Cuộc Xung Đột Giữa các Nền Văn Minh
[Bài
Thứ Ba]

 22bhvhcxd1

 Trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva (Nguồn Wikipedia)

184 Quốc gia. Nhiều hơn hoặc ít hơn (1). Bản đồ thứ ba về thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh bắt nguồn từ cái thường được gọi là lý thuyết "hiện thực" (realist theory) về quan hệ quốc tế. Theo lý thuyết này, các quốc gia thực sự là chủ thể quan trọng duy nhất trong các vấn đề thế giới, mối quan hệ giữa các quốc gia là một mối quan hệ không có lãnh đạo (anarchy)(2), và do đó để đảm bảo sự tồn tại và an ninh của họ, các quốc gia luôn cố gắng tối đa hóa quyền lực của mình. Nếu một quốc gia nhận thấy một quốc gia khác gia tăng quyền lực của họ và do đó trở thành một mối đe dọa tiềm tàng, nó sẽ cố gắng bảo vệ an ninh của chính mình bằng cách tăng cường quyền lực của mình và / hoặc bằng cách liên minh với các quốc gia khác. Những lợi ích và hành động của trên dưới 184 quốc gia của thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh có thể được dự đoán từ những giả định này.

Bức tranh "hiện thực" về thế giới này là một điểm khởi đầu rất hữu ích để phân tích các vấn đề quốc tế và giải thích nhiều hành vi của một quốc gia. Các quốc gia đang và sẽ vẫn là thực thể quan trọng nhất  trong các công việc của thế giới. Họ duy trì quân đội, tiến hành ngoại giao, đàm phán các hiệp ước, tiến hành các cuộc chiến tranh, kiểm soát các tổ chức quốc tế, gây ảnh hưởng với, và ở mức độ đáng kể,  định hình (shape) sản xuất và thương mại. Chính phủ của các quốc gia ưu tiên đảm bảo an ninh đối ngoại (external security) của quốc gia họ (mặc dù họ thường có thể cho ưu tiên cao hơn cho việc đảm bảo an ninh của chính mình với tư cách là chính phủ chống lại các mối đe dọa từ bên trong). Nhìn chung, mô thức căn cứ trên quốc gia (statist paradigm) này cung cấp một bức tranh và một hướng dẫn thực tế hơn về chính trị toàn cầu so với các mô thức về một hoặc hai thế giới (one- or two-world paradigms).

Tuy nhiên, nó cũng gặp phải những hạn chế nghiêm trọng.

Nó giả định rằng tất cả các quốc gia đều nhận thức lợi ích (interest) của họ một cách giống nhau và hành động cùng một lối. Giả định đơn giản của nó-rằng quyền lực là tất cả - là một điểm khởi đầu để hiểu  hành vi của các quốc gia nhưng nó không dắt chúng ta đi xa lắm. Các quốc gia xác định lợi ích của họ trên bình diện quyền lực nhưng ngoài ra  còn trên nhiều bình diện khác nữa. Tất nhiên, các quốc gia thường cố gắng cân bằng quyền lực (balance of power), nhưng nếu họ chỉ nhắm vào việc cân bằng quyền lực thôi thì các nước Tây Âu đã  liên minh với Liên Xô chống lại Hoa Kỳ vào cuối những năm 1940. Các quốc gia chủ yếu phản ứng với các mối đe dọa họ nhận thức được, và các quốc gia Tây Âu thời đó nhận thấy mối đe dọa chính trị, ý thức hệ và quân sự từ phía Đông. Họ  đã nhìn thấy quyền lợi  của họ theo lối mà lý thuyết hiện thực cổ điển (classic realist theory)  không thể tiên đoán được. Các giá trị, nền văn hóa và các thể chế ảnh hưởng sâu đậm vào cách các quốc gia xác định lợi ích của họ. Lợi ích của các quốc gia không chỉ được định hình bởi các giá trị và các thể chế trong nước của họ mà còn bởi các chuẩn mực và thể chế quốc tế. Trên và ngoài mối quan tâm hàng đầu của họ về an ninh, các loại nhà nước khác nhau xác định lợi ích của họ theo những cách khác nhau. Các quốc gia có nền văn hóa và thể chế tương tự sẽ  thấy họ có những quyền lợi chung. Các quốc gia dân chủ có những điểm chung với các quốc gia dân chủ khác và do đó không gây chiến với nhau. Canada không cần phải liên minh với một cường quốc khác để ngăn chặn sự xâm lược của Hoa Kỳ.

Ở cấp độ cơ bản, các giả định về mô thức quốc gia (statist paradigm) đã đúng trong suốt lịch sử. Do đó, chúng không giúp chúng ta hiểu được chính trị toàn cầu sau Chiến tranh Lạnh  khác với chính trị toàn cầu trong và trước Chiến tranh Lạnh như thế nào. Tuy nhiên, rõ ràng là có sự khác biệt và các quốc gia theo đuổi lợi ích của họ một cách khác nhau từ giai đoạn lịch sử này sang giai đoạn lịch sử khác. Trong thế giới sau Chiến tranh Lạnh, các quốc gia ngày càng xác định rõ lợi ích của mình trên cơ sở của nền văn minh. Họ hợp tác và liên minh với các quốc gia có nền văn hóa tương tự hoặc chung nền văn hóa  và xung đột thường hơn với các quốc gia có nền văn hóa khác mình. Các quốc gia xác định các mối đe dọa dựa trên ý định của các quốc gia khác, và những ý định đó và cách chúng được nhận thức được định hình một cách mạnh mẽ bởi các cân nhắc về văn hóa. Công chúng và chính khách ít có khả năng nhìn thấy các mối đe dọa xuất hiện từ những người mà họ cảm thấy họ hiểu và có thể tin tưởng vì có chung ngôn ngữ, tôn giáo, các giá trị, các thể chế và văn hóa. Họ có nhiều khả năng nhìn thấy các mối đe dọa đến từ các quốc gia mà xã hội  có nền văn hóa khác mình  và do đó họ không hiểu và cảm thấy họ không thể tin tưởng. Giờ đây, một Liên Xô theo chủ nghĩa Mác-Lê nin không còn là mối đe dọa đối với Thế giới Tự do và Hoa Kỳ không còn gây ra mối đe dọa đối trọng với thế giới cộng sản nữa, các quốc gia trong cả hai thế giới ngày càng nhận thấy các mối đe dọa đến từ các xã hội khác biệt mình về văn hóa.

Trong khi các quốc gia vẫn là tác nhân chính trong các vấn đề thế giới, họ cũng đang chịu những mất mát về chủ quyền và chức năng và quyền lực. Các định chế quốc tế hiện khẳng định quyền phán xét và hạn chế hành động  của các quốc gia   trên lãnh thổ của chính mình. Trong một số trường hợp, đáng chú ý nhất là ở Châu Âu, các tổ chức quốc tế đã đảm nhận các chức năng quan trọng trước đây được thực hiện bởi các quốc gia, và các cơ quan hành chính quốc tế mạnh mẽ đã được thành lập để hoạt động trực tiếp trên từng công dân. Trên toàn cầu, đã có một xu hướng làm chính quyền quốc gia mất bớt quyền lực  thông qua việc phân quyền cho các thực thể cấp dưới quốc gia, cấp khu vực, cấp tỉnh và cấp địa phương. Ở nhiều quốc gia, kể cả những nước thuộc thế giới phát triển, có những  phong trào khu vực  thúc đẩy quyền tự trị hoặc ly khai đáng kể. Chính quyền các quốc gia nói chung đã mất khả năng kiểm soát dòng tiền tệ  vào và ra khỏi đất nước của họ và ngày càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát các dòng ý tưởng, công nghệ, hàng hóa và con người. Nói tóm lại, biên giới quốc gia ngày càng trở nên xuyên suốt. Tất cả những phát triển này đã khiến nhiều người thấy sự kết thúc dần dần của trạng thái "banh bi da" cứng (3), vốn dĩ đã trở thành chuẩn mực kể từ Hòa ước Westphalia năm 1648, và sự xuất hiện của một trật tự quốc tế đa dạng, phức tạp, nhiều lớp gần giống với của thời trung cổ.

Hỗn loạn tuyệt đối (sheer chaos). Sự suy yếu của các quốc gia và sự xuất hiện của các "quốc gia thất bại" (failed states) góp phần tạo nên bức tranh  thứ tư về một thế giới trong tình trạng hổn loạn. Mô thức này nhấn mạnh: sự tan vỡ thẩm quyền chính phủ; sự tan rã của các quốc gia; sự gia tăng của xung đột bộ lạc, sắc tộc và tôn giáo; sự xuất hiện của các mafia tội phạm quốc tế; số người tị nạn nhân lên hàng chục triệu người; phổ biến vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác; sự  lan rộng  của chủ nghĩa khủng bố; sự lan tràn của các vụ thảm sát và thanh lọc sắc tộc (ethnic cleansing). Bức tranh về một thế giới sống trong hỗn loạn này đã được vẽ ra một cách thuyết phục và tóm tắt trong tựa đề của hai tác phẩm sâu sắc xuất bản năm 1993: Out of Control  (Mất Kiểm Soát) của Zbignew Brzezinski và Pandaemonium (Đại Loạn) của Daniel Patrick Moynihan.

Giống như mô thức quốc gia, mô thức hỗn loạn (chaos paradigm) gần với thực tế. Nó cung cấp một bức tranh sinh động và chính xác về phần lớn những gì đang diễn ra trên thế giới, và không giống như mô thức quốc gia, nó làm nổi bật những thay đổi đáng kể trong chính trị thế giới xảy ra sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ví dụ, tính đến đầu năm 1993, ước tính có 48 cuộc chiến tranh sắc tộc đã xảy ra trên khắp thế giới (ethnic wars) , và 164 "yêu sách về  lãnh thổ-sắc tộc và xung đột liên quan đến biên giới"("territorial-ethnic claims and conflicts concerning borders") xảy ra  ở Liên Xô cũ, trong đó có 30 cuộc liên quan đến một số hình thức xung đột vũ trang. Tuy nhiên, mô thức này thậm chí còn bị mất công hiệu nhiều hơn so với mô thức quốc gia do việc nó quá sát với thực tế. Thế giới có thể hỗn loạn nhưng nó không phải  hoàn toàn không có chút  trật tự nào. Bức tranh  về  một tình trạng hỗn loạn khắp hoàn vũ và thuần nhất (universal and undifferentiated anarchy) cung cấp được ít manh mối để hiểu thế giới, để sắp xếp các sự kiện và đánh giá tầm quan trọng của chúng, để tiên đoán các xu hướng trong tình trạng vô chính phủ, để phân biệt giữa các loại hỗn loạn và các nguyên nhân và hậu quả có thể khác nhau của chúng, và để phát triển các hướng dẫn cho các nhà hoạch định chính sách chính phủ.

So sánh các thế giới: Chủ trương hiện thực (Realism),  Chủ trương đơn giản hoá lý luận (Parsimony)(4)  và Dự đoán

Mỗi mô thức trong số bốn mô hình (5) này cung cấp một sự kết hợp hơi khác nhau giữa chủ trương hiện thực ( mô tả  sát thực  tế) và chủ trương đơn giản trong lý luận. Mỗi mô thức cũng có những khiếm khuyết và hạn chế của nó. Chúng ta có thể hình dung rằng những điều này có thể  giảm thiểu được  bằng cách kết hợp các mô thức, và ví dụ, giả định rằng thế giới đang tham gia cùng một lúc vào các quá trình phân mảnh và tích hợp. Cả hai xu hướng đều thực sự tồn tại, và một mô hình phức tạp hơn sẽ gần đúng với thực tế hơn một mô hình đơn giản hơn. Tuy nhiên, điều này hy sinh tính đơn giản để thiên về trường phái hiện thực và nếu theo đuổi rất xa, sẽ dẫn đến việc bác bỏ tất cả các mô thức hoặc lý thuyết. Ngoài ra, lúc chấp nhận cùng một lúc hai xu hướng đối lập nhau, mô hình “tích hợp-phân mảnh” không thể xác định được  trong hoàn cảnh nào xu hướng này sẽ chiếm ưu thế và trong hoàn cảnh nào xu hướng kia sẽ chiếm ưu thế. Chúng ta đứng trước thách thức làm thế nào phát triển được một mô thức giải thích cho nhiều sự kiện then chốt hơn và giúp chúng ta hiểu tốt hơn về các xu hướng so với các mô thức khác ở mức độ trừu tượng trí tuệ tương tự.

Bốn mô hình này cũng không tương thích (compatible) với nhau. Thế giới không thể vừa là một, vừa được phân chia về cơ bản giữa Đông và Tây hoặc Bắc và Nam. Nhà nước quốc gia cũng không thể là nền tảng của các vấn đề quốc tế nếu nó bị chia cắt và bị xé nát do nội chiến (civil strife) tràn lan. Thế giới là một, hoặc hai, hoặc 184 quốc gia, hoặc có thể là một số lượng gần như vô hạn các bộ lạc, dân tộc và nhóm sắc tộc (nationalities).

 

 

Chú thích:

1)Hiện nay trên thế giới có 195 “nước” (countries). Tổng số này bao gồm 193 quốc gia là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (United Nations) và 2 quốc gia là quốc gia quan sát viên không phải là thành viên: Tòa thánh Vatican (The Holy See) và Nhà nước Palestine (State of Palestine).

Không có trong danh sách 195 quốc gia này:

-Đài Loan - Liên hợp quốc coi Đài Loan được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đại diện.

-Quần đảo Cook và Niue, cả hai quốc gia này liên kết tự do (free association) với New Zealand, là thành viên của một số cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và đã được công nhận có "đầy đủ năng lực hay tư cách pháp lý thiết lập hiệp ước" ("full treaty-making capacity"), nhưng không phải là quốc gia thành viên cũng không phải là quốc gia quan sát viên của Liên Hợp Quốc.

-Vùng phụ thuộc (hoặc vùng lãnh thổ phụ thuộc, vùng phụ thuộc, vùng phụ thuộc) và Vùng có chủ quyền đặc biệt (vùng lãnh thổ tự trị) (Dependencies (or dependent territories, dependent areas, dependencies) and Areas of Special Sovereignty (autonomous territories)

-Các quốc gia khác được Liên hợp quốc công nhận là không tự quản (self governing)

(theo Worldometers.info)

2)Trong những năm 1530, từ anarchy  (từ tiếng Pháp anarchie; gốc Hy lạp anarkhia: an=không có, arkhos=lãnh đạo/leader)" có nghĩa “sự vắng mặt của chính phủ".

Từ những năm 1660’s là "sự hỗn loạn hoặc không có thẩm quyền nói chung” (confusion or absence of authority in general), đến năm 1849 liên quan đến lý thuyết xã hội ủng hộ "trật tự không quyền lực" (order without power), với các hiệp hội và hợp tác xã thay thế cho chính phủ trực tiếp (direct government), như được đề ra  vào những năm 1830 bởi nhà triết học chính trị người Pháp Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865).

Trong đoạn này, người dịch (HVH) không dịch “anarchy” là  mối quan hệ “vô chính phủ” giữa các quốc gia vì sợ tối nghĩa (mỗi quốc gia đều có chính phủ riêng), chỉ vắng mặt một chính phủ trung ương siêu quốc gia, không có tôn ty trật tự (hiearchy) giữa các quốc gia . Xin tạm  dịch ‘anarchy”: “[mối quan hệ giữa các quốc gia là] một mối quan hệ không có lãnh đạo”.

(https://www.etymonline.com/word/anarchist)

3)Hòa ước  Westphalia (1648) xác lập chủ quyền (sovereignty)  là đặc điểm phân biệt của hệ thống nhà nước, kết thúc cuộc Chiến tranh 30 năm (1618-48), chủ yếu diễn ra tại vùng nay là nước Đức và bao gồm hầu hết các cường quốc của châu Âu lục địa thời bấy giờ. Trên danh nghĩa, đây là một cuộc chiến tranh tôn giáo giữa những người Tin lành (Lutheran) và những người Công giáo (Catholic) nhưng  động cơ chính của cuộc chiến bắt nguồn từ cuộc tranh giành quyền lực giữa nhà Habsburg và các cường quốc khác ở châu Âu như Pháp với Hồng y Richelieu.

Hòa ước Westphalia dựa trên hai nguyên tắc:

1. Các quốc gia được hưởng quyền tài phán có chủ quyền (sovereign jurisdiction, quyền kiểm soát độc lập đối với những gì xảy ra trên lãnh thổ của mình).

2. Các quốc gia đều bình đẳng về mặt pháp lý và quan hệ giữa các quốc gia xây dựng trên  sự chấp nhận độc lập chủ quyền (acceptance of sovereign independence).

Một quốc gia , được xác định bởi công ước Montevideo về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia  năm 1933, có 4 phẩm chất:

1. Một lãnh thổ xác định

2. Một dân số thường trực

3. Một chính phủ hiệu quả

4. Năng lực tham gia quan hệ với các quốc gia khác

Trong mô hình banh bi-da (billiard ball model) được các nhà lý thuyết hiện thực (realist theorist)  áp dụng, các quốc gia là những quả banh bi-da va chạm với nhau. Chủ quyền (sovereignty)  là lớp vỏ bên ngoài cứng không thể xuyên thủng của quả banh giúp nó có thể chịu được tác động của va chạm. Không phải tất cả các quả banh đều có kích thước như nhau, đó là lý do tại sao chính trị quốc tế chú ý đến lợi ích và hành vi của các 'cường quốc'. Mô hình này đã phải chịu áp lực do sự phụ thuộc lẫn nhau (interdependence) của các quốc gia ngày càng tăng.

http://hollyspolitics.blogspot.com/2015/09/states-and-state-systems.html

4) Về từ: Realism và Parsimony: Theo Từ điển Merriam Webster, ngoài nghĩa “ cẩn thận với tiền bạc hoặc tài nguyên” (đồng nghĩa với tiết kiệm /thrift) hoặc trạng thái keo kiệt (state of being stingy); parsimony còn có nghĩa rộng hơn :

“ Sự cần kiệm, dè xẻn trong việc sử dụng các phương tiện để đạt một mục tiêu; đặc biệt

là: giảm thiểu cách  giải thích phù hợp với nguyên tắc “lưỡi dao cạo của Occam (economy in the use of means to an end; especially : economy of explanation in conformity with Occam's razor)

Định nghĩa nguyên tắc “lưỡi dao cạo của Occam”: “một quy tắc khoa học và triết học cho  rằng các thực thể không được nhân lên một cách không cần thiết, được hiểu là đòi hòi những lý thuyết cạnh tranh đơn giản nhất được ưu tiên hơn những lý thuyết phức tạp, hoặc đối với  các hiện tượng chưa biết trước tiên cần cố gắng giải thích chúng  bằng những  lượng số đã biết”.

(a scientific and philosophical rule that entities should not be multiplied unnecessarily which is interpreted as requiring that the simplest of competing theories be preferred to the more complex or that explanations of unknown phenomena be sought first in terms of known quantities)

William of Occam là một nhà thần học và triết gia thế kỷ thứ 14 đề xướng định luật ‘the law of parcimony” , có thể giải  thích một cách đơn giản  là “keep it simple”. Chúng ta có thể dịch thoát là “nguyên tắc kiệm lời” (tiết kiệm lời nói) , hay như trong bài này “chủ trương đơn giản hóa lý luận”, để nêu tương phản với “trường phái hiện thực” (realism), được định nghĩa là:

“lý thuyết hoặc thực hành về sự trung thực của nghệ thuật và văn học với tự nhiên hoặc với cuộc sống thực và sự thể hiện chính xác mà không lý tưởng hóa”

(the theory or practice of fidelity in art and literature to nature or to real life and to accurate representation without idealization).

4) 4 mô hình về thế giới sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt:

  1. Một thế giới hòa đồng theo thuyết “điểm tận cùng của lịch sử”(the end of history) cùa Fukuyama
  2. Hai thế giới (Đông và Tây, Nam Bắc)

(đã được đề cập trong 2 bài trước)

và 2  mô hình thế giới khác bàn trong bài này:

  1. 184 quốc gia với chủ quyền
  2. hỗn loạn tuyệt đối” (Sheer chaos)

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order

By Samuel P. Huntington

Chapter One: The New Era in World Politics

Ngày 25  tháng 4 năm 2022

(còn tiếp)