"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

CÁI  VĂN, CÁI  VẼ, và  CÁI  ĐẸP

Trần thị LaiHồng sưu tầm

Mượn tựa đề của Võ Đình, nhân dịp Tết, để nhắc lại cái văn- chữ nôm/thơ nôm – cái vẽ, cái đẹp trong đường nét, màu sắc và ý nghĩa văn hóa tranh dân gian Việt Nam xưa.

Tranh dân gian có từ ngàn năm trước. Theo Phan Huy Chú trong Lịch Triều Hiến Chương, nghề vẽ tranh có từ triều Lý (1010-1225) và Trần (1225-1400). Khi quân nhà Minh bên Tàu sang xâm lăng ta (1414-1417), chúng đã lấy theo cả sáu chục tập tác phẩm in ấn của ta đem về nước. Tuy nhiên, ngành nghề khắc trên gỗ và in tranh dân gian ghi nhận Lương Nhữ Học là thánh tổ.  Đậu Thám hoa và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tôn từ năm 1442, ông được cử đi sứ sang Tàu hai lần, đã chú ý tìm hiểu nghề khắc và in mộc bản, một nghề vốn có của cha ông, đem về truyền dạy lại cho dân làng LiễuTràng, Hồng Lục và Khuê Liễu huyện Trường Tôn, tỉnh Hải Dương. Trong số các tác phẩm in ấn của nghệ nhân vùng này, có hàng ngàn bộ sách quý, trong số có Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên. Hiện tại làng Liễu Tràng vẫn còn đền thờ Lương Nhữ Học, gọi là Chùa Tràng.


 CaiVanCaiVe 1

Tranh mộc bản Rước Rồng

Tranh dân gian Việt Nam có giá trị rất lớn đối với văn hóa Việt Nam, nhất là tranh có chú thích Chữ Nôm. Chẳng vậy mà thời Pháp thuộc, người Pháp đã cố công lưu giữ làm tài liệu.  Trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội đã thu thập rất nhiều tranh dân gian Việt Nam, và lần đầu tiên đem triển lãm ngay tại Hà Nội năm 1949, tức là cách đây trên 60 năm, và sau đó đưa sang trưng bày tại Bảo tàng viện Guimet ở Paris, Pháp, năm 1960. 

Những hội viên Hội Nghiên Cứu Đông Dương và những nhà sưu tầm thời đó, hoặc là người Pháp như các cô J.Auboyer, t’Serstevens, các ông Paul Lévy, Louis Bezacier, và người Việt như Trần Văn Giáp, Trần Huy Bá, đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn này. 

Công trình đặc biệt nhất phải kể đến các học giả chuyên về Việt Nam,  Maurice Durand với Imagerie Populaire Vietnamienne, do Trường Viễn Đông Bác Cổ xuất bản năm 1960 tại Paris, Maurice Durand và Pierre Huard với Connaissance du VietNam, Henry Oger với Introduction Générale à l’Etude de la Technique du Peuple Annamite, Technique du Peuple Annamite: Planches, cả hai xuất bản tại Paris 1908.

Bài viết này đa phần dựa trên những sách vừa kể, vì những sách đó in tranh đầy đủ chú thích Chữ Nôm là phần quan trọng, trong khi một số sách trong nước mới in lại sau này đã xóa bỏ phần chú thích Chữ Nôm, không biết rằng đó mới chính là giá trị lịch sử chữ viết Việt Nam. Rất đáng tiếc!

Tranh dân gian có ngót cả năm ngàn tấm dưới nhiều đề tài, chia làm nhiều loại. 

Tranh tôn giáo và tín ngưỡng, vẽ Chư Phật Chư Thánh Chư Tăng Chư Thần …Tử vi Chiếu trạch, Huyền đàn Trấn Môn …

Tranh lịch sử, vẽ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Vua Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền …

Tranh giáo dục, tranh truyện, tranh thơ từ Truyện Trê Cóc, Trinh Thử, Thạch Sanh, Hoa Tiên ,Phan Trần, Quan Âm Thị kính, Nhị Độ Mai, Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều …  cho đến Tây Du Ký, Tam Quốc, Thủy Hử …

Tranh phong cảnh, trang trí, cúc trúc lan mai, tố nữ, tứ bình …

Tranh sinh hoạt xã hội, dạy học, làm ruộng, làm nghề chuyên môn, buôn bán chợ búa, gánh gồng, kéo xe, cày ruộng, tát nước, rước trạng, rước dâu, đám cưới, đám tang  …

 Tranh châm biếm, khôi hài, trong số có tranh chuột và mèo, cóc,hứng dừa, đánh ghen, đua đòi mốt mới văn minh Tây phương …

Tranh chúc tụng, Phước Lộc Thọ, Phú Quý Vinh Hoa, Thăng Quan Tiến Chức, mừng tân gia, mừng đám cưới …

***

Tranh dân gian phổ biến nhất là tranh Tết có mặt trong tất cả các loại vừa kể.  Bài này chỉ đưa ra một số tranh có chữ nôm, là bằng chứng cổ nhân đã cố tìm đường gột bỏ dấu vết nô lệ, tuy vẫn còn dây dưa ảnh hưởng “chệt hóa”.

Bức tranh trên đầu bài là lũ chuột cờ xí đánh trống thổi kèn đèn lồng rồng cá toàn đường nét Tàu, nhưng vớt lại được có hai chữ nôm ghi Rước Rồng.

Hai bức dưới đây đặc biệt đi vào văn học sử:

 CaiVanCaiVe 2       CaiVanCaiVe 3

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột/ om sòm trên vách bức tranh gà

(Tú Xương, Tết)

Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong/ màu dân tộc sáng ngời trên giấy điệp

(Thơ Hoàng Cầm, Bên Kia Sông Đuống)

Về màu sắc tranh quê, Lê Văn Hòe viết trong bài Lẽ Sống của tranh Gà Tranh Lợn đăng trên báo Xuân Văn Nghệ Quý Tỵ, xuất bản tại Hà Nội năm 1953:  Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay và ng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cầy, toàn những màu sắc quen thuộc thân mến từ bao nhiêu đời người rồi.  Những màu sắc ấy in sâu vào tâm não nông dân, hết thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc rồi. Những màu sắc xanh đỏ chói rực của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc mạc, quen thuộc như những màu xanh đỏ thô kệch, điềm đạm, thật thà của tranh lợn tranh gà.”

Nói đến tranh tết, phải kể những thú vui Xuân. Dưới đây là hai tấm tranh Xuân:

Tranh bên trái là Du Xuân Đồ, tựa đề hoàn toàn “chệt” chữ lớn góc trái phía trên.  Nhưng bên cạnh, phía phải, là bốn câu thơ nôm tả cảnh chơi Xuân: Thời bình mở hội Xuân /nô nức quyết xa gần/ nhạc dâng ca trong điện/ trò thưởng vật ngoài hiên. Góc trái có hai người thò tay vào một lu hay bọc lớn, có thể là trò bắt trạch trong lu. Trong nhà có một người đàn một người ca và hai ông quan thưởng thức ca nhạc. Ngoài sân có trò đô vật và chơi bài phu gồm bốn người ngồi chơi, hai người chạy cầm bài, giữa là bình đựng thẻ bài.

 CaiVanCaiVe 4

Bốn tay chơi bốn góc theo thứ tự kim đồng hồ từ trên phải xuống : 

-  Giáp, bên phải có hai câu thơ nôm Bán chi không đánh nhất văn/ bát văn cầm kết bấy phần gia cao.

-  Ất, góc phải, dưới:  Bài tôi ăn thưởng không thang/ lục văn cũng nghĩ  kết ngang chẳng cầm.

-  Bính, phía trên bên trái: Tam khôi bắt ngỏ rõ ràng/ mừng bỏ đứng dậy tâm trường múa lên.

-  Đinh, dưới góc trái: Hàng văn làng hãy còn cầm/ cầm chơi một ván đánh liều thử xem.

Tranh bên phải là Thưởng Xuân Đồ, vẫn tựa đề lớn rất “chệt” ở góc phải phía trên. Quang cảnh nhựng thú chơi Xuân diễn quanh sòng “xóc dĩa”. Chủ sòng ngồi trên sập trong nhà có gối dựa, bà vợ ngồi cạnh đếm thẻ.  Nhà cái là ông mập ngồi xệp trước sập.  Bốn câu nôm trên đầu nhà cái:  Bốn đồng trong chận lấy/ mua bán mới liền tay/ Rượu chè dù thích chí/ thua, được, lại càng say. Dưới chân ông mập nhà cái có hai chữ nôm bán chẵn.

Cảnh quanh sòng bài, bên phải có bà nạ dòng chỉ mặc yếm và quần cũn cỡn, lôi kéo ông chồng, có hai câu nôm:  Ông Hai xóc dĩa mời về/ gái này đương muốn ngứa nghề với ông. Bên dưới ông chồng trần trùng trục là một ông ngồi, trước mặt có hai chữ gia nội.

Phía trái có một cặp. Chàng đánh trần đưa bụng phệ, nàng đứng cạnh cầm một dung vải dài, phía trái có hai câu nôm: Khố này chính lụa Cổ Đô/ quả nhiên ngồi chận xin cô hãy cầm.  Lụa Cổ Đô ở Sơn Tây nổi tiếng tốt, đẹp và bền.

Ngay giữa là một ông đang lấy lửa từ đèn dầu, tay cầm sẵn điếu thuốc lào, trước mặt có hai chữ thong thả. Phía dưới trái là người được bạc vui bên đống tiền, có hai câu thơ nôm Năm mới được lấy may/ đành nên ta về nghỉ. Cuối cùng, góc dưới phải có mụ nạ dòng mặc yếm và quần cũn cỡn đang xỉ vả ông chồng ngồi trong chòi bài, trước mặt có hai câu Chơi Xuân nọ nhớ đến hoa/ mời cậu về nhà Xuân lại thêm Xuân. Ông chồng quay đầu về phía vợ nhưng chẳng thèm nghe lời chì chiết mè nheo, cạnh câu nôm dùng từ rất xưa  Qua viết khế ba bua, có nghĩa là ngoa ngoét thế bà ơi!


 CaiVanCaiVe 5

Hai bức tranh trên đây, phía trái là Sòng Xóc đĩa có vợ chồng chủ sòng và người hành văn ghi sổ sách. Phía trước có nhà cái ngồi xệp, hai bên có hai chữ nôm bán lẻ ắt rồi. Bên trái có người cho tay vào túi, trên đầu ghi giải thích hết tiền cho tay vào túi/ muốn cầm khăn. Phía dưới bên trái ghi hàng chè, bên phải ghi hàng rượu.

Tranh bên phải là Tổ tôm điếm, có câu nôm viết dọc phía dưới Tam văn không ăn bốc là cửu vạn.

Những tranh đen trắng thu nhặt trong bài này xưa hơn những tranh màu, và mang nặng đường nét rất chệt, nhưng phần ghi chú chữ nôm rất rõ ràng, trong khi tranh màu hoàn toàn đường nét dân gian Việt nhưng có khi lại xóa mất chú thích, và rất khó kiếm tranh có đầy đủ chữ nôm.

Bức Hứng Dừa đen trắng trong Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand  có ghi chú chữ nôm Trong như ngọc trắng như ngà. Bên phải tranh là bức Đánh Ghen có ghi chú nôm Muốn vẻ thanh, tham vẻ quí. Chú thích nôm trên bức màu bên dưới là  Khen ai khéo dựng nên dừa/ đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi.

 CaiVanCaiVe 6

 CaiVanCaiVe 7

Hai bức tranh dưới đây, bức trên chú thích nôm Đu Đôi,  Bắt Trạch, bức dưới Bịt Mắt Bắt Dê,  là ba trong nhiều thú vui Xuân tại làng quê miền Bắc ngày xưa. Lưu ý các giải thưởng treo lòng thòng trên cột. Bức màu Bịt Mắt Bắt Dê bên dưới vẽ lại mới hơn bức đen trắng nhưng không có chú thích.

CaiVanCaiVe 8 

 CaiVanCaiVe 9

Hai bức dưới đây, bên trái vẽ cảnh một trò thi đua khác trong những thú vui Xuân, chú thích nôm là Thổi cơm thi, và bên phải là Hát Trống quân.

 CaiVanCaiVe 10  CaiVanCaiVe 11

Hai trò vui Xuân khác ngoài Bắc ngày xưa là Leo Cột bên trái, và Liếm Chảo bên phải.

 CaiVanCaiVe 12CaiVanCaiVe 13

 

Hai bức tranh vui nhộn sắm sửa chợ búa ngày xưa với màu sắc nông thôn áo váy quang gánh thúng mủng xe kéo … có nét dí dỏm tục tĩu với câu nôm chửi thề rất bình dân miền Bắc. Bức đen trắng ghi chủ đề Phố An Nam đọc từ trên xuống, sau lưng nguời kéo xe, đầy đủ hình ảnh và câu chửi bằng chữ nôm. Đặc biệt rất Việt Nam là trò viết vẽ bậy trên tường nhà. Hình vẽ bậy trên hông tường cửa tiệm là cái tam giác có lông tua tủa, và câu chửi tục rất Bắc Kỳ (xin lỗi quý vị) viết bằng chữ nôm đọc trên xuống dưới, từ phải qua trái, là Đéo mẹ cha đứa nào ở trong cái nhà này.

 CaiVanCaiVe 14

 

Bức màu bên dưới vẽ lại sau này bị xóa câu chửi, không những làm mất ý nghĩa đời sống bình dân thôn quê mà lại mất dòng chữ nôm chứng tích quá trình chữ Việt.  Đáng tiếc!

 CaiVanCaiVe 15

 Nói về châm biếm, giai đoạn giao thời giữa văn minh Tây phương do người Pháp đem sang không thiếu gì chống đối qua tranh dân gian. Người Pháp cũng ghi nhận, ngay trong tập Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand có nhiều tranh như sau.

 CaiVanCaiVe 16

 

Những dòng nôm tranh bên trái, đọc kiểu chệt từ trên xuống dưới và từ phải sang trái Phong tục cải lương moa tăng fou (moa tăng fou= moi, je m’en fous= tao, cóc cần!).  Dòng nôm tranh bên phải Văn minh tiến bộ toa tăng xương (toa tăng xương = Toi, tention! Tức là Toi, attention!= Mày, coi chừng! Tiếng Pháp).

Nhưng xã hội thời đó không thiếu gì người đua đòi cải lương mốt mới. Hai bức tranh dưới đây chắc chắn phải có trước thời áo tân thời Lemur. Một cô tân thời mặc đầm đi xe chọi che dù, có câu nôm Phong tục cải lương.  Bức bên phải có công tử học đòi ăn chơi dắt đào mặc áo dài ngũ thân và quần trắng bỏ áo tứ thân váy lĩnh thâm, có bốn câu  tập kiều, đọc từ phải sang trái theo kiểu Tàu Cậu nay công tử ăn chơi/ trăm nghìn đổ một trận cười như không/ Chữ rằng tài hóa lưu thông/ hết rồi lại có không long gan vàng.

 CaiVanCaiVe 17

 Để thay đổi không khí, dưới đây là tranh cóc nhái đi học, có thể có ngụ ý các cụ ngày xưa đã tiên đoán bây giờ ở Việt Nam, cóc nhái đều phải cố kiếm mua ít nhất mảnh bằng cử nhân tiến sĩ nếu muốn thăng quan tiến chức, hoặc phải có phó tiến sĩ, thạc sĩ mới được nắm quyền cao chức trọng ăn trên ngồi trốc bốc hốt xương máu và nước mắt dân lành.

CaiVanCaiVe 18 

Tranh Đám Cưới Chuột, ngụ ý xã hội tham nhũng hối lộ người quyền thế, đám cưới chuột phải đem lễ vật cho mèo để được yên thân, không khác gì xã hội trong nước ngày nay với nạn tham nhũng càng ngày càng trầm trọng.

 CaiVanCaiVe 19

 Nhân viết về tranh dân gian và chữ nôm, tưởng cũng nên nhắc nhở xưa Tiên Điền Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng nôm, và truyện đã được kể bằng tranh.  Xin đan cử một bức trân kính tưởng đến người đã làm vẻ vang văn chương Việt, cũng chính là người phải đi qua giai đoạn mang dấu vết nô lệ người Tàu. 

Bức tranh dưới đây thuộc loại tranh truyện, có ba nhân vật chính Kim Vân Kiều trong cảnh đoàn tụ sau cùng, với bốn câu thơ phía trái, đọc từ trên xuống dưới từ phải sang trái (lại kiểu Tàu!) Tàng tàng chén cúc giở say/ đứng lên Vân mới kể bày một hai/ rằng trong tác hợp duyên trời/ đôi bên gặp gỡ một lời kết giao. Trên đầu Kiều đang gẩy đàn là câu Hoa tàn mà lại thêm tươi/ trăng tàn mà lại thêm mười rằm xưa. Phía bên phải là Những từ sen ngó đào tơ/ mười lăm năm ấy bây giờ là đây/ Thế gian đâu có hội này/ thỏa lòng chua xót bõ lòng khát khao.

 CaiVanCaiVe 20

 

Trong ngót năm ngàn bức tranh, ở đây chỉ nhặt nhạnh hạn hẹp một số liên quan đến cái văn của chữ nôm thơ nôm tượng trưng cho ý chí người xưa muốn vượt thoát ảnh hưởng Tàu, cái vẽ cái đẹp của đường nét, màu sắc và ý nghĩa bình dị mộc mạc tranh dân gian Việt nam liên hệ đến Tết và Xuân.  Noi gương người xưa, xin bắt chước lẩy Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta,

với ước mong đem lại được phần nào

mua vui cũng được một và trống canh.


Trần thị LaiHồng

Hoa Bang, cuối năm 2007


Tài liệu tham khảo

-  Henry Oger, La Technique du Peuple Annamite: Planches, nxb Jouve & Cie, Paris 1908

-  Henry Oger, Introduction Générale à l’Etude de la Technique du Peuple Annamite, nxb P. Geuthner, Paris 1908

-  Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne, Publications de l’Ecole Francaise d’Extrême-Orient, Paris 1960

-  Nguyễn Mạnh Hùng, Ký Họa Việt Nam, nxb Trẻ, 1989

-  Pierre Huard et Maurice Durand, Connaisance du Vietnam, Ecole Francaise d’Extrême-Orient, Hanoi 1954

-  Vũ Văn Kính, Đại Tự Điển Chữ Nôm, nxb Văn Nghệ, Trung Tâm Nghiên cứu Quốc học, Saigon, 1998