Tranh Mộc Bản Cổ Truyền

                                                   Tết về nhớ bánh chưng xanh
                                              Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.

   Tranh Tết cổ truyền là tranh mộc bản dân gian. Những tranh này được vẽ, khắc trên bản gỗ xong in thành nhiều bản đem bày bán trong các gian hàng ở phố hay chợ. Gía cả của tranh rất rẻ, nên từ nghèo đến giàu ai ai cũng có thể mua sắm ít nhiều trang trí cho nhà cửa tươi sáng hơn. Thực sự không phải chủ đề của tranh mộc bản chỉ nhằm vào Tết và xuân, nhưng năm cùng tháng tận, chuẫn bị chào đón năm mới là dịp mọi người mua sắm, tân trang nhà cửa, treo tranh vẽ, chưng hoa và bày cây kiển. Tranh mộc bản là công trình nghệ thuật của những nghệ sĩ dân gian, diễn tả nhiều lãnh vực, từ sinh hoạt hằng ngày trong làng xã đến tôn giáo, lịch sử và cả những suy tư, thao thức mà con người thời bấy giờ chưa tìm ra được giải đáp.

Cách thức in ấn tranh cổ truyền:
   Ðiều quan trọng của việc in tranh mộc bản là giấy và mực.
   Ngày xưa giấy thuờng dùng có ba loại: giấy quyến, giấy bổi và giấy dó. Giấy quyến trắng mỏng, mềm mại, ít mùi khói khi đốt nên thường dùng để quấn thuốc hút, không làm sai lạc mùi thơm nguyên thủy của thuốc lá. Giấy bổi màu nâu nhạt, dày, thường dùng để in sách. Giấy thứ ba làm bằng vỏ cây dó (cây này rất nhiều ở Tuyên quang), dai chắc và dễ thấm mực hơn hai loại kia, dùng để in tranh mộc bản. Trước khi in, giấy dó còn phải phết lên một lớp hồ loãng tùy theo loại tranh và giữ cho giấy khỏi bị nhầu nát.
   Có ba loại giấy dó thông dụng: giấy điệp, giấy hoa hiên và giấy kim nhũ hay ngân nhũ.
Muốn làm giấy điệp, người ta dùng mảnh vỏ trai (clams), vỏ sò điệp (scallops) nghiền nát thành bột thật mịn trộn với hồ loãng khuấy bằng bột gạo (trong hồ còn cho ít vôi để ngăn ngừa gián và thằn lằn đến ăn hồ làm hỏng tranh) quét lên mặt giấy một lớp mỏng, đều. Sau khi phơi khô, những chấm li ti của trai và sò điệp tạo cho mặt giấy trắng lấp lánh. Giấy này phải in bằng những màu nguyên chất vì nếu pha nước, màu sẽ không thấm vào giấy.
   Loại thứ hai giấy hoa hiên cũng là giấy dó, được nhuộm bằng hoa hiên giã nát, pha với nước tạo thành màu vàng đậm, và cũng được phết một lớp hồ trộn bột vỏ sò, nên giấy nền vàng lại cũng có nhiều chấm trắng lấp lánh.
   Loại thứ ba là giấy kim nhũ hay ngân nhũ. Người ta dùng hồ loãng (theo như hồ làm giấy điệp đã trình bày) trộn với bột kim nhũ hay ngân nhũ xong quét lên mặt giấy dó, loại này không có bột vỏ điệp hay vỏ trai.
   Mực in tranh gồm có mực xạ và màu. Mực xạ tức mực Tàu, màu đen dùng để in những đường nét chính, còn những khoảng tranh có màu đen lớn người ta dùng than của lá tre già (vì mực xạ đắc hơn). Màu có hai loại: thuốc bột khô như thuốc điệp màu trắng lấp lánh (vỏ trai và điệp nghiền thành bột), thuốc xa thanh, màu xanh lơ (xa cừ), kim nhũ, vàng óng ánh (vàng nghiền thành bột), và ngân nhũ , trắng lung linh (bạc nghiền thành) và loại thuốc nước có nhiều màu khác nhau thường lấy từ những chất liệu thiên nhiên như xanh của lá chàm, đỏ của gỗ vang, vàng của hoa hòe. . .

   Bức tranh có bao nhiêu màu thì phải in bấy nhiêu lần trên nhiều bản gỗ khắc khác nhau, cũng có những bức tranh người ta chỉ in những đường nét chính xong tô màu lên như tranh Hàng Trống.

Tính chất tranh mộc bản:
   Khác với hội họa Tây phương, tranh mộc bản có năm tính chất:

  1. Nghệ nhân không tốt nghiệp từ trường cao đẳng mỹ thuật.
  2. Màu sắc do nguyên liệu thiên nhiên làm ra khá đơn giản
  3. Tranh không theo luật viễn cận
  4. Một bức tranh có thể vẽ nhiều sinh hoạt khác nhau cả thời gian và không gian
  5. Người hay vật chính thường được vẽ to hơn

Những dòng tranh dân gian:
   Nghề in mộc bản đã có từ đời nhà Lý, đầu thế kỷ XI (dùng mộc bản in sách), đến thời nhà Hồ, vua Hồ Quý Ly đã cho in và phát hành tiền giấy trong dân gian gọi là Thông bảo hội sao với các hình vẽ Long (trị giá 1 quan), Phụng (5 tiền), Lân (3 tiền), Quy (2 tiền), đám mây (1 tiền), sóng nước (30 đồng) và rong biển (10 đồng). Như vậy chứng tỏ kỹ thuật in mộc bản của ông cha ta lúc bấy giờ đã khá cao. Tranh mộc bản dân gian có thể cũng đã xuất hiện cùng thời và tiếp tục phát triển qua các triều đại. Ðầu nhà Mạc, thế kỷ thứ XVI, tranh dân gian đã phổ biến ở đô thị và vùng phụ cận. Ðến thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tranh Tết và tranh Thờ đã thông dụng khắp nơi trong nước, từ thành thị đến thôn quê.
   Những nhà sản xuất tranh dân gian trải dài trên khắp đất nước, nhưng tụ điểm nhiều ở miền Bắc và miền Trung. Mỗi hiệu có một kỹ thuật in ấn mộc bản khác nhau, tạo nên những dòng tranh khác nhau về màu sắc và bố cục, nhưng vẫn có những điểm tương đồng: chúc tài lộc, điều lành (tranh Tết), châm biếm cái xấu, sinh hoạt dân gian (xã hội) và tranh thờ (Tôn giáo) điều bắt nguồn từ tư tưởng Phật, Lão và Nho.
   Những nhà làm tranh thuộc miền xuôi được nhiều người yêu thích có Ðông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Kim Hoàng (ven đô Hà Nội), Yên Dũng (Hà Bắc), Kim Bảng, Hoàng Bảng (Hoài Ðức), Vũ Duy, Vũ Lạc (Vĩnh Phú), Nam Chấn, Nam Hoàng, Ðộc Lôi (Nghệ An, Hà Tĩnh), và tranh làng Sình ở Huế chuyên trị về tranh thờ. Miền cao nguyên Bắc phần có tranh Bạch Thông (Hà Tuyên), Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Ðồn (Bắc Cạn), Trùng Khánh, Hà Quảng (Cao Bằng), Ðồng Mỏ (Lạng Sơn). Ngoài ra, miền núi Bắc Việt còn có tranh của các sắc tộc ít người như Cao Lan, Dao, Mèo, Nùng, Tày. . .
   Trong bài viết về tranh cổ dân gian này, chúng tôi chỉ trình bày chính về hai nhà sản xuất tranh Ðông Hồ, Hàng Trống và vài bức tiêu biểu của đôi nhà sản xuất khác mà thôi.

Tranh Ðông Hồ (ÐH) và tranh Hàng Trống (HT):
   Ta hãy nghe chàng trai ở làng Ðông Hồ cất điệu hát Quan Họ rủ rê các cô gái ở làng khác:
           Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
        Có về làng Mái với anh thì về.
          Làng Mái có lịch có lề,
       Có sông tắm mát, có nghề làm tranh.

   Ðông Hồ là một làng nhỏ, bên bờ sông Ðuống, ngày xưa có tên là làng Mái, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng ba mươi cây số về phía Ðông (Trước năm 1945 Đông Hồ có hơn cả trăm nhà làm tranh, nay chỉ còn chưa tới mười nhà). Nội dung tranh của làng này là chúc tụng ba ngày Tết Nguyên đán và phản ảnh những sinh hoạt thôn quê. Ưu điểm của tranh Ðông Hồ màu sắc rất đẹp và bền, không dễ bị phai nhạt bởi ánh sáng và thời gian. Ông Nguyễn Hữu Sam, nghệ nhân tranh Ðông Hồ cho biết: “Giấy in tranh là loại giấy “dó” mặt rất mịn, được hoà quyện với màu sắc cổ truyền tươi tắn từ hoa lá cuả các cây cỏ dễ tìm tại Việt nam, màu son được khai thác từ đất đá của đồi núi, màu trắng óng ánh là tinh chất của mai con sò điệp”.
   Khác với lối in tranh của làng Ðông Hồ, tranh Hàng Trống (HT), (tên gọi chung của khu sản xuất tranh dân gian Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Nón, và Hàng Trống tại trung tâm Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Thứ nhất, giấy và màu của Hàng Trống mua từ nước ngoài (thường là Tàu) nên được khổ rộng và màu tươi. Thứ nhì, tranh thường do nghệ nhân vung bút mực vẽ luôn một mạch lã lước, ngưng bút là xong. Khắc bản gỗ bức đen trắng vừa vẽ, xong in nét vẽ bằng mực, rồi tô màu bằng tay nên tạo nhiều nét đậm lợt khác nhau. Tranh Hàng Trống chủ yếu phục vụ dân thị thành nên tuy tươi sáng hơn nhưng thiếu mất tính giản dị và ngây thơ của tranh mộc bản. Tranh Hàng Trống cũng có một số đề tài như tranh làng Ðông Hồ, tuy nhiên tranh tín ngưỡng thờ cúng vẫn là chủ yếu.Với 21 tranh Ðông Hồ (chúng tôi sưu tập), 37 tranh Hàng Trống (TCViệt Nam), và 11 tranh dân gian khác trích từ sưu tập của Maurice Durand (MD. 1914-1966), chúng tôi tạm chia làm 6 loại tranh cổ dân gian:

1./Tranh diễn sử: Gồm có Hai Bà Trưng (ÐH), Bà Triệu (ÐH), và Cờ Lau Tập Trận (HT).
   Bức Hai Bà Trưng vẽ Trưng Vương cởi voi, có cờ và lộng che, nhắc lại chuyện Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi quan quân nhà Ðông Hán, chiếm được năm mươi sáu thành. Nền độc lập được thâu hồi, Hai Bà xưng vương và đóng đô tại Mê Linh được ba năm (40-43 sau công nguyên).(Hình 1: Trưng Vương cởi voi)


 

   Bức Bà Triệu vẽ Nhuỵ Kiều tướng quân (tức Bà Triệu) cũng cởi trên lưng voi vung hai tay như đang đốc thúc tướng sĩ đuổi đánh quân Ðông Ngô vào năm 248, sau cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng 208 năm.(Hình 2: Bà Triệu)

   Cờ Lau Tập Trận, vua Ðinh Tiên Hoàng, tên thật Ðinh Bộ Lĩnh, con của Ðinh công Trứ, thứ sử Hoan châu. Sau khi dẹp xong 12 Sứ quân, ông lên ngôi vua, đóng đô tại Hoa Lư, đặt tên nước là Ðại Cồ Việt, trị vì từ năm 968 đến năm 979. Lúc thiếu thời, Ðinh Bộ Lĩnh thường cùng trẻ trong làng dùng bông lau làm cờ tập đánh trận. Trong tranh, phe của ông có con trâu đen, bên trái. (Hình 3: Cờ lau tập trận).

2./Tranh diễn Truyện: Gồm có Bích Câu Kỳ Ngộ (HT), Kim Vân Kiều (MD) và Nhị Ðộ Mai (MD).

   Bích Câu Kỳ Ngộ, cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở phường Bích Câu, thuộc huyện Thọ Xương, Hà Nội. Ðây là tên một chuyện thơ viết theo thể lục bát, gồm có 648 câu, không rõ tác giả. Chuyện viết về chàng hàn sĩ Tú Uyên một hôm đi hội chùa Bà Ngô, phố Sinh Từ, Hà Nội, trên đường về gặp một người con gái tuyệt đẹp, Tú Uyên đi theo nhưng đến cửa phía Nam thì nàng biến mất. Về nhà chàng ốm tương tư, sau đi cầu thần, được thần mách bảo chỗ tìm người đẹp. Tú Uyên đến nơi không thấy cô gái mà chỉ thấy một cụ già đứng bán tranh, trong tranh vẽ đúng cô gái mà chàng đã gặp. Tú Uyên mua tranh đem về treo lên tường, ngày ngày nhìn mãi mê. Một hôm đi học về thấy cơm nước đã dọn sẳn, chàng sinh nghi, nên hôm sau rình xem, người trong tranh bước ra, quét dọn nhà cửa sửa soạn cơm nước.Tú Uyên mừng rỡ, vào gặp mặt, hỏi ra nàng tên Giáng Kiều, là tiên nữ từ trời xuống. Ðôi bên kết duyên vợ chồng. Sau ba năm ân ái, Tú Uyên bỏ bê cả việc học hành còn đam mê rượu chè, Giáng Kiều khuyên mãi không được, nhiều khi còn bị chàng ngược đãi, đánh đập, nên nàng buồn khổ, biến mất. Khi Tú Uyên tỉnh rượu, tìm mãi không thấy vợ đâu, ngày ngày âu sầu, hối hận, toan tự kết liểu cuộc đời. Giáng Kiều xuất hiện, chàng hứa ăn năng hối cải, vợ chồng lại sống đầm ấm như xưa, và sinh được một đứa con trai. Tú Uyên nghe lời vợ khuyên, chăm lo học đạo và luyện phép tiên, sau khi con lớn, cả hai vợ chồng cởi hạc bay về trời. (Hình 4: Bích câu kỳ ngộ)

BichCauKyNgo 450

   Kim Vân Kiều là bộ sách gồm có 4 cuốn in bằng mộc bản của Thanh Tâm Tài Nhân, bên Trung quốc, đầu thế kỷ XVII. Thi hào Nguyễn Du (1765-1820), hiệu Tố Như, nhân đọc bộ truyện này, cảm hứng, phóng tác thành thơ lục bát, gồm có 3254 câu, đổi tựa đề thành Ðoạn Trường Tân Thanh. Tố Như đã đưa ra luận đề “ Tài mệnh tương đố”, rồi dùng nhân vật trong truyện để biện thuyết cho mình:

Kieu 450

          Trăm năm trong cõi người ta,
       Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

   Thúy Kiều, một người con gái con nhà khuê các, nhưng vì cha bị vu oan nên nàng phải phụ lòng người yêu Kim Trọng, bán mình chuộc cha. Sau mười lăm năm gian truân, và nhờ vào cái thiện tâm của mình mà Thúy Kiều đã đoàn tụ với gia đình và sum hợp với người yêu. Cuộc đời của Kiều quá truân chuyên, khi lọt trong tay Mã Giám Sinh, lúc lại làm thiếp Thúc Sinh, may được Từ Hải cứu vớt, Từ Hải chết, Kiều nhảy xuống sông Tiền Ðường, rồi được sư Giác Duyên vớt v,v. . .Những người theo Nho học cho là Kiều thiếu trung trinh, nên có câu:

         Ðàn ông chớ đọc Phan Trần,
       Ðàn bà chớ đọc Thúy Vân, Thúy Kiều.

   Tranh mộc bản Kim Vân Kiều chỉ in có 4 bức theo lối tứ bình, trình bày những đoạn quan trọng của câu chuyện: (Hình 5: Đoạn Trường Tân Thanh)
Tranh I, hình trên: Cuộc gặp gỡ giữa Thúy Kiều và Kim Trọng; hình dưới: Kim Trọng mời Thúy Kiều chơi đàn.
Tranh II, hình trên: Thúy Kiều theo Mã gám Sinh về Lâm Tri; hình dưới: Kiều lánh nạn trong chùa Quan Âm.
Tranh III, hình trên: Từ Hải ngỏ lời cầu hôn với Kiều; hình dưới: Thúy Kiều và Từ Hải xét xử những kẻ độc ác.
Tranh IV, hình trên: Kim Trọng và Vương Quan thi đỗ, làm quan; hình dưới: Kim Trọng gặp lại Thúy Kiều và cưới nàng làm vợ.

   Nhị Ðộ Mai (Hoa mai nở hai lần) là một tác phẩm thơ chữ Nôm, khuyết danh, viết theo thể lục bát, phỏng theo sách Tàu “ Trung hiếu tiết nghĩa nhị độ mai”, ngắn hơn Ðoạn Trường Tân Thanh 372 câu. Truyện nêu lên quan niệm sống và hành xử của người xưa, chủ yếu phải gìn giữ tam cương ngũ thường. Kẻ gian tà, ác độc, dẫu đắc ý một thời, nhưng cũng sẽ bị trời tru đất diệt; người trung hiền dù trải bao nguy khó rồi sẽ được tai qua nạn khỏi.
   Nhân vật chính của truyện là Mai Lương Ngọc con của Mai bá Cao (tri huyện Lịch Thành dưới triều vua Ðường Ðức Tôn (780-805) là một vị quan thanh liêm, cương trực) và Hạnh Nguyên ái nữ của Trần Ðông Sơ (quan văn) .Triều đình nhà Ðường lúc bấy giờ có hai tên gian thần là Lư Kỷ và Hoàng Tung sàm tấu với vua là Mai bá Cao, Trần Ðông Sơ và Phùng Lạc Thiên (quan văn) cưởng lệnh vua không chịu xuất quân dẹp giặc Thát làm loạn ở biên thùy nên Bá Cao bị chém đầu, Ðông Sơ và Lạc Thiên bị cách chức đuổi về quê quán. Lương Ngọc lẩn trốn, cải đổi tên họ và vô tình ẩn náu nhà Ðông Sơ. Ðến ngày giỗ của Mai Bá Cao, họ Trần thiết lập hương án, bày lễ vật ra vườn khấn bái, van vái Trời Phật, nếu dòng họ Mai chưa tuyệt hậu, xin hoa mai nở đều. Sau đó chốc lát, trời tự nhiên nổi cơn giông gió khiến hoa mai bị rụng sạch, bay tung theo gió. Ðông Sơ chán nản cho là điềm xấu, tính đi tu. Hạnh Nguyên xin cha cho nàng khấn nguyện một lần nữa xem sao. Ba ngày sau, hoa mai trong vườn nhà họ Trần lại nở rộ một lần nữa. Ðông Sơ vui mừng, cao hứng cho mở tiệc ăn mừng và làm thơ ngâm vịnh. Bỗng ông phát giác có bài thơ ai gắn trên tường ký tên là Hỉ Ðồng nên gạn hỏi, sau mới rõ Hỉ Ðồng chính là Mai Lương Ngọc, con trai Bá Cao.
   Ðông Sơ vui mừng, lưu giữ Ngọc để cùng học tập với Trần Xuân Sinh, con trai của ông và còn tỏ ý muốn gả Hạnh Nguyên cho chàng.

NhiDoMai 450

   Lư Kỷ muốn diệt luôn Trần Ðông Sơ nên tâu với vua đem con gái Ðông Sơ gả cho rợ Thát thì giặc được yên, vua nghe theo liền hạ lệnh đem Hạnh Nguyên cống rợ. Trên đường đi, Hạnh Nguyên tìm cơ hội nhảy xuống sông trầm mình để giữ tròn trinh tiết với người yêu, may sao lại được Châu Bá Phù (Tuần Án tỉnh Hà Nam) cứu vớt (Phù là học trò cũ của Phùng Lạc Thiên). Họ Châu nuôi dưỡng Hạnh Nguyên và cho nàng bầu bạn với con gái của ông là Vân Anh. Trần Ðông Sơ bị hạ ngục, Lương Ngọc và Xuân Sinh cũng phải bôn tẩu. Lần nữa, Lương Ngọc cải tên thành Mục Sinh may mắn được gặp Phùng Lạc Thiên và được ông giới thiệu cho Bá Phù giúp đỡ để trau dồi kinh sử, chờ khoa thi tới và ngỏ ý gả con gái là Vân Anh. Ở đây Mục Sinh lại trùng phùng với Hạnh Nguyên. Phần Xuân Sinh thì được Khâu Khôi (Ðề Ðốc) nuôi dưỡng và định gả Vân Tiên, ái nữ của ông cho Sinh. Về sau hai người đều thi đỗ, Lương Ngọc là Trạng Nguyên, Xuân Sinh Bảng Nhãn. Gian thần hại tôi trung bị bại lộ và bị xử trảm, hai họ Mai Trần được vinh hiển. Lương Ngọc cưới Hạnh Nguyên làm chánh thất và Vân Anh thứ thất. Xuân Sinh thành hôn với Vân Tiên và Ngọc Thư, con gái của lão thuyền chài đã cứu Sinh khi bị hoạn nạn.

NhiDoMai2 450

    Tranh mộc bản Nhị Ðộ Mai cũng có bốn bức, mỗi bức mô tả những cảnh khúc chiết trong truyện.(Hình 6: Nhị Độ Mai)
Tranh I, phiên tòa ở hòang cung xử án trung thần Mai Bá Cao.
Tranh II, cảnh chia ly giữa Hạnh Nguyên và Mai Lương Ngọc.
Tranh III, Hạnh Nguyên chia tay với đoàn hộ tống.
Tranh IV, Ðám rước cuối cùng tháp tùng các nhân vật trong truyện.

3./Tranh Sinh Hoạt thôn quê: Gồm có Chợ quê (HT), Công việc nhà nông (HT), Canh nông (ÐH) và Nghỉ ngơi giữa buổi bừa(ÐH).

   Tranh Chợ quê cho ta thấy tính chất của mộc bản cổ truyền là nghệ thuật dân gian không có theo luật viễn cận, hàng hóa đủ thứ cùng người mua kẻ bán xa gần bằng nhau, tranh cho ta cảm giác ta đến trước từng giang hàng, hòa mình với những người đang trả gía món hàng, cùng lời mời gọi của người bán.(Hình 7: Chợ quê)

   Tính chất thứ hai khi chúng ta xem bức Công việc nhà nông (Hình 8) của Hàng Trống và Canh nông(Hình 9) của Ðông Hồ, tuy hai nhà làm tranh khác nhau nhưng cả hai đều có chung một đề tài và cùng vẽ khắc tất cả mọi công việc đồng áng: Từ lúc cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, mang về trước sân cùng nhau đập lúa, xay lúa, giả gạo, vừng sàn, và cả gia súc, bay, chạy trong sân. Những sinh hoạt trong tranh kéo dài từ ba đến bốn tháng, được thể hiện như một cuốn phim sinh hoạt đồng áng mộc mạc và sống động.

4./Tranh châm biếm: Chúng ta có 5 bức tranh thuộc về thể tài này đều của Ðông Hồ, đó là Ðánh ghen, Hứng dừa, Ðám cưới chuột, Thầy đồ cóc và Trê cóc.

   Tranh Ðánh ghen: (Hình 10) Thời nào cũng có đàn ông mặc dù đã có vợ nhưng cũng thích lã lước đôi chút khiến vợ nhà nổi tam bành lục tặc, giở máu Hoạn Thư, đi kiếm tình địch đánh ghen. Ghen cũng có ba bảy cách, ghen mà không làm mất mặt chồng, không hại người mà chồng vẫn biết hối lỗi quay về là ghen khôn, còn ghen theo kiểu người đàn bà cầm kéo trong tranh thì chắc chắn chồng phải kinh hoàn mà bỏ đi luôn! Vì thế mà:

          Thôi thôi bớt giận làm lành,
       Xấu chàng hỗ thiếp chẳng danh gía gì!

Hay: 

          Dưa chua nấu với gà đồng,
      Thử chơi một ván xem chồng về ai


   Tranh Hứng dừa (Hình 11) chú ý người đàn ông trên cây dừa, một tay giữ tàu dừa cho mình khỏi rơi, tay kia đang xách hai quả dừa khiến chúng ta nghĩ rằng trọng tâm của bức tranh là ở đây, như vậy tiêu đề phải là “Hái dừa”, hay “Bẻ dừa”? Nhưng không, người đàn bà đứng dưới đất đang tung váy lên để hứng dừa của người đàn ông sắp buông xuống mới là chủ đích, nàng hăng hái đến nổi phô hai vế chân trắng nỏn nà: Trong như ngọc, trắng như ngà (Nước dừa trong như ngọc, hai đuồi của nàng trắng như ngà). Hai người đàn ông khác đứng bên gốc dừa cười khoái trá. Góc trên bên phải bức tranh còn ghi hai câu khá dí dõm, ý nói cả hai vì tham cái lợi nhỏ mà quên cái qúy lớn mình đang có:
           Khen ai khéo dựng nên dừa,
       Ðây trèo đấy hứng cho vừa một đôi.

Ba bức còn lại là tranh vẽ nhân cách hóa súc vật.

   Tranh Ðám cưới chuột (Hình 12): Một đám cưới nhà chuột, hai con đi đầu phải mang chim và cá để biếu con mèo (mèo nhận hối lộ tất nhiên không còn đánh phá đám cưới), kế đến là ban nhạc, sau ban nhạc là Tân lang (chú rể) cởi ngựa có kẻ cầm lọng theo hầu, tới chú mang bản Ðả thê, cuối cùng là cô dâu chít khăn ngồi trên kiệu hoa do bốn chú chuột khiêng. Ngẫm nghĩ chuyện đời, nhà chuột quả nhiên khéo léo thật!

   Bức thứ hai Lão oa giang độc (Thầy đồ cóc) (Hình 13), vẽ một lớp học ngày xưa, thầy đồ cóc ngồi trên sập gụ nghe một con cóc trả bài, trong khi con khác đang mang nước đến. Góc trên bên phải, cóc Trưởng tràng và Giảng tràng đang dạy cho chú học trò mới. Góc dưới một chú cóc lười đang bị đánh đòn. Ðây là hình ảnh của nền Nho học vào thời kỳ suy thoái!

   Bức thứ ba Trê cóc (Hình 14), vẽ quan tòa là cá chép đang nằm trên sập gụ. Cóc đi kiện, hai tay dâng đơn truy tố trên đầu, cũng có đầy đủ Lý dịch và các nhân chứng là cá, tôm, cua. Trong tranh còn ghi câu của quan xử:
           Giỏ ai quai nấy dành dành (rành rành: rõ ràng)
       Gương vây, giơ thách tranh hành chẳng xong.
   Trê cóc nguyên là truyện thơ nôm lục bát khuyết danh, dài 398 câu, kể rằng cóc sinh được một bầy nòng nọc ở dưới ao, vì nòng nọc có đuôi nên giống cá trê con. Một con cá trê lớn thấy vậy nghĩ rằng không có con ruột thì con nuôi cũng tốt, bèn lùa nguyên bầy về nuôi. Cóc kiếm bầy con mãi không thấy sau phát giác cá trê lớn bắt giữ, bèn đâm đơn kiện trê, nhưng trớ trêu lại do cá chép xử, và đám quan sai ăn hố lộ của trê nên cóc thua kiện. Sau cóc nhờ ếch chỉ dẫn đến hỏi nhái bén láu lỉnh nhiều kinh nghiệm. Nhái bén thong dong bảo cóc đừng kiện cáo phiền phức, trê nó dại cứ để nó nuôi, mai mốt nòng nọc lớn, đứt đuôi nhảy lên bờ thì xong việc:
           Ðành thầy gửi gỉa hội đồng
       Ðứt đuôi nòng nọc thì công viên thành

5./Tranh Thờ: Trong kho tàng tranh mộc bản dân gian, tranh thờ chiếm hơn một nữa tổng số lượng. Nghiên cứu tranh thờ, ngoài việc tìm hiểu nghệ thuật cổ truyền còn có thể cho ta thấu hiểu được đời sống tâm linh của người xưa.

   Tranh hương chú , dán phiá trong cùng bàn thờ (Hình 15). Tranh Chữ “THẦN” (Hình 16) nền đỏ thiếp nhũ vàng

   Tranh thờ rất đa diện, tùy theo tín ngưỡng và niềm tin của mỗi sắc tộc trong cộng đồng 54 dòng tộc Việt nam. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ trình bày giản lược dựa vào những tranh Hàng Trống và Ðông Hồ, chưa đề cập đến các sắc tộc Tày, Nùng, Thái v,v…

   Tranh thờ liên quan đến Phật giáo như Phật Tam Thế (Hình 17), sự tích Bà Chúa Ba chùa Hương, sau tu thành Quan Âm Diệu Thiện ( Hình 18)

   Ông Ác (Hình 19), Ông Thiện (Hình 20)

   Thập điện Diêm Vương (Hình 21)

Tranh thờ liên quan đến linh vật như Bạch Hổ, Hắc Hổ. Ngũ Dinh (ngũ hổ hình 22)

Tranh thờ liên quan đến các vị thần linh theo truyền thuyết dân gian như Mẫu Thượng Ngàn tức Bà Chúa An Bình, con gái thần Tản Viên.(Hinh23)

Tam thanh (Hình 24), Ông Hoàng Ðệ Nhất (Hình 25),

Chầu Thoái Phủ (Hình 27).

   Tranh thờ có liên quan đến Lão giáo như Tử vi Trấn trạch (Hình 28: sao Phúc Tinh, thần của sự giàu sang, đuổi ma qủy), Huyền đàn Trấn môn (Hình 29: thần của sự giàu có, thần Bắc khu, canh cửa).

6./Tranh Tết: Tết về nhớ bánh chưng xanh,
             Nhớ tràng pháo chuột nhớ tranh lợn gà


   Tranh Tết thường được các hoạ sĩ dân gian vẽ theo hai đề tài đó là chúc tụng và những sinh hoạt vui chơi trong lễ hội Tết.

   Tranh hội Tết như Múa Lân (Hình 30, ÐH), Múa Rồng (Hình 31, ÐH),

Ðấu Vật (Hình 32,ÐH), Bịt mắt bắt dê (Hình 33,HT),

   Rước Trống (Hình 34, ÐH). Tất cả được thể hiện bằng những đường nét khá mộc mạc, ngộ nghĩnh và rất sống động. Chẳng hạn như tranh Ðấu vật, những chàng lực sĩ đô vật với cái bụng phình to như bụng ông phổng đá, lỗ rốn lớn hơn cả cái miệng, và bộ ngực núng nính như đấu vật Nhật bản. Trung tâm tranh là ba cặp đang quần thảo: một cặp đang quàng cổ, cài chân, cặp bên phải đang ghì đầu, nắm tay địch cố kéo cho mất thăng bằng, cặp ở trên lại ôm chân, lót vai tính nhấc bỗng đối phương, tất cả đều là kỹ thuật của đô vật.
   Tranh Bịt mắt bắt dê cũng không kém ngây ngô và sống động. Nó ngây ngô ở điểm các đứa trẻ tóc còn để ba vá và chỉ cao bằng chú dê có hai cái sừng nhọn hoắc thì làm sao mà đủ sức bắt được dê. Nhưng như chúng tôi đã trình bày trong phần tranh thờ và bức tranh chợ quê đó là cái đặc trưng của tranh dân gian, vật gì muốn phô diễn chính thì vẽ lớn hơn, không chú tâm đến luật cân đối và viễn cận.

Tranh chúc tụng lại có nhiều thể loại.

   Tranh chúc làm ăn tấn tới, gia súc đầy nhà như Gà đàn ( Hình 35, ÐH), Lợn đàn (Hình 36, ÐH):

          Lũ trẻ con mãi ngắm bức tranh gà,
      Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
(Ðoàn văn Cừ)

   Cá chép trông trăng (Hình 38, Lỳ Ngư vọng nguyệt) đây cũng là đề tài Tết Trung thu.

   Tranh chúc Tết có tính cách chung như Vinh Hoa (Hình 39, ÐH) vẽ em bé bụ bẩm ngồi ôm con gà cồ kế bên là hai đóa hoa sen và ghi hai chữ “ Vinh hoa”.

   Phú Quí (Hình 40, ÐH), cũng vẽ em bé tròn trịa, hai tay ôm con vịt, cạnh bên là hai đóa sen và đề hai chữ “Phú quí”.

   Bức Tam đa (Hình 41, HT), vẽ ba ông Phúc, Lộc, Thọ đều to lớn hơn các bà vợ, người nào cũng áo thụng cao sang. Ông Phúc đội mũ cánh chuồng, ông Lộc cầm một túi tiền, bồng một đứa cháu, trong khi ông Thọ râu tóc trắng như bông, tay cầm trượng, tay kia nâng bình rượu-hay là tiên dược trường sinh chăng; trước họ là ba đứa trẻ kháu khỉnh, nét mặt tươi sáng.

   Nhà nào giàu có mà vẫn chưa có con trai để nối dõi tông đường (Theo xưa thì “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, một đứa con trai kể là có con, mười cô con gái vẫn tính là không) nên người ta tặng tranh Thất Ðồng( Hình 42) bức tranh vẽ bảy đứa bé đang leo trèo bao quanh cây đào đã có nhiều trái lại còn lắm hoa, ngoài việc chúc gia chủ có nhiều con trai còn chúc vui tươi trường thọ và hạnh phúc. Theo truyền thuyết hoa đào còn trừ ma qủy.

   Ðôi khi nhà nhiều con trai mà chẳng có con gái thì lại mua tranh Tố Nữ(Hình 43) về treo, cầu mong có thêm con gái để mai sau có đủ cháu nội ngoại, vui nhà vui cửa hơn. Ta hãy nghe nữ sĩ Hồ Xuân Hương vịnh tranh Tố Nữ:
           Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình,
       Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
          Ðôi lứa như in tờ giấy trắng,
       Ngàn năm còn mãi cái xuân xanh. . .

   Nếu đã có con trai đang chăm lo đèn sách thì người thân lại tặng tranh Tiến sĩ xuất thân, Tạo sĩ hiển hồi (Hình 44): Tiến sĩ về bên văn, Tạo sĩ là Tiến sĩ Võ, ý chúc mai sau con cháu học hành tấn tới, thi cử đổ đạt.

   Bức tranh con Công (Hình 45) đang xòe cánh xanh với những chấm tròn đen, viền vàng cùng với những đóa hoa màu đỏ nhụy vàng là tranh chúc thiên hạ thái bình, muôn dân an lạc.

   Bức tranh Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Hình 46) của hiệu Vĩnh Lợi là tranh chúc tụng đặc biệt, mang ý nghĩa người và của đều sinh sôi nẩy nở, phát đạt hơn lên. Tranh này còn hàm chứa ý nghĩa sâu xa của dịch lý, thứ nhất, tranh vẽ hai đứa trẻ đứng lộn đầu với nhau, nhưng có thể thấy hai đứa trẻ khác: đứa trên đang nằm đâu lưng đứa dưới, đó là hai mà thành bốn, bốn nhưng lại có hai.

   Nhìn kỷ em bé đứng, tay trái “cầm dấu Âm Dương của Phục Hy (tượng trưng sự hòa hợp), lưng mang bầu rượu (giàu có và nhàn hạ), chân đứng trên lưng con rùa (trường thọ). Bé kia tay phải nắm dây dắt rùa, tay trái cầm cành hoa (tươi đẹp), và lưng mang cuốn sách (kiến thức uyên thâm-intelectual)

   Tranh Trâu Sen(Hình 47) là một cách diễn tả cái Tâm trong thiền học. Kẻ hành giả tu thiền mới đầu cái tâm còn chưa tịnh, như con trâu chưa thuần tánh, không ăn cỏ lại hay ăn lúa nhà nông. Khi trâu không còn bị xỏ muỗi, như tâm của hành giả đã tịnh. Người và trâu trong tranh đều ung dung tự tại, an nhàn. Hơn nửa, người xưa thường nói “Đàn khảy tai trâu”, ý nói trâu không nghe được nhạc, một cách nói bóng bẩy chỉ những người khó dạy. Nhung con trâu trong tranh Trâu Sen lại nghễnh đầu lắng nghe tiếng sáo của bé đang ngồi trên lưng mình.
   Tranh chúc Tết lại còn được viết bằng chữ lớn, trong những nét của chữ ấy lại vẽ nhiều cảnh trí khác nhau như tranh chữ “Phúc” và chữ “Thọ”.

Tranh chữ “Phúc” (Hình 48)bên trong vẽ 24 gương hiếu thảo theo chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu. Truyện này do Quách Cư Nghiệp, một học giả đời nhà Nguyên (1279-1368) viết về hai mươi bốn người con hiếu thảo ngày xưa bên Tàu. Sau bộ truyện được Lý văn Phức(1785-1849), một công thần ba triều của nhà Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Ðức) diễn ra Quốc âm, viết theo thể song thất lục bát.
   Nhị Thập Tứ Hiếu gồm có:

  1. Vua Thuấn đi cày ruộng cho cha để được lòng người kế mẫu nhờ có voi thần đến giúp, sau được vua Nghiêu nhường cho ngôi vua và gả cho hai nàng công chúa là Nga Hoàng và Nữ Anh.
  2. Văn Ðề, con của Hán cao tổ Lưu Bang, mặc dù đã làm vua vẫn chăm lo mẫu hậu đau yếu, thường nhà vua phải đích thân nếm thử thuốc trước khi dâng mẹ, sợ có người hảm hại.
  3. Tăng Tử, người nước Lỗ, học trò giỏi nhất của Khổng Tử, lên núi kiếm củi bán để nuôi mẹ già. Một hôm có người cần gặp Tăng Tử, mẹ ông muốn gọi con về, liền cắn ngón tay, Tăng Tử đang trên núi, thấy lòng quặn đau, biết là mẹ cần mình, vội vả chạy về.
  4. Mẫn Tử Khiên, học trò Khổng Tử, sinh vào thời Xuân Thu, xin cha tha tội cho người mẹ kế đã bạc đãi mình, để người kế mẫu còn phải chăm sóc hai em cùng cha khác mẹ.
  5. Tử Lộ, người nước Lỗ, học trò Khổng Tử, nhà nghèo, ông thường gánh gạo hàng trăm dặm lấy tiền về nuôi cha mẹ.
  6. Diễm Tử, sinh vào thời nhà Chu, mẹ ông già yếu lại thèm sữa hưu, ông thường phải giả dạng hưu lấy sữa về nuôi mẹ.
  7. Lão Lai Tử, người nước Sở, sinh thời Xuân Thu, khi ông được 70 tuổi, cha mẹ ông vẫn còn sống, không muốn song thân thấy mình già nua sẽ buồn, ông thường mặc áo sặc sỡ, làm hề cho cha mẹ vui.
  8. Ðỗng Vinh, người đời hậu Hán, vay tiền nặng lải để lo tang ma cho cha, sau phải đi dệt vải để trả nợ thì có tiên xuống giúp cùng dệt nên xong sớm, nhờ vậy ông dứt nợ sớm.
  9. Quách Cự, người đời nhà Hán, chôn con để dành gạo cho mẹ ăn, nhưng trời thương trong khi đào hố chôn con thì gặp hủ vàng, nên cả nhà hạnh phúc.
  10. Khương Thị, người đời Hán, vợ là Băng Thi, cả hai vợ chồng tìm nước và cá ngon dâng mẹ.
  11. Thái Thuận, người đời Hán, mồ côi cha từ nhỏ, không có cơm cho mẹ, nên vào rừng hái dâu, chia ra bên chín dành cho mẹ, bên sống mình ăn, sau được Xich My cho gạo và thịt về nuôi mẹ.
  12. Ðinh Lan,người đời Hán, tạc tượng cha mẹ để thờ.
  13. Lục Tích, người đời Ðông Hán, dấu quít để dành dâng mẹ.
  14. Giang Cách,người đời nhà Hán, cõng mẹ chạy giặc.
  15. Hoàng Hương, người đời Ðông Hán, mùa đông sưởi ấm cho cha, mùa hè quạt mát cho cha ngũ ngon.
  16. Vương Thôi, người nước Ngụy, biết mẹ khi còn sống sợ sấm sét, nên khi mẹ ông chết, cứ mỗi khi trời mưa sấm sét, ông nằm che trên mã, nghĩ rằng mẹ ông sẽ bớt sợ.
  17. Ngô Mãnh, người đời nhà Tấn, nhà nghèo không mùng, nên để muổi cắn mình thay cho mẹ.
  18. Vương Tương, người đời Tống, nằm trên tuyết để bắt cá dâng cho kế mẫu, dù lúc nào bà cũng bạc đãi ông.
  19. Dương Hương, đời nhà Tấn, đánh cọp cứu cha.
  20. Mạnh Tông, người đất Giang hạ, thời Tam quốc, vì mùa đông kiếm măng cho mẹ không có, ông ngồi khóc , măng mọc lên, một loại măng tre to và mềm, nên ngày nay măng này có tên là Mạnh Tông.
  21. Du Kiềm Lâu, người nước Tề, nếm phân đắng ngọt để chữa bệnh cho cha.
  22. Ðường Thị vợ họ Thối, mẹ chồng già rụng hết răng, lấy sữa mình nuôi mẹ chồng.
  23. Châu Thọ Xương, người Tống, từ quan, lặng lội tìm mẹ.
  24. Hoàng Ðình Kiên, đời nhà Ðường, dù làm quan Thái Sử, vẫn một mực chính tay chăm sóc mẹ già.

   Vậy có phúc có nghĩa là có đông con nhiều cháu mà con cháu hiếu thảo, phụng dưỡng ông bà cha mẹ , bằng không nhiều con cháu, vẫn chưa phải là có phúc.

 

   Tranh chữ “Thọ”(Hình 49) tranh này vẽ 28 chòm sao theo như trong tử vi đẩu số là Nhị Thập Bát Tú. Có khi tranh vẽ 28 vị tao nhân, mặc khách nổi tiếng bên Tàu. Ngụ ý sống thọ là sống thanh nhàn, ung dung tự tại, ngao du sơn thuỷ, không cần phải giàu, nhưng không phảỉ nghèo đói, ăn mày ăn xin, quần aó rách rưới không đủ che thân thì thọ cũng chẳng thú vị gì.

   Tranh mộc bản dân gian thường là tranh bán chạy trong dịp cuối năm, khi mà mọi nhà sắm sữa mừng Tết và đón xuân năm mới. Cho dù tranh thờ, tranh truyện, tranh gà v,v, khi sơn phết lại nhà cửa, thì người ta cũng thay đổi những bức tranh mục rách bằng những tấm tranh mới, màu sắc tươi nhuận hơn. Ngay cả nhà tranh vách đất, hay vách bằng nan tre đan, tối tăm, treo lên vài bức tranh Tết, tranh truyện sẽ thấy nhà cửa ấm áp, sáng sủa, điểm thêm cành đào hay chậu mai, lêu nghêu cây niêu trước nhà là thấy ngay không khí Tết và xuân. Ngày Tết là thời gian đoàn tụ gia đình, chẳng những giữa những người sống mà còn là họp mặt ông bà tổ tiên và con cháu (Ðêm ba mươi cúng rước ông bà về cùng với gia đình, sang mùng ba lại cúng tiển ông bà).
   Tranh dân gian cổ truyền cũng như những bộ môn kịch nghệ truyền thống hát Bộ, bài Chòi, Cải Lương, Quan Họ ... nếu chúng ta không trân trọng yêu quý gìn giữ, bảo tồn và truyền bá thì con cháu chúng ta không hiểu, tất nhiên sẽ không thích và những bộ môn này sẽ đi dần vào quên lãng.

Bửu Hồ

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Philippe Le Failler. L’EÙcole Francaise d’Extreâme-Orient aø Hanoi: 1900-2000, Rrgardscroiseùs sur un sieøcle de recherches. Hà Nội, 2000.
Viện Nghệ Thuật; An Chương; Ñaëng bích Ngân. . . Tranh Cổ Việt Nam. NXB Văn Hóa Thơng Tin, Hà Nội, 1995.
Huỳnh Hữu Ủy. Nghệ Thuật Tạo Hình Dân Gian Việt Nam. Hồng Lĩnh, Hoa Kỳ, 1993.
Nguyễn Khắc Ngữ. Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Tranh Mộc Bản Việt Nam. Tủ sách Nghiên cứu Sử Địa, Canada,1988.
Trần Trọng Kim. Đại Nam, Hoa kỳ. (Khoâng ghi năm)
Trịnh vân Thanh. Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Tự Điển. Gia Định, 1967.
Nguyễn hữuu Sâm. Tập tranh mộc bản Đông Hồ, Bắc Ninh.
Hoàng Nam, Ðặng Nam. Tranh Dân Gian. Hà Nội, 1995.