiều, nên có nhiều câu ta không khỏi liên tưởng đến Truyện Kiều : ví dụ câu 14 : Mai thua cách quý, nguyệt nhường vẻ trong. Trong Kiều Nguyễn Du viết : Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da (câu 22)

Câu 42 : Đậu Công thoát đã động lòng bốn phương. Trong Kiều : Trượng phu thoát đã động lòng bốn phương.(câu 2214)

Câu 201 Cho hay một đoạn chung tình, Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong. Trong Kiều : Cho hay là giống hữu tình, Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong (Câu 243, 244)..

Vài ví dụ để thấy Nguyễn Nghi rất thuộc Kiều và bị ảnh hưởng chi phối bởi Kiều.

Về cốt truyện Kiều bán mình chuộc cha còn Đậu Tuyết nương dâng thư xin nhà vua Đường tha tội tội cho cha, vì hiếu mà được vua khen thưởng tha tội cho cha, và Hoàng hậu nhận làm con nuôi.

Kiều thanh y mấy lượt, thanh lâu mấy lần trải qua nhiều mối tình. Còn Đậu Tuyến Nương một da trung thành với La Thành, dù đính ước giữa cuộc chiến, và trải qua bao khó khăn hai bên đối nghịch nhau. Phải chăng đó là mục đính chính chủa Nguyễn Nghi khi viết truyện này. Nguyễn Nghi nói lên lòng mình sống trong nghề làm thuốc nơi thôn xóm An Lạc, Bắc Ninh, trung thành với vua Lê chúa Trịnh, dù khi nhà Trịnh sụp đổ Nguyễn Nghi chỉ mới khoảng 15 tuổi nên không tham dự kỳ thi nào, cũng không có một chức vụ nào. Khi Gia Long lên ngôi năm 1802, ông 32 tuổi, ông không ra mặt dâng ngựa, binh lương và thủ hạ như Nguyễn Du khi nhà vua ra Bắc, ông cũng không ra thi cử khoa đầu tiên năm 1807 như nhiều sĩ tử Bắc Hà để ra làm quan với vua Gia Long. Khi con ông đỗ Tiến sĩ ông đã 62 tuổi. Có lẽ Nguyễn Nghi là người thọ nhất trong 12 anh em trai, các người khác chỉ sống khoảng trên 53, làng Tiên Điền có tục lệ 53 tuổi là ăn lão, mừng thọ lên lão làng.

 

QUÂN TRUNG ĐỐI:

Hồi thứ nhất :     Đậu Tuyến Nương thay áo lánh sang quê người.

Về đời Tùy Đường, ở Bối Châu có Đậu Kiến Đức, con nhà dòng dõi, là một bậc anh hùng. Họ Đậu sinh một con gái tên gọi Tuyến Nương, nhan sắc đẹp tài giỏi, võ nghệ không ai bằng. Mồ côi mẹ, được cha yêu thương, nhưng nổi tiếng đẹp nên có tên trong sổ bị tuyển vào cung Tùy đế. Không đủ vàng hối lộ để khỏi bị tiến nạp vào cung nên Kiến Đức phải bảo nàng cải trang lánh sang ở tạm cùng con gái Đơn Hùng Tín là Ái Liên. Hùng Tín Nhị Hiền và Kiến Đức là bạn chí thân.

 

  1. 1.Ngồi rồi ngẫm sự xưa nay,                                          1

Thực ra khuôn tạo khéo tay thợ trời.

Sanh người ắt có từng đôi,

Lọc lừa cân nhắc chẳng sai tơ hào.

Trước ai đã biết thế nào,

Rồi ra đến lúc ghép vào mới hay.

Quyển vàng lần mở song mây,

Tùy - Đường lục cũ thấy đây rành rành.

Đời Tùy vào thuở thăng bình,

Bối Châu sớm đã trổi sanh anh hùng.                                    10

Vốn là họ Đậu nhà dòng,

Tên là Kiến Đức, tót trong bực thường.

Buồng đào sanh một Tuyến Nương.

Mai thua cách quý, nguyệt nhường vẻ trong.

Đoan trang vả có tư dung,

Chữ tài chữ sắc, dứt nhòng thuyền quyên.

Tuyết sương sớm rã chồi huyên,

Nhà thung nâng dấc giữ dìn một tay.

Như hoa xuân đã đến ngày,

Như hương chẳng đợi gió bay mà nồng.                      20

Vua Tùy ngày mới sáu cung,

Phi tần chưa mấy má hồng thừa ân.

Chiếu ban mấy kẻ nội thần,

Kén vàng chọn ngọc xa gần đòi nơi.

Nghe nàng tư sắc khác vời,

Kể tên đầu sổ đòi người vào cung.

Túi tham tham chẳng hay cùng,

Hoàng kim trăm lạng, ướm lòng chẳng xuôi.

Dỡ dang khôn nhẽ tới lui.

Nàng vâng nghiêm phụ cũng dời chân đi.                               30

Dậm trường tìm đến cố tri,

Tên là Hùng Tín, họ là họ Đơn.

Biểu danh tên chữ Nhị Hiền,

Vốn là bạn cũ kim lan một nhà.

Buồng hương sinh một tố nga,

Hoa sen nhường mặt đặt là Ái Liên.

Cùng nàng thế nghị nên quen.

Chị em hôm xóm kết nguyền đan tay.

Quê người lần lửa tháng ngày

Quang âm thánh thoát đã đầy hai đông.                      40

 

Chú thích :

Song mây : vân song là phòng đọc sách, vân là một thứ cỏ thơm lấy hoa lá ép vào sách tránh mối mọt.

Thăng bình : thái bình, rất yên ổn.

Bối Châu nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Trực Lê.

Dứt nhòng : chữ xưa k là dứt hết. Dứt nhòng thuyền quyên : Trong hàng đàn bà đẹp không ai đẹp như vậy.

Rã chồi huyên : mẹ chết. Huyên là một loại cỏ trồng sau nhà để giải phiền cho mẹ. Kinh Thi « Yên đắc huyên thào, ngôn thụ chi bối. » Ước gì được cây cỏ huyên để bảo đem trồng nó đằng sau nhà.

Nhà xuân là cha, hay viết nhầm thành nhà thung. Thời thượng cổ có cây đại xuân , sống lâu, nhân đó gọi cha là nhà xuân, hay xuân đường, mong cha sống lâu như cây ấy.

Phi tần : vợ thứ nhà vua

Thừa ân : chịu ơn, được vua yêu

Nội thần : quan trong cung vua, còn nội giám hay thái giám, hoạn quan là người bẩm sinh á nam, á nữ hay bị thiến.

Cố tri : bạn cũ

Biểu danh : danh là tên chính, tự là tên nêu rõ đức mình ra.

Kim lan : bạn thân quý

Thế nghị bạn chơi vời nhau hết đời này sang đời khác.

Quang âm: ánh sáng và bóng tối.

Văn bản

bản C câu 27 đến 30 chỉ có hai câu :

Dùng bài hối hóa chẳng xong,

Lánh mình ông vội cùng nàng ra đi.

bản C câu 32, 33, 34 chép :

Có người họ Thiện vốn là bạn quen,

Biểu danh tên gọi Nhị Hiền ;

Cùng làngbhồ hải anh em một nhà.

 

Hồi thứ Hai

Đậu Kiến Đức dấy quân xưng Hạ Chúa.

 

 

Kiến Đức dấy nghiệp xưng Hạ Vương, đóng đô tại Lạc Thọ thành, lại cưới thêm một trắc thất họ Tào và phong Tuyến Nương làm Công chúa Dũng An. Tuyến Nương tự luyện riêng một đội nữ binh cho mình để giúp việc chinh phạt của cha và chưa nghĩ đến việc lập gia đình.

 

 

Chợt đâu binh lửa đùng đùng,

Đậu Công thoát đã động lòng bốn phương.

Gươm thiêng cờ nghĩa mở mang,

Hà Gian mấy quận binh lương đều về.

Điềm trời nhận được ngọc Khuê,

Dựng thành Lạc Thọ chính vì Hạ Vương.

Dan loan mới nối khúc Hoàng,

Hiền phi Tào Thị giữ giàng việc trong.

Định trăm quan đặt sáu cung,

Dũng An công chúa sắc phong cho nàng.                              50

Lầu son ngày dệt thoi vàng,

Tuổi đà đôi chín sắc nhường một hai.

Thuyền quyên lại đủ mọi tài,

Nghề nhà cung ngựa, gấp người mười phân.

Năm trăm luyện tập nữ quân,

Từng đem đánh dẹp cõi gần phương xa.

Bông đào rờ rỡ vẻ hoa,

Lòng trên hằng ước nghi gia duyên lành.

Báu Tề ngọc Triệu còn dành.

Mũi tên bắn lọt tước bình chưa ai .                                        60

Những là cân sắc cân tài?

Những là binh giáp việc ngoài ngỗn ngang.

 

Chú thích:

Hà Gian: nay tỉnh Trực Lệ

Ngọc Khuê: Theo sử có người dâng Đậu Kiến Đức một chiếc ngọc khuê màu huyền, giống vua Vũ nhà Hạ, nên Đậu xưng là Hạ Vương.

Dao loan: thứ keo để gắn phím đàn. Tình nghĩa gián đoạn nay nối lại được.

Dũng An: Đạm Trai phê: phong tên thật lạ lùng chữ nam dưới chữ dũng, chữ nữ dưới chữ an, cốt để phần ba trai gái xảy ra thêm nhiều chuyện.

Báu Tề ngọc Triệu: người tài giỏi nước Tề, kẻ giàu có nước Triệu muốn cưới nhưng nhà gái chưa ưng thuận còn để dành đó.

Tước bình: Truyện Đậu Hậu Đường Thư chép: “Cha sinh ra Hậu, tên Đậu Nghị, thường nói: “Đứa con gái nầy có tướng lạ, vả kiến thức kẻ thường không sánh kịp, há nên cẩu thả, đem gả cho người.” Nhân vẽ hình hai con công (khổng tước) trên bức bình phong, mời những người đến cầu hôn bắn hai mũi tên, trong khi Đậu Nghị khấn thầm: “Ai bắn trúng mắt công sẽ gả.” Hơn mười người tới bắn đều không hợp cách. Sau rốt Lý Uyên đến, bắn mỗi phát trúng một mắt công, vì thế Hậu sánh duyên cùng Lý Uyên tức về sau thành Đường Cao Tổ. Do đó điển bắn lọt tước bình để trỏ việc kén rể, gả con.. Con công thuộc loại phượng, người sau nói bắn sẻ là lầm: Làng cung kiếm rắp tạm bắn sẻ (CONK)

Văn bản:

Hai câu 43, 44 hai bản A, B chép thành 4 câu :

Đất bằng một tiếng sấm vang;

Đòi nơi đất lở khói tan ù ù !

Một tay gây dựng cơ đồ,

Hà Nam, Hà Bắc mấy châu đều về.

 

Hồi thứ Ba

Đánh U Châu, trên ngựa hẹn duyên lành

 

Có sứ nhà Đường bên Tấn Dương tới ước hẹn với Kiến Đức cùng công phá Quan Trung: nhưng Tuyến Nương bàn với cha rằng sợ La Nghệ ở U Châu thừa hư đánh úp nên quyết kế dẹp yên mặt U Châu trước, rồi sau mới tính tới đánh Quan Trung. Nhưng quân tiên phong của Đậu Kiến Đức bị La Thành con La Nghệ đột kích phá trại. Vừa Tuyến Nương cùng đoàn nữ binh tiếp ứng tới nơi. La Thành trông thấy thầm khen tài sắc nàng. Hai người giao tranh trong hơn hai mươi hiệp ngang tay, nên cùng phục nhau vì tài và đem lòng cảm mến nhau. La Thành muốn thử lòng nàng, bèn bắn sang mũi tên đã vất bỏ đầu nhọn. Tuyến Nương đưa tay đón bắt, thấy có khắc tính danh La Thành, bèn đáp lễ bằng viên đạn vàng có khắc rõ tên họ nàng, bắn vào bông mũ La Thành.

La Thành đề nghị giải hòa và ngỏ lời cầu hôn. Tuyến Nương nói xin chờ lệnh vua cha. Hai bên giữ vật làm tin để đính ước rồi cùng thâu quân. Đậu Kiến Đức đem quân quay về đánh Quan Trung.

Thời gian trôi qua thấm thoát hai năm, hai bên La Thành và Tuyến Nương đều nặng tình thương nhớ nhau, song vì hai bên cừu địch nên khó liên lạc với nhau. Vừa có sứ Quan Trung là Tề Quốc Viễn đến mừng thọ La Nghệ sắp ra về. La Thành sực nhớ mình có người bạn tên Tần Thúc Bảo quen thân với Đơn Hùng Tín là chỗ thâm giao với Đậu Kiến Đức, chắc Thúc Bào có thể nhờ Đon Nhị Hiền giúp cho việc cầu hôn Tuyến Nương được. La Thành liền viết một bức thư trao cho Tề Quốc Viễn đem đưa lại cho Tần Thúc Bảo.

 

 

Chợt tin có sứ Tấn Dương,

Quan Trung cùng ước hai đường tiến binh.

Dưới cờ bàn chước Tây chinh,

Dạy nàng cũng phải lấy binh tùy tòng.

Gửi rằng : “Nay đánh Quan Trung,

Ắt là tướng mạnh binh ròng viện đi.

U Châu giáp cõi Bắc thùy.

La Công giữ đấy chưa về mệnh ta,                                        70

Nữa khi ngự giá phương xa,

Còn e mặt ấy ắt là thừa hư.

Lộ trình kể nhị tuần dư,

Ngoài chưa hẳn định lại chờ giữ trong.

Chẳng bằng đánh trước La Công,

Dẹp yên rồi tiến Quan Trung cũng vừa.”

Nghe lời tính lọt binh cơ,

Tức thì xuống lệnh trỏ cờ Bắc chinh.

Ruổi rong vừa tới Châu Thành,

Tiền phong mấy đội chia doanh lập đồn.                      80

Chiêng vàng đã gác đầu non,

Trung quân Hạ chúa hãy còn ở xa.

Đồng hồ vừa quá canh ba,

Trên thành nghe tiếng thanh la mấy hồi.

Tư bề hỏa pháo dậy trời,

Doanh kia trại nọ bời bời bay tro.

Giữa trời sát khí mù mù,

Thiếu niên một tướng, ngựa ô giáp vàng.

Dọc ngang một cán thần thương.

Ra đâu giết đấy đã quang như tờ.                               90

Phương Đông vừa sáng mờ mờ,

Nữ quân một đội kéo cờ mới lên.

Dưới cờ Công chúa đương tiên,

Tuyết đông lưỡi kích, ráng xuyên áo hồng.

Gió đưa sang sảng loa đồng,

Nghe dường lanh lãnh trên không tiếng thiều.

“Viên nào sao được lung lao ?

Nghĩ mình tay chấu, sức nào chống xe.

Nhác trông gai ốc sởn ghê,

Sao tư sắc ấy mà uy phong này ?                               100

Lạ lùng con mắt xưa nay,

Người này mà bỗng gặp đây chẳng ngờ.

Nghĩ ra mới nhớ ngày xưa,

Nghe đồn rằng Đậu tiểu thư khác thường.

Dũng An Công chúa Tuyến Nương,

Tài trời sắc nước hai đường gồm hai.

Hẳn âu người ấy chẳng sai,

Chữ dung đã vậy, chữ tài thực chăng ?

Trước quân ra ngựa đáp rằng:

“La Thành tiếng cả đã lừng U Châu.                                      110

Dưới đời đâu chẳng biết ru,

Sức chi mà dám tranh đua cõi này ? “

Dứt lời trống trận dục ngay,

Bên giăng Nhất tự, bên bày Ngô công.

Bên thời một cán thanh long,

Bên thời song kích vẫy vùng dọc ngang.

Ruổi rong ra trước chiến trường,

Bên nàng ngựa bạch, bên chàng ngựa ô.

Thốt như rồng cuốn ù ù,

Thốt như chim luyện tuyệt mù xa xa.                                     120

Hai mươi hồi hợp vào ra,

Đo tài ai kém ai là bao lăm.

Đấy trông, đây cũng khen thầm,

Đây trông đấy cũng khó nhầm được nhau.

Tàn hồng đã dựng đỉnh đầu,

Trận quân kể mấy giờ lâu chưa dời.

Trên yên tài đã biết tài,

Dưới cờ người lại trông người mà mê ;

Dừng quân ra hiệu trống kỳ,

Trêu người hầu lấy chước gì cho nên.                                   130

Cầm cung chàng bẻ mày tên,

Trương cung mới bắn thử xem ướm lòng.

Bên tai thoảng tiếng giây cung,

Tên kia đã bắt vào trong tay nàng.

Nhìn xem thấy chữ rõ ràng,

La Thành tên họ nét vàng chưa phai.

“Tên này há phải bắn chơi ?

Mày tên sao lại kiêng người bẻ đi ?

Chừng trong trăm bước xa gì,

Biết lòng mà lại để chi bận lòng !”                                140

Vén tay mới ráng cánh cung,

Dè chừng đỉnh mũ trong vòng bắn sang.

Chóp vàng cất lấy đạn vàng,

Nhặt xem thấy chữ Tuyến Nương rành rành.

Trên tay hạt ngọc liên thành,

Đạn này ắt cũng có tình chẳng không.

Tiện đây chẳng chút cạn lòng,

Người này hầu dễ tương phùng mấy phen.

Thừa cơ mới tiến dần lên,

Rằng : “Nhà ta vốn trấn biên Bắc thùy,                                  150

Cõi ai xâm lấn chưa hề,

Chẳng hay lân quốc việc gì sang đây ?

Bốn phương quân lũy còn đầy,

Tranh hành chi vội cõi này dậu phên ?

Dám xin ngã giáo, dừng yên,

Cùng hòa hai nước cho tuyền ba quân.

May sao nên nghĩa Tấn Tần,

Chọn ngày hương lửa hòa thân dưới thành.”

Thọt nghe nàng đã lọt tình,

Lựa lời người, lấy ý mình đáp sang.                                      160

Thưa rằng: “ Lợi hại đôi đường,

Một lời dẫn dụ nhẽ thường đã ghi.

Lời xưa có chữ chiến nguy,

Lòng này há phải có chi tranh hành.

Chỉn nay vâng mệnh đánh thành,

Bài hòa chưa dám một mình quyết nên.

Dù khi cuốn giáp cởi yên,

Thế nào thời cũng tại trên Phụ hoàng. “

Nghe lời như gợi gan vàng,

Tìm lời căn vặn nói sang quyết tình.                                      170

“Đã rằng chẳng muốn binh tranh,

Một lời hổ có chứng minh hai vừng.

Nàng nghe chưa kịp nói năng,

Đoái trông quân tiếp sau lưng đã gần.

Một hồi trống dục thu quân,

Vừng ô lãng đãng đã vần sang Tây,

Chàng rằng: “Vội ruổi chia tay,

Vật chi để lấy lời này làm ghi ?

Thưa rằng: “Nào biết lấy gì ?

Đạn vàng ở đấy, đây thì đã tên.”                                 180

Chàng còn thề thốt cần quyền,

Một lời bái biệt, muôn nghìn ái ân.

Dặm trường nàng đã thu quân,

Trông theo nàng hãy tần ngần như ngây..

Ngọn cờ phơi phới gió lay,

Dưới cờ chân ngựa cát bay mịt mù.

Thẳm chừng mới giở ngựa ô,

Mấy hồi trống dục quân thu về thành.

Nàng thì về tới quân doanh,

Dưới màn mới gửi quân tình vân vi.                                      190

Dạy rằng: “Ta vốn đã nghe,

La Thành tên ấy khéo nghề dụng binh;

Quân ta đã đột tiên thanh,

Chẳng nên lâu đóng cửa thành làm chi.

Âu là ta trở quân về,

Tây chinh ta quyết một bề cho xong.

Tới khi đã được Quan Trung,

Thời U Châu đã ở trong tay rồi. »

Quân trung mới phát hỏa bài,

Truyền cho các đạo trong ngoài hồi binh .                              200

Cho hay một đoạn chung tình,

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong.

Dưới thành đã giản việc nhung,

La Thành luống hãy bên lòng ngổn ngang.

Người đâu tài sắc mọi đường,

May đâu trong áng chiến trường gặp nhau.

Giao tranh ra mặt địch cừu,

Giáp binh chưa dễ bắt cầu sông Ngân;

Trăm năm đành cậy xoay vần,

Việt Hồ đã vậy, Tấn Tần còn sai.                                 210

Bạn ta xảy nhớ một người,

Có Tần Thúc Bảo quen nơi Nhị Hiền.

Nhị Hiền từ thuở thanh niên,

Vốn cùng Hạ Chúa kết nguyền giao ca.

Việc này như giúp cho ta,

Thì hai người ấy hoặc là nên chăng.

Bằng nay binh lửa tưng bừng,

Xa xôi ai kẻ trông chừng trao tin.

Tháng ngày thấm thoát như tên,

Hai thu lòng những tấc nguyền trông mong.                           220

May vừa có sứ Quan Trung,

Mới sang hạ thọ La Công chưa về.

Nguyên người sứ ấy họ Tề,

Với Tần Thúc Bảo vốn thì bạn quen.

Lòng mừng nay được thông tin,

Hay đâu chẳng bởi thiên duyên xoay vần.

Vội vàng sai đón hành nhân,

Phong thư một bức ân cần trao tay.

Rằng phiền đưa bức thư nầy,

Nên chăng thì cũng kíp chầy báo tin.”                                    230

Hành nhân chịu lấy vân tiên,

Dặn dò chàng hãy cần quyền một hai.

 

Chú thích:

Tấn Dương: nay là huyện Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây nơi khởi nghĩa Đường Cao Tổ

Quan Trung: nay là phần đât tỉnh Thiểm Tây, ở khoảng giữa bốn cửa ải: Đông: Hàm Cốc, Tây Tản Quan, Bắc Tiêu Quan, Nam Vũ Quan.

Binh ròng: binh chính quy, đã luyện tập chu đáo.

U Châu thuộc đông bắc tỉnh Trực Lệ và tây bắc tỉnh Phụng Thiên(Hà Bằc và Liêu Ninh ngày nay)

Bắc thủy: ven cõi phía bắc

Nhất tự: chữ Nhất. Một lối bày binh hàng ngang, thẳng dài như chữ nhất.

Ngô công: con rết. Một lối bày trận cong queo, thụt vô, thụt ra như con rết.

Chưa về mệnh ta: chưa thần phục ta.

Thừa hư : thừa lúc vô tình không để ý.

Lộ trình : đường mình theo mà đi.

Sát khí : cái khí âm u, sầu thảm, chém giết của chiến tranh.

Tranh hành : hành là cân, đồ dùng để làm cho ngang bằng nặng nhẹ. Tranh hành là giành giựt lấy cái thế nặng nhe hơn thua.

Tấn Tần : Hai nước đời Xuân Thu, nhà vua hai nước thường mấy đời kết hôn với nhau. Đây nói hai họ kết hôn

Hoà thân : cùng nhau quyết định không tranh giành nhau cùng nhau kết hôn

Câu 161 -162 Đạm Trai phê : Xét cho cùng La Thành chỉ cầu « thành »( lứa đôi) mà Đậu Tuyến Nương cũng khéo dẫn « sợi chỉ »  tình. « tuyến ») Đạm Traio chơi chữ hai chữ Tuyến và Thành.

Cần quyền : Tha thiết, khẩn hoản gắn bó.

Hỏa bài : bài bằng gỗ dùng để truyền lệnh.

Áng : Nơi , chốn.

Việt Hồ : Việt ở phía Nam, Hồ ở phía Bắc, ý nói xa xôi cách trở

Đã đột tiên thanh : đã được tiếng trước giành trước được sự tấn công bất chợt rồi, thì phải rút lui, ở lâu lại có nhiểu nguy hiểm.

Hành nhân : người đi sứ.

Văn bản :

Bản C Câu 90 đổi hẳn đi rồi tiếp theo 10 câu, sau mới đến câu 91.

Hạ quân phi báo đồn trung,

Bài sai các đạo đều cùng tiến lên.

Nàng rằng : « Con chuột nhỏ nhen,

Vội gì đã rán nỏ ngàn cân chi.

Tôi tuy phận mọn nữ nhi,

Dưới màn vả dự truy tùy việc binh.

Xin đem một đội đến thành,

Thử xem gặc ấy binh tình những sao ? “

Biết con tài chẳng sút nào,

Lấy cờ lệnh tiễn bèn trao bấy giờ.

Phương Đông vừa..

Từ câu 113 đến câu 120 hai bản A, B chép:

Phải ra tay trước, phen nầy mấy xong,

Ầm ầm dục ngựa hoa đồng,

Như rồng cuốn nước, như hồng bay mây.

Thuyền quyên đã dám ra tay,

Ngứa con mắt mới, trang đài tướng quân.

Đùng đùng gió cuốn bụi trần,

Dọc ngang một cán thương thần xông pha.

Câu 203-232 hai bản A, B thâu ngắn 30 câu còn có 8 câu:

La Thành từ giở về nhà,

Đường kia nỗi nọ xiếc là ngỗn ngang.

Người sao gặp gỡ giữa đường,

Phận sao đôi ngã Sâm Thương cách vời.

Tình sao dễ ngán, khôn lời,

Vội sao chưa kịp một nhời riêng tây.

Nỗi niềm khôn gượng làm khuây,

Ngày dài nằm suốt sầu đầy bể vơi.

 

 

      Bấm vào để coi tiếp 1  2  3

 

TS Phạm Trọng Chánh

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris V Sorbonne.Tác giả : Hồ Xuân Hương Nàng là ai ? Nguyễn Du mười năm gió bụi và mối tình Hồ Xuân Hương. Truyện thơ Odyssé thi hào Homère qua 12110 câu thơ lục bát. Sử Thi Iliade qua 16833 câu thơ lục bát. Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu Thơ Tình Nhất Uyên (Huy Cận, Xuân Diệu đề tựa)..