"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

“RƯỠI” và “RƯỞI”

 

Thắc mắc như thế nầy : tại sao để chỉ một thêm phân nửa, hoặc nghìn thêm phân nửa ta có đến hai từ “RƯỠI” và “RƯỞI” ?

Sau khi lui trông tới ngắm, xem xét kĩ lưỡng những từ tố đứng trước và sau, rồi cân đo nặng nhẹ…, vẫn không thấy có gì khác biệt để phân khi nao thì viết “Rưỡi” và lúc nào thì phải viết là “Rưởi”…

Nhờ bác Từ Điển vậy. Theo Từ Điển Tiếng Việt - 2011 của nhà Xuất Bản Đà Nẵng, thì :

– RƯỞI (danh từ – ít dùng) : như rưỡi (nhưng thường chỉ dùng sau số đơn vị từ hàng trăm trở lên) > trăm rưởi, triệu rưởi.

– RƯỠI (danh từ) : một nửa của đơn vị > một nghìn rưỡi, làm trong một tuần rưỡi, giá điện tăng gấp rưỡi > Đồng nghĩa : rưởi.

Trớ trêu thật ! Vậy thì khác nhau ở điểm nào ? Sử dụng ra làm sao ?

Theo như trên thì “Rưỡi” dùng cho hàng đơn vị và hàng chục ; còn “Rưởi” thì cho hàng trăm trở lên.

Nhưng trong ví dụ của “Rưỡi” ta lại bắt gặp, không những hàng đơn vị, mà có cả… “nghìn rưỡi” (!)

Xem các từ điển cổ ra sao :

– Việt Bồ La (1651), Alexandre de Rhodes : chỉ có “Rưỡi” như “một trăm rưỡi” ;

– Tự vị An Nam - La Tinh (1772), Pigneaux de Béhaine : chỉ có “Rưỡi” với các ví dụ như “một nửa”, “một trăm rưỡi” ;

– Petit Dictionnaire Francais - Annamite (1884), Trương Vĩnh Ký : chỉ có “Rưỡi” là “ phân nửa” ;

– Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895), Huỳnh Tịnh Của, thì cũng chỉ ghi có “Rưỡi”, là một cái nguyên với nửa cái, và… trăm rưỡi là một trăm có lẻ năm mươi.

– Dictionnaire Annamite - Francais (1899) của Bonet chỉ ghi dạng “Rưỡi”, và “nồi rưỡi”

Thế thì “Rưỡi” được dùng cho tất cả từ hàng đơn vị trở lên cho đến vô cùng.

“Rưởi” là từ ngày xưa không có mà ngày nay có và chẳng để làm sao cả ! Chả thêm nghĩa gì khác hơn cả !

Vậy, sao các vị làm từ điển cứ cho hết vào thế này ? Cho có vẻ nhiều chữ hơn ?

Từ “Rưởi” nầy xuất hiện chính xác từ khi nào và nguyên do ra làm sao ?…

Tôi xin đưa giả thuyết là do vua viết sai, quần thần không dám chữa, và dân chúng thì có chữ sẵn rồi nên mới có chuyện song hành vớ vẩn như thế…

ĐÚC KẾT : để giữ tính trong sáng của tiếng Việt, ta nên từ chối cái “Rưởi” thừa thãi, vô tích sự nầy đi và dùng duy nhất từ “RƯỠI” (với dấu “ngã”) để chỉ cái phân nửa thêm vào.

 

Vũ Hạ

13 tháng 11, 2012

[478 từ]