"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít"

** Quang-Trung **

 

Tấm Lòng Của Một Vị Vua 
 

Vua Duy-Tân (1900-1945) tên thật là Vĩnh-San, lên ngôi năm 1907 lúc 7 tuổi. Năm 1916 khi mới 16 tuổi, nhà vua có mặt trong cuộc nổi dậy chống thực-dân Pháp nhưng không thành nên bị đầy ra đảo Reunion.  

Ấu quân lên ngôi trong hoàn-cảnh miễn-cưỡng. Mẹ của ngài đã phải năn-nỉ: 
- Tôi van-lạy các ông tha cho con tôi. Tôi không muốn con tôi làm vua.(1) 

Mặc dù còn nhỏ, vua muốn đòi sửa lại hiệp-ước với Pháp giữa sự lo-ngại của triều-thần. Ngài cũng chủ-trương dùng đồ nội-hóa để nâng-đỡ nền kinh-tế của đất nước.(2). 

Một lần viên toàn-quyền trở lại từ Pháp cung-tiến nhiều phẩm-vật. Vua nhận theo phép xã-giao rồi trao lại cho bà thân-mẫu phân-phát cho hoàng-thân, quốc thích. Ngài không dùng.

Trên bãi biển cửa Tùng, vua hỏi một viên quan theo hầu:
-Tay bẩn lấy nước mà rửa, còn nước bẩn thì lấy gì mà rửa?
Viên quan không trả lời được, ngài giải-thích:

-Phải trục-xuất ra khỏi nước những thành-phần ngoại-nhập thì nước được sạch ngay.(3)
Các thầy phụ-đạo thường bối-rối vì những câu hỏi của ngài. Vua chán-nản với các vị quan được chỉ-định “lèo-lái” ấu-quân, nên ngài thốt lên:
- Không có ông thượng thư nào nghe tôi cả. Tôi làm vua chỉ có hư-danh mà thôi! (4)

Khi ông Nguyễn Hữu Bài, thượng-thư bộ Công hỏi:
- Ngài Ngự muốn đánh Pháp ư? Được rồi! Nhưng Ngài Ngự lấy gì mà đánh Pháp? Ngài Ngự không có tài-chánh, cũng không có quân đội!
 Ngài la to:
- Lúc này chính là lúc xúi nhân-dân nổi dậy, trong lúc nước Pháp đang lâm chiến. (5) 

Năm 1916, vua cùng ông Trần Cao Vân đứng lên khởi-nghĩa chống Pháp. Công-cuộc không thành. 
Tại Mang Cá, viên khâm-sứ người Pháp và viện thần gặp vua khuyên dụ nhưng không có kết-quả. Ngay cả bà sanh mẫu cùng bà phi khẩn-cầu ngài cũng không nghe.
Ngài cương-quyết nói rằng:
- Muốn cưỡng-ép ta làm hoàng-đế nước Nam thì phải coi ta là một ông vua trưởng-thành, bất-tất đặt phụ-chánh và phải giao cho ta đủ quyền-hành một vị vua trực-tiếp giao-thiệp với nước bảo-hộ. (6) 

Cho tới nay, lời của vị vua trẻ năm 8 tuổi còn vang vọng giữa Sông Núi và trong lòng người dân Việt:
“Nếu trong nước có loạn là vì nỗi nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo khó” (7)

 ________________________________________________________________________________________

(1)   Tài-liệu Vua Thành Thái Và Vua Duy Tân dưới mắt thượng-thư bộ lễ Huỳnh Côn (trích dẫn từ Hồ Sơ Vua Duy Tân – Hoàng Trọng Thược)

(2)   “Bất cứ cái gì, ta cũng xài đồ sản-xuất trong nước để nâng-đỡ kinh-tế của mình, chỉ về việc xuất các chính-thức, ta buộc phải dùng xe hơi của Pháp, vì ta không có phương-tiện di-chuyển nào khác” Duy Tân

Lời kể của cụ Ưng Gia, hưu-quan ngụ tại Huế (trích dẫn từ Hồ Sơ Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược)

(3)   Theo Việt-Nam Tranh-Đấu Sử của Phạm Văn Sơn

(4)   Tài liệu về vua Duy Tân của thượng thư bộ lễ Huỳnh Côn (trích dẫn từ Hồ-Sơ Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược)

(5)    Chiến-tranh Pháp-Đức
Tài-liệu về Vua Duy Tân của Huỳnh Côn (trích dẫn từ Hồ-Sơ Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược)

(6)   Tài-liệu của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại

(7)   Báo Cải-Tạo ngày 22-1-1949 (trích dẫn từ Hồ-Sơ Vua Duy Tân của Hoàng Trọng Thược)

 

 

 

Phẩm-Vật Của Trần-Gian -- Nguyễn Hoàng Lãng Du biên-soạn